Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Mỹ Thiếu Phi Công Trầm Trọng, Ngành Hàng Không Loay Hoay Tìm Giải Pháp

 

Phi công trong phòng lái. (Hình minh họa: Noah Seelam/AFP via Getty Images)

MỸ THIẾU PHI CÔNG TRẦM TRỌNG, NGÀNH HÀNG KHÔNG LOAY HAOIY TÌM GIẢI PHÁP 
Người Việt 

WASHINGTON, DC (NV) – Mỹ đang đối mặt với thời kỳ thiếu phi công trầm trọng nhất trong những năm gần đây, khiến ngành hàng không loay hoay tìm giải pháp. Nhiều hãng hàng không phải cắt chuyến bay dù hành khách đang dần quay lại sau hơn hai năm đại dịch COVID-19, theo CNBC.

Giới chức điều hành các hãng hàng không cảnh báo sẽ mất nhiều năm để giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công. Theo ông Scott Kirby, tổng giám đốc United Airlines, ước tính có khoảng 150 máy bay của các công ty hàng không khu vực mà United Airlines hợp tác đang phải nằm sân vì thiếu phi công.

Gốc rễ cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ việc nhiều hãng hàng không tạm dừng tuyển dụng phi công vì dịch COVID-19. Một số công ty khuyến khích phi công và các nhân viên khác của họ bằng lòng nghỉ hưu sớm nhằm cắt giảm chi phí. Hiện giờ khi hành khách quay lại, các hãng máy bay muốn tuyển và đào tạo phi công tuy nhiên thời gian quá gấp rút.

Theo ông Kirby, các hãng hàng không lớn của Mỹ cần tuyển hơn 12,000 phi công trong năm nay, gấp đôi so với dữ liệu hằng năm trước đó.

Tình hình tuyển dụng càng khó khăn hơn với những hãng khu vực, vì tiền lương thưởng không bằng những hãng lớn. Đồng thời các hãng lớn cũng ráo riết săn đón phi công của các hãng khu vực.

Công ty Mesa Air Group, một công ty khu vực hợp tác với American và United, cho biết họ mất gần $43 triệu trong quý vừa qua vì cắt giảm chuyến bay.

Một số hãng hàng không như Frontier và SkyWest tuyển phi công từ Úc theo dạng visa đặc biệt, nhưng con số này vẫn rất nhỏ so với mục tiêu. Còn Republic Airways, công ty bay cho American, Delta và United, tháng trước vừa đề nghị chính phủ cho phép phi công chỉ cần có kinh nghiệm 750 giờ bay là có thể gia nhập hãng. Tiêu chuẩn trước đó là 1,500 giờ bay. Tuy nhiên Cơ Quan Hàng Không Liên Bang (FAA) cho rằng đề nghị này rất khó được thông qua.

Trong khi đó Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa – South Carolina) đang xem xét đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc của phi công từ 65 lên 67. Theo Hiệp Hội Hàng Không Khu Vực, khoảng một phần ba số phi công đạt chuẩn của Mỹ nằm trong độ tuổi từ 51 đến 59, trong đó có 13% phi công sẽ đến tuổi nghỉ hưu trong vòng năm năm tới.

Tình trạng thiếu phi công khiến các hãng hàng không cân nhắc lại kế hoạch phát triển của họ. Chẳng hạn JetBlue Airways và Alaska Airlines gần đây cắt giảm số chuyến bay. Còn SkyWest cho biết họ có kế hoạch giảm đường bay đến 29 thành phố nhỏ hơn.

Việc cắt giảm đường bay có thể cô lập một số thành phố nhỏ của Mỹ. Tuy nhiên theo ông Kit Darby, một tư vấn viên tiền lương phi công kiêm cựu phi công trưởng của United, việc này sẽ mở ra cơ hội cạnh tranh cho những hãng hàng không nhỏ hơn, những hãng vốn không dựa nhiều vào hàng không khu vực như các hãng lớn.

Một trong những trở ngại lớn nhất để đưa ra lứa phi công mới là chi phí đào tạo. Mặc dù tiền lương của phi công trưởng tại những hãng hàng không lớn, lái các phi cơ thân rộng, chở nhiều hành khách, có thể hơn $350,000 một năm, tuy nhiên họ phải trải qua nhiều năm mới đủ tiêu chuẩn này.

Tại trường dạy bay ATP Flight School, các học viên phải mất gần $92,000 cho một chương trình đào tạo kéo dài bảy tháng để lấy được chứng chỉ phi công ban đầu. Sau đó họ cần khoảng 18 tháng hoặc hơn để tích lũy đủ giờ bay.

Hồi Tháng Mười Hai, hãng United bắt đầu đào tạo những lứa phi công đầu tiên tại trường dạy bay của họ. Mục tiêu là đào tạo được 5,000 phi công đến năm 2030. Công ty đài thọ chi phí đào tạo đến khi các học viên nhận được giấy phép, ước tính khoảng $17,000 cho mỗi học viên. Một số đơn vị khác thì dùng các khoản vay lãi suất thấp hoặc những sáng kiến khác để giảm bớt gánh nặng tài chánh cho học viên. (V.Giang) [kn]

Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét