CHƯƠNG I
SỰ TƯƠNG HỢP GIỮA TƯ TƯỞNG ĐẠO NHO VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Mục 3 : KHI NÊN TRỜI CŨNG CHIỀU NGƯỜI
Tố Như tiên sinh đã mượn lời Tam Hợp đạo cô để nói: “Khi nên trời cũng chiều người" (c. 2689).Câu thơ này mang một ý nghĩa đặc biệt. Trời có chiều người nhưng con người phải nỗ lực vì "Có trời mà cũng tại ta" hoặc "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều"(c.420). "Khi nên" là lúc thời cơ đã đến cũng là khi những nỗ lực vượt thoát của Thúy Kiều khỏi màn lưới của số mệnh và nghiệp kiếp gian truân đã thành hiện thực từng bước một:
1/- Ý thức về chính mình hay là ý thức về "quả kiếp nhân duyên":
Khi mượn lời của Đạm Tiên để phác họa bước đường sẽ đi vào chốn đoạn trường của Thúy Kiều sau này, Tố Như đã dựa vào nguyên lý nhân quả và duyên khởi của đạo Phật. Số phận Thúy Kiều đã được định sẵn. Nhiều nhà nghiên cứu dưới góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh (L'existentialisme), đã cho rằng cuộc đời của Kiều quá bi đát vì do nàng tự chọn con đường "dấn thân" đó khi chịu bán mình để có tiền chuộc cha. Đó là con đường tự do trong hoàn cảnh khó khăn mà Kiều buộc phải lựa chọn như GS Nguyễn Văn Trung, GS Lê Tuyên ,nhà phê bình Đặng Tiến, nhà thơ Nguyên Sa... v.v... tìm cách phân tích dưới cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh. Danh từ "dấn thân" là cách gọi của chủ nghĩa hiện sinh khi nói về thân phận con người. Giáo sư Nguyễn Văn Trung đã viết: "Nếu có định mệnh đi nữa, nhưng con người ý thức được sự định mệnh đó và sự ý thức đó bộc lộ con người có tự do; vì con người vừa ở trong cái tất yếu, vừa không phải là tất yếu mới ý thức tất yếu ,định mệnh ;nếu con người chỉ là định mệnh, đồng hóa hoàn toàn với định mệnh như vật giới, làm sao con người biết được định mệnh? Cái khả năng biết được đó ta gọi là tự do. Rất có thể Nguyễn Du không ý thức rõ rõ rệt về tự do như thế, nhưng thái độ của Cụ, thái độ của Kiều luôn luôn biểu lộ những thắc mắc, lo lắng và những phản kháng, những lựa chọn bao hàm con người Nguyễn Du, nàng Kiều là những Tự do "[1]
Trở lại với cách nhìn của Nho giáo và đạo Phật, thân phận của Thúy Kiều bị số mệnh (theo đạo Nho) và nghiệp quả (theo đạo Phật) trói buộc. Nhưng nếu chỉ nhìn ở một góc hẹp như thế sẽ không thấy và gián tiếp phủ nhận những nỗ lực vượt thoát và vươn lên của Thúy Kiều qua nhiều khúc quanh của đời người trong mười lăm năm đoạn trường! Kinh nghiệm đời sống với bao nhiêu hoạn nạn, khổ đau, gian hiểm mà Kiều chịu đựng là một bài học đắt giá để tạo được hạnh phúc và niềm vui thú cho đời nàng về sau. Đồng thời, muốn đạt được lý lẽ huyền vi của đời sống, sự từng trải và kinh nghiệm sống luôn luôn cần thiết. Đạt đến và thấu rõ nó bằng vào sự khổ ải và biết bao gian nguy của mình, bài học đó mới có giá trị thực sự. "Khi nên" là thời điểm chín mùi sau bao nỗ lực vượt thoát khỏi số mệnh. Nhà sư hay đạo cô Tam Hợp đã nhận xét rất chí lý khi nỗi đoạn trường mà Kiều phải cam chịu và gánh vác bởi vì: "Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra"(c.2656). Đồng thời, cũng do cái tính của Kiều nữa: "Lại mang lấy một chữ tình /Khư khư mình buộc lấy mình vào trong"(c.2661,2662).Mình buộc lấy mình là do thân nghiệp đã làm nên cái Tính và cái Tính đó đã tác động lên đời Kiều . Nhưng với Kiều " Khi tỉnh rượu ,lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa" (c.1233,1234) là những bước đi của tâm thức Thúy Kiều để từ đó "thức tỉnh" dần số kiếp của mình. Từ sự thức tỉnh đó, Kiều đã nhìn thẳng vào số phận: "Cũng liều nhắm mắt đưa chân?Mà xem con tạo xoay vần đến đâu!" (c.1115,1116). Mạnh Tử há không khuyên các môn đệ:
“Nhân chi hữu đức tuệ thuật trí giả, hằng tồn hồ sấn tật. Độc cô thần, nghiệt tử, kỳ thao tâm dã nguy, kỳ lự hoạn dã thâm, cố đạt” (Mạnh Tử - Tận Tâm Thượng, mục VXIII)
人之有德慧術知者,恆存乎疢疾。獨孤臣,孽子,其操心也危,其慮患也深, 故達”。孟子 – 盡心上)[2]
(Người có đức, tuệ, thuật, trí thường là do khổ sở hoạn nạn mà có. Chỉ những kẻ cô thần, nghiệt tử lúc nào cũng cần giữ bên lòng sự nguy hiểm, bụng dạ mình thường lo nghĩ sâu xa, nên mới đạt đến lý lẽ trời đất).
Vả lại,việc ý thức được “tính trời” nhờ sự từng trải, khổ đau, Thúy Kiều mới chứng nhận được cõi lòng của mình sau khi đã đi đến tận cùng của phận người.
Nhờ vậy, đến lúc tái hợp với người xưa, dạo lại những cung bậc của chiếc hồ cầm ("Hiên sau treo sẵn cầm trăng"- c.467) gây duyên giữa nàng Kiều và chàng Kim thuở nào, tiếng đàn giờ đây đã “đầm ấm”, đã “dương hòa”, đã “xôn xao” và “vui vầy”, khác hẳn những tiếng đàn bạc mệnh của những năm xưa cũ hay trong bước đường luân lạc phong trần.
2/- Tiến trình biện chứng để đi đến sự an lạc, vui vầy của Thúy Kiều:
Nguyễn Du đã cho thấy một tiến trình biện chứng rõ rệt đặt trên nền tảng căn bản của đạo Phật theo diễn trình của câu chuyện đời Kiều. Khái niệm "vô thường" hay nói theo cách của Tố Như là sự "tẻ vui" như khái niệm đau khổ và hạnh phúc ,tử và sinh ,chia ly và tái hợp bóng tối và ánh dương... v.v... Tố Như đã sắp xếp và lập đi lập lại theo từng bước của ý thức, theo những suy nghĩ của Kiều song song với những khổ lụy của kiếp phong trần cho đến khi Kiều nhận ra (hay là "giác ngộ") nguyên do của số kiếp "bởi tại lòng này" hoặc "cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra". Chúng ta có thể sắp xếp như sau:
- Đề: “Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao (c. 494)
- Phản đề: “Tẻ vui cũng một kiếp người (1193)
- Hợp đề: “Tẻ vui bởi tại lòng này (3209)
Chúng ta cũng có thể thấy tương quan biện chứng đó dưới một hình thứ khác:
TÀI ---> MỆNH ---> TÂM (才 à 命 à 心)
Như Mạnh Tử, bậc Á thánh của đạo Nho đã viết: Biết hết cái tâm mình là biết hết cái tính của mình và biết được cái tính của mình là biết trời vậy (Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính giả. Tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ - Mạnh Tử. Tận Tâm thượng) hoặc: Giữ gìn cái tâm,nuôi dưỡng cái tính ,tức là thuận theo trời (Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã) [2]. Thêm vào đó, chúng ta cũng nhận thấy Nho giáo từng chủ trương muốn xét đoán bất kỳ điều gì, trong đó có số mệnh con người cần phải ý thức, phải để cả tâm hồn trong sự việc hầu có thể thấy rõ nguồn cơn. Nếu kẻ nào:
“Tâm bất tại yên thị chi bất kiến” (Đại học, VII)
心 不 在 焉 是 之 不 見 (大學) [3]
Nghĩa là tấm lòng không để ý vào công việc thì có nhìn cũng không nhận thấy, không thể hiểu biết gì cả. Song ở đây, nàng Kiều đã nhiều lần ý thức được thân phận của mình, nhất là sau khi nếm trải những đắng cay khổ nhọc:
“Khi tỉnh rượu lúc tàn canh (c. 1233)
Giật mình mình lại thương mình xót xa.”
Chính nhờ thế Thúy Kiều mới nhận chân được thân phận của mình cũng như nàng đã từng ít nhiều để tâm hồn nhìn lại cái tính và cõi lòng của mình. Điểm hơn người của nàng Kiều cũng do bởi nàng thường xuyên nhận biết đời mình và cả một mệnh số đang chi phối đời mình. Đã bao lần nàng cố gắng thoát khỏi màng lưới đó nhưng nào thoát được. Điều quan trọng không phải là thoát khỏi lưới “thiên mệnh” nhưng phải tùy thuận thiên mệnh và thấy được thiên mệnh. Thấy được thiên mệnh do ở lòng người mà ra.
Phải chăng khi chứng đắc sự thật “Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra” (c. 2656), giờ đây Kiều đã tạo được cho mình một sự “trung hòa” với chính mình và cuộc đời, hòa giải được một bên là “tính trời”, một bên là “kiếp người” với bao nỗi đoạn trường xót xa, khổ nhiều hơn vui hoặc có chăng chỉ là “vui là vui gượng kẻo là”? (c. 1247).Một số học giả dù không mượn chủ nghĩa hiện sinh khi đánh giá đời Kiều cho rằng nàng đã chấp nhận số phận đoạn trường ngay khi bước chân vào con đường đau khổ đó ! Nhưng khi tìm hiểu cặn kẽ hơn, như đã trình bày ,chúng ta thấy rõ Thúy Kiều đã bao lần tìm cách vượt thoát số phận chứ nàng không hề đầu hàng nó!
3/- Sự sống và cái chết qua thân phận và thân nghiệp của Thúy Kiều:
Đạo Nho cũng chủ trương người ta sống ở đời ngoài cái mệnh, cái tính còn có sự sống và sự chết. Tất cả bốn đặc chất này đều được lấy ra từ đạo Trời Đất, do trời đất biến hóa sinh ra:
“Phần ư đạo vị chi mệnh, hình ư tính nhất vị chi tính. Hóa ư âm dương tượng hình nhi phát vị chi sinh, hóa cùng số tận vị chi tử. Cố mệnh giả tính chi thí dã, tử giả sinh chi chung dã, hữu thỉ tắc tất hữu chung hỹ”. (Khổng Tử gia ngữ: Bản mệnh giải, XXVI)
分於道謂之命,形於性一謂之性,化於陰陽象形而發謂之生,化窮數盡謂之死。故命者性之始也,死者生之終夜,有始則必有終矣。[4]
(Chia một phần ở trong đạo tự nhiên của trời đất ra gọi là mệnh, ở cái lý nhất quán ai cũng như ai gọi là tính, biến hoá ở âm dương mà thành ra có tượng có hình gọi là sinh, hóa đến cùng, số hết, gọi là tử. Cho nên mệnh là cái bắt đầu của tính, tử là cái cuối cùng của sinh, có cái bắt đầu ắt có cái cuối cùng vậy).
Chính vì lẽ sinh hoá của trời đất như vậy nên Kiều khi đi đến tận cùng của sự sống đối mặt với cái chết (dương / âm) trên sông Tiền Đường lại được tái sinh, được cứu vớt để bắt đầu lại một cuộc đời mới, chấm dứt số mệnh thương đau oan trái. Nếu tử là cuối cùng của sự sinh, là cái chết của cuộc sống đoạn trường mà Kiều tìm tới thì trong sự tử tất phải có sự sinh theo lẽ biến hóa của trời đất của âm dương: SINH - TỬ - SINH. Dĩ nhiên, Kiều phải đi đến cái cuối cùng, uống cạn ly rượu đời mình, nàng mới có thể từ trong sự chết để lại bắt đầu đời sống mới.Kinh Dịch của trung Hoa thường đề cập đến nguyên lý “cùng tắc biến” , đó là lẽ huyền vi của đạo trời đất tự nhiên:
“Đời người đến thế thì thôi,
Trong cơn âm cực, dương hồi khôn hay” (c. 2645)
"Âm cực" và "Dương hồi" trong "Lưỡng nghi" của Kinh Dịch là một dấu ấn quan trọng của Nho giáo được đưa vào để tô điểm cho cuộc đời Thúy Kiều. Cuộc đời của Kiều tưởng như đã chết trên sông Tiền Đường nhưng thế do “công đức” của chính mình đã gieo rắc, đã đem cõi lòng của mình xây đắp nên đã được vãi Giác Duyên cứu được đúng như dự đoán của Tam Hợp đạo cô. Khi Tố Như tiên sinh viết: “Tâm thành đã thấu đến trời” (c. 2717) thì đức thành đó là do chính Kiều đã sống hết lòng thành thật của mình để báo đáp công cha hay đã cứu giúp nhiều nhân mạng khỏi cuộc chinh chiến mà “Đống xương vô định đã cao bằng đầu” (c. 2494). Nếu hiểu một cách rộng rãi ý niệm Trời天 và ý niệm Đạo 道của đạo Nho thật ra chỉ là một mà thôi. Do đó, nhờ tấm lòng thành của chính mình, Kiều đã được cứu khỏi bước phong trần, và cũng nhờ “tâm thành” nên Kiều đã được ông Trời thương xót, đã “thấu đến trời” và đã hiểu rõ được lẽ đạo, lẽ sống. Sách Trung Dung đã cho thấy:
“Thành giả tự thành dã, nhi đạo tự đạo dã”(Chương 25)
誠 者 自成 也,而 道 自 道 也。[5]
(Việc gì muốn thành công thì tự mình phải thành tâm, đường đi (đạo) cũng do tự mình mà ra)
Tâm thành của Kiều là thành tựu có được là do nỗ lực vượt trội “thấu" đến trời cao, đạt đến được đạo, như Nho giáo thường nói, là do chính “đức dày” (c. 2715) mà nàng đã tạo dựng nên khi sống trong kiếp ba đào khổ lụy.
Ngoài ra, khi nói về cái chết , hiểu theo nghĩa chấm dứt một cuộc đời, một “kiếp người”, Nguyễn Du tiên sinh cũng đã viết:
“Thác là thể phách còn là tinh anh”. (c. 116)
Nói khác đi, tiên sinh cũng quan niệm một khi người ta chết rồi không phải là hết, nhưng vẫn còn cái thần hồn tồn tại trong vũ trụ, trong không gian. Do đó, nếu những người chết sinh thời là “những đấng tài hoa” hơn người thì phần ‘tinh anh” còn lại ấy càng “hiển linh”, sáng rõ hơn nữa. Đạo Nho cũng đã chủ trương: “Tử tất qui thổ, cốt nhục tê ư hạ, âm vi dã thổ, kỳ khí phát dương ư thượng vi chiêu minh”. (Lễ ký – Tế nghĩa, XXIV). Chết tức là quay trở về với đất cát, xương thịt tuy bị tan nát dần, nhưng cái thần hồn thần khí vẫn còn trên cõi đời ở nơi sáng rõ cao khiết: "Thác là thể phách ,còn là tinh anh"(c.116) hay chịu sự luân hồi chuyển sang một kiếp khác: "Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai "(c.708)....
Và đây cũng là điều rất tương hợp với thuyết lý nhà Phật: chết không phải là hết, là chấm dứt một sinh mệnh nhưng chuyển hóa sang một dạng khác hay một kiếp khác!
4/- Cái nhìn từ đạo Nho về cách hành xử của Thúy Kiều:
Với Nho gia, Đạo Trời và Đạo Người cũng lại là một, Kiều đã đem hết cuộc đời của mình để giữ vẹn đạo làm người khi thể hiện đức hiếu, trung, nghĩa, tín để báo đáp công ơn sinh thành, trung nghĩa với tình quân như Từ Hải, và giữ chữ tín với Kim Trọng. Đó là một thử thách lớn lao đối với một phụ nữ vì kiếp nạn của gia đình khiến nàng phải đem thân báo đền. Và tấm thân nàng Kiều ,tấm thân người phụ nữ trong bước đoạn trường sẽ chịu đựng biết bao oan nghiệt khổ đau! Nhưng đây cũng chính là điều kiện để vận mệnh đời nàng được đổi thay nhờ vào nỗ lực của riêng nàng, đã "xử kỷ tiếp vật 處 几 浹 物", đã biết hành xử sao cho phải đạo với chính mình và hòa hợp với chung quanh:
“Thành giả thiên chi đạo dã, thành chi giả nhân chi đạo dã”. (Trung Dung - chương 20)
誠 者 天 之 道 也,誠 之 者 人 之 道 也。(中庸)[4]
Đức thành là đạo của Trời, giữ gìn hoàn tất được đức thành ấy lại là đạo của người. Do đó, mọi cố gắng vươn lên hành xử đúng đạo nghĩa của Kiều là do ở công lao của chính nàng. Giá trị thực sự của đời Kiều nên được xét đoán, đánh giá cũng do ở cố gắng và ở nỗ lực vươn lên vượt thoát này. Ông Trời ở đây không sai khiến ai, không đe dọa hay ban thưởng cho ai cả. Há Khổng Tử đã không nhắc nhở chúng ta:
“Thiên hà ngôn tai.
Tứ thời hành yên,
Bách vật sinh yên.
Thiên hà ngôn tai.”
(Luận Ngữ - Dương Hóa, XVII) [6]
天 何 言 哉
四 時 行 焉
百 物 生 焉
天 何 言 哉
Trời có nói gì đâu,
Bốn mùa cứ vận hành như thế
Trăm loài sinh nở như thế
Trời có nói gì đâu!
* * *
Một cách tổng quan, thuyết lý nhà Phật mà Nguyễn Du tiên sinh đưa vào trong Truyện Kiều mặc dầu đã pha trộn rất nhiều những nguồn ảnh hưởng khác từ quan niệm của giới bình dân cho đến những tư tưởng quan trọng khác như đạo Nho, đạo Lão, nhưng không vì thế mà mất hẳn những nét độc đáo, riêng biệt của nó.
A/- Hai nguồn ảnh hưởng Nho và Phật trong ĐTTT:
Cũng như ảnh hưởng Nho giáo đã thay đổi khi được đưa vào Đoạn Trường Tân Thanh, tư tưởng đạo Phật ở đây cũng khoác một sắc thái đặc biệt hơn để có thể dung hợp với quan niệm nhà Nho. Thông thường, các nhà biên khảo chỉ xét riêng từng loại ảnh hưởng của Nho và Phật, và đôi khi đi đến kết luận là hai luồng tư tưởng ấy mâu thuẫn nhau. Song nếu xét kỹ trên mặt lý thuyết, cũng như riêng với Truyện Kiều, cả hai đều nhằm tới cùng một đích điểm, cùng hướng về chữ “Tâm”, như chúng ta đã phác họa bên trên. Dĩ nhiên, tuy cùng nhắm về một hướng đi, nhưng mỗi bên đều giữ được tính chất riêng biệt của mình đúng như tinh thần mà Khổng Phu Tử nhắc nhở:
“Quân tử hòa nhi bất đồng, cường tai kiểu”
君 子 和 而 不 同,強 哉 矯–中庸 [7]
(Người quân tử sống hòa hợp với người chung quanh tuy bất đồng ý kiến, sức mạnh như thế vững vàng thay - Trung Dung, chương 10).
Và nếu đã hòa hợp ở cấp bậc thấp (theo lối hình nhi hạ), thì cấp bậc cao hơn (hình nhi thượng), cả hai đạo Nho và Phật vẫn hòa điệu với nhau, dù rằng tự bản chất nó có sự cấu tạo khác nhau. Phải chăng đó mới chính là yếu tính của chân lý nghĩa là nơi gặp gỡ của mọi dị biệt tư tưởng? Xét trong Truyện Kiều, quả thật Nguyễn Du đã ít nhiều cho thấy điều này, song lối giải quyết của ông được đặt ở một tư thái mà ảnh hưởng của đạo Phật vượt trội lên trên, dù một vài điểm căn bản của nó được rút ra từ đạo Nho. Như đã từng đề cập, nhìn từ nhãn quan Nho gia thì số mệnh, thân phận của nàng Kiều chẳng qua là do trời xanh hay thiên mệnh định đoạt bên cạnh bản tính cố hữu của chính nàng. Một cách tương hợp, thay vì qui kết số phận Thúy Kiều hoàn toàn do thiên mệnh, hoặc “muôn sự tại trời”, Nguyễn Du đã đưa vào đó những nguyên lý về Nghiệp (Karma) và Luân hồi, trong đó có luật Duyên khởi và lý thuyết Nhân quả. Theo đó, cuộc đời khổ ải ba chìm bảy nổi của Kiều là do cái nghiệp mà nàng đã gây ra từ kiếp trước. Nói khác hơn, cuộc đời phong trần của nàng chỉ là hậu quả mà nàng phải gánh chịu do gây nhân từ trước. Trong quan điểm thông thường của đạo Phật, Nghiệp là một thứ nguyên lý vắng “cái ngã”, nghĩa là nó không có người tác tạo gây nhân và cũng không có người nhận chịu nếm quả. Tất cả đều do các uẩn chuyển biến hiện thành, kết hợp hoặc tan biến mà ra, cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh; cái này không có nên cái kia cũng không có; cái này diệt nên cái kia diệt. Thành thử, nghiệp và luân hồi tương thông với nhau theo định luật nhân quả và tất cả đều nằm trong vòng sinh hóa của các nhân duyên. Giữa dòng sinh hóa ấy “cái ngã” của kiếp trước và kiếp sau không giống nhau, mặc dầu định luật nhân quả cho rằng gieo nhân nào thì gặt quả nấy. Cho nên, Nguyễn Du đã mượn lời Đạm Tiên để nói về sự phối hợp về luật Duyên khởi và Nhân quả: "Âu đành quả kiếp nhân duyên"(c.201) để tạo ra con đường đoạn trường của Thúy Kiều [Thông qua lời tiên đoán và nhìn thấy của Đạm Tiên: "Đã xem trong sổ đoạn trường có tên "(c.200)].Đi sâu vào lý thuyết Nhân và Quả chúng ta nhận thấy đó chỉ là sự kết hợp giữa các uẩn, sự hiện diện của “cái ta” hầu như không được giáo lý đề cập đến. Đưa ra sự kiện này để từ đó chúng ta nhận thấy rằng ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật trong Kiều đã thay đổi khá nhiều mang dấu ấn với chất Trung Hoa so với quan niệm của đạo Phật nguyên thủy.[8]
B/- Đã mang lấy nghiệp vào thân:
Mặt khác, khi đề cập đến thuyết luân hồi và nhân quả của đạo Phật trong Truyện Kiều, Nguyễn Du vẫn thường mượn cách nghĩ của dân gian được truyền lại từ lâu:
“Kiếp xưa đã vụng đường tu, (c. 1195)
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”.
Hoặc:
“Biết bao duyên nợ thề bồi, (c. 705)
Kiếp này thôi thế thì thôi còn gì?
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai”.
Nghĩa tình trong “kiếp này” không đền đáp được, phải đợi đến lúc “tái sinh” ở kiếp sau. Và khi luân chuyển qua một kiếp khác có khi vẫn làm người và cũng có khi phải “làm thân trâu ngựa”. Đó là một quan niệm về luân hồi rất phổ biến ở Ấn Độ và sau này ở các vùng ảnh hưởng của nền văn hóa ấy như Trung Hoa, Việt Nam ...
Nhân vật Thúy Kiều trong Đoạn Trường Tân Thanh được mô tả là nhân vật “thông minh vốn sẵn tính trời”, nhưng trời xanh đã dành sẵn cho nàng một số kiếp long đong và không ai có thể tránh khỏi được màn lưới đó. Nếu trời đất ban cho nàng sự tài hoa, thông minh hơn người thì nàng cũng không nhờ đó để tránh khỏi thân phận đặt để cho mình mà đạo Phật gọi là Nghiệp. Trong phần trên đây, chúng ta thấy tư tưởng đạo Nho nằm ở tư thế biện chứng ba nhịp theo tiến trình câu chuyện ("Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"):
TÀI ---> MỆNH ---> TÂM (才à命à心)
Một cách tương hợp, chúng ta cũng thấy tiến trình biện chứng này đã được Nguyễn Du tiên sinh dẫn dắt với những quan niệm về đạo Phật trong Đoạn Trường Tân Thanh ("Đã mang lấy nghiệp vào thân"):
THÂN ---> NGHIỆP ---> TÂM ( 身 à業 à 心)
Tiến trình biện chứng này chẳng qua chỉ là cách thức giải quyết những mối tương tranh của Tài và Mệnh hoặc Thân và Nghiệp. Ở đây, Nguyễn Du đã cho thấy vai trò của toàn thể thân phận con người khi tiên sinh kết luận:
“Trời kia đã bắt làm người có thân” (c. 3242)
hoặc:
“Đã mang lấy nghiệp vào thân " (c.3249)
Chữ “Thân” ở đây mang một ý nghĩa rộng rãi hơn chữ “Tài” ... có tài hay không có tài rốt cùng cũng phải chấp nhận điều kiện “ hữu thân, hữu khổ” và sinh ra làm người phụ nữ lại càng khổ nhiều bề! Nhưng đó chỉ mới là thân phận làm người do thiên mệnh (Trời kia đã bắt làm người có thân). Bao trùm lên thân phận con người chính là "định nghiệp" như trong giáo lý nhà Phật (Đã mang lấy nghiệp vào thân). Con người tài trí thông minh như Kiều cũng không thoát ra khỏi định luật đó. Đã bao lâu nàng hết sức vùng vẫy, cố gắng thoát khỏi màn lưới của một thân phận đắng cay, chịu bao nỗi dày vò đày đọa. Hơn thế nữa, nhiều cô gái khi vào lầu xanh, vào cõi phong trần đã chấp nhận: “Cũng liều nhắm mắt đưa chân” song với Thúy Kiều, nàng đã dám nhìn thẳng vào số kiếp, vào thân phận của mình để “Xem con tạo xoay vần đến đâu” (c. 1116). Nàng đã ý thức được hơn bất cứ ai trong kiếp phong trần về thân phận khổ đau của mình. Chính lúc đó cái Tài hay sự “Thông minh vốn sẵn tính trời” của nàng mới được thi thố, và sự hơn người của Thúy Kiều cũng ở điểm này. Rõ ràng Thúy Kiều không hề đầu hàng số mệnh hay định nghiệp!
C/- Chữ Tính trong đạo Nho và trong đạo Phật:
Khi phát biểu “Rằng quen mất nết đi rồi”, tiên sinh cho thấy nàng Kiều ý thức được mình đã đánh mất cái tính uyên nguyên thuở nào. Cái “nết” ở đây có thể nói là “Thiên mệnh chi vị tính, suất tính chi vị đạo - Trung Dung" 天命之謂性, 率性之謂 道 - 中庸 [9] ( Bản mệnh con người do trời trao cho gọi là Tính, noi theo cái Tính gọi là đạo...-Trung Dung,chương 1)
Đó là nghĩa chữ "Tính” thu gọn lại trong đạo Nho. Còn "Phật tính" trong đạo Phật là "bản lai diện mục", là cái Bản Tính còn uyên nguyên trong lắng đã bị khuất lấp, mờ nhạt do số kiếp hay thân nghiệp mà Kiều đang trói buộc. Như các kinh Phật vẫn thường nói đến: "Phật ,chúng sinh Tánh thường rỗng lặng, lẽ đạo sâu xa chỉ có thể cảm thông và trực ngộ không thể nghĩ bàn...". Khi Nguyễn Du đúc kết: "Thiện căn ở tại lòng ta" (c.3251), gốc gác của cái thiện lương, sự tốt lành nằm ngay "tại lòng ta" chắc chắn sẽ "rỗng lặng" và chỉ có thể trực ngộ "không thể nghĩ bàn". Chỉ những ai trải qua mới có thể thấu đạt! Vậy đâu là cái Tâm hay cõi lòng của Thúy Kiều? "Cõi lòng" của Thúy Kiều sau bao nỗi khổ đau đã nhận chân được điều gì? Đó là câu hỏi sẽ được tìm hiểu ở những phần sau.
Ngoài ra,theo nghĩa thông thường, chữ “nết” là từ ngữ dùng để chỉ tính tình của con người. Tục ngữ thường có những câu như: “cái nết đánh chết cái đẹp” hoặc “Đánh chết mà nết không chừa”... v.v... đều nói về nhân cách hoặc bản tính của mỗi cá nhân. Nhưng ở đây, nếu chúng ta hiểu chữ “mất nết” như là không còn cái nết của thủa ban sơ chưa vướng bụi trần. Bước vào cuộc sống chung đụng, tiếp xúc với bao con người xã hội, cái "nết" nguyên sơ dần biến đổi “thành nếp”! (Nếu dùng để chỉ tập quán hay thói quen của con người thì ý nghĩa của câu thơ lại khác). Dân gian cũng chỉ cho chúng ta thấy điều này : “Con nhà nề nếp”. Đây là thành ngữ để nói về con cái của những gia đình có truyền thống cố hữu, có khuôn thước theo những tập quán từ trước mà cha ông họ lưu truyền. Thành thử khi Tố Như tiên sinh hạ bút “Quen mất nết” thì câu thơ bao hàm cả hai ý nghĩa: vừa dùng để chỉ một thói quen thành nếp (Quen mất nết) tức là thói quen đã trở nên một thứ bản tính, đúng hơn một thứ bản năng ngụ trong tính tình của Thúy Kiều; đồng thời vừa có nghĩa là những thói quen của cái “nếp” này đã làm mất mát, khuất lấp cái “nết” của con người sẵn có.
Mặt khác, nếu chỉ xét định lẻ tẻ từng câu, chúng ta khó thấy ý nghĩa toàn bộ. Cả hai câu thơ này có liên hệ chặt chẽ nói về cái Tính của Kiều: câu trên mang ý nghĩa chữ Tánh trong nhà Phật như Sơ Tổ Đạt Ma đã đưa ra thông điệp khi sang Trung Hoa truyền tâm ấn: Thấy được Tánh (kiến Tánh) là thành Phật [8] (hay là thành duyên giác, thanh văn, bồ tát). Câu thơ dưới ("Tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao" - c.494) rất gần với ý nghĩa chữ Tính của đạo Nho. Nếu vượt lên trên từ ngữ, chúng ta thấy hai câu thơ này đều nói về “mệnh” hoặc “nghiệp” đang chi phối Kiều cả. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, chúng ta cũng nhận thấy từ ngữ “tẻ vui”, “mất nết” có âm hưởng nhà Phật nhiều hơn. Chữ “tẻ vui” nói rộng ra là tính chất “vô thường” của đời sống và những chặng đường “gió táp, mưa sa” nhiều khổ đau (khổ đế) sẽ giúp được Kiều dần dần hiểu được, “ngộ” ra: dẫu cho “muôn sự tại trời” (c. 3241), nhưng “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều” (c. 420) và như lời sư Tam Hợp đã xác tín “Phúc họa đạo trời, Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra, Có trời mà cũng tại ta”... (c. 2655-2657). Thấy được "Cỗi nguồn" là bước đầu đến với cõi đạo an lạc!
D/- Ý nghĩa của chất Thiền trong giai đoạn tái hợp:
Sau này, khi tái hợp với Kim Trọng, nàng đã tìm lại được “nết” cũ của mình đến nỗi chàng Kim phải biểu lộ sự tôn kính của mình khi nói “Gương trong chẳng chút bụi trần”. Và chính nàng cũng nhận thấy điều đó khi phát biểu: “Thân tàn gạn đục khơi trong”. – “Gương trong” (minh kính明鏡) hoặc “khơi trong” chính là bản tính cố hữu của nàng Kiều và cũng là thuật từ thường được dùng trong cửa Thiền của Huệ Năng lẫn Thần Tú trong quan niệm về Thiền đạo ở Trung Hoa (Minh kính diệc phi đài/Huệ Năng - Tâm như minh kính đài/Thần Tú) [10]. Nói khác đi, đó cũng là cái Tính, cái “bản lai diện mục” mà Kiều đã thức ngộ được sau bao lần tìm kiếm và hiểu biết nhiều về nó. Chỉ đến lúc thấu hiểu cái Tính và nhận rõ "cõi lòng" hay cái Tâm đích thực của mình ,nàng mới trả lời được câu hỏi về số kiếp của mình.Nói theo thuật ngữ nhà Phật ,Thúy Kiều trải qua cuộc đời mười lăm năm đoạn trường chịu bao nỗi nhọc nhằn, phong ba bão táp đã từng bước "đáo bỉ ngạn 到彼岸" đến bên bờ an vui. "Kiếp đoạn trường" là một kiếp nạn thử thách con người Kiều (Này thôi hết kiếp đoạn trường là đây - c.2622) để "Khi nên trời cũng chiều người" . Nàng đã "hết kiếp đoạn trường" do chính nỗ lực của mình khiến cho "trời cũng chiều người". Mặt khác, gọi là từng bước vì Thúy Kiều nhận ra "Cỗi nguồn cũng ở lòng này mà ra" sau bao năm tháng đoạn trường. Dù không mong muốn nhưng nó vẫn là cái "quả kiếp nhân duyên" (c.201) giúp nàng "tiệm ngộ"(thấy dần dần), thấy từng bước cõi lòng của mình như cách thiền sư Thần Tú chọn con đường tu tập của mình[11]. Đạt đến bờ an vui, bỏ lại những khổ lụy của kiếp đoạn trường, Thúy Kiều đã nhận ra lẽ sống và thấu hiểu lẽ sống với bao nhiêu khổ đau là hiểu được lẽ đạo. Tiếng đàn "đầm ấm dương hòa" "êm ái xuân tình" "lọt tai" "xôn xao" "vui vầy" (từ c.3199-3209) đã thể hiện niềm an lạc của Thúy Kiều khi giải thoát được cảnh đoạn trường. Nói theo Khổng Tử: "Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo" (Trung Dung, chương 13) [12] .Đạo không xa người. Con người làm cho đạo xa người, không còn là đạo nữa. Và đó cũng là cách nhìn của Thiền để nhìn nhận sự chứng đắc của Kiều ngay trong hiện kiếp này. Chỉ những ai từng trải và chứng nghiệm mới thấu đáo con đường đã đi vì rằng "đoạn trường ai có qua cầu mới hay" như dân gian vẫn thường nói! An vui theo cách nhìn của thiền không phải ở đâu xa! Đạt đến đạo là biết sống an vui cũng như cách hành xử thấu lý đạt tình của Kiều khi tái hợp. Lẽ đạo nằm trong sự an vui như thế nơi Thúy Kiều cũng tỏa ra từ tiếng đàn tái hợp, từ phong cách trong sáng khi đối đáp với Kim Trọng hay người thân và từ phẩm cách cao đẹp của chính nàng mà Kim Trọng đã nhận ra :
Hoa tàn mà lại thêm tươi, (c.3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa!
Có điều chi nữa mà ngờ.....
Chỉ dưới kiến giải của tư tưởng thiền tông và hãy cùng với Nguyễn Du suy ngẫm, đọc Kim Cương Bát Nhã ba La Mật Tâm Kinh (Bài: Lương Chiêu Minh Thái Tử Phân Kinh Thạch Đài / Bắc Hành Thi Tập/ Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du), chúng ta mới có thể nhận ra những ẩn ngữ trong những câu thơ trên! [Nguyễn Du: "Ngã độc Kim Cương thiên biến linh....." Ta đọc Kinh Kim Cương trên ngàn lần...
- - - - - - - - - -
[1] Xem: Lê Tuyên, Thời gian hiện sinh trong Đoạn Trường Tân Thanh,Tạp chí Đại Học, số 9/1959, Nguyễn Văn Trung, Đặt lại vấn đề truyện Kiều hay phê bình phê bình văn học /Chân dung Nguyễn Du, NXB Nam Sơn, Saigon, 1960; Đặng Tiến, Vũ Trụ Thơ, NXB Giao Điểm, Saigon 1972; Nguyên Sa, Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do, Tạp chí Sáng Tạo th. 12/1957.
[2] Mạnh Tử Tập II, dịch giả Nguyễn Thượng Khôi, Trung tâm Học Liệu, BGD XB, Sài Gòn 1972, Mạnh Tử Quyển Chi Thất, tr. 304 & tr. 327.
[3] Khổng Tử, Đại Học (Chu Hy chương cú), dịch giả Phạm Ngọc Khuê, Bộ Giáo Dục TTHL XB, Tủ sách Triết học, Saigon 1967, tr.38
[4] Trần Trọng Kim, Nho Giáo, Bộ Giáo Dục XB, Q.1, Sài Gòn, 1971, tr.55
[5] Khổng Tử, Trung Dung/ Tứ Thư, dịch giả Đoàn Trung Còn, NXB. Khai Trí, Saigon 1962, Mục 20, tr.76, tr.50 và tr.42
[6] Khổng Tử, Luận Ngữ/Tứ Thư, dịch giả Đoàn Trung Còn, NXB Khai Trí, Saigon 1962, Chương mười bảy: Dương Hóa, mục 18,tr.279
[7] Xem Trung Dung /Tứ Thư, sđd chương 10, tr.50
[8] Walpola Rahula, Con đường thoát khổ, dịch giả Thích Nữ Trí Hải, Tu thư Đại học Vạn Hạnh XB, Saigon 1966, tr.119
[9] Xem Trung Dung/Tứ Thư, sđd, chương 1, tr.40
[10] Xem: D.T Suzuki, Thiền Luận, Q.Thượ ng, Trúc Thiên dịch, An Tiêm XB, Saigon 197 , tr.278, 279: Sơ tổ Đạt Ma
[11] Xem: D.T.Suzuki, Thiền Luận, sđd, tr.323, 324, 325: Lục Tổ Huệ năng
[12] Xem Trung Dung, sđd, tr.54
Dương Anh Sơn
Chữ viết tắt : sđd: Sách đã dẫn
(Lần đến: AHĐPTĐTTT: Phần 2, Chương 1, Mục 3 và 4)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét