Bút ký - THƯƠNG NHỚ CHẬP CHÙNG
Điệp Mỹ Linh
Nhìn
quanh phòng, nếu không có ảnh của Randy William Rhoads – American heavy
metal guitarist – treo trên tường, chắc chắn không ai có thể biết đây là
căn phòng của một “tay” chơi nhạc rock
có bản lĩnh. Khi dòng chữ “chơi nhạc rock
có bản lĩnh” vừa thoáng qua trong trí, Ngọc tự hỏi không hiểu nàng có bị mặc cảm
“con hát mẹ vỗ tay” khi nghĩ đến Khiêm – con trai út của nàng – như vậy hay
không; nhưng quả thật, lúc nào Khiêm thực tập, Ngọc cũng cảm thấy chóa mắt khi
nhìn vào những hàng, khoảng chi chít notes
nhạc.
Là một người chơi đàn không chuyên nghiệp, không thể nào
Ngọc đọc được “rừng” notes nhạc ấy
theo kịp những ngón tay thoăn thoắt của Khiêm trên phím guitar. Những lúc thực tập, mắt Liêm chớp nhanh, đôi mày nhíu lại,
cổ thẳng đứng, đầu “gật” nhè nhẹ theo từng temps
fort. Ngọc nghĩ, nếu núi lửa bùng nổ sát cạnh nhà có thể Khiêm cũng chắng
biết; vì Khiêm đang tập trung tất cả tư tưởng vào notes nhạc, phím đàn và âm thanh.
Hôm ghé đưa chi phiếu trả học phí của Khiêm cho Jack –
giáo sư dạy nhạc riêng cho Khiêm – Ngọc mới được Jack cho biết:
- Hết tháng này, tôi sẽ không thể tiếp tục dạy Khiêm được
nữa.
- Jack dời đi đâu hay là Khiêm làm điều gì phật ý Jack?
- Không. Khiêm rất giỏi và ngoan. Một thanh niên vừa theo học
đại học lại vừa học thêm âm nhạc mà Khiêm học nhanh quá! Những hiểu biết của
tôi về nhạc rock tôi đã dạy Khiêm hết
rồi.
- Nếu anh không thể dạy Khiêm được nữa thì, tại thành phố
này, anh biết ai dạy về nhạc rock,
làm ơn giới thiệu giùm.
- Những người dạy nhạc rock
ở đây rất hiếm; trình độ của họ cũng tương đương với trình độ của tôi thôi. Tôi
nghĩ, với năng khiếu và dáng vóc của Khiêm, nếu có điều kiện, bà nên cho Khiêm
học tại một trường dạy nhạc có tầm cỡ quốc tế thì Khiêm sẽ thành công rất nhanh
trong địa hạc mà Khiêm yêu thích.
- Trường nào vậy, Jack?
- Trường này, tôi từng mơ ước được vào học, nhưng điều kiện
không cho phép. Đó là trường Musicians Institute bên Hollywood.
- Hol… ly… wood!
- Vâng! Hollywood! Musicians Institute là một trường âm nhạc
có tầm vóc quốc tế, đã đào tạo không biết bao nhiêu Rock Stars cho nhiều quốc gia. Bà đã tin tưởng tôi, giao cho tôi trọng
trách dạy nhạc rock cho Khiêm thì bà
cũng nên tin tưởng tôi khi tôi có ý thuyết phục bà để Khiêm được thực hiện giấc
mơ của Khiêm.
Thời còn đi học, Ngọc từng ước mơ được trở thành nghệ sĩ
trình diễn; nhưng Ba Má của Ngọc không cho phép. Ngọc buồn lắm! Nhưng khi tuổi
đời càng tăng, Ngọc càng nhận thấy quyết định của Ba Má nàng ngày xưa là một
quyết định sáng suốt. Vì vậy, Ngọc đáp:
- Nhưng Khiêm chưa học xong đại học. Tôi chỉ muốn Khiêm có
bằng đại học trước; còn âm nhạc chỉ để giải trí thôi.
- Thưa bà, đại học ở Mỹ, tuổi nào cũng có thể theo học; nhưng trong địa hạt văn học
nghệ thuật thì tuổi trẻ, sự đam mê và cơ hội thuận lợi mới tạo nên những nghệ
sĩ tài danh.
- Chương trình học ở trường Musicians Institute mấy năm,
Jack biết không?
- Lúc tôi xin theo học thì chương trình là hai năm; nhưng
bà nên liên lạc trực tiếp với họ để biết rõ hơn.
- Tôi phải nói chuyện nhiều với Khiêm và ông nhà tôi. Cảm
ơn Jack.
Lúc nói chuyện với Khiêm, biết Khiêm có ý định đi sâu vào
nhạc rock, Ngọc hơi buồn; vì thấy
hình ảnh những Rock Stars thật tương
phản với bản tính hiền, thiệt thà và ít nói của Khiêm. Ngoài đức tính hiền lành
và dễ dạy, Khiêm lại được sinh trong hoàn cảnh nghèo nàn, thiếu hụt tại vùng
kinh tế mới Long Điền, sau khi Khanh – chồng của Ngọc – được cộng sản Việt Nam thả về sau nhiều
năm tù cải tạo ngoài Bắc. Đó là lý do cả nhà ai cũng biết Ngọc cưng chìu Khiêm
nhiều hơn các anh chị của Khiêm. Khi Ngọc cho Khiêm biết ý nghĩ của nàng, không
ngờ Khiêm trả lời, bằng tiếng Anh “ba rọi”.
- Măng “nay”! Măng “khon” nên đanh gia con ngươi “băng” tocc và ao quân!
******
Cùng Khanh đưa Khiêm đến ghi tên
nhập học tại Musicians Institute, ngay trong lòng Hollywood, California, Ngọc bị
chóa ngợp vì hệ thống tổ chức và phương pháp giảng dạy tại đây.
Musicians
Institute (M.I.) là một tòa nhà đồ sộ, nhiều tầng, có sân khấu và hý viện ngoài
trời, chiếm cứ một diện tích rộng lớn tại 6752
Hollywood Blvd, Los Angeles, CA 90028.
Trên tường,
ngay cửa lớn, thấy hàng chữ lớn: Home of
GIT, BIT, PIT, Ngọc thầm hiểu đó là ba nhạc cụ chính trong một ban nhạc rock. GIT: Guitar Institute of
Technology; BIT: Bass Institute of Technology; PIT: Percussion Institute of
Technology.
Vị giám đốc trường M.I. vừa hướng dẫn Khanh, Ngọc và
Khiêm đi xem từng phòng vừa giải thích: Trường gồm nhiều phòng học, phòng thực
tập, phòng thâu băng/video, phòng hòa
tấu, phòng thực tập trình diễn, phòng ăn, v.v…Mỗi vị giáo sư dạy tại trường này
là một thiên tài sống trong địa hạc nhạc rock.
Mỗi giáo sư dạy và chịu trách nhiệm cho một sinh viên,
trong một phòng riêng, được trang bị video
và nhạc cụ cần thiết cho môn học của sinh viên đó. Trường mở cửa suốt 24 tiếng đồng hồ để sinh
viên – tùy vào thời khóa biểu riêng – có thể đến thực tập bất cứ lúc nào. Trường
M.I. còn đòi hỏi sinh viên phải có trình độ hiểu biết về nhạc lý cũng như xử dụng
nhạc cụ ở mức độ thượng thừa trước khi được tuyển nhận vào M.I.
Nhớ lại những lớp nhạc lý, hòa âm và thực tập mà mình đã
vượt qua khi theo học với Jack, Khiêm rất tự tin. Trong khi mặt Khiêm hớn hở,
môi cứ mỉm cười và mắt ngời sáng vì niềm vui sắp toàn vẹn thì Ngọc lại thầm lo,
không biết Khiêm có được nhận vào hay không. Mặc cảm chủng tộc gợn lên trong
lòng sau khi Khanh và Ngọc xem qua danh sách sinh viên đã tốt nghiệp – từ ngày
trường được thành lập cho đến nay – không thấy tên họ của một sinh viên Việt
Nam nào cả!
Lúc ngồi tại phòng ngoài chờ Khiêm thi khảo hạch, thấy vài
sinh viên người Á Đông, Ngọc đến hỏi thăm, mới biết họ đến từ Nhật, Hồng Kông,
Phi Luật Tân, v.v… Nhiều người da trắng, tóc màu nhưng nói tiếng Anh rất nặng
giọng; vì họ đến từ Pháp, Anh, Bỉ, Úc, Đức, Thụy Sĩ, v.v… Nghĩ đến cảnh Khiêm lạc
lõng giữa những người không cùng chủng tộc, bất giác Ngọc thở dài, thương con
vô cùng!
******
Vừa trộn tô mì gói Khiêm vừa nghĩ, ăn uống như thế này mà có Măng ở đây thì
thế nào cũng bị “cự nự”. Suốt ngày bận học và thực tập tại M.I., Khiêm không cảm
thấy nhớ Mẹ. Bất giác Khiêm thở
dài. Lúc ở nhà, có Măng lo cho mọi điều; bây giờ ở trọ nhà chú thím Châu để đi học, Khiêm chẳng biết làm thế
nào để tự lo cho mình về vấn đề ăn uống!
Trên đường Khiêm lái xe đến lớp dạy nhạc, tự dưng trời nổi
con giông gió và cơn mưa trái mùa trút xuống tầm tả. Khi lái xe ngang qua một
nhà hàng sang trọng của người Ý, Khiêm chợt mỉm cười, nhớ lại, trước khi xin được
việc dạy nhạc, Khiêm đã đến nhà hàng Ý này xin việc làm.
Biết Khiêm vừa đưa đơn xin việc làm tại nhà hàng, Ngọc cản,
bảo Khiêm làm như vậy là tổn thương đến danh dự của Cha Mẹ; bởi vì có đứa con
út mà phải để con đi làm bồi bàn! Khiêm cho rằng lý do Ngọc đưa ra không thực tế.
Khiêm nghĩ, không biết trong giới tài tử, ca nhạc sĩ, những nhà khoa bảng cũng
như những người nổi tiếng ở Mỹ, đã có được bao nhiêu người không qua giai đoạn
làm bồi bàn? Thế thì tại sao Măng không cho Khiêm làm? Tiền học mỗi năm trả cho
M.I. quá cao và – cũng vì quá lo lắng cho Khiêm, không muốn Khiêm phải đi xe bus – Khanh và Ngọc mua ngay cho Khiêm
chiếc xe mới toanh trong khi cả Khanh lẫn Ngọc đều đi xe cũ! Vì thấy rõ sự hy
sinh của Cha Mẹ, cho nên, khi nhà hàng Ý điện thoại, bảo Khiêm đến để phỏng vấn,
Khiêm rất vui mừng.
Bước vào phòng quản lý, Khiêm tươi cười bắt tay, chào hỏi
và hy vọng. Người quản lý nhìn Khiêm, cười, bảo: “Không cần phỏng vấn. Tôi nghĩ anh sẽ làm việc tốt. Tôi mướn anh ngay với
điều kiện anh phải cắt tóc ngắn.” Ý da! Điều kiện gì chứ điều kiện đó là
không được rồi!
Vì nghĩ ngợi miên man và cũng vì mưa xối xả, Khiêm chẳng
thấy được đèn vàng chỗ ngã tư… và… rầm!
*****
Vừa vào nhà, thấy điện thoại có dấu hiệu ai để lại lời nhắn,
Ngọc nhấn nút. Giọng Khiêm có vẻ yếu ớt: “Ba
Măng! Con bị tai nạn. Xe hư nặng, phải để trong shopping center chỗ ngã tư
Paramount và Rosegrant!”
Sau khi gọi lại cho Khiêm và vợ chồng Châu nhiều lần mà
cũng không ai trả lời, Khanh tìm điện thoại của người bạn ở vùng Anaheim, nhờ đến
nhà Châu xem tình trạng của Khiêm và đến địa điểm xe hư để xem xét tình trạng của
chiếc xe.
Trong khi Khanh gọi điện thoại cho bạn, Ngọc đến trước
bàn thờ Phật, quỳ xuống, nước mắt rưng rưng, nhìn lên tượng Phật Quan Thế Âm,
khấn nguyện:
- Nam mô cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tác! Nếu những rủi
ro trong đời có xảy đến, xin Ngài cho con nhận
lãnh những rủi ro đó; xin Ngài che chở/phù hộ cho các con của con!
Điện thoại nhờ bạn xong, Khanh đến thắp nhang, lạy rồi
cũng quỳ cạnh Ngọc. Một chốc sau, Khanh vỗ vai Ngọc, thì thầm:
- Khiêm không sao đâu, em đừng quýnh!
- Nếu Khiêm không bị gì, tại sao nó không trả lời điện thoại
hoặc gọi lại cho mình?
- Thì con nó sợ, nó không dám gọi.
- Nhưng em gọi lại hoài cũng không gặp ai là sao? Có phải
nó ở nhà thương mà chú thím Châu và nó muốn giấu mình hay không?
Khanh cũng hơi lo sau khi Ngọc đưa ra giả thuyết đó. Vừa
khi ấy điện thoại reng. Ngọc chạy xuống nhà bếp. Khanh chạy theo, chụp điện thoại
“allo” trong khi Ngọc nhấn speaker. Giọng người bạn nghe rất rõ
- Tao đến địa chỉ của em mày, không ai ở nhà. Đến xem chiếc
xe, tao thấy đầu chiếc xe nát bét!
Ngọc gần như hoảng loạn:
- Em phải qua đó ngay.
Vừa bước đến computer
Khanh vừa bảo:
- Từ từ để anh vào Google,
lấy số điện thoại, gọi các hãng máy bay.
- Chuyến càng sớm càng tốt, nha, anh!
Trong khi Khanh lo việc vé máy bay, Ngọc xếp quần áo cho
vào va-ly. Một lúc lâu, Khanh bảo:
- Ngọc! Không có hãng máy bay nào còn chỗ cho ngày mai.
- Mình đi xe.
- Đi xe thì đi, em phải bình tĩnh. Em và anh phải gọi vào
sở để lại lời nhắn, nếu không là mất việc!
Vừa đem va-ly ra xe Khanh vừa trấn an Ngọc mà cũng như tự
trấn an chàng:
- Mình ăn ở hiền lành, con mình sẽ được Phật Bà che chở.
Hiện tại mình không thể làm gì được, chỉ
biết cầu nguyện thôi.
Chiếc xe lướt nhẹ trên xa lộ vắng hơn ban ngày. Ngại sự vắng
vẻ làm cho Khanh dễ bị buồn ngủ, Ngọc lấy CD cho vào máy.
Tiếng đàn và giọng hát làm cho sự lo âu trong lòng Ngọc từ
từ lắng xuống. Khi tiếng saxophone “rúc” lên bản Đỗ Quỳnh Hương của Đức Huy, Ngọc
nhận ra ban nhạc chơi bài này theo thể điệu gần giống như Reggae của Jamaica. Âm hưởng
nhạc không trọn, nghe xa vắng lạ lùng. Ở đoạn điệp khúc Ngọc cũng bắt gặp những
biến âm rất lạ, làm buốt lòng người nghe.
Lắng nghe một lúc, Ngọc nhận ra, những biến âm này dường
như nàng đã nghe đâu đó. Phải rồi, trong đoản khúc mà Khiêm thường đàn bằng acoustic guitar cho nàng nghe, lúc Khiêm
học về Kiến Trúc tại University of Houston. Đoạn nhạc của Khiêm tuy êm đềm, tha
thiết, nhưng những biến âm cũng bất ngờ, cũng xa vắng, cũng khác lạ. Lần nào
đàn xong Khiêm cũng nghênh mặt cười, hỏi bằng tiếng Anh:
- Măng thấy sao?
- Rất hay và lạ!
- Măng biết sau khi nghe con đàn đoạn này, ông Jack nói gì
không?
Ngọc lắc đầu. Khiêm tiếp:
- Ông Jack nói đoạn nhạc này mang âm hưởng dòng nhạc của
thế kỷ thứ mười sáu!
- Trời! Măng có biết nhạc của thế kỷ mười sáu như thế nào
đâu!
Trong khi Ngọc nghĩ đến Khiêm với tất cả niềm thương nhớ
thì Đức Huy đang hát một ca khúc khác mà Ngọc không nhớ tựa.
Tiếng hát của Đức Huy khàn khàn làm cho Ngọc liên tưởng đến
giọng khàn và đục của Rod Stewart, Kenny Rogers và giọng hơi khàn nhưng cao của
Andy Gibb.
Nghĩ đến Andy Gibb tự dưng lòng Ngọc chùng xuống vì nhớ
Khiêm và mẫu đối thoại ngắn vào một buổi chiều, sau khi Khiêm đi học về. Bước
vào nhà, Khiêm đi thẳng xuống bếp, hỏi bằng tiếng Việt “ba rọi”:
- Măng! Măng “bét gi hon”?
- Gì, con?
- Ca “xi” của Mommy… “chét ròi”!
- Ai vậy, con?
- Andy Gibb “đô”!
Ngọc tròn mắt ngạc nhiên, nhìn Khiêm rồi lặng thinh trong
nỗi buồn chợt đến. Thấy Ngọc xúc động, Khiêm bẹo má Ngọc:
- Ô! “Tọi nghẹp” Mommy “hon”!
Nói xong Khiêm choàng tay qua vai Ngọc, mỉm cười.
Từ ngày đứa con út xa nhà, Ngọc không có được những giây
phút đầm ấm như vậy nữa. Ngọc thở dài, buồn lặng lẽ.
Nhìn xa xa, Ngọc thấy họ hàng nhà Cactus – cây bàn chải,
cây xương rồng – như đang vươn mình trong những tia nắng đầu ngày để chào đón
Khanh và Ngọc trở lại vùng Arizona thiếu mưa nhưng hực nắng.
Khanh cho xe rời xa lộ, rẽ vào thành phố Phoenix để dùng điểm tâm.
Trong khi ăn sáng, Ngọc đề nghị, trước khi rời Phoenix, Khanh nên chạy ngang nhà cũ xem ngôi nhà thay đổi như
thế nào.
Từ lề đường nhìn vào ngôi nhà xưa, lòng Ngọc vươn buồn.
Cây Arizona shade ngay giữa sân chính là nơi Khiêm ngồi buồn hiu mong bạn vào
chiều sinh nhật đầu tiên của Khiêm, tại Phoenix – sau khi gia đình Khanh Ngọc sang Mỹ theo diện H.O. được vài tháng.
Hôm ấy, sau khi được Khanh và Ngọc cho phép, Khiêm mời ba
người bạn Mỹ cùng lớp, tối đến nhà ăn kem, mừng sinh nhật của Khiêm. Với ánh mắt
ngời sáng niềm vui, Khiêm trải khăn bàn, lấy bốn ly nhựa, bốn muỗng nhựa và mấy
tờ khăn giấy để giữa bàn rồi ra ngồi trên cỏ, dưới gốc cây Arizona shade, chờ bạn.
Chờ từ sáu giờ chiều cho đến chín giờ tối, không ai đến, Khiêm lủi thủi dẹp tất
cả mọi thứ trên bàn!
Thấy Khiêm buồn, Ngọc xốn xang trong lòng nhưng không biết
giúp con bằng cách nào! Cả Khanh và Ngọc phải đi xe bus để đi làm thì xe hơi ở đâu mà đi đón bạn cho con? Nhà cũng
không có điện thoại – vì không có tiền đóng thế chân – thì làm thế nào Ngọc có
thể tìm hiểu được lý do tại sao cả ba đứa bé đều không đến?
Hôm sau, sau khi tan trường, Dana đưa Khiêm và Kirk – con
của Dana – về nhà Ngọc. Ngọc kể lại câu chuyện chiều hôm trước cho Dana và Kirk
nghe. Dana giải thích rằng chính Dana đưa Kirk, Jaden và Steve đi tìm nhà Khiêm
mà tìm không ra; vì đường Walnut bị cắt nhiều đoạn và nhà Khiêm lại không có điện
thoại cho nên Dana không thể điện thoại để hỏi directions! Ngọc hỏi Khiêm tại sao không vẽ lên giấy cho bạn dễ
tìm? Khiêm trình bày:
- Con vẽ trên đất. Nhưng con chỉ biết nói: “You go this way, you go that way…!”
Ngày nào tiếng Anh của Khiêm như vậy; bây giờ, người Việt nào điện thoại hỏi
Khanh hoặc Ngọc, Khiêm đáp: “Dạ, bac
‘wait’, con đi… lái!”(lấy)
Nhớ đến đây, Ngọc thở dài. Hồi đó tuy nghèo, nhưng vợ chồng
và các con chung một mái nhà, cùng nhìn về một hướng tương lai. Bây giờ cuộc sống
đầy đủ nhưng các con tản mác mỗi đứa một nơi và mỗi người nhìn về tương lai bằng
một ý niệm riêng – chỉ có Khanh và Ngọc cùng thấy mái tóc của nhau thưa đi và
trắng dần!
*****
Xe ngừng trên driveway.
Sau một tuần đi chơi xa, các con của vợ chồng Châu nôn nóng mở cửa xe, chạy
vội vào nhà, đập cửa ầm ầm, gọi:
- Anh Khiêm! Anh Khiêm! Mở cửa! Mở cửa!
Châu bảo:
- Nhấn chuông chứ sao lại đập cửa? Anh Khiêm đâu có ở nhà
mà gọi? Xe anh Khiêm không có ở đây, thấy không?
Bất ngờ, Khiêm mở cửa, khom người, đón ba đứa em chú bác
vào vòng tay. Châu cùng vợ xách va-ly vào. Ngồi nơi xa-lông cởi giày, Châu hỏi:
Khiêm! Xe của con đâu, sao chú không thấy?
Khiêm ngại ngùng một lúc rồi kể lại sự việc cho Châu
nghe. Biết Khiêm không hiểu tiếng Việt nhiều, Châu nghiêm giọng, nói tiếng Việt
pha tiếng Anh:
- Con không làm như vậy được! Con phải trực tiếp cho Ba
Măng của con hay là con bình yên để Ba Măng của con khỏi lo.
- Con không dám nói chuyện trực tiếp với Ba Măng của con
đâu.
- Tại sao? Con lầm lỡ thì phải nhận lỗi chứ.
- Dạ, con “bét ròi”.
- Vậy thì con cứ mạnh dạn cho Ba Măng…
Nói ngang đây, Châu dừng lại, nhíu mày rồi tiếp:
- Con không gọi về nữa nhưng tại sao Ba Măng của con không
gọi lại?
- Dạ, con có biết Ba Măng của con gọi lại hay không đâu,
chú! Từ bữa đó đến nay, phần vì sợ, phần vì không có xe và không có ai ở nhà,
con qua ở tạm nhà thằng Scott, trả tiền xăng cho nó, nhờ nó chở con đi học, đi
dạy và đón con về.
- Được rồi! Con gọi về giải thích với Ba Măng con đi.
Khiêm ngần ngừ, dáng vẻ rất ngai ngùng:
- Thôi, chú ơi! Hồi đó Ba của con thường kể câu chuyện Ba
con làm mất cái xe đạp cho nên con sợ lắm!
- Chuyện hồi trước Ba con làm mất cái xe đạp như thế nào?
Có liên hệ gì đến tai nạn của con hay không?
- Da không. Tại vì, hồi đó Ba con thi đậu trung học đệ nhất
cấp, ông Nội mua cho Ba con cái xe đạp. Vài tuần sau, Ba con mê đá banh, quên
khóa cho nên xe đạp bị mất cắp. Về nhà, Ba con bị ông Nội “đét” cho một trận
nên thân! Đó, chú thấy, chỉ mất có cái xe đạp mà Ba của con còn bị đòn như vậy;
bây giờ con làm “tiêu” luôn cái xe hơi thì…cái gì sẽ xảy ra cho con?
Vợ chồng Châu cùng cười cho sự ngây thơ của đứa cháu bị
“kẹt” giữa hai nền giáo dục Việt Mỹ. Châu khuyên:
- Ba Măng của con sống ở Mỹ cũng khá lâu; Ba Măng của con
không hành xử như vậy đâu. Con cứ gọi cho Ba Măng để Ba Măng yên lòng.
Nói xong, vợ chồng Châu vào phòng. Khiêm lặng yên suy
nghĩ.
Vừa xoay người – với ý định lấy điện thoại trên bàn –
Khiêm chợt nghe tiếng cửa xe đóng “rầm”. Tò mò nhìn qua cửa sổ, Khiêm thấy Ngọc
đang vội vã đi vào và Khanh đang mở thùng xe, lấy va-ly. Tiếng chuông cửa xác định
cho Khiêm biết rằng Khiêm sắp phải trực diện với sự thật mà Khiêm đang cố né
tránh. Khiêm mở cửa. Nhưng vì sợ quá, Khiêm đứng nép sau cánh cửa. Ngọc bước
vào, gọi:
- Chú thím ơi!
Không ai trả lời. Ngọc gọi lần nữa. Tiếng Châu từ bên
trong:
- Ai đó? Chờ chút.
Giọng Ngọc trở nên nôn nóng:
- Chú ơi! Cháu Khiêm sao rồi, chú?
Châu chưa kịp đáp, Khiêm rụt rè bước ra từ sau cánh cửa:
- Măng! Con “ne”, Măng!
Ngọc giật mình, tròn mắt. Nhìn từ đầu xuống chân, thấy
Khiêm không thương tích gì cả, Ngọc vui mừng, vói tay lên vai Khiêm – vì Khiêm
rất cao và năng tập thể dục:
- Trời! Con không sao hết hả? Cảm ơn Phật Bà. Tại sao con
nép sau cánh cửa?
- Dạ, con “xơ” (sợ), con… “chón” (trốn) Măng.
Thấy Khanh bước vào, Khiêm sợ quá, quên tiếng Việt, phải nói tiếng Anh:
- Con rất tiếc đã làm hư cái xe của Ba Măng.
- Măng không lo gì về cái xe; Măng chỉ lo cho con thôi.
Khanh nghiêm giọng:
- Cậu có biết là cậu làm cho Măng của cậu rối tâm rối trí
mấy hôm nay hay không?
Khiêm nhìn Ngọc bằng ánh mắt chan chứa tình thương:
- Ô, “tọi nghẹp” Mommy “hon”! I’m sorry!
Ngọc vịn tay Khiêm, cười, lòng quên hết đoạn đường mệt nhọc
vừa qua!
******
Buổi lễ tốt nghiệp của sinh viên trường M.I. được tổ chức
trong hý viện ngoài trời, bên ngọn đồi nhỏ, trong lòng Hollywood. Trong tiếng bass thật ấm, thật rền của ban nhạc rock thời danh, Ngọc thấy khung cảnh
quanh nàng rất vui, rất rực rỡ với những chùm bong bóng và giấy màu bay lơ lửng
trong không gian.
Sau khi ngõ lời nhắn nhủ đến các sinh viên tốt nghiệp, vị
hiệu trưởng của trường M.I. không quên cổ động và khích lệ tinh thần những sinh
viên còn theo học. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường.
Đến phần trao văn bằng cho từng sinh viên, Ngọc nghe xướng
ngôn viên đọc tên sinh viên nào thì người đó bước lên sân khấu – trong tiếng nhạc
rộn ràng và tiếng vỗ tay vang dội – để nhận văn bằng. Này Albert, Anh quốc; kia
Alain, Pháp; nọ, Charles, New York, v.v… Ngọc sốt ruột, quay sang hỏi Khanh:
- Tới vần nào rồi, anh?
- Mới vần G thôi.
Ngọc lại hồi
hộp lắng nghe. Kia rồi:
-Khi…e..m… “We…e…n” (Nguyễn).
Ngọc ngồi thẳng người để nghe cho rõ hai tiếng Việt Nam theo sau;
nhưng lạ chưa, họ dõng dạc đọc Texas!
Bước lên sân khấu, nhận văn bằng,
xong, Khiêm đến bên Ngọc và Khanh với nụ cười tươi. Ngọc lại vói tay lên vai
con, nói nhỏ:
- Chúc mừng con!
- “Cam on” Mommy!
Sau khi lễ ra trường chấm dứt, trên đường ra bãi đậu xe,
Ngọc hỏi Khiêm:
- Khiêm! Con nhớ, trước khi Ba Măng đồng ý cho con sang học tại trường M.I., con đã hứa
với Măng điều gì không?
Khuôn mặt của Khiêm đang rạng rỡ chợt thoáng buồn, giọng
thật nhỏ:
- Da, con “nhó”.
- Lúc nào Cha Mẹ cũng nhìn xa và chỉ mong muốn những điều
tốt đẹp nhất cho con của mình thôi. Con hiểu không? Hồi xưa ông bà Ngoại không
cho Măng trở thành nghệ sĩ trình diễn, Măng buồn. Nhưng, nhìn lại cuộc đời của
Măng, Măng thầm cảm ơn ông bà Ngoại đã sáng suốt khi quyết định không cho Măng đi
vào con đường nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Im lặng. Ngọc tiếp:
- Con thích được học nhạc từ trường M.I. lừng danh này thì
Ba Măng cho con đi học – chỉ với mục đích để con có được môn giải trí thanh
cao. Con nhớ là Măng đã cho con biết: Không phải tất cả mọi người xuất thân từ
trường M.I. đều trở thành Rock Stars.
Dù có trở thành Rock Starts đi nữa
thì, con đường của nghệ sĩ trình diễn chỉ “vinh quang” vào những giờ phút trước công chúng, trong tiếng vỗ tay và
ánh đèn màu. Khi ánh đèn sân khấu tắt đi thì biết bao nhiêu áp lực ùa đến; do
đó, nghệ sĩ trình diễn thường tìm khuây bằng những thói quen độc hại. Con hiểu
ý của Măng chứ? Măng đã giải thích với con trước khi Ba Măng đưa con sang đây
và con cũng đã hứa với Ba Măng là sau khi tốt nghiệp tại M.I., con sẽ trở lại
trường đại học để học cho xong bằng Kiến Trúc. Con nhớ không?
- Con về ghi danh cho kịp học niên khóa này, nha, con!
- Okay.
- Con buồn Măng nhiều không?
- Da, co, “ma it it thoi”!
Ngọc cười, lòng cảm thấy thương con vô vàn!
ĐIỆP MỸ LINH
http://www.diepmylinh.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét