Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Vị Trí Tư Tưởng Đạo Phật Trong Đoạn Trường Tân Thanh

 


ẢNH HƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Thầy Dương Anh Sơn

PHẦN HAI 

VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH 

Mục 4TẺ VUI CŨNG MỘT KIẾP NGƯỜI  

1/ "Tài Mệnh tương đố" nằm trong Nghiệp Thân rộng lớn và sự tỉnh thức của Thúy Kiều   

a- Bắt phong trần phải phong trần (c.3243)  

Khi Nguyễn Du mở đầu ĐTTT với câu: "Trăm năm trong cõi người ta /Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau" (c.2), tiên sinh đã đưa ra một nhận định về đời người: hễ làm người có Tài ắt phải có Mệnh theo thuyết "Tài mệnh tương đố" ( 妬) (tài và mệnh cùng ghét nhau, không ưa nhau) đã tồn tại từ lâu trong đời sống văn hóa Trung Hoa. Thuyết "Tài mệnh tương đố", nếu xét kỹ, chúng ta sẽ thấy Mệnh trời hay số mệnh do trời định đã bao hàm cái Tài bên trong! Trời sinh ra có Tài ắt sẽ có cái Mệnh trời chi phối. 

Những ai cố gắng thay đổi số mệnh bằng vào cái tài của mình sẽ dễ bị tai họa làm gián đoạn: "Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần"(c.3247, 48) Và nói một cách rộng rãi hơn là đã có Thân ắt phải có Nghiệp. Cái Tài của một con người sinh ra đã gắn liền với Thân và Thân gắn liền với Nghiệp một cách chặt chẽ, gắn bó theo định luật nhân quả. Đồng thời, Nghiệp và Thân cũng bao trùm lên Tài và Mệnh. Bởi vậy, rất nhiều lần con người “thông minh”lại nhiều tài năng như Thúy Kiều đã hơn kẻ khác khi sớm nhận ra số phận của mình và rộng hơn là nghiệp kiếp đang chi phối đời mình không thể tránh khỏi: 

Nghĩ thân mà lại ngậm ngùi cho thân     (c.1190) 
Tiếc thay trong giá trắng ngần  
Đến phong trần cũng phong trần như ai      
Tẻ vui cũng một kiếp người "...  

Thúy Kiều khác với các cô gái khác, khi sa cơ tuy "Cũng liều nhắm mắt đưa chân/ Mà xem con tạo xoay vần đến đâu " (c.1115) nhưng nàng vẫn ý thức rất rõ về một Thúy Kiều trước khi lăn lưng vào kiếp phong trần và một Thúy Kiều đang bơi lội ở dòng sông đoạn trường:  

"Xưa sao phong gấm rủ là ,                          (c.1235)   
Giờ sao tan tác như hoa giữa đường "  

Thêm vào đó, dù xưa trước cuộc sống êm ả, sang trọng và bây giờ phải đối mặt với biết bao đòn vọt của cuộc sống cay đắng, Thúy Kiều như nhận ra nghiệp thân của mình là phải gánh chịu ở bất cứ hoàn cảnh nào dù "trong" hay "đục":    

"Đục trong thân cũng là thân "                   (c.1423)   

Kiều đã nhìn thẳng vào số kiếp, vào kiếp người đang bị đày đọa ở chốn phong trần khắc nghiệt. Vì thế, dẫu là "trong" hay "đục", song "thân" vẫn là cái thân phận chịu màn lưới của số mệnh hay của định nghiệp. Nghiệp duyên định đoạt đưa đẩy cho nàng phải chịu "đục". Và khi nghiệp duyên đổi thay nhờ "công đức ấy ai bằng" (c.2687) và  "Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi" (c.2688), sẽ giúp nàng Kiều "thân tàn gạn đục khơi trong" (c.3181)    

Mặt khác, trong những lúc “Ngẩn ngơ trăm mối, dùi mài một thân” (c.1250) hoặc sau những khi “Vui là vui gượng kẻo là” (c. 1247), Kiều đã thấy được một cách bất chợt cả một kiếp đoạn trường trầm luân của mình:   

Khi tỉnh rượu lúc tàn canh                  (c. 1233) 
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.” 

Có "giật mình" và có "thương mình xót xa" chính là lúc Thúy Kiều đối diện với nghiệp thân, để  từ đó Kiều nỗ lực thay đổi hoàn cảnh và số phận của mình. 

Vì thế, để giải quyết bài toán "tài mệnh tương đố" đặt ra bởi những suy nghiệm về "cõi người ta" (c.1) trong tư tưởng học thuật xưa bên Trung Hoa do chịu ảnh hưởng của Nho Lão, Nguyễn Du đã vận dụng tư tưởng đạo Phật. Với sự "thông minh vốn sẵn tính trời" cùng với những nỗ lực tự thân đưa đến sự tỉnh thức khi giáp mặt với oan khiên và biết bao nhiêu khổ đau của mười lăm năm đoạn trường, Thúy Kiều đã đi qua con sông đoạn trường để đến bến an vui:  

"Từ rày khép cửa phòng thu,            (c.3107)
Chẳng tu mà cũng như tu mới là "

b- Cho thanh cao mới được phần thanh cao (c.3244)

Số mệnh hay định nghiệp khắt khe rồi cũng buông tha cho Thúy Kiều nhờ vào "công đức" (c.2687) và nỗ lực thoát khỏi chốn đoạn trường. Giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh và ý nghĩa của đời sống cũng chính ở điểm này. Nói khác hơn, nàng Kiều là một biểu tượng cho thân phận con người đã vượt lên khỏi sự tầm thường để quay trở lại nhìn nhận nghiệp thân của mình và đã tỉnh thức trước số mệnh, trước mệnh trời. 

Nỗ lực của Kiều, tài trí của nàng tuy không thay đổi tức khắc cái nghiệp của mình, nhưng có giá trị đào luyện tâm thức của mình. Mạnh Tử đã cho rằng: “Chỉ có những người cô thần, nghiệt tử lúc nào cũng đối mặt với sự hiểm nguy cùng với lòng dạ suy nghĩ sâu xa mới đạt được mọi sự lý” (Độc cô thần nghiệt tử, kỳ thao tâm dã nguy, kỳ lự hoạn dã thâm cố đạt/ Tận Tâm- Thượng) [1]. 

Trong truyện Đoạn Trường Tân Thanh, Thúy Kiều đã lao vào chốn trầm luân khổ ải để đến khi tỉnh thức ,nàng mới có thể đạt đến một tâm thức bình yên về sau. Vả lại, dù muốn hay không, phủ nhận hay chấp nhận, chúng ta đều nhận chân cuộc đời đầy rẫy sự khổ đau không thể chối từ được tùy vào cái nghiệp của kiếp trước. Nhưng từ sự khổ đau ấy, nếu biết vươn lên và vượt thắng chính cõi lòng mình, con người sẽ đạt đến giải thoát trong một nghĩa bình thường nhất của thuật ngữ này. 

Cuộc đời Thúy Kiều là một chứng minh và thử thách trước bổn nghiệp. Kẻ nào không nghiệm, không trải qua sự khổ sẽ không bao giờ thoát được chính sự khổ. Kẻ nào không chiến thắng được chính mình sẽ không thể vượt qua cầu đoạn trường.Trong Kinh Pháp Cú (Dhammapada), đức Phật đã từng khuyên bảo đệ tử: "Thắng ngàn quân địch chưa thể gọi là thắng, tự thắng được mình mới là chiến công oanh liệt nhất" [2] .

Và thoát được nghiệp bằng cách chấp nhận,thấy rõ được số kiếp và mọi nỗi ràng buộc nó. Khi ý thức được: "Kiếp người đã đến thế này thì thôi" (c.1224); và rộng hơn là tính chất vô thường của đời người: “Tẻ vui cũng một kiếp người” (c.1193), nàng Kiều dễ dàng chấp nhận mọi nỗi xót xa, cay đắng của mệnh trời, của kiếp người. Bên cạnh đó, ít nhiều nàng cũng nhận chân được nghiệp quả của mình: 

Kiếp xưa đã vụng đường tu,                   (c. 1195)  
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!"

Hoặc:   

"Đã đày vào kiếp phong trần,                (c.1273)
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi!"

Và muốn được "xuôi" nàng đành buông thả cho sự đưa đẩy, phải chấp nhận việc bản thân gánh chịu nỗi đau đớn "sao cho sỉ nhục một lần" hay nhiều lần, vì nàng muốn thoát khỏi cũng không được. Suzuki, một học giả danh tiếng về thin học trong tác phẩm The Essence of Buddhism (London 1947)  đã nhận định:

Khi đủ điều kiện, khi cơ duyên chín muồi thì một sự xảy ra bất chấp cả người trong cuộc. Mặt trời mọc là chiếu sáng tất cả cái tốt cũng như cái xấu. Cũng vậy, luật nhân quả tác động cho mọi người, người tỉnh cũng như người mê. Bản thể của luật là vậy ngự trị cả thế giới đạo đức cũng như vật lý”[3]. 

Điều đó cho thấy ý nghĩa của Thiên mệnh và rộng hơn là của Nghiệp kiếp ("Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa" (c.3249,50) đã tác động mạnh mẽ và chi phối đời người. Xét dưới khía cạnh đó, ít nhiều đạo Nho và đạo Phật đã có những điểm tương hợp. Mệnh trời hay Nghiệp duyên đều đặt để con người vào vòng quay hay vào màn lưới của nó. Tuy nhiên, một khi con người thực hiện được điều thiện, gây được nghiệp nhân tốt sẽ có thể thay đổi được mệnh trời (Duy mệnh bất vu thường - Đại Học, XI), đổi được nghiệp quả.    

Vì thế, cách Tố Như nhận xét Thiên mệnh rất khắt khe như "Trời kia đã bắt làm người có thân" (c.3242) hoặc: "Cho thanh cao mới được phần thanh cao" (c.3244) rồi cũng bị hóa giải bởi "thiện căn" mà nhân vật Thúy kiều đã tạo dựng được từ cái Tâm sáng đẹp của nàng. Do đó, nàng đã thoát nghiệp, thoát ra chốn đoạn trường khắc nghiệt!

Mặt khác, đã là người thì không thể thoát khỏi được nghiệp: “Trời kia bắt phải làm người có thân” (c.3242) và có thân nghĩa là phải chịu sinh ra để làm người, nghĩa là phải mắc vào vòng Nghiệp duyên, vì chính ta là Nghiệp. Điều quan yếu là cần phải ý thức, hiểu biết về nghiệp thân đang đè nén trên cuộc đời mình để từ đó vươn lên. Suzuki trong tác phẩm đã đề cập bên trên cũng chân nhận:

Không những nghiệp gói tròn lấy ta mà tự ta, ta còn nhận biết được. Hơn nữa, ta còn có thể nói chính ta là nghiệp, nghiệp tức là ta. Chúng ta đều ý thức thực trạng ấy; và chính nghiệp thức ấy là một đặc ân tâm linh của con người. Đặc ân ấy bao gồm sự tự do, vậy con người có thể thoát nghiệp. Nhưng ta cần nhớ tự do và thoát ly đèo theo trách nhiệm và chiến đấu. Và chiến đấu nhằm tự do gọi là đau khổ. Đời sống con người được đánh giá bằng khả năng đau khổ ấy. Thiếu khả năng đau khổ ấy nung nấu từ ý thức nghiệp chướng, thì không đâu có đủ năng lực cần thiết để chứng ngộ, đưa đến cảnh giới vô sai biệt” [4]

"Con người có thể thoát nghiệp!" Đây cũng là điều mà đạo Nho, nhất là Mạnh Tử đã đề cao như đã đề cập bên trên. Có hoạn nạn, có khổ đau tâm thức con người mới được mở rộng, để từ đó khai sáng được cõi lòng mình nghĩa là chứng đắc, tỏ ngộ được cái Tâm của lòng mình. Và ông trời kia hay cái nghiệp thân cũng sẽ thay đổi, vì rằng "Khi nên trời cũng chiều người!" (c.2689)

2/ Chủ nghĩa hiện sinh và cái nhìn về nỗ lực "dấn thân" của Thúy Kiều 

Nhân đây cũng nên mở thêm một dấu ngoặc nữa để đề cập đến việc nhiều nhà nghiên cứu trước đây và hiện nay (1957-1974) chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh Tây phương đã đề cao "tự do tính" thể hiện ở tinh thần "dấn thân" và tìm cách vượt thoát chốn trầm luân của kiếp đoạn trường ở nhân vật Thúy Kiều. Có thể xem bài viết của Nguyên Sa trên tạp chí Sáng Tạo (tháng 12/1957) đã khơi mào cho việc dùng chủ nghĩa hiện sinh để tìm hiểu thân phận nàng Kiều trong ĐTTT. Theo Giáo sư Trần Thái Đỉnh, nhà nghiên cứu triết học Tây phương hiện đại được nhiều người biết đến ở miền Nam Việt Nam, đã phác họa về chủ nghĩa hiện sinh (Existentialisme): "Đề tài duy nhất của triết hiện sinh là con người tại thế, con người cá vị với những điều kiện sinh hoạt nhất định và định mệnh độc đáo của mỗi người" [5]. 

Nhìn chung, các tác giả bàn luận về thân phận nàng Kiều [6] đều chú ý đến "tự do tính" của triết học hiện sinh do Karl Jaspers đề xướng. Một số tác giả đã cho rằng con đường "dấn thân vào chốn đoạn trường" là sự chọn lựa với tinh thần tự do của Thúy Kiều . Nhưng chúng ta đều thấy rằng chuyện "Thằng bán tơ kia giở giói ra" ( Bài thơ: Kiều bán mình chuộc cha -Nguyễn Khuyến) gây ra tai họa cho gia đình Thúy Kiều đâu phải là sự tự do lựa chọn của Thúy Kiều! Và bước đường đi vào con đường đoạn trường cũng chẳng phải do nàng chọn lựa. Nàng đâu có quyền "tự do"để gạt đi chuyện gia biến. Nàng cũng không thể "tự do" tránh né để cho cha già phải chịu tù tội. 

Mối liên hệ gia đình của bất cứ thời đại nào cũng được tạo ra sự gắn bó từ máu mủ tình thâm ,trách nhiệm làm con. Làm thế nào để Kiều chọn "tự do" cho riêng mình để đành đoạn, không lo lắng trước cơn gia biến! Cho nên, dùng chủ nghĩa hiện sinh của thế kỷ 19, 20 để áp đặt cái nhìn về "thân phận Thúy Kiều" là một việc làm quá gượng ép. Bên cạnh đó, một số tác giả khác lại áp dụng "chủ nghĩa hiện thực" để bắt Nguyễn Du tại sao không viết thế này, thế nọ theo ý hướng độc đoán của họ. Đó là việc làm quá đáng, rất sai lệch và thiếu tôn trọng tác giả! Họ nên nhớ rằng ĐTTT là câu chuyện được Nguyễn Du lấy lại từ Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Tử. 

Câu chuyện xảy ra vào "năm Gia Tĩnh triều Minh" (c.9) ở bên Trung Hoa (1522-1566) với những tình tiết, cách sắp đặt câu chuyện hay nhân vật... v.v... được Tố Như lấy lại từ tác phẩm của Thanh Tâm Tài Tử chứ không được soạn ra "đồng thời" với chủ nghĩa hiện sinh hay hiện thực. Lấy cái nhìn của riêng trường phái mình để áp đặt và gán ghép hay "ra lệnh" cho tác giả là một việc làm hoang tưởng, thiếu sự tôn trọng với tác giả đã ra đi đã một trăm năm mươi bốn năm nay (1820-1974)! Cái mới hay âm thanh mới (Tân Thanh) là gì nếu không phải là hình ảnh của một Thúy Kiều nỗ lực vượt thoát khỏi định mệnh bằng tài trí thông minh của mình. Dĩ nhiên còn những cái mới khác nữa về ngôn ngữ, nghệ thuật tả cảnh, tả tình... v.v... bên cạnh lĩnh vực tư tưởng.

Cho nên có thể nói rằng, con đường vượt thoát khỏi chốn đoạn trường của Thúy Kiều "vô tình" lại phù hợp với con đường "dấn thân" của chủ nghĩa hiện sinh. Khi bàn về triết học hiện sinh của K.Jaspers, GS Trần Thái Đỉnh đã nhận định: " Tự do hiện sinh là một trách nhiệm và một lo âu của một nhân vị đã tự giác và dám tự quyết" [7]. Câu văn này đã lột tả đúng với hình ảnh của một Thúy Kiều từ chuyện gánh trách nhiệm cho gia đình trước cơn gia biến, lo âu trước con đường đoạn trường: "Ma đưa lối ,quỷ dẫn đường/ Lựa chi những chốn đoạn trường mà đi" (bản khác: Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi - c.2665). 

Hình ảnh Thúy kiều quyết định nhảy xuống sông Tiền Đường cũng cho thấy tinh thần tự giác và tự quyết của nàng... Cứ cho rằng nỗ lực vượt thoát khỏi "thân phận", "số mệnh" hay "nghiệp duyên" hoặc "kiếp người" của Thúy Kiều,  đã "ngẫu nhiên" đi vào con đường của chủ nghĩa hiện sinh ngày nay  như là một "trùng hợp" (nếu có). Nhưng tại sao các nhà phê bình theo chủ thuyết hiện sinh, một cách nào đó, lại lẫn tránh tiền đề được Nguyễn Du đặt ra về thuyết "Tài mệnh tương đố" ở hai câu đầu tiên của ĐTTT?!. Rồi hai câu tiếp theo là nguyên lý vô thường ("bể dâu") của cuộc sống không an định của đời người và người đời với "những điều trông thấy mà đau đớn lòng" (c.4) mang đậm sự thật về KHỔ theo thuyết lý đạo Phật. Đồng thời, kết thúc Truyện Kiều, bốn câu 3249-3252 tuy có sự giao thoa giữa tư tưởng Mệnh trời của đạo Nho và Nghiệp thân của đạo Phật nhưng theo ý của Tố Như tiên sinh cái "thiện căn" và nhất là "chữ Tâm" mới là yếu tố quan trọng trong việc thay đổi nghiệp kiếp của Thúy Kiều nói riêng và con người nói chung khi biết nỗ lực vươn lên và giải thoát theo tinh thần của đạo Phật. 

Việc  bỏ qua tiền đề và kết luận, cắt ngang để chọn vài đoạn đề cao con đường dấn thân của Thúy Kiều cho phù hợp tư tưởng hiện sinh hay chủ nghĩa hiện thực. Đồng thời, việc chọn lựa này cũng chỉ để tiện phê bình hay đề cao một vài đoạn trong ĐTTT không liên quan đến chủ đề thuyết lý Tố Như đặt ra ngay từ đầu là một việc làm rất thiếu sót! Thay vì nhìn toàn bộ vấn đề theo diễn tiến của câu chuyện, thay vì nhìn toàn bộ mặt trăng họ lại chọn một góc nào đó của mặt trăng để ngắm nhìn! Cách chia cắt để chọn lựa các đoạn thơ sử dụng chỉ nhằm cho ý đồ của riêng họ! Một tác phẩm có giá trị cao như ĐTTT nếu bị chọn lựa để phân tích ngắt đoạn sẽ không làm nổi bật được giá trị đích thực của nó vì đơn giản các sự việc hay diễn biến trong ĐTTT đều xâu chuỗi, liên kết với nhau!

3/ Ảnh hưởng đạo Phật nhìn từ tiền đề cho đến hậu kết của ĐTTT

Vì thế, trên tất cả vẫn là tiền đề do Nguyễn Du thiết lập: Cuộc sống mang tính vô thường, thay đổi, bể dâu và đầy rẫy sự khổ đau như cách nhìn thông suốt của bậc giác ngộ là đức Thích Ca Mâu Ni từ ngàn xưa ít nhiều thể hiện qua việc xây dựng ĐTTT:

"Trải qua một cuộc bể dâu,                     (c.3)
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".

Và Tố Như đã đề ra trong phần kết thúc Truyện Kiều:

"Đã mang lấy nghiệp vào thân,                (c.3245)
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"

Cho dù tác giả ĐTTT đã xây dựng hình ảnh một Thúy Kiều "dấn thân", như cách gọi của các tác giả phê bình tác phẩm này theo cách nhìn của chủ nghĩa hiện sinh xem hành động dấn thân như là một hành động hiện sinh. Nhưng rồi chung cuộc, Tố Như tiên sinh vẫn trở lại cách nhìn của đạo Phật đã được đặt ra từ ban đầu: thay đổi cái "Mệnh" (đạo Nho ) hay rộng hơn là cái "Nghiệp" (đạo Phật) đều khởi đi từ "Thiện căn" đã được nuôi dưỡng từ " lòng ta". Một chữ "Tâm" được tu dưỡng bởi gốc "Thiện" sẽ góp phần giúp Thúy Kiều thay đổi Nghiệp, chấm dứt kiếp nạn trầm luân đoạn trường. Đó là những thuật từ trong đạo Phật vẫn dùng nói về việc "tu tâm dưỡng tánh", nâng cao phẩm hạnh con người.....

* * * * *

Mặt khác, tuy "Tẻ vui cũng một kiếp người" nhưng "hạnh phúc" hay "khổ đau", "vui" hay "tẻ" xảy ra đến thân phận của mỗi người cũng khác nhau. Và theo Tố Như, sinh ra phận đàn bà  đẹp lại càng chịu nhiều khổ đau:

"Rằng: hồng nhan tự thuở xưa,                  (c.107)
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu!"

Hoặc rộng hơn là "phận đàn bà" nói chung, sinh ra phải chịu nhiều khổ đau mệnh bạc:

"Đau đớn thay phận đàn bà,                      (c.83)
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Tuy nhiên, khi xây dựng nhân vật của truyện ,chúng ta thấy tuy sinh ra cùng một gia đình nhưng "mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười"(c.18). Nếu Thúy Vân được miêu tả: "trang trọng khác vời", "khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang", "hoa cười ngọc thốt đoan trang"... v.v... ra dáng của người con gái phúc hậu sẽ có cuộc sống êm đềm hạnh phúc. Còn Thúy Kiều được miêu tả so với Thúy Vân: "So bề tài sắc lại là phần hơn" (c.24) Thúy Kiều không những sắc đẹp "nghiêng nước nghiêng thành" (c.27) mà lại là người phụ nữ thông minh, có tài thi họa, đàn ca (c.30, 31, 32). Chính cái "phần hơn" này của Thúy Kiều đã góp phần tạo nên cái nghiệp kiếp gian truân cho Thúy Kiều. 

Khi cơn gia biến xảy ra, như số trời đã định hay do nghiệp kiếp "túc trái tiền oan "(c.1765), oan nghiệp  kiếp trước đây, đã ứng vào kiếp này để Kiều phải trả. Nhìn chung, oan trái hay nghiệp chướng của "kiếp người" đều khác nhau cho từng người. Con đường đoạn trường của Thúy Kiều là định nghiệp không thể nào tránh thoát! Vậy thì làm cách nào để chấm dứt tính chất vô thường, nay "tẻ", mai "vui", không an định của "kiếp người"? 

Mục 5: TẺ VUI BỞI TẠI LÒNG NÀY

Nếu ở chữ Mệnh có những điểm tương hợp với chữ Nghiệp thì ở cách thức giải quyết chữ Tâm của Tố Như dưới nhãn quan đạo Nho hay đạo Phật đều gặp gỡ nhau ở một điểm là lấy cõi lòng người để biểu thị. Chữ Tâm trong đạo Nho là “Tận kỳ tâm giả, tri kỳ tính dã, tri kỳ tính tắc tri thiên hỹ”  (盡其心者,知其性也,知其性則知天矣) - Hết lòng, thấu dạ sẽ biết được bản tính của mình. Biết được tính là biết được lẽ trời vậy) [8]. Và cái Tâm ấy cần phải: “Tồn kỳ tâm, dưỡng kỳ tính, sở dĩ sự thiên dã” (存其心,養其性,所以事田也- Giữ  gìn cái tâm, nuôi dưỡng cái tính là thuận theo lẽ trời, lẽ tự nhiên)[9]. Cho nên gìn tâmdưỡng tánh” là để lập Mệnh ("Sở dĩ lập mệnh dã 所以立命也)[10]. 

Mệnh tốt hay xấu, “tẻ” hay vui là do việc huân tập, rèn luyện đạo đức để đạt lẽ Nhân. Còn chữ Tâm trong đạo Phật, qua hình ảnh Thúy Kiều ở đoạn tái hợp đoàn viên đã được T Như nêu rõ qua nhận xét thông suốt của Kim Trọng, một chứng nhân đã thấy được sự đổi thay tốt đẹp trong tâm thức Thúy Kiều. Đó là tâm thức tỏ ngộ về lẽ sống và vượt lên trên số phận:

"Chàng rằng: Phổ ấy thế nào?                  (c. 3207)
Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy.
Tẻ vui bởi tại lòng này,
Hay là khổ tận đến ngày cam lai?”

Câu trả lời của Thúy Kiều cũng cho thấy những phong ba tăm tối của chốn đoạn trường nay đã yên ắng và trở nên tốt đẹp:  

“Nàng rằng: Vì mấy đường tơ                    (c. 3193)     
Lầm người cho đến bây giờ mới thôi”  

Bây giờ mới thôi” nghĩa là chấm dứt biết bao đau khổ của mười lăm năm nơi chốn đoạn trường để hình ảnh Thúy Kiều hiển lộ như một đóa sen mới nở một vầng trăng trong sáng rất thanh cao và rất đẹp:

“Hoa tàn mà lại thêm tươi.                     (c. 3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”

Vì thế nếu ở đây đặt câu hỏi cái TÂM ấy là tâm gì? Tại sao "hoa tàn" mà lại "thêm tươi" Cái ĐẸP của vầng trăng “hơn mười rằm xưa” ấy là gì, cũng giống như hỏi NGỘ là gì? Sự “vui vầy”, niềm an lạc đạt đến là gì? Nói theo dân gian: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Và nói theo phong cách Thiền, chỉ những ai trải qua ,nghiệm lại, hay nói đơn giản hơn  chỉ những ai uống trà mới biết hương vị của tách trà! Chẻ hoa ra, phân tích ánh sáng vầng trăng chỉ là việc làm vô ích vì "đạt đạo vô ngôn" như Nguyễn Du đã từng viết trong bài thơ " Lương Chiêu Minh thái tử Phân Kinh Thạch đài  梁昭明太子分經石臺": 

"....Ngô văn Thế Tôn tại Linh Sơn                     (c.23)
Thuyết pháp độ nhân như hằng hà sa số.
Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ 
Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu.
Minh kính diệc phi đài,
Bồ đề bản vô thụ.
Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,
Kỳ trung áo chỉ đa bất minh,
Cập đáo Phân Kinh Thạch Đài hạ,
Tài tri vô tự thị chân kinh."                       (c.32)

.... Mới  biết kinh không chữ mới là chân kinh 纔知無字是眞經. Đó là câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra bên trên. Thêm vào đó,một người từng nghiên cứu về Thiền tông như Tố Như đã vận dụng phong cách thiền trong cách giải quyết các vấn đề đã đặt ra trong tác phẩm của mình. "Tân Thanh" hay âm thanh mới của Đoạn Trường Tân Thanh khác hơn Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân một phần lớn nằm trong cách giải quyết này.

Ở giữa đó, sự chuyển biến của tâm thức và cõi lòng của Thúy Kiều phải trải qua nhiều giai đoạn, từng bước nhận ra thân phận của mình và điểm mấu chốt là cái Tâm - nguồn cội của mọi việc:

Chàng rằng phổ ấy tay nào?                     (c. 3207)
Xưa sao sầu thảm giờ sao vui vầy?

Chàng Kim đã cảm nhận, đã “thấy” được sự đổi thay và đạt đến của tâm thức nàng Kiều. Đó là một sự kiện mà lý trí không thể nào phân tách được. Và trong toàn truyện, tuy Nguyễn Du tiên sinh đã sử dụng một số thuật ngữ của nhà Phật như: “Thân”, “Nghiệp” “Tâm”, “Thiện căn” cũng như những thuật ngữ khác như “Nghiệp duyên”, “Túc trái tiền oan”, “Kiếp người”, “Tái sinh” v.v… cũng chỉ nhắm đến việc giải quyết những mâu thuẫn mà đạo Nho trong tư tưởng tiên sinh gặp phải. Nói khác hơn, đạo Phật đã giúp tiên sinh tìm được những cách thức biện giải thỏa đáng như một thứ phương tiện, một thứ bè qua sông, qua cầu đoạn trường.   

Cứu cánh của đạo Nho và đạo Phật, cùng đích của kiếp người cần phải hướng đến chính là thấy được cõi lòng của mình sau bao lần thức ngộ trước khổ đau, trước vô minh. Suzuki cũng đã nhận xét về chữ Tâm: “Cái tâm tuy nhô lên trên nghiệp tức là tâm phi nghiệp, nhưng ta đừng quên  tuy hai mà một, cái tâm đồng hóa với phi nghiệp không thể tồn tại được, vì tâm phi nghiệp tức tâm phi nhân” [11]. Tâm chính là hậu quả được tác thành bởi nghiệp, ngoài nghiệp không thể nào có tâm và ngoài tâm không thể nào thấy được nghiệp. Tâm viên dung tất cả không những thành kiến về sự dị biệt, mâu thuẫn của Tài và Mệnh hoặc của Thân và Nghiệp và còn cả những thành kiến hẹp hòi phân chia Nho và Phật nữa vậy.  

Chàng Kim khi tái ngộ sau mười lăm năm, nhận ra một Thúy Kiều đã vượt thoát cái "mệnh bạc", đã thấu hiểu "cõi lòng" hay là cái "tâm" của mình để tiến đến chỗ an lạc:

"Hoa tàn mà lại thêm tươi,               (c.3123)
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.
Có điều chi nữa mà ngờ!..."     

Bài toán giải quyết cho thuyết "Tài mệnh tương đố" chính là tư tưởng đạo Phật, thông qua tư tưởng Thiền. Thực vậy, Nguyễn Du rất am tường về thiền học, nhất là đường lối Thiền học của Lục tổ Huệ Năng bên Trung Hoa như đã đề cập rải rác ở các phần trên. Mặt khác, như đã trình bày ở các mục trước, Tố Như đã để công sức nghiên cứu kinh sách đạo Phật. Tiên sinh đã "đọc" Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh trên một nghìn lần[12]. Những câu thơ 3108, 3123, 3124 trong bài thơ quan trọng này đều mang âm hưởng của Kinh Kim Cương như chúng ta thường nghe: "... Sắc bất dị không, không bất dị sắc/Sắc tức thị không, không tức thị sắc/...../ Bất sanh bất diệt/Bất cấu bất tịnh/Bất tăng bất giảm....". 

Từ đó, chúng ta sẽ nhận ra cách Nguyễn Du giải quyết vấn đề đặt ra ở đầu cuốn ĐTTT bằng tư tưởng đạo Phật mà ông đã thấu đạt những từ kinh sách nền tảng của Thiền tông này. Cách ông giải quyết bài toán ban đầu là "Tài mệnh tương đố" bằng nghệ thuật xây dựng hình ảnh của một Thúy Kiều trong sáng rạng rỡ của một người đã an bình "cõi lòng" hay cái Tâm của mình. Nàng Kiều nhìn lại mình khi trả lời Kim Trọng:

"Bấy chầy gió táp mưa sa.                    (c,3100)
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn..."

Câu trả lời của Kim Trọng như trên đã mô tả một Thúy Kiều cho thấy phẩm cách cao đẹp của một người phụ nữ từ chốn tăm tối bùn dơ bước ra ánh sáng trong lành và "Có điều chi nữa mà ngờ" !

Dương Anh Sơn

Chú thích: 

[1] Mạnh Tử, Tập hạ, dịch giả Nguyễn Thượng Khôi, TTHL BGD XB, Sài Gòn, 1972,tr.328, tr. 303, 304.   
[2] Dhammapada (Kinh Pháp Cú - Lời Phật dạy),dịch giả Thích Trí Đức, in kỳ IV, Sài Gòn 1966 ,tr.29, câu 123/423      
[3] D. Teitaro Suzuki, Cốt tủy đạo Phật, bản dịch của Trúc Thiên, Sài Gòn, An Tiêm TB lần 2, 1971, tr.75  
[4]  D.T. Suzuki, sđd, tr.58, 59  
[5] Trần Thái Đỉnh, Triết học hiện sinh, Nxb Thời Mới, Sài Gòn 1968, tr.3 
[6] Nhiều tác giả, Chân dung Nguyễn Du, Nxb Nam Sơn, Sài Gòn 1960  
[7] Trần Thái Đỉnh, sđd , tr. 213   
[8][9][10] Mạnh Tử, sđd, tr. 303, 304  
[11] D.T. Suzuki, Sđd, tr.63    
[12] Xem Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du bài: Lương Chiêu Minh Thái tử Phân Kinh Thạch đài, do D.A.S chuyển dịch sang lục bát, bài 106 (đã đăng trên <ninh-hoa.com> và sẽ đăng trên <nguyenhuehaingoai.blogspot.com> nay mai).    

      

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét