Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

BPSOS-CCA Và Những Gia Đình Có Con Khuyết Tật

 


BPSOS-CCA VÀ NHỮNG GIA ĐÌNH CÓ CON KHUYẾT TẬT
Mạch Sống



Ngày 26 tháng 1, 2024

BPSOS-CCA và những gia đình có con khuyết tật


https://machsongmedia.org/news/bpsos/2098-bpsos-cca-va-nhung-gia-dinh-co-con-khuyet-tat.html


“Một câu chuyện tôi nhớ là, lâu rồi, một người mẹ có con trên 18 tuổi bị thiểu năng trí tuệ. Bà ấy là mẹ độc thân, và mặc dù đã được hỗ trợ một số thứ, bà ấy vẫn thấy mọi thứ quá sức chịu đựng và nghĩ lựa chọn tốt nhất là gửi con trai về Việt Nam”, cô Hằng Nguyễn, giám đốc điều hành của BPSOS-CCA kể. Họ tìm cách thuyết phục và cuối cùng người phụ nữ này quyết định không gửi con về Việt Nam.



BPSOS-CCA ở Quận Cam, California, tên đầy đủ là Center for Community Advancement, là một trong sáu văn phòng của BPSOS ở Hoa Kỳ và thành lập năm 2000.


Ngoài các chương trình hỗ trợ về an sinh xã hội, thi quốc tịch, sức khỏe…, BPSOS-CCA có một vài điểm khác biệt, chẳng hạn như chương trình cho những gia đình có con khuyết tật.

 

Chương trình cho gia đình có con thiểu năng trí tuệ


Văn phòng BPSOS-CCA phối hợp với các đối tác y tế để cung cấp chương trình kiểm tra sức khỏe và phát triển trí tuệ cho trẻ em 0-18 tuổi.


Cô Hằng Nguyễn nói bác sĩ gia đình đôi khi có thể nhận ra trường hợp thiểu năng trí tuệ nhưng không hoàn toàn chính xác—BPSOS-CCA có chương trình kiểm tra đầy đủ.


Với những gia đình có con bị thiểu năng trí tuệ, BPSOS-CCA giúp họ ghi danh để có an sinh xã hội, quyền bảo hộ, người chăm sóc, hỗ trợ tận nhà… và cũng có các nhóm hỗ trợ mỗi tháng một lần, một mặt để nói về nhiều chương trình hỗ trợ của chính phủ người Việt có thể không biết, một mặt để các bậc cha mẹ có thể gặp nhau, chia sẻ kinh nghiệm, và biết mình không phải là người duy nhất đối mặt với những khó khăn này.


Cô Hằng Nguyễn kể trường hợp một người mẹ, thấy quá sức chịu đựng và không tìm ra lựa chọn nào khác, định gửi người con thiểu năng trí tuệ của mình về Việt Nam với họ hàng xa, còn bản thân mình ở lại Mỹ.


“Chúng tôi tìm cách thuyết phục bà ấy đó không phải là ý hay. Việt Nam là một quốc gia hoàn toàn mới, không phải nơi cậu ấy lớn lên, hội nhập sẽ rất khó khăn. Hơn nữa Việt Nam cũng không có các dịch vụ và phúc lợi như hệ thống ở đây. Làm vậy sẽ càng hại cho sức khỏe cậu ấy, đặc biệt khi để cậu ấy lại với những người không biết và chưa học cách chăm lo cho cậu ấy.”


Nhờ BPSOS-CCA thuyết phục và hỗ trợ, cuối cùng bà thay đổi ý định và sau đó đã có được người chăm sóc tại nhà, và bản thân cũng có thêm hỗ trợ tài chính từ chính phủ để chăm lo cho con mình.

 

Giáo dục về sức khỏe tâm thần


BPSOS-CCA không có nhân viên y tế tại văn phòng, nhưng phối hợp với hiệu thuốc để cung cấp vaccine cho cộng đồng. Họ cũng cung cấp thông tin cho cộng đồng người Việt về các vấn đề sức khỏe như cách giữ ấm, cách đối phó với nắng nóng, cách phòng chống Covid hay cúm mùa, cần tránh gì và có thể ăn gì khi có đợt cá nhiễm bẩn, v.v.


Không chỉ vậy, BPSOS-CCA còn cố gắng thúc đẩy để xóa bỏ định kiến về vấn đề sức khỏe tâm thần vì người nhập cư và người tỵ nạn nói chung và người Việt nói riêng thường vẫn không thoải mái và xem đó là chủ đề cấm kỵ. Một mặt họ vận động các thượng nghị sĩ để có thêm kinh phí cho các chương trình về sức khỏe tâm thần, một mặt họ tìm nhiều cách để người Việt hiểu thêm và có ý thức hơn về chuyện này.


Cô Hằng Nguyễn cho biết, khi BPSOS-CCA đưa khách hàng sang các phòng khám hoặc nhân viên y tế, họ cũng cố gắng trở thành cầu nối văn hóa, giải thích một số khác biệt văn hóa, một số thói quen của người Việt.

 

Chương trình về vấn đề nhập tịch


BPSOS-CCA cũng có các chương trình về vấn đề quốc tịch: dạy tiếng Anh, dạy thi quốc tịch, hỗ trợ đăng ký nhập tịch…

Cô Hằng Nguyễn cho biết lớp học tiếng Anh của họ kéo dài 15 tuần—lâu hơn một số nơi khác—và họ cũng cung cấp các buổi phỏng vấn giả để chuẩn bị thi quốc tịch.


Vài con số


BPSOS-CCA cho biết họ giúp:

  • Hơn 2,000 thành viên cộng đồng mỗi năm.
  • Hơn 1,000 sinh viên mỗi năm.
  • Hơn 600 thợ làm móng được đào tạo mỗi năm.
  • Hơn 500 người ghi danh nhập tịch mỗi năm.
  • Hơn 11,000 khách hàng trở thành công nhân Hoa Kỳ từ năm 2000.
  • 10 workshop về y tế mỗi năm.

Cô Hằng Nguyễn nói “Trước đây khi cha mẹ tôi mới đến Mỹ, tôi tin là khi đó có nhiều chương trình có thể giúp đỡ họ nhưng họ không biết. Thế nên bây giờ tôi muốn bảo đảm là người nhập cư biết tới những chương trình này, và biết là có những cơ quan như chúng tôi giúp họ hội nhập.”


Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét