Thứ Ba, 30 tháng 1, 2024

Giáo Xứ Cồn Dầu: Ông Huỳnh Ngọc Trường Và Cách Tấn Công Của Nhà Nước Việt Nam

 

Ông Huỳnh Ngọc Trường cùng TS. Nguyễn Đình Thắng tại Washington, Hoa Kỳ. 

Giáo Xứ Cồn Dầu: ÔNG HUỲNH NGỌC TRƯỜNG VÀ CÁCH TẤN CÔNG CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM 
Mạch Sống 

Ngày 29 tháng 1, 2024

Giáo Xứ Cồn Dầu: Ông Huỳnh Ngọc Trường và cách tấn công của nhà nước Việt Nam


https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2100-giao-xu-con-dau-ong-huynh-ngoc-truong-va-cach-tan-cong-cua-nha-nuoc-viet-nam.html


Vào ngày 17 tháng 1 năm 2024 vừa qua, ông Huỳnh Ngọc Trường cùng vợ và 4 người con đã tới Hoa Kỳ định cư sau 14 năm kiên trì dẫn đầu các hoạt động của người dân Giáo Xứ Cồn Dầu chống lại hành vi cướp đất tôn giáo của chính quyền Việt Nam tại Thành Phố Đà Nẵng.


Ông Huỳnh Ngọc Trường sẽ có mặt tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2024 tổ chức trong hai ngày 30 và 31 tháng 1 năm 2024 ở Washington DC, Hoa Kỳ. Mục đích của ông Huỳnh Ngọc Trường có mặt tại hội nghị này là để chia sẻ rộng rãi tới mọi người kinh nghiệm đấu tranh trước những mưu kế tinh quái của chính quyền trong thời gian hơn 10 năm ông và người dân Giáo Xứ Cồn Dầu đấu tranh giữ đất và giữ niềm tin tôn giáo của mình.


Ông Huỳnh Ngọc Trường cùng TS. Nguyễn Đình Thắng tại Washington, Hoa Kỳ. 



Vào năm 2010, dưới thời của vị Bí Thư Cộng Sản Nguyễn Bá Thanh, chính quyền Thành Phố Đà Nẵng đã thực hiện kế hoạch tổng lực cưỡng chiếm đất của Giáo Xứ Cồn Dầu – một giáo xứ đã tồn tại gần 150 năm – bằng cái gọi là “giải toả để xây dựng công trình phúc lợi công cộng”. Đây là một trong những phương thức tấn công tôn giáo được chính quyền Việt Nam thực hiện rất bài bản và thành công ở nhiều nơi như Giáo Xứ Đồng Chiêm, Toà Khâm Sứ, Nhà Thờ Thái Hà thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội…


Trong kế hoạch cưỡng chiếm đất này, người dân Cồn Dầu đã chịu sự tấn công tàn khốc hơn bất cứ nơi nào khác từ chính quyền. Chỉ một vụ tấn công ngày 4 tháng 5, 2010 chính quyền Đà Nẵng đã gây thương tích cho một 100 giáo dân, khiến hai phụ nữ bị sảy thai, 62 giáo dân bị tra tấn nhiều ngày dẫn đến cái chết của một giáo dân và sáu giáo dân khác bị tù. Kết quả tạm thời của kế hoạch tấn công dã man này tưởng như đã giành thắng lợi khi 2/3 số giáo dân đành chấp nhận di dời theo kế hoạch của chính quyền, 150 giáo dân phải chạy sang Thái Lan và Malaysia lánh nạn. Tuy nhiên, dưới sự giúp đỡ của BPSOS, 1/3 số giáo dân đã quyết tâm ở lại giữ đất, giữ xứ đạo với đức tin tôn giáo của mình bằng một kế hoạch có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế và các chính phủ nước ngoài có quan hệ đối trọng với chính quyền Việt Nam. Kết quả là đến năm 2021, sau hơn mười năm kiên trì tranh đấu, chính quyền Đà Nẵng đã phải nhượng bộ thực hiện tái định cư tại chỗ cho hầu hết các giáo dân trong giáo xứ. Khoảng 170 lô đất được quy hoạch bao quanh nhà thờ của giáo xứ với tổng trị giá khoảng 50 triệu USD. Ngoài ra, mỗi gia đình giáo xứ còn được nhận từ 3 đến 4 lô đất ở khu tái định cư với tổng trị giá khoảng 120 triệu USD.


Bên cạnh việc phải rút lui trước sự đấu tranh bền bỉ có chiến lược của cộng đồng giáo dân Giáo Xứ Cồn Dầu, chính quyền Đà Nẵng cũng âm thầm thực hiện kế hoạch truy tìm những người cốt cán của phong trào đấu tranh để tìm những thủ đoạn vô pháp hãm hại họ. Gia đình ông Huỳnh Ngọc Trường là một trong số 11 gia đình như vậy.


Tháng 11 năm 2019, ông Huỳnh Ngọc Trường cùng vợ và một số giáo dân Cồn Dầu tới Thái Lan để tham dự Hội Nghị Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin Đông Nam Á (Southeast Asia Freedom of Religion or Belief, SEAFORB) do BPSOS và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế khác đồng tổ chức. Tại hội nghị này, ông Huỳnh Ngọc Trường đã kêu gọi sự can thiệp của quốc tế cho cuộc đấu tranh giữ đất của mình.


Khi trở về Việt Nam, vợ chồng ông Huỳnh Ngọc Trường và các giáo dân Cồn Dầu đã bị công an sân bay Đà Nẵng câu lưu và tra khảo nhiều giờ. Sau đó, ông Huỳnh Ngọc Trường và các giáo dân Cồn Dầu đã bị tịch thu hộ chiếu và bị cấm xuất cảnh.


Tháng 5 năm 2021, ông Huỳnh Ngọc Trường yêu cầu cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Thành Phố Đà Nẵng phải trả lời rõ cho ông biết về tình trạng xuất cảnh của mình khi ông đã được chính phủ Hoa Kỳ đồng ý cho nhập cư theo diện tị nạn vì đấu tranh tôn giáo. Không thể không trả lời trước câu hỏi chính đáng của công dân khi sự việc đang ở trong tầm ngắm của chính phủ Hoa Kỳ nên chính quyền Đà Nẵng đã buộc phải mời ông Huỳnh Ngọc Trường tới trụ sở làm việc để đưa ra những thoả thuận cả hai cùng chấp nhận được.


Tuy nhiên, với rắp tâm hãm hại ông Huỳnh Ngọc Trường, nên một lần nữa lực lượng an ninh Thành Phố Đà Nẵng đã tìm mọi cách xúi giục một số người thân trong gia đình kiện ông Huỳnh Ngọc Trường ra tòa để đòi phân chia di sản thừa kế để có cớ hợp pháp giữ chân không cho gia đình ông Huỳnh Ngọc Trường xuất cảnh đi định cư. Sau gần 3 năm thương lượng, ông Huỳnh Ngọc Trường và những người thân trong gia đình đã đạt được thỏa thuận dân sự nên chấm dứt được sự ràng buộc với cơ quan tư pháp Việt Nam để có thể lên đường đi định cư vào ngày 17 tháng 1 năm 2024 vừa qua.


Từ sự việc của bản thân và của cộng đồng Giáo Xứ Cồn Dầu đấu tranh bền bỉ với chính quyền Việt Nam, ông Huỳnh Ngọc Trường muốn chuyển tới mọi người vài thông điệp sau:


1/ Chưa bao giờ thậm chí là không bao giờ chính quyền Việt Nam từ bỏ dã tâm tấn công niềm tin tôn giáo của người dân. Họ có thể lui trong chiến thuật nhưng mục tiêu cuối cùng của họ tìm mọi cách kể cả những mưu mô thấp hèn nhất để tấn công những người giữ một niềm tin tôn giáo nhưng không phục tùng sự ép o của họ.


2/ Dù chính quyền Việt Nam có mưu mô đến đâu, nhưng đó là những hành vi vô pháp nên người dân vẫn có đủ khả năng đấu tranh vạch trần những sai trái của họ và giành được phần thắng lợi. Muốn giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh trường kỳ với chính quyền vô pháp, người dân phải biết tập hợp lực lượng có tổ chức, có kế hoạch cụ thể và phải biết tranh thủ vào sự hỗ trợ của quốc tế. Công khai mục tiêu và kế hoạch hành động là rất cần thiết để đưa sự việc ra ánh sáng tránh sự bôi nhọ bằng truyền thông của chính quyền Việt Nam.

 

Các hội luận bên lề của Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế sẽ được livestream ở đây


Song song với chương trình của Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế, BPSOS tổ chức những sinh hoạt bên lề, đặc biệt là tổ chức một chuỗi hội luận cho các phái đoàn người Việt và phái đoàn ngoại quốc, ngày 30-31/1/2024. 


Các khách tham dự ngoại quốc sẽ bao gồm vị đồng chủ tịch của Hội Nghị Thượng Đỉnh (Katrina Lantos Swett), Chủ tịch luân phiên của Liên minh Tự do Tôn Giáo hay Niềm tin Quốc Tế (Robert Rehak) và nhiều tổ chức tranh đấu cho tự do tôn giáo toàn cầu khác.


Xen kẽ vào đó là các buổi tham luận của phái đoàn người Việt chú trọng vào các tổ chức tôn giáo bị nhà nước Việt Nam kiểm soát và sử dụng làm công cụ đàn áp tôn giáo và các nạn nhân bao gồm các cộng đồng tôn giáo của người bản địa.


Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét