Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Ngày Tàn Của Đồng USD?

 

Cận cảnh một số tờ 100 USD ở Hoa Thịnh Đốn hôm 07/12/2010. (Ảnh: Paul J. Richards/Getty Images)

NGÀY TÀN CỦA ĐỒNG USD?
Nhật Thăng biên dịch

Nợ nần, chính sách đối ngoại liều lĩnh, và ý đồ xấu của các đối thủ đang đe dọa đồng USD trong vai trò là đồng tiền dự trữ của thế giới.


Kể từ khoảng năm cuối cùng của Đệ nhị Thế chiến, đồng USD đã được hưởng điều mà Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing từng gọi là “đặc quyền thái quá” khi trở thành đồng tiền dự trữ của thế giới. Đồng USD đã có được vị thế đó kể từ khoảng năm 1944, khi dollar của Mỹ quốc chiếm lấy vai trò bá chủ tiền tệ thế giới từ tay đồng bảng Anh.

Nhưng giờ đây, vị thế đó đang bị đe dọa bởi hàng loạt chính sách của Hoa Kỳ cũng như các cuộc tấn công của các đối thủ ngoại quốc. Và kết quả có thể là thảm họa đối với đồng USD — cũng như người dân Hoa Kỳ.

Làm thế nào mà Hoa Kỳ rơi vào hoàn cảnh này

Tháng 07/1944, mọi việc trở nên rõ ràng rằng những chiến thắng của quân Đồng Minh trước Đức Quốc Xã ở châu Âu đã giúp cho phe Đồng Minh, đặc biệt là Hoa Kỳ, có được vị thế thống trị thế giới thời hậu chiến. Sau đó, 730 đại diện từ 44 quốc gia đã hội kiến tại Bretton Woods, New Hampshire để thiết lập lại trật tự tiền tệ toàn cầu cho thời hậu chiến.

Cùng nhau, họ đã đồng ý về một hệ thống đa quốc gia, theo đó các loại tiền tệ toàn cầu sẽ có thể chuyển đổi sang đồng USD với các mức tỷ giá hối đoái cố định và các mức tỷ giá này có thể được điều chỉnh trong một phạm vi rất hẹp, nếu cần thiết. Ngược lại, đồng USD sẽ có thể chuyển đổi thành vàng ở mức 35 USD một ounce. Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo đảm rằng tỷ giá hối đoái giữa USD và vàng luôn ổn định.

Nhưng đến năm 1971, các khoản chi tiêu phúc lợi xã hội cho mục tiêu “Xã hội Vĩ đại” của Tổng thống Lyndon Johnson, rồi Chiến tranh Việt Nam, và việc đầu tư đồng USD vào các doanh nghiệp, nhà máy, và các tài sản khác ở ngoại quốc, cũng như thâm hụt cán cân thanh toán do nhập cảng từ Nhật Bản và các quốc gia Âu Châu vốn đã gần như phục hồi hoàn toàn sau chiến tranh, đã mở rộng đáng kể số lượng USD trong lưu thông toàn cầu. Các quan chức Hoa Kỳ đã thừa nhận dự trữ vàng của quốc gia không đủ để thực hiện cam kết chuyển đổi USD thành vàng ở mức 35 USD/ounce. Năm đó, người Âu Châu bắt đầu chuyển đổi một lượng nhỏ USD của họ sang vàng. Sau đó, người Anh đã yêu cầu một sự “bảo đảm” cho số USD mà họ dự trữ.

Một cuộc khủng hoảng tiền tệ sắp diễn ra. Và Hoa Kỳ cần phải tránh được cuộc khủng hoảng này trước khi nó xảy ra.

Vì vậy, vào tháng 08/1971, trước sự thúc giục của các cố vấn, Tổng thống Richard Nixon đã triệu tập một cuộc họp bí mật tại Trại David trong ba ngày, kết thúc vào ngày Chủ Nhật hôm 15/08. Tối hôm đó, tổng thống tuyên bố với thế giới trong một tuyên bố được phát hình trên toàn quốc về việc “tạm thời” đóng cửa sổ vàng — cấm chuyển đổi USD sang vàng — để ngăn chặn bất kỳ sự chuyển đổi hàng loạt nào gây hại cho dự trữ vàng của Hoa Kỳ. Việc đóng cửa “tạm thời” này đã kéo dài cho đến năm 1975, khi một cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), một di sản khác của Bretton Woods, phê chuẩn việc thả nổi tiền tệ “có quản lý” hay còn gọi là “bán thả nổi” tại một hội nghị ở Jamaica. IMF đã vận hành để duy trì sự ổn định thông qua một số “hàng rào bảo vệ” mơ hồ, ít nhất là trên danh nghĩa, nhưng các ngân hàng trung ương — bao gồm Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, Ngân hàng Anh, Ngân hàng Nhật Bản, v.v. — đã có thể can dự để trợ giúp cho các đồng tiền tương ứng của họ.

Đồng USD đã — một cách rốt ráo và chính thức — không còn theo chế độ bản vị vàng và hiện đã trở thành một “đồng tiền pháp định” — có nghĩa là đồng USD có giá trị ở Hoa Kỳ chỉ đơn giản vì chính phủ Mỹ nói như vậy.

Nhưng ở các nước khác, sau khi Tổng thống Nixon đóng cửa sổ vàng, thì đồng USD, cùng với các loại tiền tệ khác, về căn bản đã trở thành một loại hàng hóa. Nếu quý vị muốn mua tài sản hoặc chứng khoán của Hoa Kỳ, hoặc mua các sản phẩm của Hoa Kỳ, thì quý vị cần có USD để thanh toán cho các mặt hàng này. Vì đồng USD đã được định giá quá cao do neo tỷ giá với vàng nên việc đóng cửa sổ vàng đã khiến giá trị đồng USD giảm và lạm phát tăng.

Để cải thiện phần nào tình trạng suy giảm này, Bộ trưởng Ngân khố của Tổng thống Nixon, ông William Simon, đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với Saudi Arabia vào năm 1974, theo đó Hoa Kỳ đồng ý bán vũ khí và bảo vệ Saudi Arabia để đổi lấy việc nước này đầu tư lượng tiền USD dự trữ có được từ việc bán dầu của họ vào công khố phiếu Hoa Kỳ thay vì một số tài sản “mạnh” khác.

Dầu đã được giao dịch bằng đồng USD ở hầu hết mọi nơi kể từ khi mỏ Lucas Gusher tại mỏ dầu Spindletop ở phía đông Texas được phát hiện vào năm 1901. Saudi Arabia đã công khai bảo đảm rằng sẽ duy trì việc định giá dầu của họ bằng USD. Thỏa thuận năm 1974 với Saudi Arabia đã giúp Hoa Kỳ giải quyết thâm hụt ngân sách của chính phủ, và cải thiện thâm hụt cán cân thanh toán, cũng như duy trì nhu cầu toàn cầu về đồng USD, giờ đây được mệnh danh là đồng “petrodollar” (dollar dầu lửa) sau thỏa thuận với Saudi Arabia, bởi vì bất kỳ quốc gia nào muốn mua dầu đều phải mua USD để có thể làm vậy.

Hoa Kỳ ở đâu hôm nay

Năm 1974, khi Bộ trưởng Simon dàn xếp thỏa thuận với Saudi Arabia để tránh một “cuộc khủng hoảng đồng USD,” nợ quốc gia của chúng ta đã là khoảng 32% GDP. Chúng ta đang giảm dần sự can dự kéo dài hàng thập niên của mình vào Việt Nam và Đông Nam Á và đã hòa hoãn hơn với các đối thủ thời Chiến Tranh Lạnh là Trung Quốc và Liên Xô.

Ngày nay, khoản nợ của Hoa Kỳ đang là hơn 34 ngàn tỷ USD, bằng khoảng 120% GDP của chúng ta — đạt mức thậm chí còn nhiều hơn cả thời kỳ Đệ nhị Thế chiến. Hơn 7 ngàn tỷ USD trong số đó — giá trị của toàn bộ ngân sách thường niên của Hoa Kỳ — là do người ngoại quốc nắm giữ. Chúng ta đang trên đà đạt tới mức trả lãi vay nợ 1 ngàn tỷ USD mỗi năm, nhiều hơn ngân sách quốc phòng của chúng ta. Và tờ 10 USD mà bà của quý vị dán trong tấm thiệp sinh nhật tặng cho quý vị bị thất lạc trong cuộc vui ở bữa tiệc sinh nhật năm 1971, nếu như được tìm thấy ngày nay, thì sẽ chỉ có giá trị 1.20 USD.

Và trên thế giới, Hoa Kỳ đang tham gia vào các cuộc xung đột leo thang với hai đối thủ hùng mạnh có vũ khí hạt nhân là Trung Quốc và Nga, cũng như cuộc chiến mà nhóm khủng bố ủy nhiệm của Iran, Hamas, đang tiến hành nhắm vào đồng minh của chúng ta, Israel.

  • Dẫn lời ba quan chức đương nhiệm và tiền nhiệm của Hoa Kỳ, NBC News đưa tin cho biết lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thẳng thừng nói với Tổng thống Hoa Kỳ rằng ông có ý định thâu tóm Đài Loan, một mối quan tâm mang tính sống còn của Hoa Kỳ. Chúng ta (và phần còn lại của thế giới) không chỉ nhập cảng phần lớn vi mạch bán dẫn từ Đài Loan mà 50% lưu lượng container hàng hải của thế giới cũng đi qua eo biển này.
  • Chiến tranh Nga-Ukraine tiếp tục leo thang trong những ngày qua và chưa có hồi kết. Trong một cuộc xung đột mà Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã cam kết về uy tín của Hoa Kỳ bằng cách khẳng định vào tháng Mười rằng chúng ta sẽ “cung cấp tất cả những gì cần thiết, trong bao lâu cần thiết, để Ukraine có thể sống trong tự do.” Nhưng chỉ tháng trước, Tổng thống Biden dường như đã rút lại cam kết của mình khi nói rằng Hoa Kỳ sẽ trợ giúp cho Ukraine “chừng nào chúng ta còn có thể.”
  • Lực lượng Hải quân Hoa Kỳ được khai triển tới Hồng Hải để bảo vệ tàu thuyền và ngăn chặn sự hiếu chiến của Iran đối với Israel đã bị phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn tấn công ở Yemen. Nhiều thành viên lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cũng đã bị thương ở Iraq và Syria trong các cuộc tấn công tương tự.

Trong biên giới của chúng ta, hơn bao giờ hết kể từ Chiến tranh Việt Nam, các cuộc biểu tình bạo lực trở nên mất kiểm soát sau trường hợp tử vong của George Floyd, vụ xâm phạm vào Tòa nhà Capitol hôm 06/01, và các cuộc biểu tình ủng hộ Hamas lấy cảm hứng từ chủ nghĩa Marx đã làm lung lay cảm giác về sự ổn định của Hoa Kỳ trong lòng công chúng quốc tế.

Với tất cả những diễn biến đó, không có đáng gì ngạc nhiên khi các quốc gia khác bắt đầu phi USD hóa tài sản mà họ nắm giữ. Thế giới đang ngày càng lo ngại về sự ổn định của Hoa Kỳ và khả năng đáp ứng các nghĩa vụ nợ của chúng ta. Saudi Arabia, quốc gia mà chúng ta đã dựa vào trong 50 năm qua để giúp duy trì nhu cầu về đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu của thế giới, đã tuyên bố rằng họ sẽ gia nhập BRICS, liên minh quốc tế gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi. Ai Cập, Ethiopia, Iran, và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (UAE) cũng đã tham gia vào cùng ngày.

Cứ như thể vậy vẫn là chưa đủ, giờ đây chính phủ Tổng thống Biden còn đang cân nhắc một chính sách không thể tránh khỏi việc đẩy nhanh quá trình phi USD hóa hơn nữa. Theo Financial Times, Hoa Kỳ và G-7 “đang tích cực tìm cách tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga” tại các quốc gia tương ứng của họ để tài trợ cho Ukraine, vì sự phản đối chính trị đối với việc tiếp tục tài trợ cho Ukraine tại Hoa Kỳ và châu Âu đang đe dọa đến dòng tiền đã giúp Ukraine cầm cự cho đến nay. Tờ báo cho biết họ đã xem được một tài liệu do Hoa Kỳ soạn thảo cho biết, theo luật pháp quốc tế, “các thành viên G7 và các quốc gia bị ảnh hưởng đặc biệt khác có thể tịch thu tài sản thuộc chủ quyền của Nga như một biện pháp đối phó để buộc Nga chấm dứt hành động xâm lược.”

Ông Robert Shiller, nhà kinh tế học từng đạt giải Nobel của trường Yale, đã nói với hãng thông tấn La Repubblica của Ý trong một cuộc phỏng vấn đăng hôm Chủ Nhật (28/12/2023) rằng ông đã cảnh báo chống lại chiến thuật này. Ông Shiller nhận định, “hành động này sẽ phục vụ như là sự xác nhận cho nhà lãnh đạo Nga rằng những gì đang diễn ra ở Ukraine là một cuộc chiến ủy nhiệm [và] một cách nghịch lý, cuộc chiến này có thể gây tổn thất cho Hoa Kỳ và toàn bộ phương Tây.” Ông đã cảnh báo chiến thuật này có thể tạo ra “một thảm họa cho hệ thống kinh tế do đồng USD thống trị hiện nay” bởi vì nó sẽ gieo rắc sự nghi ngại ở các quốc gia khác rằng khoản đầu tư của họ vào các loại công khố phiếu, các thị trường, và tổ chức tài chính của Hoa Kỳ có thể bị Hoa Kỳ tịch thu trong một tranh chấp chính trị.

“Đặc quyền thái quá” của Hoa Kỳ đã cho phép chúng ta tạo ra các mức nợ khổng lồ để đổi lấy, về căn bản là các giấy ghi nợ mà chúng ta đã đưa cho các chủ nợ của mình. Và với mức nợ hiện tại của chúng ta, đặc biệt là tỷ lệ nợ trên GDP, các đối tác thương mại của chúng ta, cũng như bất kỳ chủ nợ nào khác, hiện đang đặt dấu hỏi về khả năng trả nợ của chúng ta.

Bên cạnh môi trường tài khóa như vậy, các tác nhân độc hại từ ngoại quốc đang tìm cách làm suy yếu Hoa Kỳ để tạo lợi thế địa chính trị cho họ, đặc biệt là Trung Quốc. Nước này đang tích cực theo đuổi nỗ lực lật đổ đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới. Một phần trong chiến lược của họ là chốt giao dịch bằng đồng tiền của chính họ.

Tóm lại

Thị trường toàn cầu đang tấn công đồng USD. Trong khi chúng ta tiếp tục được hưởng các thị trường vốn lớn nhất, minh bạch nhất, và được quản lý tốt nhất trong thế giới tự do, cũng như thị trường tiêu dùng trung bình trên dân số lớn nhất, thì các yếu tố khác trong vị thế tối cao của đồng USD đang bị xói mòn. Vị thế đồng tiền dự trữ thế giới của đồng USD — “đặc quyền thái quá” của Mỹ kim — sẽ khó có thể duy trì được trong thập niên tới. Viễn cảnh đó sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực to lớn đối với công dân Hoa Kỳ trong những thập niên cuối của thế kỷ này. Lãi suất cần thiết để tài trợ cho khoản nợ của chúng ta sẽ tăng cao, ăn vào các khoản đầu tư thay thế hiệu quả khác vào doanh nghiệp và đổi mới.

Quốc hội chắc chắn sẽ phải kiểm soát được chi tiêu của chúng ta để thực hiện những cắt giảm mạnh mẽ, thực tế, và có can đảm tăng thuế đối với những người chủ yếu thuộc nhóm nhà tài trợ cho chính cơ quan lập pháp này để chúng ta có được ngân sách cân bằng không muộn hơn năm 2030. Để thoát khỏi nợ nần như chúng ta đã mắc nợ trong Đệ nhị Thế chiến, chúng ta phải làm cho đất nước của mình năng suất hơn và kiên cường hơn. Điều đó có nghĩa là có nhiều kỹ sư hóa học và nhà khoa học máy điện toán tốt nghiệp hơn và có ít nhân viên xã hội và sinh viên chuyên ngành “nghiên cứu về sự bất mãn” (grievance studies*) tốt nghiệp hơn. Điều đó có nghĩa là phải quyết liệt bảo vệ công nghệ của chúng ta và đưa chuỗi cung ứng các ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao về nước. Điều đó có nghĩa là có những lựa chọn chính sách thông minh trên diện rộng, để giúp cho người dân của chúng ta khỏe mạnh hơn, con em chúng ta được giáo dục tốt hơn và có thể chất tốt hơn để giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe. Và chúng ta cần bảo đảm sao cho các cấu trúc gia đình và thể chế của chúng ta có khả năng phục hồi tốt hơn để các tổ chức từ thiện và gia đình — chứ không phải là chính phủ — hỗ trợ cho những công dân gặp khó khăn nhất của chúng ta.

Nếu không, chúng ta sẽ đi đến ngày mà đồng USD lụi tàn — và nền cộng hòa cũng ra đi cùng.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

(*) Grievance studies hay “nghiên cứu về sự bất mãn” là dự án của một nhóm gồm ba tác giả — Peter Boghossian, James A. Lindsay, và Helen Pluckrose — nhằm nêu bật sự xói mòn các tiêu chuẩn trong một số lĩnh vực học thuật. Trong năm 2017 và 2018, họ đã gửi các bài nghiên cứu không có thật cho các tạp chí học thuật về các chủ đề theo thuyết phê phán chủng tộc (CRT) như đồng tính luyến ái, phân biệt chủng tộc, và phân biệt giới tính để xem liệu các bài nghiên cứu giả này có vượt qua được quá trình bình duyệt và được chấp nhận để xuất bản hay không. Một số bài sau đó đã được xuất bản và được các tác giả khác trích dẫn làm bằng chứng cho lập luận của họ.

Nhật Thăng biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét