Thứ Hai, 22 tháng 1, 2024

Việt Nam Che Đậy Nạn Buôn Người Và Bạo Lực Với Phụ Nữ

 

Ngày 17 tháng 1, 2024

CEDAW: Việt Nam che đậy nạn buôn người và bạo lực với phụ nữ


https://machsongmedia.org/vietnam/danchu/2091-cedaw-viet-nam-che-day-nan-buon-nguoi-va-bao-luc-voi-phu-nu.html


Hải Di Nguyễn


Để chuẩn bị cho cuộc họp tháng 2/2024 với Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt Đối xử với Phụ nữ (Committee on the Elimination of Discrimination against Women, viết tắt là CEDAW) trước phiên rà soát nhà nước Việt Nam, BPSOS đã nộp ba bản báo cáo chung với một số tổ chức XHDS về vấn đề phụ nữ ở Việt Nam.


Một trong các bản báo cáo, làm chung với Hmong Human Rights Coalition, tập trung vào phụ nữ H’mông, bị phân biệt đối xử vừa về vấn đề sắc tộc, vừa về vấn đề tôn giáo. Nhiều phụ nữ H’mông theo đạo Tin lành bị cưỡng ép bỏ đạo, đuổi khỏi làng; bị tách khỏi con cái hoặc bị từ chối giấy khai sinh cho con; hoặc bản thân không được cấp hộ khẩu và giấy tờ tùy thân, bị đẩy vào tình trạng vô quốc tịch trên chính quê hương mình, v.v.


Một báo cáo khác, BPSOS soạn chung với tổ chức Người Thượng vì Công lý, tập trung vào cách nhà nước Việt Nam đối xử với phụ nữ người Thượng: đàn áp tôn giáo và phân biệt sắc tộc, đe dọa, sách nhiễu, cưỡng ép bỏ đạo, cưỡng chế đất và không đền bù thỏa đáng, bắt bớ các phụ nữ biểu tình, v.v.


Bản báo cáo thứ ba, soạn cùng Liên hiệp Môn đệ Cao Đài, tổ chức Đức tin & Công lý, và Nhóm Thân hữu Thiền Am, đi vào hai vấn đề buôn người và bạo lực với phụ nữ.

 

Nạn buôn người và sự che đậy của nhà nước


Nhà nước Việt Nam nhìn chung có chính sách kép với nạn buôn người: họ có thể hỗ trợ nạn nhân và trừng phạt thủ phạm trong các trường hợp buôn người “cá lẻ” như lao động trẻ em hoặc lừa đảo người lao động vào các đường dây lừa đảo, nhưng không công nhận là buôn người những trường hợp bị lường gạt, bóc lột sức lao động, lạm dụng tình dục trong các chương trình xuất khẩu lao động của nhà nước.


Không những không trừng phạt các công ty môi giới lao động, thủ phạm buôn người, nhà nước Việt Nam còn chĩa mũi dùi vào nạn nhân, đe dọa, sách nhiễu, tạo áp lực, ép buộc họ im lặng.

Một ví dụ là trường hợp chị Huỳnh Thị Gấm, sang Ả Rập Xê Út năm 2019 qua chương trình xuất khẩu lao động của công ty HAVIMEC. Mỗi khi rời đi vì bị chủ đánh đập, chị lại bị công ty đẩy sang chủ khác, tiếp tục bị hành hạ. Mỗi khi cầu cứu vì không còn đường thoát, chị lại bị sứ quán Việt Nam trả về công ty môi giới, tiếp tục bị bóc lột nơi xứ người.


Trong hai năm ở Ả Rập Xê Út, chị Huỳnh Thị Gấm bị đẩy từ chủ này sang chủ khác—tổng cộng sáu chủ khác nhau—bị đày đọa, đánh đập, quỵt tiền, tấn công tình dục, và chị cho biết, cũng bị chính HAVIMEC chặn bớt tiền, cho tới khi được hồi hương cuối tháng 10/2021 nhờ sự can thiệp của Tổ chức Di trú Quốc tế và chương trình CAMSA của BPSOS.


Chị nhiều lần tố cáo công ty môi giới HAVIMEC với công an Việt Nam. Công an xem đó là tranh chấp dân sự chứ không điều tra như một trường hợp buôn người, và cho tới nay chưa có điều gì cho thấy công an Việt Nam truy tố HAVIMEC và thủ phạm buôn bán chị Huỳnh Thị Gấm.


Bản báo cáo cũng nêu ra vài trường hợp thương tâm khác. Nhiều nạn nhân khi tố cáo thủ phạm còn bị công an hoặc nhân viên sứ quán đe dọa, sách nhiễu, như chị H Thái Ayun, phải đi lánh nạn ở Thái Lan.

 

Dung túng bạo lực với phụ nữ


Bản báo cáo nói các cơ quan thực thi pháp luật ở Việt Nam thường tránh truy tố thủ phạm có hành vi bạo lực với phụ nữ, nếu họ là quan chức nhà nước, hoặc không thuộc nhà nước nhưng thuộc thành phần được bảo vệ, chẳng hạn như Hội Cờ Đỏ.


Ngày 17/12/2017, một nhóm nữ giáo dân Kẻ Gai đang làm lạch mương cho phần đất họ đã dâng cho nhà thờ, thì chính quyền địa phương đến yêu cầu họ dừng lại. Chẳng thấy lý do, họ không dừng.


Không lâu sau đó, hơn 100 đàn ông choàng cờ đỏ xuất hiện và xông vào tấn công, đánh đập các phụ nữ này ngay trước mặt công an và chính quyền địa phương. Có giáo dân bị đánh đến bất tỉnh. Sau đó chính quyền địa phương đưa tới cảnh sát cơ động.

Không điều gì cho thấy nhà nước Việt Nam từ trước đến nay đã truy tố bất kỳ thành viên nào của Hội Cờ Đỏ, và khi bị chất vấn ở LHQ tháng 11/2023, phái đoàn nhà nước Việt Nam gọi Hội Cờ Đỏ là “một nhóm người dân yêu nước”.


Bản báo cáo cũng nói đến một trường hợp liên quan đến một giáo sĩ Cao Đài 1997. Chi phái Cao Đài 1997 là do Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1997 nhằm khống chế và tiêu diệt đạo Cao Đài—trong năm 2023 vừa qua, đã bị một tòa án ở Texas phán quyết là tổ chức tội phạm.


Báo cáo cho CEDAW nói đến trường hợp năm cháu gái ở Sở Đồng Nhi, khi đó 9-12 tuổi, bị giáo sĩ này, khi đó 63 tuổi, cưỡng hiếp nhiều lần năm 2005. Đến tận hôm nay, thủ phạm vẫn tiếp tục sống tự do, các nạn nhân vẫn chưa tìm được công lý và vẫn phải trốn tránh vì lo sợ bị trả thù. 

 

Công an Việt Nam có bạo lực với phụ nữ


Ngoài ra, công an Việt Nam cũng có hành vi bạo lực với phụ nữ thuộc các nhóm tôn giáo độc lập không muốn chịu sự quản lý của nhà nước.


Bản báo cáo cho CEDAW kể ra hai trường hợp bà Nguyễn Xuân Mai và bà Nguyễn Hồng Phượng, thuộc đạo Cao Đài 1926. Bà Nguyễn Hồng Phượng cho biết, ngày 17/9/2021, bà bị công an tra khảo về Hội nghị Tự do Tôn giáo hay Niềm tin Đông Nam Á năm 2019, bị khám xét cơ thể như một hình thức làm nhục, và bị tát vào mặt.


Tài liệu của BPSOS cũng kể chuyện công an phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam để tấn công, bôi nhọ Thiền Am, đe dọa, làm nhục các nữ tu qua các trò “kiểm tra trinh tiết” và cưỡng ép xét nghiệm ADN vì cáo buộc loạn luân ở Thiền Am.


Nhà nước Việt Nam không đưa ra được bằng chứng cho thấy có loạn luân, nhưng một số thành viên của Thiền Am, trong đó có phụ nữ, đang chịu án tù về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”; các thành viên nữ phải chịu nhục nhã vì cáo buộc loạn luân và bị “kiểm tra trinh tiết”; và các trẻ em của Thiền Am vừa bị tách khỏi gia đình duy nhất mình từng biết là Thiền Am, vừa sợ hãi vì hành động của công an, vừa xẩu hổ vì dư luận.


Bản báo cáo có kèm khuyến nghị cho Ủy ban CEDAW.


Toàn bộ bản báo cáo có thể đọc ở đây: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/01/BPSOS-et-al-joint-submission-on-human-trafficking-to-CEDAW-Vietnam-January-2024.pdf

Báo cáo về tình trạng phụ nữ H’mông: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/01/Alternative-report-to-CEDAW-Hmong-in-Vietnam.docx.pdf

Báo cáo về tình trạng phụ nữ người Thượng: https://dvov.org/wp-content/uploads/2024/01/BPSOS-MSFJ-joint-submission-to-CEDAW-Vietnam-January-2024.pdf


Hải Di Nguyễn 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét