Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2024

Vô Trung Sinh Hữu

 


VÔ TRUNG SINH HỮU 
Nhất Hùng 

Chính Trị Phiếm Đàm

Vô Trung Sinh Hữu: một kế trong “tam thập lục kế”, nghĩa là “Từ Không Biến Thành Có”. Trung Cộng tự cho mình có 90% chủ quyền trên Biển Đông, một hình thức không phải của mình nhưng cứ nhận là của mình, bất luận kết quả thế nào thì Trung Cộng cũng giành lợi, chỉ là nhiều ít về cho mình. Trung Cộng đang thực hiện kế: Vô Trung Sinh Hữu.


Ngay từ năm 2019 Trung Cộng đã liên tục quấy rối việc dò tìm và khai thác dầu khí của Việt Nam ở bãi Tư Chính, một rạn San Hô mà Việt Nam công bố chủ quyền. Có thể kể ra một số nguyên nhân:


- Trung Cộng tuyên bố chủ quyền phi lý đối với toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả bãi Tư Chính. Việc này là một phần trong nỗ lực của Trung Cộng nhằm hiện thực hóa tuyên bố này.


- Trung Cộng muốn kiểm soát nguồn tài nguyên dầu khí phong phú ở Biển Đông. Bãi Tư Chính được cho là có trữ lượng dầu khí lớn, và Trung Cộng không muốn Việt Nam khai thác nguồn tài nguyên này. 


- Trung Cộng muốn thể hiện sức mạnh và uy hiếp các nước khác  trong khu vực. Việc quấy rối hoạt động của Việt Nam là một cách để Trung Cộng cho thấy họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh để đạt được mục tiêu của mình.


Cụ thể, trong trường hợp của bãi Tư Chính, Trung Cộng cho rằng khu vực này nằm trong "đường chín đoạn" phi pháp mà họ tự vạch ra.


Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với bãi Tư Chính, và đã tiến hành các hoạt động dò tìm và khai thác dầu ở khu vực này.


Việc Trung Cộng quấy rối hoạt động của Việt Nam ở bãi Tư Chính đã gây ra căng thẳng giữa hai nước. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động này, và yêu cầu Trung Cộng rút tàu khỏi vùng biển của mình.


Việt Nam lệ thuộc rất nhiều trong việc hợp tác với Nga trong dò tìm và khai thác dầu khí ở bãi Tư Chính nhưng Trung Cộng muốn loại Nga ra khỏi khu vực này và không ngại đụng chạm với Nga vì:


- Trung Cộng và Nga có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế, quân sự và chính trị. Trung Cộng là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Nga, và hai nước cũng đang hợp tác phát triển vũ khí và công nghệ. Mối quan hệ này khiến Trung Cộng có thể tin tưởng rằng Nga sẽ không thực sự can thiệp quá sâu vào vấn đề Biển Đông.


- Trung Cộng có lợi thế về quân sự so với Nga. Trung Cộng có lực lượng hải quân mạnh thứ hai thế giới, và có thể dễ dàng áp đảo lực lượng hải quân của Nga ở Biển Đông. Điều này khiến Trung Cộng tin rằng họ có thể kiềm chế được phản ứng của Nga trong trường hợp xảy ra xung đột.


- Trung Cộng đang muốn thể hiện sức mạnh và uy hiếp các nước khác trong khu vực. Việc đụng chạm với Nga ở Biển Đông là một cách để Trung Cộng thể hiện lập trường cứng rắn của mình, và cho thấy họ sẵn sàng sử dụng sức mạnh để đạt được mục tiêu của mình.


Có thể nói rằng, Trung Cộng đang thực hiện một chiến lược "dùng sức mạnh để răn đe" trong vấn đề Biển Đông. Họ đang cố gắng thể hiện cho các nước khác thấy rằng họ có sức mạnh và sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó, bất kể đối thủ là ai. Trong trường hợp của Nga, Trung Cộng có thể tin tưởng rằng Nga sẽ không thực sự can thiệp quá sâu, và họ có thể tiếp tục các hoạt động của mình ở Biển Đông mà không bị cản trở.


Tuy nhiên, chiến lược này cũng có thể mang lại những rủi ro cho Trung Cộng. Nó có thể khiến các nước khác trong khu vực liên kết với nhau để đối phó với Trung Cộng, và có thể dẫn đến xung đột quân sự.


Trước sự hung hăng và bắt nạt của Trung Cộng đối với các nước nhỏ vùng biển Đông, Mỹ, một cường quốc Hải Quân thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động quấy rối của Trung Cộng đối với hoạt động dò tìm và khai thác dầu của Việt Nam ở bãi Tư Chính.


- Mỹ lên tiếng phản đối mạnh mẽ cách hành động của Trung Cộng ở Biển Đông. Điều này thể hiện qua các tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Mỹ, trong đó khẳng định rằng Trung Cộng đang “xâm phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế” và “đe dọa hòa bình và ổn định khu vực”.


- Mỹ cũng tiếp tục triển khai các hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông. Các hoạt động này nhằm thách thức chủ quyền phi lý của Trung Cộng đối với toàn bộ biển Đông.


- Mỹ cũng tiếp tục tăng cường hợp tác quân sự với các nước trong khu vực, bao gồm Việt Nam, Philippines và Đài Loan. Đây là cách để Mỹ giúp các nước này nâng cao khả năng tự vệ trước các mối đe dọa từ Trung Cộng.


Một số ví dụ cụ thể về các phản ứng của Mỹ trong thời gian gần đây bao gồm:


- Ngày 21/7/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố, trong đó lên án Trung Cộng vì đã tiến hành các hoạt động quân sự "thiếu trách nhiệm và gây bất ổn" ở Biển Đông. Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Cộng "tuân thủ luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành động khiêu khích".


- Ngày 22/7/2023, tàu chiến USS Benfold của Mỹ đã thực hiện một chuyến đi tự do hàng hải ở Biển Đông. Chuyến đi này là một hành động nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Cộng đối với toàn bộ Biển Đông.


Có thể thấy rằng, Mỹ đang tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn đối với hành động của Trung Cộng ở Biển Đông. Mỹ đang sử dụng các biện pháp ngoại giao, quân sự và kinh tế để thể hiện sự ủng hộ đối với các nước trong khu vực, và để kiềm chế tham vọng của Trung Cộng ở Biển Đông.


Đáng chú ý, chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình vừa viếng thăm Hà Nội đầu tháng 12 năm 2023 và ký kết Hiệp định “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai” (nhưng bản tiếng Hán vẫn ghi là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”). Những tưởng mối quan hệ hai nước sẽ được cải thiện tốt hơn nhưng chỉ trong vòng một tháng qua, tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12.000 tấn của Trung Cộng có ký hiệu CCG 5901 đã ba lần xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.


Trên thực tế, chỉ hai ngày trước chuyến thăm của ông Tập tới Việt Nam, tàu 5901 đã xâm nhập vào khu vực biển quanh Bãi Tư Chính do Việt Nam quản lý. Sau đó, con tàu này đã quay trở lại thêm hai lần nữa, một vào ngày 29 tháng 12, và mới đây nhất là ngày 7 tháng 1 năm 2024. 


Bãi Tư Chính là một rạn san hô ngầm, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và là quốc gia đang duy trì ba nhà giàn ở khu vực này để khẳng định chủ quyền. Đây cũng là khu vực mà Việt Nam có nhiều hoạt động khai thác dầu khí, cụ thể là các lô 06-01, 05-03, 12-11, và lô 12W, do các công ty của Việt Nam và Nga tiến hành khai thác. 


Trong những năm gần đây, Trung Cộng tăng cường gây sức ép lên Việt Nam ở khu vực này bằng cách liên tục cho tàu tuần tra tiến vào, và gây áp lực chính trị để buộc Việt Nam phải ngưng các dự án thăm dò dầu khí ở đây. 


Có một thời gian,Trung Cộng đã gây sức ép lên Việt Nam để buộc Việt Nam phải tham gia “khai thác chung”, với mục đích biến thành tiền lệ để các nước khác trong khu vực phải nhượng bộ trong quá trình đàm phán bộ Quy tắc Ứng xử. 


Khai thác chung cũng có nghĩa, Việt Nam phải để cho Trung Cộng được quyền cùng tham gia khai thác dầu khí ở khu vực Bãi Tư Chính. Và Trung Cộng cũng muốn loại bỏ các công ty của những nước không liên quan đến khu vực Biển Đông ra khỏi các hoạt động thăm dò và khai thác. Nếu việc này trở thành hiện thực thì Việt Nam sẽ gặp nhiều rủi ro lớn. Cả Việt Nam và Trung Cộng đều tuyên bố chủ quyền ở khu vực này. Việt Nam có quyền đồng ý khai thác chung nếu muốn nhưng nếu Việt Nam đồng ý thì cũng có nghĩa là Việt Nam công nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Cộng ở khu vực này. Bằng việc ép Việt Nam tham gia khai thác chung, Trung Cộng muốn biến khu vực Bãi Tư Chính, từ chỗ hoàn toàn thuộc quyền quản lý của Việt Nam, trở thành một khu vực tranh chấp mà Trung Cộng có phần ở đó, mà một khi nước này đã thành công trong việc thiết lập sự hiện diện thì sẽ không thể bị di dời. Khai thác chung với Trung Cộng còn có ý nghĩa, nước này muốn các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn đồng ý với quy định, không để các công ty thăm dò và khai thác dầu khí thuộc các nước không liên quan hoạt động ở khu vực. Thay vào đó là chỉ các công ty dầu khí quốc doanh của Trung Cộng và các nước Đông Nam Á mới được tham gia. Điều này nghiễm nhiên sẽ tạo ra lợi thế rất lớn cho Trung Cộng bởi họ có năng lực thăm dò và khai thác vượt trội. 


Việt Nam vốn phụ thuộc vào các công ty của Nga trong lĩnh vực khai thác dầu khí, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với Việt Nam trong trường hợp này là Trung Cộng thành công ép các công ty Nga chấm dứt hợp tác với Việt Nam. 


Trong bối cảnh Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Cộng về mặt kinh tế và chính trị, sau khi nước này hứng chịu hàng loạt các đòn cấm vận từ phương tây vì tiến hành xâm lược Ukraine, việc Trung Cộng lợi dụng vị thế cửa trên để ép Nga nhượng bộ trên khu vực Biển Đông, điển hình là chấm dứt hợp tác với Việt Nam, là điều hoàn toàn có thể xảy ra. 


Dù còn cộng tác với Nga hay không, dù Trung Cộng có thể chẳng đạt được điều gì, Việt Nam vẫn là bên chịu nhiều thiệt hại ở khu vực bãi Tư Chính. Tồi tệ nhất là Việt Nam đang để Trung Cộng làm chủ cuộc chơi trong việc đặt ra yêu sách chủ quyền đối với vùng biển của chính mình và Việt Nam cũng không có cách nào để có thể buộc Trung Cộng phải xuống nước.


Sự hung hăng và bắt nạt của Trung Cộng ở Biển Đông là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Để đối phó với thách thức này, Việt Nam cần thực hiện đồng thời các giải pháp sau:


- Tiếp tục triển khai các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở Bãi Tư Chính. Đây là cách để Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình đối với khu vực này.


- Tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế để thảo luận về vấn đề Biển Đông. Đây là cách để Việt Nam tuyên truyền, vận động và kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ chủ quyền của mình ở biển Đông.


- Chủ động, linh hoạt trong ứng xử với các hành động khiêu khích của Trung Cộng, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia.Việt Nam cần sử dụng các biện pháp ngoại giao, pháp lý, kinh tế,... để kiềm chế hành vi hung hăng của Trung Cộng.


- Tăng cường khả năng quân sự, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để đối phó với Trung Cộng . Đây là giải pháp quan trọng để Việt Nam nâng cao khả năng tự vệ, bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trước các mối đe dọa từ Trung Cộng.


Và quan trọng nhất, Việt Nam cần điều chỉnh “Chính Sách Ngoại Giao Cây Tre”. Chính sách “đu dây” này rất hữu hiệu trong giai đoạn cuộc Chiến Tranh Lạnh vừa kết thúc nhưng sẽ không hiệu quả trong giai đoạn thế giới đang phân cực rõ rệt với một bên là Mỹ và Phương Tây, một bên là Trung Cộng và Nga.


Việt Nam thường giương cao khẩu hiệu; “Kẻ Thù Của Kẻ Thù Ta Là Bạn Ta”. Ngày nay, chỉ có một kẻ thù duy nhất đe dọa đến chủ quyền, quyền lợi của Việt Nam là Trung Cộng. Trong khi ấy Mỹ, siêu cường thế giới, một cường quốc biển, bá chủ hoàn cầu xem Trung Cộng là kẻ thù tiềm tàng đe dọa đến quyền lợi và an ninh của họ.


Đừng xem “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện” với Hoa Kỳ là bình phong, là con ngáo ộp mà cần có mối quan hệ trung thực, minh bạch. Cần xây dựng nền Kinh Tế Thị Trường đúng nghĩa để thu hút đầu tư quốc tế hầu nâng cao tiềm lực kinh tế. Cần lấy dân làm gốc, muốn vậy phải cải cách Nhân Quyền và Dân Chủ để tập trung sức mạnh toàn dân, răn đe kẻ thù.


Nhất Hùng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét