Gặt hái những lợi ích của năm tháng vàng son.
Đầu tiên, bạn hãy thực hiện một trắc nghiệm nhanh. Câu nào dưới đây có nhiều khả năng là câu trả lời từ bậc ông bà hơn là từ cha mẹ?
“Tất nhiên rồi, con có thể ăn thêm một tô kem rắc hạt chip chocolate nữa. Con đang lớn mà.”
“Đây là 20 dollar. Mua thứ gì đó con thích đi.”
“Chúng ta sắp đi ngang cửa hàng quần áo và sẽ ghé vào một lát, con có thể mua vài bộ đồ mới.”
“Ôi trời, một tấm phiếu phạt có phải là tận thế đâu. Lần sau chỉ cần nhớ để ý đồng hồ tốc độ là được rồi.”
“Trên đường về nhà, mình ghé qua cửa hàng kẹo nhé.”
Nếu bạn chọn cả 5/5 câu trả lời là của ông bà, bạn là người thắng cuộc.
Đối với hầu hết chúng ta, làm ông bà nghĩa là vui vầy bên con cháu, với ít ràng buộc trách nhiệm làm cha mẹ. Chúng ta không phải là những người thức dậy cho bé ăn lúc 3 giờ sáng hay lo toát mồ hôi chờ đợi cô con gái tuổi teen đi prom về nhà. Không chúng ta đến [thăm các cháu] với những món quà nhỏ trong túi xách, không bị chê bai trước những chuyện cười nhạt nhẽo vì địa vị và tuổi tác của mình, chúng ta cũng là người dành thời gian để lắng nghe bé cháu 6 tuổi kể lại những giấc mơ ban đêm dài dòng của cháu.
Và bởi vì bậc ông bà có dư dả thời gian để chơi đùa với các cháu, theo một số cách nào đó, chúng ta có thể tìm lại sự kỳ diệu và niềm vui thời thơ ấu, đồng thời sửa chữa những sai lầm mà mình mắc phải khi làm cha mẹ. Hãy chiêm nghiệm những món quà này theo trình tự thời gian, bắt đầu từ giai đoạn các cháu ra đời.
Điều kỳ diệu của trẻ sơ sinh
Trong bài luận đầy thông thái và sâu sắc có nhan đề “A Defence of Baby Worship” (Biện luận cho việc tôn sùng trẻ thơ), ông G.K Chesterton đã đưa ra một nhận xét khiến nhiều người trong chúng ta sửng sốt về tính chân thực sâu sắc của nó: “Các trường phái và những bậc hiền triết uyên thâm nhất cũng chẳng thể sánh được với sự trang nghiêm ngự trong đôi mắt của một đứa trẻ ba tháng tuổi. Đó là sự nghiêm túc đầy ngỡ ngàng về vũ trụ, và niềm hân hoan ngạc nhiên ấy không phải là thần bí, mà là một dạng trí tuệ vượt qua lý trí thông thường.”
Nhà thờ nơi tôi đến mỗi buổi sáng Chủ nhật có nhiều trẻ nhỏ, nhiều em trong số đó là trẻ sơ sinh, và ít nhất mỗi tháng một lần, em bé tựa đầu trên vai mẹ hoặc cha, đưa ánh mắt nhìn tôi. Trong ánh nhìn đó là những yếu tố mà ông Chesterton đã miêu tả một cách hoàn hảo: sự trang nghiêm và ngạc nhiên. Và nếu chúng ta đọc kỹ câu từ của tác giả, chúng ta sẽ hiểu rằng sự ngạc nhiên này kỳ thực là một loại trí tuệ siêu việt vốn dĩ phải thuộc về tất cả chúng ta. Suy xét cho thấu đáo thì, vũ trụ này nên khiến chúng ta thảng thốt hồ nghi. Đôi mắt của đứa trẻ sơ sinh ấy như bác bỏ sự lãnh đạm của chúng ta đối với hành tinh kỳ diệu này, nơi ta đang sống, một sự mù quáng phát sinh từ những lo lắng và tổn thương mà chúng ta phải gánh chịu qua nhiều năm tháng.
Ánh nhìn không chớp mắt này là một trong những món quà đầu tiên của cháu bé dành cho ông bà.
Từ chập chững biết đi đến tuổi thiếu niên
Một học sinh lớp ba muốn bà xáo bài và chơi cờ bàn hàng giờ liền. Một đứa bé 11 tuổi cần một bảo mẫu đa năng, tất cả các tố chất hội tụ ở ông bà: một tài xế, một người kể chuyện, một gia sư toán học, và một người hướng dẫn về nghệ thuật làm vườn hay ném bóng chày.
Đây là những năm tháng vàng son khi ông bà có cơ hội quay về ngày tháng làm cha mẹ và cả trước đó, làm trẻ con. Họ đọc câu chuyện mầm non “Chàng Mèo Đội Mũ” (The Cat in the Hat) mà cha mẹ đã đọc cho họ và họ đã đọc cho các con của mình. Họ kiên nhẫn lắng nghe một học sinh lớp bốn đọc thuộc bảng tính nhân như cha mẹ họ từng làm. Ông chỉ các cháu cách luồn dây câu, hệt như cách ông nội của ông đã truyền dạy cho ông. Bà, người làm bánh quy chocolate chip ngon nhất mọi thời đại, dạy lại những bí kíp cho cháu gái, và ở khoảnh khắc đó bà như được trở lại 50 năm về trước trong lớp học với người bà của mình, căn nhà bếp.
“Không ai có thể làm cho trẻ nhỏ những điều mà ông bà đã làm cho chúng,” nhà văn Alex Haley từng nói. “Ông bà như những người rắc bụi sao lấp lánh lên cuộc đời của các cháu nhỏ.”
Đây là khoảng thời gian đẹp như mơ với vai trò ông bà.
Giai đoạn khó khăn
Đây là những năm tháng tuổi trưởng thành và tuổi ấu thơ giao thoa, hoặc thường xuyên hơn, là va chạm nhau. Khi người trẻ tuổi tự mình đương đầu với các khó khăn, cố gắng tìm kiếm con đường riêng, thường vấp ngã, ông bà có thể có cùng cảm giác với cha mẹ các cháu: bị phớt lờ hoặc thậm chí bị coi thường. Cô bé 17 tuổi, chỉ vài năm trước còn trèo lên lòng bà và muốn nghe kể chuyện, giờ đây ngồi một mình và im lặng trên ghế sofa nhắn tin cho bạn bè, cô đơn và tách biệt.
Những năm tháng niên thiếu của cháu là lúc bậc ông bà cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Hầu hết thời gian, giống như cha mẹ của các cháu, chúng ta chẳng biết mình đang làm gì. Hành động của chúng ta đôi khi đúng, đôi khi sai. Lời khuyên cũng sẽ bị phớt lờ.
Chúng ta sẽ nhận được một cái liếc mắt khi hỏi liệu các cháu có đang hẹn hò chăng, và nhận lấy cái nhún vai khi hỏi về chuyện học hành. Nếu cần sự giúp đỡ để ứng phó với những thay đổi này, chúng ta có thể nhớ lại thời niên thiếu của mình và nhớ lại rằng mình cũng chẳng cư xử khác gì.
Nhưng chúng ta sẽ không thất bại nếu chúng ta luôn kiên định trong tình thương dành cho các cháu. Sớm hay muộn, nếu các cháu biết chúng ta luôn ở đó, các cháu sẽ quay lại, có thể các cháu sẽ bị cuộc sống làm cho bầm dập đôi chút, nhưng lại muốn tìm đến chúng ta lần nữa.
Sự chờ đợi và kiên trì này thật khó khăn, nhưng một lần nữa, không ai nói rằng việc làm ông bà chỉ toàn những giây phút êm đềm.
Điều tốt đẹp nhất
Đó là tuần thứ ba của tháng Sáu.
Từ tầng hai của căn nhà bên bãi biển, tôi nhấm nháp một tách cà phê trong buổi sáng muộn, ngắm nhìn cảnh sắc bên dưới. Đột nhiên nảy ra ý tưởng [nào đó], ba trong số các cháu trai tuổi vị thành niên của tôi đào một cái hố rất lớn trên bãi cát. Bốn cô chị lớn, những cô gái tuổi teen xinh đẹp rạng rỡ dưới ánh mặt trời và làn nước biển, đang nô đùa trên con sóng xô bờ hoặc ngụp lặn dưới những con sóng lớn hơn. Chân các cháu di chuyển như những chiếc kéo, các cháu nhỏ chạy thoăn thoắt từ mép biển đến những chiếc ô và mái che đang che mát cho cha mẹ, trong đó có ba người là con lớn của tôi.
Trong khoảng 15 phút hoặc hơn thế, đủ thứ ý nghĩ đến trong đầu tôi. Mặc dù sáng hôm đó thiếu mất một gia đình sáu người, nhưng ngay trước mắt tôi là di sản từ cuộc hôn nhân giữa tôi và Kris. Một người mẹ, người vợ tuyệt vời, bà ấy qua đời một năm trước khi đứa cháu đầu tiên được sinh ra, chàng trai trẻ nay vừa tốt nghiệp trung học. Giống như bao lần khác, tôi hy vọng, rằng trước những bí ẩn của sinh tử và sự vĩnh hằng, bà có thể nhìn thấy tất cả các con và các cháu, và bà sẽ vui khi nhìn thấy chúng đồng thời có thể chúc phúc cho chúng với một nụ cười.
Dưới ánh nắng mặt trời chiếu rọi và biển với cát bao bọc, với tôi, những đứa trẻ này như thể là những thiên thần bằng xương bằng thịt, những sinh mệnh mà 20 năm trước tôi chẳng thể nào hình dung ra. Một số là ruột thịt của tôi, một số được nhận nuôi, nhưng tất cả đều là cháu của tôi, và giống như các bậc ông bà ở khắp mọi nơi, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chúng. Cầu Chúa phù hộ, tất cả sẽ sống thọ hơn tôi, nhưng sẽ mang theo hình ảnh về tôi trong ký ức đến tận cuối đời, và tôi cầu nguyện những ký ức đó đều tốt đẹp, đáng trân quý, và thậm chí hữu ích.
Vào lúc ấy, tôi cảm thấy đó là mười lăm phút tuyệt vời nhất mà tôi có trong tuần lễ ở bãi biển.
Giờ đây khi nhìn lại, tôi nhận ra rằng mười lăm phút đó là một trong những khoảnh khắc đẹp đẽ nhất mà tôi từng có trong cuộc đời.
Jeff Minick _ Linh Đan
Nguồn: Báo Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét