Thứ Năm, 18 tháng 1, 2024

Thơ Lý Bạch - Bài 84, 85 Và 86

 


THƠ LÝ BẠCH - BÀI 84, 85 VÀ 86
Thầy Dương Anh Sơn


BÀI 84

CỔ PHONG KỲ NHỊ THẬP                                                     古風 其二十

Tích ngã du Tề đô,                                                                     昔我游齊都,
Đăng hoa bất chú phong.                                                           登華不注峰。
Tư sơn hà tuấn tú,                                                                      茲山何峻秀,
Lục thúy như phù dung.                                                             綠翠如芙蓉
Tiêu táp cổ tiên nhân,                                                                 蕭颯古仙人,
Liễu tri thị Xích Tùng.                                                               了知是赤松。
Tá dư nhất Bạch lộc,                                                                  借予一白鹿,
Tự hiệp lưỡng Thanh long.                                                        自挾兩青龍。
Hàm tiếu lăng đảo cảnh,                                                            含笑凌倒景,
Hân nhiên nguyện tương tòng.                                                  欣然願相從。
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ hai mươi.

Trước đây ta đã đi chơi ở kinh đô nước Tề - Ta leo lên quầng sáng của mặt trăng, mặt trời mà không nhờ đến sự giúp đỡ của núi cao! - Bây giờ núi non sao lại cao lớn như thế! - Màu xanh lục biếc như đóa hoa phù dung (c. 1-4). Các vị thầntiên xưa thong dong với sự hiểu biết đúng như ông Xích Tùng. - Giúp cho ta là một con hươu trắng - còn tự mình nhờ vào sự cầm giữ hai con rồng xanh (c. 5-8).
Loài hoa vừa chớm nở, nụ vươn cao sẽ làm cảnh sắc càng thêm đẹp. - Niềm vui như thế cầu mong sẽ đi theo cùng nhau (c.9-10).

Tạm chuyển lục bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ HAI MƯƠI.

Trước kia dạo chốn Tề đô,
Leo quầng trăng sáng chẳng nhờ núi cao!
Nay non cao lớn vì sao?
Biếc xanh lục thẩm như màu phù dung!
Người tiên xưa cũ thong dong,
Hiểu nhiều biết rõ Xích Tùng là đây!
Một con hươu trắng giúp vầy!
Còn mình cầm giữ hai rồng xanh thôi!
Nụ vươn cao, cảnh đẹp vời,
Nguyện cùng theo mãi niềm vui thế này!

Chú thích:

- tích 昔: trước kia, xưa kia, ban đêm, hôm trước, sau, cuối...
- du 游: dạo chơi, rong chơi, đi ngoạn cảnh, nhàn tản, thong dong, an nhàn...
- hoa 華: màu mỡ, rực rỡ, vẻ đẹp bên ngoài, tốt đẹp, quầng sáng của mặt trăng hay mặt trời, phồn thịnh....
- chú 注: phụ thuộc, nhờ vào, chua thêm, giúp đỡ, ghi chép thêm
(chú thích), lưu ý (chú ý), giải thích, rót nước, đổ, trút...
- tư 茲: bây giờ, như thế, nay, thêm, ấy, đó, chiếu nằm...
- tuấn tú 峻秀: cao lớn, núi cao trải dài và to lớn...
- phù dung 芙蓉: còn có tên là mộc phù dung, địa phù, mộc liên... Đây là loài hoa có nhiều màu sắc nở ra bằng miệng chén, cánh hoa xốp như giấy. Hoa tượng trưng cho người con gái đẹp nhưng sớm nở tối tàn mau chóng...
- tiêu táp 蕭颯: gió thổi xào xạc, tiêu điều, tàn rụng, thê lương, thưa thớt, thong dong, tiêu sái, không bị ràng buộc...
- tiên nhân 仙人: cách gọi của những người theo đạo Lão (có khi gọi là đạo giáo) về những người tu hành đạt đến sự siêu thoát trần tục, tinh thần thanh thoát nhẹ nhàng vượt lên sự tầm thường. Lý Bạch là người am tường cả ba tư tưởng Nho, Lão và Phật. Nhưng cốt cách lãng tử, phóng khoáng thể hiện trong thơ ca của ông ảnh hưởng sâu đậm tư tưởng của Lão Tử nói riêng và Đạo giáo nói chung...
- liễu tri 了知: sự hiểu biết thấu đáo đến nơi đến chốn... (liễu: đặt đầu câu có nghĩa là sự hiểu biết, xong, hết đã, rồi...).
- thị 是: đúng như thế, đúng vậy, tán thành, do đó, thì, cái đó...
- Xích Tùng 赤松: theo truyền thuyết cổ của Trung Hoa, Xích Tùng chính là ông tiên đắc đạo Quảng Thành Tử 廣成子 là người mà Hoàng đế cổ đại Hiên Viên của Trung Hoa rất muốn bái kiến để học đạo. Sau đôi lần cầu kiến, Hiên Viên đã được gặp Quảng Thành Tử (tức Xích Tùng Tử 赤松子) và được chỉ dạy đạo thần tiên cốt ở việc tu dưỡng thân tâm đạt đến an lạc.
- Bạch lộc 白鹿: truyền thuyết cổ của Trung Hoa có nói đến một loại hươu là bạch lộc (hươu trắng) là loài được cho là mang lại sự an lành, tốt đẹp thường xuất hiện cùng với các bậc tiên nhân và những thời đại có thánh vương. Hươu trắng có thể sống hơn một nghìn năm. Khi sống được khoảng năm trăm tuổi tuổi, màu lông của hươu dần chuyển sang màu trắng thành hươu trắng. Tương truyền Lão Tử cuối đời mình đã cưỡi trên một con hươu trắng (nhiều thuyết khác nói là con trâu trắng) đi về phương nào chẳng rõ. Người Trung Hoa xưa cho rằng khi đấng quân vương nào mang lại cuộc sống an lành và thái bình cho thần dân chính là lúc hươu trắng hoặc kỳ lân xuất hiện. ( xem "Kỳ lân mộ", bài 86 BHTL của Nguyễn Du/ninh-hoa.com, DAS chuyển dịch). Giúp cho Lý Bạch là hươu trắng nghĩa là ước mong của Lý Bạch sẽ đi theo con đường như Lão Tử đạt đến an nhiên tự tại của lẽ đạo. Nhưng lẽ đạo là gì!?: "Đạo khả đạo, phi thường đạo 道可道, 非常道" theo cách nói của Lão Tử trong câu mở đầu của Đạo Đức Kinh! (Đạo có thể gọi tên được không phải là đạo thường mà là lẽ đạo rộng lớn vô cùng của trời đất và thực sự cũng không gọi tên được, nó không tên từ thuở nguyên thủy của trời đất:" Danh khả danh, phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy 名可名, 非常 名. 無 名天地之始...)
- hiệp 挾: nắm giữ, cầm, cậy vào, dựa vào...
- thanh long 青龍: hay còn gọi là Thương long là một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Hoa. Thanh Long là linh vật thiêng liêng bậc nhất trong Tứ tượng, thời cổ đại gọi là Thương Long, có tượng là hình rồng (long 龍), có màu xanh (thanh 青) màu của hành Mộc ở phương Đông, do đó tương ứng với mùa xuân. Thanh Long và rộng hơn là Tứ tượng là những khái niệm bao quát trong thiên văn, phong thủy, âm dương hay triết học của người Trung Hoa xưa. Tứ tượng hay tứ linh thú trong khoa học thiên văn bao gồm các chòm sao chỉ phương hướng: Thanh Long chỉ phương Đông, Bạch Hổ chỉ phương Tây, Chu Tước chỉ phương Nam, Huyền Vũ chỉ phương Bắc. Bốn linh thú cai quản bốn phương và tượng trưng cho mỗi mùa trong năm và được miêu tả đầy sinh động trong thần thoại và trí tưởng tượng của người Trung Hoa. Các linh thú hợp thành Hệ thống Ngũ hành: Thanh Long của phương Đông thuộc về Mộc; Chu Tước của phương Nam thuộc về Hỏa; Bạch Hổ của phương Tây thuộc về Kim; Huyền Vũ của phương Bắc thuộc về Thủy. Tương truyền còn có linh thú thứ năm là Hoàng Lân (con kỳ lân màu vàng) tượng trưng cho nguyên tố Thổ nắm giữ khu vực trung tâm của vũ trụ, cai quản tất cả linh thú khác. Do đó ,các vua chúa Trung Hoa luôn coi kỳ lân là linh thú tượng trưng cho việc trị vì ở trung tâm đất nước! Lý Bạch tự mình nắm giữ Thanh Long tức là tìm đến phương đông, hướng về nơi mặt trời mọc và cũng là hướng về sự ấm áp của mùa xuân tươi tốt...
- lăng 凌: cưỡi, làm nhục, khinh thường, vượt qua, vươn cao, lên cao, rất cao...
- đảo 倒: lại càng thêm, đảo ngược, lật lại, sụp đổ, xoay mình, quay lại, nằm dài ra, trở lại, tưởng như, coi bộ, sai lạc, hạ mình xuống, cùng, tuy...
- cảnh 景: cái gì có hình thái đẹp đều là cảnh; cảnh vật, phong cảnh hay cảnh sắc xinh đẹp đáng ngắm nhìn; hâm mộ, cảnh hay đoạn trong tuồng và kịch...
- hân nhiên 欣然: niềm vui, niềm hân hoan như thế này, niềm vui sướng như thế...

BÀI 85

CỔ PHONG NHỊ THẬP NHẤT                                               古風 其二十一

Dĩnh khách ngâm bạch tuyết,                                                    郢客吟白雪,
Di hưởng phi thanh thiên.                                                          遺響飛青天。
Đồ lao ca thử khúc,                                                                    徒勞歌此曲,
Cử thế thùy vi truyền.                                                                舉世誰為傳。
Thí vi ba nhân xướng,                                                                試為巴人唱,
Hòa giả nãi sổ thiên.                                                                  和者乃數千。
Thôn thanh hà túc đạo,                                                              吞聲何足道,
Thán tức không thê nhiên.                                                         嘆息空淒然
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ hai mươi mốt. 

Người khách đất Dĩnh ngâm nga trong tuyết trắng xóa - những âm thanh vang vọng còn lại bay lên trời xanh. - Uổng phí khi soạn khúc ca này! - Mọi người trên đời lấy ai sẽ là người làm cho (khúc ca này) được truyền lại về sau!? (c. 1- 4). - Ví thử có gắn bó với người xướng ra khúc hát thì kẻ hòa theo đếm được cả ngàn người! - Nuốt trọn những thanh âm sao lại đáng kể là lẽ đạo - nên (ta) cứ than thở với nỗi bi thương cho sự rỗng tuếch uổng công kia!! (c. 5-8).

Tạm chuyển lục bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ HAI MƯƠI MỐT.

Tuyết đầy, khách Dĩnh ngâm vời,
Tiếng vang bay vút bầu trời xanh cao.
Khúc này soạn chẳng ích nào!
Người đời còn có ai đâu để truyền?
Ví như người xướng kề bên,
Ngàn người đếm được liền hòa theo nhau!
Nuốt âm thanh, phải đạo sao?
Than cho công uổng dạt dào buồn thương!

Chú tích:

- Dĩnh 郢: còn gọi là Dĩnh đô 郢都 do vùng đất này từng là kinh đô của nước Sở thời Chiến Quốc bên Trung Hoa, nay thuộc Giang Lăng, tỉnh Hồ Bắc, T.H. Nhà thơ Nguyễn Du 阮攸 trong bài "Phản Chiêu Hồn 反招魂 " (BHTL) đáp lại bài Chiêu hồn 招 魂 của Tống Ngọc người cùng thời với Khuất Nguyên 屈 原 của đất Dĩnh nước Sở, đã viết để tưởng niệm cái chết của nhà thơ: “Yên, Dĩnh thành trung lai hà vi? 鄢郢城中來何爲" (Sao lại trở về thành Yên, thành Dĩnh làm gì ?)(xem thêm Bắc Hành Tạp Lục -  Nguyễn Du/D.A.S chuyển dịch, Bài 41: Phản Chiêu Hồn, <ninh-hoa.com>)
- di hưởng 遺響: những âm thanh còn vang vọng lại...
- đồ lao 徒勞: hoài công, nhọc công nhưng chẳng ích gì...
- cử thế 舉世: cả đời, mọi người trên đời, cả thế giới... Khuất Nguyên 屈原 trong Sở Từ 楚辭 có đoạn viết: “Cử thế giai trọc ngã độc thanh, chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh 舉世皆濁我獨清, 眾人皆醉我獨醒" (Cả đời đều đục riêng ta trong, mọi người đều say cả, riêng ta tỉnh).
- thí vi 試為: ví như là, thử làm...
- ba nhân xướng 巴人唱: gắn liền, gắn bó, kề cận với người xướng lên bài ca...
- túc 足: đáng kể, dồi dào sung túc, chân, bước đi...
- đạo 道: lẽ sâu xa của đạo lý làm người, con đường đưa đến sự giác ngộ nghĩa là thấy rõ và hiểu thấu lẽ sâu xa của các qui luật vũ trụ, con người, vật chất, hay ý nghĩa ẩn dấu trong ngôn từ, âm điệu của một bài thơ hay ca khúc, con đường đi, đường cái. v.v... Theo Khổng Tử 孔子 trong sách Luận Ngữ 論語, một khi tận tình theo lẽ đạo, đặt ở đạo đức, dựa theo ở người có đức nhân, sẽ ung dung theo nghề ( học hành, kỹ thuật, nghề nghiệp, nghệ thuật... v.v... ) [志於道,據於德, 依於仁, 游於藝. 述而, 第七篇: chí ư đạo, cứ ư đức, y ư nhân, du ư nghệ /Thuật nhi, thiên thứ 76 ]. Nghệ thuật làm thơ, ngâm vịnh, thư pháp, hội họa... v.v... ở một tầm mức lớn lao, cao cả sẽ đạt đến lẽ đạo sâu xa hay còn gọi là đạo nghệ 道藝 nghĩa là không phải là loại cầm, kỳ, thi, họa hay văn chương tầm thường mà đã đạt đến tầm mức có thể tham dự vào sự sâu xa của con người hay trời đất... (Người Nhật về sau có những dạng nghệ thuật đạt đến sự tinh tế và hoàn mỹ như trà đạo, cung đạo, hoa đạo... v.v... Thêm vào đó, cái đạo của Khổng Tử xướng xuất là đạo của những bậc chính nhân quân tử đề cao NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN (khác xa với những kẻ đương quyền của Trung Hoa bây giờ đi theo con đường tà đạo, ngược lại với những tôn chỉ của đạo Khổng với thái độ sâu hiểm, tàn bạo, xảo ngôn, hung hăng, côn đồ, lưu manh, ngược ngạo... v.v... trong cách cai trị, xâm lấn và quan hệ với các nước khác. Bọn họ đã hành động ngược lại những tôn chỉ của Khổng tử trở thành bọn BẤT NHÂN, BẤT NGHĨA, BẤT LỄ, BẤT TRÍ, BẤT TÍN,!). Những ngôn từ trong bài hát mà người khách đất Dĩnh ngâm nga có một tầm mức vươn đến lẽ đạo khiến cho Lý Bạch cảm nhận nhiều ý nghĩa từ đó...
- không 空: không có gì, trống rỗng, hảo, vô ích, uổng phí, tịch lặng...
- thê nhiên 淒然 : bi thương, buồn bã, mờ tối, âm u, mát lạnh...

BÀI 86

CỔ PHONG NHỊ THẬP NHỊ                                                  古風 其二十二

Tần thủy biệt Lũng thủ,                                                             秦水別隴首,
U yết đa bi thanh.                                                                       幽咽多悲聲。
Hồ mã cố sóc tuyết,                                                                   胡馬顧朔雪,
Tiệp điệp trường tê minh.                                                          躞蹀長嘶鳴。
Cảm vật động ngã tâm,                                                              感物動我心,
Miễn nhiên hàm quy tình.                                                          緬然含歸情。
Tích thị thu nga phi,                                                                   昔視秋蛾飛,
Kim kiến xuân tàm sanh.                                                           今見春蠶生。
Niểu niểu tang chá diệp,                                                            裊裊桑柘葉,
Thê thê liễu thùy vinh.                                                               萋萋柳垂榮。
Cấp tiết tạ lưu thủy,                                                                    急節謝流水,
Ki tâm diêu huyền tinh.                                                             羈心搖懸旌。
Huy thế thả phục khứ,                                                                揮涕且復去,
Trắc sảng hà thời bình.                                                              惻愴何時平。
Lý Bạch                                                                                     李白

Dịch nghĩa:

Cổ phong bài thứ hai mươi hai.

Sông ngòi nước Tần giã biệt vùng cao nhất đất Lũng. - Nhiều âm thanh đau thương ẩn kín lặng lẽ nơi cuống họng. - Con ngựa Hồ ngoảnh lại nhìn tuyết giăng ở phương bắc - rồi lững thững đi chậm rãi trong tiếng hí dài. (c. 1-4) 
Nỗi thương cảm con vật đã làm lay động lòng ta. - Quay về lại với những suy nghĩ triền miên như thế cùng những tình cảm kín đáo bên trong. - Xem kỹ là trước kia vào mùa thu, có những con ngài bay; - nay vào mùa xuân đã thấy những con tằm sinh ra. (c. 5-8) 
Thướt tha những ngọn lá của cây dâu tằm hay cây gai dâu. - Màu xanh um tùm của cây liễu rủ lá tươi tốt. - Thời tiết thay đổi nhau mau chóng, vội vàng như dòng nước luôn trôi chảy ! - Kềm giữ tấm lòng (thường ) lay động như ngọn cờ treo lơ lững! (c. 9-12) 
Gạt nước mắt để sửa soạn cho việc ra đi trở lại. - Sao trong lòng lại bùi ngùi, xót xa trong thời kỳ thái bình (như thế này)!? (c. 13-14)

Tạm Chuyển Lục Bát:

CỔ PHONG BÀI THỨ HAI MƯƠI HAI.

Sông Tần rời Lũng chốn cao,
Tiếng nơi cuống họng thương đau lặng thầm!
Ngựa Hồ, tuyết bắc ngoảnh trông!
Hí dài vang tiếng, bước từng bước đi.
Chạnh thương con vật kể gì,
Triền miên chất chứa, nghĩ về tình thôi!
Con ngài, thu trước bay rồi,
Con tằm nay thấy ra đời vào xuân.
Chá, dâu tha thướt xoay vần!
Xanh um đám liễu rủ buông tươi màu!
Tiết trời như nước tuôn mau,
 Giữ lòng lay động, treo cao ngọn cờ,
Quay đi gạt lệ chực chờ,
 Thời bình sao xót thương cho đau buồn?

Chú thích:

- thủ 首: cái đầu, đầu tiên, trước hết, sớm nhất, nơi cao nhất, hướng về....
- Lũng 隴: tên vùng đất vùng Lũng Tây, Cam Túc, Trung Hoa là lãnh thổ nước Tần thời Chiến Quốc.
- u yết 幽咽: nỗi u uất thầm lặng như nghẽn tắc trong cuống họng...
- Hồ mã 胡馬: loại ngựa rất khỏe của các bộ tộc Hồ phía bắc Trung Hoa. Người Trung Hoa xưa gọi những bộ tộc Mông Cổ, người Phiên hay Hung Nô là Hồ hay nhiều khi miệt thị gọi là bọn "man di" như cách các thế lực phong kiến Trung Hoa từ xưa vẫn gọi các nước phía nam hay phía bắc nước họ như thế trong đó có nước ta. Người Hồ hay Mông Cổ rất thiện chiến trên lưng ngựa! [Ngày nay, do sự giáo dục theo những chương trình lịch sử, địa lý chính trị, nhân văn bóp méo, nhồi sọ v... v... nhà cầm quyền Trung Hoa có nhiều mưu đồ và dụng ý, đi kèm với tư tưởng bành trướng, độc tôn,tự cao tự đại với tư tưởng "nước lớn" do những thành công trong kinh tế, quân sự... v.v... Người Trung Hoa lục địa ngày nay được dẫn dắt bởi những chính trị gia tiểu nhân, sâu hiểm, hẹp hòi, hung hãn... lại càng mang nặng thêm tinh thần khinh thị, thái độ côn đồ, lưu manh, hà hiếp, ý đồ muốn cướp nước, cướp đất ở nhiều nước khắp thế giới với thủ đoạn mới hơn không riêng các nước Đông Nam Á hay Đông bắc Trung Hoa như Tây Tạng, Mông Cổ. Tân Cương... v.v...] Các bộ tộc phía bắc Trung Hoa này chuyên sống du mục nên thường nuôi loại ngựa được tuyển giống để dùng cho chinh chiến hay thồ hàng, giỏi chạy nhanh, bền sức và chịu được giá lạnh. Khi bán cho người trung nguyên phía nam nuôi dùng, mỗi khi gió bắc thổi xuống hay tuyết rơi ở phương bắc, loài ngựa này thường quay quắt, bỏ ăn... như nhớ về nơi chốn cũ.
- sóc tuyết 朔雪: tuyết ở phương bắc (cũng như khi nói "sóc phong" nghĩa là gió bắc; sóc: ngày đầu tiên của của chu kỳ trăng tức mồng một, nghĩa khác là phương bắc).
- tiệp điệp 躞蹀: đi bước nhỏ, đi chậm rãi, đi lững thững, giẫm đạp, bồi hồi...
- miễn nhiên 緬然: xa xôi như vậy, nhớ triền miên như thế, nhỏ nhoi như vậy, cuộn lại, như thế này....
- hàm quy tình 含歸情: chất chứa những tình cảm ôm ấp trong lòng (hàm : nuốt, ôm giữ, chất chứa ,giữ kín bên trong, ngậm...; quy: gom góp lại, trở về, đem về lại, kết cục...)
- nga 蛾: con ngài, con bướm ngài.
- thị 視: nhìn kỹ, nhìn với sự chú ý, nhìn xăm soi, noi theo, bắt chước, tỏ rõ...
- niểu niểu 裊裊: xoay vần, quay vòng, tha thướt, lả lướt, phất phơ, dặt dìu, du dương...
- tang chá 桑柘: Nguyễn Du 阮攸: “Tang chá gia gia cận cổ phong” 桑柘家家近古風 Nhà nhà gần với những lề thói, phong tục xưa, trồng các loại cây dâu tằm, cây dâu gai (chá) (xem BHTL, D.A.S chuyển dịch, <ninh-hoa.com>, Bài 88: Đông A Sơn lộ hành 東阿山路行)
- thê thê 萋萋: cây cỏ xanh tươi tốt, um tùm. Thôi Hiệu 崔顥 trong bài Hoàng hạc lâu 黄鶴樓 có viết: “Phương thảo thê thê Anh Vũ châu” 芳草萋萋鸚鵡洲 (Cỏ thơm mọc tốt tươi ở trên bãi Anh Vũ. Nhà thơ Tản Đà đã dịch rất điêu luyện:" Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non").
- cấp tiết tạ 急節謝: thời tiết vội vàng thay đổi nhau...
- ki tâm 羈心: kềm chế, giữ gìn tấm lòng (ki: duy trì, gìn giữ, kềm lại, trói buộc, khách trọ, ở lại, ngủ nhờ...)
- diêu 搖: lay động, xua vẫy, lắc rung, quấy nhiễu...
- huyền tinh 懸旌: treo lơ lững ngọn cờ có cắm lông chim (huyền: treo lên, treo lơ lững, còn lại, cách biệt, cheo leo, dổ dang...; tinh kỳ: lá cờ gắn lông chim...)
- huy thế 揮涕: gạt nước mắt hay nước mũi, gạt lệ tuôn rơi...
- trắc sảng 惻愴: bùi ngùi, trắc ẩn, xót xa, thương đau, buồn sầu...

(Lần đến: Thơ Lý Bạch: bài 87, 88 và 89)

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét