Thứ Năm, 4 tháng 1, 2024

Dịch Vụ Pháp Lý Và Cầu Nối Ngôn Ngữ Cho Người Nhập Cư

 

Bà Theresa Thomas tại văn phòng BPSOS-Houston. 

DỊCH VỤ PHÁP LÝ VÀ CẦU NỐI NGÔN NGỮ CHO NGƯỞI NHẬP CƯ
Mạch Sống 

Ngày 4 tháng 1, 2024


BPSOS-Houston: dịch vụ pháp lý và cầu nối ngôn ngữ cho người nhập cư


https://machsongmedia.org/news/bpsos/2082-bpsos-houston-dich-vu-phap-ly-va-cau-noi-ngon-ngu-cho-nguoi-nhap-cu.html


Tổ chức BPSOS (tức Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển) chủ yếu được biết đến qua các chương trình quốc tế, hoạt động xã hội dân sự, và nỗ lực vận động quốc tế về tự do và nhân quyền ở Việt Nam. Tuy nhiên, BPSOS cũng có 6 văn phòng ở Hoa Kỳ (Alabama, Mississippi, Georgia, California, Texas, và Virginia) với nhiều hoạt động và chương trình cho cộng đồng người Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt người Việt ở Mỹ.

Riêng văn phòng BPSOS ở Houston, Texas, khác với các văn phòng khác, không chỉ có các chương trình khám sức khỏe, nhập cư, cứu trợ thiên tai… mà còn có một đội ngũ luật sư trợ giúp pháp lý cho người Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Trợ giúp pháp lý

Bà Theresa Thomas tại văn phòng BPSOS-Houston. 


Bà Theresa Thomas, luật sư và quản lý các dịch vụ pháp lý tại BPSOS-Houston, cho biết “Chúng tôi cung cấp các dịch vụ phù hợp về văn hóa và ngôn ngữ cho các cộng đồng người nhập cư và những người trong hoàn cảnh dễ bị hại.”

Những người có thu nhập thấp có thể hưởng dịch vụ miễn phí. Những ai không đủ điều kiện có thể đến trung tâm BPSOS-Houston và nhận hỗ trợ pháp lý với giá thấp.

Ngoài tiếng Việt, BPSOS-Houstons cũng có nhân viên hoặc tình nguyện viên nói tiếng Hàn, Thái, Quan thoại, Pháp, và Tây Ban Nha. Bản thân bà Theresa Thomas cho biết có thể nói và viết tiếng Thái.

 

Nạn nhân tội phạm


BPSOS-Houston hỗ trợ cho nạn nhân bị hành hung, cướp giật, hoặc nạn nhân các tội nghiêm trọng, với mục tiêu trở thành cầu nối về ngôn ngữ và văn hóa cho người nhập cư tiếp cận các dịch vụ cần thiết.


Bà Theresa Thomas thuyết trình về nạn bạo hành gia đình. 

Bạo hành gia đình


Một phụ nữ, xin tạm gọi là bà A., kể lại “Tôi từng phải sống chung với một người chồng mê cờ bạc. Tất cả tiền bạc chung của hai vợ chồng trong ngân hàng, chồng tôi đã tự ý lấy sạch. Tôi nhiều lần bị người ta đòi nợ. Chồng tôi vay, tôi là vợ, có bổn phận phải trả. Không những cờ bạc, ông còn có tính trăng hoa.”


“Ông thường tra hỏi tiền bạc của tôi. Khi tôi không đưa tiền, ông rất giận dữ, ông không cho bật máy sưởi khi trời lạnh… Tất cả mọi chuyện tôi đều phải làm theo ý ông. Ông thường đe dọa bỏ tôi ở giữa đường. Tôi sống trong sự cai trị của chồng. Tôi rất buồn, tôi nghĩ đời mình thật không đáng sống nữa”, bà A. nói trong nước mắt.


May thay, bà được giới thiệu văn phòng BPSOS-Houston. “Nơi đây, tôi được giúp đỡ tận tình, không phải tốn tiền. Bây giờ tôi sống rất tự do, thoải mái.”


Bà nói những ai bị bạo hành gia đình có thể được BPSOS-Houston “tìm nhà tạm trú, xin lệnh bảo vệ, báo cảnh sát, giúp cư trú hợp pháp.”


Một phụ nữ khác cũng là người Việt, xin tạm gọi là chị B., cưới chồng và di cư sang Mỹ.


“Tuy nhiên sau khi tôi tới đây một thời gian, anh ta trở thành một người rất hung dữ, rất thích kiểm soát. Anh ta không cho tôi nói chuyện với ai hết, nhốt tôi trong nhà, tôi không thể đi đâu hết. Khoản tình dục, anh ta rất hung hăng, tôi không có quyền gì với cơ thể mình… Đôi khi tôi khóc lóc, cầu xin anh ta dừng lại.”


Chị B. bị chồng dọa đuổi khỏi nhà, dọa sẽ báo cáo và tống về Việt Nam. Lo sợ tính mạng, chị liên lạc với BPSOS-Houston. “Họ giúp tôi báo cảnh sát, giúp tôi có lệnh bảo vệ và nơi nương náu.”

Chị cho biết cũng được họ giúp đỡ để có phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế, và hỗ trợ tài chính.


Không chỉ phụ nữ, bà Theresa Thomas cho biết nhiều nạn nhân bạo hành gia đình được BPSOS-Houston giúp đỡ là nam giới, bị bạo hành, đe dọa về tâm lý, ép buộc làm nhiều thứ mình không muốn, phải sống trong điều kiện mất vệ sinh, không được dịch vụ y tế, v.v.


Một người sang Hoa Kỳ theo diện hôn nhân, bà Theresa Thomas cho biết, có thể trở thành nạn nhân bạo hành gia đình, khi người/ chồng vợ biến điều đó thành công cụ để đe dọa, khống chế, và trói buộc họ.


Ngoài việc giúp các nạn nhân báo cảnh sát và có nơi trú ẩn, BPSOS-Houston cũng giúp họ tự đệ đơn cho chính mình (không còn phụ thuộc vào kẻ bạo hành) để có thẻ xanh và từ đó trở thành công dân Mỹ, theo ngoại lệ của VAWA (Violence Against Women Act, tức Đạo luật Bạo lực với Phụ nữ năm 1994).

 

Buôn người


Các nạn nhân, bà Theresa Thomas cho biết, có thể bị buôn vào Hoa Kỳ hoặc bị buôn bán khi đã đến Hoa Kỳ, vào các ngành dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, tiệm nail, nhà thổ…


Thủ phạm có thể là người lạ, băng đảng. Thủ phạm có thể là bạn bè, người quen. Thủ phạm cũng có thể là họ hàng, đưa ai đó sang Mỹ và nói sẽ giới thiệu việc làm rồi sau đó tống họ vào đâu đó làm người giúp việc.


Bà cho biết BPSOS-Houston giúp lập hồ sơ cho các nạn nhân, kết nối với dịch vụ xã hội, đưa đi gặp cảnh sát, giúp họ xin lệnh bảo vệ, và giúp họ ghi danh T-visa (thị thực cho nạn nhân buôn người)—khi đã có T-visa, sau này họ có thể đăng ký lấy thẻ xanh.

 

Các dịch vụ khác  

Workshop về quá trình nhập tịch. 

Bánh Mì Cookoff, cuộc thi làm bánh mì gây quỹ của BPSOS-Houston. 


BPSOS-Houston cũng có chương trình hỗ trợ nhập quốc tịch Mỹ, từ việc dạy tiếng Anh và chuẩn bị thi quốc tịch đến quá trình đăng ký nhập tịch.

Ngoài ra là các chương trình khám sức khỏe, kiểm tra phát hiện ung thư, hoạt động cứu trợ thiên tai, v.v. 

 

Vài con số


BPSOS-Houston cho biết trong năm vừa qua, họ đã giúp:

  • Hơn 200 người nộp đơn xin nhập tịch.
  • Hơn 190 người lớn và 138 trẻ em là nạn nhân bạo hành gia đình.
  • Hơn 225 người có thu nhập thấp là nạn nhân tội phạm.
  • Hơn 123 khách hàng sử dụng dịch vụ pháp lý chi phí thấp thông qua trung tâm dịch vụ.

Bà Theresa Thomas kể, một trong các nạn nhân bạo hành được BPSOS-Houston giúp “gần đây nhận được bằng điều dưỡng sau một thời gian dài tranh đấu và sau 13 năm khủng khiếp bị chồng bạo hành” và “giờ đây có một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh với con cái”.

Một phụ nữ khác cũng bị bạo hành sau này trở thành trợ lý luật sư và trong thời gian rảnh phiên dịch giúp những người khác có hoàn cảnh như mình trước đây. 


Mạch Sống


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét