Thứ Hai, 24 tháng 6, 2024

6 Cách Bạn Có Thể Dạy Con Tránh Xa Nguy Hiểm

 


6 CÁCH BẠN CÓ THỂ DẠY CON TRÁNH XA NGUY HIỂM
Linh Đan

Sẽ thế nào nếu bạn có thể có được những hiểu biết này từ một người từng bảo vệ cho những người quyền lực nhất trên Trái đất?


Hãy cùng gặp gỡ cô Evy Poumpouras, một cựu nhân viên mật vụ từng cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ bốn vị tổng thống Hoa Kỳ và gia đình của họ. Sau khi rời cơ quan, cô Poumpouras chuyển hướng tập trung vào việc hướng dẫn công chúng cách tự bảo vệ bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Trong cuốn sách “Becoming Bulletproof” (Trở Thành Người Bất Khả Xâm Phạm) của mình, cô đã dựa trên những kinh nghiệm cá nhân để hướng dẫn cho độc giả cách trở nên kiên cường hơn; học cách quan sát con người, quan sát các tình huống; và tránh trở thành nạn nhân.


BM


Cô nói thêm rằng những lời khuyên của mình không phải để khơi dậy nỗi sợ hãi. Thay vào đó là giúp mọi người sống với nhận thức an toàn hơn. “Bạn có thể kiểm soát mức độ nguy hiểm mà bạn hoặc con cái bạn gặp phải. Khi bạn dạy con đưa ra những lựa chọn đúng đắn, chúng sẽ ít có khả năng rơi vào các tình huống nguy hiểm.”


Cô Poumpouras đã trở thành mẹ gần hai năm trước, và kể từ đó, lòng tận tâm bảo vệ người khác của cô mang theo một khía cạnh cá nhân sâu sắc. Tại đây, cô đưa ra cả những chiến lược thiết thực nhằm tránh nguy hiểm lẫn những lời khuyên về cách nuôi dưỡng lối suy nghĩ mạnh mẽ ở con trẻ.


1_ Nói ‘Không’ với màn hình thiết bị điện tử


https://baomai.blogspot.com/


Khi nói về các thiết bị điện tử và quyền truy cập Internet cho trẻ em, câu trả lời của cô Poumpouras là tuyệt đối không.


Một mặt, như nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ riêng màn hình thiết bị điện tử thôi cũng đã ảnh hưởng đến khả năng tập trung và sự phát triển tinh thần của trẻ nhỏ rồi. Trong trường hợp của cô Poumpouras, con gái cô chưa đầy 2 tuổi và chưa từng ngồi trước màn hình điện tử: không điện thoại, không máy tính bảng, không TV. Ngay cả khi cô Poumpouras bật gì đó cho con nghe, cô cũng muốn bảo đảm rằng đó chỉ là âm thanh, chứ không phải là những hình ảnh trên màn hình.


Nếu các thiết bị có kết nối Internet thì sẽ có những mối lo ngại về an toàn. Cô Poumpouras ví điều này như việc thả một đứa trẻ giữa Quảng trường Thời đại ở Thành phố New York, và để đứa bé trò chuyện với bất cứ ai cháu muốn. “Nếu bạn cảm thấy khó chịu với điều đó, thì bạn cũng không nên thoải mái đưa cho con mình một chiếc điện thoại có thể truy cập Internet,” cô cho hay.


Nếu người lạ có thể bắt chuyện với con bạn qua mạng trực tuyến thì có thể sẽ tạo ra hai mối nguy hiểm. Đầu tiên, chúng có thể là những kẻ săn mồi đang cố gắng dụ dỗ con bạn đến một nơi mà chúng có thể lạm dụng các cháu. Chúng có thể giả làm một đứa trẻ khác, hoặc có thể dùng chính con cái của chúng để dụ con bạn bước vào nhà chúng.


BM

Thứ hai, là cha mẹ, chúng ta nên trở thành những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của con cái. Nhưng nếu con cái bạn đang giao tiếp với những người khác trên mạng trực tuyến, thì bạn sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt: những video, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, và đủ các loại người khuyên con bạn nên nghĩ gì và nên tin gì. “Ngay cả khi họ không phải là những kẻ săn mồi thì con bạn cũng sẽ tiếp nhận các giá trị quan của người khác, và bạn có thể không đồng ý với các giá trị quan đó,” cô Poumpouras cảnh báo.


“Việc trở thành tiếng nói lý trí cho con đã đủ khó khăn rồi. Bây giờ bạn lại còn thêm vào các nhân tố bên ngoài mà bạn không thể kiểm soát nữa.”


Lời khuyên của cô là hãy đợi đến khi con bạn đủ trưởng thành để hiểu chúng nên lắng nghe ai và nên tránh xa điều gì, trước khi cho con sử dụng thiết bị điện tử đầu tiên. Thậm chí sau đó, hãy giám sát thói quen sử dụng và cách tiếp xúc của các con.


2_ Xây dựng sự tự tin cho con


Tự tin là một yếu tố then chốt để trở thành người mạnh mẽ. Các lớp học diễn xuất rất hữu ích trong việc xây dựng sự tự tin, đặc biệt là với những đứa trẻ rụt rè ngại nói. Cô Poumpouras từng tốt nghiệp một trường diễn xuất trước khi trở thành nhân viên mật vụ. Cô dự định ghi danh cho con gái tham gia các lớp học diễn xuất khi cô bé lớn hơn, để con có thể xây dựng nền tảng cho sự tự tin.


Cô Poumpouras cũng khuyến khích trẻ em học các môn võ thuật, chẳng hạn như Nhu thuật Brazil (Brazilian jiu-jitsu). Biết nên làm gì với cơ thể của mình sẽ giúp các con tự tin rằng chúng có thể tự bảo vệ bản thân.


“Không có món quà nào lớn hơn việc giúp các con hiểu rằng chúng có thể giải quyết hoặc có khả năng giải quyết một vấn đề nào đó,” cô nói.


3_ Dạy các con tin vào trực giác của bản thân



BM


Tin vào trực giác của bản thân là yếu tố quan trọng khi làm việc trong cơ quan mật vụ, cơ quan thực thi pháp luật, hoặc trong quân đội. Học cách tránh nguy hiểm cũng quan trọng như việc biết cách đối diện với nó.


Nhiều người có xu hướng hợp lý hóa các dấu hiệu cảnh báo, hạ thấp mức độ nguy hiểm trong một thời điểm nhất định, để rồi sau đó nhận ra rằng trực giác của họ đã đúng. Cô Poumpouras giải thích rằng, đó là bản năng của bạn đang cố gắng bảo vệ bạn, vì vậy bạn không nên phớt lờ chúng. Cách tốt nhất để dạy con tin vào trực giác của mình là hướng dẫn con cách làm. “Nếu bạn không tin tưởng vào bản thân, thì con trẻ cũng sẽ không tin tưởng vào chính mình, bởi vì trẻ em học hỏi từ việc quan sát chúng ta.”


Phát triển trực giác là việc tin tưởng vào bản thân. “Không ai quan tâm đến bạn nhiều hơn chính bạn,” cô Poumpouras cho hay. “Vì vậy, nếu bạn không lắng nghe cảm giác trong tâm mình thì bạn phải tự hỏi rằng, tại sao mình lại không tin vào bản thân nhỉ?”


Trẻ em thường có trực giác tốt hơn người lớn, cô Poumpouras lưu ý, và bạn nên dạy các con tin vào trực giác; Nếu cảm thấy không ổn, các con nên tránh xa. Đừng ép con trẻ đến nơi nào mà chúng không muốn đi. Đừng mặc định rằng các con đang cố trốn tránh làm việc gì đó, chẳng hạn như đi học hoặc đi khám răng. Thay vào đó, hãy hỏi các con xem liệu chúng có cảm thấy có điều gì bất ổn không. Việc này cần cảm giác thoải mái khi bạn trò chuyện với con, và đó là một quá trình liên tục. Trẻ con có thể sẽ muốn trò chuyện với một số người lớn đáng tin cậy khác về cảm giác của chúng, và điều đó không sao cả.


Dựa trên kinh nghiệm là một thẩm vấn viên tại đơn vị điều tra tinh nhuệ của Cơ quan Mật vụ, cô Poumpouras giải thích rằng cách tiếp cận hiệu quả là hỏi con bạn những câu hỏi nghe có vẻ không giống như câu hỏi. Những câu hỏi ẩn này kiểu như là đề nghị các con kể cho bạn nghe về một ngày của chúng hoặc người giáo viên mà con thường hay phàn nàn. Bằng cách lắng nghe, bạn có thể hiểu rõ hơn chuyện gì đang xảy ra. “Hãy tò mò,” cô nói. “Hãy là những bậc cha mẹ hiếu kỳ.”


4_ Suy nghĩ kỹ khi cho con ngủ lại qua đêm ở nhà người khác



BM


“Đừng nói chuyện với người lạ” là câu dặn dò mà hầu hết các bậc cha mẹ đều nói với con cái mình. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê mà cô Poumpouras trích dẫn thì hơn một nửa số tội ác nhắm vào trẻ em là do người quen thực hiện. Vì vậy, nếu bạn định để con ở lại một nơi nào đó thì hãy chắc chắn rằng bạn thực sự biết rõ người đó. “Bạn không thể biết ai đang thực sự đứng sau cánh cửa đóng kín đâu,” cô nói.


Nhiều kẻ săn mồi còn sử dụng chính con cái của chúng để dụ con bạn vào nhà. Đó là lý do tại sao cô Poumpouras nói không với việc cho con ngủ lại qua đêm ở nhà người khác. “Tôi đã giải quyết đủ các vụ án hình sự rồi,” cô nói. “Bạn nên nghĩ xem con bạn đến nhà ai chơi và đi chơi cùng những đứa trẻ nào.”


Đây là tình huống mà việc phát triển trực giác của bạn và con bạn trở nên quan trọng, cũng như việc khích lệ giao tiếp cởi mở với con. Nhưng cô Poumpouras nói thêm rằng “bạn không nên chắc chắn rằng con bạn sẽ kể với bạn nếu có chuyện gì đó xảy ra” — chúng có thể thấy sợ hãi hoặc xấu hổ, đặc biệt là nếu chúng quen biết người đó và không muốn gây rắc rối cho cha mẹ.


5_ Hãy thận trọng khi ở nơi đông người



BM


Trong số 181 vụ bắt cóc mà Hệ thống Cảnh báo Amber công bố vào năm 2022, thì có 59 vụ trẻ em bị người lạ bắt cóc. Mặc dù, số vụ bắt cóc trẻ em do người lạ thực hiện ít hơn, nhưng cha mẹ vẫn cần cảnh giác khi đưa con cái đi chơi ở những nơi đông người. Theo cô Poumpouras, đặc biệt là các công viên giải trí và những địa điểm thân thiện với trẻ em khác — những nơi này thường thu hút kẻ săn mồi vì chúng biết rằng chúng sẽ tìm thấy trẻ em ở đó.


Hướng dẫn các con xác định cửa thoát hiểm, và nếu có điều gì đó xảy ra, chẳng hạn nếu ai đó cố gắng bắt cóc các con hoặc trong trường hợp khẩn cấp thì các con nên bỏ chạy. “Nhưng bạn cần dạy điều đó cho con theo cách mà con không cảm thấy sợ hãi,” cô Poumpouras nói. Hãy nhớ rằng con cái học từ bạn, vì vậy nếu bạn thể hiện sự sợ hãi, các con cũng sẽ sợ theo. Thay vào đó, hãy nói về hành động chạy trốn như một việc hợp lý cần phải làm trong trường hợp khẩn cấp, giống như các cuộc diễn tập cứu hỏa mà các con thực hành ở trường vậy.


Hãy chắc chắn rằng các con nhớ số điện thoại của bạn và thuộc nằm lòng địa chỉ nhà để các con luôn có thể liên lạc với bạn.


6_ Dạy con cách tự vệ trong trường hợp bị tấn công



BM


Phát triển trực giác cho con và dạy con quan sát môi trường xung quanh có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công hiệu quả, nhưng các con vẫn có thể bị kẻ nào đó bám đuôi tiếp cận hoặc cố gắng bắt chuyện. Nếu điều đó xảy ra khi con chỉ có một mình, thì hãy dạy con chạy vào cửa hàng ngay lập tức, đừng tiếp tục đi bộ. Ở đó, các con nên đến gặp nhân viên thu ngân đứng sau quầy hàng và giải thích rằng có ai đó đang theo dõi các con, đồng thời nhờ người đó gọi cho cảnh sát. “Bạn hãy luôn nhớ dạy con đi tìm người giúp đỡ.”


Nếu không thể áp dụng cách đó và kẻ xấu đang cố gắng đụng chạm vào các con, thì các con cần hét to lên, bất kể đó là gì. “Những kẻ này đang săn lùng những con mồi dễ bắt. Đừng dạy con bạn trở thành những con mồi dễ bắt,” cô Poumpouras nói. “Đây là cách bạn nên dạy con mình, ‘Mẹ không quan tâm con sợ hãi như thế nào, con phải hét to lên, gào to lên, chống trả, cào cấu, cắn xé con hãy phản kháng như một con thú.’’’


Đây là lúc các bài học nhu thuật trở nên hữu dụng, và đó là lý do tại sao cô Poumpouras dự định cho con gái tham gia các lớp học này khi cô bé lớn hơn để con có thể thực hành cách chiến đấu. “Tôi không muốn lần đầu tiên có chuyện gì đó xảy ra với con bé lại xảy ra ngoài đời thực ngay trên đường phố.”


“Những điều này giúp bạn đưa ra những lựa chọn chủ động thay vì để cho nỗi sợ hãi dẫn dắt,” cô nói. 


Linh Đan

Báo Mai


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét