Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Ngã Ba Đường Của Liên Minh Âu Châu

 

(Ảnh: maradon 333/Shutterstock)

NGÃ BA ĐƯỜNG CỦA LIÊN MINH ÂU CHÂU
Doanh Doanh biên dịch 

Xin được phép nhắc nhở nếu quý vị không chú ý, rằng chúng ta đã kỷ niệm “Ngày Châu Âu” hôm 09/05, đánh dấu 74 năm Tuyên bố Schuman. Tuyên bố này, do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schuman trình bày vào ngày 09/05/1950, đã mở đường cho việc hình thành Cộng đồng Than và Thép Âu Châu (ECSC), được thành lập vào năm 1952 bởi Pháp, Tây Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg. ECSC là nỗ lực hệ trọng đầu tiên nhằm thể chế hóa hợp tác Âu Châu siêu quốc gia trong thời kỳ hậu chiến và cuối cùng đã phát triển thành liên minh tiền tệ, chính trị, và kinh tế mà ngày nay chúng ta gọi là Liên minh Âu Châu (EU).

Khi đã mở rộng và chuyển giao quyền lực lớn hơn cho các cơ quan Âu Châu phụ trách quản lý và hoạch định chính sách, đáng chú ý nhất là Ủy ban Âu Châu, Liên minh Âu Châu đã phải đối mặt với những khó khăn ngày càng lớn hơn: Sự đa dạng về văn hóa, chính trị, và kinh tế bao quát trong nội bộ liên minh đã khiến cho khối này trở nên vô cùng khăn hơn khi phát triển và duy trì một tầm nhìn của châu Âu vốn được chia sẻ rộng rãi trong toàn liên minh này.

Một sự rạn nứt căn bản ở châu Âu

Việc Anh quốc rời khỏi EU, cùng với những thành công trong bầu cử của các đảng phái theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu và các nhà lãnh đạo ở các quốc gia như Thụy Điển, Ý, Pháp, Ba Lan, và Hà Lan, là biểu hiện của sự rạn nứt căn bản giữa tầm nhìn “chính thức” của châu Âu — vốn được tán thành bởi ủy ban hiện tại và nhiều đảng cánh tả và trung hữu truyền thống, một châu Âu có “chung chủ quyền,” có chung các lý tưởng xã hội, và các chính sách thu thuế, khí hậu, đại dịch, và tị nạn được điều phối tập trung — và tầm nhìn của các đảng bất đồng chính kiến, vốn hình dung châu Âu là một liên minh gồm các quốc gia độc lập, có chủ quyền cùng hợp tác vì lợi ích kinh tế nhưng có toàn quyền quyết định chính sách của riêng mình trên nhiều lĩnh vực, từ nhập cư và thuế cho đến khí hậu, nông nghiệp, y tế, và phúc lợi.

Động lực để củng cố chính trị

Liên minh Âu Châu về căn bản ra đời như một phương tiện hợp tác kinh tế. Tuy vậy, mầm mống của một liên minh chính trị hội nhập và hợp nhất hơn đã hiện diện ngay từ đầu, kể từ lý tưởng hòa bình, nhân quyền, và đoàn kết thời hậu chiến, nguyên là nền tảng mà liên minh này được xây dựng dựa trên đó. Lý tưởng đó có thể được hiểu là đòi hỏi các chính sách đối ngoại, chính sách thuế, và chính sách xã hội ngày càng hợp nhất trên toàn Liên minh, cũng như vai trò mở rộng hơn của Tòa án Nhân quyền Âu Châu  mà đó chính xác là những gì đã diễn ra.

Nhưng có thể cho rằng sự ra đời của liên minh tiền tệ vào năm 1992 đã đóng vai trò là chất xúc tác mạnh mẽ cho sự hài hòa chính trị lớn hơn. Vì liên minh tiền tệ chỉ bền vững khi có một mức độ kiểm soát tương đối cao của các định chế EU đối với tài chính và chi tiêu chung, đòi hỏi các quốc gia thành viên phải từ bỏ đáng kể chủ quyền chính trị và kinh tế.

Một mối căng thẳng chưa được giải quyết

Một trong những người đại diện mang tính biểu tượng nhất cho phương thức khắt khe hơn đối với tính chất hội nhập của châu Âu là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Nhiều lần trước sự can thiệp của công chúng, kể cả trong bài diễn văn tại Hague vào ngày 11/04/2023, ông kêu gọi “tính chất hội nhập của châu Âu phải mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn,” thậm chí là một châu Âu “có chủ quyền” hơn, về một loạt vấn đề, từ quy định quốc phòng và công nghiệp cho đến quy định về truyền thông xã hội và chính sách khí hậu.

Dù có đồng ý hay không với đề nghị của ông Macron về việc “tổng hợp” chủ quyền của châu Âu trên một loạt lĩnh vực chính sách, chí ít điều này có vẻ rõ ràng: Lý tưởng của châu Âu như một liên minh gồm các quốc gia có chủ quyền hợp tác theo một số lĩnh vực chính sách hạn chế nhất định, mà có vẻ phù hợp với những mô hình hội nhập EU sớm nhất, đã dần nhường chỗ cho lý tưởng của châu Âu là một liên minh có chủ quyền của những công dân với thuế, tài chính, quốc phòng, chính sách khí hậu, nhập cư, và chính sách đối ngoại được kiểm soát từ trung tâm.

Các nhà lãnh đạo EU đã không thể giải quyết những căng thẳng giữa hai tầm nhìn không thể hòa giải này của châu Âu vì không có sự đồng thuận về chính trị hoặc văn hóa giữa và trong các quốc gia thành viên về tương lai của Liên minh Âu Châu. Những căng thẳng chưa được giải quyết này đã đặt nền móng cho sự phân cực ổn định của châu Âu thành hai phe: một phe ủng hộ sự tập trung của một loạt các chức năng chính trị và kinh tế vào các định chế Âu Châu, và phe kia ủng hộ một liên minh lỏng lẻo hơn, phi tập trung hơn của các quốc gia độc lập.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy dân tộc

Đứng trước sự kiện Brexit, các nhà lãnh đạo EU ít nhiều đã xoa dịu những căng thẳng này. Nhưng khi tài chính chung ngày càng thắt chặt, phúc lợi ngày càng bị siết chặt, và EU chịu áp lực ngày càng lớn từ làn sóng di cư từ các nước đang phát triển, các lập luận theo chủ nghĩa dân tộc với giọng điệu dân túy, chống giới quyền uy dần dần có được động lực. Thật vậy, chúng ta đã đạt đến điểm mà tại đó các đảng phái hoài nghi về hướng đi hiện tại hướng tới sự hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, ngay cả khi không phải lúc nào cũng dẫn đầu trong các cuộc thăm dò, hiện đã đủ lớn ở hầu hết các nước EU để có tác động thực sự đến chính sách quốc gia. Nếu các xu hướng bầu cử hiện tại và các cuộc thăm dò dư luận vẫn tiếp tục diễn ra, thì cuộc bầu cử của châu Âu vào tháng Sáu này sẽ chuyển cán cân quyền lực trong Nghị viện Âu Châu nghiêng hơn về với các đảng nào chỉ trích sâu sắc tính chất hội nhập của châu Âu trong các vấn đề như chính sách nhập cư và khí hậu.

Những lựa chọn khó khăn phía trước

Tất cả những diễn biến này cho thấy rằng chúng ta đang ở trong một cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ sự hội nhập và hợp nhất hơn nữa, chẳng hạn như Ủy ban Âu Châu hiện tại và các đồng minh trung dung và cánh tả trong Nghị viện Âu Châu, và con đường của một châu Âu “mỏng manh hơn” và ít tham vọng chính trị hơn, được thúc đẩy bởi các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa hoài nghi châu Âu phía cánh hữu.

Cả hai lựa chọn đều tiềm ẩn những rủi ro đáng kể. Một nỗ lực thúc đẩy tiến trình hội nhập có thể góp phần tạo ra một cảm giác vô quyền lực thậm chí còn lớn hơn đối với một bộ phận người dân khi họ nhận thấy các chức năng chính trị quan trọng bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các nghị viện quốc gia của họ, càng thúc đẩy các đảng phái theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu tiến xa hơn. Vào thời điểm mà chủ nghĩa dân tộc và sự bất mãn đối với những gì được xem là tình trạng nhập cư không được kiểm soát dường như đang có đà phát triển, một hành động hướng tới củng cố chính trị hơn nữa có lẽ có thể khiến Liên minh Âu Châu tan rã.

Mặt khác, bất kỳ nỗ lực nào nhằm khôi phục chủ quyền kinh tế và chính trị của các quốc gia thành viên đều có thể gây bất ổn cho hệ thống kinh tế hiện tại của châu Âu, ít nhất là trong ngắn hạn. Một liên minh tiền tệ vững vàng lại có thể gặp nguy hiểm nếu các định chế Âu Châu từ bỏ quyền kiểm soát chi tiêu quốc gia và tài chính của các quốc gia thành viên.

Dù sớm hay muộn, các công dân EU và các nhà lãnh đạo chính trị sẽ phải quyết định xem họ muốn ủng hộ châu Âu nào: một liên minh chính trị hội nhập cao với các chính sách lớn được quyết định từ Brussels, hay một liên minh kinh tế của các quốc gia có chủ quyền với sự điều phối tập trung chủ yếu dành cho các vấn đề cùng có lợi ích kinh tế. Không có lựa chọn nào trong cả hai lựa chọn này được bảo đảm sẽ đi đến thành công. Tuy nhiên, chuyện lê bước vào một lữ quán chính trị và thể chế, với những chính sách khiến nhiều người không hài lòng và không cho thấy nỗ lực nghiêm túc nào nhằm đưa ra một tầm nhìn chung về nơi mà châu Âu được định hướng tới hoặc những gì châu Âu đại diện, là một phương pháp dẫn đến sự tầm thường về chính trị, vỡ mộng, và sự bất ổn kinh niên.

Bài viết được xuất bản lần đầu trên Substack của tác giả, được đăng lại từ Viện Brownstone.

Quan điểm trong bài viết này là ​​của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.

Doanh Doanh biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét