Khi tôi kể với mọi người rằng tôi và bạn bè vẫn giữ liên lạc với nhau bằng thư tay, tôi thường nhận được những phản ứng giống nhau. Họ cho rằng đó là một thú vui cổ điển thú vị, như thể chúng tôi duy trì thói quen này chỉ đơn giản là vì đam mê những tờ giấy da và những chiếc bút lông vũ xinh xắn. Công bằng mà nói thì tôi rất thích trang trí thư từ bằng những món đồ văn phòng phẩm đẹp mắt và con dấu sáp, nhưng tôi có thể bỏ qua điều đó khi cần. Việc viết thư tay mở ra một kênh giao tiếp với người khác mà nhắn tin kỹ thuật số không thể sao chép được.
Nhà lý luận truyền thông người Canada, ông Marshall McCluhan nổi tiếng với câu nói rằng, “The medium is the message” (Phương tiện chính là thông điệp). Cách thức truyền đạt thông tin cũng quan trọng như — nếu không muốn nói là hơn cả — nội dung được truyền đạt. Chúng ta thường nhìn nhận rằng các phương thức giao tiếp khác nhau (thư tay, thư điện tử, và tin nhắn) là có thể thay thế cho nhau, đạt được cùng một mục đích với mức độ hiệu quả khác nhau. Giao tiếp dường như đã vạch ra một con đường “tiến hóa” từ thư tay, điện tín, thư điện tử, và cuối cùng là tin nhắn, mỗi bước là một dấu hiệu cho thấy giờ đây chúng ta có thể loại bỏ các hình thức lỗi thời trước đó.
Thực chất, các phương thức giao tiếp này không đạt được cùng mục đích. Chẳng ai lại viết một bức thư giống như viết một tin nhắn cả, và mặc dù thư điện tử có thể gần giống với một bức thư hơn, nhưng ngay cả vậy nó cũng không truyền tải cùng một thông điệp. Trên thực tế, cách người ta viết một bức thư sẽ khác xa so với cách họ nói chuyện ngay cả trong giao tiếp thông thường.
Việc viết thư tay khuyến khích sự riêng tư nhất định. Thư tay đòi hỏi người viết phải giãi bày và diễn đạt những suy nghĩ thường có vẻ khó nói một cách tự nhiên trong các cuộc trò chuyện. Viết thư tạo ra một sân khấu độc đáo cho những tâm tình này, bức thư được thai nghén trong tĩnh lặng và sự chiêm nghiệm về sau.
Thực tế đáng buồn là, việc viết thư tay đòi hỏi sự dụng tâm và có chủ ý, điều mà thời nay chúng ta dường như ngày càng ít sở hữu. So với viết thư tay, thì nhắn tin có vẻ phù hợp với khả năng tập trung ngắn hạn của chúng ta hơn, và cho phép chúng ta tránh được cảm giác hài lòng chậm trễ mà thư từ mang lại.
Thật dễ cảm thấy nản lòng trước thực trạng ngôn ngữ thời nay, và cũng dễ dàng nhận ra “điều gì” trong những gì chúng ta nói đang mai một nhanh chóng. Các nghiên cứu cho thấy vốn từ vựng trung bình của người Mỹ đã suy giảm kể từ những năm 1970. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý về sự suy giảm trong cách thức diễn đạt vấn đề. Viết thư, dù đó có thể là một nghệ thuật bị lãng quên, nhưng cũng là phương thuốc giải độc cho sự suy thoái trong giao tiếp hiện đại.
Những cuộc thảo luận suông như vậy có vẻ khá trừu tượng nếu không chuyển sang câu chữ thực tế. Tôi hoàn toàn thiên vị trong việc lựa chọn vài bức thư để nói lên vẻ đẹp đặc biệt và trường tồn của hình thức giao tiếp này.
Những bức thư tay tuyệt vời
Những bức thư của thi hào John Keats là một trong những bức thư hay nhất được viết bằng tiếng Anh. Năm 1818, nhà thơ trẻ người Anh này gặp gỡ nàng Fanny Brawne, và không lâu sau đó, cả hai đem lòng yêu nhau. Chuyện tình lãng mạn của họ bị chia cắt bi thương khi nhà thơ Keats qua đời vì bệnh lao vào năm 1821 ở tuổi 25, nhưng nhiều bức thư của ông gửi cho bà Fanny vẫn được lưu trữ và sau này được xuất bản.
Bức chân dung tưởng niệm nhà thơ John Keats, khoảng năm 1822, họa sỹ William Hilton. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Trong số những bức thư nổi tiếng nhất mà ông viết cho bà Fanny Brawne, có một bức thư đề ngày 01/07/1819, với nội dung như sau: “Bản thân anh không biết phải làm sao để tỏ lòng ngưỡng mộ với một bóng hình kiều diễm đến thế: Anh muốn dùng một từ sáng ngời hơn cả sáng ngời, thanh khiết hơn cả thanh khiết. Anh gần như đã ước rằng chúng ta là đôi hồ điệp và dẫu chỉ sống ba ngày hè thôi — ba ngày như thế bên em, anh có thể lấp đầy niềm hạnh phúc nhiều hơn cả 50 năm bình thường có thể chứa đựng.”
Một bức thư khác của ông viết năm 1819 có nội dung như sau: “Em cần viết cho anh như anh viết cho em mỗi tuần, vì những lá thư của em giữ cho anh mạng sống. Cô gái ngọt ngào của anh, anh không thể nói hết tình yêu mà anh dành cho em.”
Điều này nói lên thực tế rằng, viết thư là một phương tiện giúp chúng ta có thể biểu đạt những điều mà chúng ta thường sẽ không nói trong cuộc trò chuyện.
Tình bạn trưởng thành
Trải qua 20 năm trao đổi thư từ, những lá thư trong cuốn sách “84 Charing Cross Road” (Số 84 Phố Charing Cross) đã hé lộ tình bạn nảy sinh giữa bà Helene Hanff và ông Frank Doel. Tình bạn của họ chỉ tồn tại và nảy nở trên trang giấy. Mối quan hệ thông qua thư từ của họ bắt đầu từ bức thư đầu tiên mà bà Helene gửi đến hiệu sách Mark & Co ở Anh, để yêu cầu tìm một vài đầu sách nhất định không có sẵn ở Hoa Kỳ. Những trang thư trao đổi giữa người bán sách người Anh và nhà văn người Mỹ chứa đầy sự hài hước sinh động cùng sự hào phóng vượt qua cả đại dương và văn hóa.
Điều khiến cho tình bạn qua thư từ này trở nên đặc biệt và xúc động lòng người là — với tư cách là một độc giả sống rất xa về thời gian và không gian so với cả hai bên liên quan — chúng ta vẫn có thể thấy được những khoảnh khắc chính xác khi một mối quen biết trong nghề kết tinh thành tình bạn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một dòng chữ đơn giản như thế này lại có sức ảnh hưởng lớn đến thế: “Helene thân mến (cô thấy đấy, tôi không còn quan tâm đến cách xưng hô theo hình thức nữa).”
Một trong những bức thư yêu thích của tôi là bức thư bà Helene viết vào năm 1952, trong đó có đoạn, “Vậy là, Nữ hoàng Elizabeth sẽ phải đăng quang mà không có tôi, trong vài năm tới, tất cả những gì tôi chứng kiến sẽ chỉ là sự đăng quang của hàm răng.” (Ẩn ý về việc phải đi nha sỹ khám răng thay vì tham dự lễ đăng quang của nữ hoàng).
Ông Frank Doel (diễn viên Anthony Hopkins thủ vai) đọc một bức thư từ bà Helene Hanff, trong bộ phim “84 Charing Cross Road” (Số 84 Phố Charing Cross). (Ảnh: Columbia Pictures)
Trước khi tiến đến hôn nhân, nhà thơ kiêm biên kịch Robert Browning và nữ sỹ Elizabeth Barrett Browing đã duy trì trao đổi thư từ suốt 19 tháng. Hai người gặp gỡ trực tiếp chỉ vài tháng sau khi bắt đầu thư từ qua lại, và chỉ một năm rưỡi sau lá thư đầu tiên ông Robert viết cho bà Elizabeth để tỏ lòng ngưỡng mộ với các bài thơ của bà, họ đã nên duyên vợ chồng: “Tôi yêu những áng thơ của em bằng cả trái tim mình, quý cô Elizabeth Barrett thân mến, — và đây không phải là bức thư ca ngợi hời hợt mà tôi viết, hay bất cứ điều gì tương tự, không phải là sự công nhận vội vàng theo phép lịch sự về tài năng của em, để rồi mọi chuyện sẽ kết thúc một cách duyên dáng và tự nhiên.”
Bức chân dung của bà Elizabeth Barrett Browning và ông Robert Browning, năm 1853, của họa sỹ Thomas Buchanan Read. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Lời khuyên cho thế hệ trẻ
Năm 1903, nhà thơ trẻ Franz Xaver Kappus đã viết thư cho nhà thơ Rainer Maria Rilke để xin lời khuyên về việc sáng tác thơ ca. Tuy nhiên, những bức thư mà ông Kappus nhận được sau đó không chỉ gói gọn trong lĩnh vực thơ phú mà còn cả cách sống tốt đẹp.
Trong một bức thư năm 1904, nhà thơ Rilke viết, “Yêu thương cũng là điều tốt đẹp: vì yêu thương là khó khăn. Để một người yêu thương một người khác: Đó có lẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất mà chúng ta được giao phó, nhiệm vụ tối thượng, bài kiểm tra và bằng chứng cuối cùng, là công việc mà mọi việc khác chỉ là sự mở đường.”
Trong những lá thư của mình, ông khuyên nhà thơ trẻ không nên sợ cô đơn và buồn khổ, vì anh không thể biết những điều này sẽ có tác động như thế nào trong tâm hồn để định hình nên con người anh.
Trong một lá thư năm 1903, ông viết: “Cậu hãy còn quá trẻ, còn rất nhiều thời gian trước khi mọi sự khởi đầu, tôi muốn van nài cậu hết lòng, quý ông thân mến, mong cậu hãy kiên nhẫn với hết thảy những gì chưa thể giải đáp trong lòng, và cố gắng yêu thương chính những câu hỏi đó như yêu thương những căn phòng khóa kín, những cuốn sách được viết bằng một ngôn ngữ rất xa lạ. Đừng tìm kiếm những câu trả lời, ngay lúc này cậu sẽ không thể nhận được đáp án đâu, bởi lẽ cậu sẽ không thể sống với những câu trả lời ấy. Và vấn đề là, hãy sống trọn vẹn với tất cả. Sống cùng với những nghi hoặc ngay lúc này. Có lẽ rồi một ngày nào đó xa xôi trong tương lai, cậu sẽ dần dần [nhận ra] câu trả lời, thậm chí không hề báo trước, khi sống theo cách sống của mình.”
Thật khó khi phải lựa chọn một trong những bức thư của nhà văn J.R.R. Tolkien để luận bàn. Bức thư mà ông viết cho con trai Michael về chủ đề hôn nhân chắc chắn đáng đọc, nhưng bức thư ông viết cho con trai Christopher năm 1944 cũng là một ví dụ tuyệt đẹp về niềm hy vọng không bao giờ tắt — ngay cả trong thời kỳ đen tối. Anh Christopher đang phục vụ trong Lực Lượng Không Quân Hoàng Gia Anh trong Đệ nhị Thế chiến, và mặc dù ông Tolkien kinh hoàng khi chứng kiến hoàn cảnh khốn cùng của nhân loại thời bấy giờ, ông vẫn viết, “Tất cả những gì chúng ta biết, và ở một mức độ nào đó dựa trên trải nghiệm thực tế, thì cái ác đang hoạt động với sức mạnh vô biên và thành công liên tục — nhưng vô ích thôi: luôn chỉ là để chuẩn bị mảnh đất cho những điều thiện bất ngờ nảy mầm.”
Bức thư này hẳn là niềm an ủi khôn tả mà con trai ông rất trân trọng, và nhà văn Tolkien đã biến những suy tư về bóng tối trên thế giới thành những chiêm nghiệm về tình yêu thương, khi ông viết tiếp: “Và con là món quà rất đặc biệt đối với cha, trong thời điểm đau buồn và thống khổ về tinh thần, tình yêu của con, gần như nở bừng ngay khoảnh khắc mà con chào đời, đã báo trước với cha như thể bằng lời nói, rằng cha sẽ luôn được an ủi bằng một sự chắc chắn — niềm hạnh phúc này sẽ không bao giờ kết thúc. Có lẽ dưới sự che chở của Chúa, chúng ta sẽ sớm gặp lại nhau “khỏe mạnh và trong sự nồng nhiệt,” không lâu nữa đâu, con thân yêu, và chắc chắn rằng chúng ta có một sợi dây liên kết đặc biệt nào đó vẫn sẽ kéo dài ngay cả sau kiếp sống này.”
Hé lộ bản thân
Phần lớn nghệ thuật viết thư có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ có chủ ý. Như nhà văn kiêm nhạc sỹ người Úc Edwina Preston từng khéo léo nhận định rằng, thư từ đưa thế giới thực vào trang giấy thông qua việc cho phép những khoảnh khắc gián đoạn.
“Thư từ là những bản tường thuật tạm thời, theo thời gian thực, được ghép nối lại với nhau [để miêu tả] về cuộc sống mà chúng ta đang sống, khi sự việc diễn ra, ngay tại thời điểm đó. Đó là việc bộc lộ bản thân lên trang giấy trong thời gian thực,” cô cho hay.
Bức tranh “Young Woman Writing a Letter” (Thiếu Nữ Đang Viết Thư), năm 1903, của họa sỹ Albrecht Anker. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Ngay cả những khoảnh khắc tưởng chừng như nhỏ nhặt, len lỏi vào tâm thức của chúng ta trong quá trình viết thư, thường cũng sẽ tìm đường đi vào trang giấy. Bởi vì bản thân hành động viết thư cần thời gian và sự suy tư cẩn trọng, nên nó cho phép “chất liệu của cuộc sống” được hiện diện.
Mặc dù, thư từ có thể được xem như cuốn biên niên sử về những năm tháng của chúng ta, nhưng một bức thư không chỉ đơn thuần là kể lại các sự kiện trong ngày một cách nhạt nhẽo, như người ta thường viết trong nhật ký. Nội dung thư phải cân nhắc đến độc giả cuối cùng và là một cuộc trò chuyện “đang diễn ra, chưa kết thúc — một bức thư gợi lên một mối quan hệ, vì vậy nó cần tinh tế với người đọc theo cách mà một cuốn nhật ký không cần [phải có],” như cô Preston nói. Do đó, việc viết thư cũng cần lưu tâm đến niềm vui mang lại cho người nhận.
Quá trình viết một bức thư cần rất nhiều quyết định, do đó phương tiện giao tiếp này truyền đạt được nhiều điều hơn ngôn từ. Việc lựa chọn loại giấy, dùng bút mực hay bút chì, nét chữ nguệch ngoạc phóng khoáng hay nắn nót tỉ mỉ, cách sửa lỗi hoặc diễn đạt lại của người gửi — đều để mang đến một thông điệp trọn vẹn hơn. Trong mỗi lựa chọn này, cũng như trong việc quyết định sự kiện nào đáng để lưu giữ lâu dài như vậy, chúng ta có thể hiểu được tính cách của người viết thư.
Điều khiến cho việc nhận được một bức thư trở nên ý nghĩa là vì, tất cả những quyết định [trong quá trình viết thư đó] đều diễn ra trong tâm trí người khác. Biểu hiện hữu hình về sự quan tâm mà một người dành cho người khác này — là điều gì đó đáng được trân trọng và hồi đáp theo cách mà giao tiếp kỹ thuật số không thể làm được.
Cô Preston lưu ý rằng, “trì hoãn sự hài lòng” là điều tự nhiên trong cách giao tiếp bằng thư tay. Sự chậm trễ thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực trong thư điện tử và tin nhắn, vốn tồn tại vì mục đích giao tiếp tức thời, thậm chí là liên tục. Ngoại trừ trường hợp, một cô gái tuổi teen đang chờ đợi tin nhắn phản hồi từ người mình thầm thương trộm nhớ, thì việc chờ đợi tin nhắn hầu như không bao giờ khiến việc nhận được nó trở nên ngọt ngào hơn. Trong khi đó, việc mong chờ một bức thư có thể tăng thêm niềm vui khi nhận được nó.
Vào ngày cưới người bạn thân Philip của tôi, chú rể nhờ người đưa cho cô dâu một lá thư khi cô đang chờ đợi buổi lễ chính thức bắt đầu. Anh đã viết bức thư này ngay sau buổi hẹn hò đầu tiên của họ, cách đây vài năm. Sau khi bày tỏ nỗi lo lắng của mình về việc cô nghĩ gì về anh, Philip chuyển dần từ lo âu sang niềm tin đơn giản, và hy vọng mình sẽ tìm thấy phần thưởng vào ngày mà cô dâu của anh đọc được bức thư này.
Và bây giờ chính là thời điểm hoàn hảo để trao lại bức thư đó cho cô. Những lời này được ấp ủ từ lâu, nhưng đáng để chờ đợi; trên thực tế, năm tháng trôi qua càng làm cho chúng thêm phần đẹp đẽ.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét