Thứ Hai, 10 tháng 6, 2024

Một Thảm Kịch Tư Pháp

 


MỘT THẢM KỊCH TƯ PHÁP 
Vũ Linh

Chuyện gì phải đến đã đến: tuần rồi, một bồi thẩm đoàn của Manhattan, khu trung tâm của thành phố New York, đã ra phán quyết, kết án Trump có tội trong tất cả 34 tội mà công tố da đen Alvin Bragg đã truy tố. Rõ ràng hơn ban ngày là ông Trump đã thất bại nặng trong khi phe DC và cụ Biden đã đạt được thắng lợi vĩ đại. Chưa biết việc kết án này có loại được ông Trump ra khỏi cuộc bầu TT cuối năm nay hay không, chỉ biết ông Trump sẽ đi vào lịch sử Mỹ như vị tổng thống duy nhất đã bị đàn hặc hai lần, truy tố gần 100 tội trong 5-6 vụ kiện đủ cấp, từ liên bang xuống tới tiểu bang và cả địa phương, mà cũng là cựu TT đầu tiên phải đội cái mũ 'tội phạm hình sự' -convicted felon- trên đầu.

Khó chối cãi được trong nhất thời, ông Trump đã gặp đại nạn thật.

Thế nhưng nhìn đường xa, nhìn vào chiều sâu lịch sử, nhất là nhìn vấn đề xa hơn một cá nhân ông Trump, thì câu chuyện khác hẳn. Chính nước Mỹ đã và sẽ gặp đại nạn.

Ta thử nhìn cho kỹ.

Trước hết, phải nói ngay, trong lịch sử nhân loại, không thiếu gì những người gặp đại nạn trong cuộc sống nhất thời của họ, nhưng tên tuổi lại trường tồn vĩnh viễn trong lịch sử như những vĩ nhân của nhân loại.

Chẳng hạn như bà Jeanne d'Arc của Pháp bị xử tử hình, phải chịu thiêu đốt để rồi trở thành một bà Thánh vĩnh viễn của Pháp. Hay anh da đen bị tội khủng bố, nhốt 40 năm tù tên là Nelson Mandela, để rồi sau đó trở thành một vĩ nhân chẳng phải của dân da đen không, mà là của cả nhân loại. Nguyễn Thái Học và các đồng chí đều là những tên phạm nhân tội nặng đến độ phải bị chặt đầu hết. 

Đó là những trường hợp điển hình thật rõ nét của tình trạng luật pháp và tuyên truyền được phe nắm quyền khai thác làm những vũ khí đàn áp đối lập chính trị. Chuyện xưa hơn trái đất, chẳng có gì mới lạ. 

Ở đây, phải nói ngay để tránh công kích hay bôi bác vớ vẩn của đám vẹt, kẻ này không hề có ý định tiên đoán Trump sẽ trở thành một vĩ nhân của nhân loại, mà ý chỉ muốn nói trong các vụ án chính trị, phe nắm quyền luôn luôn chụp lên đầu đối thủ những tội và cách trừng phạt kinh hoàng nhất, nhưng chỉ là những thắng lợi nhất thời. Với chiều dài lịch sử, bản án của lịch sử có thể khác rất xa bản án của tòa. Chuyện của ông Trump, chỉ có con cháu chúng ta, vài thế hệ tới, mới có thể có nhận định khách quan, trung thực hơn.

Vấn đề đáng bàn và cần bàn bây giờ đi xa hơn cá nhân một ông Trump. Thành thật mà nói, quý độc giả đều biết quá rõ kẻ này ủng hộ ông Trump như thế nào. Nhưng không phải ủng hộ ông trong tư cách một cá nhân, mà ủng hộ ông trong tư cách TT, qua những chính sách đối nội cũng như đối ngoại, mà kẻ này cho là đáp ứng nhu cầu của cả nước, của dân cả nước. Ông Trump đắc cử TT sẽ là một đại phúc cho cả cái xứ quê hương thứ hai của chúng ta. Ông Trump thất cử sẽ là một đại họa, nhưng cũng phải chấp nhận vì chẳng làm gì khác hơn được. 

Trong đạo Phật, có nói rõ cái 'nghiệp' của mỗi người, nhưng dù sao thì đó cũng là cái nhà Phật gọi là 'biệt nghiệp', phần lớn cũng tùy thuộc cái 'cộng nghiệp' chung, lớn hơn của số đông. Chẳng hạn như số cá nhân chưa chết, nhưng đi máy bay, máy bay rớt chết hết, thì âu đó cũng là chịu chung cái nghiệp lớn của cả đám hành khách đi cùng máy bay. Hay khi cả miền Nam ta rơi vào tay CSBV, đó là cái đại cộng nghiệp chung của cả nước, chẳng một cá nhân nào thoát, bất kể biệt nghiệp cá nhân mỗi người.

Bây giờ, ta bàn về vụ kết án Trump và những hậu quả lâu dài.


Bầu cử tổng thống cuối năm

Trước hết, bất kể các thăm dò cho thấy gì, vụ kết án Trump đã hoàn toàn thay đổi các hệ số trong bài toán bầu cử. Những thăm dò ngay sau vụ xử cho thấy hoặc là ông Trump chẳng bị xây sát một cọng lông chân nào, hoặc là hậu thuẫn của ông tăng mạnh qua việc những người ủng hộ đã gửi tặng ông 70 triệu đô trong vòng 4 ngày, tương đương với số tiền ông thu được trong  nửa năm trong tình trạng bình thường. Tuy nhiên, trước khi những người ủng hộ Trump nhẩy tưng tưng ăn mừng, phải nhớ lại đây rất có thể chỉ là phản ứng có tính nhất thời. Sau một vài tháng theo dõi các bình loạn tứ phía theo mọi khuynh hướng, chẳng ai biết được vụ án sẽ có những hậu quả như thế nào trên cuộc bầu TT cuối năm nay. 

Luật lệ cần thiết để duy trì an ninh trật tự cho cuộc sống chung của nhân loại. Nhưng những người cầm quyền luôn khai thác cái quyền giữ an ninh trật tự đó để biến thành công cụ đàn áp đối lập. Đó là việc mà nước Mỹ này đã lớn tiếng công kích các xứ gọi là độc tài nhược tiểu từ ngày lập quốc, nhưng bây giờ, đã được chính quyền Biden biến thành sách lược trị quốc an dân của chính Đại Cường Cờ Hoa.

Công tố lách luật rồi thông đồng

Ngay từ nguyên thủy, ông tiền nhiệm công tố Bragg là công tố quận Cyrus Vance đã bỏ ra 4 năm (2018-2021) để truy lùng mà không tìm ra được tội nào của Trump, nguyên thủy bị điều tra về tội 'ăn bánh, rồi tìm cách trả tiền để bịt miệng cô Stormy'. Không tìm ra tội vì theo luật Mỹ ăn bánh trả tiền bịt miệng KHÔNG phải là tội, dù tội nhỏ. Ông Bragg cuối năm 2021 được bầu lên thay thế công tố Vance. Tháng 2/2022, ông Bragg ra lệnh dẹp vụ điều tra vì ông chẳng thấy Trump có thể bị truy tố bất cứ tội gì. Ngay sau đó, ông bị áp lực mạnh từ chính Biden, cho tới chính quyền DC của tiểu bang New York, ép ông phải tiếp tục điều tra cho tới khi ra tội. Tháng 11/2022, ông Bragg đành phải mở lại cuộc điều tra, vài ngày ngay sau khi ông Trump chính thức tuyên bố ra tranh cử TT. Tháng 1/2023, chỉ sau hai tháng ngắn ngủi điều tra cho có, ông Bragg khám phá ra ngay 34 tội đại hình chụp lên đầu Trump, sau khi công tố Vance điều tra 4 năm không ra tội gì hết. Công tố Bragg sẵn sàng mặt trơ trán bóng ngồi xổm trên tất cả mọi thứ luật, có khả năng chế nặn ra tội giỏi hơn ông Vance thôi.

Đài tivi loa phường CBS trong phần 'Kiểm Tra Dữ Kiện' -Fact Check- của họ, khẳng định không hề có chuyện công tố Bragg mở cuộc điều tra về Trump sau khi ông này tuyên bố ra tranh cử và cuộc điều tra về Trump đã bắt đầu từ 2018. Fact check láo! Cuộc điều tra của công tố Vance năm 2018 bị công tố Bragg dẹp ngang ngay sau khi ông Bragg đắc cử công tố cuối năm 2021, hai luật sư trong nhóm điều tra tức giận, từ chức, viết sách và đi vận động mở lại điều tra, và cuộc điều tra của công tố Bragg chỉ được mở lại SAU KHI Trump tuyên bố ra tranh cử TT tháng 11/2022, dưới áp lực mạnh của Biden, qua việc cho thứ trưởng Tư Pháp Matthew Colangelo qua ép công tố Bragg (xem phần dưới).

Vụ án tiên khởi được đưa ra với tội danh là Trump vi phạm luật bầu cử khi lấy tiền vận động tranh cử TT để bịt miệng cô Stormy. Luật bầu cử TT là luật liên bang, có vi phạm hay không thuộc thẩm quyền tòa liên bang, công tố Manhattan Alvin Bragg tuyệt đối không có thẩm quyền truy tố hay xét xử. Công tố viện dẫn việc ông Trump có nhận tiền vận động tranh cử của người dân New York, do đó, tiểu bang New York có quyền kiện Trump. Chiếu theo lập luận này, thì tất cả 50 tiểu bang đều có quyền kiện bất chấp luật bầu cử liên bang. Thậm chí một anh Mỹ sống ở Congo gửi một đô yểm trợ Trump thì luật Congo chắc cũng phải được áp dụng luôn. Dù vậy, công tố nhất quyết truy rượt Trump, bất chấp việc không có thẩm quyền.

Để lách cái vụ 'thẩm quyền' này, công tố chuyển qua tội khác: tội khai gian sổ sách kế toán, là tội tiểu bang có quyền kiện theo luật tiểu bang. Thế nhưng cái kẹt là tội khai gian sổ sách chỉ là tội nhẹ -misdemeanour-, bị phạt ít tiền thôi, không đáp ứng nhu cầu bắt bỏ tù Trump được. Thế là lại họp hành với nhau, kiếm ra được tội mới: khai gian sổ sách để che giấu việc chơi gái trả tiền có thể khiến Trump thất cử, nghĩa là Trump phạm tội mới: khai gian sổ sách để khuynh đảo kết quả bầu cử. Theo luật New York, một tội nhẹ -misdemeanour- nếu được dùng để che giấu một tội khác thì lại trở thành tội nặng -felony- có thể đi tù.

Đó là chuyện công tố tìm cách lách luật.

Chuyện đáng nói khác là quan hệ giữa công tố với chính quyền Biden.

Ngay từ đầu, Biden luôn luôn khẳng định cụ và chính quyền của cụ kể cả bộ Tư Pháp, tuyệt đối không dính dáng xa gần gì tới những vụ truy tố Trump.

Nếu vậy thì làm sao giải thích vai trò của luật sư Matthew Colangelo? Ông này không phải luật sư tầm thường. Ông là thứ trưởng bộ Tư Pháp, người quan trọng thứ nhì trong bộ Tư Pháp của Biden. Bất thình lình, ông từ chức và biến mất một thời gian ngắn, cho tới khi vụ xử Trump mở ra, ông Colangelo tái xuất giang hồ trong vai trò luật sư chính của công tố Bragg. Người ta khám phá ra ông này đã xuống chức mạnh. Tính theo ngạch trật, ông này xuống chức ít nhất 4-5 cấp, từ thứ thưởng Tư Pháp, xuống làm luật sư phụ tá cho một công tố quận Manhattan, Alvin Bragg. Nghĩa là ông đã tình nguyện -hay được Biden chỉ định- xuống chức để áp lực công tố Bragg, rồi đóng vai trung gian, giữa Bragg với chính quyền Biden, qua bộ Tư Pháp của Biden để cung cấp tài liệu, dữ kiện, sách lược, cũng như phối hợp việc truy lùng Trump.

Qua câu chuyện này, ta thấy một lỗ hở quan trọng trong thể chế chính trị Mỹ, khi thể chế tam quyền phân lập không còn tam quyền hay phân lập gì nữa, mà đã có sự thông đồng trắng trợn giữa hành pháp và tư pháp, trước đôi mắt nhắm chặt của lập pháp, tất cả cùng đảng. 

Vai trò cực quan trọng của quan tòa

Trong suốt hơn 6 tuần lễ xử án, tất cả các chuyên gia luật theo dõi vụ xử đều nhất trí, không một ai tin là ông Trump sẽ bị tuyên án 'có tội' trên tất cả 34 tội đúng theo truy tố của công tố Alvin Bragg. Không một luật gia nào, không một anh nhà báo loa phường nào, không một chính khách của đảng DC nào. Hầu như tất cả đều cho rằng phiên xử sẽ đi đến bế tắc khi bồi thẩm đoàn không thể đạt được đồng thuận 100% giữa tất cả 12 thành viên. Bế tắc không đạt được đồng thuận sẽ đưa đến tình trạng Mỹ gọi là 'hung jury', vụ xử chấm dứt, ông Trump không bị tội gì hết.

Thế nhưng, trước bất ngờ của cả thế giới, ông Trump đã bị kết 'có tội' trong tất cả 34 tội với biểu quyết nhất trí của tất cả 12 thành viên bồi thẩm đoàn.

Ở đây, người đóng vai chủ chốt đưa đến kết quả này không ai khác hơn là ông tòa Juan Merchan. Trên nguyên tắc tư pháp, ông tòa gần như 'trung lập', không được làm bất cứ gì để xoay chuyển vụ án cho có lợi hay có hại cho bị can, nhưng trên thực tế, ông tòa Merchan đã công khai can thiệp qua nhiều quyết định cực kỳ tai hại cho Trump. Ông này đã phạm ít nhất 5 tội 'phe đảng', với hậu quả cực kỳ quan trọng, đưa đến biểu quyết của bồi thẩm đoàn:

1. Chấp nhận một vụ kiện có rất nhiều sai trái luật pháp

Vụ án 'bịt miệng' cô Stormy ngay từ căn bản, đúng ra không thể mang ra tòa xử được, dù vậy, vẫn bị công tố đưa ra tòa, và quái lạ thay, được ông tòa Merchan chấp nhận thụ lý, và xử.

Theo báo The Wall Street Journal, nền tảng của tất cả các vụ xử án là 3 điểm: 1) tội truy tố phải rõ ràng ngay từ đầu, 2) có bằng chứng cụ thể của tội, và 3) can phạm và luật sư phải biết rõ tội gì để có thể bào chữa hữu hiệu. Theo WSJ, cả 3 yếu tố căn bản đó đều không có trong vụ án 'bịt miệng' này. Cái tội lờ mờ 'can thiệp vào bầu cử' được công tố tung ra giờ chót, không bằng chứng, không có căn bản cụ thể, và không cho thời gian để ông Trump chuẩn bị bào chữa. Rồi sau đó, ông tòa lại còn cho bồi thẩm đoàn quyền chọn một trong ba tội, không cần chứng minh và giải thích (xin xem phần dưới đây).


Cái lạ không phải là chuyện công tố Bragg du di hết tội này qua tội khác để cố lách luật, tìm cho ra tội có thể vồ ông Trump được, rồi cuối cùng chẳng ai biết Trump bị truy tố tội gì, mà cái quái dị là ông tòa vui vẻ chấp nhận, nghĩa là đồng lõa, công khai thụ lý một vụ án mà tội phạm không rõ ràng, trong khi thẩm quyền của công tố và quan tòa là những câu hỏi lớn. 

2. Trói chân, bịt miệng bị can và nhân chứng

Việc đầu tiên ngay từ khi phiên tòa chưa bắt đầu xử, ông tòa Merchan đã ra hai lệnh: 1) cấm Trump không được tuyên bố gì về vụ xử, hay nói bất cứ gì đụng chạm tới bồi thẩm đoàn và các nhân chứng; trong khi vẫn cho phép hai nhân chứng chính là cô đào Stormy và anh cựu luật sư Cohen tha hồ tự do bôi bác, sỉ vả Trump trước báo chí và trên các trang mạng xã hội; và 2) bắt buộc ông Trump phải có mặt trong tất cả các phiên tòa, không được phép vắng mặt; trong khi Biden tự do tuyên bố và đi khắp nơi vận động tranh cử.

Sau đó, ông tòa leo thang, ra lệnh bịt miệng, quan trọng nhất là lệnh cấm Trump không được nói gì về gia đình ông Merchan. Trên nguyên tắc, nghe cũng hợp lý. Cho đến khi thấy được 'gia đình của ông Merchan' ở đây chỉ là bà con gái Loren Merchan, là một nhà hoạt động hết sức tích cực cho đảng DC, chuyên làm phim quảng cáo tranh cử cho đảng DC, lãnh bạc chục triệu, nhất là cho ông dân biểu 'mắt lồi' Adam Schiff, là dân biểu từng nổi đình nổi đám trong hai vụ đàn hặc Trump. Ông Trump vì quan hệ này đã đòi hỏi ông tòa Merchan tự ý rút lui ra khỏi vụ án. Ông Merchan cho biết đã tham khảo luật sư của New York -New York counsel- và được cho biết ông không cần phải rút lui. Trước hết, đúng là theo luật, ông không phải rút lui, nhưng ở đây không phải là chuyện luật lệ, mà là chuyện 'đạo đức nghề nghiệp' -professional ethics-, là chuyện ông Merchan đã vứt vào thùng rác. Thứ nhì, ông tham khảo một luật sư DC của New York thì cũng như không, chẳng khác gì tham khảo ý kiến Biden hay bộ trưởng Garland.

Khi bên luật sư bào chữa cho Trump muốn đưa một số luật gia chuyên về luật bầu cử ra làm nhân chứng để giải thích tại sao Trump không hề vi phạm luật bầu cử như công tố Bragg truy tố, thì ông tòa Merchan chỉ cho phép họ ra nói vài điều tổng quát về luật bầu cử thôi, cấm không được diễn giải chống việc truy tố của công tố Bragg, đưa đến tình trạng các chuyên gia luật bầu cử từ chối ra làm nhân chứng luôn. Ông tòa nêu ý do giải thích luật cho bồi thẩm đoàn là trách nhiệm của ông tòa, không phải của nhân chứng. Nhưng rồi ông tòa Merchan chẳng giải thích luật bầu cử gì cho bồi thẩm đoàn. 

3. Cho phép nhân chứng ra ngoài đề, bôi bác bị can

Hai nhân chứng chính của công tố là hai người có thành tích bất hảo lạ lùng nhất. 

Nhân chứng số một là một cô đào đóng phim sex, một nghề không được bao nhiêu cô gái ước mơ, ra trước tòa kể lể chuyện mây mưa, chăn gối với Trump hết cả ngày. Tất cả những câu chuyện cô Stormy kể, nghe 'rất ly kỳ', 'rất hấp dẫn' đúng như vài cụ vẹt bị dồn nén sinh lý đã nhận định, nhưng chỉ hợp cho việc đăng trên các tạp chí như Playboy, tuyệt đối không liên quan gì đến vụ xử án, nhưng vẫn được ông tòa cho phép kể lể cả ngày trời, vì đáp ứng mục đích lôi tên tuổi Trump xuống bùn. Khi bị chất vấn thì ruột ngựa thẳng thừng, cô cho biết rất mê tiền, sẵn sàng nói và làm tất cả những gì để có tiền. Đã từng ký tên trên thư xác nhận không có quan hệ gì với Trump để nhận 130.000 đô của Trump, nhưng bây giờ tố ngược lại vì đã có hợp đồng nhận 800.000 đô viết sách về giao du với Trump.

Nhân chứng quan trọng thứ hai là cựu luật sư tâm phúc của Trump, bị đe dọa ở tù, hốt hoảng trở mặt, phản Trump, kê khai đủ thứ chuyện, chẳng ai kiểm chứng được, mà ông tòa cho phép tố khổ Trump trong hơn 2 ngày cho dù tay Cohen đã từng bị án 3 năm tù về tội nói láo kinh niên.

Cái lạ lùng là các lời khai của các nhân chứng chẳng liên quan sơ múi gì tới những tội ông Trump bị truy tố, thế mà ông tòa vẫn bình thản cho họ nói cả tuần liền, chỉ với mục đích là lôi tên tuổi Trump xuống bùn.

Các chuyên gia luật nghe những lời khai của hai nhân chứng chính của công tố đó, đã lắc đầu quầy quậy, cho rằng vụ án đã chìm xuồng với hai nhân chứng này. Ngay cả chuyên gia luật của CNN cũng công khai nhìn nhận vụ xử Trump đã chìm xuồng. Vô phương cứu vớt.

4. Mớm tội cho bồi thẩm đoàn

Một con vẹt già u mê tung fake news là bồi thẩm đoàn do Trump và các luật sư chọn. Chuyện bố láo. Bồi thẩm đoàn do các phụ tá tòa lấy tên qua ngẫu nhiên trong niên giám điện thoại, chọn cả trăm người. Sau đó được họ lọc bớt. Danh sách ngắn được ông tòa chọn. Luật sư cả hai bên đều được hỏi ý từng người, nếu không có ai phản đối, thì tên người đó được nhận. Cả ông tòa và các luật sư đều có quyền phỏng vấn và tất cả những người được chọn đều phải điền đơn, trả lời cả mấy chục câu hỏi do ông tòa đặt ra.

Ông tòa là người quyết định bổ nhiệm bồi thẩm đoàn, nhưng trên thực tế, cả ông tòa lẫn các luật sư chỉ kiểm soát hay thanh lọc qua loa, chẳng có cách nào điều tra kỹ lưỡng ba đời bồi thẩm đoàn. Chẳng hạn, một người thù ghét Trump chỉ cần khai làm nghề cắt tóc chẳng hạn, không có quan điểm gì với ông Trump, chẳng ưa cũng chẳng ghét là xong, có thể trúng tuyển, để rồi vào tìm cách thuyết phục mấy đồng viện là Trump có tội.

Vấn đề là hầu hết đều là dân thường, chẳng ai am hiểu rõ ràng về luật, chỉ lấy quyết định dựa trên chỉ dẫn của ông tòa và dựa trên những gì họ nghe được trong phiên xử, rồi dùng lý trí cá nhân, dĩ nhiên rất chủ quan và thường bị khuynh đảo bởi ông tòa hay một luật sư giỏi. Vụ xử Trump của tòa Manhattan dĩ nhiên chọn dân Manhattan vào bồi thẩm đoàn. Manhattan là khu vực trung tâm New York, bỏ phiếu chống Trump gần 90%.

Sau khi xong phần điều trần của các nhân chứng, luật sư hai bên tổng kết lập luận của họ, trước khi bồi thẩm đoàn họp kín để thảo luận về tội trạng của Trump, ông tòa bỏ ra nguyên một buổi sáng, trên nguyên tắc, giải thích cho bồi thẩm đoàn biết Trump bị truy tố tội gì. Và ông cũng đã giải thích vai trò cũng như cách luận tội cho bồi thẩm đoàn. Đáng kể là ông chỉ thị cho bồi thẩm đoàn tuyệt đối chỉ được quyết định dựa trên những lời khai của nhân chứng mà họ nghe được trong phiên xử, không có quyền để ý đến những chuyện gọi là ngoài lề như nghề nghiệp của nhân chứng, hay ngay cả chuyện nhân chứng đã từng bị tù về tội khai gian, nói láo. Nôm na ra, ông tòa chỉ thị cho bồi thẩm đoàn không được bác bỏ những lời khai bôi bác, tố cáo Trump của hai nhân chứng Stormy và Cohen, mặc dù tên tuổi cũng như tính khả tín, đáng tin tưởng của họ là con số không khổng lồ.

Cựu công tố liên bang Andy McCarthy nhận định "Đây là cách ông tòa Merchan mớm mồi, chỉ cách cho bồi thẩm đoàn kết tội Trump, không hơn không kém".

Thật ra, chỉ nhìn vào tư cách cá nhân của hai nhân chứng chính thì cũng đủ hiểu giá trị của toàn bộ vụ xử. Bị can là một cựu TT, có thể cũng là một TT tương lai, nhưng lại bị xử có tội dựa trên những lời khai của một cô gái làng chơi và một tên tù phản chủ đã ử tù vì tội nói láo kinh niên.

5. Sáng chế ra cách kết tội mới

Nguyên tắc căn bản để kết tội là phải có đủ 12 người kết tội thì Trump mới bị kết tội. Ông tòa Merchan đã công khai chỉ thị cho bồi thẩm đoàn có thể kết luận là 'Có tội' mà không cần phải có đủ 12 người đồng ý (nguyên văn "you need not be unanimous..."). Do đó, dù ông Trump bị kết đủ 34 tội, không ai biết bao nhiêu người đã biểu quyết ông có tội. Bí mật này sẽ không bao giờ ai biết được.

Chuyện này hết sức phức tạp, xin giải thích thêm. Như đã bàn ở trên, theo luật New York, sửa sổ sách chỉ là tội nhẹ 'misdemeanour', bị phạt tiền chút đỉnh. Nhưng nếu sửa sổ sách với mục đích che giấu một tội khác, thì trở thành tội nặng felony có thể bị tù. Công tố và ông tòa muốn bỏ tù Trump nên truy tố Trump tội sửa sổ sách để che giấu một tội khác, nên sửa sổ sách thành felony, có thể bắt Trump đi tù. Trump che giấu tội gì khác? Ở đây, ông tòa Merchan rất sáng tạo, cho bồi thẩm đoàn lựa chọn một trong ba tội: 1) vi phạm luật bầu cử, 2) che giấu một sửa chữa sổ sách khác, và 3) trốn thuế (theo tin của NBC News: nguyên văn "jurors can choose from three options about what those other crimes were: violations of the Federal Election Campaign Act, falsification of other business records or violation of tax laws"). Cái quái dị không tưởng tượng nổi là ông tòa nhấn mạnh bồi thẩm đoàn có quyền tự do lựa chọn tội mà ông không giải thích cho bồi thẩm đoàn, không chứng minh Trump phạm tội như thế nào, không đưa ra bằng chứng, đặc biệt là không cần 'nhất trí' trong tất cả 12 người. Nghĩa là trong 12 người, chẳng hạn có 4 người kết Trump có tội thứ nhất, 3 người tội thứ nhì và 5 người tội thứ ba, thế là cộng lại có 12 người kết tội. Điều kiện cần và đủ đã đạt. Thay vì phải có 12 cùng kết tội thứ nhất, 12 người kết tội thứ nhì, và 12 người kết tội thứ ba. Việc làm theo kiểu này có hợp pháp không, kẻ này xin nhường cho các độc giả rành luật hơn quyết định, chỉ xin thông báo là cách này chưa bao giờ xẩy ra trong lịch sử Mỹ. 

Quý độc giả lưu ý trong 3 tội ông tòa cho bồi thẩm đoàn chọn, KHÔNG có tội khuynh đảo kết quả bầu cử như công tố Bragg truy tố; đưa đến tình trạng chẳng ai hiểu cái tội mà Trump che giấu thật sự là tội gì. Đó là cái lỗ hổng to hơn Thái Bình Dương của vụ án này.

Bài học cho sinh viên học luật: khi quan tòa phe đảng thì quan tòa toàn quyền ngồi xổm trên tất cả mọi luật, mà chẳng ai làm gì được. Sau khi học luật, tốt nhất là nên đi làm quan tòa, tiền ít hơn luật sư nhưng quyền nhiều hơn xa.

Đi xa hơn nữa

Một chính khách CH đã nhận định: vụ án cô Stormy đã mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành tư pháp Mỹ: từ giờ về sau, cả hai chính đảng Mỹ sẽ biết cách dùng tư pháp, dùng các luật chế nặn mới, áp dụng những thủ tục pháp lý mới lạ, các công tố phe đảng, các quan tòa thân thiện, các bồi thẩm đoàn được chọn trong khối cử tri phe ta, để làm vũ khí tranh cử hữu hiệu nhất chống các ứng cử viên đối lập. Chẳng hạn, muốn chặn một ông DC, chỉ cần truy tố một tội cuội nào đó trong tiểu bang đỏ lòm là Texas, cho một công tố bảo thủ CH đưa nội vụ ra trước một quan tòa do một ông thống đốc hay TT CH bổ nhiệm, chọn một bồi thẩm đoàn toàn dân cao bồi Texas, thế là xong, can phạm DC tiêu đời. Câu hỏi lớn: đó có phải là nước Mỹ tương lai, ước mơ của dân Mỹ không?

Lý cớ công tố Bragg đưa ra để bắt nhốt đối lập rất giản dị: có hành động có hậu quả thay đổi kết quả bầu cử. Ông Trump tìm cách giấu chuyên ăn bánh với cô Stormy vì nếu chuyện lộ ra, có thể khiến ông thất cử, do đó phải giấu để có thể đắc cử. Theo công tố Bragg, đó chính là tội căn bản của Trump: can thiệp  để xoay chuyển kết quả bầu cử. Câu hỏi đặt ra: Biden ra lệnh cho 50 viên chức tình báo, an ninh ký tên xác nhận những tin trong laptop của cậu ấm Hunter là tin phịa do phản gián Nga cài vào, cốt che giấu tội của Hunter giúp Biden đắc cử, như vậy, Biden có phạm tội can thiệp để xoay chuyển kết quả bầu cử không? Hay sách lược 'lawfare' dùng tòa án để bịt miệng, trói chân trong mùa vận động tranh cử, đó có là can thiệp vào bầu cử không, ai sẽ xử ông tòa Merchan về tội này?

Nhân đây, cũng phải nói cho rõ. Công tố cũng như ông tòa, cả hai đều không ngu đến độ vi phạm cả lô thủ tục pháp lý. Cựu bộ trưởng Tư Pháp Bill Barr cho rằng tất cả mọi yếu tố đều dẫn đến việc tòa trên sẽ xóa phán quyết vô lý của tòa Merchan. Họ biết rất rõ, nhưng vì tính phe đảng hay thù ghét Trump gì đó, sẵn sàng đi tới bến để chặn Trump, giúp Biden. Cho dù phán quyết của bồi thẩm đoàn có bị lật ngược thì họ cũng đã thực hiện được mục tiêu: bịt miệng, trói chân Trump, rồi chụp cái mũ phạm nhân hình sự -convicted felon- lên đầu Trump, như Biden đã bắt đầu đi vận động với cái mũ convicted felon trên đầu Trump rồi. Tất cả mọi chuyện khác, chẳng hạn như Trump có đi tù hay không, không quan trọng. Như bà Pelosi đàn hặc Trump được hai lần, dù không truất phế được cũng đã thỏa mãn. Những chuyện không đẹp đó về một tổng thống có để lại một vết nhơ nhớp trong lịch sử Mỹ hay không cũng chẳng ai thắc mắc. Sự thật hiển hiện là nếu ám hại hy vọng đắc cử của Trump là mục tiêu thật thì bản án vừa rồi đã thất bại. Vô hình chung biến Trump thành một... 'Thánh Tử Đạo' mà hậu thuẫn đã tăng mạnh sau khi bị kết án.

Cuối cùng thì vụ án 'bịt miệng' là một thảm kịch nhằm mục đích thỏa mãn tham vọng cá nhân ngắn hạn -thêm 4 năm nắm quyền- của một cụ già tham quyền cố vị, nhưng lại đã để lại những hậu quả vô cùng tai hại cho uy tín Mỹ và cho tương lai lâu dài của nền tư pháp Mỹ khi sự thật và luật pháp đã không còn là những yếu tố quyết định trong một vụ xử án, mà chính trị mới là yếu tố quan trọng nhất như đại đa số dân Mỹ đã nhận định. 

Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét