Thủ Tướng Đức Olaf Scholz đến quan sát hậu quả lũ lụt tại Bad Muenstereifel ngày 29 tháng 3, 2022. (Sascha Schürmann - Pool/ Getty Images)
ÂU CHÂU TRẢI QUA THỜI TIẾT KHẮC NGHIỆT KỶ LỤC TRONG NĂM 2021
Viễn Đông
BRUSSELS - Cơ quan giám sát khí hậu của Liên Âu (EU) vừa cho biết Âu Châu đã trải qua ngày nóng nhất, mùa hè nóng nhất, cháy rừng và lũ lụt nghiêm trọng nhất trong năm 2021.
Theo bản tường trình được công bố hôm 22 tháng 4 của Cơ Quan Biến Đổi Khí Hậu Copernicus (C3S) thuộc Liên Âu, bề mặt Trái Đất năm ngoái nóng hơn gần 1.2 độ so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, mức tăng trung bình ở Âu Châu là hơn hai độ, ngưỡng mà các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy hiểm có xác suất xảy ra cao hơn và cường độ mạnh hơn.
Âu Châu đã trải qua mùa hè nóng nhất khi khi đợt nắng nóng dọc vành đai Địa Trung Hải kéo dài suốt nhiều tuần. Ngày nóng nhất trong lịch sử Âu Châu được ghi nhận ở Sicily, Ý, với nhiệt độ 48.8 độ C.
Ở Hy Lạp, nhiệt độ cao gây nhiều vụ cháy rừng chết người mà thủ tướng Hy Lạp gọi là "thảm họa sinh thái lớn nhất trong nhiều thập niên.”
Rừng và nhà cửa trên một diện tích hơn 8,000 cây số vuông đã bị thiêu rụi. Tại Đức, hệ thống áp suất thấp di chuyển chậm hồi giữa tháng 7 đã gây ra lượng mưa kỷ lục trong một ngày. Trận mưa như trút hình thành từ một hiện tượng thời tiết cực đoan chưa từng có, khi nhiệt độ mặt nước ở một vùng thuộc biển Baltic cao hơn 5 độ C so với mức trung bình.
Biến đổi khí hậu có thể là nguyên nhân dẫn đến mưa lớn gây lũ lụt ở Đức và Bỉ, đã gây thương vong lớn và thiệt hại hàng tỷ euro. Cơ quan giám sát khí hậu của EU khuyến cáo, vì khí hậu đang tiếp tục ấm lên, lũ lụt với quy mô này sẽ thường xuyên xuất hiện hơn.
"2021 là năm cực kỳ khắc nghiệt, với mùa hè nóng nhất ở Âu Châu, nắng nóng ở Địa Trung Hải, lũ lụt và hạn hán ở Tây Âu,” Carlo Buontempo, giám đốc C3S, nói. "Điều này cho thấy sự hiểu biết về thời tiết và khí hậu khắc nghiệt đang ngày càng quan trọng trong các lĩnh vực chủ chốt của xã hội.”
Báo cáo cũng nêu chi tiết về thời tiết khắc nghiệt ở vùng Bắc Cực, nơi nhiệt độ nóng hơn 3 độ C so với thế kỷ 19. Lượng khí thải carbon từ cháy rừng ở vùng Bắc Cực, chủ yếu tại đông Siberia, lên tới 16 triệu tấn CO2, gần bằng tổng lượng ô nhiễm carbon hàng năm của Bolivia.
Sông băng Greenland cùng sông băng Tây Nam Cực đã trở thành nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao, khi 400 tỷ tấn băng đã tan chảy năm 2021. Tốc độ tan của những tảng băng lớn nhất thế giới đã tăng hơn 3 lần trong 30 năm qua. Theo một viên chức Liên Âu, báo cáo mới cho thấy các chính phủ phải nhanh chóng hành động, vì các hiện tượng khí hậu đã bắt đầu xảy ra.
Viễn Đông
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét