Thứ Hai, 25 tháng 4, 2022

Châu Âu Giúp Đài Loan Như Thế Nào Khi Đấu Với Trung Quốc

 

Ảnh minh hoạ.

CHÂU ÂU GIÚP ĐÀI LOAN NHƯ THẾ NÀO KHI ĐẤU VỚI TRUNG QUỐC
Vân Sơn biên dịch

Cuộc chiến xâm lược của Nga đối với Ukraine đang châm ngòi cho việc khôi phục việc chi tiêu quốc phòng của Châu Âu. Nhưng liệu các nhà hoạch định chính sách Châu u giờ đây có làm tốt khi lên kế hoạch cho một điểm nóng Đài Loan xa hơn về mặt địa lý hay không.

Sự xâm lược của quân đội Trung Quốc đối với Đài Loan trong thập kỷ tới đang trở thành một hiện thực rõ ràng hơn bao giờ hết. Một cuộc xung đột như vậy, bất kể theo quy mô và hình thức nào, đều có khả năng lôi kéo Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác của họ ở Tây Thái Bình Dương.

Nếu một cuộc xung đột bùng phát như vậy, Châu Âu sẽ thấy mình có khả năng bị Mỹ và các đối tác của họ ép phải đáp trả. Và nếu Châu Âu có ý chí chính trị, thì Châu Âu sẽ thực sự có một loạt các lựa chọn kinh tế và quân sự đáng tin cậy, như chúng tôi đã trình bày trong một báo cáo mới được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế.

Các quốc gia Châu Âu lớn hơn và EU có thể lựa chọn một loạt các phương án quân sự để hỗ trợ Đài Loan và Mỹ. Trong trường hợp khu vực xám bị cưỡng chế dưới ngưỡng xung đột vũ trang công khai, các thủ đô Châu Âu có thể hỗ trợ Đài Loan bằng cách giúp chống lại các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc.

Mặc dù tụt hậu so với Mỹ, một số quốc gia Châu Âu, đặc biệt là Pháp, Hà Lan và Anh, vẫn giữ được năng lực quân sự-mạng mạnh mẽ và có thể cung cấp kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh mạng.

Nếu Trung Quốc thực hiện phong tỏa hàng không và hàng hải, phản ứng của Châu Âu có thể bao gồm việc lựa chọn tổ chức hoặc tham gia vào một cuộc không vận quốc tế để phá vỡ phong tỏa bằng cách trưng dụng các máy bay chở hàng dân sự. Để nhấn mạnh tính chất phi quân sự của nó, điều này có thể được điều phối bởi Trung tâm Điều phối Ứng phó Khẩn cấp của EU hoặc thông qua một thỏa thuận đột xuất giữa các quốc gia Châu Âu tham gia.

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa cũng có thể lựa chọn tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích vào các mục tiêu được chọn kết hợp với các hoạt động tấn công mạng nhằm làm suy giảm khả năng phòng thủ của Đài Loan và buộc hòn đảo này phải khuất phục.

Trừ các vấn đề hậu cần khác nhau cần được giải quyết, một số quốc gia Châu Âu có thể chọn vận chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa và hệ thống tác chiến điện tử trên mặt đất đến Đài Loan khi sắp xảy ra xung đột quân sự.

Nếu bản thân việc triển khai đến Đài Loan được coi là không thực tế, quân đội Châu Âu có thể đề nghị tăng cường các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, cũng như của các đồng minh trong khu vực, mặc dù điều này đòi hỏi phải có các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia Châu Âu tương ứng và các chính phủ sở tại.

Cuối cùng, để đối phó với một cuộc xâm lược toàn diện của Trung Quốc, một số quốc gia Châu Âu, nếu họ quyết định tham gia vào các hoạt động chiến đấu, có thể cung cấp tập thể lực lượng không quân nhỏ hơn nhưng vẫn đáng kể cho Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để hỗ trợ các lực lượng Đài Loan và Mỹ.

Ví dụ, lực lượng không quân của Hà Lan, Ý và Vương quốc Anh có thể được hỗ trợ bởi máy bay tiếp dầu, triển khai máy bay chiến đấu tàng hình F-35 tới các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, từ đó họ có thể tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa nhằm vào tàu Trung Quốc và các vùng có thể đổ bộ vào Đài Loan.

Ngoài sức mạnh không quân, các nước Châu Âu có thể triển khai lực lượng hải quân mặt nước ở khu vực lân cận Đài Loan cho các hoạt động tác chiến mặt nước chống lại Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân, các nhiệm vụ tấn công trên bộ hoặc phòng thủ tên lửa đạn đạo.

Điều này có thể bao gồm việc điều động các tàu ngầm Châu Âu cũng như một nhóm tác chiến tàu sân bay chung của Châu Âu. Một giải pháp thay thế có thể là các nước Châu Âu đề nghị thay thế các khí tài hải quân của Mỹ ở Trung Đông để cho phép Mỹ tập trung vào Tây Thái Bình Dương.

Về mặt kinh tế, Châu Âu có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với nền kinh tế Trung Quốc. Như phản ứng đối với cuộc xâm lược Ukraine đã cho thấy, các thủ đô Châu Âu có thể đoàn kết để ngăn chặn nguồn chi phí kinh tế tiếp sức cho sự xâm lược của chính quyền.

Ở đây, chúng ta phải xóa tan giả định rằng Châu Âu quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc và do đó Bắc Kinh có thể ngăn cản người Châu Âu thực hiện các hành động kinh tế cứng rắn. Thường thì có vẻ như Châu Âu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nhưng khả năng sản xuất của Trung Quốc cũng phụ thuộc vào máy móc của Châu Âu, và điều đó tạo cơ hội cho Châu Âu hành động.

Còn việc kinh tế Trung Quốc cưỡng chế để đáp trả các lệnh trừng phạt của Châu Âu thì sao? Trong nhiều trường hợp, hành vi cưỡng bức kinh tế của Trung Quốc chứng tỏ là một tiếng sủa lớn hơn rất nhiều so với việc thực sự dám cắn một nhát.

Lấy ví dụ về mối quan hệ thương mại song phương với Australia. Trong khi xuất khẩu thịt bò và than sang Trung Quốc bị cản trở, Bắc Kinh đã chọn không dám ngăn cản việc Trung Quốc nhập khẩu quặng sắt của Australia, điều mà Trung Quốc vẫn phụ thuộc phần lớn vào Australia.

Tất nhiên, bất kỳ hành động nào mà các thủ đô Châu Âu thực hiện để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan, hoặc trong trường hợp xảy ra, cuối cùng sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị của Châu Âu.

Trong khi Nghị viện EU đã đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc hỗ trợ Đài Loan, các quốc gia thành viên vẫn chưa thống nhất được việc liệu họ có thể tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Đài Loan hay thay đổi cái nhìn về chính sách Một Trung Quốc.

Cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine sẽ là ưu tiên của các nước Châu Âu trong tương lai gần. Nhưng cuộc chiến ở Châu Âu giờ đây cũng đã đem lại những cái nhìn mới cho các kịch bản khác nhau khi mà một xung đột khác hoàn toàn có thể xảy ra.

Bắc Kinh có thể vẫn chưa chuyển sang biện pháp cuối cùng là thống nhất bằng vũ lực trong vài năm tới. Việc sử dụng vũ lực vẫn là một lựa chọn, như giấy nằm trên bàn. Do đó, các thủ đô Châu Âu cần sớm quyết định về vai trò của họ trong trường hợp có thể xảy ra ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương này.

Bước đầu tiên đối họ chính là thực sự hiểu được mình có những lựa chọn thực tế sẵn có nào.

Theo Nikkei Asia

Văn Sơn biên dịch - DKN.TV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét