Thứ Tư, 27 tháng 4, 2022

Elon Musk Có Phải Là Người Tiên Phong Của Trào Lưu Thâu Tóm Thù Địch Mới?

 

Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk phát biểu trong lễ khai trương chính thức nhà máy sản xuất ô tô điện Tesla mới vào ngày 22/03/2022 gần Gruenheide, Đức. (Ảnh: Christian Marquardt - Pool / Getty Images)

ELON MUSK CÓ PHẢI LÀ NGƯỜI TIÊN PHONG CỦA TRÀO LƯU THÂU TÓM THÙ ĐỊCH MỚI?
Bảo Nguyên

Văn hóa 'tỉnh thức' đang tàn phá các công ty trên khắp thế giới theo nhiều cách khác nhau. Thâu tóm thù địch là một biện pháp giúp quản lý các công ty hiệu quả hơn. Việc Elon Musk thâu tóm Twitter có thể báo hiệu một trào lưu thâu tóm thù địch mới trong giới doanh nghiệp; và văn hóa thức tỉnh có thể là một sai lầm có tính hệ thống, có tác dụng thúc đẩy trào lưu ấy.

Thức tỉnh đi cùng với phá sản

“Thức tỉnh đi cùng với phá sản” (Get woke, go broke) là cách nói dùng để chỉ một công ty tham gia vào trào lưu chính trị thức tỉnh và bị một lượng lớn khách hàng xa lánh. Một ví dụ điển hình là Gillette. Là một công ty nổi tiếng về các sản phẩm cạo râu dành cho nam giới, hãng này đã công bố một quảng cáo dành cho sự kiện Super Bowl 2019. Quảng cáo này công kích nam giới vì cho rằng họ có bản chất độc hại. Kết quả là Gillette bị khách hàng xa lánh; và giá trị của công ty giảm 8 tỷ USD do mất thị phần. Những câu chuyện tương tự được lặp đi lặp lại trong vô số lĩnh vực của nền kinh tế.

Ở một trường hợp khác, Disney gần đây đã lấn sân sang chính trường Florida một cách công khai. Nhiều video rò rỉ tiết lộ rằng các giám đốc điều hành cấp cao của Disney từng khoe khoang về lượng nội dung đồng tính mà họ đưa vào các sản phẩm giải trí. Các nhà lập pháp Florida đã nhanh chóng tước bỏ các quy định đặc biệt về thuế và quyền tự quản của Disney. Nhiều cuộc biểu tình của công chúng giận dữ nổ ra trước trụ sở chính của Disney ở California; và #boycottdisney (tẩy chay Disney) đã trở thành xu hướng trên Twitter.

Những tác động tiêu cực của văn hóa tỉnh thức trong kinh doanh không chỉ dừng lại ở việc bị khách hàng xa lánh. Công thức “đa dạng, hòa nhập và công bằng” đã phát triển mạnh mẽ trong toàn thế giới doanh nghiệp. Công thức này không chỉ gây tốn kém chi phí cho bộ phận nhân sự mà các chương trình đào tạo “chống phân biệt chủng tộc” của nó thường làm gia tăng căng thẳng chủng tộc và hạ thấp tinh thần của nhân viên. Coca-Cola đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội khi lời kêu gọi nhân viên “bớt tính da trắng” được công bố rộng rãi. Ngoài công thức trên, lý thuyết chủ nghĩa tư bản liên đới (stakeholder capitalism) và các phong trào đề cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã khuyến khích các nhà quản lý phục vụ các lợi ích khác với lợi ích của cổ đông.

Nói chung, một lượng đáng kể những gì các cổ đông đáng lẽ nhận được lại đang bị thất thoát do các giám đốc điều hành, những người 'trơ tráo' tự cho mình là đúng khi ủng hộ những hoạt động, phong trào không sinh lời kể trên - những hoạt động đi ngược lại với lợi ích cổ đông. Tại sao các nhà quản lý lại làm điều đó? Tôi cho rằng việc "ra tín hiệu đức hạnh" (nâng cao bản thân bằng cách thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội) là một phương thức mới để giới điều hành tinh hoa tranh giành địa vị.

Mua bán doanh nghiệp sẽ khiến các công ty được quản lý hiệu quả hơn

Ngăn cản các nhà quản lý có hành vi phục vụ bản thân là một vấn đề lâu đời xuất hiện từ khi có các tập đoàn. Các hoạt động xã hội của giới điều hành đơn giản chỉ là hiện thân của vấn đề này tại thời hiện đại. Một biện pháp cho vấn đề nằm ở thị trường quyền sở hữu doanh nghiệp. Đội đua xe thể thao BMW sẽ làm gì với một tay đua thích tham dự các bữa tiệc Daytona hơn là chiến thắng các cuộc đua Daytona? Họ lấy lại chiếc xe và giao nó cho người có khả năng tối đa hóa hiệu suất của nó. Với các tập đoàn cũng vậy. Các công ty với quản lý yếu kém sẽ khiến giá cổ phiếu sụt giảm. Điều này mời gọi những người khác mua lại công ty, thuê những giám đốc điều hành mới để quản lý công ty một cách hợp lý, và sau đó bán công ty nhằm kiếm lợi nhuận.

Trong những năm 1960, tập đoàn đa ngành - tập hợp nhiều đơn vị kinh doanh không liên quan với nhau dưới một công ty - đã trở thành mốt. Không có logic kinh tế rõ ràng nào ủng hộ các tổ chức khổng lồ này. Tuy nhiên, xu hướng này đã tạo điều kiện cho hành vi cơ hội từ cấp quản lý. Ví dụ: kích thước và chất lượng của máy bay của công ty đã trở thành công cụ thể hiện đẳng cấp của các Giám đốc điều hành. Chi phí cho cấp điều hành tăng cao. Một tập đoàn đã “đầu tư” vào ngựa đua (tập đoàn Hanson). Một tập đoàn khác đã sử dụng máy bay phản lực của công ty để chuyên chở chú chó cưng của CEO đi khắp nơi (tập đoàn RJR Nabisco).

Điều này đã dẫn tới một loạt các vụ thâu tóm thù địch trong những năm 1970 và 1980. Các nhân vật nổi tiếng trong hoạt động này, như T. Boone Pickens và Carl Icahn, đã mua lại nhiều tập đoàn, chuyển đổi chúng thành công ty tư nhân, và bán các đơn vị kinh doanh không liên quan tới nhau cho các đội ngũ quản lý mới hiệu quả hơn. Bởi vì giá trị của tổng các bộ phận (được quản lý tốt) lớn hơn giá trị của toàn bộ tập đoàn (được quản lý yếu kém), các vụ thâu tóm thù địch mang lại rất nhiều lợi nhuận chừng nào nguồn cung các công ty được quản lý yếu kém vẫn còn.

Elon Musk thâu tóm Twitter vẫn là một thương vụ mang ý nghĩa kinh tế

Hãy nói về đề nghị mua lại Twitter của Elon Musk. Người ta đã bàn luận nhiều về việc ủng hộ tự do ngôn luận đi kèm với vụ thâu tóm này của ông Musk. “Tự do ngôn luận là điều cơ bản của một nền dân chủ thực sự”, Musk viết trong một tweet. Mặc dù tôi không nghi ngờ sự chân thành của ông ấy đối với vấn đề này; nhưng tôi tin rằng đây vẫn là một vụ buôn bán doanh nghiệp: mua một công ty đang gặp khó khăn lớn do quản lý tồi, tái cấu trúc nó và bán lại nhằm kiếm lợi nhuận ở mức cao.

Twitter từ chỗ đạt mức lợi nhuận 1,4 tỷ USD vào năm 2019 đã ghi nhận mức lỗ 1,1 tỷ USD vào năm 2020. Thay vì khuyến khích sự đa dạng về quan điểm (đường lối kinh doanh ban đầu của công ty), ban quản lý của Twitter đã đi rất xa trong việc kiểm duyệt các ý kiến khác biệt với đường lối chính trị được nền tảng này ủng hộ. Điều này khiến Musk và những người cung cấp tài chính cho ông tin rằng Twitter chưa đạt tới tiềm năng thực sự của công ty. Bằng cách mua và tái cấu trúc nó, họ có thể gặt hái phần thưởng về tài chính - điều không liên quan tới ý nghĩa của thương vụ đối với nền dân chủ.

Thâu tóm thù địch có phải là lối thoát cho giới doanh nghiệp hiện nay?

Thâu tóm thù địch là một vũ khí mạnh mẽ chống lại giới điều hành cơ hội. Để có thể hình thành một làn sóng thâu tóm thù địch, như trong những năm 1970 và 1980, cần phải xuất hiện một sai lầm có tính hệ thống trong giới doanh nghiệp. Liệu các hoạt động xã hội theo văn hóa tỉnh thức của giới điều hành có là một sai lầm như vậy? Có thể. Kênh truyền hình CNN bị tụt hạng thê thảm, gần đây đã được Discovery tiếp quản, với mục tiêu đưa CNN trở nên không thiên lệch. Một bài báo gần đây của Richard Rushfield đã gợi ý rằng Netflix cũng là một đối tượng thâu tóm tiềm năng. Cổ phiếu của Disney đã giảm 31% chỉ trong sáu tháng, đây cũng là một cơ hội thâu tóm lớn .

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Michael Ryall là Giáo sư Quản lý Chiến lược và Giám đốc Phòng thí nghiệm Phát triển Đạo đức Điều hành tại Đại học Toronto.

Bảo Nguyên - NTD Việt Nam

Theo The Epoch Times


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét