Thứ Tư, 20 tháng 4, 2022

Chuyện Khẩu Trang Ở Mỹ: Lại Cãi Nhau Như Mổ Bò

 

Người mang, người không – hình ảnh thường thấy tại những địa điểm công cộng ngay cả trước khi lệnh buộc phải đeo khẩu trang được gỡ bỏ (ảnh: Brittany Murray/MediaNews Group/Long Beach Press-Telegram via Getty Images)


CHUYỆN KHẨU TRANG Ở MỸ: LẠI CÃI NHAU NHƯ MỔ BÒ 
Lương Thái Sỹ

Cơ quan Quản lý An ninh Vận tải (Transportation Security Administration-TSA) đã ngừng thực thi lệnh buộc mang khẩu trang từ ngày 18 Tháng Tư sau khi một thẩm phán liên bang đã vô hiệu lệnh này. Vận chuyển công cộng là nơi thực thi lệnh buộc mang khẩu trang nghiêm túc nhất nước Mỹ và lệnh vẫn duy trì sau khi hầu hết khu học chánh và các khu vực khác đã cho phép kết thúc yêu cầu này. Thẩm phán liên bang Kathryn Kimball Mizelle của khu vực Trung tâm Florida (Middle District of Florida) cho biết lệnh này “vượt quá thẩm quyền theo luật định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC)”.

(ảnh: Brittany Murray/MediaNews Group/Long Beach Press-Telegram via Getty Images)

Phán quyết mang tính đảng phái

Tuần trước các quan chức liên bang đã gia hạn quy định về khẩu trang đến ngày 3 Tháng Năm đối với các chuyến bay thương mại và trên các phương tiện giao thông công cộng khác, kể cả xe buýt, phà và tàu điện ngầm, nêu lý do số ca nhiễm Covid biến thể phụ Omicron BA.2 lây lan nhanh hơn đang tăng vọt (biến thể này chiếm khoảng 80% số ca nhiễm mới để trở thành chủng virus ưu thế ở Mỹ).

Nhưng các quan chức y tế không rõ liệu sự gia tăng số ca nhiễm mới có phải là sự khởi đầu của một sự gia tăng lớn hơn hay không. Xung đột về khẩu trang đặc biệt gay gắt trên máy bay, nơi một số tiếp viên hàng không đã bị tấn công và bị lăng mạ khi nhắc hành khách mang khẩu trang. Lệnh mang khẩu trang của CDC được thực thi thông qua các chỉ thị do TSA ban hành. Tối 18 Tháng Tư, một quan chức chính quyền Biden cho biết “Quyết định của tòa án có nghĩa là lệnh của CDC không còn hiệu lực vào thời điểm này. Do đó, TSA sẽ thôi thực thi các chỉ thị buộc mang khẩu trang”.

Quyết định của thẩm phán liên bang làm dấy lên những lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Các hãng hàng không bắt đầu thông báo việc mang khẩu trang là “tùy chọn cá nhân” trên các chuyến bay nội địa dù vẫn giữ cảnh báo đối với một số điểm đến quốc tế. Trong một tuyên bố, United Airlines nhấn mạnh: “Lệnh không cần mang khẩu trang có hiệu lực ngay lập tức, United không còn yêu cầu khẩu trang trên các chuyến bay nội địa, một số chuyến bay quốc tế (tùy thuộc vào qui định khẩu trang của quốc gia đến) và tại các sân bay của Mỹ”.

Ở Washington DC, Metro ra thông báo vào cuối ngày 18 Tháng Tư, nêu rõ “mang khẩu trang là tùy chọn đối với hành khách sử dụng hệ thống đường sắt, xe buýt và nhân viên Metro”.

Trong quyết định của mình, thẩm phán Kathryn Kimball Mizelle, người được Tổng thống Donald Trump bổ nhiệm và từng làm thư ký cho Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas (cũng do Trump đề cử), giải thích: “CDC đã dựa vào luật năm 1944, Đạo luật Dịch vụ Y tế Công cộng, để áp đặt lệnh mang khẩu trang. Nhưng lập luận của chính phủ mang khẩu trang vì ‘vệ sinh” là không đúng. Mang khẩu trang không làm sạch gì cả! Nhiều nhất là nó ngăn các giọt bắn virus. Nhưng nó không ‘làm vệ sinh’ người mang khẩu trang cũng không giúp vệ sinh phương tiện vận chuyển”.

Với một số người, bất luận có yêu cầu hay không, việc mang khẩu trang tại nơi đông người là ý thức tự giác (ảnh: Spencer Platt/Getty Images)


Bỏ hay tiếp tục mang khẩu trang?

Vụ kiện chống mang khẩu trang do đại diện cho một nhóm pháp lý có tên Quỹ Bảo vệ Tự do Y tế và các hành khách đi máy bay, trong đó có Ana Daza (người cho biết bị lo lắng trầm trọng hơn khi đeo khẩu trang) đệ trình. Mizelle đồng ý với các nguyên đơn ba vấn đề chính: CDC vượt quá thẩm quyền pháp lý của mình, CDC né tránh các thủ tục thông báo và biện minh không hợp lý cho quyết định, và việc CDC vẫn buộc mang khẩu trang là “độc đoán và thất thường”.

Trong khi đó, trong hồ sơ pháp lý đệ trình vào tháng trước để bảo vệ lệnh buộc mang khẩu trang, các luật sư của Bộ Tư pháp cho rằng, các nguyên đơn kiện lên tòa liên bang đã dựa vào cách giải thích “quá hạn hẹp và không chính xác về mặt ngữ pháp” đối với luật y tế công cộng để bác bỏ việc mang khẩu trang. Họ cũng nhắc rằng chính Quốc hội đã ủy quyền cho các quan chức y tế “soạn thảo và thực thi các quy định cần thiết để ngăn chặn sự du nhập, lây truyền các bệnh truyền nhiễm từ bên ngoài hoặc bên trong quốc gia, bằng biện pháp vệ sinh và các biện pháp khác”.

Và họ cũng nhắc lại, Tối cao Pháp viện, trong một quyết định vào năm ngoái, đã ủng hộ “những biện pháp trực tiếp ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh” giữa các tiểu bang bằng cách “xác định, cô lập và tiêu diệt nó”. Jeanne Marrazzo, Giám đốc Khoa Các bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Alabama ở Birmingham, nhận định trong một email ủng hộ CDC: “Trên máy bay, khi nó đang bay, trao đổi không khí rất tốt, nhưng chúng ta không biết nó tốt thế nào đối với biến thể mới dễ lây lan như BA.2!”.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki bình luận về  phán quyết của thẩm phán liên bang: “Đây rõ ràng là một quyết định đáng thất vọng! CDC và Tòa Bạch Ốc sẽ vẫn tiếp tục khuyến nghị đeo khẩu trang trong các môi trường giao thông công cộng”. Bà cho biết Bộ An ninh Nội địa – bao gồm TSA – đang xem xét mọi yếu tố trước khi Bộ Tư pháp quyết định có kiện lại không. Người phát ngôn của Bộ Tư pháp từ chối bình luận thêm.

Suốt hơn hai năm qua, việc tranh cãi trước lệnh yêu cầu mang khẩu trang gần như chưa bao giờ thật sự ngưng ở Mỹ (ảnh: Alexi J. Rosenfeld/Getty Images)


Vẫn sẽ còn cãi nhau

Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không-CWA, đại diện cho gần 50,000 tiếp viên của 17 hãng hàng không, cho biết nhiều bất ổn pháp lý vẫn còn sau phán quyết. Trong một tuyên bố, bà kêu gọi “hãy bình tĩnh và nhất quán trong các sân bay và trên máy bay”. Bà nhấn mạnh: “Đừg để những người lao động ở tuyến đầu và hành khách du lịch bị bối rối và hỗn loạn. Trong hoạt động hàng không, không thể tắt mở công tắc là xong mà phải mất tối thiểu 24-48 giờ để thực hiện các qui định mới và thông báo điều này trên tòan bộ mạng lưới”.

Nelson kêu gọi du khách tìm hiểu các hãng hàng không về vấn đề mang khẩu trang để tránh hiểu lầm và nhầm lẫn. Một cuộc thăm dò hồi Tháng Ba của nhóm y tế KFF cho thấy người Mỹ có sự chia rẽ về việc liệu chính phủ liên bang có nên gia hạn lệnh buộc mang khẩu trang khi đi máy bay, tàu hỏa và các phương tiện giao thông công cộng khác hay để nó hết hạn. Hơn 7/10 đảng viên Đảng Dân chủ ủng hộ gia hạn, trong khi 76% đảng viên Đảng Cộng hòa ủng hộ hết hạn.

Chính quyền Biden đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc dỡ bỏ yêu cầu mang khẩu trang khi đi lại bằng đường hàng không và phương tiện công cộng. Đầu tháng này, các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trong các ủy ban giao thông của Hạ viện và Thượng viện đã nhắc lại lời kêu gọi của họ đối với Biden: “Hãy hủy bỏ hoặc đừng gia hạn lệnh mang khẩu trang”. Cuối Tháng Ba, 21 bang chủ yếu do Đảng Cộng hòa lãnh đạo đệ đơn kiện chính phủ, đòi chấm dứt ngay yêu cầu mang khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng.

Tổ chức thương mại công nghiệp Airlines for America cho biết các hãng hàng không Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ việc loại bỏ các chính sách thời đại dịch và muốn dỡ bỏ quy định mang khẩu trang trên các phương tiện giao thông vận tải liên bang”. Họ nói rằng mức độ miễn dịch cao của Mỹ và khả năng tiếp cận vaccine rộng rãi, cộng với hệ thống lọc không khí trong bệnh viện, sẽ mang lại sự tin tưởng cho hành khách. Tháng trước, giám đốc điều hành của 10 hãng hàng không, bao gồm American, United và Delta, đã gửi thư tới Biden thúc giục ông chấm dứt các chính sách du lịch liên quan đến đại dịch, gồm cả việc mang khẩu trang.

Phán quyết được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không đang chứng kiến ​​sự gia tăng đột biến số ca nhiễm trong mùa du lịch Xuân, dự đoán sẽ kéo dài qua mùa Hè và hơn thế nữa. Các quan chức của Cơ quan Quản lý An ninh Giao thông Vận tải đã báo cáo sự gia tăng số lượng người xét nghiệm dương tính tại các trạm kiểm dịch sân bay, với lượng hành khách thường xuyên đạt mốc hai triệu người một ngày như trước đại dịch.

Lương Thái Sỹ - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét