Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Chăn Gối Với Quân Thù

 

Trại giam lớn nhất TQ ở Tân Cương có thể chứa 10.000 người

Túy bút - CHĂN GỐI VỚI QUÂN THÙ 
Hoàng Chính 

Hãy tưởng tượng khung cảnh một cuộc họp mặt ở một nơi chốn sang trọng, có nhân viên phục vụ mặc đồng phục đứng hầu, với sự hiện diện của vô số những anh hùng hảo hán, những bậc trượng phu, những đấng nam nhi “xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài tan”; trong cuộc họp ấy người ta xôn xao bàn cãi chuyện trên trời dưới đất, chuyện nhân tình thế sự, chuyện thời thế, chuyện đông tây nam bắc, chuyện xưa, chuyện nay; hay đơn giản hơn hãy hình dung một quán nhậu với những món thịt rừng hiếm quý, với bia rượu tràn ly, và cũng những chuyện trên trời dưới đất, chuyện nhân tình thế thái, với những tiếng hò một hai ba dzô vang dội làng trên xóm dưới, vây quanh bởi những cô gái môi đỏ như tươm máu, lông mi dài như những nhánh lá cây dương xỉ rừng nguyên sinh, móng tay dài loè loẹt những sắc màu, ưỡn ẹo, đi lên đi xuống, đi ra đi vào với những lon bia tiếp thị...

Bạn cứ toàn quyền tưởng tượng. Ở đâu cũng được miễn là trong trí tưởng tượng của bạn có hình ảnh một chốn tụ tập đông đảo những người đàn ông nói tiếng Việt và hơi thở nồng nặc mùi bia, rượu.

Trong khung cảnh nhào nháo ấy, bỗng dưng có ai đó xớn xác chạy nhào vào quán, níu áo một ông, hoảng hốt loan tin, “Có một gã đàn ông lạ mặt vừa mới chui vào mùng với bà xã ông.” Tay bợm nhậu trợn con mắt nhìn kẻ đưa tin, bởi những tiếng một hai ba dzô từ bàn kế bên át mất một nửa câu nói của người đưa tin. Sau khi nghe kẻ đưa tin lập lại bản tin sét đánh, gã đàn ông đứng bật dậy, hùng hổ chạy về nhà xem thực hư thế nào.

Tất cả những người đàn ông trong bàn nhậu, nếu nhận được bản tin - về vợ mình - như thế, chắc cũng sẽ hốt hoảng như nhau, và cũng sẽ vội vã (tạm) bỏ cuộc nhậu, trở về xem chuyện gì đang xảy ra ở nhà. Ngoại trừ một vài kẻ xem cuộc sống vợ chồng như nợ nần chỉ mong dứt bỏ.

Bạn thân mến. Điều chúng ta vừa tưởng tượng, nhiều người cho là hư cấu, chỉ có trong phim ảnh hay tiểu thuyết. Có nghĩa là chuyện kẻ nào đó thong thả dở mùng một người đàn bà đã có chồng, thảnh thơi chui vào nằm bên cạnh trong khi anh chồng vẫn sống sờ sờ ra đó là chuyện không có thật.

Bạn và tôi đều lầm to!

Trong những cuộc chiến tranh, khi một quốc gia bị chiếm đóng thì bọn thắng cuộc thường gài người vào nhà người dân của phe thua trận với nhiều mục đích.

Thời kỳ nước Pháp bị Đức Quốc Xã chiếm đóng, người dân Pháp cũng phải mở cửa và dọn phòng cho lính Đức tạm trú. Năm 1941, Jean Bruller, một nhà văn Pháp cũng bị bắt buộc phải cho một sĩ quan Đức Quốc Xã tạm trú trong nhà mình ở ngoại ô Paris. Người sĩ quan Đức này xuất thân là một người yêu âm nhạc và ngưỡng mộ văn hóa Pháp. Và điểm gây ấn tượng sâu đặm nơi nhà văn là sự kiện người sĩ quan Đức đặt bức tượng bán thân của Pascal thay vì chân dung Hitler trong phòng của anh ta. Sự hiện diện của người sĩ quan Đức ấy đã gợi cảm hứng cho Jean Bruller viết thành tác phẩm Niềm Im Lặng Của Biển Cả (Le silence de la mer) dưới bút hiệu Vercors, tên một ngọn núi mà tác giả ẩn trốn khi viết cuốn tiểu thuyết ngắn này.

“Le silence de la mer” đã mê hoặc tôi suốt cái thời sinh viên. Câu chuyện cũng về người sĩ quan Đức tạm trú trong căn nhà của một người đàn ông Pháp và cô cháu gái. Suốt trong thời gian tạm trú trong căn nhà ấy, tối nào người sĩ quan Đức cũng xuống phòng khách, nói chuyện với người đàn ông và cô cháu gái bằng thứ tiếng Pháp đúng cách phát âm (nghĩa là rất “chuẩn”). Anh ta nói về văn chương Pháp, về âm nhạc Đức. Hai quốc gia đều có những nét văn hóa vĩ đại, anh ta mơ tưởng đến một sự kết hợp tuyệt vời giữa hai nền văn hóa. Trong khi anh ta say mê nói về văn chương, âm nhạc và nghệ thuật thì người đàn ông Pháp lặng lẽ ngồi đọc sách, và cô cháu gái lặng im đan áo bên lò sưởi. Tối nào anh sĩ quan Đức cũng nói chuyện một mình như thế, và trước khi trở về phòng, anh ta luôn chúc chủ nhà một đêm ngon giấc “Je vous souhaite une bonne nuit!” Hai bác cháu chủ nhà sinh hoạt bình thường và hoàn toàn xem người sĩ quan Đức kia như không hiện hữu, cho dù tối nào anh ta cũng kể về thời thơ ấu của anh ta, về các nhà văn Pháp, về văn chương Pháp, về những nét văn hóa đã mê hoặc anh ta. Và luôn kết thúc cuộc độc thoại bằng “chúc quý vị một đêm ngon giấc!”

Bạn thân mến, khi quân đội cộng sản Bắc Việt chiếm đóng Miền Nam, tôi cũng khao khát được thấy người Việt Miền Nam đối xử với quân đội chiếm đóng bằng “Niềm Im Lặng Của Biển Cả” như thế.

Đúng là mơ mộng viễn vông!

Khi chiếm được Miền Nam, cộng sản Bắc Việt thay vì gài người vào tạm trú trong nhà dân (để theo dõi, để tuyên truyền, để tẩy não, để chinh phục) thì họ làm công việc đơn giản hơn, tịch thu nhà và đày chủ nhà ra vùng “Kinh Tế Mới”. Thời sinh viên tôi có dịp đi “công tác” ở chốn lưu đày có tên là Khu Kinh Tế Mới ở tận Đồng Xoài. Tôi nhớ rừng núi hoang vu hút tầm mắt, tôi nhớ cỏ tranh cao tới đầu gối. Tôi nhớ những cây cột cắm lên đất cằn, và những mảng tranh lợp lên làm mái, những cái chòi mọc trên bãi hoang. Bốn cây cột xiêu vẹo. Miếng vải ny lông giăng thành bức vách. Ba phía trống trơn. Trong “nhà” với ngoài “sân” không khác gì nhau, rậm rì một loài cỏ dại.

Sinh viên chia thành từng nhóm hai người, đến từng “hộ”, chỉ cho họ lối sống “hợp vệ sinh” để bảo vệ sức khỏe. Tôi và cô sinh viên lớp dưới đến một “căn hộ”, một người đàn bà đang lúi húi gỡ nút thắt miệng một cái túi vải đặt trên cỏ, tôi lên tiếng, “Chào bác.” Người đàn bà đứng dậy và xây xẩm chóng mặt, lảo đảo vịn vào cây cột cái chòi. Cây cột đu đưa, cái chòi nghiêng ngả. Tôi nhìn khuôn mặt xanh xao, già cỗi của người đàn bà, ngập ngừng, “Thưa bác, tụi cháu là sinh viên...” Người đàn bà ngắt lời tôi bằng giọng ai oán, “Trời ơi tui mới hai mươi sáu tuổi mà gọi tui như vậy tổn thọ tui...” và bật khóc.

Cái lỡ lời ngày hôm ấy theo tôi tới tận hôm nay. Từ ngày hôm ấy tôi giận tôi và tôi thù ghét luôn những kẻ nói chuyện với phụ nữ, vừa mở miệng là hỏi tuổi người ta. Và cũng ngày hôm ấy tôi nhận ra rằng cuộc sống đọa đày có thể khiến người ta già trước tuổi. Người phụ nữ gầy gò, ốm đói, cằn cỗi trong căn chòi khu kinh tế mới Đồng Xoài năm xưa trông không khác gì một người đàn bà ngoài năm mươi dù chị chưa tròn ba mươi tuổi.

Trở lại tác phẩm của Vercors. Chuyện vẫn xảy ra đều đặn như thế cho tới một đêm kia người sĩ quan Đức bằng giọng trầm buồn rì rầm bảo rằng “Tôi muốn nói với quý vị một câu chuyện nghiêm trọng.” Người đàn ông Pháp và cô cháu gái vẫn làm như không nghe thấy và vẫn chú tâm vào việc làm của họ: đọc sách, đan áo. Người sĩ quan Đức tiếp, “Tất cả những điều mà tôi đã nói với quý bấy lâu nay, tất cả những gì mà bốn bức tường này đã nghe, phải quên đi hết!” Rồi anh ta kể rằng khi anh nói chuyện với đồng đội về những điều lớn lao của nước Pháp, đồng đội anh đã cười nhạo rằng anh quá ngây ngô, rằng mục đích của họ không phải là đến để tôn vinh văn hóa Pháp, mà là biến nước Pháp thành con vật hèn hạ bò lê lết trên mặt đất. Và anh cho biết anh không thể tiếp tay vào cái tội ác kinh khủng ấy, rằng anh sẽ xin đổi sang mặt trận phía đông, tức là phía mà quân đội Đức đang phải đương đầu với quân Nga. Quyết định đi vào cõi chết. Người sĩ quan Đức ấy kết thúc câu chuyện bằng câu chào thường lệ, “Xin chúc quý vị một đêm ngon giấc!” Và trước khi trở về phòng, anh nhìn quanh căn phòng, nhìn người đàn ông Pháp và cô cháu gái, rồi nói nhỏ, như thì thầm, “Adieu!”

Lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất, cô cháu gái mở miệng đáp lại câu chào vĩnh biệt ấy: “Adieu!” Khuôn mặt người sĩ quan Đức bỗng nhiên rạng rỡ hẳn lên. Anh nhìn cô cháu gái và ông bác người Pháp, và tất cả những cuốn sách trưng bày trong tủ sách quanh vách tường bằng cái nhìn biết ơn. Sáng hôm sau hai bác cháu nhà ấy thức giấc thì viên sĩ quan Đức đã dọn đi từ lúc nào.

Bạn thân mến, những con người trong “phe thắng cuộc” đến cư trú trong nhà của những người dân bên phía thua trận không phải lúc nào cũng tử tế như thế. Nhưng thôi, hãy trở về với câu chuyện dở dang ban đầu. Câu chuyện những người đàn ông Việt Nam trong bàn nhậu. Khi nghe bản tin sét đánh kia, hầu hết sẽ rời bàn nhậu, hối hả trở về để xem kẻ nào dám cả gan mò vào giường với vợ mình trong lúc mình đang bàn chuyện thế sự trong bàn nhậu với bạn bè. Những người đàn ông ấy vẫn được xem là “có phước” bởi họ có thể chạy ngay về nhà để bảo vệ gia đình họ; họ không bị giam cầm, bị lưu đày, bị cấm cố trong những trại tập trung như những người đàn ông ở “Khu Tự Trị Tân Cương.”

Bên ngoài Trung tâm Giam giữ số 3 Urumqi No. 3 ở Dabancheng, Tân Cương, 23/4/2021.

Những người đàn ông ở Tân Cương không có cái diễm phúc ngồi bàn nhậu để tán chuyện trên trời dưới đất, họ bị gom vào những trại tập trung. Bởi Tân Cương đã là một phần của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và trong đầu óc của bọn Đại Hán thì chỉ có Hán Tộc mới là sắc tộc thượng đẳng, tất cả các sắc tộc còn lại đều là bọn man di mọi rợ (hệt như trong mắt bọn Quốc Xã thì chỉ có chủng tộc Aryan là thượng đẳng.)

Sau khi đã trói chân (khoảng một triệu rưỡi) những người đàn ông Tân Cương trong các trại tập trung, cuối năm 2017, bọn cầm quyền Bắc Kinh đưa ra chính sách bắt buộc những gia đình Tân Cương phải “mời” những viên chức Trung Cộng vào sống trong nhà họ. Và cung cấp những tin tức về sinh hoạt đời sống cũng như quan điểm chính trị của họ, đồng thời học hỏi về lập trường chính trị từ những vị “khách trú” ấy.

Chính sách “Pair Up and Become Family” - tạm dịch là “Ghép Đôi Thành Người Nhà” - của Trung Cộng kỳ quái ở chỗ những “khách mời” được gọi một cách thân thiện là “người nhà” này phần lớn là đàn ông, và trong thời gian sáu ngày tạm trú ở nhà dân, những “người nhà” Trung Cộng này ăn uống sinh hoạt giống hệt thân nhân của gia chủ và tối đến, ngủ cùng giường với nữ gia chủ “như người nhà.”

Những bản tường trình cho biết những ai không hợp tác với chương trình “Ghép Đôi Thành Người Nhà” của nhà cầm quyền Trung Cộng, hoặc không tham gia vào những sinh hoạt do vị “người nhà” kia yêu cầu, sẽ bị trừng phạt đích đáng và có thể bị gửi vào những trại tập trung.

Cán bộ cộng sản Tàu giải thích tỉ mỉ rằng nếu gia đình nào không có giường, thì mọi người, khách cũng như chủ, vui vẻ nằm (cạnh nhau) trên sàn nhà. Và cũng tay cán bộ Tàu Cộng này cho biết “chưa bao giờ” nghe kể về sự việc nam cán bộ lợi dụng tình hình, sách nhiễu tình dục nữ gia chủ, và bây giờ chuyện phụ nữ ngủ chung với “người nhà” trên giường hay dưới sàn là chuyện bình thường.

Một tổ trưởng khu phố ở huyện Yengisar (giấu tên) cho biết nam “người nhà” ngủ chung với nữ gia chủ là chuyện bình thường, họ chỉ cần nằm cách nhau một thước là đủ. Và tay tổ trưởng này cũng cho biết là chưa hề có phụ nữ nào than phiền về chuyện ngủ chung này hết bởi họ hiểu rằng đó là đường lối “Đoàn Kết Sắc Tộc” của nhà nước (Trung Cộng).

Dolkun Isa, chủ tịch Liên Đoàn Tân Cương Lưu Vong Thế Giới (World Uyghur Congress Exile Group) có trụ sở tại Munich, phát biểu chương trình “Ghép Đôi Thành Người Nhà” tiêu biểu cho sự hủy diệt toàn diện đời sống của những thành viên gia đình Tân Cương, chương trình ấy biến những gia đình Tân Cương thành trại giam mà tù nhân không cách gì trốn thoát.

Những “người nhà” gốc Hán cũng đem thịt và rượu đến cho những gia đình mà họ “ghép đôi” nhằm hủy hoại việc hành đạo của những người Hồi Giáo Tân Cương.

Bạn thân mến. Cứ đà này thì chẳng bao lâu nữa cũng sẽ đến phiên nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Chẳng bao lâu nữa thì lá cờ Trung Cộng sẽ chính thức thêm một ngôi sao nhỏ. Chẳng bao lâu nữa thì đảng cộng sản Việt sẽ bị giải tán như gánh hát rong Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam sau ngày 30 tháng Tư, 1975. Chẳng bao lâu nữa thì những trại tập trung sẽ mọc lên như nấm, thế chỗ cho những quán nhậu có một thời tràn lan phố xá. Khu Tự Trị Giao Chỉ sẽ ra đời. Và lúc ấy chẳng cần phải lập lại câu chào hàng rẻ tiền của chủ tịch nước năm nào với khách nước ngoài rằng “Con gái Việt Nam đẹp lắm!” bởi bọn đàn ông gốc Hán “đông như quân Nguyên” sẽ tràn đầy dải đất hình chữ S trong sứ mạng “đoàn kết sắc tộc” với những người đàn bà Việt Nam (những người mà từ biết bao lâu đã không nhận được tin tức gì của chồng!)

Hoàng Chính


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét