Chú thích:
- dương 揚: thốc lên, bốc lên, dơ lên, giương lên, phô trương, lan ra, xưng tụng, khen...
- đình ngọ 亭 午: đến ban trưa, đến giữa trưa.
- thiên mạch 阡陌: bờ ruộng, đường đi nhỏ hẹp, đường đi phía nam phía bắc...
- trung quý 中 貴: giữa sự sang giàu, phú quý...
- giáp trạch 甲宅: giáp: đứng hạng đầu mười can, vỏ, móng, chỉ sự chắc chắn... Đây chỉ loại nhà cao to, xây chắc chắn đứng hạng đầu của những người giàu...
- đấu kê giả 鬥 雞 者: người chơi chọi gà, đấu gà. Ở đây Lý Bạch muốn nói đến Giả Xương, một kẻ chỉ giỏi chơi gà chọi, mới 13 tuổi đã được Đường Huyền tông ưa chuộng phong cho chức "Đấu kê giả" được mặc triều phục, đi xe có che lọng, cấp bậc ngang hàng võ tướng như Hữu long võ quân.
- huy hách 輝 赫: vẻ mặt sáng rỡ và hách dịch.
- truật dịch 怵 惕: dọa nạt, làm cho kẻ khác sợ hãi, kinh khiếp .
- Tẩy nhĩ ông 洗 耳 翁: theo truyền thuyết Trung Hoa, "Ông rửa tai" chỉ Hứa Do 許由 là một người ở ẩn tinh thông thiên văn, địa lý, hiểu rõ nhân tình thế thái. Đế Nghiêu 帝 堯 (còn gọi là Đào Đường Thị 陶唐氏 hoặc Đường Nghiêu 唐堯) [là một trong năm vị vua (ngũ đế: Viêm Đế, Hoàng Đế, Đường Nghiêu, Ngu Thuấn và Hạ Vũ) được lên ngôi nhờ việc truyền hiền (truyền ngôi kế vị cho người hiền tài chứ không theo lối cha truyền con nối)] nghe tiếng đã cho sứ giả mời Hứa Do để nói việc sẽ truyền ngôi vua cho ông. Hứa Do nghe xong thoái thác chuyện đó ngay, bèn đi xuống suối để rửa tai vì sợ tai nghe chuyện danh lợi sẽ bị bẩn! Sào Phủ 巢父cũng là một ẩn sĩ đi chăn trâu ven suối trên vùng núi này hỏi vì sao Hứa Do đi rửa tai. Nghe chuyện xong, Sào Phủ bèn dắt trâu lên phía trên dòng nước để trâu khỏi uống những lời dơ bẩn từ tai Hứa Do rửa đi!! Đó là hình ảnh tiêu biểu của những hiền sĩ Trung Hoa lấy chuyện ẩn dật, xa lánh cõi đời làm vui và không màng chuyện lợi danh phù phiếm trong cuộc sống.
- Chích 蹠: tức là Đạo Chích 盜 蹠 (kẻ trộm đạo tên Chích) có khi được gọi là Kiệt Chích 桀 跖, một nhân vật có lẽ được hư cấu được nhiều sách cổ đề cập cho là sinh sống vào đời Xuân Thu. Sách Nam Hoa Kinh của Trang Tử (Phần: Tạp Thiên nhị thập cửu) cho Đạo Chích là em của Liễu Hạ Huệ, một người hiền nổi tiếng (còn gọi là Liễu Hạ Quý 720-621 TCN, hậu duệ của con trai Lỗ Hiếu Công) nên được gọi là Liễu Hạ Chích là một tay chuyên đi trộm cướp lại thích việc giết chóc tàn bạo chuyên tụ tập hàng ngàn tên trộm để đi cướp phá khắp nhiều thành, nhiều nước. Một số học giả lại cho rằng Đạo Chích chỉ là một nhân vật huyền thoại không có thực!
BÀI 52
CỔ PHONG KỲ NHẤT 古風 其一
Đại nhã cửu bất tác, 大雅久不作 ,
Ngô suy cánh thùy trần. 吾衰竟誰陳.
Vương phong ủy mạn thảo, 王風委蔓草,
Chiến quốc đa kinh trăn. 戰國多荊榛。
Long hổ tương đạm thực, 龍虎相啖食,
Binh qua đãi cuồng Tần. 兵戈逮狂秦.
Chánh thanh hà vi mang, 正聲何微茫,
Ai oán khởi tao nhân. 哀怨起騷人。
Dương mã kích đồi ba, 揚馬激頹波 ,
Khai lưu đãng vô ngân. 開流蕩無垠。
Phế hưng tuy vạn biến, 廢興雖萬變 ,
Hiến chương diệc dĩ luân. 憲章亦已淪。
Tự tòng Kiến An lai. 自從建安來 ,
Ỷ lệ bất túc trân, 綺麗不足珍。
Thánh đại phức nguyên cổ. 聖代複元古,
Thùy y quý thanh chân. 垂衣貴清真。
Quần tài chúc hưu minh, 群才屬休明 ,
Thừa vận cộng dược lân. 乘運共躍鱗。
Văn chất tương bính hoán, 文質相炳煥 ,
Chúng tinh la thu mân. 眾星羅秋旻。
Ngã chí tại san thuật, 我志在刪述 ,
Thùy huy ánh thiên xuân. 垂輝映千春。
Hi thánh như hữu lập, 希聖如有立 ,
Tuyệt bút vu hoạch lân. 絕筆于獲麟。
Lý Bạch 李白
Dịch nghĩa:
Cổ phong bài một.
Đã lâu rồi không làm thơ theo thể Đại nhã, ta lại yếu mệt mà không có ai để tỏ bày. Cơn gió của kẻ làm vua sẽ có đám cỏ nhỏ quấn quýt hùa theo! Thời Chiến quốc lắm gai góc (c.1-4), với những con rồng con hổ nuốt ăn nhau! Nhờ binh đao đã đuổi được nhà Tần cuồng bạo. Những âm thanh của sự ngay thẳng sao lại nhỏ bé và xa xôi mờ mịt thế! Nỗi xót xa, sầu oán khởi đi từ người làm thơ (c.5-8). Ngựa chạy bốc lên mạnh mẽ ,sóng vỗ tan tành! Dòng nước chảy mở ra sự tẩy rửa không bờ bến. Việc lên xuống hưng phế đẩy theo muôn ngàn sự đổi thay làm cho những phép tắc đẹp đẽ ,mẫu mực cũng bị chìm lấp (c.1-12).
Từ thời Kiến An cho đến nay vẻ sáng đẹp không còn sang trọng quý phái nữa. Thời đại các bậc thánh chồng chất lên nhau vào thời khởi đầu xa xưa. Họ là những người rủ áo (vua Nghiêu, vua Thuấn), trọng sự trong sáng, chân thành (c.13-16). Rất nhiều người tài giỏi nối tiếp nhau chờ tỏa sáng. Nhân khi (thời thế) thay đổi, bay nhảy như cá, như rồng. Nền văn cũng đổi lấy vẻ sáng rõ, các vì sao giăng rộng ra trên bầu trời ngày mùa thu (c.17-20). Chí của ta là sửa sang lại cái cũ, truyền cho đời sau ánh sáng rực rỡ chiếu soi ngàn mùa xuân! Bậc thánh hiếm hoi nếu như được tôn lên, ta sẽ dừng bút lại như đã bắt được con kỳ lân rồi! (c.21-24)
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ NHẤT
Không làm Đại nhã đã lâu,
Ta giờ yếu mệt, ai đâu giải bày!
Gió vua: cỏ quấn theo ngay,
Lắm gai Chiến quốc rậm dày thời nao.
Hổ rồng cùng nuốt lẫn nhau,
Nhà Tần cuồng bạo binh đao đuổi rồi.
Lời ngay mờ mịt nhỏ nhoi,
Xót xa sầu oán từ người làm thơ.
Ngựa chồm, sóng vỗ ào xô,
Khơi dòng rửa sạch cõi bờ mất phăng.
Xuống lên, dời đổi muôn ngàn!
Giữ gìn luật lệ tan theo sóng này.
Kiến An từ đó đến nay,
Không còn sáng đẹp đủ đầy quý sang.
Thời xưa chồng lấp thánh nhân,
Quý người rủ áo, lẽ chân trong vời,
Nối nhau người giỏi sáng ngời,
Cá rồng bay nhảy khi thời đến thôi.
Nền văn tốt đẹp sáng soi,
Ngày thu trải rộng bầu trời nhiều sao!
Sách làm, ta để lòng vào,
Ngàn xuân sáng rỡ mai sau truyền đời.
Dựng nên bậc thánh hiếm hoi,
Kỳ lân bắt được, bút thôi vẫy vùng!
Chú thích:
- Đại nhã 大雅: Đại nhã là một trong bốn phần của Kinh Thi (gồm 305 bài thơ): Quốc phong, Đại nhã, Tiểu nhã và Tụng. "Nhã " có nghĩa là âm thanh chính đính mang phong cách đẹp đẽ, trang trọng. Đại nhã là những bài hát dùng trong những lễ lạc quan trọng như khi thiên tử họp các vua chư hầu nơi miếu đường. Trong khi Tiểu nhã là những bài hát chính trong cung cấm của vua chư hầu được truyền ra cho dân gian bên ngoài nhằm đề cao cái đẹp thanh nhã.
- cánh 竟: cùng cực, cuối cùng, biên giới, mà, lại....
- trần 陳: trần tình, phô bày, nói ra, giải bày, nêu ra, con đường trước nhà, cũ kỹ...
- ủy 委 thuận theo, đi theo, chất chứa, giao phó, đầu ngọn, bỏ đi ....
- mạn thảo 蔓草: loại cỏ thân nhỏ bò lan và quấn quanh các cây khác.
- đạm 啖: đút cho ăn, nuốt, hối lộ...
- đãi 逮: đuổi bắt, đuổi đi, kịp, đầy đủ...
- tao nhân 騷人: Khuất Nguyên người nước Sở bên Trung Hoa xưa làm tập Ly Tao để nói lên nỗi niềm của mình khi bị vua không tin dùng và bọn xu nịnh dèm pha phải đi đày. Cho nên về sau chữ "tao nhân chỉ người làm thơ.
- kích 激: chảy xiết, nước tuôn mạnh mẽ, chặn lại, tự làm theo ý mình, cảm kích...
- đãng vô ngân 蕩無垠: nước tuôn chảy tẩy rửa sạch không còn dấu vết bờ bến, giới hạn...
- hiến chương 憲章: những luật lệ, quy tắc tốt đẹp.
- Kiến An 建安: Kiến An (196-220) là niên hiệu cuối cùng của Hán Hiến Đế. Cách gọi Kiến An được dùng để chỉ một giai đoạn văn chương có những nét độc đáo kéo dài từ cuối triều Đông Hán đến đầu triều Tào Ngụy nhưng theo Lý Bạch những sự trong sáng, cái hay, cái đẹp theo cách Đại nhã không còn nữa!
- ỷ lệ 綺麗: đẹp đẽ như lụa có hoa văn thêu sáng đẹp.
- phức 複: trùng phức, chồng lấp lên nhau.
- thùy y 垂 衣: trong chương Phệ Hạp (với quẻ Ly nằm trên quẻ Chấn) của Kinh Dịch, tiết 5 có câu: Hoàng Đế Nghiêu Thuấn thùy y thường nhi thiên hạ trị 帝 堯 舜 垂 衣 裳 而 天 下 治 nghĩa là: Vua Nghiêu, vua Thuấn (là hai vua được truyền ngôi theo lối lập hiền) buông rủ áo xiêm để cai trị thiên hạ. Chỉ sự thong dong của thời thái bình, vua không phải quá bận bịu cho việc cai trị!
- chúc 屬: âm của "thuộc": nối tiếp nhau, gửi gắm, đầy đủ, gần gũi, chắp vá, hướng về...
- hưu 休: chờ đợi, nghỉ ngơi, dừng nghỉ, tốt đẹp, rảnh rang, bóng mát...
- dược 躍: bay nhảy.
- lân 鱗: vảy con rồng, vảy cá. Chỉ chung các loài cá hóa thành rồng bay nhảy.
- văn chất 文質: nền tảng của văn chương, bản chất, gốc rễ của văn chương...
- bính 炳: sáng rõ.
- thu mận 秋旻: bầu trời ngày mùa thu.
- chí 志: để hết tâm ý vào công việc, ý nghĩ về một việc nào đó, ghi chép, làm sách...
- san thuật 刪述: sửa sang cái cũ, sửa lại cho đúng cái cũ từng được ghi chép...
- thùy huy 垂輝: thùy: buông rủ xuống, truyền lại cho đời sau, biên thùy xa xôi, gần sắp... Thùy huy: để lại cho đời sau ánh sáng rực rỡ...
- tuyệt bút 絕筆: dừng lại không viết nữa, văn chương tuyệt hay độc đáo. Ở đây Lý Bạch muốn nói khi kỳ lân xuất hiện là có điềm lành như có quân vương anh minh hay bậc thánh ra đời nên ông sẽ thôi việc viết lách.
- hoạch 獲: bắt lấy, lấy được, gặt hái, thu hoạch, đầy tớ gái...
BÀI 53
CỔ PHONG KỲ CỬU 古風 其九
Trang Chu mộng hồ điệp, 莊周夢胡蝶 ,
Hồ điệp vi Trang Chu. 胡蝶為莊周。
Nhất thể cánh biến dịch, 一體更變易 ,
Vạn sự lương du du. 萬事良悠悠。
Nãi tri Bồng Lai thủy, 乃知蓬萊水 ,
Phục tác thanh thiển lưu. 復作清淺流 。
Thanh môn chủng qua nhân, 青門種瓜人 ,
Cựu nhật Đông Lăng hầu. 舊日東陵侯。
Phú quý cố như thử, 富貴固如此 ,
Doanh doanh hà sở cầu. 營營何所求。
Lý Bạch 李白
Tạm chuyển lục bát:
CỔ PHONG BÀI THỨ CHÍN.
Trang Chu mộng bướm trong mơ,
Bướm kia là chính Trang Chu đó mà!
Biến dời từ một gốc ra,
Muôn ngàn việc tốt đã là xa xôi!
Nước Bồng Lai đã biết rồi,
Lại làm dòng chảy cạn vơi trong lành.
Người trồng dưa ở cổng xanh,
Kẻ đây ngày trước Đông Lăng tước hầu!
Nếu như yên ổn sang giàu,
Sao bay lượn mãi mong cầu làm chi!?
Chú thích:
- Trang Chu 莊周: thường được gọi là Trang Tử 莊子 (khoảng 365–290 TCN), có tên là Mông Lại (蒙吏), Mông Trang (蒙莊) hay Mông Tẩu (蒙叟), là một triết gia chuyên về Đạo giáo của Lão Tử. Tên thật của ông là Trang Chu (莊周) [có lẽ sống cùng thời với Mạnh Tử 孟子(372–289 TCN), đệ tử xuất chúng theo trường phái Khổng Tử]. Tác phẩm của Trang Chu về sau đều được gọi bằng tên Trang Tử. Ông sống vào thời Chiến Quốc và tương truyền khi về ở ẩn vùng núi Nam Hoa, ông dành tâm trí soạn Nam Hoa Kinh 南華經 gồm hơn mười vạn câu để đề cao "đạo"của Lão Tử, châm biếm tư tưởng của Khổng Tử (theo Sử Ký Tư Mã Thiên) - Câu 2: "Hồ điệp vi Trang Chu 胡蝶為莊周": con bướm là Trang Chu. Lý Bạch (701- 762) cũng như nhiều nhà thơ đều viện dẫn hình ảnh không có sự tách biệt giữa mộng và thực ,giữa Trang Chu và con bướm để nói về sự hư ảo của cuộc sống được nói đến trong Nam Hoa Kinh. Chẳng hạn nhà thơ Lý Thương Ẩn 李商隱 (813 - 858) là một trong những nhà thơ lớn nhất của văn học Trung Hoa sống vào đời Vãn Đường (được xếp ngang hàng với Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Lý Bạch), trong bài thơ Cẩm sắt (錦瑟) có hai câu: "...... Trang sinh hiểu mộng mê hồ điệp 莊生曉夢迷蝴蝶 /Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên 望帝春心託杜鵑" (Trang Chu buổi sáng nằm mộng thành con bướm. Lòng xuân của Vọng đế gửi vào chim đỗ quyên (Vọng đế tức Đỗ Vũ, vua nhà Thục bị mất nước, lúc chết đi hồn vua vọng về đất cũ).
- nhất thể 一體: cùng do một gốc rễ, một nền tảng mà có.
- cánh biến dịch 更變易: thay đổi, cải biến, dời đổi theo sự chuyển hóa. Đây là tư tưởng căn bản của Kinh Dịch là tác phẩm quan trọng của đạo giáo và được Lão Tử thường đề cập trong Đạo Đức Kinh.
- Bồng Lai 蓬萊: theo Sơn Hải kinh, núi Bồng Lai là một trong năm hòn đảo phía đông của Bột Hải, cùng với 4 đảo khác tương truyền trên đó các vị tiên sống, gồm có Phương Trượng (方丈), Doanh Châu (瀛州), Đại Dư (岱輿) và Viên Kiều (員嬌).Mặc dầu trên thực tế có thị trấn Bồng Lai ở Sơn Đông, T.H. nhưng nhiều người vẫn xem đảo Bồng Lai là một truyền thuyết.
- thanh thiển lưu 清淺流: dòng nước chảy bị vơi cạn nhưng vẫn trong trẻo và sạch sẽ.
- Đông Lăng hầu 東陵侯: tức Triệu Bình trước làm quan cho nhà Tần được phong tước Đông Lăng hầu. Khi nhà Tần bị diệt vong, ông ẩn cư ngoài cổng thành Trường An trồng dưa sinh sống (theo Sử ký thế gia Tiêu tướng quốc)
- cố 固: vững bền, ổn định, yên ổn, vốn như thế...
- doanh doanh 營營: bay đi, lượn lại
[Lần đến: Thơ Lý Bạch (Bài 54, 55, 56 )]
Dương Anh Sơn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét