Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Vào Chợ Đời

 

Hình gia đình tác giả

VÀO CHỢ ĐỜI 
Đặng Châu Long 

Vợ chồng tôi và đứa con gái đầu lòng về lại Nhatrang vào những ngày gần cuối tháng năm 1975 như một sự không tự nguyện sau nửa tháng tập làm người nông dân tại Long Thành. Bỏ lại sau lưng mảnh đất ruộng khoảng ba sào của chị Xuân, con dì hai, cho để tạm cư sau cơn biến loạn cùng căn nhà lá dừa nước do Được, người em rể, và tôi tự dựng như một gia tài đầu tiên chúng tôi có được.

Chị Hà từ Nha Trang đã theo xe ba lua (poids lourd) vào Sài Gòn để đưa tất cả về lại nhà cha mẹ ở 21 Gia Long. Dường như trong giai đoạn này chỉ còn các xe tải là phương tiện liên tỉnh thay thế xe đò đã bị đình chỉ. Chen chúc co ro cùng những người khách khác, ngồi lên hành trang của mình thay ghế. Mà hành trang chúng tôi còn có chi nhiều, chỉ một túi xách nhỏ chủ yếu là quần áo bé Trân, vừa dành dụm mua lại sau khi tất cả mọi thứ khác đã mất đi tại căn cứ Tổng kho Long Bình. Ngày về phép 48 giờ trước khi đáo nhậm đơn vị mới Long An đã trở thành ngày phép vô hạn định. Thế sự đã xóa nhòa một người lính bại trận ra khỏi cuộc đời như thế đó. Tôi chỉ còn một nỗi âu lo cho một tương lai xám cho tôi, cho gia đình tôi và cả đứa con tôi vừa chập chững những bước đầu tiên chạm chân vào đời. Một trạng thái của hành khách trên máy bay đang rơi tự do theo khoảng không gian dài vô cùng tận để chờ kết quả được biết trước: tan xác hoặc chìm trôi.

Trên xe, ngồi ôm bé Trân đang ngủ thiếp trong lòng, tôi nhìn ra khoảng không gian sót lại trong chiếc xe nhờ nhợ tối. Ánh sáng còn sót lại sau chiếc bửng xe như một khoảng quá khứ đang lùi lại, lùi lại để nhòa nhạt dần cuối chân trời. Phía trước là khoảng mù mịt hư huyền. Những tiếng rầm rì trên xe không đủ làm rung động không gian nhỏ bé. Nghe như những lời cầu kinh, kinh đời thường của những kẻ đang hoang mang trên đường tìm về nhà như tôi, Dường như không ai nhìn ai bởi họ đang cố nhìn sâu trong họ để trả lời một câu hỏi quá lớn cho một khoảng đời dài.

@

Xe bỏ chúng tôi xuống Mã Vòng. Chúng tôi còn chỉ một vài trăm thước là tới nhà. Ngôi biệt thự cũ kỷ thân thương gần ga Nha Trang đã dung chứa bao kỷ niệm của tôi với gia đình, với bạn bè nay bỗng trở thành lạ lẫm với tôi. Chúng tôi đã là kẻ ngụ cư trong nhà mình. Căn biệt thự đóng im ỉm. Cả gia đình chen chúc trong một garage mười sáu thước vuông đối diện cửa chính. Bây giờ chúng tôi là những kẻ tạm dung, như ba tôi sau nửa năm nghỉ hưu bỗng nhiên được tạm dung làm Chánh văn phòng Khu Đường sắt vì thiếu chuyên viên. Những người thừa cần thiết với đồng lương 3000 đồng và 20 ký gạo. Tôi, lương độc thân đã là 27 000 đồng và ba tôi lương hưu đã là 32 000 đồng. Tiếc thay ba chưa cầm được lương hưu lần nào.

Má tôi vẫn loay hoay nấu nước bên bếp kê tạm trong nhà kho nhỏ đổ nát cạnh garage. Má vẫn có thói quen thu lượm những tàu lá dừa, vỏ dừa từ chín cây dừa trong sân để làm nguyên liệu đun nấu từ lâu nay. Nghe tiếng chúng tôi về, má bỏ công việc chạy ra ôm chầm đứa cháu nội gái hai dòng nước mắt rưng rưng. Tôi mỉm cười không nói. Mà biết nói gì đây khi dòng khổ đã khô sau chuyến di tản kinh hoàng mới tháng trước đây. Tôi vẫn mong má sống an. Má cứ ca hát, cứ nói thứ tiếng vu vơ của má chế ra không ai hiểu, cứ thương nhớ hai anh, nhưng mong má bình tâm đừng hiểu thêm những sự thật bây giờ. Má vẫn còn lạ lẫm không biết những người thắng cuộc là ai. Vậy cũng tốt để khi má nhớ về hai anh Điệp, Sơn không buông lời thất thố.

Ba tôi bây giờ lặng lẽ, vẫn hàng ngày đạp chiếc Ambassador đi đến 2 Yersin, nơi năm tháng không xa ba đã từng là chủ nhân nơi này, nhưng dường như trong ba mang nặng nỗi ngậm ngùi khi thu mình sống trong không gian lạ lẫm cách sinh hoạt nơi làm việc bây giờ.

Chị Hà vẫn là người quán xuyến hết sinh hoạt gia đình. Chị hướng dẫn cho Hạnh cách kiếm sống qua ngày bằng nghề buôn bán chợ trời. Mua đủ thứ, bán đủ thứ lấy chênh lệch mà tồn tại. Đừng nghĩ đến tương lai.

Tôi bây giờ tạm theo đuôi mọi người, bởi buôn bán không phải thiên bẩm của tôi

@

Người ta nói buôn có bạn, bán có phường, quả là đúng vậy. “trung tâm chợ trời” ở Nha Trang năm 1975 quần tụ trước ngõ ra vào chợ Đầm, dọc các con đường Phan Bội Châu, Nguyễn Du và Hai Bà Trưng. Dọc đường Nguyễn Du bài bản nhất, nơi tập trung hà sa những TV, máy Akai, đồ cổ. Nơi đó người mua thường là những người từ phương xa chuẩn bị về phương Bắc cố hương, bởi đó là dịp tìm được những món hàng mà họ đỏ mắt cũng không thể có được nơi quê nhà. Dân miền Nam thì còn thiết gì những phù phiếm đó trong buổi chộn rộn tương lai mịt mù.

“Gian hàng” của chị em tôi chỉ là một tấm nhựa, trên đó là những món hàng mua lại được từ những người mang đến từ nhà để đắp đổi qua ngày. Chỉ là những hàng hóa bình thường, chén dĩa tô kiểu của Nhật chiếm đa số. Những món hàng không cần nhiều vốn và dễ tiêu thụ. Dân miền Nam đâu xài mủng dừa, mấy món hàng này đã là bình thường xưa nay. Nhưng chắc rồi sẽ đến lúc phải dùng chén đất, khi việc làm không còn giữa một cõi tàn hoang.

Tôi chỉ có nhiệm vụ thồ hàng đi về, lang thang làm người nhìn ngắm thế sự. Có lần thấy một người mang cả chục cuốc xếp Mỹ, còn mới nguyên, mang bán chẳng ai mua. Tôi thấy nó như thấy lại một thời đã từng nhờ nó để đào công sự cá nhân mà bỏ đi không đành. Tôi dạn miệng trả giá mua. Có lẽ người bán cũng mệt mỏi chào hàng nên bán giá như cho. Mang đưa chị Hà và Hạnh bị phê phán ngay. “thời buổi này thu mấy món này làm sao bán. Phải như cuốc con gà còn bán dân đi rẩy. Mấy món này chỉ để con nít chơi. Mà con nít cũng không thèm chơi”. May sao, cuối cùng có người mua, chắc là dân hoài niệm như tôi. Cũng có lời chút chút đỡ áy náy. Từ đó tôi làm thinh đi xuống đi lên. Trừ một lần nữa.

Hôm ấy chỉ có Hạnh ngồi bán. Một người đàn bà dáng lam lũ ôm chiếc bọc đến trao đổi. Chị ngồi xuống, trưng hàng ra. Hai chân đèn, hai con voi nhỏ, hai con hạc, một bộ lư một đèn dầu. Tất cả đều bằng đồng. Chỉ trừ một thứ: đôi liễn thờ bằng vải trắng viết chữ nho được cuộn lại cẩn thận. Hạnh không dám mua. Tôi nhìn cặp voi liên tưởng đến Hai Bà Trưng, liên tưởng đến con voi sa lầy tại sông Hóa, liên tưởng đến Bùi Thị Xuân. Nhìn nét tiều tụy của người đàn bà, tôi hiểu đây là lần vét cuối của nhà để ngậm ngùi thương. Tôi lại xúi Hạnh mua, tôi nói cặp voi đẹp quá, chắc có người mua. Hạnh ngần ngừ, nhưng tâm khảm Hạnh chắc như tôi, trả giá, cuối cùng đồng ý mua. Người đàn bà đi rồi, vợ chồng tôi còn dõi theo đến khi mất hút. Dáng liêu xiêu của chị như dáng đời tôi. Khi cúi xuống nhìn lại chợt nhớ ra bộ liễn vải chữ nho. Với gia đình chị là cần nhưng với chúng tôi thì bán cho ai. Và liễn này dành cho người nằm xuống tên gì?. Hạnh phân vân, tôi cũng phân vân, cuối cùng đành mang về hỏa táng.

Ngày 22 tháng 7, tôi và Được tập trung vào Tổng trại 6 Lam Sơn, tạm chấm dứt một thời buôn bán chợ trời. Và bắt đầu một thời không thể nghĩ bàn. Thời thế.

ĐẶNG CHÂU LONG
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét