Khoảng 60 người Việt và thân hữu ngoại quốc đã ghi danh tham gia “Hội Nghị Thượng Đỉnh Cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế” sẽ tổ chức ở thủ đô Hoa Kỳ ngày 28 – 30 tháng 6 tới đây. Đây là năm thứ hai BPSOS đồng tổ chức hội nghị thượng đỉnh này, và ước lượng sẽ có hơn một nghìn tham dự viên gồm các lãnh đạo tôn giáo, các giới chức chính quyền, các nghị sĩ, và các nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo đến từ nhiều quốc gia.
Đồng chủ tịch của Uỷ Ban Chỉ Đạo hội nghị gồm có Cựu Đại Sứ Lưu Động Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback và Ts. Katrina Lantos-Swett, cựu Chủ Tịch Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế.
BPSOS sẽ đảm trách mảng giới trẻ lãnh đạo và Chiến Dịch Toàn Cầu cho các Tù Nhân Tôn Giáo, một trong những chủ đề chính của hội nghị thượng đỉnh năm nay.
“Trong vai trò đồng tổ chức, chúng tôi tạo điều kiện cho các tôn giáo bị bách hại ở Việt Nam lên tiếng tại diễn đàn quốc tế này,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, cho biết.
2. Giáo dân Công Giáo Nguyễn Văn Hoá
3. Mục Sư Tin Lành Tây Nguyên Y Pum Bya
Đồng thời, một số TNTG ở Nigeria, Miến Điện, Yemen, và Trung Quốc cũng đã được tuyển chọn.
“Mục tiêu của chúng tôi trước hết là bảo đảm rằng mỗi chiến dịch sẽ liên tục, dài lâu và ngày càng leo thang; thứ hai là có sự hỗ tương giữa tất cả các chiến dịch vận động cho TNTG,” Ts. Thắng giải thích. “Chẳng hạn, các tổ chức vận động cho TNLT ở Nigeria sẽ hỗ trợ vận động cho TNLT ở mọi quốc gia khác, và ngược lại.”
Chiến dịch vận động cho Ông Nguyễn Bắc Truyển, được dùng làm mẫu cho tất cả các TNLTTG còn lại, sẽ bao gồm:
1. Phát động kế hoạch truyền thông, bắt đầu cuối tháng 4, nhằm hâm nóng sự quan tâm của quốc tế: Khoảng một chục nhân vật có ảnh hưởng sẽ luân phiên lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Ông Truyển;
2. Trưng bày hình ảnh và thông tin về TNTG ngay tại hội nghị thượng đỉnh và khuyến khích mọi tham dự viên ký thư chung gửi chính quyền đang giam giữ TNTG và gửi bưu thiếp thăm hỏi TNTG trong nhà tù;
3. Tổ chức buổi hội luận về TNTG trong sự phối hợp với Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế;
4. Đưa tin về các sinh hoạt tại hội nghị thượng đỉnh đến với các cộng đồng bị bách hại ở trong nước;
5. Tuyển mộ và huấn luyện các tình nguyện viên về truyền thông, vận động, và tổ chức quần chúng nhằm từng bước phát triển chiến dịch ra toàn thế giới.
“Chúng tôi sẽ dành một phòng họp riêng để phục vụ cho các sinh hoạt của Chiến Dịch Toàn Cầu cho các TNTG trong suốt 3 ngày hội nghị,” Ts. Thắng cho biết.
Ngoài chiến dịch toàn cầu cho TNTG, BPSOS sẽ tạo phương tiện và cơ hội cho các phái đoàn người Việt tiếp xúc với các giới chức chính quyền của nhiều quốc gia và kết nối với các tổ chức quốc tế. Chẳng hạn, các phái đoàn của giáo dân Công Giáo, tín đồ Tin Lành Tây Nguyên, và tín đồ Tin Lành Hmong sẽ có cơ hội kết nối với các tổ chức quốc tế bảo vệ người Cơ Đốc Giáo bị bách hại; hoặc, phái đoàn các tín đồ Cao Đài sẽ có cơ hội trình bày với các tham dự viên nói chung về kế hoạch triển khai “đại sách lược” phục hưng cơ đạo.
Theo Ts. Thắng, hiện đã có 60 người Việt ghi danh tham gia hội nghị, chưa kể một số người ngoại quốc cũng ghi danh chung với thành phần người Việt. Họ bao gồm các phái đoàn Công Giáo, Cao Đài, Tin Lành Tây Nguyên, và Tin Lành Hmong cũng như một số cá nhân không đi theo phái đoàn. Khoảng một chục thành viên Hội Đồng Quản Trị, nhân viên, thực tập sinh, và thiện nguyện viên từ các văn phòng BPSOS sẽ hiện diện để hỗ trợ cho các đồng bào chưa quen vận động quốc tế. Khoảng một chục học sinh trung học và đại học cũng sẽ có mặt trong các sinh hoạt đào tạo lãnh đạo trẻ.
Mạch Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét