Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2022

Cuối Cùng Cho Tuổi Thanh Xuân

 

Tác giả Đặng Châu Long

CUỐI CÙNG CHO TUỔI THANH XUÂN 
Đặng Châu Long 

Vẫn như thông lệ, khi có dịp về Sài gòn, tôi đều chọn nhà dì dượng tám làm chỗ dừng chân. Nhà dì dượng ở 315/22c Trương Minh Giảng. Đó là con đường hẻm tương đối rộng, đối diện cây xăng Trần Quang Diệu-Trương Minh Giảng. Căn nhà gác gỗ, sàn gỗ, được làm trên kinh Nhiêu Lộc đủ thoải mái dung chứa gia đình nhỏ của tôi và vợ chồng dì dượng. Đứa con gái Tuyết Nga của dì đã theo chồng và hiện ở Phú Quốc. Các em tôi, khi vào Sài gòn học cũng vẫn hay ở nhà này. Em trai tôi, Đặng Phước Đạt đã mô tả lại chốn này trong dòng “Ký ức của tôi” kể lại thời em đi học tại trường Trang Trí Mỹ Thuật Gia Định như sau:

“Nhà dì tám gần chợ Trương Minh Giảng, trong một con hẻm, phía sau là dòng kinh Nhiêu Lộc sánh đặc bùn đen, rác rưởi, phân người, phối nên một hòa sắc tăm tối của sự nghèo khổ, Tất cả cộng lại thành mùi rất đặc trưng, không dễ gì quên được: Mùi của xóm nhà ổ chuột, chen chúc trên dòng kinh đen ảm đạm giữa Sài Thành hoa lệ một thời được xem như Hòn ngọc Viễn đông. Cảnh quan ấy, nghịch lý thay, lại trở thành một đề tài rất đắt giá mà bất cứ sinh viên trường Mỹ thuật nào cũng đều có ít nhất năm sáu phác họa trong hành trang học tập, trong sáng tác của mình (Đặng Phước Đạt, Ký ức của tôi)”

@

Ngày 22 tháng 4 năm 1975, tôi nhận từ BCH/PBVN một tờ giấy phép 48 tiếng và một tờ Sự vụ lệnh về trình diện Pháo Binh SĐ 22 Long An. Tôi về phép Sài gòn trong những ngày hầm hập lửa ấy chỉ đề thăm lại những người thân. Anh chị Phượng&Lộc, Oanh&Được, Đạt, các dì và các chú. Vợ chồng tôi và cháu Trân chỉ một túi xách nhỏ cầm tay. Tất cả quân trang đều để lại căn cứ Long Bình, nơi tôi sẽ về để lên đường đáo nhậm nhiệm sở mới.

Không khí những ngày ấy thật ngột ngạt. Trên các tuyến đường mọi người lao xao. Dòng người di tản về thành phố ngày càng đông. Và tôi đang chờ một tương lai chẳng biết thế nào cho nơi tôi sẽ đến. Đánh vậy, bây giờ tôi vẫn là người lính và trách vụ vẫn phải tròn.

Ngày 24, buổi sáng, tôi hay tin Căn cứ Long Bình bị tấn công tổng lực. Tôi biết rằng thôi thế là xong. Tất cả là chờ số phận. U tối nhiều hơn hy vọng khi chỉ trong mấy ngày đã thay 2 tổng thống.

Buổi tối Sài Gòn vẫn nồng hập cơn oi bức đầu mùa nóng. Đứng trên lan can căn gác gỗ mông lung nhìn ra hun hút sâu con hẽm mà lòng trăm mối. Thỉnh thoảng đâu đây tiếng rít từ một hỏa tiễn 107 hay 122ly của phía bên kia. Một đường bay hoàn toàn hú họa,. chỉ cần rơi vào thành phố đông dân này là đủ uy lực đoạt tinh thần trong thời gian căng thẳng như dây đàn. Tiếng nổ xé toang trong đêm sắc lạnh và phá tàn hoang mọi vật cản quanh chúng, Bất kể ai và nơi đâu. Diện mạo chiến tranh là vô tình và tang thương. Ông Nguyễn văn Thiệu bàn giao cho ông Trần văn Hương đựơc ít hôm, ông Hương lại giao tiếp cho Dương văn Minh như những cầu thủ thiện nghệ trước khi tàn cuộc. Một tuyên bố vỡ toang. Rồi thôi. Viên đá đã ném vào vũng đời. Chỉ như một tiếng thét thất thanh. Rồi xong. Chấm dứt, Mù tăm.

Định mệnh một quốc gia đã xong trên cuộc diện bàn cờ thế giới từ năm 1972. Trò đời như thế và tôi là chốt thí vô phương qua sông. Không cần thiết qua sông.

Mới hôm đến thăm cậu mợ chín Nguyễn Vạn Hùng, Cậu thôi thúc vợ chồng tôi để cậu gởi qua lãnh sự quán Pháp ra đi. Cân nhắc mãi không đành bỏ cha mẹ ra đi. Thôi thì một lần cùng người thân nát tan thân thế trên quê nhà. Cũng là một cách trầm thân. Có ra gì nữa đâu.

“Đến một lúc giọt lệ không chỉ còn là giọt sương mà là chút dường như hơi cay trên đôi mắt len vào bóp xiết đáy tim ta.

Đến một lúc niềm đau không còn thể hiện qua bi ai lệ ứa nhưng đổi bằng nụ cười nhẹ thái hòa gởi sẻ chia xóa nhòa trần ai đắng chát.

Đến một lúc ta không còn nghe thấy chỉ đắng cháy lòng khi đối mặt vẻ khổ sầu và thà nhẹ tiếng thở dài sâu kín.

Cuối cùng mắt tai ta bất lực nhìn quanh mình một màu xám nhuốm hư vô

Trần ai một tấm thân hờ
Tranh đua trọn kiếp đợi giờ tử sinh ”

(Đặng Châu Long, Giọt lệ hóa đá)

Chiếc máy Panasonic 4 band của chúng tôi mang theo trêm đường di tản vẫn bất ly thân cùng tôi trên nẻo đường tuẩn nạn đang đọc tuyên bố cuối cùng giải giới. Tôi đứng lên cùng Hạnh và bé Trân bước ra con hẽm để chứng kiến cơn chết lịm cuối cùng trên con đường Trương Minh Giảng. Đường chỉ dài hơn 200 mét nhưng sao hôm nay chân nặng lòng chùng. Tôi thờ thẩn bước như đang mò mẫm vào con đường đêm u tối. Dường như chẳng chỉ chúng tôi. Nhiều người, rất nhiều người bước ra để nhìn một lần. Nhìn để chứng kiến cuộc long trời. Rồi thôi.

Ngay góc đường Trương Minh Giảng-Trần Quang Diệu đã đậu sẵn một xe Jeep quân sự. Trên xe lô nhô vài người mặc đồ Gia đình Phật tử, tay cầm micro, vai đeo máy microphone, trên cánh tay đeo băng đỏ đang đọc lui tới một thông báo tiếp quản. Nhanh thế, Mà sao những người này. Chỉ là ý nghĩ thoáng qua. Ai nữa cũng xong rồi.

Trên vệ đường, tôi nhìn về hướng chợ, thỉnh thoảng có những người áo thun, quần đùi lầm lũi đi. Họ là những quân nhân không còn gia hạn chứng chỉ tại ngũ đang trên đường đi về. Về đâu, tôi không đành đoạn nhìn tiếp, vợ chồng dẫn nhau về. Một thời yêu dấu đang qua.

Dì dượng tám là thợ may. Dì tám từng là người thợ may áo dài cho Nam Phương Hoàng hậu và dượng là người thợ may veston. Dì kỹ tính. Dượng thì đơn sơ như nhánh cỏ, lành tính hơn những người lành, tuy có nhiều khi như một người cả tin vào thiện tính của con người. Khi tôi về lại nhà, đã thấy dượng ngồi xổm dưới sàn nhà rờ rẫm chiếc xe hơi dành cho trẻ con thường để dưới bộ ván phòng khách. Tôi biết dượng đang nhớ gia đình Tuyết Nga&Trung và cháu ngoại đang còn chưa rõ tin tức trong cơn biến động. Tôi an ủi, hai đứa nó đang ở Phú Quốc, an toàn xa, vả lại binh chủng Hải Quân dư điều kiện giải quyết an toàn cho họ, trước sau gì sẽ có tin bình an. Ngồi nhìn xa xăm nhưng như không nhìn. Dượng bần thần thêm chút nữa bảo tôi. Con dọn hết đồ có liên quan đưa dượng đem bỏ ra kinh sau nhà. Tôi không trả lời lặng lẽ lên gác. Lặng lẽ mang bộ treillis duy nhất tháo cặp lon nguỵ trang màu đen, chiếc huy hiệu Pháo Binh, đôi pháo tréo trên túi áo cùng bảng tên ra khỏi chiếc áo. Mở chiếc nút túi áo lấy ra cặp thẻ bài. Tất cả nhân thân tôi. Lấy miếng giấy gói cẩn thận tất cả. Bước ra lan can nơi có chậu mai lớn của nhà. Mai táng vào đó để đình tiền tạc dạ một thời thanh xuân. Còn lại tôi cột hết vào bao xi măng để gởi dượng khâm liệm trong bùn sình. Còn tôi? Tôi chẳng biết phải làm gì đời tôi:

“Giữa mê cung,
giữa màu đen tối ám
không ai, không thấy ai để cùng chia sẻ
tiếng cầu cứu tuyệt vọng của chúng tôi
không có cuộn chỉ nhiệm màu
không có lông ngỗng rắc đường
chúng tôi mò mẫm bước đi trong vô định
bình tâm đi em
chúng ta sẽ vượt thoát khỏi mê cung này
hoặc ít ra ta sẽ cùng tan biến
tan biến cùng nhau
tay trong tay
hít dài hơi thở
men theo thành vách của mê cung
chúng tôi bước sâu vào
hay bước vòng vòng theo mê cung quỷ quái”

(Đặng Châu Long, Mê cung)

Ngoài đường, cuộc khóc cười vẫn đang diễn ra. Những tràng cười lồng lộng và những tiếng khóc vô thanh sau cơn kinh thiên này, Chỉ có chắc một điều, Tất cả. Tất cả không ai định được lẽ đời sau chinh chiến. Cuộc phân ly sẽ chưa bao giờ có lúc dừng, ít nhất trong sâu thẳm lòng người.

ĐẶNG CHÂU LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét