Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2022

Điệu Ru Em Xứ Huế

 

Con đò trên sông Hương

ĐIỆU RU EM XỨ HUẾ 
La Giang Nguyễn Đình Liễu

“À ư…
Ru con con thét cho muồi,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi Chợ Quán, Chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh.
Chợ Dinh bán áo con trai.
Triều Sơn bán nón, Mậu Tài bán kim…”

Ai đã sinh trưởng hoặc cư ngụ ở đất Thần kinh, chắc đã nhiều lần nghe điệu ru em dễ thương này của người thiếu nữ đong đưa chiếc nôi treo vào những buổi trưa hè với ngọn gió Lào nóng oi-ả, mọi việc đều ngưng đọng, phẳng lặng như tờ, chỉ còn tiếng ve sầu kêu khan từng chặp trên những cánh phượng vỹ đỏ tược màu lửa.

Ở Huế, không còn gọi là con ngủ, mà nói là thét, tức là ngủ say sưa, con hãy ngủ một giấc thật dài để mẹ rảnh tay ra chợ mua sắm các thứ nhật dụng, như vôi, trầu, cau và thuốc lá Cẩm Lệ.

Miếng trầu là đầu câu chuyện. Khi thù tạc, vãng lai, các cụ thuộc thế hệ bà ngoại tôi mời khách dùng trầu têm rất là cung cách, chẳng khác gì trà đạo của dân tộc Phù tang. Chiếc sập gụ bóng nhoáng có chạm trổ long lân quy phụng đặt tại phòng chính được dùng làm nơi tiếp khách.

Chính giữa là hộp trầu cau, chiếc quả tròn, phía trong sơn đen lánh, vỏ ngoài phết lớp sơn dầu Thái nguyên màu đỏ có chạy những đường vẽ vàng dụ rất mỷ thuật. Vôi mua về được tra vào bình vôi mà người ta gọi là Ong vôi, vì khi bình đã dầy đặc không dùng được nữa thì đem đến các am miếu đặt dưới các cây đa cổ thụ. Từ bình vôi lớn, bà tôi lại sang qua một hộp nhỏ bằng bạc sáng loáng. Trầu cau và vôi phải tươi và mua tận gốc. Về vôi, có hai chợ nổi tiếng là Chợ Quán và Chợ Cầu.

Chợ Quán là nói tắt của làng Lương Quán, vùng Nguyệt Biều. Ai cũng biết Thừa Thiên có đá vôi, thời Pháp thuộc đã khai thác nhà máy vôi Long Thọ, sản xuất vôi dùng vào việc xây cất nhà cửa, cầu cống. Còn Chợ Cầu làm tôi liên tưởng đến cái cầu có lợp mái, ở Mỹ được nhắc nhở đến trong The Bridges of Madison County, ở nước ta phải nói đến cầu ngói Thanh Toàn và Chùa Cầu Hội An.

Cầu ngói Thành Toàn thuộc làng Thanh Thủy, huyện Hương Thủy, đóng bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương. Từ Vỹ Giạ (Đây thôn Vỹ Dạ của Hàn Mạc Tử), đi về hướng Gia Lệ, Vân Thê đường về đầm Hà Trung (còn gọi là Đầm Chuồn), các bạn sẽ băng qua chiếc cầu lợp ngói bắc ngang nhánh sông nhỏ, đã được lưu danh bất tử qua câu hò:

“Ai về cầu ngói Thanh Toàn,
Cho em về với, một đoàn cho vui…”

Trong cuốn sách “Quand les Francais découvraient L’Indochine” của George Buis, Charles Daney, (edition Hercher Paris 1981) có tấm hình cầu ngói Thanh Toàn chụp từ năm 1883, một di tích lịch sử của đất nước Thần Kinh. Sách “Cố Đô Huế” của học giả Thái Văn Kiểm, nhà xuất bản Đà Nẵng 1994, lại có hình Cầu Ngói đã được trùng tu rất đẹp.

Nói đến cầu, ta nghĩ ngay đến Nam Phổ, một làng cạnh giòng sông Hương thơ mộng, từ Đập đá đi xuống. Làng trồng rất nhiều cây cau cao vút, vì gần nước nên cau rất ngon và sai quả. Ai mà không khỏi bật cười khi nghe nói “Con gái Nam Phổ… … trèo cau”?

Còn Chợ Dinh, nói tắt Chợ Dinh Ông, dinh thự của một đại thần Triều Nguyễn, nổi tiếng với lá bầu ngon. Sau chợ Đông Ba là đến cầu Gia Hội, nếu theo bờ sông Hương xuôi ra biển ta sẽ gặp Chợ Dinh, Bãi Dâu. Vì không có cầu bắc ngang sông nên dân địa phương thường dùng bến đò Chợ Dinh để đi qua Nam Phổ.

Trong điệu ru còn nói Chợ Dinh bán áo con trai, ta tự hỏi mua áo con gái thì đi chợ nào? Chắc hẳn phải đi chợ Đông Ba, chợ này chiếm một diện tích khá lớn cạnh bờ sông Hương, giữa cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp và cầu Gia Hội, bên kia sông là Tòa Khâm Sứ Pháp ngày nước ta chưa giành được độc lập.

Còn về nón lá, danh tiếng nhất là sản phẩm của Triều Sơn, làng này đông dân cư, chia ra làm Triều Sơn trung, Triều Sơn tây… Từ Bao Vinh, một giang cảng buôn bán phồn thịnh với những chiếc ghe mành từ bắc đến Nam chuyên chở đồ sành sứ, nước mắm, mắm mòi, đường đen, chiếu, v.v. tràn nhập vào thị trường tiêu thụ của miền Trung, ta xuôi theo dòng sông Hương sẽ qua Địa Linh, Minh Hương, rồi đến Triều Sơn, Thủy Tú trước khi đến ngã ba Sình.

Nón lá Triều Sơn có nhiều hàng, loại thượng hạng, nhẹ nhàng, có khắc bài thơ của các “cô gái Huế đa tình, vành nón nghiêng khép nép” (như thi sĩ Đinh Hùng diễn tả trong Phong Vị Thần Kinh), loại thông dụng cho các người buôn thúng bán bưng, cho đến loại bình dân, nặng nề nhưng bền bỉ để nông dân, thợ thuyền che đầu cho khỏi nắng sớm mưa chiều.

Bên kia sông Bao Vinh là Tiên Nộn, xuôi theo giòng sông đến Thanh Tiên rồi Mậu Tài, nơi mà điệu ru có nhắc đến kim chỉ may vá.

Rất tiếc là tôi không nhớ hết toàn bộ của điệu ru em, chắc thế nào cũng có nhắc đến các sản phẩm và địa danh như Lai Khê, nổi tiếng về bột gạo, bánh tráng Sia, quít Hương cần, cá tôm Chợ Sình, hạt sen Hồ Tịnh Tâm, thanh trà (một loại bưởi đặc biệt) Nguyệt Biều, bắp nếp Đò Cồn, dâu Truồi, mía Mỹ Lợi, sò huyết Lăng Cô.

Còn về các món ăn độc đáo của thập niên 40 trở về sau, làm sao quên được chả mực cua mụ Vỹ trước đình làng Bao Vinh, mè xửng Thím Chăng ở Ngã giữa, nem chua mợ Tôn, bún bò mụ Rớt, cơm Âm-phủ, bánh bèo Ngự Bình vùng có nhiều lăng mộ, bánh khoái dốc cầu Đông Ba…

Đất Thần-kinh đã trải bao nhiêu thăng trầm, chiến tranh triền miên, dân chúng khổ sở trăm chiều. Có bao nhiêu chuyện đáng nhớ, bao nhiêu việc nên quên, chỉ có điệu ru kể trên là vẫn còn văng vẳng bên tai tôi không bao giờ phai lạt.

La Giang Nguyễn Đình Liễu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét