Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2022

Một Chuyện Tình Titanic Có Thật

 

Bà Roberta Maioni (Henry Aldridge & Son)

MỘT CHUYỆN TÌNH TITANIC CÓ THẬT
Minh Luân 

Một cây trâm cài áo sẽ được bán đấu giá ở Anh. Nó đã được tặng cho cô Roberta Maioni bởi một nhân viên trên tàu mà cô đem lòng yêu và đã cứu được mạng sống.

Đó là một vật đơn giản nhưng chứa đựng một câu chuyện bi thương. Nhà đấu giá Henry Aldridge & Son Ltd sắp đưa ra bán một cây trâm cài áo. Cái phù hiệu nhỏ với hình ngôi sao trắng – tượng trưng cho hãng White Star Line, hãng tàu biển chủ nhân của chiếc tàu Titanic, đã được tặng từ một nhân viên phục vụ cho một cô gái mà anh đem lòng yêu trong suốt cuộc hải hành ngắn ngủi.

Chuyện của hai người thường được so sánh với chuyện của Jack và Rose trong bộ phim của James Cameron. Ngày 10 Tháng Tư 1912, Roberta Maioni lên khoang hạng nhất trên tàu từ địa điểm Southampton. Gốc người Norwich (Anh), cô gái 21 tuổi làm việc cho Lucy Noëlle Martha Dyer-Edwardes, nữ bá tước ở Rothes. Là người hầu phòng của bà bá tước giàu có, Roberta, biệt danh là “Cissy” đối với những người thân, nhanh chóng làm quen với người phục vụ phòng mà cô dần cảm mến. Nhưng cuộc tình của họ chỉ kéo dài vài ngày.

Bức điện tín mà mẹ của bà Roberta Maioni nhận được từ hãng tàu White Star thông báo việc Roberta còn sống (Henry Aldridge & Son)

Ngày 14 Tháng Tư, chiếc Titanic va phải một băng sơn trên Bắc Đại Tây Dương. Sự thiếu chuẩn bị của thủy thủ đoàn trước tình thế đó và con tàu không đủ canô cứu hộ đã biến cái đêm lạnh giá ấy thành địa ngục. Trong khi các hành khách cố tìm mọi cách thoát khỏi tàu, Cissy đã được người tình cứu. “Anh ta đưa cô ra khỏi phòng đến chiếc canô số 8” – trang của Henry Aldridge & Son Ltd viết. Trước khi quay lưng đi sau khi làm tất cả để giúp cô gái, anh tặng cô chiếc trâm cài áo. “Anh ta tặng cô gái chiếc trâm cài áo hình ngôi sao trắng mà anh mang trên đồng phục, để cô có thể luôn nhớ về anh. Rồi anh quay đi” – nhà đấu giá kể, và nói thêm rằng người phục vụ dĩ nhiên đã không sống sau thảm kịch khiến 1,500 người chết. Còn Cissy thì sống sót, cùng với bà bá tước mà cô theo phục vụ.

Suốt cuộc đời, Roberta Maioni luôn cố vinh danh chàng trai trẻ trong cuộc tình chóng vánh mà mạng sống mình mang nợ. “Cô kể lại với gia đình làm thế nào cô sống sót sau sự kiện chấn động Titanic và nhắc đi nhắc lại về chàng thanh niên phục vụ cô đã gặp trên tàu…” – đại diện nhà đấu giá Andrew Aldridge nói với tờ Daily Mail. Tờ báo nói thêm rằng Cissy – qua đời năm 1963 (71 tuổi) – không cho ai biết tên của chàng phục vụ trên tàu Titanic. “Có lẽ vì sau thảm kịch, cô đã kết hôn và cô vẫn giữ cái trâm cài áo”.

Bà Roberta Maioni đã giữ kỷ vật này cho đến cuối đời (Henry Aldridge & Son)

Nhiều năm sau vụ đắm, Roberta bắt đầu kể lại câu chuyện trên tàu Titanic trong một bài viết cảm động, rằng mình trò chuyện với chàng thanh niên dễ mến, và cả về Thuyền trưởng Edward Smith. Cô kể rằng, đêm 14 Tháng Tư, mình ở trong một phòng chơi nhạc trước khi trở về phòng. Lúc ấy con tàu va vào khối băng sơn. Cô nhớ lại, thoạt đầu, những người điều hành con tàu đã thông báo cho mọi người về sự việc nhưng lúc ấy dường như không có gì nguy hiểm và mọi người không có vẻ lo lắng. “Thế rồi sau vài phút, chàng phục vụ trở lại, bảo tôi đừng sợ nhưng nên nhanh chóng thay đồ, mặc áo cứu hộ rồi lên boong. Vẫn không ý thức được nỗi nguy hiểm, tôi còn cười đùa với anh ta rằng tôi trông rất ngộ nghĩnh buồn cười khi mặc áo cứu hộ. Anh ấy không nói gì, chỉ mỉm cười với nét mặt buồn bã rồi lắc đầu. Thế là tôi biết có điều gì đó rất nghiêm trọng”.

Cô kể rằng sau đó trên sàn đầy nước đá. Mọi người hoảng loạn. Các ông tỏ ra hoảng hốt khi buộc phải chia tay vợ con khi họ được ưu tiên đưa xuống canô cứu hộ. Phần mình, khi đã rời xa con tàu với 35 người trên chiếc canô số 8, Roberta Maioni nghe “những tiếng la hét kinh khủng của 1,200 người trên boong, của những phụ nữ và trẻ con bị bỏ lại phía sau. Rồi một sự im lặng đáng sợ – còn đáng sợ hơn âm thanh vang lên ở phía trước”. Vài giờ sau, Roberta và bà chủ được chiếc RMS Carpathia cứu và đưa đến New York.

Do cô đăng ký dưới tên bà chủ nên gia đình chỉ được biết tin cô còn sống sau nhiều tuần, trong một bức thư được gởi đến gia đình cô từ hãng White Star Line. Cuối cùng cô trở về nước Anh. Năm 1919, cô kết hôn với doanh nhân Cunliffe Bolling ở London… Bức thư của hãng White Star Line cũng được bán đấu giá. Hãng Aldridge cho biết các di vật cổ được bán bởi một nhà sưu tập tư, mua chúng từ hậu duệ của bà Roberta cách đây 20 năm. Tổng cộng bộ sưu tập liên quan đến Roberta Maioni trị giá khoảng 90,000 euro.

Minh Luân - Saigon Nhỏ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét