Thứ Hai, 18 tháng 4, 2022

Rối Loạn Tâm Thần 'Hậu Covid-19' Ở Thiếu Niên: Đại Dịch Mới Trong Tương Lai

 

Số học sinh rơi vào tình trạng rối loạn tâm thần gia tăng “hậu COVID-19”. (Hình minh họa: Unsplash)

RỐI LOẠN TÂM THẦN 'HẬU COVID-19' Ở THIẾU NIÊN: ĐẠI DỊCH MỚI TRONG TƯƠNG LAI 
Đoan Trang

LOS ANGELES, California (NV) – Hậu COVID-19, tình hình học sinh trung học ở Mỹ bị lạm dụng tình dục, cảm thấy tuyệt vọng, muốn tự vẫn ngày càng trở nên nghiêm trọng, cần phải có giải pháp ngăn chặn. Đó là lý do Tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức buổi hội thảo qua Zoom hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Tư.

Báo động tình trạng ngày càng nhiều người trẻ muốn tự tử

Mở đầu hội thảo, nhà báo Pilar Marrero thuộc EMS nêu ra vấn đề nghiêm trọng rất đáng quan tâm mà Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo cách đây không lâu, liên quan đến sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên, nay trở thành sự thật.

Theo số liệu EMS nêu ra về cuộc khảo sát mới đây của CDC trong hơn 7,000 học sinh trung học thì 55.1% bị lạm dụng tình cảm, 44% rơi vào tình trạng buồn bã, tuyệt vọng dai dẳng, và 9% muốn tự tử.

Diễn giả Angela Vásquez, giám đốc về sức khỏe tâm thần của The Children Partnership là người trình bày đầu tiên, cho biết: “Gần 50% thanh niên bị suy giảm về tâm thần nghiêm trọng, trong giai đoạn trầm cảm nặng mà không được điều trị… So với thanh niên da trắng, trẻ em da đen và Latinh ít có khả năng được điều trị chứng trầm cảm hơn khoảng 14%.”

Bà Vásquez cũng đưa ra vấn nạn đáng lo ngại: Tự tử là nguyên nhân thứ hai gây tử vong trong thanh niên là người bản địa, cao hơn gần 3.5 lần so với mức trung bình của cả nước. Số các em nữ sinh trung học ở tất cả các chủng tộc và sắc tộc lên kế hoạch tự tử nhiều hơn các nam sinh.

Khủng hoảng về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học ở nhà, không có điều kiện giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo.

Bà Angela Vásquez (trái) và Bác Sĩ Ilan Shapiro. (Hình chụp qua màn hình Zoom)

Khủng hoảng về sức khỏe tinh thần đối với trẻ em Mỹ đã trở nên tồi tệ hơn trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, học sinh phải nghỉ học ở nhà, không có điều kiện giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo.

“Đôi khi chúng ta chẳng nhớ gì đến sức khỏe tâm thần trẻ em,” Bác Sĩ Ilan Shapiro, giám đốc phụ trách sức khỏe của Trung Tâm Y Tế Altamed, diễn giả thứ hai của hội thảo, nói.

“Chúng ta luôn muốn giúp con em chúng ta được học tập và sống tốt hơn, nhưng nhiều bậc cha mẹ lại không có thời gian ‘để mắt’ xem bọn trẻ đang phải đối mặt với những khủng hoảng gì.”

Bác sĩ Shapiro cho biết tại trung tâm y tế của ông tiếp nhận có rất nhiều bệnh nhi là cư dân thuộc quận hạt Orange County. Đó là những đứa trẻ mất cha, mẹ, người thân trong đại dịch COVID-19. Sự mất mát này rất lớn, khó có thể bù đắp được, và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của lứa tuổi đang trong giai đoạn trưởng thành.

Bác sĩ Shapiro kể về một trong những bệnh nhân trẻ của ông, một thanh niên mất cả bốn người thân vì COVID-19. “Anh bạn trẻ này gặp tôi trong tình trạng rất tồi tệ, bị trầm cảm nặng. Cậu bé nói em bị đau đầu thường xuyên. Nhưng khi ấy, tình hình vẫn đang gia tăng, cậu bé vẫn phải cách ly trong nhà. Thật là kinh khủng!”

Ngay cả bản thân ông cũng gặp khó khăn trong đại dịch COVID-19 và cần có sự giúp đỡ. “Trẻ em càng cần được gần gũi, chăm sóc để thoát khỏi tình trạng nguy hiểm liên quan đến tinh thần, vì bản thân các em khó mà tự làm được,” bác sĩ Shapiro nói.

Giáo Sư Myo Thwin Myint (trái) và bà Sydney McKinney. (Hình chụp qua màn hình Zoom)

Cần quan tâm nhiều hơn đến cộng đồng LGBTQ

Vấn đề chưa dừng lại ở học sinh trung học, mà cuộc khảo sát còn chú ý đến các nhóm khác cũng bị ảnh hưởng sau COVID-19, đó là sự gia tăng hành vi tự tử của nhiều phụ nữ trẻ và thanh niên LGBTQ.

LGBTQ – viết tắt của các cụm từ: Lesbian (đồng tính nữ), Gay (đồng tính nam), Bisexual (song tính/lưỡng tính) và Transgender (người chuyển giới), Questioning (đang trong giai đoạn tìm hiểu bản thân.

Trong phần trình bày của mình, bà Angela Vásquez cũng nhắc đến thanh niên thuộc nhóm LGBTQ. Bà cho biết số thanh niên cố tự tìm đến cái chết trong nhóm LGBT + cao hơn 2.5 lần so với nhóm người không thuộc nhóm này.

Tiến Sĩ Myo Thwin Myint thuộc đại học Tulane University School of Medicine, hiện đang phục vụ trong Học Viện Trẻ Em Và Thanh Thiếu Niên Hoa Kỳ (AACAP) ở  New Orleans, Louisiana, cũng là người quan tâm đến giáo dục y tế, sức khỏe trong cộng đồng LGBTQ và vận động chính sách liên quan. Một trong những công việc của ông là làm việc với các nhóm thiểu số về giới tính và tình dục, đồng thời giám sát các nghiên cứu sinh, cư dân và sinh viên y khoa tại New Orleans.

“Nhóm LGBTQ phải chịu những thách thức về sức khỏe tâm thần một cách không cân xứng vì những thách thức và bất công của xã hội. Hiện nay, nhiều cơ quan lập pháp tiểu bang đang thảo luận về việc thông qua các đạo luật càng gây thêm căng thẳng,” Tiến Sĩ Myo Thwin Myint nói.

Ông cho biết, bản thân ông và các đồng nghiệp thấy rõ cuộc cuộc khủng hoảng đang xảy ra về sức khỏe tâm thần ở giới trẻ. “Chúng ta đừng chờ đợi nữa, mà hãy cung cấp ngay các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho họ,” ông nói.

Nhiều người tham gia cuộc biểu tình, ủng hộ cộng đồng LGBTQ ở Miami, Florida hôm 13 Tháng Ba, 2022. (Hình: Chandan Khanna / AFP via Getty Images)

Gia tăng nạn phân biệt, thù hằn và kỳ thị

Diễn giả cuối cùng là Tiến Sĩ Sydney McKinney, giám đốc điều hành Viện Công Lý Phụ Nữ Da Đen Quốc Gia ở Brooklyn, New York – một tổ chức phi lợi nhuận. Bà McKinney cũng nêu lên thực trạng về nạn tự tử ở nhóm người trẻ da đen, phụ nữ trẻ không ngừng gia tăng. Đại dịch COVID-19 càng đẩy tình trạng này ở mức cao hơn bất cứ lúc nào.

Hơn thế nữa, nhiều trẻ em gốc Châu Á phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và thù hận, nhiều thanh niên da đen và người Mỹ bản địa lâm vào cảnh đói khát, nền kinh tế bị tàn phá, và người Latinh phải chịu đựng sự căng thẳng tinh thần kéo dài, do ảnh hưởng của đại dịch.

Tiến Sĩ McKinney đưa ra tình trạng các cô gái trẻ vị thành niên da đen tự tử tăng mạnh từ năm 20021 đến 2017 là 182%.

“Gần 2 triệu thanh niên bị cảnh sát bắt giữ mỗi năm, đa số ho đều là nạn nhân của nạn kỳ thị. Trẻ em gái da đen chiếm 43% số nữ thanh thiếu niên đang bị giam giữ, nhiều hơn bất kỳ nhóm chủng tộc nào khác,” Tiến Sĩ McKinney cho biết.

Trước đó, bà Angela Vasquez cũng lưu ý vấn đề này. Bà cho biết: “Hơn 50% nữ sinh người Latino luôn lo lắng về việc thành viên trong gia đình hoặc bạn bè có nguy cơ bị trục xuất. Gần một phần tư các em bị quấy rối vì tên họ của mình, hoặc quốc gia mà họ đến. Kể từ khi đại dịch bùng phát, giới trẻ Á Châu càng bị quấy rối và bắt nạt nhiều hơn”.

Theo bà, tình trạng gia đình ly tán gây tổn hại đến sức khỏe tinh thần và thể chất của trẻ em; con cái của những người không có giấy tờ tùy thân có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi. Sống trong sỡ hãi, càng hạn chế khả năng tiếp cận giáo dục, các lợi ích công cộng và các dịch vụ khác của trẻ em.

Nhiều trẻ em gốc Châu Á phải đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và thù ghét. (Minh họa: Unsplash)

Ngăn chặn ‘đại dịch’ mới liên quan đến sức khỏe tâm thần

Các chuyên gia cho rằng những gì đang xảy ra liên quan đến sức khỏe tâm thần cần phải được đặt thành vấn đề quan trọng. Lời khuyên dành cho các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, là tìm cách ngăn chặn một “đại dịch” khác, đó là tình trạng các em học sinh ngày nay, khi lớn lên bước vào tuổi trưởng thành trong tương lai, sẽ bị rối loạn về tâm thần và cảm xúc một cách nghiêm trọng.

Bà Angela Vásquez cho biết The Children Partnership đang thúc đẩy chính sách nhằm cải thiện cuộc sống của trẻ em.

“Càng khỏe mạnh, chúng ta càng có nhiều tự do để theo đuổi ước mơ và đóng góp cho gia đình, nơi làm việc, và cộng đồng,” bà cho biết. “Khi nói về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, chúng ta nhận ra tầm quan trọng của nó ở nhiều khía cạnh khác của cuộc sống, đó là sự công bằng dưới bất kỳ hình thức nào.”

Trong hình là các nhân viên y tế ở Brooklyn, New York trong đại dịch COVID-19 – (Hình: Angela Weiss /AFP via Getty Images)

Tiến Sĩ Myint cho rằng không có gì hơn là phải gần gũi, động viên các bạn trẻ, để họ vượt qua được mọi khó khăn, khủng hoảng trong cuộc sống “hậu COVID-19”. Ông cũng đề nghị phải có thêm thông tin và các chính sách cụ thể hơn dành riêng cho giới trẻ.

Đồng tình với Giáo Sư Myint, Tiến Sĩ McKinney nói: “Phương tiện truyền thông có thể nâng cao và thu hút sự chú ý đến các chương trình và dịch vụ sức khỏe tâm thần và sức khỏe.”

Ngoài ra, các diễn giả còn cho rằng phải tìm cách tăng số lượng nhà trị liệu, cố vấn, nhân viên xã hội, nhân viên hỗ trợ cho các chủng tộc, ở các nền văn hóa khác nhau. Cần giảm chi phí của các dịch vụ sức khỏe tâm thần cho thanh niên và gia đình họ.

Đối với nhóm dân tộc thiểu số, điều quan trọng là tạo và duy trì “không gian an toàn” cho thanh niên đang gặp mối lo ngại về tình trạng nhập cư, để họ yên tâm cho cuộc sống tương lai mà hiện nay đối với họ, nó rất đen tối. 

Đoan Trang - Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét