Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Tưởng Nhớ Cố Nhạc Sĩ Thanh Sơn

 

Cố nhạc sĩ Thanh Sơn

TƯỞNG NHỚ CỐ NHẠC SĨ THANH SƠN 
Nhạc Vàng

Mới đây mà đã hơn 2 năm kể từ ngày tôi đến tư gia thắp nén nhang để tiễn biệt nhạc sĩ Thanh Sơn.

“… Thời gian có ngừng đây bao giờ?
Thương tiếc rồi sẽ làm buồn vu vơ…”

Câu hát này thật đúng! Cứ mỗi khi nghĩ tới ông bà ngoại, nhớ đến quê hương Sóc Trăng là tôi lại nhớ đến nhạc sĩ Thanh Sơn. Không nhớ sao được khi mà những bài hát của ông đã gắn liền với hầu hết quãng đời tuổi thơ tôi, không nhớ sao cho được khi ông cũng là một người con của miền quê Sóc Trăng… Con người ông hiền hòa, giản dị, chất phác như chính cái nơi mà ông sinh ra.

Vợ nhạc sĩ Thanh Sơn bên quan tài của ông.

* Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thật là Lê Văn Thiện, sinh năm 1938. Từ nhỏ, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu ca hát và đam mê âm nhạc, nhưng vì thời chiến tranh loạn lạc nên không có cơ hội học hành và phát triển, tuy là vậy, nhưng Thanh Sơn chưa bao giờ từ bỏ đam mê âm nhạc của mình. Vào năm 1959, ông tham gia cuộc thi tuyển chọn ca sĩ hàng năm của đài phát thanh Sài Gòn và đoạt giải nhất, giải thưởng như một món quà khích lệ tinh thần. Ông làm ca sĩ, đi hát và lấy nghệ danh là Thanh Sơn, tham gia trong ban nhạc Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng làm trưởng nhóm. Thời đó, nhạc sĩ Hoàng Trọng được xem như vừa là một người bạn của Thanh Sơn, cũng vừa là một người thầy – người đã truyền cho ông những kinh nghiệm đầu đời khi vừa tham gia vào lĩnh vực văn nghệ. Vốn là một người luôn thích học hỏi, cầu tiến nên trong khoảng thời gian đi hát, Thanh Sơn học thêm lĩnh vực sáng tác nhạc, “giáo trình” gối đầu giường của ông là cuốn “Để Sáng Tác Một Ca Khúc Căn Bản” do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ biên soạn, sáng tác được ca khúc nào là ông đều mang đến cho các nhạc sĩ đàn anh như: Hoàng Trọng, Văn Phụng, Hoàng Thi Thơ, Thẩm Oánh, Võ Đức Thu, Dương Thiệu Tước để chỉnh sửa và góp ý. Không may mắn được học hành đến nơi đến chốn, nên nhạc sĩ Thanh Sơn rất yêu thích hình ảnh học sinh và mùa hè, đó là lý do vì sao những sáng tác của Thanh Sơn thường gắn liền với những hoài niệm của tuổi học trò. Sáng tác đầu tay của ông là ca khúc “TÌNH HỌC SINH” vào năm 1962 nhưng không ai để ý; nhưng đến năm 1963, ca khúc “NỖI BUỒN HOA PHƯỢNG” ra đời thì được đón nhận nồng nhiệt, đó cũng chính là lúc ông khuynh đảo giới văn nghệ, bài hát trở thành một giai điệu bất hủ cho thời áo trắng mộng mơ. Thừa thắng xông lên, ông sáng tác một loạt ca khúc như: LƯU BÚT NGÀY XANH; BA THÁNG TẠ TỪ; HẠ BUỒN; THƯƠNG CA MÙA HẠ;… Sau 1975, trong số các nhạc sĩ ở lại nước, thì Thanh Sơn là một trong số ít sáng tác hăng say và có bề dày đóng góp cho nền âm nhạc nhiều nhất; kể từ đây, ông chính thức khẳng định tên tuổi mình bằng những ca khúc mang âm hưởng quê hương, dân ca đi vào lòng người như: NGỢI CA QUÊ HƯƠNG; HƯƠNG TÓC MẠ NON; NHậT KÝ ĐỜI TÔI; TRẢ LẠI THỜI GIAN; HÌNH BÓNG QUÊ NHÀ; GỢI NHỚ QUÊ HƯƠNG; EM VỀ QUA BẾN BẮC;… Và kể từ đó, những người yêu thích dòng nhạc quê hương, dân ca trữ tình có quyền thêm tự hào vì cái tên Thanh Sơn.

Từ trái qua : Nhạc sĩ Ngọc Sơn – Hà Phương – Thanh Sơn – Trương Hoàng Xuân

Các ca sĩ Thanh Tuyền, Hoàng Oanh, Hương Lan, Giao Linh, Phi Nhung, Như Quỳnh, Trường Vũ, Mạnh Quỳnh,… được khán giả yêu mến cũng là có lý do. Bởi vì chính nhờ những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn đã làm nên tên tuổi họ cho đến tận bây giờ. Không hề sai khi nói rằng, nhạc sĩ Thanh Sơn là người đã tô vẽ bức tranh quê hương Việt Nam đã đẹp lại càng thêm đẹp qua những ca khúc đầy chất thơ và vô cùng ý nghĩa. Ca từ, giai điệu trong các ca khúc của ông luôn giản dị, mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc và giàu tính tượng trưng:

“… Có những lần hoàng hôn rớt trên vai, bước chân đi lòng nuối tiếc ai hoài.
Nhặt hoa rơi mà không nói nên câu, nhớ nhau vì đâu?”
(Lưu bút ngày xanh)”

“Tôi đi xem để thấy những gì yêu dấu Việt Nam, trên quê hương ta đó cố tìm đâu đây chút tình…”
(Bài ngợi ca quê hương)

Hoặc cũng buồn man mác:

“…Những đêm sương lạnh nghe trái sầu rót vào tim…”
(Trả lại thời gian)

“Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng…”
(Nhật ký đời tôi)

Nếu ai đó đã từng ngồi xe đò về miền Tây thì chắc hẳn cũng đã đôi lần được nghe những lời ca tuyệt vời như:

“Quê em hai mùa mưa nắng, hai thôn nghèo nối liền bờ đê, từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè…” (Gợi nhớ quê hương)

“Về tới đầu làng, con chim sáo nhỏ hót vang rộn ràng, qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê…” (Hình bóng quê nhà)

“Nghe em hát câu dân ca sao mượt mà, lòng anh thương quá…” (Hương tóc mạ non)

… Những ca khúc ấy, hầu như ai cũng có thể bồi hồi, rung động với chỉ một lần nghe đầu tiên. Ca từ trong những bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn dễ nhớ, gần gũi mà cũng rất dạt dào tình cảm, có lẽ vì là người con của miền Tây nên sáng tác của ông luôn đậm đà chất quê hương đến như vậy! Càng đáng quý hơn khi thấy được vẻ hiền hậu và chất phác từ gương mặt cho đến cách nói chuyện của ông. Tôi đã từng xem nhạc sĩ Thanh Sơn phát biểu, chia sẻ trên nhiều phương tiện truyền thông như: báo chí, các chương trình ca nhạc, qua Internet,… Nhưng ấn tượng nhất vẫn là khi xem Thúy Nga Paris by night 83 “Những khúc hát ân tình”; ông chia sẻ nhiều hơn về cuộc đời, gia đình và sự nghiệp sáng tác của mình. Cách ông giao lưu với khán giả cũng thật hồn nhiên, gần gũi; nụ cười sảng khoái và nét mặt rạng ngời hạnh phúc khi nói về người vợ của mình là một minh chứng cho cách sống của nhạc sĩ Thanh Sơn. Bao nhiêu năm miệt mài sáng tác, làm văn nghệ, cống hiến cho nghệ thuật; nhưng ông chưa bao giờ làm mất đi cái bản sắc dân tộc trong sáng tác và cả trong tính cách của mình, ông không đòi hỏi bất cứ một thứ gì. Vẫn đôi vợ chồng già cùng với con cháu sống trong một ngôi nhà nhỏ nhưng đầy ắp tiếng cười và hạnh phúc; vẫn một ông nhạc sĩ già miền Tây đôn hậu, thật thà khi tiếp xúc với người đối diện; vẫn là một con người đầy cảm xúc khi nói về bệnh tật của mình, những giọt nước mắt, những lời cám ơn trong ngậm ngùi của nhạc sĩ Thanh Sơn sẽ mãi mãi là một “cuốn nhật ký” đầy tình yêu thương, đầy trân trọng trong lòng người yêu nhạc.

Những tưởng ông sẽ vẫn sống mạnh khỏe và hạnh phúc với gia đình rồi sáng tác cho chúng ta những ca khúc mới, nhưng vòng tròn Sinh – Lão – Bệnh – Tử đã vây chặt ông, căn bệnh ung thư quái ác đã khiến một vị nhạc sĩ đẹp lão, phúc hậu thành một ông già hom hem, ốm yếu. Tôi đã từng thất thần khi nhìn thấy hình ảnh ông nằm trên giường bệnh với gương mặt tiều tụy, một thân thể đau đớn, đầy vẻ mệt mỏi vì căn bệnh ung thư hoành hành suốt bao nhiêu năm vừa qua. Và… ông đã qua đời vào lúc 14h30 ngày 4/4/2012 tại bệnh viện Gia Định, Sài Gòn.

Còn nhớ, buổi chiều hôm ấy – ngày 5/4/2012, sau khi kết thúc giờ làm trong công ty, lần theo địa chỉ ghi trong mảnh giấy, tôi tìm đến nhà riêng của nhạc sĩ Thanh Sơn. Không quá bàng hoàng và sốc khi nghe hung tin ông đã qua đời, tôi hiểu “Rồi trước sau gì cũng vậy mà thôi”, nhưng chỉ hơi bất ngờ sao chuyện ấy lại đến nhanh như vậy! Tôi quẹo vào một con hẻm nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, Q.Bình Thạnh, khu dân cư vốn ồn ào, náo nhiệt hàng ngày giờ đã trùm lên một không khí trầm lặng, buồn bã. Gửi xe đầu hẻm, tôi đến hỏi thăm thì gặp một chị (con gái của nhạc sĩ Thanh Sơn); ngồi nói chuyện được khoảng hơn 15phút thì tôi đến trước linh cửu và thắp một nén nhang cho ông và ôm bác Hương vào lòng để an ủi (bác Hương là vợ của nhạc sĩ Thanh Sơn), bài hát “Hương tóc mạ non” là cũng do ông lấy tên vợ mình đặt vào bài hát, vì có chữ Hương. Tôi nhớ mãi một câu nói của người nhà nhạc sĩ khi tâm sự trong nước mắt lưng tròng: “Lúc sáng ổng còn đòi ăn và nói chuyện khỏe lắm, mà tự nhiên lúc hơn 2h chiều ngủ rồi đi luôn vậy đó.” Tôi nghe mà trong lòng xót xa, đau đớn. Một vài cô chú trong đám tang thấy tôi ngồi thừ ra đó liền đến hỏi thăm, hỏi tôi có quan hệ gì với chú Thanh Sơn, thì tôi chỉ nói tôi là một trong những người yêu nhạc và kính mến nhạc sĩ, hay tin ông mất thì đến chia buồn thôi. Họ ngạc nhiên và nói rằng không nghĩ tôi lại thích những dòng nhạc như vậy, họ càng bất ngờ hơn khi nghe tôi hát một bài hát của nhạc sĩ Thanh Sơn tại đó rồi ai nấy mắt đỏ hoe. Trước khi tạm biệt mọi người, tôi đến trước linh cửu và nhìn tấm hình ông một lần thật lâu, ánh mắt đó nhìn tôi như trìu mến, như vui mừng và thầm cảm kích tôi – một khán giả trong hàng triệu khán giả – một đứa cháu xa lạ nhưng rất gần gũi. Phải, gần gũi vì chúng tôi là đồng hương; gần gũi vì chúng tôi có chung sự đồng cảm… Thầm hứa trong lòng, mỗi năm cứ đến ngày 4/4, tôi sẽ đến nhà và thắp cho ông một nén nhang để ông được thêm ấm áp.

Sài gòn 2010 :(từ trái qua phải , không kể ngưới thứ nhất ) – nhạc sĩ Thanh Sơn – Vợ nhạc sĩ Trường Sa – nhạc sĩ Trường Sa -nhạc sĩ Nguyễn Vũ – nhạc sĩ Mặc Thế Nhân – nhạc sĩ Hoàng Trang – đứng sau lưng Mặc Thế Nhân là nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9


“Hỡi con người tài hoa, miền quê Sóc Trăng tự hào vì có chú, nền âm nhạc Việt Nam mãi khắc ghi vì những đóng góp của chú – Nhạc sĩ Thanh Sơn.”

Dắt xe ra về, nhìn bên đường vài cánh phượng vừa chớm nở, tôi nhâm nhi câu hát:

“Lòng xao xuyến mỗi khi hoa phượng rơi, nhắc lại câu chuyện buồn…”, chợt thấy mắt mình nhòe đi.

Một bài viết đầy cảm xúc của một vị đồng hương với cố NS Thanh Sơn, anh Man Huynh. Bài viết này được viết vào ngày 4/4/2014 nhân kỷ niệm buồn 2 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Thanh Sơn.


Nhạc Vàng



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét