Thứ Ba, 2 tháng 1, 2024

Sức Mạnh Của Mỹ Suy Yếu

 

Tượng Nữ thần Tự do ở thành phố New York, Mỹ, ngày 08/09/2016. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

SỨC MẠNH CỦA MỸ SUY YẾU
Xuân Hoa biên dịch

Trong bối cảnh cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn tiếp diễn, Houthi ở Yemen - một lực lượng ủy nhiệm của Iran - đang dùng máy bay không người lái và tên lửa tấn công các tàu buôn của châu Âu ở Biển Đỏ. Thiệt hại dù ở mức nhỏ nhưng đủ để làm thay đổi quan niệm lâu nay của chúng ta về tính an toàn và tự do của các tuyến vận tải - vốn là tiêu chuẩn thời hậu chiến. Cùng lúc đó, Iran đã tuyên bố rằng họ “thống trị” Biển Đỏ.

Thông điệp mà Tehran muốn khu vực Biển Đỏ nói riêng và thế giới nói chung phải hiểu là: Kỷ nguyên thống trị các vùng biển của Mỹ đã kết thúc.

Nói rõ hơn, phiến quân Houthi (Hồi giáo dòng Shiite cực đoan) là một lực lượng ủy nhiệm của Iran, đóng tại Yemen. Trong vài năm qua, họ đã tấn công Ảrập Xêút bằng máy bay không người lái và tên lửa với mục đích gây bất ổn cho Ảrập Xêút - đất nước không chỉ theo Hồi giáo dòng Sunni (trái ngược với Iran là Hồi giáo dòng Shiite), mà còn là đồng minh của cả Hoa Kỳ và Israel.

Quá dễ để có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu

Sử dụng máy bay không người lái và tên lửa, Houthi đang nhắm vào tất cả các tàu đi qua Biển Đỏ hướng tới Israel. Họ đã tấn công một số tàu bằng tên lửa và gây ra thiệt hại tương đối nhỏ. Tuy nhiên, thiệt hại đối với thương mại toàn cầu là đáng kể và ngày càng tăng. Công ty vận tải biển Maersk của Đan Mạch đã ngừng mọi hoạt động ở Biển Đỏ vì lo ngại về rủi ro mà thủy thủ đoàn của họ phải chịu từ các cuộc tấn công của Houthi.

Phí bảo hiểm rủi ro cho các chuyến hàng đã tăng lên, khiến giá hàng hóa cao hơn; thời gian giao hàng đang chậm hơn; và chuỗi cung ứng toàn cầu có thể có ít hàng hóa hơn. Nói tóm lại, bằng cách làm gián đoạn các tuyến vận tải trên Biển Đỏ - vốn giúp vận chuyển hàng hóa qua lại giữa châu Âu, Trung Đông và châu Á, và nếu không bị chặn lại (và họ không có ý định dừng các cuộc tấn công) thì Houthi có thể gây ra tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu và thậm chí là các cuộc suy thoái, chỉ với máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ và dễ có được.

Mục tiêu của Iran: Giảm thương mại toàn cầu, làm suy yếu quyền lực và uy tín của Mỹ

Đó là một phần trong rất nhiều mục tiêu nguy hiểm của chế độ Iran. Các giáo sĩ ở Tehran rất vui mừng khi có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gây rối các nền kinh tế phương Tây, đồng thời trừng phạt các quốc gia có giao dịch với Israel. Họ cũng vui vẻ khi có thể bắt các chính phủ phương Tây phải trả giá vì đã hỗ trợ Israel dưới bất kỳ hình thức nào.

Trên thực tế, Iran muốn rằng cái giá phải trả khi các hoạt động vận tải biển bị gián đoạn sẽ khiến phương Tây giảm sự ủng hộ dành cho Israel. Điều đó đã xảy ra ở một số khu vực. Ngoài ra, Tehran muốn mở rộng cuộc chiến, đặc biệt là muốn có thêm sự tham gia của các quốc gia Hồi giáo khác.

Đồng thời, Tehran muốn thấy các cuộc tấn công nhằm vào tàu thuyền sẽ nhử Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác leo thang chiến tranh - đây là điều dường như sắp diễn ra khi lực lượng hải quân Anh đã hội tụ ở khu vực Biển Đỏ. Điều này trái ngược với mong muốn giảm leo thang chiến tranh của chính quyền Biden (dù họ đã cùng lúc đề nghị có được sự giúp đỡ từ các quốc gia khác).

Để đổ thêm dầu vào lửa, Iran gần đây đã tuyên bố “thống trị” Biển Đỏ - một lập trường mang tính tính toán và khiêu khích, được đưa ra với mục đích phá vỡ hiện trạng trong khu vực nơi hải quân Mỹ vốn chiếm ưu thế. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã thất bại trong việc ngăn chặn các cuộc tấn công của Houthi vào tàu thuyền vận chuyển hàng hóa, điều này khiến Hoa Kỳ mất dần uy tín trong khu vực - một mục tiêu khác của các nhà hoạch định quân sự Iran.

Các mục tiêu của Hoa Kỳ mâu thuẫn và khó hiểu

Về phần Hoa Kỳ, chính quyền Biden đang gửi những thông điệp mâu thuẫn tới các đồng minh của họ, làm Iran rất vui mừng. Ví dụ, Hoa Kỳ muốn giảm leo thang cuộc chiến Israel - Hamas, nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ Israel với vũ khí và sự hiện diện hải quân của mình. Họ cũng muốn tránh khiêu khích các quốc gia Hồi giáo trong khu vực, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời muốn ổn định chuỗi cung ứng càng nhanh càng tốt, cùng với đó là tránh chiến tranh với Iran.

Những mục tiêu này mâu thuẫn với thực tế đang diễn ra. Mặc dù sẵn sàng thực hiện một lệnh ngừng bắn ngắn hạn, Israel biết rằng họ phải tự mình đánh bại Hamas khi mà chính quyền Biden tuyên bố sẽ ủng hộ họ nhưng cũng lên án họ vì các hoạt động quân sự căng thẳng. Chính sách thúc đẩy giảm leo thang của Hoa Kỳ trong khi Hamas vẫn duy trì tính sẵn sàng và khả năng tiến hành chiến tranh là một chính sách không có triển vọng và sẽ chỉ khiến Hoa Kỳ trông có vẻ ít có giá trị hơn so với những gì Hoa Kỳ vốn đã biến thành dưới thời chính quyền hiện tại.

Về mặt lý thuyết, đến một lúc nào đó, Mỹ cũng sẽ phải quan tâm đến việc giành lại các con tin Mỹ từ tay Hamas.

Trong khi đó, ảnh hưởng của Iran trong khu vực đang mở rộng thông qua các lực lượng ủy nhiệm của họ ở Lebanon, Bờ Tây, Gaza, Yemen và nhiều nơi khác. Khả năng của Iran trong việc tấn công Israel từ phía nam, phía bắc và phía tây và trong việc làm gián đoạn hoạt động vận tải hàng hóa mà không cần động chân động tay là điều không cần giải thích thêm. Bất kỳ hành động nào của Mỹ chống lại bất kỳ lực lượng ủy nhiệm của Iran đều có thể làm leo thang chiến tranh.

Cho đến nay, việc tàu chiến Mỹ bắn hạ một số máy bay không người lái và tên lửa của Houthi không dẫn đến leo thang căng thẳng, nhưng nó cũng không khôi phục được an ninh cho các tuyến vận tải ở Biển Đỏ - vốn là điều mà Hải quân Mỹ đã và đang làm trên khắp thế giới kể từ khi Thế chiến II kết thúc. Nếu không có gì khác xảy ra, thì các cuộc tấn công vào các con tàu thương mại đã cho thấy rằng trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo không còn như trước đây.

Cuối cùng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh NATO, đang trở nên khó khăn hơn đối với Mỹ, đặc biệt là khi Ankara thắt chặt hơn mối quan hệ với Tehran.

Mỹ thiếu kế hoạch và ý chí

Để đạt được tất cả những mục tiêu nêu trên đòi hỏi Hoa Kỳ có một chính sách đối ngoại khéo léo và một chiến lược can dự, hợp tác và răn đe đầy công phu, được hỗ trợ bởi sự tôn trọng và nỗi sợ hãi mạnh mẽ đối với sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ cũng như quyết tâm không thể nghi ngờ của Hoa Kỳ. Thật không may, với di sản thất bại thảm khốc ở Afghanistan, sự thất bại trong việc ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và một nhà lãnh đạo già nua quan tâm đến một quân đội theo chủ nghĩa “thức tỉnh” (woke) hơn là một quân đội tinh nhuệ, vị lãnh đạo này cũng ngập trong các vụ bê bối, chính quyền Biden sẽ thấy rằng các mục tiêu của họ hầu như không thể thực hiện được.

Về bản chất, chính quyền Biden chưa sẵn sàng để trình bày rõ ràng chiến lược tổng thể của họ ngoài giải pháp hai nhà nước vốn là giải pháp không khôn ngoan khi mà Hamas vẫn tồn tại. Họ không thể theo đuổi một chính sách như vậy bằng cách yêu cầu Israel kiềm chế trong cuộc chiến sinh tồn và để Hamas được nguyên vẹn. Trên trường thế giới, có thể dễ thấy rằng chính quyền Biden mong muốn duy trì vị thế bá chủ toàn cầu của Mỹ, nhưng lại không có đủ trí tuệ để lãnh đạo hoặc ý chí chiến đấu cho điều đó.

Tệ nhất là mọi người đều biết điều đó.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.

Xuân Hoa biên dịch


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét