Chính phủ Tổng thống Biden đã để tâm vào an ninh quốc gia và sức ép của các nhóm lợi ích quan trọng. Việc kinh doanh có những lý do riêng của nó. Tuy nhiên, những nỗ lực tách rời tỏ ra khó khăn hơn những gì người trong cuộc mong muốn hoặc hy vọng.
Ngoài các nhóm có lợi ích hẹp, lẽ ra Hoa Thịnh Đốn phải muốn ngăn cản tham vọng cạnh tranh của Bắc Kinh với Hoa Kỳ trên các cấp độ kinh tế, ngoại giao, và quân sự. Để giảm bớt sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào hàng nhập cảng và sản xuất của Trung Quốc nói chung và để thúc đẩy các nguồn sức mạnh kinh tế trong nước của Hoa Kỳ nói riêng, Tổng thống Joe Biden, trái ngược với những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của ông, đã giữ nguyên các mức thuế mà ông Trump áp lên hàng nhập cảng của Trung Quốc, vốn được áp dụng lần đầu tiên vào năm 2018 và năm 2019.
Tòa Bạch Ốc cũng đã cấm xuất cảng chất bán dẫn tân tiến sang Trung Quốc và hạn chế mức độ mà người Mỹ có thể đầu tư vào công nghệ Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã từ chối tín thuế xe điện đối với bất kỳ chiếc xe nào được sản xuất ở Trung Quốc hoặc có chứa một tỷ lệ đáng kể các linh kiện của Trung Quốc. Ngoài những chi tiết cụ thể này, Hoa Thịnh Đốn muốn hạn chế tính dễ bị tổn thương của nền kinh tế Mỹ nói chung nếu Bắc Kinh hạn chế xuất cảng các sản phẩm quan trọng, như họ đã làm trong đại dịch COVID-19 và thậm chí sau đó theo chính sách zero COVID.
Các doanh nghiệp Mỹ có cùng một vài trong số mối lo ngại này nhưng nhấn mạnh động cơ tách rời của họ một cách khác nhau. Một động cơ lớn tập trung vào câu hỏi về chi phí. Trong vài thập niên sau khi Trung Quốc lần đầu tiên mở cửa với thế giới vào những năm 1970, chi phí sản xuất thấp đã là lý do lớn để thuê sản xuất ở Trung Quốc và xây dựng cơ sở sản xuất ở đó. Nhưng hiện nay, tiền lương ở Trung Quốc đã tăng nhanh hơn những nơi khác ở châu Á và Mỹ Latinh. Trung Quốc đã không còn là nơi có chi phí thấp, và sự cân nhắc quan trọng về chi phí đó đã trở thành yếu tố chính thúc đẩy các doanh nghiệp xem xét việc tách rời.
Độ tin cậy là một vấn đề khác. Trước đó, Trung Quốc được xem là rất đáng tin cậy, tôn trọng hợp đồng, và giao hàng đúng hạn. Tuy nhiên, trong thời gian xảy ra đại dịch, và trong một thời gian dài sau đó, các nhà sản xuất Trung Quốc đã không giao hàng đúng số lượng hoặc đúng thời hạn theo các biện pháp ngăn chặn COVID-19 của Bắc Kinh. Hơn nữa, trong trường hợp khẩn cấp, Bắc Kinh đã cấm xuất cảng một số sản phẩm quan trọng, đặc biệt là dược liệu và khẩu trang phẫu thuật. Nếu những thất bại này là có thể hiểu được, thì các doanh nghiệp Mỹ muốn tránh những vấn đề tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, gần đây hơn, nỗi ám ảnh về an ninh quốc gia của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khiến người ngoại quốc gặp khó khăn hơn khi hoạt động ở Trung Quốc.
Nhìn bề ngoài, có vẻ như những mối quan tâm chung này đang có những thay đổi đáng kể. Theo Cục Thống kê Dân số, các sản phẩm của Trung Quốc đã chiếm tới 22% tổng lượng hàng nhập cảng của Mỹ vào năm 2017, trong khi từ đầu năm đến nay, hàng Trung Quốc chỉ chiếm 13%. Nhưng những con số đáng chú ý này lại che giấu một số khó khăn mang tính thực tiễn đối với nỗ lực tách rời.
Vấn đề là người Mỹ — khi chuyển nguồn cung ứng sang Việt Nam, Indonesia, hoặc thậm chí Mexico — đang phát hiện ra rằng những cơ sở tốt nhất ở đó thường thuộc sở hữu của Trung Quốc. Có vẻ như khi chính phủ cựu Tổng thống Trump áp thuế lần đầu tiên, nhiều công ty Trung Quốc đã thiết lập cơ sở ở các quốc gia khác để tránh thuế. Ví dụ, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Đông Nam Á đã tăng từ mức tương đương khoảng 7 tỷ USD vào năm 2013, trước khi thuế quan có hiệu lực, lên khoảng 20 tỷ USD vào năm 2022, giai đoạn gần đây nhất có dữ liệu đầy đủ.
Giờ đây khi các doanh nghiệp Mỹ đang nghiên cứu các lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, họ phát hiện ra rằng các lựa chọn tốt nhất nằm ở Việt Nam, Indonesia, hoặc các nơi khác đều có mối liên hệ với Trung Quốc. Bất chấp quyền sở hữu thuộc về người Trung Quốc, sản phẩm của các công ty này vẫn xuất hiện trong tính toán của Cục Thống kê, không phải trong tư cách là hàng xuất cảng từ Trung Quốc mà là trong vai trò hàng xuất cảng từ nước sở tại. Chắc chắn rằng, quyền sở hữu không có mấy tác dụng trong việc tìm kiếm sự giải vây về kinh tế khỏi các quy định và nỗ lực của Trung Quốc nhằm cản trở lợi thế kinh tế của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyền sở hữu lại có tác dụng lớn nếu các cơ sở tại Việt Nam, Indonesia này hoặc bất kỳ cơ sở nào yêu cầu đầu vào do Trung Quốc sản xuất, như vẫn thường như vậy.
Theo thời gian, những nỗ lực tách rời của Hoa Kỳ sẽ khắc phục được những trở ngại này. Như có thể thấy rõ từ các xu hướng mua hàng và đầu tư cũng như các cuộc khảo sát về thái độ, mong muốn đa dạng hóa khỏi Trung Quốc của các doanh nghiệp Mỹ vẫn có sức bền lâu dài. Các công ty Mỹ sẽ tiếp tục rời xa các nguồn vẫn duy trì sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong một thời gian. Trong khi đó, các cơ sở ở các quốc gia khác này — ngay cả những cơ sở thuộc sở hữu của Trung Quốc — sẽ ít phụ thuộc hơn vào các nguồn của Trung Quốc khi trở nên tinh vi hơn.
Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, sự tách rời lớn mà rất nhiều người nói đến — ở Hoa Thịnh Đốn và các giới kinh doanh — sẽ diễn ra kém suôn sẻ hơn một chút so với những gì mà Hoa Thịnh Đốn hoặc các doanh nhân mong muốn.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét