Thứ Hai, 17 tháng 5, 2021

Đất Lành

 

Đà Lạt là nơi hội tụ của rất nhiều giống lan...

ĐẤT LÀNH 
Thầy Dương Anh Sơn

1

Vượng là một sinh viên rất chịu khó tìm tòi học hỏi. Những năm tháng miệt mài theo học ngành công nghệ sinh học trên ghế giảng đường đại học, ngay từ những năm đầu, Vượng đã rất say mê tìm hiểu sự phát triển của các loài lan. Cao nguyên Lâm Viên với thành phố Dalat là nơi hội tụ của rất nhiều giống lan được nhập từ nước ngoài về như của Thái Lan, Tích Lan, Hòa Lan, Nhật Bản... v.v... cho đến rất nhiều loại lan rừng có trong các khu rừng xa của cao nguyên. Nhờ sự tiếp xúc và chịu khó học hỏi, Vượng nhìn thấy rõ những tiềm năng kinh tế mang lại một khi nắm vững kỹ thuật nhân giống và phát triển các loại lan được thị trường ưa chuộng. Nhờ vào vốn liếng tiếng Anh vững vàng do tự học là chính nên Vượng có thể dễ dàng đọc những sách khoa học về công nghệ, đặc biệt những sách về thực vật và sinh học. Đó là cánh cửa then chốt để Vượng bước vào lĩnh vực này hầu học hỏi những tìm kiếm mới mẻ của các nhà khoa học về ngành công nghệ sinh học trên thế giới. Những lần thực tập ở phòng thí nghiệm sinh hóa, Vượng tìm thấy niềm đam mê, thích thú khi làm một thí nghiệm thành công. Nếu một thí nghiệm chưa có kết quả, chưa cho câu trả lời cụ thể, Vượng lại lao đầu vào công việc cho đến khi thấy rõ kết quả mới thôi!

Khi học năm thứ ba, Vượng đã có trong tay trên mười công trình nghiên cứu liên quan lĩnh vực về nuôi trồng, cấy mô và nhân giống các loại lan quí hiếm và vốn liếng tiếng Anh cũng dồi dào hơn trước để có thể tìm đọc những tác phẩm khoa học và kỹ thuật chuyên ngành. Bước sang năm cuối, Vượng lại tìm thêm được nhiều cách cấy mô và nhân giống thêm nhiều loại lan mới du nhập cũng như các loại lan lạ và đẹp mà người thượng đem từ những khu rừng xa về bán mỗi sáng sớm ở trước mặt chợ Dalat. Càng tìm tòi và dồn sức cho việc thí nghiệm cũng như tra cứu các sách khoa học nước ngoài về ngành nuôi cấy lan, Vượng như bước vào một chân trời đầy sự hấp dẫn, cuốn hút.... Luận văn khoa học ra trường của Vượng trình bày về phương pháp cấy mô và nhân giống lan được đánh giá là có tính thực tiễn và phổ quát. Nếu được phổ biến rộng, nó có thể giúp nhiều nông dân áp dụng tương đối dễ dàng qui trình nuôi cấy trong thực tế để đem lại thành công và lợi nhuận. Đó là lời nhận xét của giảng viên chấm luận văn của Vượng. (Trước 75, đề tài tốt nghiệp cử nhân và cao học chỉ được phép gọi là tiểu luận chứ không phải là luận văn như bây giờ )

 o0o

Ra trường với thứ hạng giỏi, Vượng được nhận ngay vào phòng công nghệ sinh học của Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt (trước 75 là Trung Tâm Nguyên Tử Lực Dalat). Vượng được giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng cấy mô và nhân giống các loại lan quí hiếm cho ngành nông lâm nghiệp ứng dụng vào việc phát triển kinh tế, trước mắt là cho vùng cao nguyên.... Nhờ có phòng thí nghiệm tương đối đầy đủ dụng cụ và một thư viện có nhiều đầu sách khoa học chuyên ngành của chính phủ trước để lại sau khi miền Nam bị mất nên Vượng rất thuận tiện trong việc tìm hiểu các vấn đề liên quan đến kỹ thuật nuôi cấy các giống lan. Từ đó Vượng đã lập kế hoạch và thời khoá biểu nghiên cứu một số số giống lan được chọn lựa. Vượng siêng năng tìm hiểu, ghi chép tỉ mỉ tiến trình phát triển các mô mẫu trong các ống nghiệm nuôi cấy. Qua hai năm đầu, Vượng đã có nhiều sáng kiến mới về sinh hoá rút ngắn thời gian việc nhân giống, nuôi cấy một số giống lan được thị trường ưa chuộng...

Nhân lực đầu đàn của viện phần lớn là những cán bộ khoa học chứ không phải là các chuyên viên khoa học phần lớn được đào tạo từ các nước Đông Âu và Liên Xô nên còn nặng nề việc họp hành vô bổ và những đề tài nghiên cứu rất lý thuyết, xa rời thực tế. Vượng nghe những người từng làm việc ở những năm đầu khi viện hoạt động trở lại mấy năm sau 75 kể lại rằng trừ một ít là cán bộ khoa học từ bắc vào cũng có một số trí thức Việt kiều hồi hương muốn đem hiểu biết của mình về lĩnh vực nguyên tử để đóng góp cho sự tái thiết đất nước sau chiến tranh. Họ chấp nhận cuộc sống khó khăn thiếu thốn của thời kỳ tem phiếu, ăn cơm độn, ở nhà tập thể... với mong ước đóng góp cho sự vươn dậy của đất nước được "độc lập, tự do, giàu mạnh....". Thế rồi, nhiều người từ phương tây trở về lại tìm cách trở lại trời tây! Họ có thể chịu đựng những khó khăn về cơm áo, vật chất nhưng cách đãi ngộ, đối xử cũng như trình độ hiểu biết chuyên ngành quá chênh lệch cộng thêm thái độ kẻ cả, cửa quyền, hống hách của những anh làm khoa học mang nặng dáng vẻ cán bộ làm cho họ thật sự thất vọng!

Con đường đi của khoa học của thời kỳ sau 75 còn lầy lội của một đất nước rối rắm, tệ hại đủ mọi bề. Nguồn nhân lực làm khoa học cho viện được tuyển chọn từ các trường đại học tương đối tốt trong nước cũng tạm sử dụng cho các mục đích nghiên cứu của viện. Thế hệ của Vượng làm khoa học với đời sống cơm áo tuy khá hơn mười lăm năm trước lúc viện hoạt động trở lại nhưng vẫn phải chạy vạy kiếm sống thêm. Vượng sửa soạn mảnh đất nhỏ sau nhà để ươm những giống lan mới dễ bán cho những người chơi lan. Vượng lại nhận dạy thêm về anh văn, hóa, sinh... để kiếm sống vì lương lậu chỉ đủ tiêu cỡ chục ngày cần kiệm...

Dầu vậy, niềm đam mê tìm kiếm vẫn còn cháy bỏng trong con người Vượng. Đời sống còn thiếu thốn đủ thứ nhưng loay hoay cũng qua ngày đoạn tháng. Khi làm việc trong phòng thí nghiệm, Vượng như cảm thấy niềm vui sống và thấy rõ đó là con đường đi của mình. Những đồng nghiệp của Vượng cũng có nhiều người có niềm đam mê khoa học như Vượng nhưng rồi khi họ lập gia đình, có con cái, tâm trí của họ bị chi phối theo chuyện phải lo chạy vạy cơm áo sao cho tạm đủ trong việc nuôi con cái càng lúc càng lớn và cần nhiều thứ cho cuộc sống. Vượng thấy trước viễn cảnh ấy nhưng thôi cứ tới đâu hay tới đó. Thời gian này, nhiều học bổng về khoa học của các nước như Anh, Úc, Pháp, Ấn Độ, Hà Lan, Nhật Bản, Do Thái, Ý... v.v... dành cho các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn ở Việt Nam. Viện Hạt Nhân Đà Lạt cũng được phân bổ một số học bổng phù hợp liên quan đến lĩnh vực hạt nhân. Sau nhiều đợt cứu xét, Vượng được viện chọn và đề nghị lên trên để sang Ý làm nghiên cứu sinh cao học. Việc xét duyệt nhiêu khê, nhiều cấp nhưng do khả năng chuyên môn và tiếng Anh vững vàng nên viện nghiên cứu bên Ý đã chỉ đích danh Vượng (tránh tình trạng thay thế người khác) và chấp thuận được học bổng đi Ý. Hành lý gọn nhẹ với những sổ ghi chép về khoa học mà Vượng từng tiến hành cùng với ước mơ được học hỏi những cái mới là hành trang đi xứ người!

o0o

Quá cảnh Paris, thêm một chuyến bay nữa đưa Vượng đến thành phố Turin ở miền tây bắc nước Ý. Từ phi trường, Vượng đón xe bus đến ngay Viện Đại học Turin hay còn gọi theo tiếng nơi đây là Torino. Sau khi làm các thủ tục ghi danh và hoàn tất hồ sơ nhập học, do đề tài liên quan đến lĩnh vực dùng kỹ thuật bức xạ hạt nhân áp dụng trong việc cấy mô, Vượng đã được khoa sinh học giới thiệu đến một giáo sư có tiếng đỡ đầu. Vượng tìm hiểu thấy vị giáo sư này có nhiều tác phẩm sinh học được sử dụng nhiều trong nghiên cứu. Ông cũng có nhiều công bố đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế. Học phần cao học nếu đệ trình sớm ra hội đồng giám khảo phải mất từ một năm rưỡi đến hai năm. Sau khi xem các công trình nghiên cứu của Vượng trước đây, ông rất vui mừng đánh giá tốt và đề ra thêm cho Vượng những đề tài cần thiết khác để giúp làm sáng tỏ đề tài cao học sinh học. Ngoài một số giờ hằng tuần theo học lý thuyết các giảng khoá, phần lớn thời khoá biểu của Vượng dành cho việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đọc các tài liệu trong thư viện. Vượng cũng dành ra mỗi ngày hơn một giờ để học tiếng Ý. Nhờ những nỗ lực như thế, trong năm đầu tiên Vượng đã có được bốn công trình nghiên cứu về nuôi cấy lan được chọn đăng trong tạp chí khoa học chuyên trang Anh ngữ của viện đại học. Đồng thời, các giáo sư cũng thích thú khi Vượng có thể nói chuyện bằng tiếng Ý tuy từ dùng chưa nhiều nhưng phù hợp và trôi chảy sau hơn năm tháng ra sức trau dồi.

Khi làm việc tại quê nhà, thực sự Vượng chỉ là anh chàng mày mò trong việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào lâm nghiệp, nông nghiệp. Sách vở nghiên cứu là ông thầy tuyệt vời chỉ dạy cho Vượng những bước đi đầu tiên để có một tầm nhìn về loại kỹ thuật này. Vượng cũng chịu khó học hỏi những đàn anh và đồng nghiệp từng nghiên cứu và áp dụng vào thực tế. Nhờ vậy, khi qua Ý, các đề tài đã làm mang sang đây đã gây ấn tượng tốt cho giáo sư đỡ đầu và giảng dạy. Các vị thầy chỉ yêu cầu Vượng tìm hiểu và nắm vững thêm việc sử dụng kỹ thuật thông qua các đề tài kiểm chứng trong thực nghiệm. Gần hết học kỳ đầu trong năm thứ hai soạn cao học, Vượng đã viết xong tiểu luận với hơn mười đề tài đạt kết quả tốt từ trại thực nghiệm và phòng thí nghiệm.

Khoảng thời gian này, một đoàn các giáo sư khoa học có tiếng của các viện nghiên cứu Nhật Bản được mời qua Ý thăm các viện nghiên cứu và các đại học nổi tiếng của Ý, trong đó có Turin. Khi đoàn giáo sư người Nhật ghé trại thực nghiệm sinh học, họ đã nghe giáo sư đỡ đầu giới thiệu một nghiên cứu sinh cao học đến từ Việt Nam có nhiều triển vọng. Họ chăm chú xem tiến trình nuôi trồng và những lọ lan giống được nuôi cấy của Vượng. Họ chăm chú nghe Vượng trình bày cặn kẽ những hiểu biết và những thành quả đạt được trong công việc nghiên cứu với kỹ thuật bức xạ hạt nhân. Qua hôm sau, được sự đồng ý của giáo sư đỡ đầu và của khoa trưởng khoa công nghệ sinh học của Turin, đoàn giáo sư Nhật Bản thay mặt Hội đồng các giáo sư các trường đại học khoa học kỹ thuật gửi lời mời Vượng qua Nhật soạn và đệ trình luận án tiến sĩ dựa trên các đề tài đã làm tại đây không cần tới văn bằng cao học. Đây là điều khá bất ngờ đối với Vượng. Vượng phải nhanh chóng gửi báo cáo về cơ quan. Sau nhiều tuần họp hành trao đổi, bàn bạc, lãnh đạo viện đã đồng ý để Vượng gom các đề tài làm tại Ý qua Viện Đại học Osaka hoàn thành luận án tiến sĩ. Vượng đã ghé thăm các giáo sư khoa trưởng và đỡ đầu, giáo sư giám đốc trại thực nghiệm… v.v... để nói lời cám ơn và từ giã. Các vị rất vui và hài lòng về khả năng và tư cách của người học trò của mình. Các vị đã chúc Vượng đạt được những thành tích mới ở Nhật Bản và khi về nước làm việc.

Nhờ Đại sứ quán của Nhật Bản tại Roma giúp đỡ qua tùy viên văn hoá giáo dục, vé máy bay của Japan Airlines đã được gửi đến Turin cho Vượng. Ba ngày sau Vượng đã đặt chân đến Viện Đại học Osaka nằm ở phía nam cựu đế đô Kyoto. Giáo sư khoa trưởng khoa kỹ thuật sinh học vui mừng gặp lại Vượng ;ông là người đứng ra thay mặt đoàn giáo sư Nhật Bản qua Ý dự hội thảo, trao đổi giáo dục khoa học và mời Vượng cũng như cho phép làm luận án tiến sĩ không cần bằng cao học. Vượng được sắp xếp ở một căn phòng mé bìa có con đường trước mặt dẫn đến tòa nhà chính của viện đại học. Phòng gồm hai phòng có diện tích chừng ba mươi mét vuông trang bị tiện nghi đầy đủ và gọn gàng cho việc học tập và sinh hoạt. Toàn bộ hai mươi căn nhà hai phòng liền kề nằm trong khu vườn có lối đi rải sỏi và nhiều cây anh đào đang cuối mùa hoa giữa tháng tư.

Qua hôm sau, khi đến văn phòng của khoa kỹ thuật sinh học, đích thân giáo sư trưởng khoa nhận làm giáo sư đỡ đầu cho việc đệ trình luận án của Vượng. Với những đề tài về việc sử dụng bức xạ hạt nhân có kết quả đạt loại giỏi bên Ý khi đang làm cao học, giáo sư đỡ đầu chỉ yêu cầu Vượng hệ thống hóa, củng cố và nâng cao các luận điểm trong các đề tài cho khoa học và hợp lý hơn. Vượng được giới thiệu khu trại thực nghiệm của khoa cách chỗ ở mười cây số để thí nghiệm thực tế công việc nuôi cấy hạt giống, các loài hoa, loài quả củ... v.v... sau khi dùng kỹ thuật bức xạ. Trại cũng có một phòng thí nghiệm qui mô trung bình nhưng nhiều thiết bị trang bị mới mẻ giúp khảo sát với những thông số kỹ thuật chính xác và an toàn khi làm thí nghiệm. Nhờ đó, việc nuôi cấy trong khu nhà kính của trại cũng thuận tiện. Mỗi tuần Vượng chỉ đến giảng đường hai lần để nghe giảng các bài liên quan đến đề tài và trao đổi với giáo sư đỡ đầu. Thời gian còn lại phần lớn dành cho trại thực nghiệm và thư viện. Xe đạp là phương tiện thuận lợi để Vượng từ chỗ ở đi đến giảng đường và trại thực nghiệm. Nhờ đó, Vượng cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái rất nhiều. Thời gian một năm đi qua nhanh. Bước sang năm thứ hai, Vượng bắt đầu soạn luận án dựa trên những đề tài đã làm từ Turin và thêm vào sáu đề tài mới  từng được công bố trong tạp chí khoa học của viện. Đúng hai mươi bốn tháng từ khi qua Osaka, Vượng đã soạn xong luận án. Giáo sư đỡ đầu tỏ ra rất hài lòng vì tốc độ làm việc nhanh và hiệu quả của Vượng. Giáo sư để ra hai tuần xem xét bản thảo luận án vả chỉnh lại một số luận điểm trước khi Vượng soạn nạp cho hội đồng giám khảo. Ngày đệ trình luận án rồi cũng đến với nhiều vị giáo sư có tiếng trong hội đồng giám khảo. Vượng trình bày và lập luận khá vững vàng. Các câu hỏi đặt ra của các giáo sư giám khảo đều được Vượng trả lời chính xác. Hội đồng giám khảo hội ý và cho điểm xuất sắc cho luận án tiến sĩ của Vượng . Một số đề tài trong luận án của Vượng cũng đã  từng được đăng trong các tạp chí khoa học của viện và các tạp chí khoa học có uy tín. 

Từ giã Nhật Bản, Vượng trở về tiếp tục làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân. Các bạn trẻ đồng nghiệp tỏ ra rất vui mừng ngày trở lại của Vượng. Nhưng Vượng cũng bắt gặp những ánh mắt đố kỵ nơi một số đồng nghiệp đàn anh gốc gác ngoài kia và lẻ tẻ vài đồng nghiệp trong này. Với Vượng, bằng tiến sĩ chỉ là việc đánh giá mức độ hiểu biết về lĩnh vực nghiên cứu; bằng cấp chỉ là tiền đề căn bản cho những nghiên cứu về sau. Nhưng Vượng biết rõ những người ngoài kia và không ít người trong này, nó là phương tiện để leo lên các chức vụ. Và có chức là có quyền và có quyền là sẽ có tiền… v.v... Còn rất nhiều người trong xã hội này lại rất chuộng ghép tên mình với bằng cấp. Đó là căn bệnh háo danh của những kẻ nhiều tham vọng nhưng tài năng, đức độ lại là một dấu hỏi. Vượng vẫn tiếp tục công việc trước đây: khảo cứu việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để phát triển nông lâm nghiệp. Con người Vượng lại không thích nịnh nọt hay khoe khoang nên một số người lãnh đạo viện không thích lắm. Vượng cứ âm thầm làm việc, đào sâu thêm những hiểu biết về kỹ thuật sinh học và tích lũy thêm nhiều sáng kiến tìm tòi được ghi chép cẩn thận trong nhiều cuốn sách được đem đóng bìa... Nhiều người nông dân và nhiều người trồng lan vẫn thường gặp gỡ chuyện trò với Vượng để học hỏi thêm về kỹ thuật nuôi cấy. Giúp cho họ là một niềm vui vì nó sẽ mang đến hiệu quả trong sản xuất và cuộc sống tốt đẹp của gia đình họ. Để có thêm thu nhập từ khi lập gia đình, Vượng nhận lời dạy Anh ngữ cho vài trung tâm vào buổi tối. Thu nhập dạy thêm có lẽ nhiều gấp bốn lần lương của một nhà khoa học! Chẳng ra sao cả! Sự đố kỵ vẫn diễn ra với nhiều cách khác nhau. Những người ngoài ấy chuyển vào có bằng thạc sĩ (cao học) nội địa về khoa học lại là đảng viên chưa có lấy một công trình khoa học nào có giá trị thực tiễn được bố trí giữ chức phó hoặc trưởng khoa có quyền đề ra những phương án cho cấp dưới làm việc. Vượng thấy rõ sự yếu kém của họ. Làm thế nào một anh trình độ cao học nội địa lại chỉ huy anh có bằng tiến sĩ của nước ngoài với nhiều lỗ hổng về chuyên môn khi bước vào công việc nghiên cứu!. Vượng cũng nghe câu chuyện từ một người bà con có chức vị là giáo sư viện sĩ về công nghệ thông tin ở một đại học danh tiếng của Canada vì "yêu nước" và "nhẹ dạ" đã nghe lời khuyến dụ từ bỏ quốc tịch Canada về Hà Nội để giúp nhà nước chế tạo vệ tinh truyền thông. Khi về nước, ông được giới thiệu hơn mười người có trình độ cho việc làm vệ tinh. Nhưng khi tiếp xúc và nghe họ trình bày những hiểu biết về công nghệ thông tin trong việc chế tạo vệ tinh, ông ấy đã sửng sốt vì họ quá kém cỏi trong nhiều lĩnh vực. Ông thất vọng vì không thể nào có những cộng sự như thế. Ông báo cho cấp trên về tình hình nhân sự . Để che dấu cái mà ông viện sĩ gọi là cái dốt, họ báo cáo ngược lại là ông không thiết tha việc chế tạo vệ tinh. Họ đưa ra giải pháp xin mua vệ tinh thông tin của một hãng lớn của Mỹ cho tiện và có tiền lót tay phần trăm bên trong việc giao dịch! Vậy là họ thoát khỏi việc "chế tạo" mà vẫn giữ thể diện là "nhà khoa học". Ông giáo sư viện sĩ buồn bực và không còn con đường trở về Canada nữa, đành vào Sài Gòn dạy tại một đại học quốc tế do Úc đầu tư! Đó là một trong những bài học cay đắng dành cho những người trí thức không hiểu gì về thực trạng đang xảy ra trong nước. Làm khoa học không phải là làm hành chính và đòi hỏi tư cách "chính trị" mà cốt ở trình độ chuyên môn đích thực, tài năng đích thực nhưng ở Việt Nam lại ngược lại! Sự gian dối, lập lờ, phe cánh, quyền lợi đủ thứ đã đưa đất nước này vào ngõ cụt! Những người còn có ít nhiều liêm sỉ, "đàng hoàng tử tế" làm sao sống chung yên ổn với bọn sâu dân mọt nước và những kẻ bằng cấp, học vị đầy mình nhưng thực tài chẳng ra chi!

Những va chạm trong các buổi trao đổi chuyên môn của khoa sinh học Viện Hạt Nhân cứ xoay quanh những chỉ thị không sát với các đề tài cần nghiên cứu và sự mặc cảm về khả năng cùng trình độ chuyên môn đã làm cho Vượng hết sức mệt mỏi, Trong việc nâng bậc lương, giám đốc viện yêu cầu Vượng dịch ra tiếng Việt luận án tiến sĩ được chứng nhận của một viện đại học lớn của Nhật Bản để viện ra quyết định "công nhận bằng tiến sĩ" của Vượng hầu bố trí công việc và nâng bậc lương!! Vượng nhận ra ngay thái độ quan liêu, cửa quyền của tay viện trưởng. Mấy hôm sau, Vượng đem mấy thùng giấy đến văn phòng viện trưởng gồm bản photocopy luận án và tất cả các đề tài phụ khác. Vượng nói:

- Anh là viện trưởng một viện nghiên cứu lớn của Việt Nam nên chắc là có khả năng để đọc Anh ngữ. Tôi khỏi mất công dịch ra tiếng Việt vì không cần thiết trừ khi để đem xuất bản như là một tác phẩm khoa học. Vậy anh cứ bình tĩnh và thong thả đọc đi!                                 

Tay viện trưởng mặt như tái lại chẳng nói chẳng rằng! Vượng cũng mặc kệ chào anh ta ra về.

Qua tuần sau, viện ra quyết định chỉ công nhận bằng cử nhân sinh học của Vượng để định mức lương. Bạn bè của Vượng thấy ngay đây là một trò chơi bẩn thỉu chỉ có được từ những suy nghĩ nhỏ nhoi, tị hiềm, hống hách của những kẻ cán bộ đi làm chuyện khoa học và chẳng hề quan tâm đến khả năng chuyên môn và sử dụng nhân sự! Chuyện này hầu như có mặt khắp nước! Một số đồng nghiệp của Vượng cũng đi nước ngoài theo các học bổng và hoàn tất tiến sĩ trở về chịu khó "nghe lời" quan trên nên được "công nhận" dễ dàng văn bằng của mình là tiến sĩ mặc dù tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng của Anh, Mỹ, Pháp, Nhật... v.v... Đây là cách công nhận "không giống ai" của đất nước này. Họ tự đặt mình cao hơn những giáo sư của các trường đại học danh tiếng và "tự sướng" là mình có quyền thưởng phạt trong tay!

Vượng bây giờ không còn thấy chuyện nghiên cứu là một đam mê đem lại nguồn vui cho mình. Bên trên giao việc khảo cứu gì thì Vượng làm và hoàn tất với lòng tự trọng của mình. Vượng nhìn những tay lãnh đạo đúng nghĩa với từ cán bộ! Làm khoa học cho đúng đắn hãy để cho những người có chuyên môn thực sự đảm nhận. Biết bao giờ đất nước này "cất cánh" đây! Một khi không còn hứng thú làm việc Vượng như thấy trống rỗng, mất đi động cơ làm việc! Đành phải sống giả cho qua ngày!

o0o

Vợ của Vượng bắt đầu có cháu đầu. Tiền dạy thêm Anh ngữ đủ để lo thêm cho các nhu cầu của cháu nhỏ, Vượng và nhiều người trong xã hội này sống được không nhờ vào đồng lương. Cái khác nhau giữa những người như Vượng với những kẻ làm việc công, có chức quyền để mưu cầu tư lợi, vun quén tài sản bằng vào tiền nhà nước, tham nhũng, hối lộ vẽ vời dự án. v.v… với nhiều chiêu trò! Để giữ tròn sự trong sạch cho lương tâm trong xã hội ma quỷ này là một việc khó. Cái xấu xa, cái ác, quyền lợi cá nhân... v.v... chi phối mọi khe ngách của cuộc sống. Làm người để sống sao cho "có một tấm lòng" hay "đàng hoàng tử tế" theo cách gọi thời thượng của một nhạc sĩ khó làm sao! Những giá trị về đạo đức bị đổi trắng thay đen, lương tâm con người bị xói mòn chẳng còn gì! Suy nghĩ của Vượng không phải bi quan mà là từ thực tế xã hội. Biết làm sao bây giờ?! Rồi thời gian cứ dần trôi. Vượng có thêm nhiều thành quả tốt trong nghiên cứu được ghi chép cẩn thận rồi lại cất đi chờ có dịp đem ra sử dụng.

Thỉnh thoảng ban lãnh đạo yêu cầu nộp đề tài để "thi đua", Vượng chỉ lấy một đề tài đã làm bấy lâu nay đem nạp gọi là "hưởng ứng thi đua" cho có lệ. Các đồng nghiệp trẻ cũng như một số đàn anh đều khen ngợi tính khoa học và thực tiễn của đề tài. Họ hỏi Vượng xem đây có phải là đề tài mới không và họ chỉ thấy Vượng cười nhẹ! Thực ra, từ khi xong việc hệ thống hóa các công trình làm từ Ý để được cấp văn bằng tiến sĩ của Nhật Bản- đúng nghĩa là thế-Vượng đã có thêm hơn hai mươi công trình khảo cứu có thể áp dụng tốt vào thực tiễn. Nhưng trong cái xã hội có nhiều sự đố kỵ, ganh ghét Vượng đã tránh sự phô bày không cần thiết vì thói đời của nhiều người chung quanh sẽ làm phương hại công việc và sự yên ổn của Vượng. Vượng sống như cái bóng mờ lặng lẽ "cho qua cơn mê này" như lời của một bài hát thuở nào!

Thấp thoáng đã trên mười năm từ khi từ Nhật về lại Viện Nghiên cứu Hạt nhân, Vượng trông già dặn hơn, ít tranh luận hơn khi họp hành, Vượng chỉ nghe họ nói đủ thứ, bày vẽ đủ kiểu nhưng "thành quả lao động" không đem lại hiệu quả kinh tế bao nhiêu!. Trong viện chỉ có khoa sản xuất phóng xạ đồng vị là đạt "chỉ tiêu" về tài chánh khi cung cấp phóng xạ đồng vị cho nhiều bệnh viện khắp nước. Và hình như tất cả nỗ lực chính đều dồn cho khoa này nhất là khi có những dự án về nhà máy điện nguyên tử đang chuẩn bị rất cần đến nhân sự biết sử dụng kỹ thuật hạt nhân.....

Dương Anh Sơn

(Mời xem tiếp phần 2 lần đến)  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét