Những người làm vườn hàng ngày có điểm số hạnh phúc cao hơn 6,6% và mức độ căng thẳng thấp hơn 4,2% so với người không làm vườn. Đó là kết quả nghiên cứu mới đây của Hiệp hội làm vườn hoàng gia Anh (RHS) phối hợp giữa đại học The University of Sheffield (Anh quốc) với đại học University of Virginia. Nghiên cứu khẳng định, chỉ làm vườn hai đến ba lần một tuần cũng giúp bạn có sức khỏe tốt hơn và giảm mức độ căng thẳng đáng kể. Theo Belfast Telegraph.
Tiến sĩ Lauriane Chalmin-Pui của RHS cho biết: “Đây là lần đầu tiên tác dụng của việc làm vườn được thử nghiệm cụ thể. Các bằng chứng cho thấy bạn làm vườn càng thường xuyên thì lợi ích sức khỏe càng lớn. Tác dụng này cũng giống như việc tập thể dục thường xuyên và không hề kém đạp xe hoặc chạy bộ.”
Những người đã dành hàng giờ để trồng cây lâu năm ắt hẳn sẽ rất vui mừng khi biết làm vườn được xem là một hình thức tập thể dục với cường độ vừa phải. Lợi ích của việc làm vườn thật sự đáng chú ý khi trong một giờ làm vườn, bạn có thể đốt cháy khoảng 330 calorie – nhiều hơn mức calorie bị đốt cháy khi đi bộ với tốc độ vừa phải trong cùng khoảng thời gian. Theo một nghiên cứu năm 2013 trên Tạp chí Sức khỏe Cộng đồng Hoa Kỳ, đàn ông và phụ nữ tham gia chương trình làm vườn cộng đồng có chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) thấp hơn đáng kể so với hàng xóm của họ – những người không tham gia chương trình.
Một lợi ích nữa của việc làm vườn liên quan đến thể chất, là tình trạng cao huyết áp có thể được ngăn ngừa và kiểm soát. Thực tế, bạn có thể làm vườn, hoặc chỉ cần gom hết lá trong vườn, chừng 30-45 phút là đủ thời lượng và mức độ hoạt động để nâng cao sức khỏe thể chất của bạn. Khi ở ngoài trời, da bạn tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thúc đẩy cơ thể tổng hợp vitamin D. Vitamin D này, cũng có trong cá, sữa, lại giúp cơ thể bạn hấp thụ calci – khoáng chất rất cần thiết cho sự hình thành xương. Theo The Healthy.
Tiến sĩ Chalmin-Pui giải thích: “Khi làm vườn, bộ não của chúng ta dễ dàng bị phân tâm bởi môi trường thiên nhiên xung quanh. Điều này chuyển sự tập trung của chúng ta thoát khỏi những căng thẳng, phục hồi tâm trí và giảm cảm giác tiêu cực.”
Trên thực tế, khi làm vườn, cơ thể con người có cơ hội tiếp xúc với M. vaccae (Mycobacterium vaccae) – một loại vi khuẩn lành mạnh sống trong đất. Vi khuẩn này có thể làm tăng mức serotonin – chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào việc điều chỉnh tâm trạng cho đến thúc đẩy quá trình tiêu hóa – và giảm lo lắng.
Theo một phân tích tổng hợp năm 2017, làm vườn có mối tương quan tích cực với giảm thiểu các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Trên thực tế, một số bệnh viện thậm chí còn áp dụng hoạt động trồng cây và cắm hoa như một liệu pháp phục hồi chức năng cho những người vừa trải qua chấn thương, đột quỵ, phẫu thuật để giúp bệnh nhân tái tạo cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Phương pháp này không chỉ giúp mọi người học được cách kiểm soát tình huống, mà còn cả kỹ năng giúp họ xây dựng niềm tin vào bản thân cùng thái độ tích cực bên trong. Hoạt động chăm sóc một thứ gì đó khiến họ cảm nhận được giá trị bản thân, và đây quả thực là bước khởi đầu tốt của quá trình hồi phục.
Những lợi ích này không chỉ gói gọn bên trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngày nay ai cũng bận rộn. Có quá nhiều áp lực gây căng thẳng cùng nhiều thiết bị điện tử ở khắp mọi nơi. Người ta cần được nghỉ ngơi và thiên nhiên tạo ra môi trường để con người được tĩnh dưỡng hoàn toàn. Ngoài ra, làm vườn có những lợi ích đặc biệt cho trẻ em. Tiếp xúc sớm với bụi bẩn giúp giảm dị ứng hay các bệnh tự miễn dịch.
Làm vườn mang lại nhiều lợi ích về tinh thần và thể chất, mà nếu biết tận dụng khu vườn nhà thành nơi trồng cây ăn trái, rau xanh, lại còn cải thiện được bữa ăn của gia đình. Tất nhiên, làm việc gì cũng cần có niềm say mê. Nếu chưa thật sự “mê” bạn hãy cứ thử. Có niềm tin và sự kiên trì là có tất cả. Và thời gian sẽ đem lại những lợi ích không ngờ cho những người biết yêu thương bản thân mình qua việc làm vườn. Hãy thử xem, bạn nhé! (Đ.T)
Saigon Nhỏ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét