Sau giờ cơm mỗi buổi chiều, tôi vẫn có thói quen ngồi thưởng thức ly cà phê đen nóng trước khi lấy xe đạp đi qua phía bờ sông sát công viên cách nhà khoảng hơn cây số để đi bộ vào đầu mỗi tối.
Dựng xe đạp bên hàng rào chắn của công viên, tôi bắt đầu đi bộ qua một chiếc cầu dành cho người đi bộ sang phía bờ bên kia. Không khí mát mẻ và trong lành khiến cho những mệt nhọc trong ngày như tan biến. Tôi đi rảo bước theo hơi thở dọc con đường dành cho người đi bộ uốn cong theo hồ nước long lanh in những dãy nhà cao tầng lấp lánh ánh đèn trên mặt hồ. Bốn dãy nhà với lối kiến trúc khác nhau nhưng hòa hài cũng uốn cong hình cung theo con đường dọc hồ.
Ngày tháng cứ thế dần qua. Nhưng mấy tháng nay đi ngang tôi không thấy chàng trai đó ở vị trí quen thuộc đầu ngẩng lên. Tôi vẫn nhớ gương mặt hiền với đôi mắt sáng trên tấm thân gầy guộc, hai tay hai chân quặt quẹo do căn bệnh bại liệt từ thuở chào đời. Đó là một chàng trai ăn nói từ tốn, lễ phép và nhất là nụ cười nhẹ, tươi tắn trên khuôn mặt... Tôi tự hỏi không biết chàng trai này đã gặp chuyện gì chăng?
Bẵng đi một thời gian sáu bảy tháng, một buổi tối đạp xe về qua giao lộ, tôi lại gặp em vẫn nằm ngẩng đầu ở vị trí quen thuộc. Tôi vui mừng gặp lại em.
Nói xong, chàng trai trẻ lại nở nụ cười hiền tự tin. Tôi thấy trong đôi mắt vui vẻ ấy rõ ràng không có những gợn buồn lăn tăn! Những ái ngại của tôi về cuộc sống của em không hẳn là tan biến nhưng từ nụ cười thanh thản lạ thường của một người còn trẻ tàn tật, sống rất nghèo và an phận đã cho tôi một bài học lớn . Em đã thấu hiểu và trực nhận định nghiệp, em đã nhận ra số mệnh một cách giản dị nhưng sâu lắng không cần sách vở!. Những sự chăm chú học tập người xưa về cách sống, về ý nghĩa cuộc đời theo sách vở, chỉ một câu nói của chàng trai trẻ tật nguyền đã trở thành một tia sáng soi rọi những suy nghĩ của mình...
Ngày còn cắp sách đi học ở giảng đường, các bậc thầy đáng kính của chúng tôi như Thầy Lương Kim Định, Thầy Cao Hữu Hoành, Thầy Giản Chi Nguyễn Hữu Văn... v.v... dạy Triết học Đông phương vẫn thường nhắc đến câu nói thời danh của Khổng Tử: "Bất oán thiên, bất vưu nhân, hạ học nhi thượng đạt. Tri ngã giả kỳ thiên hồ" (Không oán giận trời, không trách hận người, học từ bên dưới để đạt đến cái cao hơn. Biết ta chăng chỉ có trời). Tôi đã học từ em về sự an lạc không cần đến sách vở. Em đã có mặt trong cuộc đời, em đã sống côi cút và lớn lên. Em đã sống và em đã nhìn cuộc đời thanh thản, an lạc theo cách của em bỏ qua con đường sách vở...
Hơn mấy tháng nay em lại không có mặt ở giao lộ với những dòng xe xuôi ngược. Mỗi tối đi ngang qua đó, tôi như vẫn thấy đôi con mắt trong trẻo bình thản và nụ cười sáng rỡ từ chiếc đầu ngẩng cao của em.
Saigon, 9/2015
Dương Anh Sơn
[*] Lời Khổng Tử khi than với đệ tử là Tử Cống trong Luận Ngữ, chương 14: Hiến vấn, câu 37: 子曰 :不怨天,不尤人下學而上 逹 ,知 我 者 其 天 乎 (Tử viết: bất oán thiên, bất vưu nhân,hạ học nhi thượng đạt, tri ngã giả kỳ thiên hồ). Rất nhiều sách báo đã chuyển dịch sai ý của câu nói của Khổng Tử. Chữ đạt 逹 nhiều trang viết ghi sai là 躂....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét