Thứ Hai, 24 tháng 5, 2021

Những Ảnh Hưởng Của Trung Hoa... Phần 5

 


Tiểu Luận - NHỮNG ẢNH HƯỞNG CỦA TRUNG HOA ĐỐI VỚI TINH THẦN TỰ CHỦ CỦA ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC VIỆT NAM 
Thầy Dương Anh Sơn

PHẦN 5: 

Những Ảnh Hưởng Từ Tôn Giáo, Giáo Dục Thi Cử, Phong Tục, Lễ Hội, Văn Hóa… V.V… Của Trung Hoa Đối Với Đất Nước Việt Nam

Trong những phần trên đây, chúng ta đã điểm qua những nét chính trong chính sách đồng hóa của thế lực phương bắc đối với dân tộc ta qua những chặng đường lịch sử từ khi hình thành đất nước cho đến thế kỷ 14-15, từ thời Bắc thuộc cho đến khi đất nước bước sang thời tự chủ và đến thời kỳ giặc Minh xâm chiếm nước ta. Chúng ta bỏ qua thời kỳ xâm lược của quân Nguyên Mông vì thời nhà Trần là thời đại mà tinh thần giữ gìn nền tự chủ đất nước rất mạnh mẽ thể hiện ở quyết tâm cao độ trong việc bảo vệ đất nước của vua tôi nhà Trần trước gót chân xâm lược của quân Mông Cổ mà nhiều sử gia ví von rằng "quân Mông Cổ đi đến đâu cỏ không mọc nổi tới đó". Đó là một đế quốc hùng cường với đoàn quân thiện chiến đã chinh phục từ đông sang tây và  đã làm chủ nước Trung Hoa. Quân Mông Cổ bao gồm nhiều bộ tộc thiện chiến mạnh gấp cả trăm lần binh đội nhà Trần dưới sự lãnh đạo của Hốt Tất Liệt ,cháu nội của Thành Cát Tư Hãn đã chiếm giữ Trung Hoa ,lập ra nhà Nguyên trở thành hoàng đế Trung Hoa không phải người Hán nhưng đã thất bại trong kế hoạch xâm lược nước ta.Thời nhà Trần ,nước ta vẫn giữ được bờ cõi và sự tự chủ  sau những lần đánh bại quân Nguyên Mông hung hãn do con của Hốt tất Liệt là Thoát Hoan tiến đánh Đại Việt  ba lần vào năm 1285, 1287, 1288!      

Những thời kỳ Bắc thuộc trước đó với các triều đại Trung Hoa đã có những ảnh hưởng tác động lên những khía cạnh như tôn giáo, văn hóa giáo dục, phong tục tập quán, kinh tế chính trị... v.v... kéo dài suốt trên hai ngàn năm nay. Mặt khác, chúng ta cũng nên nhìn nhận rằng dân tộc Việt trước và trong khi bị Bắc thuộc không thể nào tránh khỏi sự giao thoa, trộn lẫn qua lại về mặt chủng tộc và dẫn đến việc chịu ảnh hưởng nhiều phương diện. Tác giả Lương Đức Thiệp (cùng thời với các học giả nổi tiếng như Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim…v. v...) đã nhận xét: " Thật vậy, suốt qua lịch sử, bao nhiêu cơ hội đã dồn dập, dân tộc Hán và dân tộc Việt Nam phá bỏ biên cương để cùng giao hòa dòng máu. Cuộc va chạm về chính trị khi ôn hòa, khi dữ dội trải bao thế kỷ đô hộ và giao thông cùng tinh thần chủng tộc vẫn không ngăn được sự pha trộn liên miên giữa hai dòng máu chính...." (XHVN, sđd tr. 17)). Cùng một ý kiến như thế, sử gia Trần Trọng Kim đã nhận xét: "Dẫu người mình thuộc về chủng loại nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai trị hàng hơn một ngàn năm, lại có khi đem sang nước ta hơn bốn mươi vạn binh, chắc là nòi giống cũ của mình cũng đã lai đi nhiều rồi, mới thành ra người Việt Nam ngày nay " (VNSL, sđd, tr. 17). Sức mạnh đồng hóa của Hán tộc hay còn gọi là công cuộc Hán hóa đã biến cải, hòa trộn nhiều bộ tộc phía tây và tây bắc các thời trước và sau nhà Tần trở thành người Hán. Thế kỷ 16, 17 bộ tộc Mãn Thanh xâm chiếm Trung Hoa nhưng rồi cũng bị sức mạnh đồng hóa của người Hán làm biến đổi hoàn toàn ! Vậy thì đâu là bản sắc của con dân nước Việt được duy trì để thành hình một nước Việt Nam còn tồn tại ở một vùng trời Đông Nam Á bên cạnh một nước Trung Hoa to lớn luôn nuôi giấc mộng xâm lăng, thống trị thiên hạ ?! Chắc chắn là chính nhờ tinh thần yêu chuộng tinh thần tự chủ, độc lập cho nước Nam đã giúp cho tộc Việt và những con dân không phải là người gốc Việt sinh sống trên vùng đất Lĩnh Nam hơn hai ngàn năm trước đây có được động lực để đứng lên chống lại bọn xâm lược Trung Hoa, Nguyên Mông... v..v... mấy ngàn năm trước và thực dân, đế quốc trong những thập niên của thế kỷ 19, 20 về sau. (1). Trong những chương tiếp theo của phần 5 này, chúng ta lần lượt tìm hiểu khái quát những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực của đời sống văn hóa, chính trị Trung Hoa đã tác động như thế nào đối với đời sống tôn giáo, văn hóa giáo dục, phong tục tập quán, kinh tế chính trị.. v.. v.. của dân tộc ta từ xưa đến nay.

Chương 1: Khái quát những ảnh hưởng tôn giáo từ phương bắc.

Trải qua hơn cả ngàn năm Bắc thuộc, mặc dầu có sự pha trộn về chủng tộc giữa người Việt cổ và người Hán cũng như các bộ tộc chung quanh nhưng bản sắc hình thành người dân Việt (nghĩa là những người sinh sống lâu dài và gắn bó với đất nước này bao gồm nhiều chủng tộc, trong đó tộc Việt chiếm phần lớn ! ) với tinh thần luôn mong muốn thoát khỏi ách cai trị của ngoại bang khiến cho chúng ta vẫn không bị đồng hóa. Nhưng trong các mối tương giao đã qua cả ngàn năm bị lệ thuộc phương bắc, những hình thức tôn giáo đầu tiên còn sơ khai mang hình thức tín ngưỡng dân gian cổ xưa như tin vào trời đất, thần quỷ, bói toán.. v...v...của người Việt đã biết thêm những hình thức tôn giáo mới như đạo Phật, Nho giáo, Lão giáo... v.v... du nhập từ phương Bắc vào nước ta.  

1/- Phật giáo là tôn giáo chính đã du nhập vào nước ta từ hơn hai ngàn năm nay, truyền bá những tôn chỉ và lời dạy của đức Thích Ca Mâu Ni đã có nhiều đóng góp cho sự hình thành đạo đức chính trị của những triều đại tự chủ như nhà Đinh, nhà Tiền Lê, nhà Lý, nhà Trần......Xem xét những tài liệu của Phật giáo, chúng ta đã thấy đạo Phật đã được truyền bá theo nhiều con đường từ tây sang đông, từ Ấn Độ sang Trung Hoa và các vùng đất phía nam như Phù Nam, Miến Điện, Chân Lạp, Lào, Thái, Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ lấy mốc điểm từ thời nhà Hán (trước và sau TL). Trung tâm Luy Lâu tức Long Biên (Hà Nội) ở Lĩnh Nam mà người Hán gọi là Giao Chỉ, Giao Châu có thể xem là một trung tâm có rất sớm quy tụ nhiều du tăng Ấn Độ sang truyền bá đạo Phật, cùng với người đồng hương của họ sang buôn bán (ĐVSKTT, q. 1 sđd, tr. 124). Nhiều sử liệu cho thấy đạo Phật truyền vào nước ta ban sơ là từ Ấn Độ qua trung tâm Luy Lâu (2). Còn bên Trung Hoa, trung tâm Phật giáo ở Lạc Dương (nay thuộc Hà Nam) và Bành Thành (nay thuộc Giang Tô) được xem là hai cái nôi chính cho sự truyền bá đạo Phật vào Trung Hoa. Nhờ vị trí địa lý thuận tiện cho thuyền bè từ Ấn Độ sang nên các vùng đất Lĩnh Nam của người Việt là nơi ghé chân của các du tăng cũng như các đoàn thương nhân trước khi đi lên phương Bắc. Theo Cao Tăng Truyện (3), Khương Tăng Hội là một trong những tăng sĩ đầu tiên của Phật giáo Giao Châu. Ông là người có cha mẹ gốc gác bên Ấn Độ qua Giao Châu buôn bán và sinh ra ông. Do đó ông lớn lên ở nước ta rồi khi xuất gia ông dùng khả năng biết tiếng Phạn, tiếng Việt và tiếng Hán để dịch kinh tạng từ chữ Phạn sang tiếng Hán là ngôn ngữ chính dùng trong chùa chiền ở Giao Châu của người Việt. Cuốn Lục Độ Tập Kinh theo một số nghiên cứu (như Gs Nguyễn Lang, Gs Lê Mạnh Thát...v.. v...) do ông soạn khi còn ở Lĩnh Nam (khoảng 251 STL), trước khi sang Trung Hoa truyền đạo chắc chắn phải dùng chữ Hán. Cuốn Mâu Tử Lý Hoặc Luận (những lý luận để làm rõ những mối nghi hoặc của Mâu Tử) và cuốn Đệ Tứ Thập Nhị Chương giảng giải phổ thông đạo Phật cũng được nhiều tác giả cho là ra đời tại vùng Lĩnh Nam nước ta (4). Cuốn sách quan trọng về các cao tăng Phật giáo Việt Nam là Thiền Uyển Tập Anh, theo Gs Lê Mạnh Thát, được viết vào khoảng 1228 thời nhà Trần (NCVTUTA, sđd. tr. 61) soạn bằng chữ Hán dù chữ Nôm đã thành hình và khá phổ biến với những tác phẩm văn Nôm của Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An... v.v... (xem P.V.Diêu, VHVN, sđd, tr. 354, 355, 356). Gs Nguyễn Lang (tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh) lại cho rằng nó được viết từ 1216 trở về trước (VNPGSL, sđd, tr. 99). Nhưng vấn đề chúng ta cần lưu ý là dầu cho Phật giáo vào Giao Châu trước tiên sau đó tiến lên phương Bắc là Trung Hoa nhưng khi truyền bá trong phạm vi  ở Lĩnh Nam với những kinh điển được sử dụng trong các chùa chiền ở Giao Châu đều dùng tiếng Hán và tiếng Phạn. Việc sử dụng tiếng Hán lại được đẩy mạnh trong các thời kỳ Bắc thuộc và trở thành ngôn ngữ chính trong khi phổ biến đạo Phật và giảng pháp. Tình trạng này kéo dài mãi từ các thời kỳ Bắc thuộc qua đến thời tự chủ và cho đến khi chữ Việt có nguồn gốc La tinh được các nhà truyền giáo Ki Tô soạn ra từ thế kỷ 17, 18 càng ngày càng hoàn thiện nhưng chữ Hán đến giờ vẫn còn được sử dụng khá thông dụng trong các chùa chiền, tự viện. Vả lại, cả ngàn năm bị lệ thuộc phương Bắc biết bao sách vở, kinh kệ Phật giáo Trung Hoa đã được đưa vào nước ta. Thời nhà Lý, đạo Phật được tôn sùng, năm 1018, Lý Thái Tổ sai Nguyễn Đạo Thanh và Phạm Hạc qua Trung Hoa thỉnh kinh Tam Tạng về để nghiên cứu. Rồi năm 1081, lại cử Lương Dũng Luật sang Tống thỉnh kinh Đại tạng. Phật giáo đại thừa của Trung Hoa trở thành nền tảng của các hệ phái Phật giáo Việt Nam tuy có đường lối dân tộc hơn nhưng vẫn mang nhiều sắc thái ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc học tập kinh sách và hành lễ.! Ngoài lĩnh vực tôn giáo, việc sử dụng tiếng Hán trong giao tiếp hành chính, trong giáo dục, trong văn học nghệ thuật và trong việc truyền bá đạo Phật đã là một trong những nguyên nhân làm cho nước ta chịu ảnh hưởng sâu đậm và lâu dài từ nền văn hóa Trung Hoa. Trong phần 4 bên trên chúng ta cũng đề cập đến tội ác của nhà Minh Trung Hoa khi xâm lược nước ta đã cho thu thập những kinh sách do người Việt soạn đem về Trung Hoa và đem những kinh  sách Phật giáo, Nho giáo...v.v... do người Trung Hoa soạn sang thay thế. Đó là một trong những cách thức đồng hóa của phương Bắc!

Tuy nhiên, Phật giáo là tôn giáo chính được truyền vào nước ta từ lâu, về sau đã giúp củng cố nền tự chủ dân tộc nhất là vào các triều nhà Lý, nhà Trần. Ngoài con đường truyền bá ở phía nam từ đường biển bên Ấn Độ qua, con đường truyền bá phía bắc mới thực sự làm cho Phật giáo phát triển trong suốt hơn mười lăm thế kỷ cho đến khi người Pháp bắt đầu sang xâm chiếm nước ta làm thuộc địa. Nhìn chung những tác phẩm quan trọng của Phật giáo nước ta như Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Lý Hoặc Luận...v.. v.. được nhiều giả thuyết cho rằng được biên soạn từ trung tâm Luy Lâu bằng chữ Hán, Thiền Uyển Tập Anh được soạn tại nước ta vào thời nhà Trần cũng bằng chữ Hán. Cho nên, nếu chúng ta đi từ bắc chí nam, những chùa đình lâu đời phía bắc, những chùa đình phát triển về sau ở phía nam chữ Hán vẫn là nền tảng trong tất cả kinh kệ, chạm khắc câu đối, kinh kệ.... Trừ các nhà Nho, các sư tăng đã học chữ Hán từ nhỏ, không phải ai cũng rành rẻ tiếng Hán để nghiên cứu, đọc hiểu kinh kệ hay các câu đối khắp các chùa chiền. Ngay cả các thành quách như di tích hoàng thành hay Văn miếu Thăng Long, Hà Nội, hoàng thành và các lăng tẩm danh tiếng về sau ở Huế cũng sử dụng chữ Hán để ghi khắc. Nền tảng căn bản để nghiên cứu Phật học Việt Nam trải qua một chặng đường dài dựa trên chữ Hán theo những hình thức của Phật giáo bên Trung Hoa. Sự thâm nhập, vay mượn những tinh hoa của đạo Phật Trung Hoa thông qua việc tìm hiểu bằng chữ Hán là điều cần thiết để học hỏi, nghiên cứu. Nhưng khi quá lệ thuộc vào chữ Hán cũng như rập khuôn những điều dạy bảo từ Hán tạng hoặc nghi lễ Phật giáo Trung Hoa sẽ làm mất đi những độc đáo của đạo Phật của người Việt. May mắn cho đạo Phật nước ta vào những thời kỳ tự chủ vững vàng như thời nhà Lý và nhà Trần, Phật giáo tuy vẫn chịu ảnh hưởng nhiều từ Trung Hoa nhất là phần kinh tạng nhưng đã có con đường đi riêng gắn liền với vận mạng dân tộc. Đạo Phật đã dung hợp được với Nho giáo và Lão giáo cũng được du nhập và đang phát triển trong nước (xem VNPGSL, sđd, tr. 199, 211, 259). Trúc Lâm Yên Tử là hệ phái có nguồn gốc từ phái Trúc Lâm bên Trung Hoa nhưng khi ra đời vào đầu thế kỷ 13 do thiền sư Hiện Quang xây dựng ở chùa Hoa Yên, vùng núi Yên Tử (nằm giáp ranh hai tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh) vẫn tiếp nối truyền thống thiền của các cao tổ đi trước như Vô Ngôn Thông, Thường Chiếu.. v.. v.. nhưng nó đã cho chúng ta nhận thấy dấu ấn sự kết hợp song suốt giữa đạo và đời, giữa đạo Phật và dân tộc. Thiền Tông Chỉ Nam của vua Trần Thái Tông (1218-1277, xuất gia từ Trúc Lâm Yên Tử) là cuốn sách cho thấy đạo Phật thời Trần khác xa với đạo Phật du nhập từ Trung Hoa. Quốc sư Trúc Lâm luôn đề cao tinh thần nhập thế của đạo Phật: ngài từng nhắc nhở vua Trần Thái Tông khi ông có ý định bỏ ngôi để lên Yên Tử tu học :" Đã làm vua thì không còn có thể theo ý thích của mình được nữa, phải lấy lòng dân làm lòng của mình..." (VNPGSL, sđd, tr.229). Chính nhờ thế, Trần Thái Tông đã cùng toàn dân lo đối phó với giặc Mông Cổ, nhưng khi rảnh rỗi vẫn để tâm nghiên cứu kinh điển nhà Phật. Đó là một đạo Phật giàu chất sống, đặt sự tồn vong của dân tộc lên hàng đầu vì nếu nước nhà bị xâm lược, Phật giáo cũng bị tiêu vong! Cho nên, một triều đại tự chủ sẽ có tôn giáo phát sinh từ tinh thần tự chủ ấy. Phật giáo đời Trần từng bước đi theo con đường của dân tộc nhất là khi bị giặc Nguyên Mông đe dọa vận mệnh đất nước. Đạo Phật thời Trần quả là rất giàu sức sống để hình thành một đạo Phật đậm chất dân tộc, thoát khỏi một phần nào ảnh hưởng đạo Phật từ Trung Hoa truyền sang, thông qua kinh sách bằng chữ Hán và đóng góp tích cực cho việc giữ gìn sự tự chủ của đất nước. Một trong những đặc điểm mà chúng ta cần lưu ý khi tìm hiểu về sự phát triển của đạo Phật Việt Nam từ khởi thủy đến nay. Từ sự du nhập đạo Phật vào Giao Châu cho đến những thời kỳ đất nước tự chủ, Phật giáo lúc ban sơ tuy có sự giúp đỡ của triều đình như thời nhà Đinh, Tiền Lê, nhà Trần hay nhà Lý nhưng các triều đình này chưa bao giờ xem Phật giáo như là một tôn giáo phải trói buộc vào triều đình. Vua Đinh Tiên Hoàng phong cho sư Ngô Chân Lưu làm tăng thống (971) chỉ để có người đức độ, tinh thông kinh điển đứng đầu coi sóc Phật giáo đang càng ngày càng phát triển. Chức vụ đó là để điều hành Phật giáo chứ triều đình không can thiệp, nhất là chi phối, kiểm soát việc hành đạo của chư tăng. Chức Quốc sư hay Tăng thống để chỉ người lãnh đạo tinh thần cao nhất của Phật giáo, là người làm thầy cho triều đình và dân chúng! Triều đình tôn trọng đức hạnh và sở học về đạo pháp của các sư tăng trong việc cố vấn các vấn đề lớn nhỏ của đất nước. Cho nên, sư Vạn Hạnh khi nhận thấy triều đình nhà Lê suy thoái, ngoại bang dòm ngó đã cùng quần thần bàn bạc  đưa Lý Công Uẩn lên ngôi và dời kinh đô ra thành Đại La, sau đổi tên là Thăng Long. Triều đình thời nhà Lý giúp đỡ Phật giáo phát triển nhưng ít nhiều cũng làm tốn hao công quỹ và sức lực dân chúng nhất là khi Lý Thái Tổ cho xây dựng nhiều cung điện và chùa chiền ở Thăng Long (xem lời bàn của Lê Văn Hưu, ĐVSKTT, sđd, q. 1, tr. 260-261). Nhưng khi nhận thấy những tệ trạng trong giới sư tăng, vua Lý Cao tông đã cho khảo hạch đức độ và sự tu học của họ. Phật giáo bấy giờ là quốc giáo, các vua cũng theo đuổi nghiên cứu đạo Phật nên không thể để đạo Phật suy thoái và có nhiều kẻ lợi dụng thiền môn để làm những điều rối đạo! Sự chấn chỉnh như thế rất cần thiết để hỗ trợ cho đạo pháp được tốt đẹp. Sau thời Ngô Quyền dựng nên thời đại tự chủ (936), các triều đình tiếp theo đã cùng với các nhà sư ưu tú đã xây dựng một đạo Phật chân chính gắn bó với dân tộc và đất nước. Tinh thần tự chủ cũng là con đường giúp cho việc mở mang đạo Phật theo đúng tinh thần và lời dạy của đức Thích Ca xưa kia luôn đề cao tinh thần tự mình giác ngộ chân lý ! Các quốc sư như sư Khuông Việt (Ngô Chân Lưu, 971), sư Vạn Hạnh, sư Không Lộ, sư Thông Biện, sư Viên Chiếu, quốc sư Trúc Lâm.. v.. v...luôn luôn được trao đổi ý kiến với các vua cầm quyền khi giải quyết những vấn đề lớn của đất nước trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau. Các bậc chân sư như Ngô Chân Lưu (971), Huyền Quang tôn giả (1254-1334), Pháp Loa (1284-1330), cư sĩ Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trúc Lâm Đầu Đà (tăng hiệu của vua Trần Nhân Tông khi xuất gia năm 1299)... v.v... là những tên tuổi làm rạng rỡ đạo Phật Việt Nam. Một vị vua từng dẫn dắt đất nước chiến thắng quân Nguyên Mông như Trần Thái Tông chọn con đường xuất gia sau khi hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ đất nước là một hiện tượng cho thấy Phật giáo không xa rời với đất nước và dân tộc ! Phật giáo trước đây chưa bao giờ bị một thế lực cầm quyền độc đoán nào cưỡng ép đưa vào khuôn phép một cách trái đạo lý của họ nhờ vào tinh thần tôn trọng sự tự do và đức độ của các bậc tôn sư chân chính.( Thời đại mạt pháp ngày nay bên cạnh những cao tăng đức độ sống ẩn thân, nhiều kẻ cũng cạo đầu giả tu làm cho tan nát, băng hoại các nền tảng đạo lý lâu đời của nhà Phật. Họ cũng mặc áo vàng, áo nâu, cũng kinh kệ, giảng pháp, xây chùa đúc tượng cho to lớn nhưng với tâm ma, chước quỷ đã làm cho chốn thiền môn thời nay nhiều nơi chỉ còn là chốn buôn thần bán Phật, làm nhiều điều tà ngụy, mê tín dị đoan chẳng ra sao! Những kẻ tà ngụy đội lốt này cùng nhau phá cho tan nát tâm huyết của biết bao bậc tu hành trong suốt hai ngàn năm nay xây dựng một nền đạo pháp từng có nhiều giai đoạn tốt đẹp).

Mặt khác, khi nhìn kỹ hơn việc sử dụng chữ Hán mà từ trước thời Hồng Bàng vẫn gọi là chữ Nho không phải độc quyền của người Hán tộc ! Những nhận xét của Gs Kim Định đã được đề cập ở các phần trên cũng đáng lưu ý khi ông cho rằng:

1/ Viêm Hoa (c. thích: người Việt ở vùng Lĩnh Nam và người Hoa) cùng phát xuất từ một gốc văn hóa. 

2/ Viêm tộc mượn văn hóa của Hoa tộc. 

3/ Hoa tộc mượn văn hóa của Việt tộc (VLTN, sđd tr. 78). Khi tổ tiên người Viêm Việt chúng ta sống chung với các bộ tộc người Hoa ở trung nguyên và dọc theo sông Dương Tử đã có một sự qua lại về chủng tộc, về văn hóa trong đó có Nho học. Nho học là lối học dựa trên chữ tượng hình có từ xa xưa không phải riêng của Hán tộc mà của nhiều dân tộc sống gần gũi qua lại với nhau của vùng trung nguyên xưa trước. Sau này bộ tộc Hán chiếm lĩnh nhiều vùng trung nguyên đẩy các bộ tộc Việt xuôi về phía nam và chiếm lấy những trước tác của Nho học xưng là di sản của Hoa tộc và gọi là Hán học. Cho nên, khi xét đến cội nguồn chúng ta đều thấy rõ vì sao Nho học hay còn gọi là Hán học có một vị trí sâu đậm trong văn hóa Việt do được truyền bá từ các thời đại nhà Tần, nhà Đông Hán, Tây Hán... v.v... xâm lược nước ta. Các triều đại xâm lược đẩy mạnh việc dùng Hán học vì nó thuận lợi cho việc đô hộ của họ mà thôi. Chính vì thế, chúng ta khi đề cập đến chữ Hán và ảnh hưởng của nó đối với văn hóa nước Việt xin được nhắc lại nhận xét của Gs Kim Định: "... và bởi vậy, dẫu chống đế quốc Tàu mà không bao giờ ruồng bỏ Nho là vì tiềm thức nhìn thấy Nho là của mình. Cho nên chính Nho giáo mới là căn bổn của nền quốc học Việt Nam và nhổ Nho đi tức cũng là nhổ gốc rễ của mình, là bỏ mất những huyết quản tiếp sức sống cho mình" (VLTN, sđd, tr. 157). Cũng lập luận như thế, sự phát triển của Phật giáo ở một giai đoạn nào đó phải cần đến chữ Nho (cùng chữ Phạn). Một khi chữ Việt ngày nay càng lúc càng hoàn chỉnh, càng lúc càng tiện dụng, vấn đề Việt hóa hoàn toàn kinh sách, các nghi lễ rất cần thiết để tạo sức sống mới cho đạo Phật để có thể gần gũi và dễ hiểu hơn cho người theo tôn giáo này. Với lại thời nhà Trần, chữ Nôm trong ý thức của các sĩ phu là bước đầu hướng đến sự tự chủ về mặt chữ viết nhưng khuyết điểm lớn của chữ Nôm là đòi hỏi phải nắm vững và am tường chữ Hán mới có thể viết được chữ Nôm. Hai bài thơ Nôm Cư Trần Lạc Đạo Nguyễn Thuyên (Hàn Thuyên) và Đắc Thú Lâm Tuyền Chứng Đạo Ca của Huyền Quang Tôn Giả trong chốn tu Phật đã cho thấy tinh thần tự chủ, muốn thoát ly sự lệ thuộc vào chữ Hán nhưng tư tưởng vẫn mang đậm tinh thần thiền và tư tưởng Lão Trang của Phật giáo phương bắc! (xem thêm VNPGSL, sđd, tr 420).

Nhìn chung tinh thần nhập thế và tinh thần tự chủ của đạo Phật thời Trần đã giúp một phần nào cho đất nước ở một giai đoạn đầy gian lao có thêm sức mạnh đối phó giặc ngoại xâm. Đồng thời, kinh sách chữ Hán hay cả chữ Phạn vẫn là những tư liệu cần thiết để nghiên cứu đạo Phật và sẽ là con đường đi gần gũi dân tộc hơn nếu triệt để sử dụng Việt ngữ hoàn chỉnh trong việc truyền bá đạo Phật để có thể phát triển gắn bó với dân tộc lâu dài. Tóm lại, vấn đề Việt hóa Phật giáo từ kinh điển cho đến các phương tiện truyền pháp như chùa chiền, nghi lễ... v.v... chắc chắn sẽ giúp cho công cuộc chấn hưng đạo Phật gặt hái những thành quả tốt hơn!

2/- Mặt khác, bên cạnh đạo Phật phần lớn mang dấu ấn du nhập từ Phật giáo Trung Hoa, đạo Nho, đạo Lão từ thời Bắc thuộc cũng đã truyền vào nước ta và có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng các triều đại tự chủ. Nếu bên Trung Hoa thời Hán Cao tổ và nhất là thời Hán Quang Vũ đế, Nho giáo được đề cao vì giúp triều đình củng cố việc nội chính thì triều vua Lý Thánh Tông bên nước ta vì muốn cho đất nước được văn minh, văn học được  mở mang nên khuyến khích lập văn miếu thờ Khổng Tử, Chu Công và các hiền thần Trung Hoa. Tuy đạo Nho không phải là một thứ tôn giáo nhưng những lời dạy của Khổng Tử, Mạnh Tử.. v.. v.. được xem là những khuôn vàng thước ngọc để tạo ra một xã hội có tôn ti trật tự, tôn trọng đạo lý thánh hiền, đề cao đạo vua tôi. v.. v...Do vậy, Khổng Tử hay Mạnh Tử được tôn thành bậc Thánh hoặc Á Thánh không không giống như là một tôn giáo nhưng được tôn sùng trọng vọng vì họ là những bậc thầy chỉ nẻo cho con người đi theo đạo lý như nhân, nghĩa, lễ, trí, tín từng được đề cập trong Tứ Thư, Ngũ Kinh. Từ thời Lý cho đến về sau thời nhà Lê, nhà Nguyễn vẫn xem Nho học là mẫu mực trong việc giáo dục, chọn nhân tài, định các nghi lễ.. v.. v.. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm những nét cơ bản về giáo dục, học hành, thi cử của nước ta chịu ảnh hưởng của đạo Nho như thế nào ở phần bên dưới. Nhìn chung, chính vì tinh thần quá lệ thuộc vào Nho giáo với những lời dạy của Khổng Mạnh, việc học hành lại theo lối từ chương, sách vở nên xã hội Việt Nam không mở mang và phát triển theo sự đi lên của thế giới bên ngoài. Vả lại, thế giới quan của người Việt ít nhiều vẫn tôn sùng sự hiểu biết của cái học theo Nho giáo Trung Hoa. Các nước lân bang với Trung Hoa như Nhật Bản, Cao Ly...cũng như nước ta trước kia đều xem Hán học là nền tảng của học thuật vì chưa có sự tiếp xúc với các khu vực khác ngoài Trung Hoa ! Do đó, nước ta và cả Trung Hoa không thể nào đương cự lại súng đạn máy móc của phương tây khi bị xâm lăng ở thế kỷ 17, 18 sau này vì không kịp thức thời như Nhật Bản ! Ngoài những học thuật mà chúng ta nhận được trong các mối tương giao, người Việt chúng ta từ kinh nghiệm lịch sử của hơn một ngàn năm Bắc thuộc vẫn luôn nhận ra tư tưởng bành trướng của các thế lực Trung Hoa xuyên suốt hơn hai ngàn năm lịch sử đến nay chẳng bao giờ thấy họ biết đổi thay!  Nho giáo tuy có đóng góp một phần việc khai hóa, mở mang dân trí nhưng thực chất vẫn hướng đến việc bảo vệ các chế độ quân chủ.Ngày nay, Trung Quốc cho lập nhiều viện Khổng Tử khắp nơi từ trong nước đến nước ngoài cũng chỉ là cách lợi dụng Nho giáo để củng cố chế độ và tạo cho nhiều người mang ảo tưởng về một nước Trung Quốc toàn trị chuộng đạo nghĩa !! Nhưng chẳng ai bị mê mờ cách thức lợi dụng Nho giáo như thế trừ phi đầu óc quá cạn cợt hay bị lợi dụng ! Các chế độ quân chủ độc đoán xưa kia và toàn trị hiện nay của Trung Hoa đều mang giấc mộng giống nhau về một nước Trung Hoa là trung tâm của thế giới không phải vì giá trị của nền văn minh và văn hóa tốt đẹp của họ mà bằng vào tinh thần tự tôn, tự cao đi đôi với đầu óc bành trướng, xâm lăng đã có từ thời xa xưa.

Ảnh hưởng của đạo Lão vào nước ta rất mờ nhạt không có nhiều sách vở ghi lại. Việc tìm hiểu tư tưởng Lão Trang cũng chỉ giới hạn trong các tầng lớp nho sĩ mà thôi. Thường các nhà Nho có hai con đường xuất và xử. Lúc thi cử đậu đạt hay gặp thời ra làm quan ; lúc về nghỉ hưu hay gặp sự bất bằng xin về ở ẩn đều lấy tinh thần đạo Lão để di dưỡng tâm hồn. Nguyễn Trãi khi triều đình có nhiều chuyện không hợp lòng đã xin lui về Côn Sơn vui cảnh sơn thủy an nhàn (xem Ức Trai Thi Tập, bài 78 :Côn Sơn Ca, DAS dịch và chú giải,NHHN.th.2/2021 ),Nguyễn Bỉnh Khiêm , La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thích sống ẩn dật, còn những kẻ sĩ như Nguyễn Công Trứ... v.v... vẫn chọn tinh thần Lão Trang để cuộc sống có hương vị riêng trong những giai đoạn thăng trầm của thời thế!

Những tín ngưỡng dân gian với đủ hình thức có ở nhiều nơi không riêng ở nước ta. Những sự mê tín dị đoan thời nào cũng có. Những biến thái của đạo Lão trở nên những hình thức tín ngưỡng mê tín như tin vào thần tiên, dựa vào thần thánh xem quẻ, bói toán việc hung kiết... v.v... chỉ là thiểu số. Chúng ta chỉ lưu ý các tôn giáo như đạo Phật, đạo Nho đã từng đem lại những giá trị đạo đức trong việc xây dựng con người và con đường tự chủ cho đất nước mà thôi!

Trên đây chúng ta chỉ điểm qua một cách khái quát những ảnh hưởng của Trung Hoa đối với việc phát triển các tôn giáo ở nước ta nhất là đạo Phật. Các chương kế tiếp, chúng ta sẽ điểm qua những ảnh hưởng của Trung Hoa đối với văn hóa giáo dục, phong tục tập quán, đời sống chính trị.. v.. v...Đó là những vấn đề rất lớn cần sự góp phần của rất nhiều người với mong muốn đất nước sớm thoát khỏi những bóng tối u ám của Trung Hoa đã và đang chi phối con đường tự chủ của dân tộc và đất nước. Sự "trỗi dậy" của họ trong thời đại ngày nay đã là một hiểm họa cho thế giới khi họ chọn con đường lấy cái ác , lấy sự ngang ngược ,hung tàn để thi hành đường lối  và chọn bành trướng để xâm lấn nước khác ! Nếu một nước Trung Hoa to lớn đông dân số được cai trị bởi những con người đi theo con đường chính danh, chính nhân của Khổng Tử, biết tôn trọng các khác biệt về chính kiến, văn minh, văn hóa trong thế giới đa cực này , đi đầu trong vấn đề giữ gìn nền hòa bình thế giới và đề cao chủ nghĩa "chung sống hòa bình", loài người sẽ được hưởng thanh bình lâu dài và ngược lại!

Chú thích:

(1) Ở các phần trên chúng ta đã nói đến một trường hợp điển hình là Lý Bôn vốn có tổ tiên là người gốc Trung Hoa qua nước ta lánh nạn giặc giã thời Tây Hán đã bảy đời nên gắn bó trở thành con dân nước Việt. Họ Lý từng làm quan nhà Lương bên Trung Hoa sau về định cư ở tỉnh Thái Bình, Bắc Việt không chịu nổi sự hà khắc của các quan lại như Tiêu Tư nhà Lương, đã đứng lên khởi nghĩa xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân /ĐVSKTT, q. 1, sđd tr. 147
(2) Xem thêm: VNPGSL, tr. 17 của Nguyễn Lang tức Thiền sư Thích Nhất Hạnh
(3) Còn gọi là Lương cao tăng truyện 粱高僧傳 là một tuyển tập truyện ghi chép sự tích về các nhà sư nổi tiếng ở Trung Hoa từ lúc đạo Phật mới du nhập vào đến đầu nhà Lương do Huệ Hạo biên soạn có đề cập hành trạng của Khương Tăng Hội.
(4) Xem thêm : Nguyễn Lang, sđd, từ tr.13-30 và Lê Mạnh Thát, LSPGVN T. 1, sđd, tr. 200-202 & NCTUTA, sđd tr. 67)

TÀI LIỆU THAM KHẢO (T. T):

24/ Juan Pablo & Heriberto Araujo, Đạo Quân Trung Quốc Thầm Lặng, Nguyễn Đình Huỳnh dịch, NXB Hội Nhà Văn, Saigon 2016
25/ Lê Mạnh Thát, Nghiên Cứu Về Thiền Uyển Tập Anh, NXB TPHCM, Saigon 1999
26/ Trịnh Sâm, Đi Tìm Bản Sắc Tiếng Việt, NXB Trẻ, Saigon 2018
27/ Susan L. Shirk, Gã Khổng Lồ Mất Ngủ (China The Fragile Superpower ) bản dịch của Vũ Tú Mạnh & Trần Hà Trang, Nhã Nam & NXB Hội nhà văn, Saigon 2015
28/ Ruchir Sharma, Quốc Gia Thăng Trầm (The Rise And Fall Of Nations ), bản dịch của Tường Linh, Phương Nam & NXB Thế giới, Saigon 2018
29/ Henri Courdon, Nghệ thuật Xứ An Nam (L'Art De L'Anam), bản dịch Trương Quốc Toàn), NXB Thế giới & Nhã Nam, Saigon 2017
30/ Tom Miller, Giấc Mộng Châu Á của Trung Quốc : Công Cuộc Xây Dựng Đế Chế Dọc Theo Con Đường Tơ Lụa Mới ( China's Asian Dream : Empire building along the new silk road ), bản dịch Đoàn Duy, Cty phương Nam & NXB Hội Nhà văn, Saigon 2018
31/ Lương Đức Thiệp, Xã Hội Việt Nam, ấn bản của NXB Hàn Thuyên 1944, NXB Hội nhà văn & Nhã Nam in lại, Saigon 2018 

Chương 2: Khái quát về những ảnh hưởng của Trung Hoa trong việc giáo dục và thi cử thời xưa của nước ta.

Có thể nói rằng nền văn hóa của Trung Hoa có một tầm ảnh hưởng sâu rộng đến các nước lân bang như Việt Nam, Cao Ly, Nhật Bản.. v.. v.. từ xa xưa. Và cũng có thể nhìn nhận cho đúng việc xây dựng hệ thống giáo dục ở Trung Hoa dựa trên Nho giáo cùng với việc sử dụng khoa cử để giáo dục và tuyển chọn nhân tài cho các triều đình là một sự tiến bộ vượt bậc trong thời đại bình minh của nhân loại ! Để một xã hội đông dân và nhiều lãnh thổ rộng lớn như Trung Hoa có tôn ti trật tự và lễ giáo, việc chọn Nho học làm nền tảng cho công cuộc giáo dục xã hội là một hướng đi đúng đắn. Giai đoạn 600-400 TCN, nhiều khu vực trên trái đất cũng đang hình thành những nền văn minh lớn từ Âu sang Á như nền văn minh Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa... v.. v... Mỗi nền văn minh này đều có những ưu điểm và phù hợp với lãnh thổ, dân tộc riêng biệt của từng vùng để xây dựng xã hội con người hướng đến những giá trị tốt đẹp. Các bộ tộc Trung Hoa xưa dựa trên nền tảng của Nho giáo xa xưa, được nâng cao và phát triển từ thời của Khổng Tử 孔子 (tự Trọng Ni 仲尼, 551-479 TCN) để Nho học trở thành đạo Nho hướng đến việc giáo dục con người theo những triết lý mới của Khổng Tử đề ra.

Từ những bộ tộc du canh du cư đến các bộ tộc định canh định cư trên đất Trung Hoa trước công nguyên, việc xây dựng những định chế xã hội đều dựa trên nền tảng của Nho giáo. Khổng Tử là một trong những người đầu tiên của nhân loại mở trường dạy học, tiếp nhận những kinh sách của Nho giáo có từ trước nhưng được ông san định, chỉnh lý lại để dạy dỗ các đồ đệ. Ông là người sinh cùng thời với các nhà tư tưởng lớn như đức Siddhartha Gautama (đức Cồ Đàm, đức Phật, 624-544 TCN) bên Ấn Độ, Socrates (470-399 TCN) ở Hy Lạp.... Đứng về mặt sư phạm, các nhà bậc thầy vĩ đại như Khổng Tử, Socrates hay đức Cồ Đàm... được xem là những nhà giáo dục lớn của nền văn minh nhân loại. Với các nước Á Đông, Khổng Tử là một "vạn thế sư biểu" 萬世師表, người thầy mẫu mực của muôn đời... Sự ra đời của Tứ Thư, Ngũ Kinh sau thời Khổng Tử khi được ông san định đã trở thành những nền tảng căn bản cho việc giáo dục và nằm trong nội dung của các khoa thi để cử tuyển người có tài ra giúp vua trị nước về sau. Nói rộng ra, tư tưởng triết học của Khổng Tử giúp cho sự phát triển những giá trị đạo đức và làm rường mối cho một Trung Hoa đông dân, loạn lạc với nhiều bộ tộc chung sống sẽ đi đến một sự hợp nhất về những giá trị tinh thần làm nền cho các chế độ chính trị! 

Sự tiếp cận nền văn minh Trung Hoa từ những thời kỳ trước thời Hồng Bàng cùng với hơn một ngàn năm lệ thuộc phương Bắc về sau đã du nhập vào vùng Lĩnh Nam (1) nước ta những tư tưởng của họ, trong đó có tư tưởng của Khổng học đóng góp một phần không nhỏ cho việc xây dựng các triều đại tự chủ của nước Việt. Người Việt học Tứ Thư, Ngũ Kinh của Khổng Tử không chỉ là việc rèn luyện chữ Hán mà cốt học lấy những đạo nghĩa của Khổng học với một mục đích cao đẹp là tu dưỡng đạo đức bản thân để sau này có đủ tài đức góp phần xây dựng triều đình, xây dựng nhân quần! Nhưng học như thế nào, tiếp nhận và phát huy ra sao lại là một vấn đề khác nữa.

Năm 939, sau chiến thắng quân Nam Hán ở sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương mở ra thời kỳ đất nước được tự chủ. Vua Ngô đã cho "chế định triều nghi, phẩm phục " (ĐVSKTT, Q 1, sđd, tr. 193) để tạo nên những qui củ cho việc trị nước. Sách sử không ghi rõ vua Ngô dựa trên tư tưởng hay định chế nào của Trung Hoa hay của dân tộc Việt để "chế định", soạn thảo những qui chế xây dựng triều đình. Những dấu ấn của lễ nghi, qui chế triều chính của Trung Hoa với cả ngàn năm Bắc thuộc chắc chắn sẽ được tiền nhân ta học hỏi để áp dụng trong việc tạo lập hệ thống triều đình. Các triều đại tự chủ ở nước ta đã hình thành hơi trễ tràng ý thức muốn làm chủ chủ đất đai của tiên tổ sau cả ngàn năm bị đô hộ. Phải chịu sự đàn áp khốc liệt của những thời lệ thuộc nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống... v.v... những người có trí dũng của dân tộc ta mới nhận ra việc phải đứng lên giành lại quyền tự chủ về mặt chính trị cho đất nước! 

Các thể chế như quan chế, binh chế, pháp chế, tang chế… v.v... hầu như đều vay mượn từ Trung Hoa. Tiên tổ người Lĩnh Nam của nước Hồng Bàng xưa kia khi còn sinh sống ở trung nguyên bên Trung Hoa cũng từng uống chung dòng suối văn minh, văn hóa cùng nhiều bộ tộc khác trước khi các bộ tộc Bách Việt bị Hán tộc đẩy dần xuống phương Nam. Cho nên, việc chịu ảnh hưởng của Nho học hay Lão học xét cho cùng là điều tự nhiên khi có một thuở từng sống trong bầu khí ấy! Nho học trước thời Khổng Tử là di sản của nhiều bộ tộc sống trên đất Trung Hoa từ hơn hai ngàn năm về trước trong đó có những bộ tộc Bách Việt chứ không phải của riêng người Hán. (xem thêm VLTN, sđd của Kim Định). Có một điều khi xây dựng nước Văn Lang ở phương Nam, do sông núi cách trở và tư tưởng tự lập tự cường, sống cách rời vùng trung nguyên xưa cũ, người Lĩnh Nam có cách sống đơn giản hơn, ít bị những lễ nghi ràng buộc nhưng sẽ thiếu vắng những tư tưởng hoặc định chế sửa sang xã hội, xây dựng con người. Điều đó một phần nào đã khiến cho Lĩnh Nam bị những triều đình Trung Hoa có chế độ chính trị qui củ cao hơn, có hệ thống xã hội được tổ chức tương đối sớm sủa và vững vàng hơn với việc tổ chức quân đội cũng như quan lại chặt chẽ đã giúp họ dễ bề xâm lược và cai trị nước ta. Thời Đông Hán những người Lĩnh Nam như Lý Tiến, Lý Cầm, Trương Trọng... cũng sang bên Trung Hoa du học, thi đỗ mậu tài (tú tài) hay hiếu liêm và làm quan bên đó rồi sau này về làm thứ sử đất Giao Châu như Lý Tiến. Thời kỳ nước ta lệ thuộc nhà Đường cũng có người trong nước như hai anh em Khương Công Phụ, Khương Công Phục và Liêu Hữu Phương thi đỗ tiến sĩ và làm quan nhà Đường. Những người như thế này tuy là những kẻ có học nhưng để có được ít nhiều ý thức dân tộc hay việc quan tâm làm thế nào thoát khỏi sự lệ thuộc để xây dựng một đất nước tự chủ, có lẽ họ cũng chưa sẵn sàng nên chấp nhận làm quan tay sai cho nước xâm lược!

Phải sống trong hoàn cảnh bị bọn xâm lược áp bức coi thường như là những kẻ mọi rợ hay bọn giặc man rợ.... ( Phương Bắc từ xưa cho đến bây giờ vẫn gọi các nước chung quanh là man di 蠻夷, nhung địch戎 狄) mới thấm thía nỗi nhục không có quyền tự chủ ngay trên vùng đất của cha ông mình. Và phải gặp lúc đất nước đã có được những người bậc trí dũng đi tiên phong chống lại giặc xâm lược bằng nhiều hình thức, lúc đó ý thức và mong muốn về một đất nước độc lập mới manh nha hình thành và phát triển ! Trên đây chúng ta không bênh vực những kẻ như Lý Tiến, Lý Cầm mà chỉ xét đến thời điểm thuận lợi cho việc phát sinh và phát huy quyền tự chủ của dân tộc. Các vua thời tự chủ cũng do chưa có một qui chế hay hình thức nào để dùng cho việc cai trị thuận lợi nên buộc phải vay mượn cách thức tổ chức triều đình, phát triển việc học tương tự như bên Trung Hoa để có nhân tài giúp đất nước. Từ thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê trở về sau, việc giáo dục thường do các sư tăng đảm nhận. Các nhà sư đạo Phật thường là những người giỏi chữ Hán thông qua việc tìm hiểu kinh sách nên cũng là người truyền bá văn hóa Trung Hoa không những Phật học mà cả Nho học và Lão học nữa. Tam giáo thời này phát triển cùng nhau và có một sự hỗ tương qua lại với nhau mà nhiều học giả vẫn gọi là "tam giáo đồng qui" nghĩa là cùng chung một đích điểm là giáo dục con người và xã hội nhân quần! Chính vì vậy khi nhận xét về thiền sư Vạn Hạnh, Gs Nguyễn Lang tức thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viết về hình ảnh một quốc sư thời Lý: "Vạn Hạnh không những là một vị lãnh đạo đời sống tâm linh mà còn là một người lãnh đạo hành động. Kiến thức của ông rất rộng; những hiểu biết của ông về Nho học cũng được ông đem sử dụng trong phạm vi hành động, và sử dụng trong tinh thần tự do phá chấp của đạo Phật. Thái độ của ông đượm nhuần tinh thần tự do phá chấp ấy." (VNPGSL, sđd, tr. 149, 150). Thật sự, triết học hành động là con đường của Nho học luôn đề cao trong việc giáo dục con người trở nên người, trở nên những kẻ chính nhân quân tử, trở nên những bậc sĩ phu biết xuất xử (ra làm quan giúp vua, giúp nước và khi cần phải biết lui về ở ẩn ). Đó cũng là sự "dấn thân" theo tinh thần đạo Phật để hòa cùng cuộc sống chùa chiền...

Đến đời Lý Thánh Tông 李聖宗 (1054-1072), để mở mang văn học và khai hóa cho dân chúng, nhà vua đã cho lập văn miếu, dựng tượng Khổng Tử, Chu Công (2) và các tiên hiền của Trung Hoa để giáo hóa (Khổng Tử vẫn thường nói: "Chu giám ư nhị đại, úc úc hồ văn tai! Ngô tòng Chu 子曰: 周監於二代, 郁郁乎文哉 !吾從周- Tấm gương nhà Chu ở hai triều đại [Chu vũ vương, Chu Thành vương] rực rỡ văn vẻ biết bao! Ta theo nhà Chu, Luận ngữ, Thiên Bát dật 八佾).

Từ khi lấy lại quyền tự chủ cho đất nước, sự vay mượn những học thuyết giáo dục con người như Nho học là cần thiết khi gia tài văn hóa của nước ta còn trống vắng, các định chế, luật pháp... v.v... còn sơ sài. Vì thế, Nho học là một công cụ giáo hóa không thể thiếu để làm rường mối cho triều đình và dân chúng. Bên cạnh những kinh tạng Phật giáo bằng chữ Hán từ phương Bắc mang sang, văn hóa Trung Hoa ngày càng gắn bó với sự mở mang và phát triển văn học Đại Việt. Hầu như những sách vở căn bản như Tứ Thư, Ngũ Kinh... của Nho giáo, Đạo Đức Kinh của đạo Lão... v.v... cùng các tác giả nổi tiếng của văn học Trung Hoa như Đỗ Phủ, Lý Bạch, Vương Duy, Lý Thương Ẩn, Bạch Cư Dị... v.v... đều được các nhà nho nước ta tìm hiểu nhất là từ khi nước ta bị nhà Đường cai trị với một nền văn học có nhiều người tài danh! Bên Trung Hoa, vào thời Tùy Dạng Đế vào năm 606 đã mở đầu việc khoa cử lấy việc thi cử để tuyển chọn nhân tài thay cho việc lấy các quan hàng cửu phẩm cho tham dự vào việc nước như trước kia. Thời Đường Cao Tổ (622) tổ chức khoa thi chọn ba người đỗ đầu ban danh hiệu trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa. Bên nước ta, việc tổ chức thi cử cũng tương tự bên Trung Hoa. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông 李 仁宗 (1072-1127) đã mở khoa thi tam trường (chọn người học rộng, am hiểu nhiều vấn đề...) đầu tiên ở nước ta chọn được 10 người ra làm quan. Năm 1076, lập Quốc Tử Giám để dạy dỗ người tài do các quan giỏi kinh sách, văn chương đảm trách. Năm 1086 mở khoa thi chọn người giỏi vào Hàn Lâm Viện làm Hàn lâm học sĩ để nghiên cứu Nho học. Nhà Lý chỉ mở khoa thi khi nào cần thêm người hiền tài chứ chưa thành thường lệ. Nhà Trần giữ ngôi vua thay nhà Lý vẫn tiếp tục thực hiện chế độ khoa cử để chọn người tài giúp nước. Năm 1232, thời Trần Thái Tôn đã mở khoa thi Thái học sinh 太 學 生, chọn ra Tam giáp (ba hạng đỗ đạt ) lựa chọn những nhà Nho học rộng, hiểu thông kinh sử... đầu tiên của nước ta. Năm 1247, triều đình đặt lệ thi lấy Tam khôi gồm 3 người đỗ đầu của đệ nhất giáp là trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa và quy định cứ 7 năm mở khoa thi một lần. Khoa thi năm 1247 có Lê Văn Hưu đỗ bảng nhãn đã được vua Trần Thái Tôn cử làm Hàn lâm viện học sĩ kiêm Quốc sử viện giám tu  soạn ra bộ Đại Việt Sử Ký gồm 30 quyển hoàn thành vào thời vua Trần Thánh Tôn (1272) làm nền tảng cho sử học nước ta. Năm 1304, Trần Anh Tôn đặt thêm danh hiệu hoàng giáp 黄甲 cho những người đỗ Thái học sinh bảng thứ hai (đệ nhị giáp). Thời Trần Duệ Tông (1372-1377) cho mở khoa thi Tiến sĩ 進士 (thay cho danh hiệu Thái học sinh, với nghĩa là tiến cử những người tài đức ra giúp nước).

Khi Lê Quý Ly thoán đoạt nhà Trần (1400) xưng đế, cải lại họ Hồ theo dòng dõi tổ tiên đời nhà Ngu bên Trung Hoa nên đặt quốc hiệu là Đại Ngu 大 虞 (VNSL, sđd. tr. 191) đặt chức đốc học và giáo thụ ở các lộ, phủ, châu và cũng tiếp tục cho mở các khoa thi cử nhân có thêm môn toán pháp trong kỳ thi Hương. Những người đỗ kỳ thi Hương qua năm sau vào bộ Lễ thi lại nếu đạt mới bổ làm quan rồi qua năm sau nếu muốn sẽ thi hội được chấm đỗ gọi là Thái học sinh như thời trước. Lương Đức Thiệp trong cuốn Xã Hội Việt Nam cho rằng Hồ Quý Ly là người có ý hướng dân tộc khi sử dụng chữ Nôm: "Định gây lấy một nền học thuật cho dân tộc, họ Hồ là người đầu tiên cho đem dịch Kinh Thư ra chữ Nôm để giảng dạy tại khắp nước và cũng là ông vua đầu tiên dám phá bỏ lề lối của các triều đại xưa mà dùng văn Nôm ngay trong các sớ, biểu và công văn" (sđd, tr. 60). Đến thời Lê Thái Tổ, mở lại trường Quốc Tử Giám ở kinh đô cho con các quan và những người ưu tú; các phủ lộ đều mở mang các trường dạy nho học và mở các khoa thi để tuyển trạch nhân tài, các quan văn võ từ tứ phẩm trở xuống phải thi lại cùng với các nho sĩ hay võ sĩ khác. Những người theo đạo Phật hay đạo Lão cũng phải thi và đậu đạt mới được phép làm tăng sĩ hay đạo sĩ. Đến thời vua Lê Thánh Tông (1460-1497), nhà vua chú trọng việc sửa đổi chăm lo nhiều mặt như việc sắp xếp, đặt tên các phủ lộ, sửa đổi phong tục, phát triển binh bị, canh nông, mở mang việc học hành và thi cử. Vua định lại phép thi Hương, thi Hội và đích thân làm giám khảo thi Đình. Kỳ thi Hương người nào đỗ 4 kỳ đạt danh hiệu Hương cống, còn đậu ba kỳ gọi là Sinh đồ. Sau ba năm của kỳ thi Hương là kỳ thi Hội với người đỗ hạng đầu là Hội nguyên. Những người trúng cách (thi đậu) kỳ thi Hội sẽ được dự kỳ thi Đình trong cung vua, do đích thân vua chủ trì lấy tam khôi ở bảng "đệ nhất giáp", lấy Hoàng giáp hay tiến sĩ xuất thân ở bảng "đệ nhị giáp ", lấy đồng tiến sĩ xuất thân ở bảng "đệ tam giáp". Vua còn chủ trương cho xướng danh ở nhà Thái học, ban áo mão cân đai cho các người đậu kỳ thi Đình, được khắc bia ở Văn Miếu, được "vinh quy bái tổ" trọng vọng để khích lệ việc học hành ra làm quan giúp triều đình. Nhà vua cho mở rộng nhà Thái học, nhà Văn miếu. Nhà vua cũng chỉ thị cho Ngô Sĩ Liên viết tiếp bộ Đại Việt Sử Ký dựa trên hai cuốn sử ký của Lê Văn Hưu và Phan Phù Tiên (thời Trần Nhân Tông) sau này gọi chung là Đại Việt Sử Ký Toàn Thư. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, Lê Mạc tranh nhau ngôi vua cũng tổ chức thi cử nhưng do thời loạn lạc nên việc thi cử cũng nhiều sự lộn xộn không còn nghiêm túc như xưa!

Đến thời Tây Sơn, vua Quang Trung rất chú trọng việc phát triển chữ Nôm nên việc thi cử đều yêu cầu các quan giám khảo ra đề bằng chữ Nôm. Nhưng chữ Nôm muốn nắm vững phải am hiểu chữ Hán nên nhiều nho sĩ đã cho là triều Tây Sơn ức hiếp việc học của họ mà không thấy tinh thần tự chủ, tự cường của vua Quang Trung! Cho nên, tinh thần tự chủ dân tộc của Hồ Quý Ly và của vua Quang Trung trong việc dùng chữ Nôm trong các văn thư của triều đình và thi cử là một việc đáng trân trọng. Chỉ tiếc là việc sáng tạo chữ Nôm vẫn không thể thoát ly hẳn chữ Hán. Khi muốn đọc văn Nôm phải am tường chữ Hán nên chữ Nôm không thể nhanh chóng phát triển và được các nho sĩ thủ cựu chấp nhận vì không thuận tiện như chữ quốc ngữ sau này sử dụng các chữ cái của tiếng La Tinh để đọc và viết tiếng Việt. Đó là chưa kể đến một số nho sinh đã xem thường, dè biểu chữ Nôm (ví dụ: "Nôm na là cha mách khóe") do quá lệ thuộc Hán học và thiếu ý thức dân tộc!

Qua thời nhà Nguyễn, vua Gia Long khi mới lên ngôi rất chú ý việc mở mang việc học trong đó triều Nguyễn vẫn xem nho học là nền tảng của việc học. Triều đình đã cho lập văn miếu ở các doanh trấn, dựng tượng Khổng Tử để tỏ lòng kính trọng ông tổ đạo Nho, mở Quốc tử giám ở kinh đô Huế và các khoa thi Hương để lấy người tài giỏi ra giúp nước. Từ vua Gia Long cho đến các vua kế tiếp như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... ngoài việc mở mang nho học cũng chú ý việc phát triển chữ Nôm. Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Văn Tế Tướng Sĩ Trận Vong của Nguyễn Văn Thành, Hoa Tiên Truyện của Phan Huy Tự, Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu... v.v... là những tác phẩm đạt đỉnh cao của văn chương quốc âm. Ngoài ra, các truyện Nôm như Trê Cóc (398 câu lục bát), Trinh Thử (850 câu lục bát) chưa rõ tác giả và thời gian ra đời cũng là những câu chuyện luân lý có giá trị. Năm 1825, vua Minh Mạng đã cho đổi tên danh hiệu đỗ ba kỳ thi Hương là Tú tài (thay cho Sinh đồ), đỗ thi Hương bốn kỳ gọi là Cử nhân. Người đỗ đầu bốn kỳ thi Hội sẽ vào sân vua để thi gọi là Đình thí (thi Đình). Thời Minh Mạng, đỗ đầu không còn danh hiệu trạng nguyên mà chỉ còn danh hiệu Bảng nhãn, Thám hoa (bậc tiến sĩ cao cấp), các tiến sĩ và phó bảng (dưới bậc tiến sĩ).

Các nội dung của việc học và khoa cử từ thời nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê và nhà Nguyễn đều lấy nho học làm nền tảng. Chúng ta có thể tóm tắt những nội dung chính của các khoa thi từ thời Lý cho đến thời Nguyễn như sau:

Các sách Nho- học dành cho thí sinh dự các kỳ thi Hương, thi Hội gồm có: - Nhất thiên tự, Sử học vấn tân, Ấu học ngũ ngôn thi, Minh tâm bảo giám, Minh đạo gia huấn, Tam tự kinh đều là sách của người Trung Hoa. - Bộ sách giáo khoa chủ yếu luôn được dùng để thi cử: 

a- Tứ Thư (Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung)

b- Ngũ Kinh (Kinh Thi, Kinh Thư, Kinh Lễ, Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu).

Nho học dần dần trở thành độc tôn trong việc giáo dục và thi cử suốt từ thời nhà Trần cho đến nhà Nguyễn tổng cộng 844 năm ( tính từ khoa thi đầu tiên 1071 đến khoa thi cuối cùng 1919). Những kinh điển của Khổng Tử như Tứ Thư, Ngũ Kinh, các thể thơ, phú, chiếu, chế, biểu, văn sách... v.. v. (3). cùng những nhà thơ tiêu biểu của Trung Hoa như Lý Bạch, Đỗ Phủ... và cả lịch sử Trung Hoa là những nội dung thi cử chính của các kỳ thi ở nước ta. Thông qua chế độ học hành và thi cử các hình thức của văn hóa, phong tục tập quán của Trung Hoa được phổ biến rộng rãi và trải qua nhiều triều đại. Các nho sĩ Việt nam có lẽ am tường lịch sử nước Trung Hoa thời cổ đại hay trung đại. v.. v.. còn hơn lịch sử của Đại Việt vì nó được đem vào các nội dung thi các cấp ! Văn hóa, văn minh và nhiều thứ khác nữa của Trung Hoa thông qua con đường học hành và thi cử làm cho nhiều thế hệ phải chịu ảnh hưởng sâu đậm. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã có nhận xét xác đáng : "Ai cũng biết nước ta trước kia trải mấy ngàn năm theo văn-hóa Tàu, phụng Hán-học làm quốc-giáo, điều trái ngược nhất trong giới khoa-cử ngày xưa là đem sử nước Tàu làm chính-sử mà quốc-sử chỉ là phần phụ-thuộc..."  (Nguyễn Đổng Chi, VNCVHS, Lời Bạt, sđd, tr. 442 ). Việc gạn lọc và thay đổi rất khó ngay khi các triều đình từ các vua thời tự chủ đầu tiên đã lấy văn hóa, văn minh phương Bắc làm mẫu mực. Chỉ đến khi người Pháp xâm lược nước ta, bên cạnh chủ nghĩa thực dân tàn bạo, họ cũng đem đến nhiều điều mới lạ về khoa học, kỹ thuật, tư tưởng làm cho cái học nhà nho tàn lụi. Kỳ thi năm 1919 triều vua Khải Định được xem như khoa thi cuối cùng của khoa cử theo đường lối Nho học cộng thêm một số các bài Pháp văn, toán pháp... ảnh hưởng của lối học mới mẻ của chính quyền đô hộ Pháp (1/4/1919) (4)

o0o

Chúng ta nên nhìn nhận một cách thẳng thắng việc giáo dục theo đường lối của Khổng Mạnh để xây dựng con người có tinh thần NHÂN, TRÍ, DŨNG thực tế đã đào tạo nên những lớp sĩ phu có Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ. Những bậc danh nho như Chu Văn An, Trương Hán Siêu, Lê Văn Hưu, Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Nguyễn Trung Ngạn, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Du, Phan Thanh Giản, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản… v.v... được lịch sử nhìn nhận như là những người thành danh từ cửa Khổng sân Trình. Trong buổi giao thời giữa cựu học và tân học khi Pháp mới đặt nền móng đô hộ ở nước ta, những nhà cải cách, những sĩ phu yêu nước xuất thân từ nho học như Phan Đình Phùng, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Cường Để, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng... v.v... đã là những tên tuổi gắn liền với lịch sử đấu tranh của đất nước ! Nói khác hơn, nho học là học những ý nghĩa sâu sắc của đạo Nho để trở thành người quân tử có nhân cách hoàn thiện. Khái niệm người quân tử dần dần trở thành khái niệm "sĩ phu" được hiểu như là con người biết đảm đương chức trách của kẻ sĩ khi đất nước cần đến. Bậc "sĩ phu" là con người hành động đem thực hiện những tư tưởng Nho học cho việc xây dựng cũng như giữ gìn đất nước. Cho nên đạo Nho qua trường lớp và trong quá trình học tập kinh sách luôn hướng đến việc huân tập con người theo tiêu chí: "Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Sách Đại Học đã viết lời dạy của Khổng Tử: ".... Ý thành, nhi hậu tâm chính. Tâm chính nhi hậu thân tu. Thân tu nhi hậu gia tề. Gia tề nhi hậu quốc trị. Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình "意诚而后心正. 心正而后身修. 身修而后家齊. 家齊而后國治, 國治而后天下平" (Đoàn Trung Còn, Đại Học, Châu Hy chương cú, sđd tr. 8).... (Cái ý có thành thật, về sau cái lòng mình mới chính đính. Lòng dạ có ngay thẳng, chính đính sau này mới tu tập thân mình được. Thân mình có tu dưỡng được, sau mới sắp xếp cửa nhà cho tề chỉnh. Nhà cửa có tề chỉnh, sau mới sửa trị giúp nước được. Nước nhà có sửa trị được sau mới làm cho cuộc đời được thái bình.....) Biết bao lời giáo huấn để huân tập con người rất hợp lý và tốt đẹp được các môn đệ của Khổng Tử ghi lại trong Luận Ngữ, Đại Học, Trung Dung. Truyền thống đó được nối tiếp bởi các môn đồ xuất chúng như Mạnh Tử, Chu Hy rồi Trình Di, Trình Hạo và nhiều người sau này làm cho tư tưởng của Khổng Tử đi vào đời sống của nhiều dân tộc Á Đông.

Nước ta có gần hai ngàn năm tiếp nhận những lời giáo huấn của Khổng Tử nói riêng và nho học nói chung bao gồm một ngàn năm Bắc thuộc cộng với gần một ngàn năm thời tự chủ với việc giáo dục và thi cử lấy Nho giáo của Khổng Mạnh làm nền tảng. Mặt khác những lời dạy của Khổng Mạnh gắn liền với đời sống tinh thần của bản thân, gia đình và xã hội một cách thiết thực bên cạnh các tư tưởng của đạo Phật, Lão Tử và Bách Gia Chư Tử. Các triều đại Trung Hoa và nước Việt đều nhận thấy triết học của Khổng Tử rất gần gũi con người và giúp ích rất nhiều cho việc chấn hưng đạo đức bằng đường lối giáo dục, khoa cử, truyền bá văn hóa... v.v... Đồng thời, đó là một học thuyết đề cao vai trò của con người mà ngày nay chúng ta gọi là nhân bản. Vai trò con người luôn được đề cao vì có con người mới có đạo. Khổng Tử đã nói: "Nhân năng hoằng đạo, phi đạo hoằng nhân人能 弘道, 非道弘人". Con người có thể mở rộng lẽ đạo nơi mình, không có việc đạo có thể mở rộng con người. (Luận ngữ, chương XV, mục 28). Nói khác hơn, con người phải là chủ thể phát huy đạo đức, con người phải dựa vào chính bản thân mình trong quá trình suy nghĩ và hành động. Tiếc thay những điều nhắc nhở của Khổng Tử không được lưu ý.

Bên cạnh nhiều sĩ phu có ý thức tự chủ vẫn còn nhiều nho sĩ bị hán hóa luôn tìm cách cản trở con đường đi lên của chữ Nôm như thời nhà Hồ hay Tây Sơn có nhiều người không tán thành việc cải cách và sử dụng chữ Nôm. Sự thành công của Truyện Kiều bằng văn chương quốc âm đã giúp thay đổi nhiều những suy nghĩ của một lớp nhà nho thủ cựu, chưa hề có ý niệm về một nền văn học tự chủ khởi đi bằng văn chương quốc âm thông qua chữ Nôm.

Ở những thời kỳ đất nước Trung Hoa tao loạn, việc cải thiện tinh thần học tập đạo Nho được những người như Vương Dương Minh (1472-1528, tên thật là Thủ Nhân 守仁, tự là Bá An 伯安 là nhà chính trị, nhà tư tưởng nổi tiếng thời nhà Minh/T. H) khởi xướng với khẩu hiệu "Tri hành hợp nhất" nghĩa là sự hiểu biết và việc thi hành, áp dụng trong cuộc sống phải là một chứ không thề tách rời nhau! Sự hiểu biết của họ Vương đặt nền tảng trên học thuyết của Khổng học nhưng đặt ra yêu cầu phải gắn liền với thực tế bằng vào việc áp dụng cho bản thân và hành động giúp ích cho nhân quần. Chắc chắn triết lý của họ Vương cũng giúp tác động lên các sĩ phu yêu nước ở những năm đầu và cuối thế kỷ 20. Những học thuyết của Khổng Tử và các nho gia cách ngàn năm sau đi theo con đường của ông như Vương Dương Minh bên Trung Hoa đã làm sáng rõ hơn những giá trị tích cực của học thuyết này rất cần cho việc xây dựng xã hội có tôn ti trật tự, có nề nếp đạo đức. Nước ta do chịu ảnh hưởng của phương Bắc và xét cho kỹ vì thiếu vắng những học thuyết tốt đẹp khả dĩ giữ vững nền tự chủ dân tộc nên phải cần đến nó! Đó không hẳn là sự vay mượn mà là học hỏi kinh nghiệm của phương Bắc khi nước chúng ta chưa có được học thuyết nào cần cho dân tộc và cũng chưa cơ hội tiếp nhận thêm những nền văn minh khác ưu việt hơn ! Chúng ta luôn đề cao tinh thần tự chủ của đất nước mình nhưng không có nghĩa gạt phăng những cái hay của một đất nước từng gây ra bao nỗi ô nhục bị lệ thuộc cho chúng ta suốt cả ngàn năm liền! Thực sự đạo Nho mà cha ông chúng ta tiếp nhận và học hỏi từ phương Bắc đã làm cho dân tộc Đại Việt văn minh hơn, đời sống văn hóa phong phú hơn. Những dân tộc giỏi giang như Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng của đạo Nho Trung Hoa như nước ta nhưng họ biết lựa chọn, sáng tạo và giữ được bản sắc dân tộc. Đồng thời, chúng ta học hỏi tinh túy của nền văn minh Trung Hoa nhưng không bao giờ học tư tưởng bành trướng, muốn làm chủ thiên hạ, muốn làm trung tâm nhân loại khi quốc gia của họ chưa được nhiều quốc gia lớn mạnh khác xem là văn minh, tiến bộ ! Sự rập khuôn khi tiếp nhận học thuyết đó là điều nên tránh nếu chưa muốn nói đến việc nho sinh nào có những bàn luận trái ngược với tư tưởng Hán nho, Tống nho... chắc chắn sẽ không khi nào được đỗ đạt! Con đường cử nghiệp luôn tuân theo những quy định khắc khe của trường thi cũng như không có con đường khác ngoài những nội dung của các sách giáo khoa như Tứ thư, Ngũ kinh, Minh tâm bửu giám, Tam tự kinh... v. v... cùng những tác giả văn học lớn của Trung Hoa! Một tác giả người Pháp là Henri Gourdon (5) trong cuốn Nghệ Thuật An Nam (L' art de l'Annam ) đã có nhận xét đáng lưu ý: "Các nho sĩ tạo thành tầng lớp lãnh đạo đất nước hoàn toàn được đào tạo theo văn hóa Trung Quốc..... Những pho sách về lễ nghĩa của Khổng Tử và Mạnh Tử với nội dung toàn những lời giảng giải của họ đều được học thuộc lòng, được bình và diễn giải ở khắp nơi trên đất nước An Nam..... Thơ ca, lịch sử, thiên văn, triết học và đạo đức, tất cả đều dựa theo Trung Quốc..." (sđd, tr. 20). Như thế, với hơn một ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa lại thêm hơn tám trăm năm nước ta lại áp dụng việc học hành thi cử cũng của họ nên thời kỳ tự chủ về phương diện giáo dục cũng chỉ là sự lệ thuộc chứ chưa thể tự chủ vì bám theo việc học như Trung Hoa thôi! Giáo dục, văn hóa, văn minh, văn học... v.v... của Trung Hoa ảnh hưởng sâu đậm đời sống tinh thần của Việt tộc ! Ngày nay, với tinh thần khai phóng, chúng ta tiếp xúc rất nhiều nguồn tư tưởng mới hơn, thiết thực hơn từ nhiều nền văn minh tốt đẹp khắp thế giới để bổ sung thêm cho đời sống tinh thần của người Việt. Con đường giữ lại và gạt bỏ những cái hay lẫn cái không đúng sao cho phù hợp với dân tộc Việt không phải dễ dàng!

Sự phát triển chữ Nôm mạnh lên từ thời nhà Trần với Nguyễn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố và đến thời nhà Nguyễn đã có những tác phẩm Nôm quan trọng như Truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh), Nhị Độ Mai, Phan Trần, Lục Vân Tiên... v.v... Thể thơ lục bát và song thất lục bát của dân tộc đã có những thành tựu qua nhiều tác phẩm văn học từ thời nhà Trần và dần dà hoàn thiện, trau chuốt hơn ở những thời sau chẳng hạn như Truyện Kiều (Đ.T.T.T) của Nguyễn Du đã trở thành một tuyệt tác của văn học nước ta.... Nhưng cũng thời nhà Nguyễn, chữ quốc ngữ mới mẻ theo cách viết của chữ La tinh do các giáo sĩ truyền giáo sáng tạo giúp nước ta đã có nhiều tiến bộ so với thời kỳ manh nha ở thế kỷ 17. Chữ quốc ngữ có thể thoát ly hẳn chữ Hán song chưa được các nho sĩ đón nhận cho đến khi người Pháp chính thức đô hộ nước ta và đưa vào chương trình giáo dục của chính quyền thực dân. Và muốn hay không ,chúng ta cũng phải công nhận người Pháp đã gián tiếp giúp nước ta phát triển chữ Quốc ngữ để dần dà thoát khỏi hẳn ảnh hưởng của chữ Hán!

Mặc dầu vậy, nhiều nho sĩ bị hán hóa luôn tìm cách cản trở con đường đi lên của chữ Nôm như thời nhà Hồ hay Tây Sơn có nhiều người không tán thành việc cải cách và sử dụng chữ Nôm. Sự thành công của Truyện Kiều bằng văn chương quốc âm đã giúp thay đổi nhiều những suy nghĩ của một lớp nhà nho thủ cựu chưa hề có ý niệm về một nền văn học tự chủ khởi đi bằng văn chương quốc âm thông qua chữ Nôm và khi có chữ quốc ngữ mới thuận tiện hơn hẳn, nhiều nho sĩ vẫn chưa thức tỉnh kịp thời.

Mặt khác, các nho sĩ nước ta với lối học từ chương, luôn luôn bám sát những lời dạy của người xưa thông qua sách vở thành ra cái lệ. Những người bước vào cửa Khổng, sân Trình quá tùy thuộc, tôn sùng vào những lời dạy của ông và chỉ nhắm đến việc thi cử đậu đạt chứ không đi sâu tìm hiểu ý nghĩa sâu xa từ những lời dạy đó. Nho học trở thành một hình thức tôn sùng Khổng Tử và Bách gia Chư Tử mà ta vẫn gọi chung là Nho giáo. Vì thế việc nệ cổ, lập đi lập lại những lời dạy của Khổng Mạnh rất máy móc từ trường học cho đến việc thi cử khiến tinh thần tự chủ của các nho sinh không vươn lên cao, vượt ra ngoài những khuôn thước của nhiều triều đại. Dầu vậy, việc đem Nho học, trong đó Khổng học là chính yếu vào việc học hành thi cử của các triều đại như nhà Lý, nhà Trần, nhà Lê và nhà Nguyễn tiếp nhận từ nền giáo dục của Trung Hoa nhằm giáo hóa dân chúng có bài bản hơn vì nước ta trước và sau thời tự chủ chưa có một nền học thuật và tư tưởng riêng biệt! Khi bắt đầu có cơ hội tiếp xúc với người Pháp nói riêng và thế giới Tây phương nói chung, từ vua quan nhà Nguyễn và rất nhiều nho sĩ cũng chưa kịp thức thời để mở cửa tiếp nhận có lựa chọn nền văn minh mới, bổ sung cho các nền tảng cũ lỗi thời làm đất nước không theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật từ Tây phương sẽ có tác động lớn trong việc đưa đất nước đi lên. Nhưng cũng may mắn là đã xuất hiện nhưng sĩ phu yêu nước vừa có căn bản của đạo Nho lại vừa tiếp thu những tinh hoa tư tưởng của phương tây như khái niệm tự do, dân chủ, độc lập... v.v... Đó là những nhà yêu nước chân chính như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Thái Học... v.v... đã dấn thân vào con đường đấu tranh giành lại tự do và độc lập thực sự cho đất nước.

Nhìn chung, chế độ giáo dục và khoa cử xưa có những đóng góp cụ thể cho nền tự chủ của dân tộc nhưng cũng tạo nên một tầng lớp vua quan, nho sĩ bảo thủ không nhạy bén, theo kịp sự tiến bộ của nhiều nền văn minh ưu việt hơn giúp đất nước đủ sức chống lại những mưu toan xâm lược mới của chủ nghĩa thực dân trong những năm triều Nguyễn về sau. 

(Lần đến: Phần 5, Chương 3: Khái quát về những phong tục, lễ hội Trung Hoa ảnh hưởng đến nền văn hóa, văn minh Việt Nam.)

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét