Thế là, tôi tung tăng, thoáng một chút là phát hết xấp truyền đơn, vui mừng vì đã đóng góp xây dựng nền dân chủ nước nhà, rồi mơ ước có ngày được ra tranh cử phụng sự dân nghèo.
Bầu cử trước 1975 ở miền Nam vui lắm, các ứng cử viên với cả đoàn xe, đoàn người, nối đuôi là đoàn con nít đến từng người, từng nhà gõ cửa phát truyền đơn và giải thích đường lối tranh cử.
Nền cộng hòa và Quốc Hội lập hiến
Ở miền Nam, mỗi nền cộng hòa đều bắt đầu bằng một cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến để soạn ra một Hiến Pháp mới, nên sau cuộc đảo chánh 1/11/1963, vào ngày 11/9/1966 một Quốc hội Lập hiến gồm 117 dân biểu đã được bầu ra.
Sau đó một Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp được thành lập rút ưu khuyết điểm Hiến pháp 1956, nghiên cứu và rút tỉa kinh nghiệm từ nhiều bản hiến pháp trong đó có Mỹ, Pháp, Nhật Bản và Đại Hàn.
Mỹ là một quốc gia dân chủ già dặn trên 250 tuổi, Bản Hiến pháp và hệ thống chính trị của Mỹ đã ảnh hưởng nhiều đến Hiến Pháp 1967, thế mà các cuộc bầu cử gần đây còn bộc lộ nhiều khuyết điểm đáng suy nghĩ và học hỏi.
Trước đây, tôi đã viết bài “Giá trị tinh thần lập hiến Việt Nam Cộng Hòa“, phân tích điểm mạnh và yếu của các bản hiến pháp Việt Nam Cộng Hòa. Giá trị tinh thần lập hiến Việt Nam Cộng Hòa - BBC News Tiếng Việt
|
Đây cũng là bằng chứng khẳng định người dân Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng một chế độ đa đảng, đa nguyên, khác với cái nhìn miệt thị cho là "dân trí thấp" nên dân chủ chưa thể tới Việt Nam.
Người dân tích cực tham gia
Trong lần bầu cử Quốc Hội Lập Hiến có 532 ứng cử viên ra tranh cử 117 ghế, tổng cộng cử tri đi bầu là 4,274,872 người, chiếm 81% cử tri ghi danh.
Thượng Viện có 60 ghế nghị sĩ, bầu theo liên danh lần đầu bầu 60 người, cứ 3 năm bầu lại 30 người.
Hạ Viện thì cứ 50,000 dân sẽ có 1 ghế dân biểu, mỗi 4 năm bầu lại một lần, trong cuộc bầu cử pháp nhiệm 1 (1967-1971) tổ chức vào tháng 10/1967, có hơn 1,150 ứng cử viên tranh 137 ghế dân biểu.
Pháp nhiệm 2 (1971-1975) nhờ tình hình an ninh ở nông thôn tốt hơn nên có thêm hơn 1.3 triệu người ghi danh đi bầu nâng tổng số cử tri lên đến 7,086,000 người và có 5,567,446 cử tri đi bầu với tỉ lệ 79%.
Số ứng cử viên ra tranh cử Hạ Viện lần đó là 1,242 cho 159 ghế, riêng tại thủ đô Sài Gòn đã có 175 ứng cử viên ra tranh cử cho 13 ghế.
Trong hoàn cảnh chiến tranh các con số trên cho thấy người dân miền Nam rất tích cực tham gia cả bầu cử lẫn ứng cử.
Ứng cử viên thì hết sức đa dạng có người thân chính phủ, người đối lập, người độc lập, có người chống cộng triệt để, cũng có người âm thầm hay công khai theo cộng sản và cũng có người được Mỹ ủng hộ đưa vào.
Chính nhờ tình hình an ninh ở nông thôn được vãn hồi, chính sách hồi chánh và chính sách cải cách ruộng đất rất thành công nên đa số những người thân chính phủ và những người chống cộng đã thắng cử pháp nhiệm 2 (1971-75).
Ứng cử viên theo cộng sản…
Tại đơn vị thủ đô Sài Gòn ứng cử viên mang số 85 tên Trần Tuấn Nhâm dùng khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước” và chính sách “Xã Hội Chủ Nghĩa con đường duy nhất giải phóng dân tộc” để tranh cử và đã thất cử.
Phía cộng sản, một mặt tìm mọi cách để phá hoại các cuộc bầu cử và đe dọa, khủng bố cử tri đi bầu, nhưng mặt khác lại ngấm ngầm đưa người ra tranh cử và tìm mọi cách để ứng cử viên của họ thắng cử.
Tại đơn vị Định Tường có dân biểu Nguyễn văn Dậu thắng cử pháp nhiệm (1967-71), ông Dậu đã công khai lập trường theo cộng sản và đã sử dụng quyền bất khả xâm phạm của Dân biểu để treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam và treo hình Hồ Chí Minh tại nhà.
Hồi Ký của Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cho biết khi ông Nguyễn văn Dậu tái tranh cử Hạ Viện năm 1971 có 1 đại đội cộng sản đột nhập về xã Xuân Sơn lùa dân vào đình làng buộc dân phải bỏ phiếu cho ông Dậu, nhưng kết quả ông Dậu vẫn thua.
Ông Nguyễn Bá Cẩn đắc cử dân biểu cả hai pháp nhiệm, trong pháp nhiệm 2 ông được bầu làm chủ tịch Hạ Viện chức vụ đứng thứ 4 thời Việt Nam Cộng Hòa chỉ sau: (1) Tổng thống; (2) Phó Tổng thống và (3) chủ tịch Thượng Viện.
Ông Cẩn cho biết khi vận động tranh cử ở thôn quê đơn vị Định Tường, ông đều phải hết sức kín đáo cho đến phút cuối, vì nếu cộng sản biết được họ sẽ cho du kích đến khủng bố và có thể giết ông nếu được.
Thành phần tham gia Quốc Hội
Quốc hội vào thời điểm năm 1974 ở Thượng viện có 41 nghị sĩ thân chính phủ, 19 nghị sĩ đối lập, còn ở Hạ viện có 84 dân biểu thân chính phủ, 59 đối lập và 16 độc lập.
Các dân biểu ở Hạ Viện và nghị sĩ ở Thượng Viện có quan điểm và chính sách chung hợp thành từng Khối, các Khối đã liên kết bên trong mỗi Viện và giữa hai Viện để tạo sức mạnh ảnh hưởng chính sách quốc gia.
Vào năm 1971, chỉ chừng 15 đến 20% các dân biểu và nghị sĩ là thuộc các đảng chính trị, nhưng ngay cả cùng một đảng các dân biểu và nghị sĩ gia nhập các Khối khác nhau tùy theo quan điểm chính trị cá nhân và địa phương họ đắc cử.
Sau Hiệp Định Ba Lê 1973 có thêm đảng Công Nông và đảng Dân Chủ được thành lập với mục đích là cạnh tranh với đảng Cộng Sản nếu có bầu cử tự do.
Đảng Công Nông quy tụ các đoàn viên nghiệp đoàn, ông Nguyễn Bá Cẩn được bầu làm tổng thư ký, còn ông Trần Quốc Bửu là chủ tịch, tôi sẽ có bài viết khác về đề tài này.
Các dân biểu và nghị sĩ thuộc đủ mọi tôn giáo, nhưng lên đến 40% là người Công giáo trong khi số người đạo Công giáo ở miền Nam chỉ chưa đến 10%.
Chiếu theo Hiến pháp thì Hạ viện phải có 6 ghế dành cho người Việt gốc Miên, 6 người Thượng, 2 người Chàm, và 2 người thuộc sắc tộc thiểu số miền núi Bắc Việt di cư vào Nam, cũng có một số người Việt gốc Hoa ra tranh cử và đã đắc cử vào Hạ Viện.
Nhìn chung Quốc Hội rất đa sắc tộc, đa nguyên, đa đảng và đa dạng hơn các quốc gia khác rất nhiều.
Quốc Hội làm gì ?
Ông Nguyễn Bá Cẩn cho biết vì hoàn cảnh chiến tranh, nên các dân biểu và nghị sĩ không thể tập trung cho việc lập pháp, mà thường phải dành nhiều thời giờ để tìm hiểu và bàn thảo những sự kiện liên quan đến quân sự và chính trị.
Vào ngày 20/10/1972 khi Hạ Viện đang bàn thảo về dự luật lao động thì có tin từ Tổng thống đưa sang Ngoại trưởng Kissinger sang Việt Nam ép ông Nguyễn Văn Thiệu phải ký bản thảo Hiệp Định Ba lê do Bắc Việt và Mỹ soạn.
Hạ Viện lập tức chuyển sang bàn thảo về cách đối phó với Mỹ, các dân biểu đã quyết định “xuống đường biểu tình chống Mỹ”.
Hôm đó, có một Đại Hội các dân cử địa phương đang họp ở Sài Gòn, nghe có cuộc dân cử xuống đường biểu tình chống Mỹ cấu kết với cộng sản, họ cũng xin nhập cuộc.
Một đoàn gần 500 đại diện dân cử toàn quốc, dẫn đầu là chủ tịch Hạ Viện ông Nguyễn Bá Cẩn, từ trụ sở Hạ Viện tuần hành đến Dinh Độc Lập làm chính Tổng thống Thiệu cũng rất bất ngờ và cảm động khi được đón tiếp đoàn biểu tình.
Chính nhờ thế mà Mỹ đã phải xé bản thảo và cùng Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa soạn một Hiệp Định khác có lợi hơn cho phía miền Nam, và Tổng thống Nixon phải viết thư hứa sẽ thực hiện Hiệp Định.
Chẳng may ông Nixon phải từ chức và Hiệp Định Ba Lê bị phía Bắc Việt xé bỏ.
Nghị trường non trẻ
Ông Nguyễn Bá Cẩn cho biết Thượng Viên bầu liên danh nên các nghị sĩ đều có học vấn, hiểu biết, đức độ, tài năng và có khuynh hướng chính trị rõ ràng.
Còn Hạ Viên tranh cử theo đơn vị nên phản ảnh rõ ràng bản tính của địa phương, đặc trưng của nông thôn và thành thị.
Có nơi bà con chỉ chọn một dân biểu kiểu cách của một ông hội đồng xã bình dân hay một anh nghĩa quân hiền hậu thích giúp đỡ đồng bào. Nhưng cũng có những đơn vị bà con lại chọn những dân biểu hoàn toàn trái ngược.
Ông Cẩn có đưa ra hai thí dụ, thứ nhất là một dân biểu gốc quân nhân lên diễn đàn Quốc Hội rút chốt lựu đạn, làm một nửa số dân biểu phải chạy khỏi nghị trường.
Thứ hai là một dân biểu khác ông này chắc chắn chưa hề được huấn luyện quân sự lên diễn đàn móc súng bắn thủng trần Quốc Hội.
Ông Cẩn cho biết cả hai dân biểu đều chỉ muốn báo chí đưa tin để cử tri đồng cảm tiếp tục ủng hộ họ, nhưng Quốc Hội Việt Nam Cộng Hòa vẫn chưa xảy ra việc các dân biểu đánh nhau ngay trong Quốc Hội, như đã xảy ra ở nhiều Quốc Hội các nước Tây Phương tân tiến.
Cộng sản nằm vùng…
Ông Nguyễn bá Cẩn có đưa ra một số trường hợp dân biểu Hạ Viện có liên quan với cộng sản, đầu tiên là 2 dân biểu Hoàng Hồ và Nguyễn Thế Trúc bỏ trốn ra ngoại quốc khi mạng lưới tình báo của Huỳnh Văn Trọng và Vũ Ngọc Nhạ bị phá vỡ.
Dân biểu Trần Ngọc Châu là cựu Trung tá Quân đội, bị bắt vào tháng 2/1970 vì tội liên lạc với anh của ông là một gián điệp cộng sản với bằng chứng được quay phim, nên Hạ viện truất bỏ đặc quyền miễn tố của dân biểu Châu với 102/135 phiếu thuận.
Nhưng sau đó Tối cao Pháp viện xem xét và tuyên bố vì Hạ viện chỉ bỏ phiếu kín mà không mang ra Quốc Hội tranh luận công khai nên việc truất bỏ đặc quyền miễn tố của Hạ viện là bất hợp hiến.
Sau 30/4/1975, ông Châu bị cộng sản bắt tù ba năm và sau đó đi Mỹ, ông Nguyễn bá Cẩn cho biết ông Châu không cung cấp thông tin nào cho cộng sản mà còn liên lạc và làm việc cho Mỹ, như vậy có thể ông Châu là gián điệp Mỹ hơn là gián điệp cho cộng sản.
Dân biểu Đinh Văn Đệ là cựu Đại tá Quân đội, bị tình báo Việt Nam Cộng Hòa phát hiện trong thời gian ông làm Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng ông đã chuyển giao nhiều tài liệu tối mật cho cộng sản.
Ngoài ông Nguyễn văn Dậu nói bên trên, còn có ông Nguyễn Công Hoan thuộc đơn vị Phú Yên cũng nằm vùng cho cộng sản nhiều người biết nhưng không có bằng chứng.
Sau 30/4/1975 ông Hoan lại được cộng sản đưa ra tranh cử Quốc Hội, nhưng chỉ một thời gian ngắn ông Hoan vượt biên sang Mỹ tị nạn.
Phiên họp cuối cùng…
Khi Tổng thống Trần Văn Hương nhậm chức, ông Nguyễn Bá Cẩn xin từ chức thủ tướng để ông Hương có thể mời Đại Tướng Dương Văn Minh làm thủ tướng đặng ông Minh thương thuyết với cộng sản.
Trong bài diễn văn trước Quốc Hội ngày 26/4/1975, ông Hương cho biết đã tiếp xúc với ông Minh để mời ông Minh đảm nhiệm chức vụ Thủ Tướng, nhưng ông Minh không chịu mà đòi phải nhường cho ông chức vị Tổng thống.
Ông Hương trả lời ông Minh là không thể trao quyền cho ông ấy vì còn có Quốc Hội và phải tuân theo Hiến Pháp vì thế ông cho Quốc Hội biết để mọi người bàn tính và quyết định. (https://www.bbc.com/
Chiều ngày 27/4/1975 Lưỡng Viện Quốc Hội đã họp phiên họp cuối cùng, để ra quyết định (1) chính thức cho Tổng thống Trần Văn Hương từ chức; và (2) trao quyền cho Đại tướng Dương Văn Minh.
Ông Nguyễn Bá Cẩn cho biết các nghị sĩ và dân biểu phe đối lập đã chống lại việc trao quyền cho Tướng Minh vì như thế là vi hiến và “họ nghĩ rằng ông Minh không đủ tài ba để giữ nước và sẽ làm mất nước vào tay cộng sản”.
Chiếu theo Điều 56 Hiến pháp khi ông Hương từ chức, Chủ tịch Thượng viện là ông Trần Văn Lắm sẽ phải tạm thời giữ vai trò Tổng thống.
Theo Điều 105 quyết định sửa đổi Hiến Pháp phải hội đủ hai phần ba (2/3) tổng số dân biểu và nghị sĩ, nhưng con số tham dự chỉ có 138 người không đạt 2/3 tổng số dân biểu nghị sĩ theo luật định là 146 người, nên Quốc Hội cũng không có quyền sửa Hiến Pháp.
Cuối cùng các dân biểu và nghị sĩ phải đành lòng chấp nhận vi hiến trao quyền cho Tướng Minh, ông Nguyễn bá Cẩn có đưa ra 3 lý do chính dẫn đến quyết định:
(1) để tránh một cuộc đảo chánh làm mất uy tín Tổng thống Trần văn Hương và Quốc Hội, gây thêm chia rẽ và bất ổn chính trị;
(2) để tránh chuyện cộng sản pháo kích vào thủ đô Sài Gòn gây thương vong cho dân chúng như họ đe dọa; và
(3) trao quyền để ông Minh có thể chính thức bàn giao quyền thừa kế Việt Nam Cộng Hòa cho phía Bắc Việt.
Cũng theo ông Nguyễn Bá Cẩn quyết định trao quyền cho Tướng Minh chẳng khác nào các dân biểu và nghị sĩ Quốc Hội đã đồng ý vi phạm Hiến Pháp và khai tử nền Đệ Nhị Cộng Hòa vào tối ngày 27/4/1975.
Giấc mơ vẫn còn…
Tôi lớn lên trong khu Bàn Cờ, Sài Gòn một khu lao động đa số người dân ở đó rất nghèo nên như đã trình bày trong phần mở đầu tôi luôn mong ước có được cơ hội ra tranh cử để phụng sự dân nghèo.
Đáng tiếc nền dân chủ non trẻ của miền Nam đã bị khai tử và tôi phải bỏ nước ra đi tìm tự do nơi xứ người.
Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa 1967 ghi rõ người Việt hải ngoại có quyền bầu cử và tranh cử, giống như các quốc gia dân chủ hiện nay Mỹ, Pháp, Thái, Nam Dương… và kể cả Miến Điện người dân nước họ sống ở hải ngoại đều có quyền bầu cử và về nước tranh cử.
Bởi thế giấc mơ mãi mãi vẫn còn là được ra tranh cử hay ít nhất được tham gia bầu cử để xây dựng một nền Đệ Tam Cộng Hòa cho đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
22/5/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét