Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Mưa Tháng Bảy

 

Hình minh họa

Tùy bút MƯA THÁNG BẢY
Thầy Dương Anh Sơn

1  

Tháng bảy, những cơn mưa ở Saigon có khi kéo dài, có khi thoáng qua cùng với bầu trời chiều xám xịt. Những cơn mưa trên Dalat mùa này nhiều hơn thế. Mẹ đã ra đi qua bốn mùa thu. Những ngày cuối tháng sáu âm lịch năm Nhâm Thìn, đêm khuya nhận tin nhà nói mẹ đi đứng va vấp bị chấn thương ở đầu phải vào bệnh viện. Thế là sáng hôm sau khăn gói lên Dalat. Chiều tối vào thăm mẹ. Mẹ đang thiếp ngủ nghe tiếng đứa con ở xa chào và hỏi thăm sức khỏe. Bà chỉ thì thào vài tiếng: 

- Con mới lên hả con?. 

Thế rồi bà lại chợp mắt thiêm thiếp ngủ. Có lẽ máu bầm do chấn thương làm bà khó tỉnh táo. Qua hôm sau, mẹ thở khó khăn do nhiều đàm. Bác sĩ chẩn đoán bà bị viêm phổi. Họ tập trung điều trị theo hướng này và không nói đến chuyện chữa cho tan máu bầm trong đầu bà nữa. Nhà thương cho bà chuyển xuống phòng cấp cứu và điều trị đặc biệt. Từ đầu tháng bảy âm lịch mẹ nằm thở oxy liên tục. Bà đi vào cơn hôn mê dài.... 

Anh em chia nhau đem mền chiếu nằm ngoài hành lang kế bên phòng cấp cứu đặc biệt của Bệnh viện Lâm Đồng để theo dõi tình hình bệnh trạng của mẹ. Những giờ được phép vào thăm chỉ thấy mẹ nằm thiêm thiếp. Nhịp thở, nhịp tim mạch hiện lên trên màn hình máy đo. Hỏi thăm bác sĩ điều trị được trả lời là tình hình sức khỏe chưa có chuyển biến tốt cứ để theo dõi và điều trị tiếp....    

2 

Mỗi năm con đều thu xếp lên thăm mẹ. Mắt mẹ mấy năm nay nhìn kém hẳn. Đi đứng phải bám lần mò theo tường phòng. Mẹ đã thôi hút thuốc cẩm lệ theo thói quen của người Huế mấy năm nay rồi. Từ Saigon theo xe Phương Trang lên nhà, cảm giác về quê nhà có cái gì ấm cúng và rộn ràng dù đã qua cái tuổi sáu mươi hơn. Giấc trưa về chiều trời mùa đông hanh nắng. Những đám dã quỳ đang nở rộ suốt con đường đèo Prenn. Màu vàng rực rỡ chói chang của dã quỳ nằm trên những dốc đá hay các lũng đèo giữa màu xanh mát rượi và thân thuộc của các núi đồi phủ thông xanh. Nghe con lên, mẹ bước ra ngoài hiên nhà đứng ngóng. Xe trung chuyển vừa đậu lại, bước vào cổng nhà chưa kịp chào mẹ, mẹ đã hỏi: 

-  - Con mới lên hả con, đi đường có mệt không, có ăn uống gì chưa? v.v…     

Đó là những câu thân thuộc của mẹ. Nhìn thấy mẹ khỏe là con vui trong lòng. Nhưng rồi tiếng gọi của đường phố thân quen thuở còn đi học, tiếng thông reo và những quán cà phê xưa cùng bạn bè khiến con lên thăm mẹ nhưng lại ít khi cùng mẹ hàn huyên.... Có những lần cùng đoàn cựu sinh viên lên Dalat họp mặt, bẳng lo công việc chỉ ghé về nhà buổi tối ngủ lại. Mẹ vì trời lạnh đã đi ngủ sớm. Sáng mai lại theo đoàn gặp gỡ các giáo sư cũ và bạn bè rồi lại về tối. 

Thời gian dành cho mẹ quá ít ỏi. Có điều nhìn thấy sức khỏe mẹ, suy nghĩ của mẹ vẫn còn minh mẫn là mừng rồi. Con thật là người con vô tình!. Người thực sự lo lắng thiết thực cho mẹ là chú em kề. Chú ấy đã dành nhiều công sức và tấm lòng chăm sóc cho cha mẹ. Chú ấy từng nói: "Còn có ba, có mẹ để được chăm sóc là một niềm vui......". Ba thì nằm một chỗ phải lo nhiều thứ và chú em không nề hà chuyện lo cho ba mẹ bao giờ... 

Những năm còn niên thiếu, nhà đông anh em, mẹ đã vun quén lo cho con cái ăn học đàng hoàng. Những năm tháng của cuộc chiến leo thang, người anh kế học xong tú tài đôi  mới chỉ ghi danh học đại học đã bị động viên đi sĩ quan Thủ Đức. Ra trường được điều đi tác chiến của sư đoàn trấn nhậm cao nguyên. Những trận đánh lớn ở Pleiku, Kontum, Dakto, Daksut. v.v... làm lòng mẹ thấp thỏm không yên. Đêm nào mẹ cũng thắp hương cầu Phật trời che chở từng bước đi, từng trận đánh của con. Nghe tin trên T.V, trên đài phát thanh về những trận đánh lớn ở cao nguyên trung phần là lòng mẹ hốt hoảng lo âu. Rồi những trận đánh mà cả đại đội bị hy sinh gần hết; ông anh liều mạng chạy băng rừng còn sống sót với anh lính truyền tin. Anh về nhà với vài vết thương hơi nặng nhưng cứu chữa kịp thời. Mẹ lại thắp hương cúng tạ trời Phật. 

Ba Mê Thuột và cả miền nam bị vây hãm rồi tan hàng vào mùa xuân 75. Ông anh đang nằm bộ tư lệnh sư đoàn chờ ra tòa án quân sự vì thất trận Dakto bị hạ bậc từ trung úy xuống chuẩn úy. Bộ tư lệnh SĐ 23 bị vây chặt nhiều lớp. Mẹ nơm nớp lo sợ không biết số phận con cái như thế nào. Đang dạy ở Ninh Hòa những ngày đầu năm 75, từng đoàn xe nhà binh chở nhiều lính tráng và kéo pháo về hướng Dục Mỹ lên Khánh Dương. Đèo Phụng Hoàng có một tiểu đoàn dù đang đóng chốt. Một buổi sáng trước cửa nhà trọ gần trường, ông anh mặc sơ mi rách, quần cụt ghé qua lấy tạm bộ đồ tây đàng hoàng đi tiếp vào Saigon. Hôm trước, ông anh đã cùng một tài xế xe tăng M. 48 đêm hôm xông ra cổng bộ tư lệnh bất ngờ chạy ào về bìa rừng phía Khánh Dương rồi bỏ xe tăng, cắt rừng về Ninh Hòa tìm đứa em đang dạy ở đây. Cái số ông anh vậy là lớn!Vội vàng báo tin cho mẹ trên Dalat biết. Mẹ tạm thở phào... 

Những năm ông anh đi "ở tù", mẹ ngủ không yên, rồi bới xách thăm nuôi... Những ngày khó khăn sau trận chiến cũng qua đi. Mỗi năm gần tết lại lên thăm nhà, thấy mẹ tóc bạc nhiều, người lại ốm hơn. Con cái hầu hết đi dạy đều bỏ nghề vì không hợp. Cái cớ kinh tế khó khăn là một cái cớ đơn giản để xin thôi việc.... Mẹ lại theo những bước đi mới của đàn con trong thời buổi đổi thay. Năm tháng qua đi mẹ lại thêm tuổi, sức khỏe không còn như trước. Lên Dalat thăm nhà, mẹ chỉ thích nằm vì sợ lạnh và ít nói, khác với tính cách hằng ngày khi mẹ còn khỏe. 

Ba bị chứng lẫn và hầu như không nhớ được bao nhiêu. Có lần khi lên thăm nhà, bước vào cửa chào ông, ông hỏi: "Anh là ai mà vào nhà đây!". Sau vụ bị va vào tường phải mổ não lấy máu bầm, ông giờ phải nằm liệt giường liệt chiếu. Cũng nhờ anh em đông ở quanh căn nhà chính nên cứ chạy qua chạy lại thay phiên nhau chăm sóc cho ba. Khi mẹ nhập viện, ba vẫn nằm không hay biết gì.

 3  

Suốt cả tháng bảy năm đó, mẹ nằm thở oxy và ăn uống qua ống dẫn. Mẹ chìm trong cơn hôn mê dài. Nhịp thở càng về sau yếu dần phải dựa vào máy thở. Anh em thay phiên trực ở bệnh viện, trải chiếu ngủ đêm ở hành lang gần hai mươi ngày. Hỏi ý kiến bác sĩ thấy mẹ khó qua khỏi nên xin đem về nhà chăm sóc. 

Cùng với ê kíp điều dưỡng làm thêm hỗ trợ, anh em trong nhà lại cố gắng mong mẹ qua khỏi. Mẹ vẫn hôn mê chưa một lần tỉnh lại! Gọi điện thoại xin ý kiến của anh bác sĩ kỳ cựu quen thân từ hồi dạy học ở Tuy Hòa rồi cùng vào Saigon hồi năm 83-84, anh nói là tình trạng được mô tả như thế khó qua khỏi. Hỏi ý kiến một hòa thượng quen ở Thiền viện Vạn Hạnh Saigon, thầy nói là nên cố gắng lo cho bà cụ vì đức hiếu sinh cho đến khi nào không còn thở. 

Đêm cuối tháng bảy bước sang ngày đầu tháng tám âm lịch, hơi thở mẹ yếu dần và rồi mẹ cũng xa  rời cõi tạm. Cô điều dưỡng nhiều kinh nghiệm xác nhận khi nghe tim phổi nói là bà cụ đã thực sự qua đời. Anh em buồn khóc vì mẹ không còn trên đời với con cháu..... 

Nhờ bà con, chòm xóm và anh em cùng lo toan nên mẹ cũng đã được yên nghỉ nơi mộ phần bà đã chuẩn bị từ trước. Những năm tháng anh em trong nhà lo kiếm sống nuôi con cái, mẹ đã âm thầm tìm mua một sinh phần cho hai ông bà khi phải ra đi. Bà đã xây hoàn chỉnh hai ngôi mộ gió cho hai ông bà trên một ngọn đồi ấp Thánh Mẫu lộng gió Mẹ không hề sợ cái chết, chỉ xem đó là con đường ai cũng phải đi qua. Bà vẫn thường dặn cô em gái một mai bà có ra đi về cõi khác thì nên lấy tấm hình nào để thờ và nhiều thứ dặn dò khác nữa ngay từ những năm tuổi bà còn dưới số tuổi tám mươi. 

Khi chuẩn bị cho việc chôn cất, lên nghĩa trang nghe anh em nói mẹ đã chuẩn bị phần mộ từ trước rồi. Nhìn phần mộ xây sẵn đâu ra đó, anh em mới thấy hết cái nhìn của mẹ. Bà không để con cái phải tranh cãi hay lo lắng cho việc chôn cất, bà lại chuẩn bị một sổ tiết kiệm đủ để lo cho việc ra đi... Chỉ nghĩ đến những gì mẹ đã làm cho con cháu và cho việc mai sau của mình mới thấu hiểu được phần nào tấm lòng của mẹ. 

Những ngày cuối tháng bảy âm lịch mỗi năm, tôi lại lên thăm nhà. Mẹ đã ra đi nhưng bóng dáng người mẹ thân yêu vẫn như còn đâu đó trong tâm trí của mỗi người con. Trời Dalat mùa này nhiều cơn mưa lớn vẫn dai dẳng. Trời mưa và lòng tôi cũng nhòe đi theo cơn mưa. 

Dương Anh Sơn                                                                                           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét