Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Lạm Phát Mỹ Tăng Cao Nhất Trong 13 Năm Qua

 

Chủ tịch FED Jerome Powell. (Ảnh: Alex Wong/Getty Images)

Fed Đã Sai: LẠM PHÁT MỸ TĂNG CAO NHẤT TRONG 13 NĂM QUA
Hữu Nguyên

Lạm phát Mỹ tăng cao nhất kể từ năm 2008, nằm ngoài mọi dự báo chủ quan của Fed. Lạm phát tăng sẽ kéo theo lãi suất tăng, chúng ta có thể sẽ chứng kiến sự sụt giảm giá cực nhanh của các thị trường tài sản trong thời gian tới, những cuộc gọi ký quỹ sẽ trở thành nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư và có thể xuất hiện nhiều hơn nữa những vụ đổ vỡ như Archegos.

Chỉ số giá CPI hàng năm ở Mỹ đã tăng vọt lên 4,2% vào tháng 4 năm 2021 từ mức 2,6% vào tháng 3 và cao hơn nhiều so với dự báo của thị trường là 3,6%. 

Đây là con số cao nhất kể từ tháng 9 năm 2008, trong bối cảnh nhu cầu tăng vọt khi nền kinh tế mở cửa trở lại, giá hàng hóa tăng vọt, nguồn cung hạn chế. 

Mức tăng lớn nhất được ghi nhận đối với xăng (tăng 49,6% so với 22,5% trong tháng 3), dầu mazut (tăng 37,3% so với 20,2%) ) và xe hơi và xe tải đã qua sử dụng (tăng 21% so với 9,4%). Lạm phát cũng tăng nhanh đối với nhà ở (tăng 2,1% so với 1,7%) và xe mới (2% so với 1,5%) và tăng trở lại đối với hàng may mặc (1,9% so với -2,5%), nhưng chậm lại đối với dịch vụ chăm sóc y tế (2,2% so với 2,7%) và thực phẩm (2,4% so với 3,5%). Trong khi đó, so với tháng 3, giá cả tăng 0,8%, cao nhất kể từ năm 2009 trong khi lạm phát tiêu dùng cơ bản hàng tháng tăng 0,9%, cao nhất kể từ năm 1996.

Lạm phát của Mỹ tăng cao nhất kể từ tháng 9/2008 (nguồn Trading Economics)

Mục tiêu của Fed về lạm phát cơ bản là duy trì ở mức 2 đến 2,5%. Fed liên tục tuyên bố sẽ không tăng lãi suất vì lạm phát vẫn đang duy trì ở dưới mức hoặc xoay quanh mức mục tiêu của Fed. Nhưng có vẻ như lạm phát vào tháng 4/2021 vừa công bố đã nằm ngoài dự báo của thị trường, cho thấy các dự báo và tuyên bố trấn an thị trường của Fed không còn hiệu quả. 

Phản hồi về chỉ số CPI tăng mạnh trong tháng 4/2021, các quan chức của Fed tin rằng đây chỉ là dấu hiệu nhất thời, lạm phát sẽ nhanh chóng giảm vào các tháng sau và ổn định xoay quanh mức mục tiêu của Fed. 

Ông Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics, viết: “Do các thành phần nhạy cảm theo chu kỳ của CPI vẫn đang tăng với tốc độ khiêm tốn, chúng tôi nghi ngờ báo cáo này sẽ thay đổi quan điểm của các quan chức rằng áp lực lạm phát chỉ là nhất thời”. “Chỉ là có rất nhiều điều ‘đã tạm thời biến động lớn’ hơn những gì họ mong đợi” (theo CNBC).

Hợp đồng tương lai của thị trường chứng khoán đã nhanh chóng sụt giảm, đạt mức thấp nhất trong phiên sau khi công bố số liệu CPI. Thị trường chứng khoán phố Wall bắt đầu phiên giao dịch trong không khí đầy tiêu cực. 

Thị trường tài sản tài chính của Mỹ đang bị thổi phồng bởi các khoản đầu tư bằng nợ ký quỹ (margin debt). Mức nợ hiện đang ở mức kỷ lục. Điều gì xảy ra khi giá cả các thị trường tài sản này sụt giảm vì lạm phát tăng khiến lãi suất tăng? Các cuộc gọi ký quỹ (margin call) sẽ trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất của thị trường chứng khoán, bắt đầu từ Mỹ, sau đó sẽ là toàn cầu. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến các vụ đổ vỡ và bán tháo tài sản bắt buộc vì không đáp ứng được các cuộc gọi ký quỹ liên tiếp trong giai đoạn tới. Rất có thể, nhiều vụ vỡ quỹ hơn nữa giống như Archegos sẽ sớm xuất hiện. 

Hữu Nguyên - NTD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét