Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2021

Khác Biệt Phần III (Hết)

 


KHÁC BIỆT (Tiếp theo - Hết)
Thầy Dương Anh Sơn

Xin mời xem lại Phần I, II (click vào link chữ đỏ)

Link: Khác Biệt Phần I & II

 

III

Sanh xong cháu gái thứ hai, Hạnh vẫn tiếp tục đi làm nhưng cũng chẳng mặn mòi gì lắm. Hạnh gửi hồ sơ sang Viện Đại học Sydney thông qua vị giáo sư sinh hóa Hạnh từng gặp trong khi làm việc ở Việt Nam. Chỉ trong một thời gian ngắn, trường Đại học Sydney đã gửi email và văn bản chấp nhận cho Hạnh được làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về công nghệ sinh học. Văn bản cho phép Hạnh mỗi năm Hạnh phải qua Úc hai lần, mỗi lần bốn tháng để làm việc với giáo sư đỡ đầu cũng như nghe giảng và làm thí nghiệm các bài học cần cho việc làm luận án. Hạnh bàn bạc với chồng và được Bắc đồng ý ngay. Riêng ba mẹ Bắc tỏ ra không vui vì con đường đi của Hạnh không phải là con đường quan quyền và điều quan trọng là có làm ra tiền dễ dàng như hai ông bà từng làm hay không! Nhưng đó là sự lựa chọn của Hạnh. Chỉ có con đường học hành cho đến nơi đến chốn theo những đam mê tìm kiếm của mình mới đóng góp được ít nhiều cho khoa học và con người. 

Để chuẩn bị cho việc học bên Úc, Hạnh đã làm đơn xin thôi việc để dành thời gian cho sách vở nghiên cứu sau khi đi qua đó gặp giáo sư đỡ đầu. Hai thầy trò đã bàn bạc, thảo luận nhiều ngày một cách cụ thể về những vấn đề cần nghiên cứu và chứng minh trong luận án cùng khả năng thành công khi tìm tòi... Những vấn đề cần hỏi han, tìm hiểu hai thầy trò bàn bạc thường xuyên qua thư từ điện tử. Sách vở các loại chuyên môn cần cho đề tài ở Việt Nam còn thiếu nhiều đã được người thầy tận tâm gửi qua rất nhiều bằng thư điện tử cũng như bưu kiện hàng không. Những dịp qua Úc theo định kỳ, hầu như Hạnh làm việc suốt không có thời gian nghỉ ngơi. Lúc thì Hạnh gặp giáo sư đỡ đầu, lúc thì lên lớp nghe các bài giảng, lúc vào phòng thí nghiệm, lúc thì vào thư viện, lúc thì vừa ăn bánh mì vừa làm việc trên máy tính.... Càng vùi đầu vào đề tài nghiên cứu, Hạnh càng say mê chẳng kể thời gian qua mau. 

Hạnh đã từ chối một số tiền lớn do bố mẹ của Bắc đưa cho để lo cho việc học và đi đứng. Khi Hạnh đi lấy chồng, ba mẹ đã gửi vào sổ tiết kiệm của Hạnh một số tiền lớn đủ cho việc học rồi. Ông Đồng từng rất mong con đi theo con đường đã lựa chọn, việc lập gia đình đã cắt ngang chuyện này. Khi Hạnh hỏi ý kiến cha mẹ mình thì hai ông bà đồng ý ngay. Về phần con cái, khi nào ở Việt Nam, Hạnh vừa đi thư viện, vừa viết tài liệu cho đề tài, vừa chăm sóc con. Cháu bé  Dung đã vào lớp mẫu giáo lớn của một trường quốc tế Việt Úc có xe đưa đón sáng đi chiều về. Cháu thứ hai mới đầy năm có sự chăm nom của hai ông bà, người làm và của Hạnh nên trông mau lớn. Gương mặt cháu trông giống ông bố của Bắc khá nhiều và được đặt tên là Thảo. Việc đặt tên cho con vừa thuận ý của bố chồng vừa theo mong ước của Hạnh. 

Bà nội cháu Dung tuy tạm ngưng chương trình phát thanh nhưng thỉnh thoảng vẫn nói trách này, trách nọ. Bà luôn muốn con cái, dâu rể phải đi theo "đường lối chỉ đạo" của bà. Nhưng với Hạnh một người có cá tính và khi đã định một việc gì đã cân nhắc trước sau là sẽ làm cho được. Hạnh cũng như cha ruột của mình vẫn xem con đường học tập sẽ nâng cao hiểu biết và tâm hồn của mình. Con đường khoa học mà Hạnh đeo đuổi không phải là con đường để đưa đến tiền tài hay danh vọng mà đích điểm cuối cùng là phụng sự con người thông qua niềm đam mê tìm tòi khám phá! Không có đam mê khoa học sẽ khó vượt qua được biết bao rào cản trong cuộc sống nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam có quá nhiều phức tạp. Hạnh biết rõ con đường mình đi và cố gắng theo nó. 

Sau hơn hai năm, với những đề tài đã được nghiên cứu và thí nghiệm thành công trong phòng thí nghiệm, giáo sư đỡ đầu đã gặp gỡ Hạnh yêu cầu hệ thống hóa các đề tài và chuẩn bị cho phép đệ trình luận án trong bốn tháng nữa. Trở lại quê nhà, Hạnh ra sức soạn thảo luận án theo những đề tài đã được giáo sư đỡ đầu công nhận. Chưa đầy bốn tháng luận án đã viết xong, Hạnh đọc kỹ và sửa chữa nhiều lần cho đến khi thật bằng lòng và in ra một bản gửi qua Úc cho giáo sư đỡ đầu xem lần cuối trước khi nạp luận án cho hội đồng giám khảo. Mười ngày sau, giáo sư đỡ đầu gửi qua bản yêu cầu chỉnh sửa ngắn với vài vấn đề nhỏ cho hợp lý. Ông hoàn toàn đồng ý với bản dự thảo luận án và cho phép nạp hội đồng giám khảo. Qua tháng sau, theo lịch của trường, Hạnh lại bay qua Úc để trình luận án. 

Buổi trình luận án gồm có một chủ tịch hội đồng giám khảo và năm thành viên kể cả giáo sư đỡ đầu diễn ra sôi nổi với những phản biện được các giáo sư đưa ra và những luận cứ vững vàng của Hạnh để tranh luận. Các sinh viên đang theo học tại trường và nhiều người quan tâm đến đề tài đã ngồi gần hết chỗ giảng đường của buổi đệ trình. Sau gần ba giờ tranh biện, các giáo sư tạm nghỉ để họp kín. Khi cửa bên hông khán phòng mở ra, vị giáo sư chủ tịch trịnh trọng thay mặt hội đồng giám khảo công bố kết quả là Hạnh đã được chấm đạt học vị tiến sĩ ngành công nghệ sinh học với hạng xuất sắc cùng lời khen ngợi của hội đồng giám khảo! 

Giáo sư chủ tịch hội đồng giám khảo cũng nhấn mạnh cho cô tiến sĩ mới cũng như cử tọa bên dưới đang theo dõi: "... Đây chỉ là bước khởi đầu tạo nền tảng cho những công trình nghiên cứu công nghệ sinh học chuyên sâu về sau. Việc nghiên cứu không bao giờ là thành tựu cuối cùng mà nó sẽ là những viên gạch cho những công trình khoa học tiếp theo...." Hạnh đã lắng nghe lời dặn dò tâm huyết của vị giáo sư thay mặt hội đồng giám khảo và vui mừng lên bục giảng đường để trân trọng cám ơn giáo sư đỡ đầu và hội đồng giám khảo. Các giáo sư tỏ vẻ hài lòng với luận án của cô tiến sĩ mới này. Hạnh ở lại Úc thêm mười ngày để dự lễ trao bằng của trường. Ngày trao bằng cũng là ngày nhà trường có quyết định mời Hạnh ở lại trường làm giáo sư trợ giảng.

* * * 

Hạnh thu xếp về Sài Gòn thăm cha mẹ ruột và các em. Ông Đồng cùng vợ vui mừng lên sân bay đón con. Hạnh trình bày với cha mình là sẽ ra Hà Nội thu xếp chuyện gia đình và chuẩn bị qua Úc làm việc trong đầu niên khóa mới. Ông Đồng hoàn toàn tin tưởng và đồng ý sự lựa chọn của con gái. Ở chơi Sài Gòn mấy ngày, Hạnh lại bay ra Hà Nội. Trong bữa cơm đón Hạnh trở về nhà, Hạnh thưa với bố mẹ chồng là sẽ thu xếp sớm vào Sài Gòn trước khi đi giảng dạy ở Sydney cùng với hai con. Ông bà nghe Hạnh nói rất ngạc nhiên. Mẹ của Bắc vội nói: 

- Cô nghĩ sao mà bỏ Hà Nội để qua Úc. Cô đâu có thiếu thứ gì. Cô sinh con có người lo, các cháu đi học có xe đưa người đón, ăn uống sinh hoạt đâu có thiếu thứ gì. Cô đâu lo lắng chuyện tiền nong sắm này sắm nọ. Sao cô không biết nghĩ cô làm dâu nhà này sướng gấp trăm gấp bội người khác! Nếu cái bằng tiến sĩ của cô mà đẻ ra tiền thì tốt cho nhà ta biết mấy! 

Bà còn nói và kể lể dài dòng những "thành tích" ông bà đã lo cho con dâu và cháu nội. Hạnh đợi khi bà nói chậm hơn mới xin thưa: 

- Con cám ơn bố mẹ rất nhiều đã cho con cùng hai cháu nhiều thứ, lo lắng cho con nhiều việc nhưng con chỉ chuộng việc học tập và nghiên cứu thôi nên xin bố mẹ thông cảm cho con. 

Mẹ của Bắc vốn biết tính con dâu đã định việc gì xem là đúng sẽ khó lay chuyển nên không nói gì nữa. Còn Bắc cũng không bất ngờ trước việc Hạnh sẽ định cư và làm việc bên Úc. Từ lâu Hạnh vẫn nói với chồng về chuyện sẽ sang Úc tiếp tục học lên. Bắc thương vợ và tôn trọng sự lựa chọn của Hạnh vì biết rõ khả năng và tính tình của vợ mình. Theo sự bàn tính của hai vợ chồng, khi Dung học hết niên học lớp mẫu giáo trong tháng này, Hạnh sẽ đem Dung vào nhà ông bà ngoại với mình trước khi cùng cháu sang Úc. Còn Bắc sẽ cùng với cháu Thảo sang sau khi nào thuận tiện.

Hạnh vẫn yêu chồng như những ngày còn là sinh viên đại học. Đôi khi vì tập trung cho chuyện học nên có chút lơ là. Hạnh qua Úc làm việc không phải là ly thân với Bắc mà sẵn sàng chờ Bắc thu xếp để đoàn tụ.... Buổi chia tay ông bà nội của cháu Dung và vợ chồng em gái của Bắc diễn ra bịn rịn. Mẹ của Bắc dẫu gì cũng thương con dâu và cháu của mình. Chỉ vì cách nghĩ và quan niệm sống khác nhau nên phải có sự lựa chọn cho phù hợp với ý hướng của mình thôi. Bắc quyến luyến hai mẹ con Hạnh nên xin phép đưa vợ cùng vào Sài Gòn vài hôm rồi trở về với bố mẹ của mình. 

* * * 

Hạnh và cháu Dung bay qua Úc trước niên học mới hai tháng. Nhờ bạn bè cũ thời trung học và đại học đã định cư từ trước nên Hạnh đã thuê được một căn hộ bảy chục mét vuông ở một chung cư cách nhà trường mười lăm phút đi bộ. Bạn bè của Hạnh đã thường xuyên chỉ bảo những kinh nghiệm và hiểu biết khi sống ở Úc nên Hạnh cũng mau chóng hòa nhập. Ngoài một ít đồ dùng và sách vở được đóng gói gửi tàu thủy mang sang, Hạnh sắm sửa dần dần những tiện nghi đơn giản cho hai mẹ con. Cháu Dung cũng được chấp thuận để học ở một trường tiểu học cũng gần chung cư. 

Mọi việc ban đầu thế là tạm ổn. Hạnh bắt đầu đứng lớp giảng dạy những đề tài đã bàn bạc với vị giáo sư chính. Được dạy và nói những hiểu biết cũng như những tìm tòi của mình là một điều thú vị vì đề tài giảng dạy của Hạnh cũng được đề cập nhiều trong luận án mà Hạnh nắm rất vững. Và với Hạnh được đeo đuổi những ước mơ từ khi bước vào đại học là một hạnh phúc. Tình yêu với Bắc là một thứ hạnh phúc và nghiên cứu khoa học lại là một thứ hạnh phúc khác nhất là trong môi trường có tự do sáng tạo thật sự, tôn trọng con người thật sự, có quyền suy nghĩ và nói lên sự suy nghĩ của mình về đóng góp cho khoa học và cho con người. Nhưng cuộc sống không bao giờ theo đúng những gì mình đã suy nghĩ và vạch ra. Qua năm sau, một người bạn thân của Hạnh đang làm việc ở Hà Nội cho biết vẫn thường gặp Bắc chở một cô gái trẻ đi ăn uống chỗ này chỗ kia. Có khi bạn của Hạnh chứng kiến tận mắt cảnh Bắc và cô gái ngồi uống cà phê thân mật với nhau ...... 

Cách tám tháng sau, bạn bè ở Hà Nội lại cho biết thêm đã thấy Bắc đi với cô gái từng gặp với cái bụng bầu! Nghe những tin đó Hạnh sững sờ, buồn chán và khóc thầm cả tuần lễ. Hạnh không ngờ Bắc lại như thế. Những lần gọi điện về Việt Nam giọng nói của Bắc có vẻ lợt lạt thế nào đó và thường viện cớ có nhiều công việc ở công xưởng sửa chữa máy bay cho kịp thời nên chỉ nói ngắn gọn. Hạnh cũng tưởng là do công việc chứ đâu ngờ Bắc lại bội tình! Bạn bè của Hạnh cũng giúp Hạnh tìm hiểu kỹ xem Bắc có đúng như thế không. Và câu trả lời quá rõ ràng là mối tình mới của Bắc có sự giúp rập của mẹ Bắc khi biết tin cô gái bồ bịch của Bắc mang thai đứa con trai. Thế là bà cho cô này về sống chung nhà xem như con dâu của mình. 

Nghe tin như thế, Hạnh sắp xếp công việc về ngay Hà Nội để đem bé Thảo sang Úc.  Mẹ của Bắc có vẻ hơi bất ngờ và sượng sùng chẳng thể chống chế được gì... Hạnh  lo giấy tờ ở Tòa đại sứ Úc cho bé Thảo được phép theo mẹ qua Úc xong rồi chào ông bà nội của hai con để vĩnh biệt cái nơi chỉ biết lợi lộc, quyền thế, danh vọng và vong tình ! Bắc và cô bạn mới được mẹ báo tin nên tránh gặp Hạnh. Vả lại, Hạnh càng không muốn gặp họ chỉ thêm bận trí, bận tâm! Bây giờ Hạnh mới thấm thía câu thơ của Nguyễn Du: "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!"   

* * * 

Với Hạnh, sống để tìm cách làm giàu không chân chính là tội lỗi và sống an phận với những việc mình không thích là tầm thường hóa cuộc đời mình. Đồng thời, sống cũng cần biết thủy chung và có tình người. Có những cuộc sống bị buộc phải sống chung và chấp nhận những cái xấu xa của nó. Sự thay đổi lịch sử sẽ là qui luật tất nhiên và cần thiết khi nó không tốt và đi lạc đường. Qui luật của lịch sử cũng giống thành phần hóa học đến lúc cần thay đổi để cho ra cái mới tốt hơn mà thôi. Đó là những suy nghĩ vẫn nung nấu trong Hạnh không nguôi. 

Tự thâm tâm, Hạnh luôn biết ơn ông nội và nhất là ba mẹ mình đã luôn khuyến khích, nâng đỡ mình trên con đường học tập. Ngoài chuyện khuyến khích con học hành giỏi giang, ông nội và ba của Hạnh cũng rất chú trọng việc rèn luyện nhân cách cho con cháu từ cách đi đứng, ăn nói cho đến trang bị cho con cháu những bài học về lễ nghĩa của đạo làm người. v.v...  Khi người ta ngừng học hỏi, thôi huân tập để nâng cao trình độ và nhân cách của mình thì những gì còn lại cũng sẽ theo năm tháng tàn phai. Sống cho ra sống không đơn giản! 

Thêm vào đó, với Hạnh, cuộc sống chỉ đẹp khi ta biết thông dự, nâng cao và giữ gìn nhân cách của mình để có thể bước đi trên những con đường chân chính. Ngược lại là bất chính, là chấp nhận những cái xấu xa, hạ thấp nhân cách. Và Hạnh phải chọn con đường đi đúng hướng cho mình và con cái trong khả năng của mình. 

Ánh sáng của cái thiện, cái đúng sẽ luôn là ngọn hải đăng chỉ hướng cho  Hạnh trên con đường đời. 

Saigon,25/12/2015

Dương Anh Sơn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét