Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

Khác Biệt

GIỚI THIỆU

Xin hân hạnh giới thiệu đến quý Thầy, Cô, Đồng Môn và Thân Hữu truyện ngắn KHÁC BIỆT của Thầy Dương Anh Sơn (cựu giáo sư Nguyễn Huệ).

Câu chuyện dưới đây dựa theo lời kể của cô bạn cháu gái của thầy. Phản ảnh một phần thực trạng xã hội Việt Nam sau 30-4-1975.

"Chào BBT. Truyện ngắn sau đây tôi được nghe từ cô bạn của đứa cháu. Một số chi tiết có hư cấu nhưng cốt truyện khuôn theo diễn tiến mà cô bạn của cháu gái thường kể về cuộc hôn nhân nam bắc. Tôi sẽ lần lượt gửi phần còn lại cho BBT . Xin chào.das.vn"

Trân trọng

NHHN

 

Hình minh họa - internet

KHÁC BIỆT 
Thầy Dương Anh Sơn

I 

Bắc và Hạnh tình cờ quen nhau từ năm thứ hai khi cùng học chung trường Đại học Bách Khoa tại Sài Gòn. Bắc theo học khoa kỹ thuật hàng không, còn Hạnh lại theo khoa công nghệ sinh học. Họ đã gặp nhau trong những tiết học chung về "môn triết học mệt mỏi" (cách mà nhiều sinh viên vẫn gọi về môn học bị áp đặt, bị buộc phải học vì chẳng có ích gì cho môn học kỹ thuật, quá mất nhiều thời giờ và toàn là lý luận một chiều, không kể là "xưa quá rồi"!. Dẫu là môn học chẳng hề thích nhưng Hạnh có thói quen chăm chỉ vẫn không bỏ giờ nào mà lại ghi chép đầy đủ nữa! Nhiều vấn đề "triết học" Hạnh chẳng hiểu mô tê gì cả cứ thầy giảng trong cơn ngủ mê, trò chép trong cơn mê ngủ! Bắc chẳng hề thích thú môn học này một chút nào. 

Chàng ta trong giờ học chỉ ghi quệt quẹt vài ba chữ cho có lệ rồi lơ đãng nhìn mông lung. Đến khi kết thúc khóa giảng, Bắc mới tỉnh giấc ngủ chạy đi tìm người xin mượn cours đem đi photo để có tài liệu học cấp tốc! Trong các giờ học chung như thế, Bắc có quen sơ sơ qua chào hỏi cô sinh viên ngồi phía trước luôn chăm chú ghi ghi chép chép. Trước tình hình thi cử, khi gặp Hạnh đi trong sân trường, Bắc đã mạnh dạn chào Hạnh và xin mượn tài liệu do Hạnh ghi chép. 

Với vẻ cao ráo, giọng nói nhẹ nhàng của người Hà Nội "origine" và có duyên đã khiến Hạnh gật đầu đồng ý cho mượn. Từ đó họ dần dà quen nhau. Mới đầu chỉ là việc cám ơn việc cho mượn bằng một chầu cà phê bánh ngọt ở căn tin, lần hồi họ mời nhau đi uống cà phê ở các quán "sang" hơn, yên tĩnh hơn bên hông của trường. Cứ như thế đến cuối năm thứ ba của khóa học họ đã có tình cảm yêu mến nhau. Bây giờ, những lúc rảnh rỗi là họ tìm đến nhau đưa nhau đi uống cà phê, đi ăn sáng, đi dã ngoại hay đi nghe ca nhạc.... Thế rồi họ đã thực sự yêu nhau! Cả hai quấn quít gặp gỡ thường xuyên. Hạnh và Bắc dành nhiều thời giờ cho những buổi cùng nhau đi dạo mua sắm và ngắm người ta mua sắm, đi dạo chơi, đi cà phê nghe nhạc hơn là với gia đình hay bạn bè. Gia đình của Hạnh rồi cũng biết mối tình của hai đứa. 

Qua con gái và bạn bè Hạnh, họ cũng biết sơ sơ về gia thế của Bắc. Cha Bắc là một cựu vụ trưởng trong bộ giáo dục, mẹ là trưởng phòng tiếp thị của một công ty kinh doanh nhà đất. Bắc là anh đầu, kế là em gái đang học Học viện Ngoại giao gì đó ngoài Hà Nội. Các bạn của Hạnh tìm hiểu biết thêm được là gia đình này có nhiều người bà con gần là quan chức cấp cao và đương nhiên là giàu sụ, của cải chìm nổi chỉ thấy phô ra ở mức độ thuộc loại có máu mặt còn của nả không thể đoán được. Cái giàu nhờ quyền thế là chuyện xảy ra cho đất nước này khắp thành thị đến nông thôn từ khuya rồi! 

Nghe câu chuyện về "thân thế và sự nghiệp" của gia đình chàng trai mà con gái mình yêu, cha mẹ của Hạnh rất phân vân. Khác với gia đình vừa có quyền, vừa có thế như nhà Bắc, gia đình của Hạnh có ông nội là một nhà giáo kỳ cựu, cha là dược sĩ xuất thân từ đại học Dược khoa Sài Gòn. Từ thuở còn buôn bán thuốc "chui" mấy năm sau biến cố 75 từ chợ Ngô Quyền qua chợ Nguyễn Tri Phương, từ chợ Tân Định qua Calmette đến việc chạy mua thuốc ở bưu điện Sài Gòn, họ dần dần vượt qua được sự túng thiếu và có tiền dư ra. 

Thỉnh thoảng ông Đồng là cha của Hạnh cũng gặp các thầy cũ dạy ở đại học có, trung học có cũng "chạy" thuốc tây. Ông Đồng thường gặp giáo sư Bình ở Văn khoa Sài Gòn, Đà Lạt khi thì đem sách khảo cứu đi bán, khi thì đứng ở bưu điện mua các thùng thuốc ở Pháp hay Mỹ gửi về giúp thân nhân xóa thiếu giảm khó! Có khi ông gặp thầy Mừng, giảng nghiệm viên hóa học của Dược khoa ngày nào phải chạy lui chạy tới ở chợ Tân Định. Gương mặt thầy hầu như không còn nụ cười và giọng tiếu lâm thuở đứng trên giảng đường. Có khi ông gặp thầy Hoàng dạy toán ở Pétrus Ký cũng chạy lòng vòng mua thuốc chợ này sang bán lại cho "lái tỉnh" ở chợ kia... 

Rất nhiều những khuôn mặt của các lớp trí thức Sài Gòn phải chạy vạy lo cho miếng cơm và chờ cơ hội tốt sẽ ra đi tìm cuộc sống tốt hơn..... Nhìn những vị thầy và nhiều trí thức cũ đang mệt mỏi kiếm sống, ông Đồng không khỏi ngậm ngùi....    

Phải hơn hai mươi năm sau biến cố đảo lộn tùng phèo đó, khi nhà nước nới rộng hơn cho phép tư nhân thành lập công ty, ông Đồng và vợ cũng xin thành lập công ty dược phẩm. Bằng kiến thức dược học cùng vốn liếng tích lũy và vay mượn ngân hàng, công ty của ông càng ngày càng có nhiều hợp đồng cung cấp thuốc cho các bệnh viện cũng như buôn bán tại chợ sỉ thuốc tây. Trong cách "làm ăn" kiểu mới, con người cũng quay cuồng theo với lợi nhuận, với sự cạnh tranh, giành giật  các hợp đồng, các nguồn cung cấp thuốc. Để giữ được con người trong chuyện này không đơn giản chút nào. Có nhiều người hiền lành giờ trở nên mưu mô thủ đoạn y chang như những kẻ đang cưỡi trên đầu họ. Có nhiều người trước đây nói năng làm lụng thật thà giờ trở nên tính toán, nói năng che đậy, dối trá.... 

Biết bao sự tha hóa, vong thân đang bào mòn con người càng lúc càng tồi tệ. Những giá trị tinh thần bị coi nhẹ, đồng tiền là sức mạnh, là thước đo giá trị cuộc sống của nhiều người!. Người phía bắc dễ bị lây nhiễm thói hư tật xấu là chuyện đương nhiên vì họ được nuôi dưỡng từ xã hội kiểu đó từ hơn hai chục năm dài!. Những người phía nam sống chung chạ với họ nên nhiều người dần dà cũng bị lây nhiễm rất nhiều thói hư tật xấu. Người ta giao tiếp với nhau không còn thật thà, đàng hoàng như trước kia nữa..... 

Ông Đồng đã thực sự cố gắng rất nhiều để giữ gìn chữ "SĨ" trong ngành dược và gìn giữ chữ "SỈ" cho bản thân. Ông đã nhiều đêm thở dài khi nhìn lại cái còn, cái mất trong tâm hồn. Thời buổi  "kinh tế thị trường" làm thay đổi tính cách của con người nhiều hay ít tùy bản lãnh từng người. Cha ông là một nhà giáo kỳ cựu vẫn thường nhắc nhở ông về những cách thế sống ở đời sao cho giữ được tư cách trong bất cứ mối giao tiếp nào. Cha ông thường nói với ông câu nói của nhà nho: "Quân tử phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất" (Mạnh Tử) nghĩa là người quân tử khi giàu sang cũng không nên nhiều ham muốn; khi nghèo khó, lòng mình cũng không thay đổi ;đứng trước sức mạnh cường quyền cũng không hề sợ hãi khuất phục. 

Việc kinh doanh buôn bán thuốc tây với biết bao sự va chạm chẳng đặng đừng, ông Đồng đã cố gắng rất nhiều để khi mỗi tối thắp nhang lên bàn thờ của cha ông mà không cảm thấy hổ thẹn! Những lúc chỉ bài giúp con học hoặc đi chơi cùng với gia đình, có dịp thuận tiện ông luôn kể về những lời dạy của ông nội hoặc những câu chuyện về nhân cách xử thế… v. v… Các con của ông cũng dần trưởng thành. Việc giáo dục nhân cách sống cho con luôn được ông chú ý. Ông hy vọng ít nhiều đứa con gái học giỏi của ông sẽ thấy được đâu là cái đẹp, đâu là cái thiện, đâu là cái thật cho những định hướng trong cuộc đời.   

* * *
Vợ chồng ông Đồng cũng đã nghe Hạnh trình bày về mối tình với Bắc, chàng sinh viên bách khoa cùng trường. Trong dịp Giáng sinh khi đang theo học năm cuối, Hạnh đã đưa bạn trai về nhà giới thiệu cho gia đình mình. Tiếp xúc với Bắc, với cách ăn nói nhẹ nhàng, khôn khéo pha chút dí dỏm, vợ chồng ông Đồng có một ấn tượng tốt về chàng trai con gái mình yêu! Ông Đồng không hề thành kiến với người bắc mới! Ông biết rõ nhận xét về con người không phải đơn giản. Người nam kẻ bắc cũng có người đàng hoàng và không đàng hoàng! Tuy vậy ,trong làm ăn giao dịch, ông gặp nhiều người phía bắc vào nam mua bán rất chịu khó nhưng có một vẻ gì đó khiến mình khó xem họ như bạn hay thân tình. 

Khoảng cách về quan niệm sống, về cách ứng xử khi giao tiếp làm cho ông buộc phải thận trọng. Đôi lần, tấm lòng chân thành của ông bị lợi dụng nên về sau ông rất e dè.... Những bạn hàng từ miền tây hay miền trung mà ông tiếp xúc lâu dần thành thân quen và không hề ngại ngùng. Họ nghĩ gì thì nói ra, chẳng sợ mất lòng! Cũng như rất nhiều gia đình miền nam khác, chuyện để con cái lấy người miền bắc luôn làm họ phân vân. Nhiều gia đình hoàn toàn từ chối những cuộc hôn nhân như thế vì khoảng cách về quan niệm sống, lối sống văn hóa hai miền có rất nhiều cái nhìn khác nhau do thể chế họ sinh sống mang lại... Họ vẫn nghĩ thà từ chối trước để khỏi hối hận về sau vì rất nhiều mối tình nam bắc đã bộc lộ sự cách biệt!. 

Cây trồng trong môi trường nào sẽ tốt hay xấu tùy môi trường đó. Những chuyện ăn cướp, ăn trộm, giết người cướp của, đi ra nước ngoài làm lao động, đi tham quan du lịch, đi siêu thị... rồi mân mê lấy cắp hàng hóa đã làm cho tiếng tăm người Việt bị hoen ố và bị người nước ngoài rẻ rúng mà phần lớn là người bắc và sau này lan cả nước khiến hai chữ Việt Nam bị coi thường!! Đó là "sự thật không thể tranh cãi" (như cách nói hung hăng láo khoét của anh Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Bắc Kinh!!) Nhiều lần đi giao dịch hợp đồng, ông thấy họ ăn uống thì "tranh thủ", ở khách sạn cũng "tranh thủ". (Họ đâu hề biết tiếng Hán chữ này có nghĩa lấy tay mà giành giật, tranh cướp . Trên dùng chữ này thường xuyên nên bên dưới cứ nhắm hai con mắt nói theo!) những đồ lặt vặt của khách sạn. 

Đi máy bay chẳng hề biết sắp hàng ra cửa, lúc nào cũng chen chen lấn lấn giành nhau đứng trước, ăn nói chẳng kể thiên hạ chung quanh, vì họ chỉ biết có mình và chưa ai chỉ dạy cho họ cung cách  lịch sự tối thiểu khi đi đứng, giao tiếp với chung quanh! Những người như họ đã làm cho người Việt "tử tế" nhó mày, ông tây bà đầm trông thấy phải nhăn mặt; nhưng cái mặt họ sao cứ trơ trơ khi cho những chuyện xấu hoắc như thế là chuyện bình thường!

Đạo đức xuống dốc trầm trọng, tràn lan cả một đất nước vẫn tự hào "bốn ngàn năm lịch sử, bốn ngàn năm văn hiến!" Những câu chuyện thiếu "văn hóa", thiếu đạo đức như thế này đã thấy báo chí nói đến tràng giang đại hải hằng ngày mà ai không muốn nghe cũng phải nghe, không ưa thấy cũng phải thấy và chưa có điểm ngừng! Và quả thật, bây giờ chuyện xấu xảy ra như cơm bữa, nghe hoài cũng lờn, cũng chán ngấy! Còn nguyên nhân vì sao xảy ra biết bao nhiêu sự tệ hại là do ai ,kẻ cầm cương nẩy mực hay do dân tự phát?!...                     

Mối tình của Hạnh với Bắc đã được sự góp ý của rất nhiều bạn bè. Phần đông các bạn gái đều khuyên can Hạnh không nên yêu và lấy người bắc. Những mẫu chuyện họ kể từ nhiều mối hôn nhân  người nam kẻ bắc đã cho thấy hiếm khi có được mối lương duyên. Cuộc hôn nhân chỉ tốt đẹp ở giai đoạn đầu rồi khi chung đụng với gia đình, với những "điều trông thấy" sẽ "đau đớn lòng" (mượn chữ Nguyễn Du), khi gặp những sự trái khoáy, không bình thường từ những mối quan hệ xã hội chung quanh sẽ đưa đến nhiều sự bất hòa. Dù bạn bè thân tình có khuyên can thế nào nhưng vì tình yêu quá thắm thiết với Bắc nên Hạnh đều phớt lờ. Thâm tâm Hạnh lại nghĩ khác. Hạnh nghĩ là không phải mối tình nam bắc nào cũng đi đến thất vọng và đổ vỡ. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay! Thôi thì cứ thử qua cầu xem phía bờ kia có cái gì hay ho không, thân gái "trong nhờ đục chịu"! 

Nhờ sự chăm chỉ và thông minh, Hạnh đã học xong kỹ sư công nghệ sinh học với thứ hạng giỏi. Còn Bắc cũng tốt nghiệp kỹ sư hàng không vào loại khá và được nhận ngay vào làm việc cho một công ty hàng không nhà nước ở Tân Sơn Nhất đang phát triển. Theo ý của gia đình Bắc, họ muốn xúc tiến việc xin hỏi cưới Hạnh. Vợ chồng ông Đồng tùy thuộc ý kiến con gái chứ không áp đặt. Trong thâm tâm của ông vẫn có một khoảng cách nam bắc mà vì thương con, ông không muốn nói ra! Mẹ Hạnh ngay từ đầu đã kể nhiều câu chuyện về những cuộc hôn nhân không được suôn sẻ của kẻ nam người bắc từ sau năm bảy mươi lăm mà bà chứng kiến để Hạnh suy nghĩ. Nhưng con tim đã lấn át lý trí!. Tiếng gọi của tình yêu có một sức mạnh khó bị chia rẽ!

Tôn trọng tình cảm của con nên thấy Hạnh đã nhất quyết, bà không bàn thêm nữa. Do được nhà trường chọn học tiếp cao học trong một năm rưỡi nên Hạnh có lý do để tạm hoãn đợi học xong đã. Gia đình của Bắc khi nghe tin ấy, đáp máy bay vào Sài Gòn tiếp xúc với gia đình Hạnh xin được tổ chức lễ dạm hỏi và chờ ngày Hạnh hoàn tất cao học công nghệ sinh học sẽ làm lễ cưới sau. Gia đình ông Đồng chấp thuận ngay để cho Hạnh có thời giờ đi học và suy nghĩ thêm về lựa chọn của mình. Tuy ông Đồng yêu cầu tổ chức lễ dạm hỏi thật đơn giản nhưng gia đình của Bắc vẫn tổ chức đình đám cho "xôm tụ"! Sau buổi sáng lễ dạm ở nhà gái, họ chủ động mời bà con hai bên đãi tiệc ở một khách sạn lớn cho "nở mày nở mặt' với hai họ! Đây là lần đầu gia đình ông thực sự tiếp xúc với giới "thượng lưu" có "đẳng cấp" như họ! 

Khi tiệc bắt đầu, họ chào mời bằng những lời lẽ khách sáo. Bia vào lời ra ! Ông sui tương lai khoe gia thế "quyền quí ", chức phận và uy quyền một thủa của mình. Ông "rôm rả" nói nhiều về mình và càng nói lại cho thấy những "thành tích" nhỏ nhoi, lặt vặt khi làm công việc giáo dục.Cứ nghĩ ông sui tương lai xuất thân dạy học để rồi vào làm vụ trưởng bộ giáo dục. Hóa ra ông ấy chỉ là viên chức có người trong họ có quyền thế giúp đỡ nên mới đứng trong hàng chức sắc! Ông phụ trách việc tổ chức biên soạn và in ấn sách giáo khoa cho các hệ thống trường học. Ông Đồng chỉ mỉm cười im lặng ngồi nghe "ông sui dự bị" thao thao bất tuyệt về cách làm giàu trong ngành in ấn giáo dục. Thêm vài chai bia nữa ông nói cho ông Đồng biết tỉ lệ ăn chia với tác giả đầu sách, với cấp trên ký duyệt. 

Các đợt "cải cách" thay đổi chương trình là dịp có ăn chia lớn với các sở ngành khi phát hành sách.... Toàn những chuyện "lớn lao" của "sự nghiệp giáo dục" lo lắng cho các thế hệ tương lai đất nước!! Ông Đồng nhìn chung quanh các bàn tiệc cũng thấy những người múa môi khoe mẻ thành tích như thế. Làm giáo dục hay làm bất cứ cái gì cũng là do lòng tham và lợi ích bé nhỏ của gia đình họ mà thôi! Tổ quốc, dân tộc, đất nước cùng nhiều thứ gì đó chẳng có nghĩa lý gì với họ! Đây là cái vỏ che đậy cho tư lợi, cho sự ham muốn giàu có, ham hố tích lũy tài sản bằng đủ cách không bao giờ là đủ trong con người họ! Càng nghe, càng ngẫm nghĩ ông Đồng càng chua xót! Ông không hề thấy cái chất "trí thức" trong con người của ông cựu vụ trưởng mà chỉ thấy hiện ra một con người có chút đầu óc nhỏ nhoi sinh ra chỉ để suy tính chuyện tư lợi! Nhưng đây là sự lựa chọn của con gái ông. Ông hy vọng rằng chàng rể tương lai không đến nổi nào như những bậc làm cha mẹ có "ý tưởng to tát" như thế!  

Hạnh bắt đầu một khóa học cao học được nhà trường liên kết với một đại học lớn của Úc. Chương trình phần lớn được giảng dạy bằng tiếng Anh và có nhiều giáo sư người Úc được thỉnh giảng từ các đại học Úc sang dạy. Khóa học rất năng động với một phần ba là lý thuyết và hai phần ba cho công việc tìm tòi trong phòng thí nghiệm. Do đó, người học phải nổ lực rất nhiều để nắm vững những vấn đề khoa học của công nghệ sinh học càng lúc càng có nhiều cái mới mẻ. Với trình độ và khả năng của mình, Hạnh luôn theo kịp những bài giảng của các thầy người Úc. Tiếng Anh của người thầy Úc mới đầu nghe chưa quen nhưng mấy tuần sau Hạnh nghe bình thường nên tiếp nhận bài giảng cũng dễ dàng. 

Những ngày nghỉ lễ, Hạnh và Bắc lại đưa nhau đi chơi như thủa ban đầu. Họ hiểu rõ tính tình của nhau nhiều hơn. Họ tránh cho nhau những lời nói làm cho người mình yêu khó nghĩ hay không vui. Mỗi lần ghé nhà Hạnh, Bắc đều chào hỏi ân cần ba mẹ và hai em Hạnh. Thỉnh thoảng, ông Đồng cũng ngồi pha trà chuyện trò đủ thứ với Bắc. Bắc ít nói về công việc kỹ thuật của mình trên phi trường. Ông Đồng cũng biết đó là một công việc đòi hỏi sự cẩn trọng từng chút khi làm việc. Có lẽ nhờ đó mà Bắc nói năng rất vui vẻ nhưng chậm rãi và không bao giờ nói quá đáng. Bao giờ trước khi chở Hạnh đi chơi, Bắc đều nói câu: "Xin phép hai bác cho con đưa Hạnh cùng đi ạ!". 

Bắc lúc nào cũng đúng giờ khi chở Hạnh về nhà ba mẹ. Nếu có đi ăn uống mất nhiều thời gian hoặc đi chơi xa, Bắc cũng xin phép đàng hoàng và nói rõ địa điểm sẽ đến cho ba mẹ Hạnh yên tâm. Khóa cao học đúng một năm rưỡi là xong chương trình. Bài thi viết, điểm số thực hành thí nghiệm và luận văn của Hạnh được xếp loại A là loại giỏi. Bằng cao học của đại học Bách Khoa liên kết với đại học Úc có chữ ký của hiệu trưởng Bách khoa và viện trưởng trường đại học liên kết của Úc nên Hạnh có thể tiếp tục theo học tiến sĩ bên đó. Thêm một năm rưỡi yêu nhau, Hạnh và Bắc lại càng thắm thiết với nhau hơn trước. 

Bắc là người rất vâng phục cha mẹ nhưng rất tôn trọng những suy nghĩ của Hạnh. Vả lại, Hạnh là một sinh viên thông minh và tính tình cũng đằm thắm nên lời nói bao giờ cũng có sự suy nghĩ. Bắc thương Hạnh ở phong thái tự tin và điềm tĩnh ấy. Còn Hạnh yêu Bắc ở  thái độ rộng lượng và biết tôn trọng người mình yêu thương. Cả hai đã thấy trong cuộc đời họ sau này khó xảy ra đổ vỡ được !  

* * *     

Gia đình Bắc nghe tin Hạnh học xong đã nhanh chóng gọi điện chúc mừng và xin định ngày sớm nhất cho hai đứa thành hôn. Lễ vu qui và tiệc mời bà con bạn bè sẽ tổ chức tại Sài Gòn và lễ thành hôn cùng tiệc mời sẽ tổ chức tại Hà Nội. Buổi tiệc cưới tại Sài Gòn chủ yếu là bà con đàng gái và bạn bè thân cũ học ở Lê Hồng Phong rồi Bách Khoa của Hạnh và Bắc. Vì Hạnh là con gái đầu nên gia đình đãi tiệc ở một khách sạn lớn và mời khá đông người quen. Qua hôm sau, Hạnh theo gia đình chồng bay ra Hà Nội làm lễ thành hôn. Đây là chặng đường khá mệt và nhiều cái lạ lẫm cho Hạnh. 

Nhà của Bắc là một căn biệt thự khang trang có khu vườn rộng trong một khu đô thị mới sang trọng ở đầu con lộ đi Hà Tây. Bước vào nhà, Hạnh thấy trang hoàng rất nhiều bàn ghế bằng gỗ quý chạm khắc nhưng to lớn dềnh dàng và hơi quê. Lối trang hoàng trong nhà là sự chắp vá nửa quê nửa tỉnh, nửa tân thời và cổ điển nửa mùa. Cô dâu mới người Sài Gòn đem lại nhiều sự tò mò của thân nhân và bạn bè của Bắc. Đối với nhiều người miền bắc, họ vẫn nhìn nhận người miền nam sống "có văn hóa" nói năng đi đứng nhẹ nhàng lễ phép. Họ biết tôn trọng người trên, người dưới, hòa nhã và không khách sáo..... Tuy nhiên, những cuộc hôn nhân ở miền nam trước đây ít khi bị ràng buộc phải ở nhà cha mẹ chồng và nhất là phải làm dâu đúng theo nghĩa của nó. 

Hạnh đã nghe cha mẹ Bắc có ý định để vợ chồng Hạnh cùng chung ngôi biệt thự rộng lớn của mình cho tiện. Hạnh nghĩ như thế cũng tạm ổn khi chân ướt chân ráo ra bắc làm dâu chưa biết một chút gì về ngoài đó; sau này hẳn tính chuyện ở riêng. Khi được cha mẹ Bắc giới thiệu với bà con, Hạnh luôn gật đầu và mỉm cười chào họ. Hạnh ít nói về mình và gia đình. Việc chuẩn bị lễ thành hôn và tiệc ra mắt đã được gia đình Bắc "lên kế hoạch" từ nửa năm trước. Buổi lễ thành hôn tại nhà Bắc có quá nhiều phần trình diễn nghi lễ rườm rà khiến Hạnh thấy đuối sức. Rồi buổi chiều tiếp tục tiệc ra mắt bà con, bạn bè Bắc rất đông đảo với khách mời ngồi kín chỗ cả một trăm bàn ăn. Mới đầu buổi tiệc, họ nói năng còn nhẹ nhàng với nhau nhưng khi bia bọt vào, họ nói năng ồn ào to tiếng. Hạnh nghe rất nhiều lần những tiếng như "đếch" "đéo mẹ", "địt mẹ".... và nhiều tiếng kinh rợn hơn nữa vang lên oang oang khắp phòng tiệc. 

Hạnh chưa bao giờ nghe thấy trong tiệc tùng của đám đông ở Sài Gòn cách nói "thân mật" chẳng giống ai như thế! Hạnh nghĩ chắc đó là thói quen ăn nói kiểu chửi bới đã phát triển đều khắp từ nông dân đến người có ăn học ngoài đó từ thời người Hà Nội chính tông di cư vào nam nên không còn lại bao nhiêu người Hà Nội "thanh lịch" nữa! Sau buổi tiệc, Hạnh nhức đầu mấy buổi phần vì quá mệt chuyện lễ nghi, phần vì những cái lạ lẫm đang đổ ập vào cái nhìn trước một xứ sở không giống như cách kiểu mình từng được dạy dỗ và lớn lên...                                                                                                                                                      

                                                          

II 

Nhà của Bắc ngoài cha mẹ và em gái lại có thêm bà nội gần chín mươi và một người giúp việc bà con xa ở quê lên cùng chung sống. Để làm tròn vai trò nàng dâu, khi thấy trong người đã khỏe hơn, Hạnh xin mẹ chồng để Hạnh được đi chợ cũng gần nhà. Bà mẹ chồng có vẻ hơi ngại vì Hạnh chưa quen dân tình ở đây nên nhờ chị người làm cùng đi. Bất kỳ chỗ hàng thịt hay hàng rau, nghe giọng miền nam của Hạnh là họ "hét giá" gần gấp đôi giá họ thường bán vì giá cả đã được Hạnh hỏi chị người làm trước khi đánh tiếng mua hàng. Khi Hạnh lớ ngớ nghe họ phán giá mắc hơn nên không mua thì bị một tràng chửi:     

- Sáng sớm mở hàng như cô chỉ có nước húp cháo, không mua thì cút xéo đi!                     

Hạnh mở to mắt nhìn và nghe bà bán hàng đay nghiến. Chị người làm đứng phía sau vội lên tiếng: 

- Sao chị bán cho cô nhà tôi mắc thế!    

Bà bán hàng nhìn lại đưa mắt nguýt lườm Hạnh rồi mới chịu bán theo giá thường. Không phải chuyện xảy ra khi mua thịt mà cả những hàng rau, hàng đậu, hàng trứng... v.v… với cảnh mắng chửi chanh chua lại tái diễn. Sau hơn một giờ đi chợ, Hạnh đi về với cái đầu như bị gõ chuông mệt khờ cả người. Hạnh cùng chị người làm lo bếp núc để kịp buổi ăn trưa cả nhà. Bà mẹ chồng khi nghe chị người làm kể đã biết chuyện nên trong bữa cơm nói: 

- Từ nay trở đi con để chị đây đi chợ vì chị đã quen rồi. Con nghe họ buôn bán nói thách giá và chửi rủa không tiện đâu! 

Khi ở trong nam, Hạnh cũng  nghe rất nhiều người nói rằng, người miền nam đi chợ hay đi nhà hàng ăn uống ngoài bắc luôn bị "chặt chém" vì họ dễ bắt nạt, dễ chịu đựng và không đủ ngôn từ chanh chua, không đủ dữ dằn và tính cách "Chí Phèo" để đốp chát trong giao dịch với các người buôn bán và ngay cả trong các mối giao tiếp hằng ngày. Hạnh không tin những lời đồn đãi như thế! Hạnh cứ nghĩ không lẽ lại có một thứ xã hội kỳ quái xấu xí như thế ư! Họa chăng chỉ có một số ít loại người như thế thôi vì những loại người này, dân trong nam gọi là dân chợ búa, không phải là không có mà chỉ biểu hiện ở một số nhỏ dân ăn chơi, côn đồ, anh chị mà thôi. 

Có lần, người bạn gái học cùng trường của Hạnh đi công tác ra Hà Nội ghé thăm Hạnh. Hạnh mời bạn đi ăn phở rồi đi uống cà phê để tiện hàn huyên. Khi ăn phở xong, người trong tiệm tính giá tô phở gần gấp đôi với giá niêm yết. Nhìn qua bàn bên cạnh, họ tính giá bốn chục ngàn một tô; hai tô phở của Hạnh và bạn lại tính bảy chục ngàn một tô. Sau này tìm hiểu, Hạnh mới biết cứ nghe giọng miền Nam, đặc biệt là dân Sài Gòn ra đây là họ chặt chém với giá cả không thương tiếc! Đó là "văn hóa" của họ! 

Trước khi ra Hà Nội theo chồng, Hạnh đã được một vài trường đại học mời giảng dạy. Hạnh đành chờ việc làm theo ý kiến và sự sắp xếp của gia đình Bắc. Hạnh có dịp đi cùng chồng và cha mẹ chồng khi mua sắm hay ăn uống và Hạnh đã nghe và đã thấy những cảnh la hét, quát tháo, chửi bới chỗ nào cũng có như thế cả! Từ khi dân miền nam chung đụng với người miền bắc sau hai mươi năm chia cắt, dần dà qua nhiều năm, họ đã bị ảnh hưởng nhiều thói hư tật xấu làm suy thoái xã hội như tật quen ăn hối lộ, tật vẽ vời công trình, vẽ vời công việc để bòn rút tiền thuế dân đóng, tật làm ăn gian dối, tật ăn nói phô trương thùng rỗng kêu to, quen che che đậy đậy.... 

Người có ăn học ở miền nam trong giao tiếp họ ăn nói "có văn hóa" hơn nhiều. Trong ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày ,họ chẳng hề có những tiếng đệm tục tằn ,thô lỗ như "đéo" "địt mẹ" "đếch"... v.v... bao giờ (dĩ nhiên là trừ ra rất ít người có ăn học đàng hoàng và thực sự có "văn hóa"!). Trong nhiều lần Bắc ngồi uống trà với cha chồng, Hạnh đã nghe ông nói với con đại loại: 

- Mày "đếch" biết chuyện gì cả. Tao tuy quen biết nhiều nhưng chuyện mày xin đổi ra làm việc ngoài này không có bì thư là "đéo" xong đâu! 

Hạnh nghe cha con ông cựu vụ trưởng nói những từ "vô văn hóa" kia như cơm bữa. Khi mới nghe, Hạnh thấy quá kỳ cục! Hạnh không quen rồi cũng phải cố sức mà quen thôi! Thỉnh thoảng, Hạnh cũng nghe Bắc nói với cha:    

- Chuyện xin cho Hạnh đi làm sao con không nghe "đếch gì cả". Con nghe trong chỗ cũ bố làm đang cần người giỏi Anh văn để làm chuyên viên đối ngoại phải không. Thế thì bố lo bì thư giúp cho Hạnh đi làm đi! 

Nhờ phép lạ bì thư bôi trơn cộng với mối quen biết cũ của ông già chồng nên Bắc được đổi ra làm việc ở Nội Bài. Hạnh được làm chuyên viên đối ngoại của bộ giáo dục. Hai buổi tiệc cám ơn đã được tổ chức ở nhà hàng có tiếng với những chức sắc có "giúp rập". Công việc của Bắc vẫn như cũ chỉ khác bầu trời thôi! Với lại do sự phát triển của ngành hàng không dân sự, máy bay đời mới nhập về càng nhiều nên rất thiếu chuyên viên kỹ thuật giỏi mà Nội Bài, Tân Sơn Nhất và nhiều tỉnh thành rất cần. Còn Hạnh, chuyện đi làm khác ngành học cũng thường trong xã hội này. Nếu quen biết và chạy vạy giỏi ở đất Hà Nội này Hạnh có thể xin một chân dạy đại học với tấm bằng cao học loại giỏi của mình. 

Đó là một con đường dù người có tài năng thực sự cũng khó bước vào! Nhưng khi đơn xin làm chuyên viên đối ngoại, tấm bằng có in "thạc sĩ" là một ưu điểm cộng thêm cho hoa lá cành với phong bì kha khá và mối quen  biết nữa ! Bằng của Hạnh là loại chính quy chứ không phải bằng du kích, bằng dỏm! Những loại bằng du kích như thế khi xin việc thì bao thư sẽ rất dày, dầu mỡ bôi trơn cũng phải nhiều khi đi qua nhiều cửa! Không thiếu gì viên chức nhà nước bằng cấp đầy mình, học vị nghe kêu rát mặt nhưng chỉ là những kẻ "sáng cắp ô đi, chiều về sớm", ngồi bàn giấy chỉ tập trung cho việc kiếm tiền bằng đủ cách hơn là "nghiên kíu" lo cho dân! 

Ngày đầu tiên đi làm, Hạnh được ông trưởng bộ phận giao cho việc tiếp tân và phiên dịch cho một phái đoàn các giáo sư bên Úc qua tìm hiểu về việc xin mở các trường liên kết Việt Úc dạy bằng tiếng Anh theo chương trình liên kết nhắm đến thành phần từ trung lưu trở lên tại Hà Nội. Nhờ đã từng học với các giáo sư người Úc ở Bách Khoa Sài Gòn nên Hạnh phiên dịch khá lưu loát. Các thành viên trong đoàn rất bất ngờ khi gặp một người phụ nữ trẻ đẹp nói năng dịu dàng, ứng xử linh hoạt thông minh như thế. 

Khi theo đoàn đi xem những địa điểm có thể mở trường, một giáo sư dạy ở đại học Sydney đã hỏi về trình độ của Hạnh. May mắn là vị giáo sư này lại giảng dạy về sinh hóa nên hai bên nói chuyện rất ăn ý. Ông gợi ý Hạnh nên nạp đơn xin học tiếp tiến sĩ ở Sydney và ông sẽ là người giới thiệu cho nhà trường với tư cách là một trưởng khoa. Ông gửi Hạnh danh thiếp và nói Hạnh lúc nào thấy thuận tiện nên xin qua đó học định kỳ và soạn luận án doctor. Công việc của đoàn cũng kết thúc suôn sẻ nhờ vào mối quan hệ tốt đẹp giữa hai chính phủ và các mối quan hệ đã có từ trước... 

Hợp đồng được soạn thảo chóng vánh và ngôi trường đầu tiên sẽ được mở trong niên khóa đến. Những ngày tiếp theo Hạnh phải theo các ban ngành đi thanh tra các trường nước ngoài trong nội đô Hà Nội. Khi xong việc, trường nước ngoài mời dự tiệc các ban ngành của sở và bộ. Khi đến một cầu thang đi lên lầu trên, một vị trưởng phòng lớn tuổi "của ta" cố tình chạm vào người Hạnh một cách thô lỗ. Hạnh cố tránh ông ta cùng những lời tán tỉnh. Gương mặt Hạnh đỏ gay vì tức giận. Hạnh không ngờ có những loại người như thế trong ngành giáo dục lại là kẻ có chức vụ nữa ! Nhưng sự việc không chỉ xảy ra một lần mà còn lập lại cách này cách kia, dịp này dịp nọ nhiều lúc sàm sỡ, thô bạo hơn ! Hạnh đem những chuyện đó về kể cho cha của Bắc. Và Hạnh thật sự ngán ngẩm khi ông bố chồng nói:

- Con phải chịu đựng những chuyện đó vì ở đây cơ quan nào cũng có những chuyện như thế cả xảy ra như cơm bữa và thường tình.Thời buổi này có chỗ làm việc không phải dễ!  

Hạnh rất thất vọng và đem chuyện này tâm sự cùng chồng. Câu trả lời của Bắc cũng tương tự như ông bố : chuyện này là chuyện vẫn thường xảy ra và biết làm sao được !. 

Hạnh không thể nào hiểu được những cái lệ bất thành văn như thế !Chuyện xảy ra cho con dâu, cho vợ của mình mà xem nhẹ nhàng hơn lông ngỗng ! Hạnh cố nuốt tủi hổ để đi làm nhưng trong thâm tâm đã quá chán chê. Chỉ khi Hạnh mang bầu cháu đầu tiên đến tháng thứ sáu, thứ bảy những chuyện quấy rối như thế mới tạm yên. 

Mẹ của Bắc là một người nhanh nhẹn nhưng cũng lắm lời. Mới đầu khi nghe bà nói nhanh thoăn thoắt và có vần điệu khiến Hạnh nhiều khi chưa kịp hiểu cái gì. Bà cứ hay nhắc nhở Hạnh rất nhiều chuyện vặt vãnh trong các bữa cơm tối gặp nhau vì trừ ông bố đã về hưu nghỉ ở nhà thì ba mẹ con vẫn đi làm đến chiều sẫm mới về đến nhà. Khi thì bà lôi chuyện sắp đặt trong phòng vợ chồng Hạnh ra nói. Khi thì trách khéo Hạnh không pha trà rót nước mời cha mẹ chồng. Cứ vài ngày là một chuyện trách móc, kể lể. Nghe tin Hạnh có bầu ông bà rất mừng rỡ. Nhưng đến tháng thứ sáu đi siêu âm biết đứa bé sắp ra đời là cháu gái, ông bà hơi thất vọng và không vui. Bà mẹ Bắc lại tiếp tục chương trình phát thanh trách này trách nọ kéo dài như một điệp khúc đại loại:                            

- Tại sao một cô con dâu có học về khoa học sinh học như cô lại không biết các phương pháp muốn sanh con trai hay con gái!? 

- Tại sao cô lại đoản thế, Bắc là con cả nên cô phải sanh cho được một cháu trai nối dõi chứ!

Bắc thương vợ nói với mẹ:

- Đứa con đầu tụi con không tính toán phương pháp gì cả. Đợi sinh đứa thứ hai rồi hẳn tính! 

Dần dà việc nói dai và nói dài của bà cũng biết mệt nên tạm ngưng chương trình phát thanh! Bà đang nuôi hy vọng ở đứa thứ hai! 

Rất nhiều tối, nhà thường có khách của mẹ Bắc. Những lúc như thế bà vặn nhỏ volume của đài truyền hình nhà nước để to to, nhỏ nhỏ với các người khách đến xin giúp đỡ  liên quan những việc về nhà đất gì đó. Thường là sau buổi "làm việc" là một phong bì mỏng nhưng "chất lượng cao" để trên bàn trước khi họ chào ra về. Cảnh đó diễn ra hoài nên Hạnh cũng không còn để ý đến nữa. Hạnh cứ nhớ những câu chuyện của ông nội kể lúc tấm bé và nhất là những lời khuyên răn của ông Đồng về lễ nghĩa liêm sỉ. 

Cuộc sống trong gia đình Hạnh và Bắc rất khác nhau nhiều thứ nhất là những vấn đề đạo đức con người. Đã đành nhập gia phải tùy tục nhưng Hạnh thấy mình cần nên tránh xa những thói tục không có ghi dấu trong tâm hồn mình vì đơn giản là Hạnh được dạy từ nhỏ đâu là cái thiện, đâu là cái đẹp và đâu là sự trung thực... Những điều đó đã ăn sâu trong tâm khảm của Hạnh đâu dễ bị xói mòn! 

Rồi cháu gái ra đời trong sự chào đón của ba mẹ và vợ chồng Hạnh. Trông cháu có cái trán cao và đôi mắt có vẻ thông minh như Hạnh. Vợ chồng ông Đồng nghe tin liền đáp máy bay ra thăm ngay. Ông bà rất vui mừng khi mẹ tròn con vuông và bồng bế âu yếm cháu ngoại không biết mệt. Ba mẹ Bắc cũng gượng làm vui đón tiếp ông bà sui. Dù ba Bắc cố  mời mọc về ở nhà mình nhưng ông Đồng cứ thoái thác và thuê khách sạn gần đó để qua lại cho tiện. 

Gặp gỡ và hàn huyên với cha mẹ, Hạnh có phác họa ý định tương lai của mình cho ông bà biết. Những chuyện Hạnh phải chịu đựng khi đi làm mấy lâu nay Hạnh tránh không nói để có dịp thuận tiện hơn sẽ cho ông Đồng biết. Hạnh thường tâm sự với cha mình hơn là vói mẹ vì ông Đồng cảm nhận những suy nghĩ của con rất tinh tế. Con đường của con gái thân yêu lựa chọn khi tâm sự cùng ông về việc phải học tiếp rất hợp ý với ông Đồng. Trước khi vào lại Sài Gòn, ông lại nhắc nhẹ Hạnh về nghĩa vụ làm dâu, còn mẹ Hạnh chỉ bảo thêm về cách thức nuôi con mới sanh.... 

Hạnh được nghỉ sáu tháng để lo cho cháu bé. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc và thanh thản cho Hạnh khi đỡ bị tiếp xúc và nhìn thấy những cái xấu xa trong công việc mà người ta dùng một từ ấm ớ gọi là "tiêu cực" để che đậy! Với Hạnh, nên gọi thẳng thừng tên những việc "tiêu cực" như vẫn gặp hàng ngày là sự xấu xa, sự suy đồi về đạo đức.... thì đúng hơn! 

Sáu tháng được nghỉ phép nuôi cháu nhỏ cũng qua mau. Cháu gái đã biết lật qua lật lại và thường thấy ai nhìn là mỉm cười tươi. Hạnh nhờ bà nội nuôi thêm một một cô có nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ để đi làm. Tiền lương chỉ đủ mua sữa và trả tiền cho cô nuôi trẻ. Những khoản tốn kém khác đều do bà nội sẵn sàng chi trả, mua sắm như áo quần, tả lót, thức ăn, thuốc uống, đi khám định kỳ hay cháu ho cảm bất chợt... v.v… đều có tiền từ các phong bì của bà chi trả rộng rãi. Có cháu bé là dịp để cho đống "tiền chùa" có việc mà làm, mà tiêu! Từng làm việc nhà nước gần ba mươi  lăm năm ở một đơn vị dễ kiếm tiền nên bà mua sắm đất đai vài thửa, nhà cửa vài căn làm của để dành. 

Có lần Hạnh thấy bà cuối năm cầm một chồng sổ tiết kiệm của nhiều ngân hàng khác nhau để lấy lãi làm đám cưới cho em gái Bắc. Đó là của cải tích lũy, bòn rút, gây khó trong việc làm giấy tờ nhà đất mà ra  như cách kiểu của hầu hết những người có chức quyền trong lĩnh vực mình làm việc! Nhà nhà đều "làm ăn" vất vả, cực khổ, mưu mẹo, tính toán như thế cả để có tiền! Lương tâm ơi tiền đây này! Hạnh chợt nhớ lại một câu thoại trong một vở kịch của Molière đọc khi còn thanh xuân mà thấy buồn cho những gì trông thấy ! Vào những bữa ăn chiều khi cả nhà có mặt đầy đủ, bà mẹ chồng của Hạnh khi nói về cuộc sống đã "triết lý": 

- Trong cái xã hội này không có tiền là "đếch" làm được chuyện gì cả. Có tiền mua nhà, sắm đất nhưng không tiền bôi trơn thì giấy tờ sổ đỏ sổ hồng "đéo xong" đâu. Tao làm nhà đất nên tao biết rất rõ! Đi du lịch này nọ với tiền lương như tụi bây chỉ có thể đổ xăng đi xe gắn máy thôi, có đâu ở khách sạn bốn sao, năm sao hay đi nước này nước nọ ! Đồng tiền là sức mạnh nên không thể sống mà không có nhiều tiền. Không lắm tiền nhiều của thì chả làm được gì sất! Con cái tụi bây sinh ra nếu không có nhiều tiền làm sao học được trường Anh, trường Mỹ. Thời buổi giờ phải lấy đồng tiền làm thước đo của sự thành đạt! Tụi bây nên nhớ điều đó!

Nghe bà mẹ chồng giảng "triết lý", Hạnh như có cái gì đắng trong họng. Đồng tiền bà mẹ chồng có là có từ đâu và có sạch sẽ không ?!  Ba Hạnh cũng là người làm kinh doanh thuốc để kiếm tiền nhưng ông không bao giờ xem việc kiếm tiền là mục tiêu của đời mình. Tiền chỉ là phương tiện để cuộc sống được tốt hơn nhưng chắc chắn không phải là thứ mang đến sự giàu có của tâm hồn. Hạnh rất thấm thía những lời tâm sự của ông và nó đã giúp hình thành những suy nghĩ và công việc làm của Hạnh. Mục tiêu làm giàu chính đáng không có gì là xấu nhưng việc kiếm nhiều tiền bằng đủ mọi cách chỉ làm khô hạn và nghèo đi tâm hồn. Những chuyện làm giàu của các quan chức mà Hạnh thấy nơi chỗ mình làm việc và khắp chốn là một thứ làm giàu trên mồ hôi và nước mắt của bao người! Hạnh không thể nào đồng lõa với cách làm ra tiền kiểu "đại trà" như thế! 

Trong công sở cũng như khi đi làm việc với đoàn, Hạnh càng thận trọng hơn và tránh xa những chuyện đi tiệc tùng, ăn uống với lý do về nhà lo cho con nhỏ. Những chuyện vẽ vời kế hoạch ảo này nọ để rút tiền ngân sách trong bộ ở nhiều phần vụ Hạnh đều thấy và cố tránh xa. Ai làm gì xấu sẽ gặt quả sau này. Hạnh thấy rõ như một công thức hóa học! 

Khi cháu gái chập chững biết đi, bà mẹ chồng yêu cầu cả hai vợ chồng nên đi học và thi lấy bằng lái xe để đi làm và cần đi đâu đó cho tiện. Khi hai vợ chồng có bằng lái xe hơi, bà mẹ chồng liền thúc hai vợ chồng "lên mạng" tìm hiểu các loại xe thích hợp ở các sa lông. Chuyện cũng dễ thôi vì tiền bạc sắm xe hai chiếc khoảng ba tỷ đồng đều do các bì thư cất đầy trong tủ sắt của bà lo cả. Với Bắc, việc sắm xe là chuyện thường trong giới quan chức. 

Lương họ chỉ đủ chuyện cơm nước gọn nhẹ. Thế mà hầu như họ tiêu gấp mấy chục lần hơn thế lại dư tiền sắm sanh nhiều thứ xa xỉ khác. Xe hơi, nhà lầu là chuyện nhỏ! Ai cũng ngầm biết tiền dư xài là ở đâu ra. Và họ ngầm coi như không cần biết vì ai cũng có vài con bò sữa, thậm chí có những đàn bò để có sữa ăn xài xả láng dài dài! Hạnh cứ nghĩ hoài chuyện làm giàu của các quan chức. Bọn họ quả là một lũ dòi bọ lúc nhúc hôi hám không thể chịu đựng được nữa ! Hạnh thoái thác nhiều lần chuyện lái xe mới sắm đi làm lấy cớ là chưa quen lái xe và đường phố đông đảo dễ gây tai nạn. Bà mẹ Bắc nói riết với Hạnh : 

- Ba mẹ sắm xe mới cho cô để cô đi làm cho tiện chứ mua để ngắm à!

Để khỏi nghe nói riết điếc lỗ tai, Hạnh đành tập lái xe cho quen quanh khu nhà biệt thự mỗi khi nghỉ chiều thứ bảy, chủ nhật. Rồi Hạnh cũng quen dần lái xe trên đường phố Hà Nội. Trong nhiều sinh hoạt gia đình, hầu như bà mẹ Bắc là người "chỉ đạo" mọi thứ. Bà sắm sửa quá nhiều đồ tiêu dùng và trang trí sang trọng quá "xịn" để khắp nhà với nhiều thứ chỉ dùng qua vài lần! Sinh ra và lớn lên trong một gia đình trung lưu phải vất vả lo toan cho đời sống nên Hạnh cảm thấy cuộc sống như thế có cái gì đó bất thường và sự giàu có đó không chính đáng. 

Những lần theo gia đình Bắc đi về quê thăm nhà từ đường hay ghé các trang trại của bạn bè hai ông bà, Hạnh tận mắt thấy nhiều nhà cửa ở thôn quê còn sơ sài, con người vẫn đi sau con trâu nhọc nhằn trên ruộng đồng, trẻ em áo quần vá víu, bạc màu, ăn uống khổ cực.... Trừ khi là tâm hồn đã khô chết mới không nhận ra thôi! Tiền bạc từ phong bì, tiền ngoắt nghéo của mẹ Bắc cái thì gửi ngân hàng, cái thì "đầu tư" vào những công ty bất động sản do bạn bè về hưu trước đứng tên. Tiền tom góp một đời quan chức của chồng kha khá cũng dồn vào những chỗ sinh lợi để nó đẻ ra thêm! Những câu chuyện trong thù tiếp người quen hoặc bạn bè của bà đa phần là chuyện làm sao để giàu có thêm. Hạnh cứ nghe hoài những chuyện này càng thấy tởm lợm. Tại sao họ luôn đề cao lợi lộc, tiền bạc như thế!? Hạnh cứ hình dung con người của họ chắc không có tâm hồn hoặc tâm hồn đó chỉ có một con đường là kiếm thật nhiều tiền bằng đủ mọi cách là hạnh phúc!! 

Mọi suy nghĩ chỉ quanh quẩn danh và lợi là những thứ phù vân như ông nội của Hạnh vẫn nói. Rồi chuyện thực phẩm ăn uống hàng ngày càng ngày càng độc hại do những thứ hóa chất như "tăng trọng", thuốc làm thịt cũ quá hạn hôi thối thành mới, thuốc làm rau mọc nhanh, rau quả củ biến đổi gène..... của mấy "anh bạn" "hữu nghị " xấu xa Trung quốc phía bắc dễ dàng bán sang nước mình đã thành câu chuyện thời sự trong các bữa ăn.. Đối phó với hiểm họa này, người dân phải lo tự cứu mình trước những nguy cơ ngộ độc thực phẩm hoặc có nguy cơ bị ung thư. Chỉ tội cho những người nghèo làm sao để có thể chọn lựa được khi đồng tiền ít ỏi và ra chợ là nhắm mắt mua những đồ ăn thức uống giá rẻ mà chẳng cần biết gốc ngọn! Nhưng làm sao họ biết được vì đây là vấn đề lớn thuộc trách nhiệm của nhà nước! 

Những nhà quan chức nhiều tiền lắm của như gia đình Bắc có cách đối phó chuyện này khá đơn giản vì họ sẵn tiền! Bà mẹ Bắc đã có một khoảng đất mấy chục mẫu ở Hà Tây. Bà lại vung tiền mua thêm mấy chục mẫu đất gò đồi bên cạnh lập một trang trại rồi thuê người chăm sóc trồng đủ thứ rau củ, nuôi một đàn gà vịt, mấy chục con heo, vài chục con bò sữa. Thế là bà có rau sạch để dùng, thịt sạch cho bữa ăn nhờ vào các phong bì "hỗ trợ" sau gần một năm gầy dựng. Đây là phong trào lập trang trại, mua vườn tược trồng rau quả sạch đang lan rộng nhiều nơi để đối phó những thứ độc hại có trong chuyện ăn uống hàng ngày học hỏi từ tên "đàn anh" tham lam, gian trá Trung quốc!

Dân nghèo có khốn đốn chuyện hóa chất nhập khẩu từ Trung quốc có nhiều trong bữa ăn cũng đành chịu trận; còn những kẻ có "tiền chùa" như bà mẹ chồng chẳng phải lo chút nào! Nhiều chuyến đi về cơ ngơi rộng lớn của mẹ chồng tạo dựng bằng những mối lợi ngoài lương bổng, Hạnh không hề thấy sung sướng chút nào. Sống trong sự giàu có không chính đáng và đồng lõa với nó là tội lỗi! Hạnh cứ nghĩ đi nghĩ lại rất nhiều về chuyện đó. Ngày trước, ông nội của Hạnh vẫn khen cháu gái mình là một người biết hướng thiện, biết suy nghĩ  và thông minh. Đó là con người thật của Hạnh. 

Trong một dịp lễ được nghỉ gần cả tuần, ông bà đã mua vé và đặt phòng cho cả nhà đi Nha Trang đổi gió. Họ thuê bốn phòng ở một khách sạn của Vinpearl ở đảo Hòn Tre với giá sáu trăm đô la Mỹ một ngày chưa kể chuyện ăn uống với giá rất cao. Hạnh không ngạc nhiên lắm vì chuyện lấy tiền đâu để chơi sang như thế. Tất cả đều nhờ "lao động" vất vả cả !Nếu bà con của gia đình bà có hỏi về chuyện ăn xài thả dàn, bà sẽ nói là do huê lợi từ trang trại mà ra!! Những dịp tết, bà còn cho cả nhà đi nghỉ dưỡng ở quần đảo Maldives nổi tiếng hay các resort mắc tiền ở Phuket Thái Lan… v.v... Nguồn  dự trữ "dồi dào" nhờ công việc "lao động không tên" của chồng và vợ bao nhiêu năm "vất vả " bây giờ có dịp để xài cho thỏa! 

Mẹ Bắc khi thấy cháu gái tên Dung được hai năm tròn đi đứng, nói năng đã vững, bà bắt đầu thúc giục Hạnh và Bắc ráng kiếm cho ông bà thêm một cháu trai. Hạnh không hề biết bà đã theo dõi và lên lịch ngày có tháng của Hạnh. Có nhiều bữa ăn bà dặn người làm phải mua nhiều thịt bò, trứng, hải sản... dọn mâm và nhắc Bắc ăn cho nhiều. Còn Hạnh, ngoài những thang thuốc đắng nghét lại được bà khuyến khích ăn nhiều cá thịt. Hạnh thừa biết ý định của bà mẹ chồng là gì. Các học sinh lớp mười hai đã được học qua các phương pháp Ogino-Knauss để tránh thai và để chọn khả năng sinh trai, sinh gái. Sách vở Hạnh tìm hiểu trước khi đi lấy chồng cũng giúp Hạnh biết rõ việc này nhưng Hạnh không áp dụng triệt để. Trai hay gái gì cũng xong! 

Một bữa tối khi đang ngồi chơi với cháu gái, bà đã giục Hạnh và Bắc về phòng. Bà nói với Hạnh: 

- Theo tính toán của mẹ, chu kỳ tháng của con đã đến lúc gần nhau sẽ có con trai! 

Hạnh trợn mắt lên nhìn bà. Hạnh không ngờ bà đã can thiệp trắng trợn vào sinh hoạt riêng tư của vợ chồng Hạnh qua việc theo dõi thời kỳ kinh nguyệt của Hạnh. Hạnh thấy ngao ngán tột độ! Chuyện đó làm sao có thể xảy ra khi Hạnh chẳng có chút hứng thú nào! Trầm trầy mấy tháng sau Hạnh thấy buồn nôn và thèm ăn chua. Bà thúc giục đi khám và kết quả là Hạnh có thai. Thêm năm tháng nữa trong một bữa chiều đi làm về trễ vì ghé qua phòng khám thai của một bác sĩ quen để siêu âm, Hạnh biết tin cái thai trong bụng lại là gái nữa. Hạnh xem đó là chuyện bình thường. 

Khi về đến nhà, Hạnh cũng chẳng nói gì với bà mẹ chồng và cả chồng nữa vì chắc chắn bà nhảy dựng lên và đài phát thanh sẽ phát liên tiếp nhiều giờ! Hạnh có buồn nhưng vẫn nghĩ là có hai con là đủ rồi, sinh con gái thì có sao đâu. Hạnh sợ bà quá kỳ vọng kỳ này sẽ là con trai rồi sẽ phải thất vọng nhiều. Những bậc làm cha mẹ thuộc lớp trước đây vẫn thường thích có cháu trai  nối dõi tông đường chứ không riêng bố mẹ Bắc. 

Rồi việc sẽ đến cũng đã đến! Do sự quan tâm việc có thai của Hạnh, bà đã ghé chỗ bà bác sĩ quen của Hạnh và được biết đứa bé sắp đến lại là một cháu gái nữa! Khi về đến nhà, chưa đợi bữa cơm tối, bà đã tìm Hạnh nói nặng lời: 

- Sao cô "đếch" chịu nghe lời tôi nói chút nào lại sinh cho dòng họ thêm một đứa gái nữa! Với lại, sao cô lại dấu tôi khi đi khám về. Cô "đếch" coi tôi ra gì cả! 

Hạnh kiếu mệt không ra ăn cơm dù Bắc có vào dỗ dành. Nằm trong phòng, Hạnh vẫn nghe bà nói nheo nhéo ngoài phòng ăn không hề mệt mỏi! 

Cô dâu và mẹ chồng cứ tránh nhau gần cả tuần rồi nhờ sự khuyên nhủ của chồng bà và của Bắc, bà mới tạm yên chuyện phát thanh dành cho nhân dân lao động! 

(xin đọc phần III trong lần đến)                                                                                                                                                               

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét