Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2021

Hạnh Phúc Trở Về

 

Hình minh họa - internet 

HẠNH PHÚC TRỞ VỀ 
Khánh Lan 

Tuấn tắt máy xe rồi quay sang nhìn vợ, Phượng vẫn ngồi bất động, mắt mở trừng trừng nhìn về phía trước. Tuấn với tay qua phía trái và nắm lấy bàn tay lạnh toát của vợ, khẽ nói.

- Ðã đến nhà rồi em ạ.

Phượng giật mình, quay lại nhìn chồng, ánh mắt như dại đi, ngỡ ngàng, rồi đưa tay mở cửa xe, bước xuống đường. Tuấn đi theo sau lưng vợ, hai người cùng im lặng. Vừa bước chân vào nhà, Phượng đi thẳng vào phòng ngủ của hai vợ chồng, nàng buông mình xuống giường, úp mặt vào hai lòng bàn tay, để mặc cho nước mắt tuôn trào như hai dòng suối. Hai bờ vai Phượng rung lên từng chập, hòa cùng nhịp điệu với tiếng nấc nho nhỏ, đứt thành từng đoạn như muốn nghẹn trong cổ họng. Tuấn thì khác hẳn, anh bước vào phòng khách, quẳng mạnh chùm chìa khóa xe lên bàn, rồi rơi mình xuống chiếc ghế bành lớn. Tuấn ngả hẳn người ra phía sau, hai mắt anh nhắm nghiền, cái điện thoại cầm tay rơi xuống sàn gạch tạo nên tiếng vang như rạn nứt, nhưng anh cũng chẳng màng để ý, trong trí óc Tuấn như đang diễn lại một cuốn phim "Thảm cảnh về cuộc đời mình".

... Tuấn và Phượng quen nhau qua sự giới thiệu của hai gia đình. Năm ấy, chàng là sinh viên năm thứ ba của trường đại học Kinh Thương tại Saigon.  Còn Phượng, nàng vừa thi đậu vào trường Y Khoa. Cả hai gia đình Tuấn và Phượng đều khá giả và là một trong những gia đình có địa vị trong xã hội.  Cha của Tuấn là bác sĩ chuyên khoa về tim mạch tại bệnh viện Grall, Sài Gòn. Bố của Phượng là nhà ngoại giao tại Mỹ. Khi còn học ở trung học, Tuấn và Phượng đều học trường Pháp và giao thiệp rộng trong giới trí thức thượng lưu. Từ thuờ nhỏ, Tuấn và Phượng được giáo huấn rất kỹ càng trong lãnh vực ngoại giao, khuyến khích trong cuộc sống cầu tiến và lấy sự thành công làm đầu. Chính vì vậy, dù Tuấn và Phượng có một cuộc sống rất ưu đãi, nhưng cả hai đều hoạch định cho mình một lối đi rõ ràng trong tương lai.

Cuộc di tản năm 1975 đã thay đổi tất cả và đã gây ảnh hưởng trên hơn một trăm ngàn người Việt Nam. Gia đình Tuấn và Phượng cũng trong số người đó, nhưng may mắn rời khỏi nước một tháng trước khi Saigon sụp đổ ngày 30 tháng Tư. Định cư tại Hoa Kỳ, hai gia đình Tuấn và Phượng đều ở cùng một thành phố nên hai gia đình vẫn giữ liên lạc với nhau. Tuấn trở lại học cho xong cái bằng Cử Nhân Tài Chánh Doanh Nghiệp và tiện thể lấy luôn cái bằng Cao Học Hành Chánh. Phượng cũng cố gắng không ngừng, nàng trở lại trường và quyết tâm trở thành bác sĩ giải phẫu óc (Neuron Surgeon).

Trong thời gian vật lộn với sách vở, Tuấn và Phượng vẫn gặp nhau, nhưng họ quyết định chờ đợi nhau cho đến ngày "công thành danh toại" mới làm đám cưới, bỏ qua những lời khuyên nhủ của gia đình và bạn bè. 13 năm sau, Tuấn đã dồn hết tâm trí và sức lực để gầy dựng năm cơ sở thương mại sản xuất nhập cảng bàn ghế, từ mọi nơi trên thế giới chạy dài từ Los Angeles tới San Francisco mà anh làm chủ. Một sự đền bù rất xứng đáng và thành công vượt bực khiến cho Tuấn vô cùng hãnh diện. Phần Phượng cũng không kém, nàng trở thành một nữ bác sĩ chuyên khoa ngành giải phẫu não (Neuron Surgeon) cho một bệnh viện nổi tiếng vùng Los Angeles. Và sau cùng, đám cưới của Tuấn và Phượng tổ chức thật linh đình tại Paris, thành phố hoa lệ của tình yêu mà hai người đều yêu thích. Một cuộc đời qúa tuyệt diệu mà Thượng Đế đã ưu đãi cho Tuấn và Phượng.

Hai năm sau ngày cưới khi sự nghiệp đã vững, Tuấn và Phượng hân hoan chào đón đứa con trai đầu lòng, Nathan Phương Tuấn Nguyễn. Lúc đó, Tuấn đã 40 tuổi và Phượng đã gần 35. Nathan sanh ra, khỏe mạnh và thật đẹp, Tuấn và Phượng như chìm đắm trong sung sướng và hạnh phúc. Tuy nhiên, vì là chủ của năm công ty nên lúc nào Tuấn cũng bận rộn và ít khi có mặt ở nhà. Phượng cũng chẳng khác là bao, ở nhà với con được ba tháng đã phải trở lại vì chức vụ của nàng rất cần thiết tại bệnh viện. Tuấn và Phượng quyết định mướn hai người làm một quản gia và một vú em để lo cho Nathan. Nathan lớn lên trong sự yêu thương và dậy dỗ của ông quản gia và bà vú em. Thời khóa biểu tại công ty và bịnh viện của Tuấn lẫn Phượng lại qúa bận rộn và mệt mỏi, nên cả hai đều không có nhiều thời gian ở gần con và chăm sóc cho con. Nathan gần như chỉ biết vú nuôi là mẹ mình. Không phải là Tuấn và Phượng không nhận ra điều này, nhưng vì công danh sự nghiệp đang ở trong tầm tay với, nên họ đành nhắm mắt bỏ qua.

Nathan lớn lên, khỏe mạnh và không có điều gì phải lo lắng về vấn đề sức khỏe của em cho đến khi em được nhận vào lớp vỡ lòng (Pre-school) của trường Montessori Christian School. Một tháng sau, Phượng nhận được điện thoại từ cô giáo Mary, cô đề nghị Phượng nên đem Nathan đi gặp một nhà chuyên môn để chuẩn bịnh cho Nathan vì em có những hành vi hơi khác thường và sức học của em rất đuối. Tuấn vội vã gọi cho bác sĩ John Robinson là bác sĩ chuyên khoa về trẻ em của Nathan. Nathan được giới thiệu đến một bác sĩ chuyên khoa Michael Alexander, sau khi khám Nathan ông nói, Nathan bị bịnh tự kỷ nhưng rất nhẹ; tuy nhiên, em cần sự quan tâm và giúp đỡ trong một vài trường hợp. Theo bác sĩ Alexander, bịnh tự kỷ có thể từ bẩm sinh, nhưng cũng có khi phát hiện ở các trẻ em trong lứa tuổi từ 4 đến 6. Bệnh này có thể ảnh hưởng đến một phần trí tuệ của Nathan. Bệnh tự kỷ ảnh hưởng trên mỗi trẻ em có nhiều mức độ khác nhau và ông khuyến khích Tuấn & Phượng nên gia nhập nhóm hỗ trợ cho các trẻ em bị bịnh tự kỷ và nếu cần thì cho em theo học một chương trình đặc biệt (Special education) dành cho những trẻ em mắc bịnh này. Nhưng Tuấn và Phượng qúa bận rộn với công vìệc tại sở nên không mấy chú tâm đến việc này, Tuấn cũng ít khi đi cùng Phượng và Nathan đến gặp bác sĩ Alexander. Mọi việc trong gia đình, Tuấn và Phượng hầu như giao hết cho ông quản gia và bà vú.

May mắn cho Nathan, bệnh tự kỷ của em phát triển rất chậm và theo lời đề nghị của bác sĩ Alexander, Tuấn và Phượng quyết định để Nathan học trường bình thường (Regular school) nhưng mướn thêm một giáo sư chuyên môn về kèm học cho Nathan. Việc học hành của Nathan Tuấn và Phượng giao thẳng cho vị giáo sư dậy kèm. Phần Nathan, em rất ít nói, ngoài giờ đi học, em thường ở trong phòng và chơi những món đồ chơi mà em thích. Nathan không có nhiều bạn và em cũng chẳng tha thiết làm bạn với ai, ngay cả sự vắng mặt của Tuấn và Phượng cũng chẳng làm em quan tâm và không cần thiết đối với em.

Thời gian thấm thoát trôi qua, Nathan đã 15 tuổi, càng ngày em càng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề giao thiệp với xã hội và bạn bè. Việc học lại càng làm cho Nathan căng thẳng hơn, có những ngày, Nathan không chịu đi học vì trình độ của em chậm hơn các đứa trẻ ở cùng trang lứa, nên em hay bị các bạn chọc ghẹo. Ngưới bạn duy nhất của Nathan là Alex, người cố vấn chuyên môn về ngành tự kỷ mà Tuấn và Phượng mướn để giúp Nathan về cả ba lãnh vực: Học đường, giao tế và sinh hoạt xã hội. Mọi việc đều êm đẹp cho đến khi Alex xin phép nghỉ hai tuần để cưới vợ, anh đã cẩn thận gìới thiệu một người bạn cùng ngành đến giúp và giải thích rõ ràng sự thay đổi tạm thời này với Nathan. Việc này coi như không quan trọng cho một đứa trẻ bình thường nhưng đối với Nathan thì đây là một sự hụt hẫng vĩ đại cho em. Và một sự việc không thể ngờ đã xẩy đến vì sự vắng mặt của Alex.

Nathan, trong một cơn tức giận vì bị các bạn cùng lớp chọc ghẹo trong thời gian Alex đang ở Hawaii. Nathan không biết chia sẻ với ai, em đã tự giải quyết bằng cách lấy cắp cây súng đi săn của ông Nội và đem đến trường.  Cuộc nổ súng xẩy ra không ai biết động lực nào đã khiến Nathan có hành động bạo lực như vậy. Sau khi dùng súng bắn vào học sinh cùng lớp trong giờ chơi, Nathan hoảng sợ và em bỏ chạy trốn. Kết qủa, 5 em học sinh bị thương nặng, 4 em bị thương nhẹ. Nathan bi bắt và tạm giam để chờ ngày ra tòa...

...Phượng bước ra kéo ghế ngồi bên cạnh chồng, mắt nàng đỏ hoe. Thấy Tuấn vẫn ngồi bất động trên ghế, Phượng đưa tay đặt lên vai chồng, giọng nàng chùng xuống. Tuấn đang nhắm mắt, nghe Phượng hỏi, anh giật mình quay lại nhìn vợ.

- Phải làm gì bây giờ hở anh?

- Có lẽ mình phải tìm một luật sư chuyên về hình sự Phượng ạ.

- Anh có biết luật sư nào chưa?

- Sáng nay lúc mình vào thăm Nathan trong trại tạm giam, anh được người ta giới thiệu luật sư Michael Burn, ông ta là luật sư chuyên biện hộ cho những trẻ em phạm pháp như trường hợp của Nathan.

- Lúc nãy em thấy con lạ qúa, nó không tỏ ra một thái độ hay phản ứng gì cả, mặt nó như người đang trong cơn mộng du.

- Sáng nay em có đem thuốc cho con không?

- Không có thuốc, (Tuấn yên lặng, anh lắc đầu rồi nhắm mắt lại, thỉnh thoảng hai hàng chân mày cau lại như suy nghĩ việc gì)

Tuấn đứng dậy, anh với tay lấy cái điện thoại cầm tay, bấm số rồi gọi cho luật sư Michael Burn. Hai người nói chuyện khá lâu trong điện thoại, Phượng ngồi nghe sốt ruột qúa, nàng đứng lên, ngồi xuống, rồi lại đi qua đi lại cả chục lần.  Không biết bên đầu dây bên kia nói gì mà bên đầu dây bên này, Tuấn trả lời rất ngắn gọn, dạ dạ, vâng vâng, tôi sẽ làm ngay, vâng nhờ luật sư giúp.

Tuấn vừa tắt máy điện thoại là Phượng đã đứng sau lưng chồng từ bao giờ, nàng hỏi.

Luật sư nói sao hở anh?

- Phượng ạ, mình phải tìm một liên lạc với bác sĩ psychologist Alexander để xin một giấy chứng minh là Nathan đang uống thuốc Anti-depression và phải liên lạc với bà Psychologist of trường của Nathan làm chứng là Nathan đang nhận dịch vụ cố vấn tâm lý tại trường trước ngày ra tòa.

Phượng nhìn Tuấn, khẽ trả lời:

- Ngày mai em sẽ làm ngay.

- Luật sư nói, nếu chứng minh được là Nathan bị bịnh, thì may ra con được gởi đến một trung tâm cải huấn và chữa trị đặc biệt cho những thiếu niên phạm pháp.

Phượng ngước lên nhìn Tuấn, nước mắt lưng tròng.

- Trời ơi! Làm sao con chịu được... Luật sư có nói là bao lâu không?

Ngừng một lát ... Tuấn nói:

- Cũng chưa biết là bao lâu... may là không ai chết...

Phượng buông nguời xuống ghế, hai tay đưa lên che mặt, khóc thành tiếng.

Tuấn đến bên cạnh vợ, đưa một tay xoa vai bờ vai rung lên từng nhịp của Phượng, giọng chàng nhỏ lại như an ủi...

- Thôi em đừng khóc nữa, bình tĩnh lạ thì mình mới lo cho con được, Phượng ạ.

Ba năm trôi qua, Nathan đã 18 tuổi, em đã xong bậc trung học và chuẩn bị để vào đại học cộng đồng. Nathan không còn nghiện hút và vì em có hạnh kiểm tốt trong tù nên Nathan được tại ngoại hầu tra, nhưng bị quản chế tại gia một năm và không được tái phạm trong vòng 2 năm. Ngoài giờ đi học, đi làm ở tiệm Taco Bells gần nhà, Nathan xin làm thiện nguyện cho một trung tâm giúp trẻ bị bệnh tự kỷ. Với kinh nghiệm Nathan đã trải qua, em đã giúp cho rất nhiều cha mẹ cách thức để chăm sóc cho con mình chẳng may mắc phải chứng bịnh này và kèm các em học. Ngoài ra, Nathan vẫn gặp Alex thường xuyên và coi Alex như một người anh tinh thần. Tuấn và Phượng cũng đã thay đổi cuộc sống của mình, Tuấn mướn người giúp anh quản lý công ty và Phượng xin làm ít giờ để nàng có thì giờ chăm sóc cho gia đình. Phượng cảm thấy mình đang sống trong hạnh phúc.

Hôm nay Phượng không phải trực ở bịnh viện, nàng vửa đi chợ về và định sẽ nấu món "Chả Cá Thăng Long" mà cả hai cha con, Tuấn & Nathan đều thích. Tuấn vừa về đến nhà, chàng chưa kịp ngồi xuống ghế thì Nathan bước vào, em chạy ngay đến bên Phượng và hôn nhẹ lên má mẹ, nịnh đầm.

- Nathan yêu mẹ nhất đời.

Phượng nhìn Nathan âu yếm:

- Ơ hay, thằng bé yêu của mẹ, khéo nịnh đầm nhỉ, chắc lại muốn xin mẹ cái gì? đúng không nào?

- Hihihi.... sao mẹ giỏi thế? Lúc nào cũng đi guốc trong bụng Nathan vậy?

Tuấn đang ngắm hai mẹ con, miệng chàng mỉm cười bảo:

- Ơ hay nhỉ.... thế thì Nathan coi bố là đồ bỏ hay sao?

Nathan quay lại nhìn Tuấn, cười lớn, rồi chạy về phía cha và ôm ghì lấy Tuấn:

- Hahaha... Nathan yêu bố nhì đời này.

Cả nhà cùng bật cười vì câu nói ngây ngô và đáng yêu của Nathan.

Một tháng sau, Nathan đang ngồi trên bàn học dậy kèm hai em nhỏ trong trung tâm dậy kèm trẻ em bị bịnh tự kỷ. Bỗng nhiên ngoài cửa phòng xuất hiện một em trai khoảng 14, 15 tuổi, đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch.  Nathan nhận thấy trên tay của của em trai cầm một khẩu súng, chĩa thẳng về phía Nathan và hai đứa bé Nathan đang kèm toán. Như một phản xạ tự nhiên, Nathan đứng vụt dậy, tiến lên phía trước của cái bàn học, hai em nhỏ sợ hãi, ngồi núp sau lưng của Nathan. Nathan hai tay đang rộng như để che chở cho hai đứa học trò của mình, em nói.

- John, có chuyện gì vậy? Ngồi xuống đây kể cho anh nghe.

John không nói tiếng nào, mặt đỏ gay và đôi mắt như mất thần, tay vẫn ghì chật lấy cây súng đã lên đạn và sẵn sàng nhả đạn. Giọng nói của Nathan vẫn nhẹ nhàng và bình tĩnh.

- John, nghe anh nói, em đưa cây súng đây, anh giữ hộ cho.

Thấy John không trả lời, Nathan tiến lên vài bước và đến gần John hơn.   Trong khi John thấy Nathan tới gần mình, em lùi lại vài bước và gào lên trong bực tức. "Get out, get out of my way". Nathan chưa kịp nói lời nào, thì những tiếng nổ chan chát vang lên, nhả những tràng đạn từ nòng súng, bay xối xả, tới tấp vào thân thể của Nathan lẫn trong tiếng thét của John và tiếng khóc của hai em nhỏ. Nathan ngã gục trên sàn nhà, chiếc áo sơ-mi mầu trắng nhuộm mầu máu đỏ tươi. John vứt mạnh khẩu súng xuống cắm đầu chạy ra khỏi cửa giữa những tiếng hét của mọi người.

Vừa nghe cảnh sát báo tin, Tuấn và Phượng bỏ sở làm và lái xe thẳng đến trung tâm dạy kèm trẻ em bị bịnh tự kỷ. Tuấn chạy như điên dại đến trước cửa căn phòng, nơi mọi người đang đứng, anh đẩy lớp người và len vào bên trong, tiến thẳng đến bên xác con, anh bế xốc con dậy, ôm chật con vào lòng, kêu rống lên từng tiếng trong cơn trong đau đớn. Máu từ trong lồng ngực Nathan thấm ướt đẫm cả ngực áo Tuấn. Phượng đến sau Tuấn vài phút, nàng ngồi bệt xuống bên cạnh chồng, hai tay ôm choàng lấy thân xác con, khóc không thành tiếng, trước khi ngã xuống sàn, ngất lịm đi...

Từ ngày Nathan qua đời, Tuấn và Phượng rời thành phố lớn dọn về sống ở một vùng quê hẻo lánh ở Kansas City. Tuấn bán công ty và về hưu, anh trích một số tiền lớn để bảo trợ cho chương trình giúp trẻ em bị bệnh tự kỷ và tình nguyện làm việc cho một trung tâm của trẻ em khuyết tật trong tỉnh. Phượng cũng tình nguyện giúp tại Mercy Health Free Clinic, một bệnh xá nhỏ ở Kansas City và làm bán thời gian tại Saint Luke's Hospital of Kasas City. Một hôm, người ta chở vào bệnh xá, một thanh niên khoảng 20, 21 bị lạc đạn trong lúc đang làm việc.  Phượng đang ngồi trong văn phòng sau ca mổ não, chợt nghe tên của mình gọi trên máy intercomng. "Bác sĩ Victoria Nguyễn lên phòng cấp cứu, Bác sĩ Victoria Phương Vy Nguyễn".

Phượng ngồi bật dậy và chạy vội vã lên phòng cấp cứu. Bác sĩ Christopher Miller đã đợi sẵn ở cửa phòng, thấy Phượng, ông đến bên Phượng vừa đi vừa chạy nói, "Chúng ta vừa nhận một bệnh nhân rất nguy kịch, một viên đạn bắn trúng đầu anh ta, tôi cần bác sĩ giúp một tay, kẻo không kịp". Ca mổ kéo dài bốn tiếng đồng hồ, viên đạn may mắn không đi qua óc, chỉ xuyên qua hàm và ra cổ phía bên trái. Bệnh nhân đang trong tình trạng hôn mê (Coma) vì viên đạn đi quá gần đầu nên chạm vào một đường giây thần kinh trên óc.  Xong ca mổ, Phượng đi về phòng, nàng buông người xuống ghế, ngồi thừ người ra như kẻ mất hồn. Bệnh nhân tên Alexander Nathan Nguyễn, sự trùng hợp tên như thôi miên Phượng khiến nàng rùng mình. Hình ảnh đứa con bạc mệnh Nathan Phương Tuấn Nguyễn trở về trong tâm trí Phượng như vũ bão.  Phượng cảm thấy tim mình đau buốt, nàng gục đầu xuống bàn, mặc cho nước mắt tuôn trào và thiếp đi trong giấc mộng kinh hoàng của hai năm về trước.

Cả tháng nay, không thiếu một ngày nào mà Phượng không vào thăm Alexander Nathan, em vẫn nằm bất động trên giường, nét mặt bình thản như đang ngủ. Hôm nay đã là một tháng ba ngày rồi mà Alexander Nathan vẫn chưa ra khỏi tình trạng hôn mê. Phượng đặt máy khám tim và bắt mạch của Alexander Nathan, nhịp tim vẫn đập đều, mạnh máu vẫn thông. Phượng đưa tay nắm lấy bàn tay của Alexander thì thầm, "Alex, em hãy cố tỉnh lại, đừng bỏ cuộc". Bỗng Phượng cảm thấy hình như Alexander đang bóp chặt lấy tay nàng rồi từ từ mở mắt nhìn Phượng.  Phượng quên cả phong cách và địa vị là một bác sĩ, nàng rú lên vì sung sướng. Bốn tháng sau, một bó hoa ngũ sắc đặt giữa bàn làm việc trong văn phòng của Phượng và một tấm thiệp cám ơn để bên cạnh. Phượng mở tấm thiệp ra xem, bên trong là một tấm hình của Alexander Nathan và một lá thư. Trong thư em viết. 

August 16, 2020

Kính thưa bác sĩ,

Con xin phép được gọi bác sĩ bằng "Mẹ" nếu bác sĩ cho phép, vì chẳng có tình yêu nào đích thực và cao quý cho bằng tình mẫu tử.  Mẹ đã tái sinh ra con để con còn hiện hữu trên thế gian này. Con vốn là một đứa trẻ mồ côi nên lúc nào con cũng khao khát tình thương chân thật từ đấng sinh thành. Một lần nữa, nếu bác sĩ cho phép, con tha thiết xin được nhận bác sĩ làm người "Mẹ tinh thần" của con. Con không ao ước vật chất xa hoa vì với số lương dậy học cũng đủ để nuôi sống bản thân con. Con hiện đang theo học ngành tâm lý, chuyên khoa về chứng bệnh tự kỷ, năm thứ ba của University of Missouri-Kansas City. 

Kính thư, 

Alexander Nathan Nguyễn. 

Ðọc xong lá thư thì mắt Phượng cũng mờ lệ, nàng đưa lá thư lên ngực và kêu lên nho nhỏ, "Alexander Nathan, con yêu dấu của mẹ". 

Khánh Lan


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét