Thứ Năm, 27 tháng 5, 2021

Một Thời Đi Qua Ngôi Trường Tiểu Học

 


Câu Chuyện: MỘT THỜI ĐI QUA NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC
Thầy Dương Anh Sơn

LTG -  Chào Ban Biên Tập,

Mỗi chúng ta đều có một thời đi qua những ngôi trường tiểu học. Đó là những cái nôi nuôi dưỡng chúng ta nên người. Công ơn của các thầy cô giáo thuở ban đầu rất to lớn để uốn nắn, chỉ bảo chúng ta trên con đường HỌC và HÀNH... Tôi chỉ mượn câu chuyện mang nhiều dấu ấn hồi ức này để cùng các bạn vẽ lại những bước đường của công cuộc giáo dục bậc tiểu học một thời của miền Nam…

Chúng ta không nuối tiếc nền giáo dục đã cho chúng ta khôn lớn vì nay đã là quá khứ không thể níu kéo được! Nhưng mỗi chúng ta đều biết rất rõ đó là nền giáo dục đáng trân trọng vì đã hình thành và xây dựng nhân cách của chúng ta trên tinh thần dân tộc, nhân bản và khai phóng. Thiếu những qui hướng nền tảng này sẽ đào tạo con người theo những bước đi lệch lạc, xa rời tình tự dân tộc và thiếu tình yêu con người cùng nòi giống. Cám ơn BBT luôn mau chóng để những bài viết gửi đến của các tác giả viết cho NHHN sớm ra mắt người đọc. Xin chào thân ái. 


MỘT THỜI ĐI QUA NGÔI TRƯỜNG TIỂU HỌC

Mỗi chúng ta đều có những kỷ niệm và những dấu ấn của thời đi học tiểu học. Đó là thời của thuở còn thơ ngây và hồn nhiên như những trang giấy mới khi bước vào những năm tháng đầu tiên để học lấy những điều hay lẽ phải, những kinh nghiệm từ các thầy cô giáo về cuộc sống cộng đồng, xã hội cùng với những con chữ, những con số và biết bao kiến thức mới mẻ về khoa học thường thức… v.v... để chuẩn bị cho các bước đi đến những chân trời mới của tương lai. 

o0o 

Khi tôi mới sinh ra được sáu tháng tuổi, ba mẹ tôi đã từ Huế đem gia đình theo vào "Hoàng triều cương thổ" ở Cao nguyên Langbiang của Dalat làm việc cho vua Bảo Đại. Langbiang là tên hai ngọn núi xa xa về phía bắc theo cách gọi của người Lạch (M'Lat, Lạt, Lạc...) sinh sống thuộc bộ tộc Kơ ho (Kehor, K'Hor). Trong huyền thoại của họ, Langbian là tên ghép từ câu chuyện của chàng K’lang và nàng H’biang của dân tộc K’Hor. Theo huyền thoại của bộ tộc K'Hor, già làng bộ tộc Lạch (Lạc hoặc Lát) có người con trai đã đâm lòng thương yêu cô con gái H'Biang, con gái của già làng bộ tộc Chill ở vùng gần đó. Bởi vì khác tộc họ nên hai người bị cấm không lấy được nhau nên tìm đến cái chết để mãi mãi bên nhau hóa thành hai ngọn núi được gọi tên chung là Langbiang theo cách viết của người Pháp khi đến đây. Người Đà-Lạt vẫn quen gọi là Núi Ông và Núi Bà.

Người Pháp khi mới khám phá vùng đất của người Lạch đã theo cách gọi của họ là Dak Lạt (dak: nước, con suối của người Lạt) thành Dalat. Người Pháp cũng đặt tên cả vùng cao nguyên lớn rộng bao quanh là tỉnh Langbiang (1/1916). Người Việt gọi là cao nguyên Lâm Viên tựa như âm đọc Langbiang của người Thượng K'Hor (công viên rừng, vùng nhiều rừng). Người Việt hồi đó cũng gọi những người dân tộc ở các vùng núi cao ở Đà-Lạt, Ban-Mê-Thuộc, Kontum, Pleiku... là người Thượng cho dễ hiểu và gần gũi hơn! [chứ không gọi là "người dân tộc" vì có biết họ là dân tộc nào với cách gọi quá mơ hồ!] 

Ba gia đình công chức được giao cho ở ngôi biệt thự khá lớn có tên là Nhị Hà do Pháp bàn giao nằm ở ngọn đồi cao nhìn xuống thung lũng vùng Trại Hầm với các ngôi chùa còn đơn sơ và các tịnh thất thấp thoáng dưới các lũng đồi xa xa (1950). Năm 1955-1956 khi T.T. Diệm về nước lập chính phủ sau khi truất phế vua Bảo Đại, gia đình tôi chuyển sang khu cư xá công chức mang số 2 đường Trần Hưng Đạo kế bên dinh của ông Đại Biểu Chính Phủ tại Cao nguyên Trung phần ở số 4 đường Trần Hưng Đạo. Bốn gia đình công chức chia nhau ở dãy nhà nằm trên mé đồi có một balcon chung cho các gia đình khá dài và rộng rãi nhìn xuống hồ Xuân Hương cách đó gần năm trăm mét. Hồ Xuân Hương là một hồ nhân tạo do người Pháp nạo vét, ngăn dòng suối thành một hồ nước làm điểm nhấn giữa trung tâm thị xã. Sau này, hồ được đặt tên như trên theo đề nghị của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Vỹ khi ông làm chủ tịch Hội đồng Thị xã Đà-Lạt (1953) nhằm thay đổi tên do người Pháp đặt ra gọi là Grand Lac. 

Hồ nằm theo hướng bắc từ nơi gia đình tôi ở hồi đó nhìn xuống, với mặt hồ rất trong xanh trong những tháng nắng và cũng theo hướng bắc với tầm nhìn bao quát là hai ngọn núi Lanbiang. Từ nhà Thủy Tạ ven hồ nhìn lên đồi phía tây nam khoảng bốn trăm mét là khách sạn Dalat Palace mang số 1 THĐ và cách chỗ gia đình tôi cư ngụ khoảng hai trăm mét. Con đường mang tên người anh hùng Trần Hưng Đạo chạy dài xuyên suốt từ trước ngõ nhà cho đến dãy biệt thự đẹp nhất Đà-lạt để đổ về Trại Mát. Từ Ty Ngân Khố nối đường Trần Hưng Đạo là đường Yersin (*) quen thuộc dẫn chúng tôi mỗi buổi sáng hay mỗi chiều (khi đổi buổi học) đến với Trường Tiểu Học Xuân An, chạy qua Hotel du Parc, tòa Thị Chính, Bưu điện, nhà thờ Chính tọa hay còn gọi là nhà thờ Con Gà và Thư viện TP Đà-lạt cách đó không xa. Cách tòa Thị Chính phía trước mặt về phía phải hơn mười mét là đường Nhà Chung kế bên nhà thờ Con Gà, rẽ xuống một con dốc sau lưng Hotel du Parc là ngôi trường tiểu học thân yêu của tôi thuở nào. 

Đây là ngôi trường được xây dựng khoảng hơn mười năm trước nằm dưới một thung lũng nhỏ chỉ có một dãy nhà lợp ngói gồm một văn phòng hiệu trưởng dính liền năm phòng học cho năm lớp buổi sáng và năm lớp buổi chiều. Trước mặt sân trường tương đối rộng rãi có thể tập trung một lần cả mười lớp với khoảng năm trăm năm mươi học sinh (trung bình 55 HS/lớp). Phía sau trường là sân tập thể dục, thể thao lớn gấp đôi sân trước. Sân trường hầu như không có cây lớn cho bóng mát mà chỉ có cỏ mọc thô tháp cùng vài cây anh đào phía trước văn phòng nhà trường. 

Ba tôi là người đưa tôi đến trường trong một buổi sáng trời vẫn còn hơi sương khắp các lũng đồi sau cơn mưa lớn ban tối vào đầu tháng 9 năm 1956. Tôi ôm chiếc cặp và bộ đồng phục quần xanh áo trắng mẹ tôi mới mua và mang đôi giầy cũ của ông anh bàn giao lại. Đúng bảy giờ, tiếng trống trường vang lên báo hiệu giờ tập họp đầu năm học trước sân trường để thầy hiệu trưởng Nguyễn Tri Bật chào đón các học sinh và dặn dò ân cần những điểm chính cho việc đi học. Giọng thầy rất nhẹ nhàng, ấm cúng và vui vẻ. Sau đó, các thầy cô nhận học sinh mới từ lớp đầu tiên là lớp năm của trường và các anh chị lên lớp tư cho đến lớp nhất... Đợi đến khi các cô thầy đọc danh sách học sinh lớp mình hướng dẫn và những lời dặn dò cần thiết cho năm học rồi lần lượt sắp hàng vào lớp, ba tôi mới cùng các phụ huynh khác mới ra về. 

Bước vào lớp học năm B (các lớp B dùng để phân biệt với các lớp A học nửa niên học đầu vào buổi sáng rồi đổi lại sang học buổi chiều trong nửa niên học sau) cùng khoảng năm mươi lăm bạn khác do cô Lan làm giáo viên hướng dẫn (Con xin lỗi cô Lan, hồi đó mới đi học, tụi con chỉ mới biết tên cô chứ chưa chú ý nhớ đầy đủ họ và tên của cô!). Cô Lan tuổi tác cỡ mẹ tôi đã từng dạy từ thời chính phủ Trần Trọng Kim (1950) cho đến thời T.T. Diệm bấy giờ (1955-57). Cô rất nghiêm nghị sau đôi kính cận nhưng nói năng với chúng tôi rất nhẹ nhàng. Các cô thầy dạy đầu cấp thường là các giáo viên nhiều thâm niên và kinh nghiệm trong nghề dạy học. Bước vào lớp học nhìn lên trên phía bảng đen trên cao là một câu khẩu hiệu lấy từ câu cách ngôn của các bậc tiền nhân nho học xa xưa được viết trang trọng chữ xanh lớn viền cũng màu xanh lục: "TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN".

Đó là câu khẩu hiệu sẽ đi theo chúng tôi suốt những năm tháng thời tiểu học và mãi sau này. Không biết từ bao giờ trong những năm còn sơ khai của nền giáo dục VN theo cung cách và chương trình phỏng theo của người Pháp, câu khẩu hiệu này đã có mặt trong các trường sơ cấp và tiểu học đi qua các thời trước và sau của chính phủ Trần Trọng Kim cho đến giai đoạn chia cắt đất nước. Trong sách "Đại Học" và "Luận Ngữ" của Khổng Tử người Trung Hoa mà các nhà nho xưa của nước ta chịu ảnh hưởng sâu đậm, tinh thần chuộng lễ nghĩa và đề cao đạo đức làm người vẫn luôn được chú trọng. Tinh thần ấy đã được cô đúc trở thành một trong những câu khẩu hiệu điển hình có tính cách truyền thống trong các trường trung tiểu học học ở miền Nam. Bên dưới câu khẩu hiệu là một câu thành ngữ được cô Lan viết nắn nót trên bảng dưới hàng ghi ngày tháng buổi học và ô sĩ số học sinh ở tuần lễ đầu tiên của năm học: "Ngày nay học tập, ngày mai giúp đời!" Câu khẩu hiệu lớn bên trên và câu thành ngữ trên bảng đen đã là những người thầy cùng cô Lan rèn luyện chúng tôi trên những bước chập chững đầu tiên ở ngôi trường tiểu học. Những ngày tiếp theo, tôi cùng các bạn cùng trang lứa trong xóm rủ nhau mỗi sáng đi học, men theo lề đường kẻ ô xi măng đến trường không cần đến sự đưa đón của ba mẹ nữa. 

Trong ngày đầu tiên vào lớp, sau khi sắp đặt các đội theo khu vực cư ngụ cho thuận đường đi học và gần gũi nhau, cô Lan đã dặn dò những việc cần thiết cho việc học tập như giữ đồng phục luôn sạch sẽ, chọn ngòi viết lá tre nào cho tốt, mực xanh hay tím nào nên dùng và tránh làm đổ mực dây ra bàn ghế tập vở, cách bao bọc sách và vở học cho sạch đẹp thường xuyên, không được xả giấy rác trong và ngoài lớp học và cũng như trên đường về nhà. Cô luôn nhắc nhở chúng tôi phải chú ý những việc gì được cô dặn dò.... Toàn là những việc hướng dẫn thật cần thiết cho chúng tôi khi vào lớp vỡ lòng. Mấy ngày sau, cô tổ chức thành bốn đội chia nhau phụ trách việc đi học sớm hơn để dọn vệ sinh lớp học. Trong buổi sáng đầu tiên đi đến lớp, cô đã đọc câu thành ngữ ghi trên bảng đen và giải thích ý nghĩa câu này để trí óc non nớt của chúng tôi nảy ra những suy nghĩ nhỏ về chuyện học hành. Ý nghĩa của nó thấm dần trong đầu óc non nớt của chúng tôi theo từng năm học khi lên các lớp trên.... 

Những ngày tháng tiếp theo của đệ nhất lục cá nguyệt và đệ nhị lục cá nguyệt, cô Lan lần lượt giúp chúng tôi tập đánh vần, tập đọc cũng như biết rõ các con số và làm quen với phép cộng, phép trừ đơn giản. Cô Lan phải rất vất vả để cuối năm học, các học sinh lớp đầu cấp của cô thành thạo trong cách đọc viết các bài văn có lựa chọn của môn quốc văn và làm được nhuần nhuyễn hai phép tính cộng trừ đơn giản. Cô viết nắn nót câu văn mẫu trên bảng đen có gạch hàng để chúng tôi viết theo trên những ô vở trắng. Rồi cô lại kiên nhẫn cầm tay nhiều bạn nhúng bút ngòi lá tre vào bình mực xanh viết những chữ a, b, c... đầu tiên trong đời đi học. Trình độ của năm mươi lăm học sinh tiếp thu bài học không đồng đều nhau nên cô Lan phải chú ý nhiều đến các bạn yếu kém. Còn việc học toán cộng, toán trừ, cô đã dặn chúng tôi luôn mang theo bó đũa tre có mười đôi để cô giáo chỉ những bước đầu tiên của hai phép tính này. Nhiều bạn giỏi giang hơn, qua lục cá nguyệt thứ hai đã dùng các ngón tay đếm và tính ra đáp số. Cuối năm học sau khi tổng kết hai lục cá nguyệt, bốn mươi bảy bạn được lên lớp tư và tám bạn phải học lại lớp năm..... 

Được lên lớp tư, sau kỳ nghỉ hè ba tháng, bọn học sinh chúng tôi hình như cũng lớn hơn khi áo quần đi học năm ngoái mặc không còn vừa nữa. Mẹ tôi lại đi mua sắm những tập vở mới thơm ngát và thêm áo quần mới cho niên học mới. Năm lớp tư B, chúng tôi được cô Lê Thị Hưu làm cô giáo hướng dẫn. Đó là một cô giáo có lẽ lớn tuổi nhất trong các thầy cô giáo của trường. Cô như một người "bà" dạy chúng tôi từ cách nói năng, chào hỏi, đi đứng từng chút một. Vẻ ngoài nghiêm khắc của cô vẫn không dấu được sự thương mến đám học trò vẫn thường gây ồn ào mỗi khi cô cần phải lên văn phòng hiệu trưởng nằm đầu dãy lớp học. Niên học mới, chúng tôi học ở kế bên lớp năm nằm cuối dãy phòng từng học năm ngoái. Bước vào lớp, chúng tôi thấy phía trên cao của bảng xanh (năm nay là bảng sơn màu xanh theo yêu cầu của hội phụ huynh lớp bốn năm ngoái vẫn còn mới!) với câu khẩu hiệu mới cũng chữ lớn màu xanh nước biển có viền xanh trên nền trắng: "TỔ QUỐC TRÊN HẾT". Dưới hàng ghi ngày tháng của ngày học và sĩ số học sinh có mặt hôm đó là hai câu tục ngữ liên tiếp: "Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây". 

Qua niên học mới, chúng tôi có kinh nghiệm hơn đoán ra hai câu tục ngữ ấy sẽ liên quan bài quốc văn với phần tập viết chính tả tiếng Việt và bài học thuộc lòng sẽ được cô Hưu dạy trong tuần đó. Đúng như thế, cô Hưu đã cho chúng tôi tập đọc rồi tập viết chính tả, tập làm văn với những câu câu văn ngắn xoay quanh nội dung của hai câu tục ngữ đó. Bài tập đọc và học thuộc lòng ngắn của tuần đầu tiên cô chọn từ câu ca dao: "Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con". Cô cũng giảng nghĩa cho đầu óc còn non nớt của chúng tôi hiểu lý do đơn giản phải kính yêu cha mẹ là vì cha mẹ có công sinh ra và nuôi dưỡng ta, lo chuyện học hành để chúng ta khôn lớn... v.v...

Việc dạy đức dục lồng vào việc dạy quốc văn và ngược lại nên khi dạy quốc văn, cô Hưu cũng chọn bài văn hay bài học thuộc lòng nói về các bổn phận có đề cập trong sách đức dục phù hợp với tầm hiểu biết của chúng tôi. Nói khác đi, việc giảng dạy quốc văn hay đức dục luôn xoay quay chủ đề chính là dạy chúng tôi học làm người. Cứ như thế, đầu tuần là một câu văn rất nhiều ý nghĩa nằm hàng trên cao của bảng xanh khi thì cách ngôn, khi thì thành ngữ, khi thì tục ngữ hoặc ca dao, khi thì danh ngôn... v.v… được cô Hưu viết nắn nót trên bảng xanh thay đổi luôn trong đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Những giờ dạy toán, cô đã miệt mài chỉ cặn kẽ cho chúng tôi những phép tính nhân và tính chia khi thì dùng bảng cửu chương bắt buộc học thuộc lòng từ phép nhân hai tới nhân chín, khi thì bằng phép tính nhẩm, khi thì dùng các bó đũa tre học sinh phải mang theo để giảng dạy nhất là cho các bạn chưa hiểu kịp. 

Qua cái Tết, chúng tôi đọc và viết chính tả đã nhanh hơn, ít sai hơn cũng như bắt đầu nhân chia với nhiều con số thành thạo hơn trước! Những giờ đức dục từ giờ này sang giờ khác, từ tuần này sang tuần khác, cô Hưu đã dạy cho chúng tôi những bài học liên quan về bổn phận đối với bản thân, đối với gia đình, bạn bè, thầy cô giáo hay đối với người trên và người ngoài. Cô đã nhiều lần chỉ bảo cho chúng tôi trong giờ đức dục cách chào hỏi người trên, cách đối xử với người tàn tật khi ra đường, cách giúp đỡ người nghèo khổ, sống sao trung thực, sống sao cho có danh dự và trách nhiệm... v.v... Dần dần chúng tôi hiểu được phần nào những khái niệm đạo đức quan trọng như thế nhưng được cô giảng ở tầm mức rất cụ thể và đơn giản rất nhiều. Khi chúng tôi lên trung học, môn này được mở rộng thành môn Công Dân Giáo Dục. Đó là những bài học rất gần gũi và thiết thực trong giao tế cho chúng tôi với cuộc sống chung quanh mình mà sau này khi học lớp nhất cô Sâm gọi là học cho thành nếp sống văn hóa của người có học... 

Những giờ khoa học thường thức cũng đã cho chúng tôi hiểu biết hơn về việc giữ gìn vệ sinh hay biết thêm đời sống của các loài cây cỏ, động vật hay các loại ngũ cốc quen thuộc. Những giờ tập vẽ khi thì trái chuối, khi là trái xoài, khi thì trái măng cụt, khi thì trái khế... v.v... Theo chương trình thủ công, chúng tôi về nhà lấy đất sét nắn thành các loại trái cây vừa tập vẽ tuần trước rồi phơi cho thật khô ráo đem tô màu sao cho giống như thật để đến giờ thủ công tuần kế đến để cô chấm điểm... Thời gian một niên học qua nhanh, chúng tôi lại nghỉ hè và chuẩn bị bước vào năm học lớp ba. Đầu năm học mới, mẹ tôi lại đi mua sắm thêm áo quần mới vì chúng tôi đã cao hơn trước! Đặc biệt, mẹ mua thêm đôi giầy hiệu Bata trắng quen thuộc của thời đó theo yêu cầu của nhà trường dành cho những buổi sinh hoạt học đường với những bài tập đi bước đều trong sân trường. 

Trường sẽ lựa ra sáu lớp từ lớp ba cho đến lớp nhất của hai khối buổi sáng và buổi chiều để đi "duyệt binh" và diễu hành cùng các trường trung, tiểu học khác nhân ngày 26 tháng 10 sắp đến sau ngày khai giảng vào đầu tháng chín. Hồi ấy, miền Nam mới bắt đầu xây dựng lại nhiều lĩnh vực, riêng giáo dục, số học sinh gia tăng nên trường lớp còn thiếu. Phân nửa trường "lục cá nguyệt" đầu học buổi sáng. Qua "lục cá nguyệt" thứ hai đổi lại sẽ học buổi chiều. Có lần tôi và vài bạn đã hỏi thầy Khoái là giáo viên hướng dẫn lớp ba của chúng tôi: "Thưa thầy, tại sao mỗi niên học cộng lại trước sau chỉ gần chín tháng chứ đâu phải là mười hai tháng (hai lục cá nguyệt) sao lại gọi như thế! Rồi tôi lại hỏi "cá" có nghĩa là gì? Thầy đã trả lời đại khái như sau: "Lục cá nguyệt là cách gọi một kỳ học đã có từ thời Pháp cai trị nhưng chưa thấy Bộ Quốc Gia Giáo Dục chú ý chỉnh sửa cho đúng và đơn giản hóa câu chữ có âm Hán-Việt bằng tiếng Việt hay cách nào đó cho gọn và đúng nghĩa hơn! Còn "cá" là từng ấy, ngần ấy; nguyệt là tháng, là mặt trăng. Lục cá nguyệt có nghĩa là từng sáu tháng một!"... 

Cho đến khi lên trung học sau này cách gọi không hợp lý như thế dần dần được chỉnh cho đúng hơn là đệ nhất tam cá nguyệt và đệ nhị tam cá nguyệt nhưng vẫn còn nặng nề âm Hán Việt và vẫn không đúng thực tế vì niên học có chín tháng, còn đây cách gọi như thế chỉ có 6 tháng học... Thầy Tôn Thất Khoái là giáo viên kỳ cựu từng đi dạy từ những năm 1950 là người hướng dẫn lớp chúng tôi cũng là người điều hành các buổi sinh hoạt học đường trong trường. Sau thầy hiệu trưởng Nguyễn Tri Bật, thầy Khoái là người có mặt khắp nơi để trông coi sinh hoạt học đường và giữ gìn kỷ luật trong trường. Tiếng thầy nói giọng Huế rất rõ ràng và có cái uy khiến khi thấy thầy, chúng tôi không dám đùa giỡn, chọc ghẹo nhau thái quá! 

Niên học mới được học với thầy Khoái, chúng tôi có vẻ đàng hoàng, nề nếp hơn! Năm nay, câu khẩu hiệu của lớp ba chúng tôi gắn trên cao trước mặt cũng là câu: "TỔ QUỐC TRÊN HẾT" như hồi ở lớp tư. Thầy Khoái đã giảng rất kỹ để chúng tôi thấy rõ ý nghĩa câu khẩu hiệu đó: "Đất nước hay đất tổ với cách gọi trân trọng là "Tổ Quốcphải được mọi công dân sống trên đất nước Việt Nam đặt lên trên tất cả mọi quyền lợi của tôn giáo, đảng phái, phe nhóm, gia đình...". Thầy vẫn thường nói: "Tổ Quốc" là một danh từ rất thiêng liêng cao cả nhưng cũng rất cụ thể qua hình ảnh quê hương đất nước. Đất nước là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên cùng những tài nguyên của nó để nuôi sống cho đất nước và người dân. Cho nên, mọi người dân có lòng yêu nước phải ra sức bảo vệ và gìn giữ tổ quốc vì đây là tài sản quí báu của cha ông ta để lại không phải của riêng của ai, phe đảng nào...!. Mất nước sẽ mất tất cả và sẽ bị ngoại nhân đồng hóa hay gây ra biết bao thảm cảnh diệt vong....". 

Tuy chúng tôi còn nhỏ tuổi nhưng những lời giảng của thầy vẫn mãi vang vọng và in sâu trong đầu óc của chúng tôi từ những ngày thơ ấu đó cho đến nay... Những câu cách ngôn, tục ngữ hay danh ngôn ghi trên bảng cũng thay đổi mỗi tuần lễ như hai lớp dưới. Đầu năm lớp ba, thầy Khoái đã dạy cho chúng tôi bằng câu tục ngữ ghi trên bảng: "Có chí thì nên" và "Có công mài sắt có ngày nên kim" và thầy cũng giảng giải thêm cho rõ ý nghĩa của hai câu tục ngữ này. Khác với lớp năm B của cô Lan, lớp bốn B của cô Hưu, khi sắp hàng vào lớp xong và ngồi yên chỗ, thầy bắt nhịp một bài hùng ca mà chúng tôi đã nhanh chóng được tập để hát rất mạnh mẽ khi vào lớp: Bạch Đằng Giang, Hội Nghị Diên Hồng, Ải Chi Lăng của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, Học Sinh Hành Khúc của nhạc sĩ Lê Thương, Khỏe Vì Nước của nhạc sĩ Hùng Lân... v.v... Cứ mỗi lần những bài hùng ca như thế vang lên, chúng tôi như cảm thấy hình ảnh về một tổ quốc, một đất nước oai hùng rất gần gũi, cụ thể và gieo vào tâm hồn chúng tôi biết bao tình thương yêu quê nhà!  Sau này, tôi cũng hỏi các bạn đồng nghiệp về thời đi học tiểu học ở Huế, ở Đà Nẵng, ở Quảng Ngãi, ở Sài Gòn… v.v..., họ cũng cho tôi biết các trường họ theo học cũng có nhiều thầy cô rất chú trọng những bài hát yêu nước để cho học sinh tập hát và quen dần những nội dung của nó chứ không được ghi rõ trong chương trình giảng dạy! 

Mỗi năm, ngày hai mươi sáu tháng mười ở miền Nam là ngày được chính phủ chọn làm ngày lễ lớn để kỷ niệm ngày T.T. Diệm về nước "chấp chánh", lãnh đạo VNCH cho đến khi ông bị lật đổ và bị sát hại vào ngày 2/11/1963 tại Sài Gòn. Hồi ấy, chính quyền Đà-Lạt chỉ thị cho các trường trung tiểu học tập đi "một hai" từ gần một tháng trước theo tiếng trống, tiếng còi để bước cho đều nhịp. Lớp ba B của tôi cùng năm lớp còn lại của hai khối lớp sáng chiều từ lớp ba trở lên được thầy Khoái tập đi theo tiếng còi "một hai" quanh sân lớn sau lưng trường mỗi tuần mấy buổi cho thật đều bước. Các lớp được chọn đều yêu cầu các phụ huynh học sinh mua áo quần trắng mới cho con mình để đi diễu hành trong đồng phục trắng. Không khó gì khi mẹ tôi chỉ lên chợ ngay giữa trung tâm "Khu Hòa bình" là có ngay áo quần may sẵn. Sau này, khi khu chợ mới to lớn và qui mô hơn được khởi công xây dựng từ 1958 do kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức thiết kế, hoàn thành vào năm 1960. Về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tham gia chỉnh trang lại mặt tiền ngôi chợ, thiết kế thêm một cầu béton nối lầu ngôi chợ mới với Khu Rạp hát Hòa Bình (khu chợ cũ). 

Hơn một tháng sau lễ tựu trường là ngày lễ lớn của toàn miền Nam, người dân Đà-Lạt chú ý rất nhiều vào những đại đội SVSQ thuộc bốn khóa của Trường Võ Bị Quốc Gia VN tại Đà-Lạt tập trung ở con đường Quang Trung gần Sân Vận Động cạnh hồ Xuân Hương bởi quân phục đại lễ màu trắng có khiên chương trên vai, nẹp quần và tay áo viền đỏ rất đẹp với những bước đi hùng dũng theo tiếng kèn trống của ban quân nhạc thuộc trường. Đi diễu hành mà hồi ấy gọi là "duyệt binh" đầu tiên là các đại đội SVSQ khóa đàn anh năm cuối rồi các đại đội đàn em năm thứ ba, thứ hai và năm nhất của Trường VBQGVN đi đều bước với súng gắn lưỡi lê vác vai sáng ngời lần lượt bước đều qua khán đài của quan khách theo tiếng trống tiếng kèn của ban quân nhạc của trường. Sau đó là các đơn vị quân sự địa phương như Bảo An, Dân Vệ, Hiến Binh... v.v… 

Tiếp theo là các trường trung học lớn như Trần Hưng Đạo của nam sinh, trường Bùi Thị Xuân của nữ sinh. Kế tiếp là các trường trung học tư thục như Việt Anh, Bồ Đề, Trí Đức, Lycée Yersin, Couvent Des Oiseaux, Adran... v.v... lần lượt đi theo tiếng nhạc của Ban quân nhạc diễu hành qua lễ đài chào quan khách. Tiếp nữa là các trường tiểu học ở các khu vực chính của thành phố Đà-Lạt trong đó có trường tiểu học Xuân An của chúng tôi. Những bài hát như Lục Quân VN, Xuất Quân của Phạm Duy, Khỏe Vì Nước của Hùng Lân… v.v… vang dội liên tục trong buổi lễ duyệt binh tạo một không khí hùng tráng cho buổi lễ. Rồi mỗi năm lại có một buổi lễ long trọng nữa khi một khóa tân SQ TVBQG ra trường đặt dưới sự chủ tọa của tổng thống VNCH lại có biểu diễn nhảy dù và duyệt binh với các bài hùng ca do Ban quân nhạc TVBQGVN đảm nhận vang lên bên cạnh hồ Xuân Hương làm cho không khí trầm lắng của Đà-Lạt thêm màu sắc... 

Những bài hát của Lưu Hữu Phước, người của phe miền Bắc được làm ra thời tiền chiến để động viên tinh thần yêu nước chống quân xâm lăng phương bắc xưa kia và quân Pháp hơn cả trăm năm gần đây có một sức mạnh quan trọng trong việc xây dựng tinh thần yêu nước bảo vệ tổ quốc vẫn được miền Nam dùng vì nội dung chất chứa tinh thần yêu nước chống xâm lăng và có giá trị tác động giáo dục tốt đẹp. Tuy nhiên lúc vẫn còn trẻ nhỏ và khi học trung học, nhiều người bạn chúng tôi hồi ấy cứ thắc mắc và rất tiếc cho miền Nam không chọn lấy một bài quốc ca khác thay cho bài Sinh Viên Hành Khúc của Lưu Hữu Phước là người theo con đường của miền Bắc... 

Khi lớn lên ở thời trung học, chúng tôi đã nghe được những bài ca trong đó bài Việt Nam Việt Nam của nhạc sĩ Phạm Duy vừa hào hùng, vừa giàu tính nhân ái khác biệt với bài quốc ca sắt máu căm thù của phía bên kia vẫn không được mạnh dạn chọn thay thế ! Điều quan trọng nhất là tính chính danh: một bài hát về tổ quốc tiêu biểu của một nhạc sĩ nổi tiếng của miền Nam sáng tác còn hơn là chuyện đi mượn nhạc của người bên kia để làm quốc ca! 

Những bài hát như thế cùng những bài sử ký hay địa lý được bắt đầu dạy mỗi tuần hai giờ dễ kết nối, bắt mạch với nhau khi thầy Khoái giảng cho chúng tôi hiểu biết những giai đoạn lịch sử đầu tiên hình thành và gìn giữ đất nước trước họa xâm lấn bằng mọi thủ đoạn liên tục của giặc Hán, giặc Mông Cổ, giặc Minh, giặc Thanh ở phương bắc từ mấy ngàn năm nay và quân Pháp hơn cả trăm năm vừa rồi....Có thể nói niên học này thầy Khoái đã gieo cho chúng tôi biết bao tình cảm sâu lắng về một thực thể mà chúng ta thuộc về nó: Quê hương, Tổ quốc. Những bài tập đọc, tập làm văn, chính tả, học thuộc lòng mà thầy chọn giảng đều xoay quanh phần lớn những tác giả ca ngợi việc giữ gìn tổ quốc giang sơn, tình yêu quê hương, yêu chốn đồng quê với các bác nông dân lam lũ chân lấm tay bùn, yêu những người lao động cực nhọc, yêu biết bao cảnh đẹp của đất nước còn mới mẻ chưa được khám phá, biết ơn những người mang lại đời sống no ấm, yên vui cho xã hội. Cho đến bây giờ chúng tôi vẫn còn nhớ bài tập đọc và học thuộc lòng thầy Khoái chọn giảng:

 

Thương người như thể thương thân 

 

Thấy người hoạn nạn thì thương,

Thấy người tàn tật lại càng trông nom.

Thấy người già yếu ốm mòn,

Thuốc thang cứu giúp, cháo cơm đỡ đần.

Trời nào phụ kẻ có nhân,

Người mà có đức, muôn phần vinh hoa...... 

(Quốc văn giáo khoa thư, lớp sơ đẳng, 1948)

 

Theo thầy Khoái, tác giả những câu thơ lục bát giàu lòng nhân ái đang học như thế đã có từ thời của ông cha ta xa xưa. Một số tác giả cho là lấy trong tập "Gia huấn ca" (còn gọi là "Nguyễn Trãi gia huấn") của danh thần Nguyễn Trãi thời Lê Lợi nhưng những nghiên cứu khác của nhiều học giả có tiếng những năm trước đây chứng minh là không phải của Nguyễn Trãi mà của một tác giả vô danh sáng tác và được truyền lại vì ý nghĩa đề cao lòng yêu thương con người... Bài thơ thầy dạy và lời thầy giảng rất rõ ràng và điều mà chúng tôi rất chú ý là nó đậm đà tình yêu thương con người. Và những gì mang nội dung yêu thương con người, đề cao những giá trị làm người sẽ được tâm hồn chúng ta đón nhận dễ dàng vì nó mang dấu ấn của chân, thiện, mỹ! Mãi về sau, khi học những năm cuối ở trung học, chúng tôi được biết đến qua thầy dạy triết lớp 12 khi đề cập sự cần thiết của một triết lý cho việc học hành trong đó tinh thần triết lý NHÂN BẢN của nền giáo dục miền Nam luôn luôn được xem là nền tảng áp dụng trong chương trình soạn sách giáo khoa và giảng dạy cùng với hai triết lý "dân tộc" và "khai phóng".

 

Bước vào niên học, chúng tôi bắt đầu làm quen với các bài tính đố, rồi số học, hình học cũng như phải thành thạo các phép tính cộng trừ nhân chia hay thuộc lòng bảng cửu chương. Chúng tôi bắt đầu tập làm những bài văn tả các sinh hoạt gia đình hay miêu tả sự vật. Thầy rất chú ý việc tập cho chúng tôi biết phân biệt dấu hỏi hay ngã, viết hoa hay chỉ viết thường lúc nào, đầu câu văn vì sau nên lùi lại hai ô vở, làm một bài văn vì sao cần có phần mở bài, thân bài và kết luận... v.v... 

 

Thầy còn chỉ bảo những kiến thức giáo dục công dân rất dễ hiểu và gần gũi như tình yêu thương cha mẹ, kính trọng người già cả, đi đứng nói năng như thế nào cho lịch sự. Chúng tôi cũng ngạc nhiên khi thầy cũng chú ý cả những học sinh đi chân chữ bát hay vòng kiềng và uốn nắn để các bạn ấy đi cho "thẳng thớm" qua việc tập diễn hành... v.v... Đặc biệt, thầy Khoái rất chú ý việc dạy dỗ, nhắc nhở chúng tôi phải nghiêm trang khi chào quốc kỳ và hát quốc ca đầu tuần hay hạ cờ cuối tuần. Không những thế, thầy đã hình thành cho chúng tôi một thói quen là khi đi ngang trường học nào khác hay nơi nào có chào cờ, chúng tôi cần đứng lại dỡ mũ và nghiêm trang hướng về lá cờ... Thầy từng nói với chúng tôi lá cờ tượng trưng cho hình ảnh một quốc gia và hồn thiêng của một đất nước! Ngoài ra thầy cũng chỉ dạy chúng tôi nên có thói quen khi ra đường gặp đám ma phải dỡ mũ kính cẩn với người đã khuất, chào kính các thầy cô giáo trong trường…v.v... Thêm vào đó ,thầy Khoái rất nghiêm khắc với những học sinh trong trường hay đánh nhau hoặc chửi thề ,nói năng tục tỉu, thô lỗ. Với thầy, nếu không uốn nắn, những học sinh ấy khi lớn lên sẽ trở thành những kẻ hành xử thiếu văn hóa với nhiều hành động xấu đi kèm.....

 

Thời ấy, chúng tôi để ý thấy các thầy cô từ lớp năm cho đến bây giờ là lớp ba phần nhiều đều chọn sách giáo khoa giảng dạy của Nhà Xuất Bản Sống Mới, Nam Sơn, Lửa Việt, Tân Việt… v.v... của các tác giả giàu kinh nghiệm soạn sách bậc tiểu học như Hà Mai Anh, Nguyễn Hữu Bảng, Bùi Văn Bảo, Đặng Duy Chiểu, Thềm Văn Đắt, Cao Văn Thái… v.v... với các bài văn thơ chọn lựa của nhiều tác giả. Một trong những tác giả được chúng tôi yêu thích vì lời thơ giản dị, chơn chất và thấm đượm tình yêu con người và sông nước miền Nam là nhà thơ Bàng Bá Lân, một người miền bắc chọn sống ở miền Nam: 

 

 Mùa gặt hái. 

 

 Trời tang tảng, sương dàn bay lớp lớp,

 Cánh đồng quê mờ ngập khói sương mờ. 

 Từ cổng làng, từng bọn kéo nhau ra,

 Tiếng quang hái, đòn cân va lách cách.

 Họ vui vẻ đi nhanh trên đường đất,

 Rồi tạt ngang, tản mát khắp đồng quê.

 Họ dừng chân bên ruộng ướt sương khuya,

 Lúa rạp rạp ngã, theo gió thổi…...

 Bàng Bá Lân 

 (Tiểu Học Nguyệt san số 5, Bộ QGGD, 1957)

 

Niên học lớp ba này rất đáng nhớ trong đời đi học với bao sự kiện mới mẻ mở ra cho tâm hồn chúng tôi.Thầy Khoái là người thầy đầu tiên đã khơi dậy mạnh mẽ nơi chúng tôi lòng yêu quê hương và yêu tổ quốc tha thiết bằng những bài hát hay bài học lịch sử.Thầy cũng chỉ bảo thiết thực những việc làm trong cuộc sống cộng đồng.Thầy giúp cho chúng tôi hiểu ít nhiều thế nào là lương tâm, thế nào là lòng tự trọng, thế nào là sự hổ thẹn....Đó là những vốn sống mà các thầy đã giúp cho trong những bước đi ban đầu. Có một điều đáng nói thêm ở đây là những cuốn sách quốc văn, toán, sử ký, địa lý, khoa học thường thức… v.v... khi xong một niên học được thầy dặn dò bao bọc kỹ lưỡng để đàn em tiếp tục dùng khi đi học về sau này cho đỡ tốn tiền cha mẹ phải mua đầu năm học!

 

Biết bao việc lớn nhỏ cho cuộc sống mà chúng tôi đã học từ người thầy đáng kính này. Sau này lớn lên học xong đại học rồi đi dạy, tôi đã hứa trong lòng sẽ có lúc ghé thăm thầy nhưng biến cố 1975, gia đình thầy không còn ở chỗ cũ nữa, tôi vẫn còn mải miết việc dạy học thêm một thời gian nữa ở ngoài trung... Những khi lên thăm nhà ở Đà-Lạt, đi ngang qua căn nhà của gia đình thầy ở đường Thành Thái kế khu Hòa Bình đã thấy một gia đình người bắc mới vào đang kinh doanh khách sạn.... Vật đổi, sao dời, điều này cứ băn khoăn mãi trong lòng tôi vì cái hẹn thăm thầy không thực hiện được!

 

Thấm thoắt, niên học đáng nhớ nhất thời tiểu học ấy cũng qua mau và chúng tôi được lên lớp nhì. Tám bạn khác học kém phải chịu ở lại lớp trong sĩ số năm mươi lăm học sinh. Các phụ huynh rất tôn trọng quyết định lên lớp hay buộc phải ở lại lớp học lại của nhà trường và của thầy cô giáo. Người thầy rất công bằng và nghiêm chỉnh đúng mực trong việc đánh giá trình độ và khả năng học tập của các học sinh. Chúng tôi hầu như không bao giờ thấy cảnh phụ huynh chạy chọt cho con mình được lên lớp dù trình độ còn yếu kém. Quyết định của các thầy cô và nhà trường là đúng đắn! Bộ QGGD và nhà trường hoàn toàn tôn trọng và đặt sự tín nhiệm vào khả năng cũng như lương tâm chức nghiệp của hàng ngũ nhà giáo trong việc quyết định trình độ học sinh mỗi năm! Những thầy cô tốt nghiệp giáo học bổ túc 2 năm thuộc những khóa đầu tiên của trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn (1955-1958, sau đổi thành Trường Sư Phạm Sài Gòn) bắt đầu được bổ nhiệm và chọn vùng dạy học tại các khu vực Đà-Lạt, Phan Thiết, Phan Rang, Bảo Lộc, Định Quán, Biên Hòa, Vũng Tàu, Long An, Mỹ Tho, Sa Đéc, Long Xuyên… v.v... Niên học mới ở lớp nhì B, chúng tôi được học thầy Trần Hữu Phước từ Sài Gòn theo sự vụ lệnh bổ nhiệm lên Đà-Lạt được Ty Tiểu Học tỉnh Tuyên Đức cử về dạy trường chúng tôi. Thầy là một thanh niên trẻ, trắng trẻo và đạo mạo sau đôi kính cận khi đầu niên học nhận lớp chúng tôi.

 

Bước vào lớp học, câu khẩu hiệu đậm chất giáo huấn theo truyền thống lại được treo trên cao phía trên bảng đen: "TIÊN HỌC LỄ, HẬU HỌC VĂN" như một sự nhắc nhở thường xuyên cho chúng tôi sự cần thiết của việc học tập lễ nghĩa trong các mối giao tiếp nhất là bổn phận kính trọng của người học sinh đối với thầy cô giáo để có thể tạo được tình thầy trò tốt đẹp trong việc học hành cũng như các mối quan hệ khác trước khi học các môn học trong chương trình. Còn câu văn được thầy Phước ghi với nét chữ đẹp nhưng rắn rỏi phía dưới hàng ngày tháng và ô sĩ số học sinh trong đầu niên học là câu tục ngữ: "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn". Bài tập đọc hôm ấy cũng đi theo chủ đề ấy về việc chúng ta có thể học hỏi rất nhiều khi bước vào cuộc sống bên ngoài... v.v...

 

Trong bộ veston xám, thắt cravate xanh đậm như trang phục mỗi ngày của hầu hết các thầy giáo nam dạy học ở xứ lạnh, chúng tôi trông thấy thầy Phước có một vẻ gì đó rất mô phạm đủ để chúng tôi tin tưởng vào những lời giáo huấn của thầy dù thầy còn trẻ! Thầy có giọng bắc của người Hà Nội di cư vào nam nên khi đọc chính tả giọng lên xuống hay dấu hỏi ngã rất rõ ràng để chúng tôi phân biệt dễ dàng. Sau các bài học về quốc văn, đức dục, sử ký, địa lý hay khoa học thường thức, thầy thường kể một câu chuyện ngắn hay ngụ ngôn để tô đậm thêm ý nghĩa của bài học cho chúng tôi dễ nhớ và học hỏi được nhiều điều hay rút ra từ đó. Còn những giờ học toán, thầy ra bài tập rồi chỉ bảo nhẹ nhàng giảng hướng giải của bài toán chứ không tạo bầu không khí căng thẳng để chúng tôi bình tĩnh tính ra đáp số. Thầy cũng như thầy Khoái của niên học lớp ba vừa qua vẫn thường tập cho chúng tôi những bài hát thiếu nhi vui vẻ chen lẫn những bài hát cổ vũ lòng yêu tổ quốc. 


Những bài hát như thế vẫn thường vang lên khắp các trường tiểu học khắp nơi ở miền Nam giúp cho những bài học về lòng yêu nước hay sinh hoạt cộng đồng dễ hiểu hơn bao giờ! Cũng chính nhờ thầy Phước nên sau này tôi chú ý rất nhiều cách viết văn để giảm thiểu tối đa lỗi chính tả, viết như thế nào cho bài văn mạch lạc và viết văn sao cho có đầu có đuôi như cách nói của thầy! Rất nhiều lần bài tập làm văn của tôi và vài bạn nữa được thầy lựa chọn như bài văn điển hình để đọc trước lớp. Đó chính là nhờ công sức của thầy Phước chú ý rất nhiều trong việc chỉ bảo những sai sót cần tránh khi viết những bài văn! Riêng tôi, thầy Phước lớp nhì B và cô Sâm ở lớp nhất B năm đến đã là nguồn cảm hứng để tôi yêu mến văn chương trong các cấp học sau này! Những giờ đức dục của thầy chẳng khô khan bao giờ. Những bài về bổn phận đối với bản thân, đối với gia đình có ông bà, cha mẹ, anh em hay với bạn bè, người ngoài hay đức tính trung thực, thật thà... v.v... được thầy giảng cụ thể và bao quát hơn các bài học này ở lớp tư. 


Thầy thường lồng vào sau bài giảng một câu chuyện ngắn cho dễ hiểu và lôi cuốn! Mãi về sau cho đến tuổi trên bảy mươi như bây giờ, chúng tôi khi có dịp ngồi lại với nhau cũng không nhớ nhiều các bài học khoa học thường thức hay số học, hình học cho bằng những bài văn sâu sắc nhiều ý nghĩa, những bài đức dục thiết thực trong cách ứng xử hoặc là những giờ học sử, học địa lý tác động tinh thần yêu nước và giữ gìn bờ cõi nơi các học sinh! Bất cứ các bạn trong lớp có những lỗi lầm nào, chúng tôi không hề thầy Phước quát mắng bao giờ! Thầy chỉ nhẹ nhàng gọi bạn ấy đứng lên và nói về lỗi của bạn để cần tránh về sau. Đã lâu lắm rồi khi rời trường vài năm, tôi và các bạn cùng lớp không nghe nói về thầy. Hồi đó có lẽ thầy đã xin được đổi về lại Sài Gòn hay lại theo lệnh động viên đi vào quân đội ở những giai đoạn khó khăn của miền Nam vì khi đi ngang trường cũ những năm đang học đệ thất, đệ lục tôi không thấy bóng dáng của thầy...

 

Được lên lớp nhất, lớp cuối cấp của trường tiểu học, chúng tôi rất hãnh diện. Lớp nằm kế bên văn phòng của thầy hiệu trưởng. Có lẽ thầy hiệu trưởng phải chịu rất nhiều sự huyên náo do các học sinh gây ra! Cũng trong thời gian đó, nhà trường được chính phủ cấp ngân sách để cho ủi bằng mé đồi phía trên, xây mới một văn phòng cho ban giám hiệu và bốn phòng học mới. Gần hết nửa niên học, thầy hiệu trưởng dời lên văn phòng mới để chỗ cũ cho các thầy cô nghỉ ngơi giờ ra chơi.

 

Cũng như thầy Phước ở lớp nhì B mới ra trường năm trước, cô giáo hướng dẫn chúng tôi năm nay là cô Nguyễn Thị Sâm ở lớp nhất B cũng là bạn học của thầy Phước ở trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn theo sự vụ lệnh bổ dạy tại Đà Lạt và dạy trường chúng tôi. Cô Sâm người khá cao, da hơi ngăm, nói rặt giọng Sài Gòn và tha thướt trong tà áo dài khi thì màu tím, khi thì màu xanh da trời, khi thì màu đỏ đậm....Cô làm quen với cả lớp bằng giọng rất nhẹ nhàng, thanh thoát nhưng không kém vẻ nghiêm trang. Dưới câu khẩu hiệu: "TỔ QUỐC TRÊN HẾT", cô đã viết câu văn nổi tiếng của một nhà văn trong nhóm Nam Phong là Nguyễn Bá Học thời Phạm Quỳnh: "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông!". Cô thong thả giảng cho chúng tôi nguồn gốc và ý nghĩa câu văn ấy và lời động viên cho việc học hành đạt kết quả tốt chuẩn bị cho kỳ thi vào đệ thất trường công lập năm tới cũng như gắng sức học tập cho mai sau...

 

Trong môn quốc văn năm nay, cô đã dạy cho chúng tôi những bài tập đọc, học thuộc lòng từ các bài văn hay của các văn thi sĩ và các nhà yêu nước hiện đại. Cô cũng chọn dạy những bài văn có khuynh hướng về đạo lý, về tình cảm yêu quê hương hay khuynh hướng trào phúng của các nhà thơ và nhà văn cổ điển, cận đại và hiện đại. Những bài dạy đạo lý trong "Gia huấn ca" được dạy nhiều trong chương trình học. Những bài thơ về con người, tình người, cảnh vật miền nam, sông nước, làng quê... v.v... trong thơ của Bàng Bá Lân hay Việt Tâm in trong sách của Hà Mai Anh (NXB Sống Mới) cũng được cô lựa chọn để học sinh học thuộc lòng.Chúng tôi vẫn còn nhớ bài thơ nói về hình ảnh và công lao của các anh hùng vô danh bỏ mình cho đất nước hay âm thầm gìn giữ, cống hiến cho quê hương, tổ quốc của nhà thơ Việt Tâm Nguyễn Ngọc Huy:

 

Anh hùng vô danh

 

Họ là những anh hùng không tên tuổi,

Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh.

Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,

Nhưng can đảm và tận tình giúp nước.

 

Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước,

Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu.

Và làm cho những đất cát hoang vu,

Biến thành một dãy sơn hà gấm vóc !

 

Họ là kẻ không nài hiểm hóc,

Không ngại xa, hăng hái vượt trùng sơn.

Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn,

Cuộc Nam Tiến mở giang san lớn rộng.

 

Họ là kẻ khi quê hương chuyển động,

Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng.

Đã xông vào khói lửa, quyết liều thân,

Để bảo vệ tự do cho Tổ Quốc!

 

Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc,

Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan.

Người thất cơ đành thịt nát xương tan,

Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.

 

Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,

Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa.

Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà,

Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.

 

Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi,

Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình.

Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh,

Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.

 

Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,

Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên.

Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,

Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.

 

Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,

Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông.

Và anh hồn cùng với tấm lòng trung

Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Việt Tâm Nguyễn Ngọc Huy

 

Cũng nhiều lần cô đã cho chúng tôi tập đọc và học thuộc lòng những bài thơ của Bàng Bá Lân là tác giả thường được chọn thơ văn đưa vào sách giáo khoa quốc văn.Chẳng hạn bài thơ được rất nhiều học sinh chúng tôi yêu thích:

 

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam.

 

Tôi yêu tiếng Việt miền Nam,

Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao.

Yêu xe thổ mộ xôn xao,

Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê.

Tôi yêu đồng cỏ nắng se,

Nhà rơm trống trải, chiếc ghe dập dềnh.

Tôi yêu nắng lóa châu thành,

Trận mưa ngắn ngủi, gió lành hiu hiu.

Nơi đây tôi mến thương nhiều,

Miền Nam nước Việt mỹ miều làm sao!

Xa xôi hằng vẫn ước ao,

Vào thăm vựa lúa xem sao, hỡi mình!

Chừ đây tình đã gặp tình,

Tưởng như trong đại gia đình đâu xa.

Người xem tôi tựa người nhà,

Người kêu thân mật tôi là: anh Hai!

Ðồng bào Nam Việt ta ơi!

Tôi yêu cặp mắt làn môi thiệt thà.

Nước non vẫn nước non nhà,

Bắc Nam xa mấy cũng là anh em!                                                          Bàng Bá Lân- 1954

 

Ông là nhà thơ tiền chiến di cư vào nam, tên thật là Nguyễn Xuân Lân (1912-1988) có thơ trích trong "Thi nhân tiền chiến"  quyển thượng, N.X.B Sống Mới, Sài Gòn, năm 1968). Tôi còn nhớ rất rõ sách quốc văn và giờ tập đọc, câu 16 bài thơ này cuối câu là cụm từ ".... anh Hai" chứ không phải là "... thầy Hai" như các nguồn tư liệu sau này. Không biết là do tác giả chỉnh sửa lại chăng?

 

Những bài văn, bài thơ giàu đạo lý và tình yêu quê hương, đất nước như thế đã đem lại cho chúng tôi một nguồn sinh khí mới khi nhìn về triển vọng tương lai của miền Nam. Chúng tôi đã lớn khôn hơn, học được nhiều điều hay lẽ phải hơn cũng nhờ những bài tập đọc hay học thuộc lòng mà cô Sâm đã chọn giảng. Những bài học đức dục thật gần gũi bổ sung thêm cho chúng tôi cách sống sao cho tốt đẹp và hài hòa giữa các bổn phận cùng trách nhiệm của người con trong gia đình, người học sinh ở nhà trường và người công dân đối với cộng đồng xã hội và tổ quốc sau này! Cũng như thầy Khoái ở lớp ba, cô Sâm ở lớp nhất qua những giờ sử ký đã khắc họa thêm hình ảnh những chí sĩ yêu nước cận đại như Đề Thám, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thái Học, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu… v.v... 


Đó những con người đặt lý tưởng yêu nước và tiền đồ dân tộc lên trên tất cả! Họ đã là những người thực sự yêu nước và dám xả thân đấu tranh cho nền độc lập của dân tộc và Tổ quốc Việt Nam. Những giờ địa lý, qua bài giảng của cô, đã mở rộng tầm nhìn của chúng tối với nhiều dân tộc khác trên thế giới này. Những giờ toán đố và toán chạy của cô làm cho việc học toán trở nên hứng thú dễ hiểu hơn. Những giờ khoa học thường thức mở ra cho chúng tôi hiểu biết nhiều hơn về thế giới động vật, về việc sử dụng điện năng, về việc giữ gìn đường phố sạch đẹp, về việc giữ nguồn nước sông hồ cho trong sạch... v.v... mà bây giờ gọi là môi trường. Cô Sâm đã lưu ý cho chúng tôi thấy tình trạng ở Đà-Lạt bấy giờ sông suối đã bị ô nhiễm do đất vườn được rất nhiều nông dân rất thiếu ý thức sử dụng nhiều loại phân hóa học và thuốc trừ sâu để khi mưa xuống chảy xuống các hồ nước như hồ Xuân Hương và các con suối khắp thị xã rồi ngấm vào các mạch nước ngầm... v.v...

 

Từ những cảm hứng từ thầy Khoái, thầy Phước và bây giờ là cô Sâm, việc học của tôi tiến bộ rất nhiều.Nếu năm lớp nhì tôi được ghi tên lên Bảng Danh Dự hằng tháng chỉ bốn năm lần thì năm lớp nhất tôi đã nhiều lần có tên trên Bảng Danh Dự với thứ hạng thay nhau trong ba thứ hạng đầu! Nhờ "thành tích" đó, tôi và bạn Hoàng, bạn Minh được cô chọn lựa và xin phép phụ huynh cho đến nhà cô cộng điểm hàng tháng cũng như hai kỳ thi nhất, nhì lục cá nguyệt! Nhà cô Sâm thuê là nhà trọ ở chung với một cô giáo dạy trường tiểu học khác nằm trong một căn biệt thự ở đường Yagout nối với đường Hoàng Diệu dưới dốc Nhà Thương Đà-Lạt. 


Mỗi lần đến nhà cô cộng sổ và phụ cô làm điểm như thế, ba chúng tôi được cô đãi khi thì chầu bánh biscuit, khi thì những ly chè "sâm bổ lượng", khi thì được cô dẫn đi ăn bánh bèo đường Hoàng Diệu. Cô rất thương học trò và rất thông cảm hoàn cảnh của các em khó khăn. Có những lần có cơn mưa lớn, một bạn trong lớp là con nhà làm vườn đã đi học trễ cả tiếng với thân hình ướt át, cô vẫn cho vào học chứ không cho về nhà vì lỗi đi quá trễ. Cô đã nhỏ nhẹ hỏi bạn ấy và biết rằng bạn đã phải phụ giúp cha mẹ kịp hái những bắp sú sớm hơn vì trời mưa lớn liên tiếp sẽ làm hư hết ảnh hưởng kế sinh nhai của gia đình... Chúng tôi kính trọng cô và thương cô Sâm vì sự tận tâm và lòng thương mến học trò như thế!

 

Có một kỷ niệm khó quên được trong thời gian đang học năm lớp nhất (60-61), khi gần buổi trưa trời nhiều mây râm mát, chúng tôi đi học về trên đường Yersin gần Ty Ngân Khố thấy một xe Mercedes màu đen bỗng dừng lại ngay sau toán học sinh chúng tôi. Quay lại nhìn, đó là xe của ông Đại biểu Chính phủ thỉnh thoảng vẫn dùng khi đón tiếp các quan khách quan trọng. Một người tầm thấp mặc veston xám, tuổi khoảng xấp xỉ sáu mươi chống gậy bước xuống xe. Đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm của miền Nam. Ông nhìn những hàng cây anh đào và những giấy thải nằm rải rác nơi đám cỏ song song lề đường rồi thong thả lên xe để đi về phía Dinh số 2. 


Qua mấy ngày sau, thầy hiệu trưởng Nguyễn Tri Bật và thầy phụ tá Tôn Thất Khoái đã dặn dò rất kỹ việc đi học về phải cùng nhau lượm rác dọc con đường đi khắp Đà-Lạt bỏ vào các giỏ lưới kẽm đựng rác mới được đóng mấy ngày rày ở khoảng lưng chừng các thân cây anh đào khắp các con đường... Việc này làm theo chỉ thị cấp tốc của T.T. Diệm cho ông Tỉnh Trưởng rồi truyền lại cho các trường trung tiểu học lưu ý để học sinh toàn tỉnh bảo vệ môi trường và cảnh quan. Đây cũng là bài học nâng cao nhận thức của chúng tôi về việc giữ gìn cho thành phố của mình được sạch đẹp. 

 

Rồi năm lớp nhất cũng kết thúc với 45/56 học sinh được nhà trường đưa vào danh sách gửi qua Ty Tiểu Học chuyển về Nha Tiểu Học ở Sài Gòn cấp Văn Bằng Tiểu Học. Trong khi chờ đợi văn bằng chính thức, nhà trường cùng Ty Tiểu Học đã cấp Giấy chứng nhận hoàn thành bậc Tiểu Học để nộp đơn thi vào lớp đệ thất trường công lập.

 

Mãi đến hơn bảy năm sau, Văn Bằng Tiểu Học của chúng tôi mới về đến Ty Tiểu Học Đà-Lạt vì học sinh hoàn thành bậc tiểu học ngày càng nhiều, Bộ Quốc gia Giáo Dục thông qua Nha Tiểu Học làm không kịp (theo các tư liệu còn lưu trữ và các tài liệu công bố tính đến đầu thập niên 60- 70, VNCH đã có 2, 5 triệu học sinh tiểu học, chiếm tổng số 82% thiếu nhi có độ tuổi từ 6 đến 12, theo học ở 5.208 trường trên toàn miền Nam!). 


Văn Bằng Tiểu học của chúng tôi sau khi học xong lớp nhất có ghi rõ từ "lục cá nguyệt" và "trò" (theo lối gọi thời nho học chứ không phải là "học sinh" như về sau!), nguyên văn như sau: "Chiếu bảng tổng-kê điểm-số trung-bình các kỳ thi lục-cá-nguyệt lớp NHÌ và lớp NHẤT của Trường Tiểu Học Xuân An (Đà-Lạt) lập ngày 13 tháng 3 năm 1962, chứng nhận trò..........." do ông Giám Đốc Nha Tiểu Học Trương Văn Đức ký tên và đóng dấu vào ngày 30 tháng 10 năm 1969 (khi tôi đang học đại học mới có thông báo của Ty Tiểu Học mời nhận văn bằng!). Khi lên trung học rồi tham gia sinh hoạt đoàn thể thiếu niên rất bận rộn, tôi cũng hiếm khi ghé lại trường cũ. Tôi có nghe cô Sâm dạy thêm vài năm rồi đổi về lại vùng Sài Gòn Gia Định. Nếu cô còn khỏe tính ra năm nay cô phải trên 82 tuổi. Ước mong có một cơ duyên gặp lại cô giáo đáng mến một thời!

 

o0o

 

Mỗi một cấp học trong cuộc đời chúng ta đều để lại những dấu ấn khác nhau về ngôi trường mình theo học và những hình ảnh những thầy cô giáo đã tận tâm dạy bảo chúng ta không phải chỉ bằng những con chữ, những con số khô khan mà cả tấm lòng các thầy cô thông qua những lời giải thích, giảng nghĩa về đạo lý làm người, về cách sống trong cộng đồng xã hội hay bổn phận và trách nhiệm đối với quê hương, tổ quốc... Các thầy cô tiểu học thuở nào của chúng tôi từng bước một đã giúp chúng tôi trưởng thành trong cách suy nghĩ, trong cách sống. Và các cô thầy đã huân tập chúng tôi biết sống như thế nào để cho lương tâm trong sáng, sống như thế nào để có lòng trung thực, sống như thế nào để tình nhân ái được lan tỏa và học như thế nào để góp phần xây dựng quê hương đất nước... 


Những lời chỉ dạy thiết thực, ân cần và tha thiết của các thầy cô thuở thiếu nhi dễ dàng tác động vào tâm trí còn mới mẻ và thấm sâu trong tâm hồn chúng tôi. Chúng tôi tự đáy lòng rất biết ơn công lao dẫn dắt của các thầy cô từ những bước chân đầu tiên của bậc tiểu học và sau này đã giúp chúng tôi cố gắng trụ vững và cố gắng gìn giữ được tư cách của mình giữa xã hội đang suy thoái nhiều mặt buộc chúng tôi phải chung sống! Dĩ nhiên tác động giáo dục tốt đẹp thời tiểu học đó luôn đi đôi với cuộc sống mô phạm của quý thầy cô trong hoàn cảnh toàn xã hội miền Nam trên dưới đều ra sức xây dựng một nền giáo dục tiến bộ và đang dần dần hoàn thiện .Quả thật, thế hệ chúng tôi được hân hạnh và may mắn theo học những thầy cô giáo thật đáng kính ngay từ bậc tiểu học và ở các bậc học khác sau này nữa!  


Công cuộc giáo dục với nhà trường cùng với hàng ngũ thầy cô giáo vững vàng, chương trình giảng dạy của nhà nước, sách giáo khoa với nhiều ưu điểm luôn đồng bộ và gắn liền với sự phát triển xã hội và chấn hưng đạo đức, văn hóa khắp mọi địa phương của miền Nam. Nhìn lại nền giáo dục tiểu học nói riêng và các bậc học cao hơn của miền Nam, chúng tôi không hề "tiếc nuối" vì vận mệnh đất nước và những tác động lịch sử đưa đẩy khiến miền Nam không thể nào cưỡng lại được sự sắp xếp trên bàn cờ thế giới do các nước lớn điều khiển buộc miền Nam bị cuốn theo và đổi thay, trong đó có nền giáo dục tương đối căn bản và đang hoàn thiện.

 

Càng tìm hiểu nền giáo dục ấy, chúng tôi càng trân trọng những giá trị nhân bản, dân tộc, khai phóng thể hiện qua các bài học cũng như tinh thần những con người dạy dỗ chúng tôi. Một nền giáo dục tốt đẹp như thế sẽ dễ hòa nhập và bắt kịp với các con đường đi của các nước văn minh, tiến bộ... Đặc biệt tính chất nhân bản và dân tộc luôn được chú ý và xuyên suốt trong các chương trình quốc văn, lịch sử, địa lý, đức dục ở các cấp học. Các thầy cô ở bậc tiểu học là những người góp một công sức rất lớn lao để các học sinh của mình bước đầu biết hướng về những giá trị cao đẹp của chân, thiện, mỹ: yêu chuộng tự do, yêu thương loài người, yêu chuộng các giá trị tốt đẹp của dân tộc và nhân loại… v.v... 


Dĩ nhiên con đường xây dựng một đất nước thật sự văn minh và tiến bộ cần thêm một thời gian dài hơn nữa trong điều kiện hòa bình. Miền Nam chỉ tồn tại được vỏn vẹn có 20 năm vừa lo đối phó cũng như dồn các nổ lực chính cho cuộc chiến tranh phá hoại liên tiếp, vừa phải lo xây dựng các cơ cấu hành chánh, giáo dục, y tế, kỹ nghệ, xuất nhập khẩu… v.v… nên còn nhiều điều cần phải hoàn thiện liên tục mới mong thành hình được những người lãnh đạo có bản lĩnh, biết yêu nước thương nòi, những công dân lương thiện trong một xã hội tốt đẹp và một tổ quốc thống nhất vững mạnh để đủ sức đối phó với kẻ thù truyền kiếp phương bắc không bao giờ để cho dân tộc Việt được yên ổn. Đổi thay để tiến bộ và thống nhất đất nước là điều mọi người dân Việt chúng ta rất mong mỏi! Tuy nhiên, những bóng ma đen tối bao nhiêu năm dài bấy lâu đã đổ ập lên vùi lấp những ước vọng tốt đẹp của một dân tộc, một quê hương, một tổ quốc thực sự mong mỏi được sống trong thống nhất, tự do, bắc nam hòa ái và thịnh vượng! 


Đến bao giờ xã hội VN mới trở nên một xã hội biết tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại như quyền làm người và sống cho ra con người! Biết giờ người Việt chân chính biết sống bao dung của tình tự dân tộc!? Để có được một quê hương, một tổ quốc tốt đẹp thực sự phải cần đến những con người đứng đầu khôn ngoan, chân thật, đàng hoàng tử tế, luôn đặt sự sống còn của đất nước lên trên mọi thứ tính toán hay quyền lợi của phe nhóm và cá nhân vì tổ quốc chẳng phải của riêng cho ai! Biết bao giờ đất nước chúng ta mới đủ sức vươn dậy hòa cùng sự tiến bộ của nhân loại, bắc nam đoàn kết một lòng trên tinh thần yêu nước như là một thứ vũ khí mạnh mẽ nhằm bảo vệ tổ quốc trước họa diệt vong cận kề do bọn người phương bắc nhiều tham vọng, hung tợn, gian xảo với nhiều thủ đoạn xấu xa gây ra!? Biết bao nhiêu người Việt thực tâm yêu nước đã bị kiềm hãm bởi những ý đồ và quyền lợi quá nhỏ nhoi, thấp hèn của một lớp người không chịu hiểu lý do đơn giản là tại sao cần gìn giữ và bảo vệ đất nước của cha ông để lại!? 


Quê hương, đất nước với họ chỉ là bầu sữa rất lớn mà bọn họ độc quyền thao túng, đem lại cho phe nhóm và bản thân cùng gia đình họ biết bao nhiêu quyền lợi nhưng vẫn không bao giờ lấp đầy lòng tham không đáy của họ! Chỉ khi nào đầu óc của họ trở nên tốt đẹp, biết thế nào là bao dung thật sự, may ra vận nước mới có cơ hội thay đổi theo sự tốt đẹp đó! Làm thế nào để thay đổi được vận mệnh đất nước khi những kẻ cầm vận mệnh đất nước được đào tạo và chịu sự tác động của một nền giáo dục không hề coi trọng tính nhân bản, đầy sự dối trá, chỉ biết thúc đẩy óc não giành giật quyền lợi, chức vị và quá đỗi lạc hậu! Những bài học trong lịch sử đất nước và của nhiều dân tộc khác được học hỏi từ thuở tiểu học ngày nào đã cho thấy rõ những ai đi ngược với lòng dân rồi cũng sẽ đến lúc bị qui luật lịch sử đào thải thôi! 

 

DƯƠNG ANH SƠN                                                                             

(*) Tên các con đường đề cập trong bài viết ở thời điểm những năm trước 1975. Sau này, nó khoác tên mới. Một số địa điểm có đề cập cũng "vật đổi, sao dời" không còn nữa!.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét