Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Nhân Lành

 

Hình minh họa [internet]

NHÂN LÀNH
Thầy Dương Anh Sơn

(từ câu chuyện có thật của gia đình cô học trò cũ ở Tuy Hòa...)

I 

Một buổi sáng Thủy có việc cần đi Tuy Hòa nên đã vội đi chợ sớm mua những thứ cần dùng cho đứa con gái thứ ba mới sinh được hơn tháng nay. Bầu trời miền trung vào mùa hè hơi nóng hừng hực. Con đường từ nhà ra chợ nhỏ của xã An Hiệp, Tuy An không xa lắm. Thủy lái xe gắn máy đi chậm để tránh những ổ gà mấp mô. Mặt trời bắt đầu lên cao hơn. Đoạn đường đi qua gần trụ sở xã có hai hàng tre râm mát giúp giảm đi cái nóng như thiêu như đốt! 

Cạnh gốc cây lớn cách trụ sở xã không xa, Thủy thấy một đám người hầu hết là các phụ nữ cưỡi xe gắn máy đi chợ đang bỏ xe chú mục vào môt gói tả cũ cuốn một cháu bé đang khóc oe oe. Thủy cũng tò mò bỏ xe chạy lại xem thế nào. Các chị đi chợ nói cho Thủy biết là họ thấy đứa trẻ bỏ nơi đây từ sớm nên bu quanh sợ có kiến bò cắn em bé. Và cũng đợi CA xã ra lập biên bản. Họ cũng đã nhờ bạn bè báo cho CA xã biết từ sớm nhưng chưa thấy ai cả!. Một chị bồng cháu lên vì cháu khóc lớn có vẻ đói sữa. Sẵn bọc tả bên cạnh, chị thay tả cho cháu đã bị ướt đẫm. Đó là một cháu trai gương mặt nhăn nhúm, da ngăm ngăm và chỉ độ hơn một tháng tuổi. Một lúc sau có anh CA xã đến và nhờ một chị bồng đem đến trụ sở xã gần đó để tránh những tia nắng đã lên cao. 

Theo nhận xét của các chị có mặt từ sớm khi thấy cháu bé, có lẽ cháu đã bị mẹ ruột bỏ rơi vì một lý do nào đó. Anh CA xã làm biên bản để xác nhận tình trạng bị bỏ rơi của cháu và nhờ các cô trong trụ sở mua sữa khuấy cho cháu bé uống. Các cô cũng tận tình nhưng cháu bé cứ ngậm vào lại nhả ra. Chai sữa hầu như cháu không uống chút nào. Thủy thấy thế liền đi vào nói với mấy cô:

- Các em nè, chị đang nuôi con một tháng tuổi nên sữa mẹ rất nhiều. Để chị cho cháu uống thử xem thế nào!  

Thủy nhẹ nhàng bồng cháu bé lên, vạch ngực lau núm vú và cho cháu bú sữa của mình. Cháu bé như đã có thói quen bú sữa mẹ nên miệng áp sát núm vú của Thủy bú ngon lành. Hết bầu vú bên phải, Thủy lại chuyển cho cháu bú bên phải. Độ hơn nửa giờ, cháu bé chắc vì đói nên uống no nê và bắt đầu buồn ngủ. Mấy cô trong văn phòng trụ sở trải chiếc chiếu nhỏ để trên bàn trong góc phòng quạt cho cháu ngủ. Thủy vội ra chợ mua ít đồ rồi chạy xe vào Tuy Hòa để lo công việc. Thủy dặn cô con gái đầu gần 13 tuổi đang nghỉ hè: 

- Con cho em ngủ. Nhớ thay tả cho em. Em ngủ dậy, mẹ chưa về kịp, con lấy sữa bột trên kệ khuấy cho em bú như mẹ hay làm. Cơm và đồ ăn mẹ làm sẵn. Con lo cho hai em gái ăn nghen con! 

Cô con gái đầu của Thủy cũng thạo việc nhà và rất nhớ lời mẹ dặn. Em gái kề của nó mới học lớp một nhưng chị bảo gì cũng vâng lời. Gần ba giờ chiều, Thủy vội đi về lại Tuy An cách Tuy Hòa 30 cây số. Đứa con gái đầu của Thủy đã được mẹ dặn hồi sáng không quên chuyện cho em gái út uống sữa cũng như thay tả cho em. Thủy thấy nhà cửa con cái quét dọn ngăn nắp cũng bớt mệt vì quảng đường đi và về nắng nôi. Cho con gái út bú cho no, Thủy lấy xe ra trụ sở xã xem tình hình cháu bé trai thế nào. Các cô làm ở đây nói cháu bé đói khóc hoài, chỉ chịu uống nước khi khát thôi. Hình như sữa bình cháu không quen uống. Các cô cũng cho biết thêm là chưa ai chịu nhận cháu bé. Thủy bàn sơ với chồng: 

- Anh nè, trong khi tìm người chịu nhận cháu trai làm con nuôi không lẽ để cháu đói sữa. Sẵn em đang nuôi con bằng tuổi cháu trai này và cũng có sữa nhiều nên em mang về nuôi ít bữa xem ai có lòng muốn nhận con nuôi thì báo cho CA xã lo giấy tờ! 

Chồng Thủy thấy cũng tạm ổn. Vấn đề nuôi trẻ bị bỏ rơi ở Tuy Hòa còn khó khăn huống chi ở cái xã nhỏ của huyện này! Thủy nhờ các cô chở Thủy và cháu bé về nhà mình. Chiếc giường Thủy cho cháu gái con mình cũng rộng nên đủ chỗ cho cháu trai và hai mẹ con. Thủy nấu nước nóng pha nguội để tắm rửa con mình và cháu bé trai luôn cho tiện. Tắm xong, Thủy lần lượt cho từng đứa nhỏ uống sữa của mình rồi cho hai đứa ngủ mới đi ăn cơm chiều lúc trời đã tối. 

II 

Đã hơn một tuần rồi nhưng chưa thấy ai báo tin nhận lại con của mình cũng như chưa có người chịu nhận cháu bé trai làm con nuôi. Các cô ở trụ sở và hàng xóm của Thủy cứ kháo với nhau là thằng bé trai có lẽ hơi xấu trai và vóc dáng sợ rằng sẽ nhỏ con và ốm yếu nên khó tìm được người nhận nuôi. Thủy bàn với chồng: 

- Đứa bé ở nhà mình cả tuần rồi. Bú sữa của em cũng quen nên ít khóc. Có khi bú no còn nhoẻn miệng cười nữa. Nếu không ai nhận, anh thấy là mình nhận cháu làm con nuôi có nên không? Mình ba đứa con gái và em đang nuôi con út sẵn sữa mẹ nên nhận cháu trai này đi. 

Bàn tới bàn lui đôi bận, chồng Thủy chịu ra xã làm giấy tờ khai sinh nhận cháu làm con nuôi với cái tên mới: Nguyễn Ngọc Nhân. Thủy nói với chồng khi chọn cái tên này: 

- Em mong con trai nuôi của mình luôn lấy đức Nhân, lấy tình người để sống trong cuộc đời mai sau. Sống có Nhân cũng là sống có Nghĩa..... Với lại, Nhân cũng là nhân duyên. Biết đâu đây là cơ duyên đưa cháu đến với gia đình mình chăng?! 

Thủy vẫn còn nhớ những lời của người thầy cũ khi học lớp 12 thường giảng cho học trò của mình biết thêm những cách thế sống trong đời và được nghe thầy nói nhiều về ý nghĩa của chữ Nhân nên chọn cái tên này!  

Thủy đang đi dạy tiểu học ở ngôi trường nhỏ của xã An Hiệp cũng trên mười năm rồi. Mùa nghỉ hè cũng qua mau. Thủy bắt đầu bước vào niên học mới. Năm nay nhà  trường giao cho Thủy dạy lớp 3 buổi chiều. Cháu Phượng, đứa con gái đầu của Thủy năm nay học lớp 8 đi học buổi sáng nên giấc chiều khi Thủy đi dạy, cháu đảm đương trông coi cả hai đứa nhỏ. Thủy cũng tập cho đứa con nuôi đã được ba tháng tuổi quen với sữa bột khuấy bú bình để khi bận dạy học, cháu Phượng lo cho bú đỡ đói. Cô con gái đầu cũng thành thạo trong việc thay mẹ lo cho hai em còn nhỏ chỉ mới ba tháng tuổi tính từ đầu hè vừa rồi. Thời gian được nghỉ sinh và ba tháng hè cũng đủ cho hai trẻ cứng cáp, bắt đầu biết ngọ nguậy, biết đạp chân khá thường! 

III 

Thấm thoắt nuôi hai con hơn hai năm, chúng lớn nhanh chóng và cùng chơi với nhau thân thiết. Cu Nhân có lẽ sinh sau cháu Hằng, con út của Thủy vài ngày tuổi vì hơi nhỏ người nên Hằng cứ bắt kêu mình bằng chị tư. Như thế, trên cu Nhân có chị hai Phượng, chị ba Thục, chị tư Hằng mới đến út Nhân! Các chị em rất thương nhau, có củ khoai, củ mì, gói xôi cũng chia nhau ăn. Thủy thấy các con như thế cũng mừng. Đã đến tuổi vào lớp 1, Thủy xin cho hai cháu học cùng lớp trong trường. Trường cũng chỉ cách nhà mấy trăm thước nên cũng tiện để chị ba Thục dẫn hai em cùng đi học. Hai đứa nhỏ cũng rất nghe lời chị ba nên Thủy đỡ vất vả nhiều khi nuôi bốn đứa con. Trừ đứa con út, Thủy dặn bé Phượng không được nói cho cu Nhân biết nó là con nuôi chứ không phải con của mẹ Thủy! Phượng nhớ kỹ chuyện này. Còn bé Thục còn nhỏ nên khi mẹ đem bé Nhân về, nó cứ đinh ninh là mẹ sinh đôi, đem em về nuôi sau khi nuôi bé Hằng! Đàn con của Thủy lớn nhanh như thổi. Khi Phượng vào học trường Cao đẳng, hai đứa út cũng đã vào lớp 6. Do việc gia đình không thuận lợi, Thủy xin thôi dạy đưa các con vào thành phố Tuy Hòa ở tạm nhà ba mẹ để xin việc làm mới. Hai ông bà ngoại ở với nhau trong căn nhà tương đối rộng rãi nên Thủy mang bốn đứa con về hơi ồn ào nhưng ông bà lại thấy vui cửa vui nhà! 

Thủy nhờ bạn bè cũ xin cho các cháu các trường gần nhà nên cũng tiện cho việc các cháu tự đi học với nhau. Bạn bè giúp đỡ Thủy vào làm cho một công ty cung ứng hải sản xuất khẩu. Thủy được xếp đặt vào bộ phận lo bếp ăn cho ba trăm công nhân các buổi ăn trưa và nhất là những ngày tăng ca làm đêm vì số lượng cá ngừ đại dương mua của ngư dân trúng vụ khá nhiều đủ cho số lượng hàng cá ngừ hợp đồng cung cấp cho nước ngoài. Ngoài mùa cá ngừ, mặt hàng mực, hay cá thu cũng là mặt hàng chính của công ty. Ban đầu Thủy phụ cho một chị lớn tuổi hơn lo đi chợ cùng mình, thêm một người nữa là tài xế. Công việc tuy vất vả nhưng Thủy cũng chịu khó nên dần dần cũng quen công việc này. Rau quả, thức ăn mua về, Thủy cùng chị Năm lớn tuổi bàn sơ sẽ nấu món gì cho các công nhân ăn cho ngon miệng và cắt cử người nấu nướng kịp thời để lúc nghỉ trưa, công nhân kịp ăn. Mỗi ngày mỗi thực đơn khác nhau nhưng công việc này Thủy bắt kịp rất nhanh... 

Thủy đi làm từ sáng sớm,  bốn rưỡi chiều mới về đến nhà. Những lúc lượng cá ngừ về nhiều, cả công ty phải làm thêm ca tối cho kịp. Thủy cùng các người trong bếp ăn cũng phải ở lại lo thêm phần ăn tối cho công nhân. Ở nhà, các chị em thay phiên đi chợ nấu ăn với nhau. Nếu chị Phượng bận học, chị Thục sẽ cùng hai em lo nấu cơm, nấu một hai món ăn trưa. Nhân bây giờ đã lên lớp 7. Mỗi buổi tối học bài hay làm bài tập xong là lo dọn mùng màng để mẹ đi nghỉ sớm để có sức sáng mai đi làm. Mỗi bận đi chợ, Nhân lãnh chuyện xách giỏ cho các chị. Lâu ngày Nhân cũng quen chuyện chợ đò nên nhiều khi đạp xe đạp đi mua đồ nấu ăn cho cả nhà với hai ông bà ngoại già nữa. Nhân tính toán chuyện mua thức ăn gì cũng gọn cho cả nhà. Ăn trưa hay ăn chiều là Nhân giành lấy chuyện rửa chén, rửa nồi giúp các chị. Các chị của Nhân cần mua gì là Nhân đạp xe đi ngay, chẳng hề phàn nàn. Thường buổi chiều Thủy đi làm về cũng khá mệt, Nhân đã vội đem ly trà đá và khăn ướt cho mẹ lau mặt rồi quay qua giúp các chị dọn cơm, mời ông bà ngoại và mẹ dùng . Hầu như chuyện dọn dẹp, quét nhà, lau nhà.... Nhân đều lo hết. Nhân hay cười nói với Thủy và các chị: 

 - Con trai có sức để làm gì mà không lo cho mẹ, lo cho các chị? 

Thông thường, các chị lớn rất thương em trai ít khi để em làm chuyện bếp núc, chùi dọn nhưng Nhân rất khác! Chuyện gì lo được cho ông bà, lo được cho mẹ và mấy chị là nó làm ngay. Có ông bà ngoại ở nhà nên Thủy hầu như dành công việc cho công ty. Mấy năm sau, dì Năm lớn tuổi xin nghỉ. Công ty cử Thủy lo chuyện bếp ăn của công ty có khi tăng vụ, tăng ca lên đến gần hai trăm người nên cũng rất bận. Được một điều, đứa em trai của Thủy là Hưng cũng được cử sang giúp Thủy lo việc này nên cũng đỡ được nhiều chuyện! 

Chị hai Phượng ra trường Cao đẳng ngành tài chánh cũng xin được việc làm cho một công ty xây dựng. Buổi trưa, nhà chỉ có hai ông bà và ba chị em. Sáng sớm Nhân đã chở chị Thục đi chợ sớm sửa soạn trước cho buổi trưa đi về nấu ăn cho nhanh. Nhân rất nhanh nhẹn từ chuyện nấu cơm, lặt rau, chiên cá nên mấy chị chưa kịp nhúng tay vào cơm nước đã xong. Nhân và hai chị nhanh chóng đi học kịp giờ vào lớp sáng! 

Năm Nhân lên lớp 11, Thủy bàn cùng các bạn thân hồi học lớp 12  ở trung học là nên cho Nhân biết chuyện Nhân là con nuôi của mẹ Thủy. Các bạn Thủy mỗi người bàn tính đều thuận ý là nên cho Nhân biết chuyện này và khuyên Thủy chọn thời điểm thích hợp nói cho cháu Nhân biết. Vào dịp gần Tết, sau khi sửa soạn bàn thờ tổ tiên xong lúc sau bữa ăn chiều, các chị đã đi ngủ sớm. Nhân pha bình trà cho ông bà và mẹ uống. Khi ông bà và các con đi nghỉ đi nghỉ, Thủy nói với Nhân:  

- Con ngồi nói chuyện với mẹ một lát được không? 

Nhân hơi ngạc nhiên. Ít khi hai mẹ con ngồi riêng nói chuyện với nhau. Thủy thong thả nói với Nhân: 

- Nhân à! Năm nay con lên lớp 11 cũng đã lớn nên mẹ nói cho con biết chuyện này. 

Nhân vội hỏi:  

- Có chuyện gì quan trọng không mẹ?

- Nhân à! Mẹ rất thương các con. Đứa nào cũng vậy. 

Thủy hơi ngập ngừng: 

- Bây giờ mẹ nói cho con biết, con là con nuôi của mẹ chứ không phải là con ruột sinh đôi với chị Hằng! 

Nhân chớp mắt hỏi lại Thủy giọng hơi lớn: 

- Có thật như vậy phải không mẹ! 

Thủy ôm Nhân vào lòng và nói: 

- Đáng lẽ mẹ không nói chuyện này nhưng đến lúc này mẹ cần nói cho con biết. 

Thủy bồi hồi kể lại câu chuyện gặp gỡ Nhân khi còn đỏ hỏn đem về cho bú bẩm rồi nhận nuôi Nhân cho đến khôn lớn như bây giờ. Nhân gục đầu xuống bàn khóc rấm rức. Thủy ôm vai con và cùng khóc. Thủy thủ thỉ với con là chỉ muốn con biết chứ tình yêu thương với Nhân đối với Thủy không hề suy giảm mà ngược lại. Thủy tâm sự: 

- Trong các chị không ai như con. Mẹ đi làm về là con lo cho mẹ từ ly nước mát đến cái khăn lạnh cho mẹ . Con lại dành lo cơm nước cho cả nhà cùng biết bao việc lặt vặt trong nhà, trong cửa! Tấm lòng hiếu thảo của con buộc mẹ phải nói cho con biết nhưng lòng mẹ lại càng thương con hơn bao giờ hết! 

Hai mẹ con ôm nhau khóc cho đến khi đi ngủ. Dẫu trong lòng rất xốn xang khi nghe mẹ Thủy cho biết mình là con nuôi của mẹ Thủy nhưng Nhân cũng gạt nước mắt dọn mùng cho mẹ ngủ. Cả đêm Nhân cứ ứa nước mắt, trằn trọc không ngủ được. Nhân không giận mẹ Thủy đã cho biết, nhưng buồn cho số phận của mình bị mẹ ruột bỏ rơi! Nhưng Nhân cũng rất thương mẹ Thủy đã đùm bọc, cưu mang mình, lo cho ăn học dù đã đông con trong thời buổi khó khăn này. Nhân cảm nhận mình cũng may mắn được đem về sống trong cái gia đình này .Số phận của Nhân không hẩm hiu vì sống trong một gia đình luôn tràn đầy tình yêu thương. Đó là điều an ủi nhưng Nhân vẫn thấy nghèn nghẹn khi nghĩ đến số phận bị bỏ rơi của mình..... 

Sáng hôm sau, Nhân ngủ dậy không ăn sáng và đi đến trường. Cả buổi học sáng hôm sau, đầu óc Nhân cứ nghĩ mãi câu chuyện mẹ Thủy kể từ lúc đem về làm con nuôi. Gương mặt buồn của Nhân làm các bạn trong lớp ngạc nhiên vì khác với tính cởi mở hàng ngày...... Khi đi học về, Nhân cũng chịu khó như ngày thường nhưng dáng vẻ trầm tư ít nói. Nhân là người biết suy nghĩ. Nhân cứ buồn cho số phận của mình nhưng rất thương mẹ Thủy và các chị. Số phận làm trẻ bị bỏ rơi nhưng không hẩm hiu lại được sống trong tình yêu thương của người mẹ nuôi và các chị nữa. Những khi không làm việc gì, Nhân lại ngồi thừ người nghĩ ngợi về cuộc đời...... 

Năm lớp 11 là một năm khó khăn đối với Nhân. Câu chuyện mẹ Thủy kể làm cho đầu óc của Nhân cứ lan man. Việc học hành có hơi trễ nải. Nhân không phải là học sinh thông minh hay đứng vào loại giỏi, chỉ vào hạng trung bình khá. Nhưng thầy và các bạn rất mến Nhân ở đức tính hòa mình, thân thiện và sẵn sàng làm các việc thầy và các bạn cắt cử, sắp xếp làm cho lớp. Thầy và các bạn hơi ngạc nhiên về sự thay đổi mấy tháng này của Nhân. Trong một buổi họp phụ huynh, thầy chủ nhiệm đã gặp Thủy và được biết câu chuyện của Nhân nên rất thương đứa học trò này. Thầy biết để bụng chứ không nói cho các thầy hay học sinh biết chuyện. Gần cuối năm học lớp 11, Nhân mới nguôi ngoai câu chuyện đời mình và bình tĩnh trở lại! Học kỳ 2, Nhân đạt điểm Khá. Qua năm lớp 12, Nhân hầu như không bị câu chuyện cũ ảnh hưởng cuộc sống và chuyện học hành. Con người vốn trầm tĩnh, biết suy nghĩ và sốt sắng vốn có của Nhân đã trở lại như trước. Nhân càng thương yêu mẹ Thủy nhiều hơn trước cũng như các chị trong nhà. Đó là những người thật sự là thân thích của Nhân! Mẹ Thủy vẫn thường nhìn Nhân bằng ánh mắt trìu mến của người mẹ hiền. Những đau khổ trong chuyện hôn nhân Thủy gạt qua một bên dành hết tình yêu thương cho con cái.... 

Năm 12 là năm thi tốt nghiệp phổ thông và chuẩn bị vào cao đẳng, đại học. Bài vở nhiều hơn và việc học cũng gắt gao hơn. Nhân chăm chỉ học hành nhưng những công việc ở nhà vẫn chu đáo. Nhân chăm lo cho sức khỏe của mẹ từng chút một. Những khi mẹ đi làm về húng hắng ho là Nhân giã gừng pha mật ong mời mẹ nhắp thấm giọng cho đỡ ho. Những khi trời mưa lớn, đi làm về Thủy sục sịch cái mũi, Nhân đã đạp xe ra chợ mua nắm lá về nấu nồi nước xông mời Thủy xông với nồi nước đang nóng cho giải cảm. Chuyện sức khỏe của các chị hai, chị ba hay chị tư cũng luôn có sự quan tâm của Nhân. Làm thế nào mà Thủy không thương yêu đứa con nuôi này cho được. Nhân thường chú ý chuyện đi làm, công việc nhiều khiến mẹ Thủy đi về mỗi chiều thấm mệt. Thủy đã thấy ngay tô cháo cá nhiều hành do Nhân nấu cho mẹ dùng nóng hổi trên bàn ăn! Nhân thấy mẹ ăn ngon mà lòng rất vui. Ngược lại có cái gì ngon, mẹ cũng dành cho Nhân. Nhân không bao giờ dùng một mình, Nhân đem mời ông bà ngoại hay các chị rồi nhón một chút cho có lệ để mẹ vui lòng.... Nhân tốt nghiệp trung học phổ thông với loại khá và thi đậu vào trường cao đẳng thương mại. 

IV 

Mấy năm học cao đẳng cũng qua mau. Nhân được mẹ giới thiệu đi làm trong công ty của mình làm việc bên bộ phận kế toán, tài chính.

Năm sau, bộ phận lo ăn uống cho công nhân thiếu người lo kế toán, Nhân được công ty cử sang cùng làm việc chung với mẹ. Một hôm do tăng ca làm việc vì lượng cá ngừ về nhiều, Thủy bị choáng, quỵ xuống nằm dưới đất. Nghe tin, Nhân chạy vội ra bồng mẹ ra xe tải nhờ tài xế đưa mẹ lên bệnh viện, bồng mẹ vào phòng cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán do làm việc quá sức, thiếu ngủ, ăn uống không đều nên suy nhược. Thủy phải nằm viện vài ngày. Nhân lo hoàn thành kết toán sổ sách mỗi ngày, rảnh một chút là chạy ngay lên bệnh viện lo cho mẹ. Nhân đã chuẩn bị sẵn mỗi sáng để nấu chén cháo cá thật ngon cho mẹ Thủy ăn mấy ngày đầu ở bệnh viện. Chiều tối, Nhân lại đem thức ăn, áo quần cho mẹ thay kèm thêm chiếc chiếu và mùng để ngủ lại đêm chăm sóc mẹ. Khi mẹ đã đỡ hơn, Nhân lại lo đi chợ mua thức ăn mẹ thích, nấu vài món nhỏ đem lên cho mẹ dùng buổi trưa và chiều. Chị hai Phượng và chị ba Thục cứ la: 

- Sao em không để hai chị nấu cơm đem lên bệnh viện lo cho mẹ? 

 Nhân nói gạt đi: 

- Chị hai còn phải lo hai đứa con nhỏ cũng bận bịu, còn chị ba mới sinh xong chưa khỏe lắm để em lo cho mẹ là được rồi. 

Hai chị thấy Nhân nói như vậy mà ứa nước mắt. Có ai như Nhân đâu, lo cho mẹ hay các chị chẳng bao giờ nề hà mệt nhọc. Các chị thương Nhân biết bao còn hơn máu mủ nữa là!

Khị mẹ khỏe xong đi làm lại, qua tháng sau ông ngoại bị bệnh nhẹ rồi mất vì tuổi già sức yếu. Nhân cùng cậu đứng ra lo tổ chức việc tang lễ cho ông ngoại thật tươm tất. Khi lễ cầu siêu cho ông ngoại ở chùa xong, bà ngoại đã ôm chầm Nhân mà khóc. Bà nhớ ông ngoại rất nhiều nhưng quá cảm động vì tấm lòng đứa cháu nuôi tận tụy với gia đình mình. Bà thương Nhân còn hơn các chị! Mỗi lần đi chùa, Thủy vẫn khấn tạ ơn chư Phật đã đưa đẩy Nhân đến với gia đình của mình. Có lẽ không mấy người có con nuôi mà tình cảm sâu đậm, gắn bó với gia đình mẹ nuôi như Nhân. Hòa thượng trên chùa vẫn nói với Thủy: 

- Kiếp trước Nhân có nợ nần với con nên kiếp này đền bồi đó thôi! Gieo nhân lành sẽ được gặt báo quả hiền không phải từ hiện tại này mà từ vô số kiếp trước và kiếp sau nữa..... 

Thủy chỉ nghĩ đơn giản hơn là khi mình sống với tình thương yêu chân tình sẽ được đáp trả bằng tình yêu thương chân tình. Cuộc sống là trùng trùng duyên khởi như lời Phật dạy! 

Dương Anh Sơn

Sài Gòn, 30/7/2019 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét