AHĐPTĐTTT: PHẦN 2, CHƯƠNG II, MỤC 3
Thầy Dương Anh Sơn
PHẦN HAI
VỊ TRÍ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
CHƯƠNG II
SỰ TƯƠNG HỢP GIỮA TƯ TƯỞNG ĐẠO LÃO VÀ TƯ TƯỞNG ĐẠO PHẬT TRONG ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH
Mục 3:
TRONG CƠN ÂM CỰC, DƯƠNG HỒI KHÔNG HAY
A- Trên những ý hướng ấy, chúng ta thấy Truyện Kiều đã được xây dựng dựa vào nguyên lý âm dương. Chúng ta có thể chia cuộc đời Kiều làm ba giai đoạn:
1./- Giai đoạn trước khi xảy ra gia biến, gia đình sum họp, gần gũi người yêu là giai đoạn mang tính chất của Dương (陽). Song, trong khung cảnh ấy đã có mầm mống của những tai họa sắp xảy ra cho đời Kiều và gia đình nàng (Trong Dương đã chất chứa Âm).
“Bây giờ rõ mặt đôi ta, (c. 443-444)
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”
2./- Giai đoạn xảy ra việc gia biến khiến nàng phải bán mình chuộc cha và lăn lưng vào kiếp phong trần mang tính Âm (陰) và kết thúc bằng cái chết của Kiều nơi sông Tiền Đường, vì rằng Thúy Kiều trong nỗi đau đớn tột cùng trước cái chết của từ Hải và nỗi ô nhục do Hồ Tôn Hiến gây ra:
“Đã không biết sống là vui” (c.2613)
Và nàng đã chọn cái chết nơi sông Tiền đường:
“ Đem mình gieo xuống giữa dòng Tràng Giang" (c. 2636)
Nghĩa là lấy cái chết (Âm cực) để giải thoát và trong cái “chết” vẫn hàm ngụ cái “sống” (Dương hồi):
“Đời người đến thế thì thôi, (c. 2645)
Trong cơn âm cực, dương hồi không hay.”
3./- Giai đoạn sau cùng là giai đoạn tái hồi với người yêu xưa cũ, đoàn tụ với gia đình và sống một cuộc đời hạnh phúc được xem là giai đoạn “Dương hồi” :
“Còn nhiều hưởng thụ về lâu (c. 2724)
Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào”
B- Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng nhất có lẽ là ý nghĩa của giai đoạn Thúy Kiều tự mình tìm lấy cái chết ở sông Tiền Đường. Nếu cuộc đời Kiều chấm dứt ở đây thì Đoạn Trường Tân Thanh chỉ là một câu chuyện tình, câu chuyện về một kiếp người đầy dẫy tính cách bi đát. Nhưng cũng có thể nói cuộc đời khổ nạn của nàng đã chấm dứt, để nhường bước cho cuộc đời mới. Con người của Kiều đã chết đi, song lại nhờ cái chết ấy để có được một Thúy Kiều tâm thức hoàn toàn đổi khác mà chúng ta sẽ bàn rõ hơn trong những phần về sau. Đây là điều mà Dịch Kinh (Hệ từ) gọi là “cùng tắc biến” và Lão Tử xem đó là trạng thái báo hiệu cho một cuộc đời mới.
“Tử nhi bất vong giả thọ” [1]
死 而 不 忘 者 壽
(Chết mà không mất thì sống lâu)
Chính Tố Như tiên sinh cũng phác họa sự thay đổi đó dù giai đoạn trước khi tìm cái chết, Kiều chưa ý thức rõ “chết” rồi mình sẽ sống lại nơi nào, ra sao:
“Chân trời mặt bể lênh đênh (c. 2607)
Nắm xương biết gởi tử sinh chốn nào?”
“Tử sinh chốn nào”, chính là câu hỏi của Thúy Kiều đã thấy một cách mờ ảo về kiếp lai sinh của mình và bắt buộc nàng phải chọn lấy cái chết, ngoài ra không còn cách nào khác để tránh được cái “lưới trời” vì:
“Lưới trời lồng lộng, thưa mà không dễ thoát”
天 網 恢 恢,疏 而 不 失。
(Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất thất) [2]
Cho nên, Thúy Kiều đã "phó mặc" không phải là tấm thân do cha mẹ tạo dựng mà chính là "tấm lòng " của mình cho trời cao và sông nước!:
“Tấm lòng phó mặc trên trời, dưới sông” (c. 2634)
Thế rồi Thúy Kiều đã liều mình tìm cái chết, phó mặc cho ông trời đưa đẩy. Tuy vậy, nàng không phải là kẻ hành động ngu muội, mê lầm vì:
“Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương” (c. 2614)
và cũng vì nàng đã ý thức rõ được muốn “ra sống” thì phải “vào chết” :
“Xuất sinh nhập tử” (出 生 入 死) [3]
Cho nên nàng mới được sống lại, thụ hưởng hạnh phúc sau khi rửa sạch những oan khiên do mệnh trời an bài cho cuộc đời nàng:
"Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi” (c. 2688)
hoặc:
“Nạn xưa, trút sạch làu làu” (c. 2737)
Hơn thế nữa, Thúy Kiều ,trong tâm thức của mình hay nói khác hơn là trong "tấm lòng"(c.2634) của mình ,cũng thấy được lẽ huyền vi của đạo trời và đạo làm người nên quyết lựa chọn cái chết đế báo bổ ân nghĩa của Từ Hải cho trọn đạo vợ chồng, đồng thời tuân theo cái mệnh trời mà Đạm Tiên là một biểu tượng cho số kiếp của nàng:
“Đạm Tiên nàng nhé có hay (c. 2623)
Hẹn ta, thì đợi dưới này rước ta”
Nói cách khác, Thúy Kiều hơn bất cứ ai đã đi trọn con đường của kiếp người, vì nàng đã thấu rõ và ý thức được lẽ sinh tử:
“Tri hòa viết tường,
tri thường viết minh,
ích sinh viết tường”
知 和 曰 常,
知 常 曰 明,
益 生 曰 祥。[4]
Biết được đức hòa gọi là biết đức thường, biết được đức thường mới gọi là sáng suốt, càng tăng cái sống lên (ham sống) là đi về chỗ không lành (chữ tường 祥 dùng chỉ chung là điềm xấu hay tốt ,lành hay không lành .(Ở đây ,nó mang nghĩa giả tá 假借 , nghĩa là vay mượn chữ này nhưng dùng với nghĩa khác hay nghĩa trái ngược!)
Chính vì biết rõ “ích sinh viết tường” đó nên nàng mới đạt đến sự điều hòa, thấu được lẽ thường của trời đất. Đó là "bình thường tâm" , tương tự như trong tư tưởng Thiền tông của đạo Phật , nghĩa là biết sống hòa hợp với chính mình và chung quanh... Một Thúy Kiều trước cái chết đã được Nguyễn Du phác họa trong khung cảnh:
"Triều đâu nổi sóng đùng đùng” (c. 2619)
Và một Thúy Kiều sau khi đã ra khỏi kiếp đoạn trường đã “trút sạch làu làu” nạn xưa mà khung cảnh cũng gián tiếp cho thấy tâm thức của nàng . Đó là khung cảnh vẫn y nhiên: mênh mông, bát ngát bốn bề ; sóng dâng , mây lồng sau trước..v..vv. Nhưng trong cái y nhiên, bình thường ấy là một sự thay đổi lớn lao .Đó là sự "giải thoát" khỏi kiếp nạn mười lăm năm đoạn trường!:
"Bốn bề bát ngát mênh mông, (c. 2735)
Triều dâng hôm sớm, mây lồng trước sau.
Nạn xưa trút sạch làu làu ...”
Riêng với nhà Phật , ý nghĩa của cái chết của Thúy Kiều cũng có thể được giải thích bằng nguyên lý Duyên Khởi. Theo đó là sinh tử trong biến trình thời gian được đạo Phật quan niệm như là một vòng tròn không có khởi đầu, không có sự chấm dứt, mệnh danh là bánh xe luân hồi hay bánh xe sinh hóa. Nếu cái này có tức cái kia có, cái này sinh tức cái kia sinh trong liên tục thời gian thì cái chết mà Thúy Kiều chọn lựa để nhằm “có” cái sống, tức có được sự sinh. Và cái sinh ra hoàn thành từ cái chết đó chính là tâm thức giải thoát mà Kiều đã đạt được từ sự từ bỏ rửa sạch những khổ đau những vọng tưởng đè nặng đời nàng:
"Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi (c. 2688)
Khi nên trời cũng chiều người”
Đồng thời, xét định một cách cởi mở hơn, đạo Phật cũng chủ trương về lẽ sinh tử ít nhiều trùng hợp với đạo gia. Sự " Sinh" chính là cái nhân của sự "Tử" và "Tử" lại là nhân của cái "Sinh" trong vòng biến hóa theo nguyên lý Nhân Quả hay sự chuyển hóa của luật Âm Dương. Một học giả về đạo Phật là ông Juniiro Takakusu đã viết:
“Một sinh vật chết đi là không chấm dứt, ngay đó, một đời sống khác bắt đầu trải qua một quá trình tương tự và cứ lặp lại như vậy thành một vòng tròn sinh hóa bất tận. Theo đó, một sinh vật khi được nhìn trong liên hệ thời gian, nó tạo thành một dòng tương tục không gián đoạn”. [5]
Và cũng chính đó là cái Nghiệp của Kiều phải trải qua, bó buộc phải chấp nhận vì nàng còn đang trong vòng sinh hóa, vòng Sinh Tử của Nhân Duyên, và cũng chính của vòng biến hóa của Âm Dương nữa:
“Duyên đâu ai dứt tơ đào, (c. 2609)
Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay.
Thân sao thân đến thế này?.....”
Dân gian vẫn thường nói : “Hữu thân hữu khổ”, nên điều cần thiết là phải “Vô thân” vì: “Vi ngô hữu thân. Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn” 爲吾有身, 及吾無身, 吾有何患。(道德經) [6] (Vì ta có thân. Nếu ta không có thân, ta đâu có lo lắng):
Đứng trước lựa chọn cái Chết và Sống, Âm và Dương, hữu thân và vô thân, nàng Kiều đã chọn con đường “vô thân” để tìm một lẽ sống cao hơn cho bản thân:
“Đã không biết sống là vui (c. 2613)
Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương”.
Đức Phật cũng thường dạy bảo các đệ tử:
"Người nào thấy rõ được dukkha cũng thấy luôn nguyên nhân của dukkha, cũng thấy luôn sự diệt dukkha và cũng thấy luôn con đường đưa đến sự diệt dukkha”. [7]
Con đường mà Thúy Kiều lựa chọn chính là cái chết hầu chấm dứt khổ đau, trầm luân, vọng tưởng.
Ngoài ra, thiền gia cũng khai triển ý niệm sanh tử này một cách rộng rãi hơn và rất gần gũi với đạo gia. Chúng ta có thể mượn ý đó để giải thích thêm về ý nghĩa sự lựa chọn cái chết của Thúy Kiều khi nàng dám “liều thân” buông xả “hữu thân” để đạt đến “vô thân”. Vả lại, Kiều cũng không yêu hoặc ghét về sinh hoặc tử, vì còn ghét tức còn tâm lo sợ, chỉ khi nào quên thân hoặc vô tâm nàng mới đạt đến bờ Tĩnh, bến Giác. Bồ Đề Đạt Ma đã nói rõ:
“Sanh tử tâm lo sợ, vô vi trình tự an,
Cảnh quên tâm cũng diệt, biểu tính lặng dung khoan” [8]
hoặc:
“Xuất lìa sanh tử gọi là xuất gia.
Chẳng chịu quả báo gọi là được đạo.” [8]
“Bước qua dòng sanh tử”, “lìa sanh tử” chính là những thuật ngữ thường được sử dụng trong thiền gia, có thể là cách giải thích phù hợp về ý nghĩa sự lựa chọn cái chết của nàng Kiều.Tuy nhiên ,đạo Phật nói chung và Thiền tông nói một cách riêng xem việc "lìa sanh tử" hay "bước qua dòng sanh tử" là giai đoạn khởi sự tiến đến bờ giải thoát . Và Đạo gia cũng tiến đến "cập vô thân" để đạt đến cõi yên vui không lo lắng như đã đề cập bên trên .Cách giải thích bằng nhãn quan Đạo gia và Phật gia cuối cùng đều gặp gỡ nhau. Gọi bằng từ ngữ nào thì thực tại vẫn là thực tại, giải thích chỉ để mà giải thích, trừ phi chính mỗi chúng ta là Thúy Kiều, là Nguyễn Du mới thấu rõ ý nghĩa đó mà thôi.
Có thể nói rằng , trong "cơn âm cực ,dương hồi không hay " đã đưa Thúy Kiều của Nguyễn Du đoạn tuyệt với mười lăm năm đoạn trường oan nghiệt ("Túc khiên đã rửa lâng lâng sạch rồi !"-c.2688 hay "Nạn xưa trút sạch làu làu" -c.2737).Tư tưởng Đạo gia và nhà Phật đều được Tố Như vận dụng khéo léo qua ngôn từ để khắc họa những bước đường sinh tử nhọc nhằn của Thúy Kiều hầu bắt đầu một giai đoạn mới .Nhưng vượt lên trên vẫn là tư tưởng chủ đạo : "Thiện căn ở tại lòng ta / Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" (c.2351-52) mang đậm tinh thần đạo Phật nhằm giải quyết vấn đề Nguyễn Du đã đặt ra từ đầu (" Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau"-Tài mệnh tương đố"-c.2). Mặt khác , ĐTTT tuy mang đậm màu sắc đạo Phật nhưng tư tưởng đạo Nho và đạo Lão cũng đóng góp rất nhiều nhằm soi sáng những bước đường gian truân và đi đến chỗ "gương trong chẳng chút bụi trần "(c.3173) an vui thật sự.
Dương Anh Sơn
Tài liệu tham khảo:
[1] Lão Tử, S.đ.d, chương 33, tr.174
[2] Lão Tử, S.đ.d, chương 73, tr. 329
[3] Lão Tử, S.đ.d, chương 50, tr 215 .
[4] Lão Tử, S.đ.d, chương 55,tr 241
[5] Junjiro Takakusu, Các tông phái của đạo Phật, bản dịch Tuệ Sĩ, Sài Gòn, Ban Tu Thư Viện Đại học Vạn Hạnh, 1973, trang 56.
[6] Lão Tử, S.đ.d, chương 13, tr. 87
[7] W. Rahula, Con đường thoát khổ, Thích nữ Trí Hải dịch, Ban Tu Thư Viện Đại học Vạn Hạnh XB, 1966, trang 47
[8] Bồ Đề Đạt Ma, S.đ.d, trang 34:Tâm Kinh Tụng -27 và tr.84: Ngộ Tánh Luận.
(Lần đến: Phần 2, Chương II, Mục 4: Giải cấu là duyên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét