Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2022

Bị Thế Giới Cấm Vận, Xưởng Sản Xuất Hỏa Tiễn Nga Ngưng Hoạt Động

Hệ thống hỏa tiễn phòng không 9K37 Buk của Nga. (Hình minh họa: Vasily Maximov/AFP via Getty Images)

BỊ THẾ GIỚI CẤM VẬN, XƯỞNG SẢN XUẤT HỎA TIỄN NGA NGƯNG HOẠT ĐỘNG
V. Giang

KIEV, Ukraine (NV) – Một xưởng sản xuất hỏa tiễn phòng không của Nga hiện phải ngưng hoạt động do các biện pháp cấm vận của thế giới Tây Phương khiến không có đủ phụ tùng sản xuất, theo tiết lộ của cơ quan tình báo Ukraine (GUR) hôm Chủ Nhật, 17 Tháng Tư.

Bản tin của tờ Jerusalem Post nói rằng nhà máy Ulyanovsk Mechanical Plant (JSC UMZ) của quân đội Nga tại vùng Ulyanovsk Oblast, được thành lập vào thập niên 60 của thời Liên Xô và hoạt động từ đó tới nay.

Xưởng này từng sản xuất nhiều hệ thống hỏa tiễn phòng không khác nhau, như loại 9K37 Buk, được NATO gọi là SA-11 Gadfly, và loại 2K22 Tunguska, NATO gọi là SA-19 Grison.

Tuy nhiên, theo tình báo Ukraine, nhà máy đang phải đóng cửa. Theo các công nhân nơi này thì đây là vì “hầu như không có cơ phận nào do Nga sản xuất” cho hệ thống hướng dẫn điện tử của hỏa tiễn.

Phần lớn các bộ phận điện tử quân đội Nga sử dụng đều do Đức chế tạo, nhưng nay nguồn cung cấp đã ngưng lại vì lệnh cấm vận.

Phía Nga đang tìm cách mua nguồn hàng từ các quốc gia khác, nhưng bị cản trở vì nhiều lý do, kể cả chi phí.

Công nhân nhà máy nay được đề nghị chọn một trong hai giải pháp: Nghỉ làm không lương hoặc nhập ngũ để sang chiến đấu ở Ukraine với mức lương 50,000 rúp (chừng $600) mỗi tháng.

Nga có một số hệ thống hỏa tiễn phòng không khác nhau, với loại tối tân nhất là S-300 và S-400.

Hiện chưa rõ là S-300 và S-400 có được chế tạo tại nhà máy JSC UMZ hay không.

Hôm Thứ Sáu, cơ quan tình báo Ukraine GUR cũng cho hay Nga đang gặp khó khăn sản xuất chiến xa cung ứng cho chiến trường vì các biện pháp phong tỏa tài chánh và hàng hóa nhập cảng.

Hồi đầu Tháng Tư, GUR cũng báo cáo rằng một số xưởng đóng tàu Nga nay không thể đóng các chiến hạm mới hay tu bổ chiến hạm đang sử dụng do thiếu tiền và thiếu nguyên vật liệu vốn phải nhập cảng. 

V.Giang - Người Việt
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét