Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

TT Biden Đề Xướng Cải Tổ Tối Cao Pháp Viện Nhân Dịp 60 Năm Ban Hành Đạo Luật Dân Quyền

 

Tổng thống Joe Biden trình bày trước những người tham dự trong lễ kỷ niệm 60 năm Đạo luật Dân quyền tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas, hôm 29/07/2024. (Ảnh: Brandon Bell/Getty Images)

TT BIDEN ĐỀ XƯỚNG CẢI TỔ TỐI CAO PHÁP VIỆN NHÂN DỊP 60 NĂM BAN HÀNH ĐẠO LUẬT DÂN QUYỀN
PKhánh Ngọc biên dịch

‘Chúng ta cần những sự cải tổ này để bảo đảm niềm tin vào các tòa án [và] duy trì hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực vốn rất quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta,’ Tổng thống Biden nói.

Trong bài diễn văn tại Thư viện và Bảo tàng Lyndon Baines Johnson ở Austin, Texas nhân dịp kỷ niệm 60 năm ban hành Đạo luật Dân quyền, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi cải tổ Tối cao Pháp viện.

“Chúng ta cần có một bộ quy tắc đạo đức bắt buộc dành cho Tối cao Pháp viện, và chúng ta cần bộ quy tắc này ngay bây giờ,” ông nói với khán giả hôm 29/07. “Hôm nay, tôi kêu gọi ba điều cải tổ táo bạo để khôi phục lòng tin và trách nhiệm giải trình đối với tòa án này.”

Tổng thống Biden đã phác thảo các cải tổ được đề xướng của mình, bao gồm một tu chính Hiến Pháp tiềm năng: giới hạn nhiệm kỳ 18 năm cho các thẩm phán, một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc, và một tu chính để đảo ngược phán quyết mới đây cấp cho các tổng thống quyền miễn trừ truy tố đối với các hành động theo thẩm quyền khi còn đương nhiệm.

Ông cho biết rằng giới hạn nhiệm kỳ 18 năm được đề xướng bởi một ủy ban lưỡng đảng này đã phân tích các cấu trúc giới hạn nhiệm kỳ khác nhau. Còn bộ quy tắc ứng xử sẽ quy định các thẩm phán phải tiết lộ các món quà tặng, kiềm chế hoạt động chính trị công khai, và tự cáo tỵ khỏi các vụ án mà chính họ hoặc vợ/chồng của họ có xung đột lợi ích về tài chính hoặc xung đột lợi ích khác.

“Hỡi những người đồng hương Mỹ, dựa trên tất cả kinh nghiệm của tôi, tôi chắc chắn rằng chúng ta cần những cải tổ này. Chúng ta cần những cải tổ này để bảo đảm niềm tin vào các tòa án [và] duy trì hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực vốn rất quan trọng đối với nền dân chủ của chúng ta.”

Ông nói rằng đến ngày 04/07/2026, đất nước sẽ kỷ niệm 250 năm ngày ký Tuyên ngôn Độc lập và khoảnh khắc đó sẽ “không chỉ cho quá khứ mà còn cho tương lai của chúng ta.”

“Hãy hình dung về khoảnh khắc đó và tự hỏi, ‘Chúng ta muốn trở nên như thế nào?’ Chúng ta có thể và phải được bảo vệ và mở rộng các quyền công dân của mình tại Mỹ quốc. Chúng ta có thể và phải ngăn chặn việc lạm dụng quyền lực của tổng thống và khôi phục niềm tin vào Tối cao Pháp viện. Chúng ta có thể và phải củng cố các biện pháp bảo vệ nền dân chủ.”

Bài xã luận về cải tổ Tối cao Pháp viện

Trong một bài xã luận được công bố hôm 29/07, tổng thống đã kêu gọi Quốc hội ủng hộ các đề xướng của ông về hai thay đổi quan trọng đối với Tối cao Pháp viện và một thay đổi đối với Hiến Pháp Hoa Kỳ, đồng thời nêu rõ lý do của ông khi theo đuổi những thay đổi mà phe cấp tiến đã tìm kiếm từ lâu.

“Quốc gia này được thành lập dựa trên một nguyên tắc đơn giản nhưng sâu sắc: Không một ai đứng trên luật pháp. Tổng thống Hoa Kỳ cũng không. Thẩm phán trong Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ cũng không. Không ai cả,” tổng thống đã viết trong một bài xã luận được phát hành trên Washington Post.

Trích dẫn 36 năm đảm nhiệm vị trí thượng nghị sỹ Hoa Kỳ và cựu chủ tịch kiêm thành viên cấp cao của Ủy ban Tư pháp, Tổng thống Biden đã viết rằng mặc dù ông “rất tôn trọng thể chế và sự phân lập quyền lực của chúng ta,” nhưng những gì đang diễn ra hiện nay ở Hoa Kỳ là “không bình thường, và làm suy yếu niềm tin của công chúng vào các quyết định của Pháp viện, trong đó có những quyết định gây tác động đến sự tự do cá nhân.”

“Chúng ta hiện đang có một kẽ hở,” tổng thống đã viết.

Trong những năm gần đây, Tối cao Pháp viện đã đưa ra một số quyết định gây ra sự chỉ trích từ Đảng Dân Chủ và những người theo khuynh hướng cấp tiến, trong đó có việc lật ngược phán quyết Roe kiện Wade và, gần đây hơn là phán quyết với tỷ lệ 6 phiếu thuận – 3 phiếu chống kết luận rằng, về nguyên tắc, các tổng thống và cựu tổng thống được miễn truy tố đối với các hành động theo thẩm quyền.

Một viên chức Tòa Bạch Ốc nói với The Epoch Times rằng hôm 29/07, tổng thống đã nêu rõ quyết tâm của ông là sẽ dành thời gian trong năm tháng cuối cùng tại nhiệm để ủng hộ những thay đổi mà ông cho rằng có thể khôi phục niềm tin và trách nhiệm giải trình tại cả Tối cao Pháp viện và chức tổng thống.

Thông báo này được đưa ra một tuần sau khi Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua năm 2024 và tuyên bố tán thành Phó Tổng thống Kamala Harris [tranh cử tổng thống.]

Vào năm 2020, với tư cách là một ứng cử viên tổng thống, ông đã hứa sẽ thành lập một ủy ban để nghiên cứu những thay đổi tiềm năng đối với Tối cao Pháp viện khi một số người theo khuynh hướng cấp tiến kêu gọi mở rộng Tối cao Pháp viện, một hành động mà Tổng thống Biden phản đối. Ủy ban này đã công bố một báo cáo dài 294 trang gửi cho tổng thống hồi tháng 12/2021. Cho đến nay, Tổng thống Biden vẫn chưa hành động gì dựa trên báo cáo đó.

Hành động này là nỗ lực đáng kể đầu tiên của một tổng thống kể từ kế hoạch mở rộng Pháp viện theo khuynh hướng cấp tiến của Tổng thống Franklin D. Roosevelt nhằm ủng hộ những thay đổi đối với hoạt động của Tối cao Pháp viện. Nỗ lực của Tổng thống Roosevelt nhằm thiết lập một tòa án có lợi hơn cuối cùng đã thất bại trước rất nhiều sự phản đối.

Đề xướng của Tổng thống Biden được đưa ra sau nhiều năm vận động của phe cấp tiến nhằm thúc đẩy các cải tổ mà họ ưa chuộng đối với nhánh tư pháp này. Đề xướng này đã gặp phải sự phản đối từ những người có quan điểm theo chủ nghĩa nguyên bản được ưa chuộng rộng rãi trong Đảng Cộng Hòa.

Tòa Bạch Ốc cho biết giới hạn nhiệm kỳ đối với các thẩm phán Tối cao Pháp viện sẽ giúp bảo đảm rằng thời điểm đề cử thẩm phán cho Pháp viện có thể dễ dự đoán được hơn và ít tùy tiện hơn, giảm đi cơ hội mà bất kỳ tổng thống nào cũng có được từ những lần các thẩm phán về hưu.

Trong bài diễn văn hôm 29/07, Tổng thống Biden đã chỉ trích các thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa vì đã ngăn cản Tổng thống Barack Obama đề cử một thẩm phán trong năm bầu cử 2016, rồi sau đó lại đề cử bà Amy Coney Barrett vài tuần trước cuộc tổng tuyển cử năm 2020.

Ngoài ra, Tòa Bạch Ốc cho biết thêm, một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc đối với các thẩm phán, bao gồm việc tiết lộ quà tặng, kiềm chế hoạt động chính trị công khai, và cáo tỵ khỏi các vụ án có xung đột lợi ích, sẽ cải thiện niềm tin của công chúng vào cơ quan này.

Những người chỉ trích bộ quy tắc ứng xử đã bày tỏ lo ngại rằng việc Quốc hội giám sát các thẩm phán sẽ chính trị hóa tòa án này.

Để Tổng thống Biden có thể thành công, các đề xướng của ông sẽ cần 60 phiếu để thông qua tại Thượng viện. Tu chính Hiến Pháp mà ông đề xướng phải đối mặt với nhiều rào cản khác, trong đó cần phải đạt được ⅔ sự ủng hộ tại cả hai viện của Quốc hội hoặc của sự ủng hộ của một hội nghị gồm ⅔ các tiểu bang, và sau đó phải được ¾ các cơ quan lập pháp tiểu bang chấp thuận.

Trước đây, cựu Tổng thống Donald Trump đã viết trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình về những nỗ lực như vậy trong nhánh lập pháp rằng:

“Đảng Dân Chủ đang cố gắng can thiệp vào Cuộc bầu cử Tổng thống, và phá hoại Hệ thống Tư pháp của chúng ta, bằng cách tấn công Đối thủ Chính trị của họ, TÔI, và Tối cao Pháp viện Đáng kính của chúng ta. Chúng ta phải tranh đấu cho Tòa án Công bằng và Độc lập của chúng ta, và bảo vệ Đất nước của chúng ta.”

Tổng thống thứ 45 cũng cáo buộc rằng bất kỳ việc tước bỏ quyền miễn trừ của tổng thống đối với các hành động theo thẩm quyền của các cựu tổng thống đều có nguy cơ chính trị hóa các vụ truy tố và làm suy yếu chức vụ tổng thống.

Khánh Ngọc biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Venezuela: Biểu Tình Nổ Ra Sau Kết Quả Bầu Cử Gây Tranh Cãi

 

Một người biểu tình ném trả lại một bình xịt hơi cay khi những người ủng hộ phe đối lập Venezuela biểu tình tại Caracas, Venezuela, hôm 29/07/2024. (Ảnh: Alexandre Meneghini/Reuters)

VENEZUELA: BIỂU TÌNH NỔ RA SAU KẾT QUẢ BẦU CỬ GÂY TRANH CÃI
Thanh Nhã lược dịch

Lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado cho biết có bằng chứng cho thấy đảng của bà đã đánh bại đảng cầm quyền của Tổng thống Nicolas Maduro.

Hôm 29/07, biểu tình đã nổ ra ở Venezuela sau kết quả bầu cử gây tranh cãi trong đó cả Tổng thống Nicolas Maduro và đối thủ của ông, ông Edmundo Gonzalez, đều tuyên bố chiến thắng.

Nhóm vận động Đài quan sát Xung đột Venezuela đã đưa tin trên mạng xã hội về các cuộc đụng độ giữa một số người biểu tình và lực lượng an ninh. Nhóm này cho biết đã xảy ra hơn 180 cuộc biểu tình tại 20 trong số 23 tiểu bang của đất nước.

“Nhiều hành động đàn áp và bạo lực do các tập thể bán quân sự và lực lượng an ninh thực hiện đã được ghi lại,” nhóm này viết trong bài đăng hôm 29/07 trên nền tảng mạng xã hội X.

Hôm thứ Hai (29/07), những người biểu tình đã phá bỏ bức tượng của ông Hugo Chavez, cố vấn dày dặn kinh nghiệm quá cố của ông Maduro. Ông Chavez được bầu làm tổng thống vào năm 1999 và mất năm 2013. Ông đã mở ra kỷ nguyên cai trị theo đường hướng xã hội chủ nghĩa ở đất nước này.

Bà Maria Corina Machado, lãnh đạo đảng đối lập, đã nói tại một cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng phe đối lập có bằng chứng cho thấy đảng của bà đã đánh bại đảng cầm quyền của ông Maduro trong cuộc bầu cử ngày 28/07.

Bà cho biết 73% số phiếu đã được kiểm đếm mà phe đối lập có thể tiếp cận cho thấy ông Gonzalez đã giành một chiến thắng rõ ràng, bảo đảm số phiếu bầu nhiều hơn gấp đôi so với ông Maduro.

Trong khi đó, vào thứ Hai, các quan chức bầu cử Venezuela cho biết ông Maduro đã giành chiến thắng nhiệm kỳ sáu năm thứ ba, với 51% số phiếu bầu.

Cả đảng cầm quyền và phe đối lập đều kêu gọi những người ủng hộ họ tuần hành.

Hoa Kỳ xem việc tái đắc cử của ông Maduro vào năm 2018 là gian lận. Ông đảm nhận chức tổng thống từ ông Hugo Chavez sau khi vị cựu lãnh đạo này qua đời vào năm 2013. Ông Maduro đã bị các nhà lãnh đạo thế giới gọi là một nhà độc tài.

Những người ủng hộ phe đối lập đã hy vọng rằng một sự thay đổi chính phủ sẽ giúp họ tránh khỏi một nhiệm kỳ sáu năm nữa của ông Maduro.

Dưới sự lãnh đạo của ông, nền kinh tế Venezuela đã sụp đổ, một phần ba dân số đã di cư đến nơi khác và các mối quan hệ ngoại giao đã xấu đi. Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu, và các nước khác đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với quốc gia này, làm tê liệt ngành công nghiệp dầu mỏ đang gặp khó khăn của nước này.

Người biểu tình chạy trốn hơi cay khi những người ủng hộ phe đối lập Venezuela biểu tình tại Caracas, Venezuela, hôm 19/07/2024. (Ảnh: Alexandre Meneghini/Reuters)

Người biểu tình chạy trốn hơi cay khi những người ủng hộ phe đối lập Venezuela biểu tình tại Caracas, Venezuela, hôm 19/07/2024. (Ảnh: Alexandre Meneghini/Reuters)

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc, và các quốc gia khác đã kêu gọi Hội đồng Bầu cử Quốc gia Venezuela công bố toàn bộ số phiếu bầu từ các khu vực bỏ phiếu.

Hôm 29/07, một quan chức trong chính phủ Tổng thống Biden đã nói với các phóng viên rằng những số liệu độc lập mà họ có “trái ngược” với kết quả do chính quyền Venezuela công bố.

Bản tin có sự đóng góp của Reuters

Thanh Nhã lược dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times


Kết Quả Bầu Cử VeneZuela: Rốt Cuộc Ai Là Người Chiến Thắng

 

Hôm 29/7/2024, sau khi chính quyền Venezuela công bố kết quả bầu cử, lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado (phải) và ứng cử viên Tổng thống của phe đối lập Gonzalez (trái) đã nhận lời phỏng vấn của truyền thông. Phe đối lập cho biết liên minh của họ đã nhận được 70% số phiếu bầu chứ không phải 44% như cơ quan bầu cử công bố. (Ảnh: Federico Parra/AFP qua Getty Images)

KẾT QUẢ BẦU CỬ VENEZUELA: RỐT CUỘC AI LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG
Toàn Phong biên dịch

Hôm thứ Hai (29/07), Tổng thống Venezuela Maduro và đối thủ cạnh tranh của phe đối lập Gonzalez đều tuyên bố mình là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela. Nếu ông Maduro tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, điều này sẽ khiến quốc gia Nam Mỹ này tiếp tục bị chôn vùi dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và sự cai trị độc tài.

Người dân Venezuela đã luôn hy vọng rằng cuộc bầu cử lần này sẽ có thể loại bỏ ông Nicolas Maduro, chấm dứt sự kiểm soát và cai trị độc tài bằng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa của ông.

Dựa trên dữ liệu thăm dò sau cuộc bỏ phiếu, lãnh đạo phe đối lập Maria Corina Machado cho rằng ông Edmundo Gonzalez đã giành được 70% số phiếu, mang lại thắng lợi bầu cử to lớn cho họ.

Hoa Kỳ, châu Âu, và các quốc gia dân chủ khác đã bày tỏ nghi ngờ hoặc từ chối công nhận kết quả bầu cử chính thức mà ông Maduro tuyên bố, theo đó ông là chiến thắng. Các quốc gia độc tài như Trung Quốc cộng sản, Nga, và Cuba đã gửi lời chúc mừng tới ông Maduro.

Rốt cuộc ai là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela

Hôm Chủ Nhật (28/07), việc công bố kết quả cuộc tổng tuyển cử ở Venezuela đã bị trì hoãn sáu giờ đồng hồ. Sau nửa đêm Chủ Nhật, Ủy ban bầu cử Quốc gia do những người trung thành với ông Maduro kiểm soát tuyên bố rằng, ông Maduro đã giành được nhiệm kỳ thứ ba với 51% phiếu bầu, trong khi ông Gonzalez chỉ nhận được 44% số phiếu.

Theo Reuters, kết quả này sẽ tiếp tục kéo dài sự cai trị của hệ thống xã hội chủ nghĩa trong suốt ¼ thế kỷ qua ở Venezuela.

Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò ý kiến ​​độc lập cho thấy các cử tri phe đối lập đã thể hiện sự nhiệt tình rất lớn trong quá trình bỏ phiếu. Lãnh đạo phe đối lập Machado cho biết, họ có bản sao của khoảng 40% hồ sơ bỏ phiếu, kết quả trong đó cho thấy đối thủ Gonzalez của ông Maduro đã nhận được 70% số phiếu bầu.

Kết quả thăm dò do công ty nghiên cứu Edison Research, một công ty nổi tiếng với các cuộc thăm dò bầu cử ở Hoa Kỳ và các quốc gia khác công bố cho thấy, ông Gonzalez đã nhận được 65% phiếu bầu, trong khi ông Maduro chỉ nhận được 31%.

Ông Rob Farbman, phó chủ tịch điều hành Edison Research nói với Reuters trong một thư điện tử rằng, “Kết quả chính thức thật ngớ ngẩn”, đồng thời cho biết công ty ông vẫn giữ nguyên kết quả thăm dò của mình. Cuộc thăm dò ý kiến ​​của Edison được thực hiện trên khắp Venezuela, dữ liệu sơ bộ đến từ các cuộc phỏng vấn với 6,846 cử tri tại 100 địa điểm bỏ phiếu.

Kết quả khảo sát của công ty địa phương Meganalisis ở Venezuela dự đoán ông Gonzalez sẽ nhận được 65% phiếu bầu, trong khi số phiếu ông Maduro nhận được thậm chí không đến 14%.

Theo The Associated Press (AP), đảng cầm quyền của ông Maduro đã sử dụng xe buýt để đưa cử tri đến các điểm bỏ phiếu, và một số điểm bỏ phiếu đã bị trì hoãn mở cửa, trong khi các điểm khác vẫn mở cửa nhằm cố gắng thao túng cuộc bầu cử. Các trạm kiểm soát đường phố ở một số vùng của nước này đã hạn chế việc di chuyển của người dân, và được sử dụng để đe dọa những người đang cân nhắc bỏ phiếu chống lại ông Maduro.

Trong bài diễn văn đầu tiên kể từ khi ông Maduro tuyên bố chiến thắng, ông Gonzalez cho rằng kết quả bầu cử rõ ràng đã bị gian lận.

Ông Gonzalez nói: “Người dân Venezuela và cả thế giới đều biết chuyện gì đã xảy ra.”

Còn ông Maduro thì chỉ trích rằng “những kẻ địch ngoại quốc không rõ danh tính đang cố gắng xâm nhập vào hệ thống bỏ phiếu.”

Ông Maduro và ông Gonzalez là ai?

Theo thông tin từ nhiều hãng thông tấn, ông Nicolas Maduro hiện 61 tuổi, xuất thân là một tài xế xe buýt. Ông được nhà độc tài tiền nhiệm của Venezuela là Hugo Chavez phát hiện và đào tạo cẩn thận từ rất sớm. Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela vào tháng 12/1998, ông Hugo Chavez đã chấm dứt truyền thống luân phiên nắm quyền giữa hai đảng phái ở nước này và truyền bá tư tưởng xã hội chủ nghĩa vào quốc gia này.

Ông Maduro từng là Ngoại trưởng dưới thời ông Chavez, và đã lên nắm quyền Tổng thống sau khi ông Chavez qua đời vào năm 2013. Trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela năm 2018, ông Maduro đã “tái đắc cử.” Tuy nhiên Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ khác cho rằng kết quả thắng lợi của ông Maduro vào năm 2018 là do gian lận, và gọi ông là “nhà độc tài.”

Ông Edmundo Gonzalez 74 tuổi, là thành viên phe đối lập ít tiếng tăm, từng là một nhà ngoại giao, ông nổi tiếng với thái độ điềm tĩnh.

Trong cuộc bầu cử ở Venezuela lần này, người chiến thắng thực sự của phe đối lập trong cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức hồi tháng Mười năm ngoái là bà Maria Corina Machado, 56 tuổi. Tuy nhiên, sau đó bà đã bị Tòa án Tối cao do ông Maduro kiểm soát cấm tham gia tranh cử vào bất kỳ chức vụ công nào trong 15 năm. Người thay thế đầu tiên của bà cũng bị Ủy ban Bầu cử Quốc gia cấm ghi danh, và không thể tham gia tranh cử.

Ông Gonzalez từng được xem là người khó có khả năng trở thành người dẫn đầu của phe đối lập nhất vì ông luôn rất kín tiếng. Ban đầu vào hồi tháng Ba năm nay, ông chỉ ghi danh làm “người giữ chỗ thay thế.” Đến tháng Tư, ông mới được bổ nhiệm làm ứng cử viên cuối cùng của phe đối lập, người thay thế cho bà Machado vào phút chót.

Sau khi ông Gonzalez trở thành ứng cử viên của phe đối lập, bà Machado đã hoàn toàn tập trung vào vận động cho chiến dịch tranh cử của ông.

Các quốc gia nghi ngờ chiến thắng của ông Maduro

Đa số các quốc gia dân chủ, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh Âu Châu (EU), và các quốc gia Nam Mỹ, đều không công nhận kết quả bầu cử chính thức ở Venezuela.

Ngay sau khi ông Maduro tuyên bố chiến thắng, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken, người đang thực hiện chuyến công du Nhật Bản, đã lập tức tuyên bố rằng Hoa Kỳ “lo ngại sâu sắc” về kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống ở Venezuela.

Ông Blinken cho biết trong một bài diễn văn tại Tokyo vào hôm 29/07 rằng, Hoa Kỳ lo ngại kết quả này không phản ánh ý nguyện của người dân Venezuela cũng như số phiếu bầu của họ. Ông kêu gọi các quan chức trong Ủy ban Bầu cử công bố minh bạch toàn bộ kết quả ngay lập tức, đồng thời cho biết Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cũng sẽ có phản ứng thích hợp.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi vừa nhận được thông báo từ Ủy ban Bầu cử Venezuela. Chúng tôi vô cùng lo ngại rằng kết quả được công bố không phản ánh ý nguyện hay phiếu bầu của người dân Venezuela.”

“Điều quan trọng là mỗi lá phiếu đều phải được kiểm đếm một cách công bằng và minh bạch, các quan chức bầu cử phải chia sẻ thông tin ngay lập tức và không trì hoãn với phe đối lập và các quan sát viên bầu cử, đồng thời công bố kết quả kiểm phiếu chi tiết. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi vấn đề này rất chặt chẽ và sẽ có phản ứng thích hợp.”

Thượng nghị sỹ kỳ cựu của Quốc hội Hoa Kỳ Marco Rubio đã chỉ trích cuộc bầu cử ở Venezuela là “cuộc bầu cử giả mạo lố bịch và dễ đoán nhất trong lịch sử hiện đại.”

Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares cho biết, Venezuela nên cung cấp thông tin chi tiết về tất cả các điểm bỏ phiếu để bảo đảm kết quả bầu cử có thể được kiểm chứng đầy đủ. Ông nói: “Chúng tôi yêu cầu bảo trì sự bình tĩnh và văn minh trong ngày bầu cử.”

Tổng thống Argentina Javier Milei cho rằng kết quả bầu cử chính thức ở Venezuela là gian lận.

Costa Rica và Peru đã bác bỏ tuyên bố chiến thắng của ông Maduro. Tổng thống Costa Rica Rodrigo Chaves cho biết: “Chúng tôi sẽ hợp tác với các quốc gia dân chủ và các tổ chức quốc tế trên khắp lục địa châu Mỹ để bảo đảm rằng người dân Venezuela nhận được sự tôn trọng mà họ xứng đáng được nhận.”

Chile cho biết họ sẽ không chấp nhận bất kỳ kết quả bầu cử nào không thể xác minh được. Tổng thống Chile Gabriel Boric cho biết kết quả chính thức ở Venezuela “khiến người ta khó mà tin nổi.”

Phe đối lập đã hy vọng một kết thúc hòa bình cho chế độ độc tài, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo?

Theo AP, kể từ năm 2014 sau ba lần biểu tình không lật đổ được ông Maduro, phe đối lập đã đặt niềm tin vào cuộc bầu cử này. Cuộc bầu cử lần này cũng là một trong những cuộc bầu cử hòa bình nhất trong những năm gần đây. Nó phản ánh hy vọng của người dân Venezuela về việc có thể chấm dứt 25 năm cai trị xã hội chủ nghĩa và độc tài mà không phải đổ máu.

Hiện vẫn chưa rõ các hành động tiếp theo của phe đối lập Venezuela sẽ như thế nào. Tuy nhiên, ông Gonzalez cho biết, ông không kêu gọi những người ủng hộ xuống đường hoặc thực hiện bất kỳ hành động bạo lực nào.

Ông Gonzalez cũng nói rằng: “Thông điệp hòa giải và cải cách hòa bình của chúng tôi vẫn tiếp tục … Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đấu tranh và chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi ý nguyện của người dân Venezuela được tôn trọng.”

Phe đối lập kêu gọi bảo trì bình tĩnh, điều này phần nào phản ánh sự mệt mỏi của cử tri với các cuộc biểu tình. Các cuộc thăm dò cũng cho thấy cử tri không còn háo hức xuống đường như trước.

Theo Reuters, hoạt động tranh cử lần này có đặc điểm là chính phủ ông Maduro bắt giữ các nhân viên công tác của phe đối lập, những hành động mà phe đối lập cho là nhằm ngăn cản một cuộc bầu cử công bằng.

Bà Machado đã kêu gọi quân đội Venezuela bảo vệ kết quả bầu cử và cho biết cử tri đã thể hiện rõ rằng họ không muốn ông Maduro. Tuy nhiên, quân đội Venezuela đã ủng hộ ông Maduro lâu nay, và hiện không có dấu hiệu công khai nào cho thấy các nhà lãnh đạo quân đội sẽ từ bỏ chính phủ ông Maduro.

Venezuela có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, từng được xem là nền kinh tế phát triển nhất ở Mỹ Latinh. Tuy nhiên, từ khi ông Hugo Chavez lên nắm quyền, Venezuela đã bắt đầu chuyển từ một quốc gia giàu có sang nghèo đói. Sau khi ông Maduro lên nắm quyền, nền kinh tế của quốc gia này càng suy thoái nhanh chóng, giá dầu giảm mạnh, hàng hóa cơ bản thiếu hụt và lạm phát tăng cao lên tới 130,000%.

Năm 2018, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ đối với Venezuela sau khi hàng chục quốc gia cáo buộc ông Maduro tái đắc cử bất hợp pháp thông qua gian lận bầu cử. Cùng với các lệnh trừng phạt từ Liên minh Âu Châu và các quốc gia khác, ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela đã gần như tê liệt.

Sau khi ông Maduro tuyên bố “chiến thắng” vào hôm thứ Hai (29/07), giá trị trái phiếu của Venezuela và công ty dầu khí quốc doanh PDVSA lại giảm xuống từ 1.5 đến 5 cent.

Hiện tại, rất nhiều người dân Venezuela có thu nhập hàng tháng chưa tới 200 USD/tháng, trong khi chi phí thực phẩm cho một gia đình bốn người ước tính là khoảng 385 USD/tháng. Nhiều người phải làm thêm công việc thứ hai và thứ ba để nuôi sống gia đình.

Trong hai nhiệm kỳ sáu năm đầu tiên của ông Maduro, khoảng 7.7 triệu người Venezuela (tương đương ⅕ dân số của quốc gia này) đã trốn ra ngoại quốc để tìm kiếm cơ hội. Nếu ông Maduro tái đắc cử thành công, có thể chỉ làm gia tăng thêm làn sóng di cư của người dân Venezuela.

Trình Văn thực hiện

Toàn Phong biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ