Thứ Tư, 31 tháng 7, 2024

Bệnh Bạch Hầu: Nguyên Nhân Và Cách Nhận Biết

 

(Ảnh minh họa Pixapay)

BỆNH BẠCH HẦU: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH NHẬN BIẾT

Thu Anh biên tập

Bạch hầu là bệnh do nhiễm vi khuẩn bạch hầu gây ra, có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc. Những triệu chứng của bạch hầu tương đối giống với cảm lạnh thông thường, khiến nhiều người chủ quan nhầm lẫn. Bệnh bạch hầu có tỉ lệ tử vong cao, và có thể bùng phát thành dịch.

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc rất nặng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan cao, có thể trở thành dịch bệnh với tỉ lệ tử vong cao từ 5-10% [1], ảnh hưởng chủ yếu đến người trẻ. Với những người chưa chích ngừa, tỉ lệ tử vong có thể tới 30%. [2] Trẻ nhiễm bệnh càng nhỏ tuổi thì tỉ lệ tử vong càng cao.

Bệnh bạch hầu đặc trưng bởi lớp giả mạc tuyến hạnh nhân, thanh quản, hầu họng, mũi, có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí ở dạng giọt bắn hoặc qua tiếp xúc bề mặt. Bệnh bạch hầu rất hiếm gặp ở các nước phát triển nhưng vẫn còn là căn bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh bạch hầu do vi khuẩn gram âm, hiếu khí có tên là Corynebacterium diphtheriae, thuộc họ Corynebacteriaceae. Họ này gồm các giống Corynebacterium, Erysipelothrix, Listeria, ký sinh trong đất, súc vật và trên cơ thể người. Phần lớn các vi khuẩn thuộc họ Corynebacteriaceae không gây bệnh, chỉ có một số ít gây bệnh cho người.

Vi khuẩn bạch hầu có 3 loại gồm: Gravis, Mitis và Intermedius.

Vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae có thể sinh ra độc tố tiêu diệt tế bào của cơ thể. Điều đó làm cho bệnh bạch hầu nguy hiểm hơn một số loại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác.

Vi khuẩn bạch hầu thường lây lan qua những giọt bắn từ mũi hoặc miệng khi hắt hơi hoặc ho.

Một số người cũng mắc bệnh bạch hầu khi chạm vào khăn lau tay, khăn giấy đã qua sử dụng của người bị nhiễm bệnh hoặc bất kỳ vật dụng nào khác trong nhà có thể chứa vi khuẩn.

Bạn cũng có thể mắc bệnh bạch hầu khi chạm vào vết loét hoặc vết loét hở của người bị nhiễm bệnh. Những người mắc bệnh bạch hầu rất dễ lây lan cho đến 48 giờ sau khi họ bắt đầu được điều trị bằng kháng sinh.

Một người cũng có thể mang vi khuẩn bạch hầu mà không có bất kỳ triệu chứng nào. Các bác sĩ gọi người này là “người mang mầm bệnh”. Người mang mầm bệnh có thể lây bệnh cho người khác trong tối đa 4 tuần.

Nếu bạn nhiễm khuẩn bạch hầu từ người mang mầm bệnh, ngay cả khi người đó khỏe mạnh, vi khuẩn vẫn có thể gây nên nhiễm trùng nghiêm trọng.

Bệnh bạch hầu: Nguyên nhân và cách nhận biết

Một màng bám dày và xám bao phủ amidan, biểu hiện của bệnh bạch hầu… (Wikipedia)

3. Các loại bệnh bạch hầu

  • Bạch hầu cổ điển: Bệnh bạch hầu cổ điển là loại thường gặp nhất, tổn thương xảy ra toàn bộ đường hô hấp trên từ mũi, cổ họng, amidan và thanh quản. Các triệu chứng có thể khác nhau tùy thuộc vào vị trí bị thương.
  • Bạch hầu họng, mũi: Bạch hầu họng, mũi đặc trưng bởi lớp giả mạc dày và dai, màu trắng ngà, bám chắc vào amidan hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng vòm họng. Bệnh nhân có thể có triệu chứng sưng to các hạch vùng cổ và vùng dưới hàm.
  • Bạch hầu thanh quản: Bệnh bạch hầu thanh quản thường xuất hiện với các giả mạc tại thanh quản hoặc từ vòm họng lan xuống bên dưới. Bệnh bạch hầu thanh quản biểu hiện tình trạng nhiễm độc nhiễm trùng. Bệnh này thường gặp ở trẻ em từ 2 – 7 tuổi nên còn gọi là bạch hầu thanh quản ở trẻ em. Bệnh thường lây qua các hoạt động tiếp xúc như nói chuyện trực tiếp, ho, hắt hơi,… giao lưu giữa người lành và người bệnh.
  • Bạch hầu cấp: Bệnh bạch hầu cấp (bạch hầu ác tính) thường xuất hiện từ 3-7 ngày sau khi khởi phát. Người bệnh sốt cao từ 39-40 độ C, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, giả mạc trắng ngà lan rộng, hạch cổ sưng to làm biến dạng cổ dẫn đến hình cổ bạnh.
  • Bạch hầu ngoài da: Đây là loại bạch hầu hiếm gặp nhất, đặc trưng bởi phát ban da, xuất hiện vết loét hoặc mụn nước ở bất kỳ đâu trên cơ thể. Bệnh bạch hầu da phổ biến hơn ở các quốc gia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới hoặc những nơi có mật độ dân cư đông đúc, điều kiện sống và vệ sinh chưa được tốt.

4. Vi khuẩn bạch hầu có ở đâu?

Vi khuẩn bạch hầu có trong cơ thể người bệnh và người lành mang mầm bệnh.

Ở bên ngoài cơ thể, vi khuẩn bạch hầu có thể chịu được khô và lạnh, có thể sống trên đồ vật từ vài ngày đến vài tuần, sống được 30 ngày trên đồ vải, 20 ngày trong sữa, nước uống và trên 2 tuần trong tử thi.

Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu sẽ chết trong vài giờ dưới ánh sáng mặt trời. Ở nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn bạch hầu tồn tại trong khoảng 10 phút.

5. Triệu chứng, dấu hiệu để nhận biết bệnh

Khi vi khuẩn bạch hầu phát triển trong lớp lót ẩm bên trong mũi và cổ họng sẽ bắt đầu tạo ra một lượng lớn chất độc. Chất độc này giết chết các tế bào và tạo ra một lớp màu trắng đục gọi là giả mạc. Giả mạc được hình thành từ tế bào chết, vi khuẩn, chất thải và protein.

Giả mạc này có thể bao phủ các mô mũi, amidan, thanh quản và phần còn lại của cổ họng. Đây là triệu chứng rõ ràng nhất của bệnh bạch hầu và có thể khiến bệnh nhân khó thở và khó nuốt.

Từ cổ họng, chất độc có thể xâm nhập vào máu và gây ra nhiều tổn thương cho các mô và cơ quan khác trên khắp cơ thể.

Các triệu chứng có thể có của bệnh bạch hầu bao gồm:

  • Đau họng
  • Cổ sung to
  • Khó thở
  • Nói khó
  • Sốt và ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Chảy nước mũi

6. Các biến chứng của bệnh bạch hầu

Nếu không điều trị, bệnh bạch hầu có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như sau:

  • Nghẽn đường thở
  • Tổn thương tim (viêm cơ tim)
  • Tổn thương thần kinh (bệnh đa dây thần kinh)
  • Mất khả năng di chuyển (tê liệt)
  • Suy thận
  • Tử vong

7. Điều trị như thế nào

Bạch hầu đã có phác đồ điều trị. Các bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc để chống lại độc tố do vi khuẩn tạo ra bằng cách chích tĩnh mạch hoặc truyền tĩnh mạch. Bệnh nhân cũng sẽ cần dùng thuốc kháng sinh – điển hình là penicillin – để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu trong cơ thể.

Nếu các triệu chứng của bệnh rất nghiêm trọng và khiến bệnh nhân khó thở. Khi đó sẽ cần can thiệp với máy thở.

Thông thường, bệnh nhân sẽ cần nghỉ ngơi từ 4 đến 6 tuần.

Nếu trong nhà có người nhiễm bệnh, không ai nên đến gần bệnh nhân.

Bác sĩ cũng sẽ cần điều trị cho các thành viên thân thiết trong gia đình nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu. Họ cũng sẽ được dùng thuốc kháng sinh để bảo đảm vi khuẩn không lây lan thêm.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bệnh bạch hầu, Pan American Health Organization.

https://www.paho.org/en/topics/diphtheria#:~:text=Diphtheria%20is%20fatal%20in%205,antibiotics%20to%20kill%20the%20bacteria

  1. Bệnh bạch hầu, World Health Organization.

https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/diphtheria

Thu Anh biên tập

Epoch Times Tiếng Việt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét