Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) ước tính mạng lưới đường ống và đường dẫn nước chính cũ kỹ của Hoa Kỳ đã làm hao phí 2.1 ngàn tỷ gallon nước uống đã qua xử lý mỗi năm.
Hơn nữa, cơ quan này dự kiến cần 500 tỷ USD để tiến hành thay thế.
Trong một thông cáo báo chí hồi tháng Năm, chính phủ Tổng thống Biden đã công bố sáng kiến trị giá 3 tỷ USD để thay thế các đường ống làm bằng chì độc hại trong hệ thống cấp nước Hoa Kỳ.
Nguồn tài trợ này là một phần trong gói chi tiêu hơn 50 tỷ USD đã được chấp thuận cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp nước của Hoa Kỳ.
Tòa Bạch Ốc gọi sáng kiến này là “khoản đầu tư lớn nhất vào nguồn nước sạch và an toàn trong lịch sử nước Mỹ.”
Tuy nhiên, con số này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu ước tính của EPA để bù đắp lại tình trạng thất thoát nước do rò rỉ.
“Trong số 2.2 triệu dặm đường ống tạo nên cơ sở hạ tầng nước uống của chúng ta … EPA ước tính rằng có 240,000 vụ vỡ đường ống dẫn nước chính xảy ra ở Hoa Kỳ mỗi năm,” bà Martin chỉ ra.
Bà nhấn mạnh rằng bên cạnh việc “giúp đổi mới và thay thế cơ sở hạ tầng hiệu quả và kịp thời,” điều quan trọng là phải bảo đảm các công ty tiện ích có các chương trình mạnh mẽ về quản lý tài sản, đề ra kế hoạch cải thiện vốn, đánh giá tình trạng, và kiểm soát thất thoát nước.
Bà Martin nhấn mạnh thêm rằng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng cung cấp nước của Hoa Kỳ để giải quyết thách thức này.
Bà Holm gọi mạng lưới đường ống nước của Hoa Kỳ là “độc nhất” vì có số lượng lớn hệ thống cấp nước tính trên đầu người. Bà cho biết điều này tạo ra những thách thức đặc biệt.
“Điều đó có nghĩa là, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, có rất nhiều hệ thống cấp nước rất nhỏ phục vụ cho một nhóm dân số rất nhỏ… điều này dẫn đến tình trạng phân mảnh và kém hiệu quả trong quản lý nước, ngăn cản các nỗ lực phối hợp nhằm sử dụng nước bền vững và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.”
Theo bà Holm, tình trạng phân mảnh này làm phức tạp thêm việc giám sát theo quy định và tiếp cận công bằng tới nguồn nước an toàn và đáng tin cậy.
Theo bà Holm, đối với những người làm việc trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, tình trạng thất thoát nước liên tục do rò rỉ đường ống cũng là một nguyên nhân khiến dòng tiền thất thoát.
Bà cho biết tình trạng thất thoát nước trong một số hệ thống được báo cáo vượt quá 60%. Loại tổn thất do rò rỉ đường ống đó được gọi là “nước không tạo ra doanh thu.”
“Công ty tiện ích đã đưa nước lên từ lòng đất hoặc chuyển nước từ sông về, xử lý, bơm nước vào hệ thống, sử dụng năng lượng để đưa nước ra hệ thống, nhưng lại không nhận được doanh thu nào từ lượng nước đó.”
“Không ai sử dụng nước đó, và nhà cung cấp nước đã mất 60% doanh thu, điều đó có nghĩa là ít tiền hơn được đưa vào quỹ sửa chữa, cải thiện, và mở rộng cơ sở hạ tầng của họ,” bà cho biết.
Trong báo cáo cơ sở hạ tầng mới nhất, Hiệp hội Kỹ sư Dân sự Mỹ đã quan sát thấy cứ sau 2 phút là có một đường ống dẫn nước chính ở Hoa Kỳ bị vỡ, ước tính gây tổn thất 6 tỷ gallon nước đã qua xử lý mỗi ngày.
“Để giải quyết tình trạng này, cần phải đầu tư đáng kể vào việc đổi mới và bảo trì cơ sở hạ tầng,” bà Holm cho biết.
“Điều này bao gồm việc áp dụng các công nghệ hiện đại để phát hiện và sửa chữa những chỗ rò rỉ, ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng ở những khu vực dễ bị hư hại, và tăng cường phối hợp giữa các cơ quan liên bang, tiểu bang, và địa phương để bảo đảm quản lý hiệu quả các mạng lưới cung cấp nước.”
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng đường ống bị hỏng không chỉ gây lãng phí nước. Ô nhiễm từ đường ống làm bằng chì hiện cũng tạo ra những lo ngại đáng kể về sức khỏe tại các thành phố như Jackson (tiểu bang Mississippi) và Flint (tiểu bang Michigan).
Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) thấy rằng thành phố Jackson đã gặp phải các vấn đề về nước như nước đổi màu, áp suất thấp, xuất hiện váng dầu, và có các hạt lơ lửng.
Hơn nữa, sau một thập niên từ cuộc khủng hoảng ô nhiễm nước sinh hoạt đầy tai tiếng tại thành phố Flint, NRDC thấy thị trấn này vẫn chưa hoàn thành chương trình thay thế đường ống nước làm bằng chì.
Hiện tại, dự án thay thế đã làm hư hại gần 2,000 nhà dân ở Flint trong khi hàng chục ngôi nhà khác vẫn đang chờ thành phố kiểm tra chì trong đường ống dẫn nước của họ.
Tình trạng nước nhiễm mặn tại Mỹ cũng đang gia tăng, góp phần làm hư hại đường ống nước và làm giảm lượng nước ngọt trong các nguồn cung cấp nước ngầm.
Năm 2019, Sở Kế hoạch Maryland đã soạn thảo một báo cáo, ước tính mức nhiễm mặn tại tiểu bang này sẽ tăng 15% vào năm 2025.
Nước mặn xâm thực vào đất liền là một vấn đề cũng đã được báo cáo ở Maine, Georgia, và South Carolina.
Khu nghỉ dưỡng nổi tiếng Hilton Head ở South Carolina đã có 10 giếng nước uống phải đóng cửa do nhiễm nước biển, theo Dịch vụ Công cộng Quận của hòn đảo.
Mối quan tâm về sử dụng nước
Các chuyên gia quản lý nước cho biết lượng nước sử dụng là một yếu tố quan trọng khác tác động đến trữ lượng nước đang dần thu hẹp của Hoa Kỳ.
Nghiên cứu cho thấy Hoa Kỳ nằm trong số những quốc gia tiêu thụ nước nhiều nhất thế giới.
Theo Cục Nghiên cứu Kinh tế thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, ước tính 42% tổng lượng nước ngọt sử dụng của quốc gia này là dành cho tưới tiêu nông nghiệp.
Theo phát hiện của EPA, tại các thành phố, các gia đình Mỹ sử dụng hơn 300 gallon nước mỗi ngày.
Bà Holm tin rằng việc bảo tồn nước ở các thành phố chính là rào cản chủ yếu.
“Thay đổi khó khăn nhất cần thực hiện là thay đổi hành vi, đặc biệt là ở cấp độ dân cư.”
Bà cho biết: “Việc khuyến khích các biện pháp tiết kiệm nước như sử dụng thiết bị hiệu quả, khai triển hệ thống và thực hành tưới tiêu thông minh hoặc lựa chọn sân vườn tiểu cảnh không cần nước, thay đổi thói quen sinh hoạt, cũng như thúc đẩy các chiến dịch nâng cao nhận thức về bảo tồn nước có thể giúp giảm đáng kể lượng nước tiêu thụ.”
Bà Holm cho biết tiết kiệm nước có thể đơn giản là tắt vòi nước trong phòng tắm trong khi đang thoa xà bông.
Một phân tích về tổng lượng nước gia dụng từ EPA cho thấy 20% được dùng để tắm trong khi 24% khác được dùng để xả bồn cầu.
Trong khi bà Holm cho biết các bên sử dụng nước thương mại với nhu cầu cao đang cố gắng giảm mức tiêu thụ thì một nhà môi giới địa ốc ở Colorado cho biết sự kết hợp giữa việc mở rộng đô thị và việc sử dụng nước tại nhà dân tăng lên đang đẩy thành phố của ông tiến nhanh đến sự kiện Ngày Không nước.
Ông Andrew Fortune, nhà môi giới địa ốc và là chủ sở hữu của Great Colorado Homes, chia sẻ với The Epoch Times qua thư điện tử rằng: “Tôi cho rằng với tốc độ xây dựng hiện nay của chúng ta thì Ngày Không nước ở Colorado Springs sẽ đến trong 30 năm tới.”
Ông Fortune cho biết sự bùng nổ xây dựng nhà ở tại Colorado Springs đang gây áp lực nặng nề lên nguồn cung cấp nước của thành phố.
Ông nói: “Bảo tồn nước là chủ đề số 1 mà tất cả các nhà phát triển đều nhắc đến ở Colorado Springs. Có một vài khu phố lớn đang xây dựng nhanh hơn tốc độ chúng ta có thể tìm thấy nước để phục vụ các khu vực này. Đây cũng là một vấn đề ở thành phố Denver.”
Ông Fortune tin rằng một trong những nguyên nhân gây ra vấn đề này là công chúng nói chung không biết rằng lượng nước ngầm tại địa phương là có giới hạn.
Ông cho biết nên đưa ra các ưu đãi về thuế cho những người có sân vườn gần như không có cây cối, được gọi là “cảnh quan không cây cối” (zero-scaping).
“Có một sự khác biệt lớn giữa lượng nước sử dụng trong một sân chủ yếu là đá và cỏ với những sân mà tuần nào cũng cần tưới nước để không bị khô héo trong tuần.”
Bên cạnh đợt bùng nổ nhà ở dân dụng, ông cho biết các sân golf và trang trại trồng cần sa cũng nằm trong số những “thủ phạm lớn nhất” gây ra tình trạng sử dụng nước quá mức trong khu vực của ông.
“Đúng, chúng tôi được hưởng ưu đãi thuế từ các doanh nghiệp này, nhưng so với chi phí môi trường thì không đáng.”
Colorado có quy định chặt chẽ để hạn chế các chủ nhà thu gom nước mưa. Mỗi gia đình chỉ được thu thập và lưu trữ tối đa 110 gallon trong các thùng chứa nước mưa từ ống thoát nước của căn nhà.
Bà Holm cho biết người dân ở đây cũng không được phổ cập giáo dục về bảo tồn nước.
“Là một chuyên gia về quản lý nước, tôi thực sự nghĩ rằng chúng ta còn phải đi một chặng đường dài để giáo dục người dân về các vấn đề liên quan đến nước, vì nhiều người vẫn khó có thể nắm bắt được tình trạng khan hiếm nước khi nước vẫn tiếp tục chảy ra từ vòi của họ.”
Bà Holm cho biết việc ngăn ngừa sự kiện Ngày Không nước sẽ đòi hỏi sự kết hợp của các chiến dịch nâng cao nhận thức công chúng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, quy hoạch đô thị, và quản lý tài nguyên—chẳng hạn như thoát nước mưa và thu thập nước mưa ở một số khu vực được chọn—sẽ giúp bảo tồn tài nguyên nước.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ đối với ông Fortune là liệu tất cả các yếu tố kể trên có thể kết hợp đủ kịp thời để tránh một cuộc khủng hoảng nước thảm khốc hay không.
“Đầu tiên, các thành phố phải thừa nhận rằng họ không bền vững,” ông nói.
Nhóm biên dịch tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét