Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2024

Hội Nghị Thượng Đỉnh Về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế 2024: Vì Sao Tổ Chức Ở Châu Á?

 

Từ trái qua, là ông David Curry (Chủ tịch tổ chức Global Christian Relief), TS. Katrina Lantos Swett, và Cựu Đại sứ Sam Brownback. 

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH VỀ TỰ DO TÔN GIÁO QUỐC TẾ 2024: VÌ SAO TỔ CHỨC Ở CHÂU Á?
Hải Di Nguyễn 

Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế 2024: Vì sao tổ chức ở châu Á?

2024-07-25

Tweet của ông Benedict Rogers trên X (trước đây là Twitter) về Hội nghị IRF - Khu vực châu Á 2024: trong hình, từ trái qua, là ông David Curry (Chủ tịch tổ chức Global Christian Relief), TS. Katrina Lantos Swett, và Cựu Đại sứ Sam Brownback. 

 

Hải Di Nguyễn

Ngày 22/7/2024 vừa qua, Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế - Khu vực châu Á (International Religious Freedom Summit – Asia, viết tắt IRF Summit – Asia) đã diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản.

Đây là lần thứ hai có Hội nghị IRF tập trung riêng vào châu Á—sau lần đầu tại Đài Loan năm 2023.

Nhưng vì sao lại tổ chức ở châu Á?

 

Tự do tôn giáo hay niềm tin là quyền căn bản

Buổi hội luận đầu tiên, “Vì sao có Hội nghị Thượng đỉnh IRF – khu vực châu Á?”, có sự tham gia của TS. Katrina Lantos Swett (Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF và Chủ tịch Lantos Foundation) và ông Sam Brownback (Đồng Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh IRF, và trước đây là Đại sứ Lưu động Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế).

Bắt đầu hội luận, người dẫn chương trình nhắc tới Điều 18 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:

“Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm, và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm quyền tự do thay đổi tôn giáo hay niềm tin và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay niềm tin qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phượng, và nghi lễ, riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.”

Cựu Đại sứ Sam Brownback cho rằng quyền tự do tôn giáo hay niềm tin là “quyền gần sát nhất với tâm hồn (closest to the soul)”, nhưng lại là “quyền con người bị lạm dụng và bỏ quên nhiều nhất.” Đây là “một quyền bị các nước độc tài xem thường.”

Những người vô thần hoặc không có đạo có thể hỏi, tôi không theo đạo, tại sao phải quan tâm tới tự do tôn giáo? Ông Sam Brownback giải thích “Đây là nhân quyền nền tảng—khi đã có, từ đó có thể xây dựng quyền tự do hội họp, tự do ngôn luận, và các quyền con người khác.” 

Quan trọng hơn, cái thường được gọi là tự do tôn giáo thực ra là tự do tôn giáo hay niềm tin, bao gồm quyền tin lẫn quyền không tin.

Theo TS. Katrina Lantos Swett, con người là sinh vật duy nhất trên địa cầu đặt câu hỏi “Ta là ai? Vì sao ta tồn tại? Mục đích cuộc đời là gì?”. Mỗi quốc gia, mỗi nền văn hóa, mỗi tôn giáo, mỗi người sẽ có niềm tin khác nhau, nhưng “Mọi người đều có quyền đặt những câu hỏi đó và sống dựa theo câu trả lời mình có được.”

Tuy nhiên, nhiều quốc gia—đặc biệt các chế độ thần quyền và chế độ độc tài—lại không cho người dân có cái quyền rất căn bản đó.

 

Vấn đề đàn áp tự do tôn giáo ở châu Á

plenary 2 IRF 2022

Trong một video đăng trên kênh YouTube IRF Summit năm 2022, họ nhắc tới các vụ đàn áp tôn giáo ở châu Á – Thái Bình Dương như: Indonesia sử dụng luật báng bổ để nhắm vào các cộng đồng tôn giáo thiểu số; luật pháp Malaysia chỉ công nhận Hồi giáo Sunni, không công nhận các nhánh khác của đạo Hồi; Bắc Hàn “là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới cho người Thiên Chúa giáo”; nhà nước cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam “chà đạp, giới hạn, và kiểm soát tôn giáo bằng mọi giá”; người Hồi giáo, Duy Ngô Nhĩ (Uyghur), và Rohingya là nạn nhân diệt chủng ở Trung Quốc và Miến Điện, v.v.

“Châu Á là một trong những khu vực, nếu không phải là khu vực, đa dạng về tôn giáo nhất trên thế giới,” ông Benedict Rogers nói trong phỏng vấn ngày 20/7/2024. “Tuy nhiên, bằng nhiều hình thức, tất cả các tôn giáo đó đều phải đối mặt với sự đàn áp, hạn chế, phân biệt đối xử, và vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở nhiều nơi khác nhau khắp châu Á.”

Ông Benedict Rogers là người sáng lập tổ chức Hong Kong Watch, và là trưởng nhóm Đông Á của tổ chức CSW, tập trung vào Miến Điện, Indonesia, Bắc Hàn, và Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Tự do Tôn giáo Quốc tế - Khu vực châu Á lần này, trong hội luận mang tên “Tự do niềm tin dưới các chính phủ độc tài”, ông nhắc tới Bắc Hàn, Miến Điện, Trung Quốc, Hong Kong, Việt Nam, và Lào. Đặc biệt nhắc tới Trung Quốc, ông nói “Chúng ta có lẽ đang chứng kiến giai đoạn tệ nhất [về tự do tôn giáo] từ sau Cách mạng Văn hóa”, kể đến Tây Tạng, người Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Pháp Luân Công, và đàn áp người Thiên Chúa giáo.

Tại hội luận này, ông Tim Peters (HHK_Catacombs) nói về Bắc Hàn, ông Bob Fu (ChinaAid) nói về Trung Quốc, và TS. Nguyễn Đình Thắng (BPSOS) nói về Việt Nam.

 

Cần liên minh với Nhật Bản, Đài Loan, và Nam Hàn

Tại Hội nghị Thượng đỉnh IRF, vài diễn giả khác nhau đều nói tới ý là cách đây vài chục năm, người ta nghĩ chế độ dân chủ sẽ dần dần thắng thế và các nước độc tài qua thời gian sẽ phải sụp đổ hoặc thay đổi. Thế nhưng trong khoảng 10-15 năm qua, chủ nghĩa độc tài càng lan rộng, các nước độc tài càng vững mạnh và trở thành mối nguy cho toàn thế giới—đặc biệt Trung Quốc, Nga, và Iran—trong khi các chế độ dân chủ lại đang trong tình trạng bị đe dọa.

Chính vì vậy, các nước dân chủ phương Tây cần liên minh, cần sự tham gia của các nước dân chủ ngay tại châu Á như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan.

Cựu Đại sứ Sam Brownback nhắc tới việc Nam Hàn và Nhật Bản là bạn hữu nhưng không phải là thành viên của Liên minh Tự do Tôn giáo và Niềm tin Quốc tế (International Religious Freedom or Belief Alliance, tức IRFBA). 

“Chúng ta cần họ tích cực tham gia và thúc đẩy điều này. Chúng ta dứt khoát cần họ, nếu muốn đứng lên chống lại sự gây hấn của phe độc tài (authoritarian aggression).”

TS. Nguyễn Đình Thắng cũng kêu gọi Nhật Bản lên tiếng với chính phủ Việt Nam về vấn đề tự do tôn giáo.

 

Cơ hội cho Việt Nam

Với việc Hội nghị Thượng đỉnh IRF hướng trọng tâm về phía châu Á, đây là cơ hội để các nhà vận động về nhân quyền và tự do tôn giáo có thể lên tiếng về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam.

Chúng tôi sẽ có thêm bài viết về Hội nghị Thượng đỉnh tại Nhật Bản.

Mạch Sống 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét