Tất cả chúng ta đều biết đến câu chuyện về Caesar và sự chuyển đổi từ nền Cộng hòa La Mã sang Đế chế La Mã. Nhưng ít ai biết đến người tiền nhiệm của Caesar là Lucius Cornelius Sulla. Ông ta đã tạo ra tiền lệ cho một chính trị gia đơn độc thâu tóm quyền lực to lớn, làm rung chuyển nền móng của La Mã và khống chế tiến trình Cộng hòa. Cho đến ngày nay, những tranh cãi xoay quanh nhân vật quan trọng này trong lịch sử La Mã vẫn chưa có hồi kết: Liệu ông ta là một bạo chúa tàn nhẫn hay là vị cứu tinh của La Mã? Chúng ta có thể học được gì về cách thức và thời điểm khi các nền cộng hòa trì trệ và những kẻ độc tài nổi lên từ câu chuyện của Sulla?
Một cuộc đời may mắn
Sulla sinh năm 138 TCN trong một gia đình quý tộc ít tiếng tăm. Theo sử gia cổ đại Plutarch, Sulla từng sống trong cảnh nghèo khó thời niên thiếu. Ông ta thể hiện xu hướng thích xa hoa, chè chén tiệc tùng với các diễn viên và những tên hề mua vui. (Ông ta luôn yêu thích kịch nghệ.)
Mặc dù có một vết bớt kỳ lạ trên khuôn mặt, nhưng Sulla luôn coi mình là người may mắn — đến mức ông ta đã thêm từ “Felix” vào tên của mình — có nghĩa là “kẻ may mắn.” Vận may đầu tiên mỉm cười với Sulla là khi ông ta được chọn làm quan xuất nạp (quaestor: vị quan trông coi quốc khố) — một vị trí tương đương với chức thẩm phán về tài chính trong chính phủ — dưới quyền của vị tướng và chính trị gia rất được kính trọng là Gaius Marius. Đây là khởi đầu cho sự nghiệp chính trị nổi bật của Sulla, khi ông ta thăng tiến từ một kẻ vô danh lên tới đỉnh cao quyền lực ở La Mã, thông qua lộ trình danh vọng “cursus honorum” — thứ tự các chức vụ công quyền tiêu chuẩn dành cho các chính trị gia đầy tham vọng.
Tượng bán thân của Lucius Cornelius Sulla, một trong những nhà độc tài quyền lực nhất ở La Mã. (Ảnh: Tư liệu công cộng)
Sulla hoàn thành vai trò của mình với tư cách là quan xuất nạp trong trận chiến Tướng Marius chống lại Vua Jugurtha, kẻ mà cha hắn từng trợ giúp cho viên tướng người Carthage hùng mạnh, Hannibal — có lẽ cũng là kẻ thù lớn nhất của La Mã trong Chiến tranh Punic lần thứ hai. Sulla sử dụng nhiều mưu mẹo để bắt được Vua Jugurtha, một mình hoàn thành mục tiêu của trận chiến — và đồng thời cướp mất vinh quang của vị chỉ huy Marius. Đây chính là khởi đầu cho một cuộc cạnh tranh dai dẳng, đầy cay đắng, và đẫm máu giữa Sulla và Marius.
Sau khi trở về Rome, Sulla được ca ngợi vì những hành động của mình. Ông ta thích điều đó. Trong cuốn tiểu sử “Lives” (Những Cuộc Đời), sử gia Plutarch viết rằng Sulla vốn có bản tính kiêu căng tự phụ, và lòng ham hư vinh đã khiến ông ta làm một chiếc nhẫn đặc biệt, khắc họa cảnh bắt giữ Jugurtha. Marius cũng rất tức giận về điều này. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong những cuộc cạnh tranh phù phiếm như vậy là mầm mống của một cuộc nội chiến.
Như sử gia Plutarch viết trong bản dịch của dịch giả Dryden, “Những nguyên nhân và động cơ ban đầu của sự thù địch giữa họ thật nhỏ nhặt và ấu trĩ, nhưng sau đó, trải qua một chặng đường dài của những xung đột dân sự đổ máu và những chia rẽ không thể hàn gắn để rồi kết thúc bằng sự độc tài và sự hỗn loạn của toàn bộ đế chế … Tham vọng … trong tất cả các Quyền lực cao hơn, [là] thứ có sức hủy diệt lớn nhất.”
Bất chấp sự ganh ghét đang sôi sục, Sulla và Marius vẫn tiếp tục làm việc cùng nhau. Sulla phụng sự dưới quyền của Marius trong các trận chiến thành công chống lại các bộ tộc Germanic. Marius cũng tiếp tục tận hưởng sự ủng hộ chính trị, khi ông ta được bầu làm quan chấp chính (consul) trong ba năm liên tiếp (104–101 trước Công Nguyên). Vị trí này có nghĩa là, ông ta là một trong hai vị thẩm phán và tướng lĩnh hàng đầu của nền Cộng hòa La Mã, có ảnh hưởng trong nhánh Hành pháp của chính phủ. Giữ chức vụ này trong ba năm liên tiếp là chưa từng có tiền lệ. Việc trao quyền ba nhiệm kỳ như vậy cho thấy xu hướng ở thời kỳ cuối Cộng hòa là phụ thuộc vào một người duy nhất, sẵn lòng giao cho ông ta, có thể nói là, chìa khóa của thành Roma.
Bức tượng bán thân này của Gaius Marius đã lưu giữ diện mạo của ông trong suốt hàng ngàn năm. (Ảnh: Jastrow/CC BY-SA 3.0)
Sulla cũng tiếp tục thăng tiến, leo lên các cấp bậc cao hơn nhờ nịnh hót và hối lộ. Ông ta có được vị trí “Pháp quan” (Praetor: cấp bậc quân sự và dân sự dưới quyền quan chấp chính) vào năm 97 trước Công Nguyên, và sau đó là “Thống đốc tỉnh” (Proconsul: chỉ đứng sau quan chấp chính) vào năm 92 trước Công nguyên.
Thế rồi, một cuộc khủng hoảng bất ngờ làm rung chuyển La Mã: Chiến tranh Xã hội (Social War) hay Cuộc Chiến của Các Đồng minh (War of the Allies) (năm 91–88 trước Công Nguyên) nổ ra — một cuộc nổi dậy của các đồng minh Ý của La Mã nhằm tìm kiếm quyền công dân và các quyền đi kèm. Trong cuộc khủng hoảng đẫm máu này, Sulla đã nhìn thấy tia sáng cơ hội. Ông ta tỏ rõ sự nổi bật của bản thân trong cuộc chiến này — đặc biệt là bằng sự tàn bạo của mình — đến mức ông ta được trao chức quan chấp chính lần đầu tiên vào năm 88 trước Công Nguyên, và được coi là vị tướng hàng đầu của La Mã.
Sulla chớp lấy thời cơ
Một lần nữa, cơ hội lại đến khi Vua Mithridates của Pontus xâm lược các tỉnh của La Mã và tấn công các quân đoàn La Mã. Sulla được giao quyền chỉ huy, nhưng lần này vận may đã ngoảnh mặt lại với ông ta. Một vị quan hộ dân (Tribune: chức quan đóng vai trò ủng hộ quyền lợi của người dân) tên là Publius Sulpicius Rufus đã phủ quyết mệnh lệnh trên và trao quyền chỉ huy cho Marius.
Điều này đã vượt quá sức chịu đựng của Sulla. Ông ta nung nấu thực hiện hành động quyết định chống lại Marius và các đồng minh chính trị, và Sulla biết rằng ông ta nắm giữ lòng trung thành của quân đội. Một đêm nọ, như sử gia Plutarch thuật lại, Sulla mơ thấy một Nữ Thần xuất hiện trước mặt mình. “Cũng chính Nữ Thần này, theo suy nghĩ của Sulla, đã ủng hộ ông ta, và đặt vào tay ông sấm sét và tia chớp, sau đó gọi tên từng kẻ thù một, và ra lệnh cho ông ta đánh bại họ.” Được khích lệ bởi điều này, Sulla dẫn theo 30,000 quân tiến vào thành La Mã. Tại đó, ông ta trút cơn thịnh nộ, hạ lệnh cho binh lính phóng hỏa nhà cửa, “tất cả những gì ông ta làm, không theo bất cứ một kế hoạch nào, mà chỉ đơn giản là bộc phát trong cơn cuồng nộ của mình.” Lúc này, Sulla đã nắm quyền kiểm soát thành cổ.
Ông ta tuyên án tử hình đối thủ cũ của mình là Marius, người đã chạy trốn sang châu Phi. Quan hộ dân Sulpicius Rufus từng phản đối Sulla chỉ huy quân đội, thì kém may mắn hơn: Sulla đã xử tử ông. Rõ ràng, tất cả những chính biến này có nghĩa là, Sulla không phải là nhân vật được lòng dân nhất. Trước việc Viện Nguyên lão quay lưng lại với mình, Sulla đã khôn ngoan tạm thời tránh mặt, bận rộn tập trung vào cuộc chiến chống lại Vua Mithridates.
Trong thời gian Sulla vắng mặt, Marius quay trở lại La Mã, mở ra triều đại cướp bóc và tàn sát ngắn ngủi của riêng mình. La Mã trở thành một con quay, một món đồ chơi bị giật qua giật lại giữa hai vị tướng hung hãn và mối thâm thù của họ. Thế nhưng, vận may lại đứng về phía Sulla một lần nữa, khi Marius qua đời ngay sau khi được bổ nhiệm làm quan chấp chính vào năm 86 trước Công Nguyên, dường như là do nguyên nhân tự nhiên. Phe của Marius cố gắng đưa Sulla trở về để xét xử, nhưng ông ta từ chối.
Sulla trở về sau khi kết thúc thành công cuộc Chiến tranh Mithridates và một cuộc nổi dậy ở Hy Lạp theo cách đầy tàn bạo, cách của riêng ông ta: như một kẻ độc tài. Sulla và các đồng minh, bao gồm Gnaeus Pompeius Magnus, đối thủ nổi tiếng trong tương lai của Julius Caesar, đã nghiền nát tàn dư cuối cùng của phe Marius ở La Mã trong một trận chiến tại Cổng Colline. Sự kiện này dường như đánh dấu cho ngày tàn của nền Cộng hòa. Gần 13,000 người ủng hộ Marius đã bị sát hại trong những ngày sau đó. Dòng Sông Tiber nhuốm máu. Với cái chết của kẻ thù không đội trời chung và tro cốt của hắn bị ném xuống Sông Tiber một cách nhục nhã, quyền lực của Sulla đã đạt đến đỉnh điểm. Ngay cả Viện Nguyên lão cũng không thể kiểm soát được ông ta. Họ thuận tay hủy bỏ sắc lệnh tuyên bố Sulla là kẻ thù của nhà nước. Trên thực tế, ông ta là một kẻ độc tài.
Một góc nhìn về Tiểu Á vào thời kỳ Chiến tranh Mithridatic lần thứ nhất. (Ảnh: PD-US)
Những quyết sách của kẻ độc tài
Có vẻ như Sulla không muốn biến La Mã thành một chế độ quân chủ hay một đế chế, dù ông ta muốn kiềm chế quyền lực của “Những người ủng hộ nhân dân” (Populares), đảng của những người dân thường. Do đó, ông ta bắt đầu ban hành các cải cách nhằm củng cố quyền lực của Viện Nguyên lão. Vai trò của nhà độc tài không phải là điều mới lạ trong lịch sử La Mã — trên thực tế, đó là một phần được chấp thuận trong hiến pháp, rằng vào thời kỳ khủng hoảng, một người có thể được trao quyền lực không giới hạn để giải quyết tình trạng khẩn cấp, nhưng nhiệm kỳ của người được chọn chỉ kéo dài sáu tháng. Tuy nhiên, nhiệm kỳ của Sulla thì vô hạn định.
Một trong những cải cách đáng chú ý nhất của Sulla là hạn chế nghiêm ngặt quyền lực của các vị quan hộ dân (tribune), những người bảo vệ quyền lợi của nhân dân. Có lẽ việc quan hộ dân Sulpicius Rufus phủ quyết quyền chỉ huy của Sulla vẫn khiến ông ta nhức nhối. Dẫu vậy, các quan hộ dân thực sự đã tích lũy được rất nhiều quyền lực, chẳng hạn như ông Tiberius Gracchus đã hoàn toàn phớt lờ Viện Nguyên lão trong dự án cải cách ruộng đất của mình vào năm 131 trước Công Nguyên. Dưới thời Sulla, các vị quan hộ dân đã mất quyền phủ quyết và phải hợp tác với Viện Nguyên lão.
Những cải cách khác của Sulla nhằm ngăn chặn sự thăng tiến nhanh chóng của các chính trị gia đầy tham vọng hoặc tập trung quyền lực vào tay một người — điều vô cùng mỉa mai nếu xét đến câu chuyện của chính ông ta. Ông ta ban sắc lệnh rằng, không ai có thể giữ một chức vụ chính trị cao hơn trước khi phụng sự ở một chức vụ thấp hơn; không ai có thể nắm giữ cùng một chức vụ trong nhiều năm liên tiếp (phải có khoảng cách hai năm); và các thống đốc không thể ở lại tỉnh của họ quá lâu, nhằm ngăn họ xây dựng quân đội riêng và gây ra thách thức cho La Mã. Cuối cùng, Sulla tăng gấp đôi quy mô của Viện Nguyên lão. Sau đó, một điều có thể gây kinh ngạc cho người đọc, Sulla từ bỏ chế độ độc tài và lặng lẽ quy ẩn tại biệt thự của mình ở Campania để viết hồi ký.
Di sản cuối cùng của Sulla là gì? Vẫn chưa thể chắc chắn. Là một nhà độc tài, ông ta đặt ra mục tiêu ổn định nền Cộng hòa, khôi phục quyền lực của Viện Nguyên lão, và ngăn chặn sự trỗi dậy của những nhà dân túy (demagogue). Tuy nhiên, ông ta cũng đồng thời thực hiện các hành động trả thù tàn bạo đối với kẻ thù và để tham vọng lèo lái sự nghiệp chính trị của mình. Thậm chí, khi tìm cách khôi phục nền Cộng hòa, ông ta đã tạo ra tiền lệ và vạch ra tiến trình mà nền Cộng hòa có thể đi — và sẽ — sụp đổ. Câu chuyện chính trị của Sulla đầy rẫy những bất bình cá nhân, những cạnh tranh khốc liệt và đố kị, coi thường pháp luật, và việc sử dụng bạo lực cho mục đích chính trị — chính là điềm báo hoàn hảo cho câu chuyện về Caesar và sự sụp đổ cuối cùng của nền Cộng hòa.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét